Internet đã vào Việt Nam được hơn 15 năm. Đó cũng là chặng đường chứng kiến nhiều sự thay đổi trong hầu hết các lĩnh vực tinh thần của xã hội, mà văn học chỉ là một trường hợp. Mạng hóa văn học là một hiện tượng phổ biến: văn học được đưa lên không gian mạng internet, được số hóa, ngược lại chính mạng internet đã xâm nhập vào không gian truyền thống của văn học, nó điều chỉnh, thay thế và làm đảo lộn các hình thức lưu truyền truyền thống của văn học. Thời bút lông, bút sắt đi qua rất nhanh. Bây giờ là thời máy tính, bàn phím, điện thoại, internet lên ngôi. Mọi hoạt động, chủ thể của đời sống văn học (sáng tác, lưu trữ, lưu truyền, tiếp nhận), theo xu hướng hiện đại, chuyển dịch dần sang thế giới mạng, gắn bó chặt chẽ với không gian mạng. Các diễn ngôn về thực thể văn học mạng cũng phong phú dần theo sự lớn mạnh của internet: người viết đủ thế hệ và thành phần ban đầu phủ định, hoài nghi, sau buộc phải thừa nhận, chủ động tham dự vào văn học mạng. Ngày càng có nhiều người viết (nhà văn , nhà thơ, nhà phê bình và bạn đọc phổ thông nói chung) lập blog, website cá nhân, facebook…. để được tự do đăng tải, giới thiệu sáng tác mới, tiến hành phê điểm các văn bản mà họ quan tâm.

Sự bùng nổ của truyền thông xã hội (truyền thông đại chúng hóa, truyền thông giữa các nhóm xã hội, giữa một người với một nhóm hoặc nhiều nhóm) và truyền thông giữa các cá nhân với nhau, sự ứng dụng mạnh mẽ các kĩ thuật truyền thông hiện đại, các máy móc – phương tiện điện tử đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng đối với sáng tác và phê bình văn học. Văn học đang thay đổi chóng vánh, quá phong phú, bề bộn, phức tạp, vượt ra ngoài những tham vọng kiểm soát, chi phối, định trước cục diện của bất cứ cá nhân nào. Chúng ta đã có thêm một loại hình văn học mới, văn học mạng và một thế hệ văn học mới đi liền với nó, thế hệ F.

 

Đã có nhiều cách định danh khác nhau, về thế hệ phê bình mới sau 1986, nhất là từ những năm 90 trở lại đây. Phổ biến và “quen miệng” nhất vẫn là những cái tên như: phê bình trẻ, phê bình thế hệ 7X, 8X….

Cách gọi thứ nhất, đã có từ lâu và còn chung chung, chưa thích hợp đối với việc chỉ ra diện mạo và bối cảnh sinh thành của những người cầm bút mới, thậm chí ở chỗ này chỗ khác cách định danh đó còn ngụ ý đánh giá thấp cả về tri thức, kinh nghiệm, lẫn phương pháp phê bình của thế hệ phê bình mới này. Gần đây, trong cuộc giới thiệu 2 cuốn sách mới xuất bảnKhông gian văn học đương đại và Mùi chữ, hai tác giả Đoàn Ánh Dương (1984) và Nguyễn Hoài Nam (1975) thắng thắn chối từ danh xưng “phê bình trẻ”, theo họ thì họ không còn trẻ nữa, họ không phải là “nhà phê bình trẻ”, họ ngầm ý rằng mình bình đẳng về tất cả mọi mặt (học thuật) so với những nhà phê bình “có tuổi” khác ở ta. Tính thời gian cầm bút, tính tuổi nghề có thể họ chưa nhiều, nhưng về tuổi đời thì một người 29 tuổi, còn người kia đã 38.

Tự tin về tri thức, phương pháp phê bình của mình, có ý thức về cá tính, sự độc lập, có mảng đề tài riêng để theo đuổi, có một bảng từ vựng và văn phong riêng, không chịu để cho người khác xoa đầu, dạy bảo,… đó là một trong những đặc điểm của phê bình thế hệ mới.

Cách gọi thứ hai (7X, 8X…) xuất phát từ góc độ xã hội học, là cách gọi mới nảy sinh, có phần tùy tiện, không có nhiều ý nghĩa trong việc khu biệt về thế hệ. Thế hệ 7X và 8X trên thực tế, đều viết trên một nền tảng văn hóa xã hội mới, họ cơ bản chia sẻ với nhau một tâm thế mới, vấn đề mới, tất nhiên cách giải quyết vấn đề của họ có thể ít nhiều khác nhau. Nếu nói về chuyện khoảng cách thế hệ được rút gọn thì ví dụ đích đáng và rõ rệt nhất là sự kết nối giữa lứa sinh năm 70 và 80, chứ không phải giữa họ với các thế hệ trước đó; nói cách khác, chúng ta đang có một cộng đồng những người viết mới gắn với sự bùng nổ truyền thông hiện đại.

Chúng tôi gọi thế hệ phê bình văn học, xuất hiện từ sau những năm 90 trở lại đây, ở Việt Nam, là Phê bình thế hệ F. Một vài gương mặt Phê bình thế hệ F hiện nay ở ta: Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Thanh Tâm, Cao Việt Dũng, Đoàn Ánh Dương, Phùng Gia Thế, Nhã Thuyên, Mai Anh Tuấn, Đỗ Văn Hiểu, Phan Tuấn Anh, Đoàn Minh Tâm, Nguyễn Mạnh Tiến, Trần Thiện Khanh, Đỗ Hải Ninh, Hoài Nam, Phạm Xuân Thạch, Phùng Ngọc Kiên, Nguyễn Thị Từ Huy, Hồ Khánh Vân, Trần Lê Hoa Tranh, Nguyễn Thị Ngọc Minh, Hoàng Phong Tuấn, Phạm Văn Quang, Nguyễn Duy Bình, Phạm Quốc Lộc, Nguyễn Chí Hoan, Khánh Phương…

Chữ F ở đây không nên hiểu hẹp là facebook, mà là một biểu tượng về truyền thông. Phê bình F là phê bình gắn với sự bùng nổ truyền thông, bối cảnh toàn cầu hóa, mạng hóa; là thế hệ phê bình tiêu biểu cho thời đại mới, chịu ảnh hưởng của các phượng tiện kĩ thuật hiện đại, họ tận dụng được những thế mạnh của thế giới truyền thông và không gian đại chúng để kết nối, thu nhận thông tin, suy tư về văn học, phát biểu ý kiến cá nhân về văn học và những vấn đề liên quan. Nếu hiểu truyền thông là một loại ý thức hệ thì thế hệ phê bình F gắn bó với một ý thức hệ mới như thế.

Thế hệ F không phải là đối tượng tiệu thụ văn học một cách đơn thuần mà là thế hệ sáng tạo ra văn học, định nghĩa lại văn học, làm thay đổi sâu sắc văn học. Họ là thế hệ tiếp xúc với nhiều trào lưu tư tưởng triết học phương Tây hiện đại, chủ động đối thoại – nghiên cứu những đối tượng vẫn bị xem là bên lề, “nhạy cảm”, thậm chí họ còn can đảm giải cấu trúc những giá trị truyền thống của văn học, nỗ lực thiết lập nên những “gương mặt” và diễn ngôn mới về văn học. Thế hệ F xuất hiện như một tiếng nói mới, một cá tính, một giá trị; họ là một nhóm mới trong đời sống văn học. Một số nhà phê bình thế F biểu lộ rằng các cá nhân phải tự trị hóa thông điệp, thoát khỏi mọi ràng buộc; những người này bộc lộ sớm ý thức giải thiêng văn học, giễu nhại thứ văn học mà họ xem là không còn giá trị/không có giá trị đích thực; ngược lại họ cũng đề cao những văn bản, mà trong con mắt của thế hệ trước (hoặc độc giả không chuyên) hoàn toàn không có tính văn học, phi văn học. Thế hệ phê bình F dám đánh cược tương lai của mình trong những cái viết tự do. Họ là hiện thân của một cuộc cách tân văn học trên phạm vi toàn cầu. Thế hệ F có ngôn ngữ phê bình của riêng họ.

Trở ngược lịch sử tên gọi. Theo Yến Thanh (một nhà phê bình thuộc thế hệ chúng ta đang nói), cái tên phê bình thế hệ F lần đầu tiên được Trần Thiện Khanh dùng thay cho cách gọi thế hệ phê bình trẻ quen thuộc. Yến Thanh viết: “Nhiều người định danh thế hệ phê bình mới này theo tuổi, tức 7x, 8x, 9x. Một số người khác, gọi tên thế hệ này dựa trên “cách viết đặc thù” của họ, là “thế hệ viết trên mười đầu ngón tay” (nhà thơ Hữu Thỉnh – BTX). Chúng tôi lại muốn chọn cách định danh của Trần Thiện Khanh (xin xem phebinhvanhoc.com.vn) – một người nằm trong thế hệ, rằng đó là thế hệ phê bình f. f hẳn nhiên có nhiều nghĩa, có thể giải thích là fast (nhanh nhạy), fun (vui vẻ – hiểu theo lí thuyết trò chơi), fabulous (phi thường), hay f theo di truyền là nhằm chỉ các thế hệ (f1, f2…), nhưng theo chúng tôi, f trước tiên là facebook. Khi định danh một thế hệ phê bình facebook, tức chúng ta đang nói tới nền tảng viết của nó, tức viết trên nền tảng mạng. “Mười đầu ngón tay” chỉ dừng ở cách viết trên máy tính, “f” đi xa hơn bước nữa, viết bằng “ngôn ngữ nhị phân của máy tính” trên mạng toàn cầu internet. Lấy facebook làm biểu tượng, dĩ nhiên còn một ý nghĩa sâu xa khác, đó là cách thức kết nối và cách thể hiện sự quan tâm đặc thù của thế hệ này đối với đời sống văn học.”(Yến Thanh, Văn nghệ Trẻ số 49/2013).

Như đã nói, F không nên coi là sự viết tắt của chữ facebook hay bất cứ một chữ tiếng Anh cụ thể nào; F cần phải được hiểu là một ký hiệu, một biểu tượng về truyền thông xã hội nói chung thì đúng hơn (trong đó facebook chỉ là một trang mạng xã hội phổ biến). Phê bình thế hệ F là khái niệm rộng, khái quát hơn phê bình thế hệ facebook. Phê bình thế hệ F ra đời ở Việt Nam từ những năm 90 của thế kỉ XX, nghĩa là chỉ khi Việt Nam hòa vào mạng internet toàn cầu thì những điều kiện cho sự hình thành nó mới xuất hiện. Thế hệ F là thế hệ phê bình của hoàn cảnh hậu hiện đại, của xã hội đại chúng, của thời đại toàn cầu hóa, hội nhập, một thế hệ mang tinh thần giải lãnh thổ hóa, phi trung tâm hóa chính phê bình văn học và sáng tác văn học.

Trên thực tế, việc mạng hóa sáng tác, truyền thông và phê bình văn học không chỉ dừng lại ở những người sinh năm 7X, 8X,9X… mà có cả các thế hệ 4X, 5X, 6X, nhưng phải khẳng định ngay rằng, những người viết thuộc thế hệ 4X, 5X, 6X không thể gộp chung vào thế hệ phê bình F. Bởi tâm thế, nền tảng tri thức, sự trải nghiệm, phương pháp phê bình và những vấn đề quan tâm của họ khác về cơ bản với thế hệ F (thế hệ xuất hiện sau), khác cả về ngữ cảnh văn hóa xã hội và ngôn ngữ phê bình. Thế hệ 4X, 5X, 6X tìm đến thế giới mạng internet toàn cầu, lập các blog, website cá nhân, facebook… trước hết là để làm mới mình, để theo kịp xu hướng, trào lưu, để được “sống một cuộc đời khác” trong một không gian mới, để có thể tiếp tục giành lấy cho mình một địa vị vẻ vang, hay tiếp tục gây ảnh hưởng về tiếng nói định giá như trước kia họ đã từng có được. Nhiều người thuộc thế hệ 4X, 5X, 6X sử dụng được máy vi tính, song chỉ ở những thao tác đơn giản, họ cũng biết đến blog, internet, facebook, nhưng nhiều người không thành thạo, không thường xuyên tham dự, không viết, đọc, suy tư trong môi trường mạng toàn cầu, họ cũng đánh giá dè dặt, và đầy định kiến với văn học mạng, phê bình văn học mạng. Khởi đầu của họ là một nền tảng khác. Họ đến với internet, với truyền thông xã hội để “nối dài sự viết”, để thêm fan; nếu không gia nhập mạng toàn cầu cũng không ảnh hưởng nhiều đến địa vị “bảng phong thần” của họ. Tên tuổi, sự đóng góp của họ dường như đã được công chúng biến đến, và có thể đã được hợp thức hóa bởi các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp nào đó.

Nhưng thế hệ phê bình F thì khác, sự bùng nổ của truyền thông, thành tựu của truyền thông xã hội có tác động mạnh mẽ đến họ. Các nhà phê bình thế hệ F thành thạo mạng internet, tham dự trực tiếp, thường xuyên và làm nên gương mặt chính của văn học mạng. Sự bùng nổ của truyền thông xã hội không chỉ là một cơ hội mà còn là một thách thức đối với thế hệ F. Không phải ngẫu nhiên, ngày càng có nhiều tiểu luận, công trình nghiên cứu của thế hệ F trích dẫn, tham khảo các nguồn tin, các văn bản từ Internet (bao gồm cả các trang không chính thống), trong khi xu hướng chung của thế hệ 4X, 5X, 6X là duy trì, thực thi những chuẩn mực cũ.

Tuy nhiên, cũng sẽ là hạn hẹp khi hiểu rằng, phê bình thế hệ F chỉ gắn với môi trường mạng Internet, với blog, facebook, website, hoàn toàn khước từ con đường chính thống hóa. Báo chí in và hình thức xuất bản giấy vẫn là một lựa chọn của phê bình thế hệ F. Nhưng dù có lựa chọn phương thức truyền thống này thì nền tảng, tâm thế, tri thức, cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề của phê bình thế hệ F vẫn khác rất nhiều so với thế hệ đàn anh, các bậc thầy của họ. Tất nhiên, không phải tất cả những cây bút thuộc thế hệ phê bình F đều có lối viết như nhau; thời nào cũng vậy, thế hệ phê bình nào cũng vậy, có người giỏi, sắc sảo, có người thường thường bậc trung, có người thiên về tìm tòi những cái mới và lựa chọn nghiên cứu những đối tượng cấm kỵ/nhạy cảm, có người thiên về xu hướng khẳng định những “giá trị vĩnh cửu”; nghĩa là có kẻ viết không có bản sắc, ngôn ngữ và tư duy của họ bị hệ thống chính trị, đạo đức luân lí hiện thời nhào nặn, chi phối mạnh mẽ; có người tự do phóng túng hơn, muốn giữ cá tính và bản sắc của mình nên đã chấp nhận một thân phận bên lề nào đấy… Bởi thế, nếu đây đó, chúng ta bắt gặp những cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề không mới, những con người nổi loạn, những cá tính chưa được hợp thức hóa, những sai lầm, thiếu sót nào đó…. thì cũng nên xem đó là chuyện bình thường, và không phải vì vậy mà gạt họ ra khỏi thế hệ F. Thế hệ nào cũng có giới hạn và thế mạnh riêng của họ.

Thế hệ F là thế hệ của những hy vọng. Thế hệ của tương lai. Và của lịch sử văn học.

Bùi Thị Xuân

(Ảnh minh họa vnexpress.net)

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version