Văn học mạng là một loại hình văn học mới ra đời ở Việt Nam được khoảng hơn chục năm. Sự ra đời của văn học mạng gắn liền với hiện tượng toàn cầu hóa, trước hết là quá trình phát triển của Internet, sự hình thành của không gian văn hóa – xã hội mới, sự thành lập báo điện tử, sự bùng nổ của các trang mạng xã hội, các trang thông tin tổng hợp, các loại blog, website.
Sản phẩm của thế hệ mới
Văn học mạng là sản phẩm của thế hệ sáng tác mới, của lớp độc giả văn học mới. Chủ thể (ở đây là chủ thể thị dân) bao giờ cũng là yếu tố quyết định sự ra đời của một loại hình văn học mới: nếu không có chủ thể thị dân, nền văn hóa kĩ thuật hiện đại, sự giao lưu hội nhập, thì không có loại hình văn học mạng. Văn học mạng là sản phẩm đặc thù của đời sống đô thị hiện đại, của người viết trẻ.
Để trở thành một “nhà văn mạng”, có sáng tác văn học mạng thì tác giả của nó trước tiên phải là một công dân mạng, nghĩa là không phải ai cũng có thể trở thành nhà văn mạng, sáng tác, công bố trên mạng. Anh ta phải là độc giả của mạng Internet, gắn bó, thuần thục kỹ thuật truy cập internet, và mạng internet ảnh hưởng đến tư duy sáng tác của người viết, trở thành phương tiện sáng tác, tương tác của anh ta với các độc giả khác. Ở buổi đầu, nhà văn mạng có thể là nghiệp dư đối với hình thức sáng tác, in ấn truyền thống, nhưng phải là một người viết chuyên nghiệp trong trường mạng internet toàn cầu.
Trước năm 1997, ở Việt Nam chỉ có một hệ thống kết nối Internet, đó là Varenet Hạn chế của Varenet là phạm vi sử dụng hẹp (chủ yếu phục vụ lĩnh vực nghiên cứu khoa học và giáo dục), có rất ít dịch vụ, chức năng được khai thác (chủ yếu sử dụng email), số khách hàng người Việt khai thác internet chiếm số lượng rất nhỏ (khoảng 10% số khách hành thường xuyên), muốn truy cập Internat phải thông qua điện thoại viễn thông quốc tế. Cuối năm 1996, Hội nghị trung ương 2 khóa VIII cho phép mở Internet ở ta. Tháng 11 -1997, Chính phủ Việt Nam quyết định chính thức kết nối Internet tạo tiền đề cho việc hình thành báo điện tử, sự phát triển của các trang mạng xã hội, blog, website… Đó cũng chính là tiền đề hình thành, phát triển, du nhập của loại hình văn học mới kể từ sau Đổi mới: văn học mạng.
Phạm vi sáng tác, công bố, tiếp nhận văn học mạng rất rộng. Trước hết là môi trường mạng internet toàn cầu: các blog, website, các trang mạng xã hội, các chuyên trang, chuyên mục văn hóa, văn nghệ của báo chí điện tử đều có thể trở thành nơi công bố, tiếp nhận văn học mạng. Phải được sáng tác, tiếp nhận sống động trong môi trường đặc thù như thế, mới là văn học mạng. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, văn học mạng cũng tìm về con đường xuất bản truyền thống: sau một thời gian công bố, chia sẻ trên mạng internet, tác phẩm văn học mạng có thể được người sáng tác lựa chọn để xuất bản dưới dạng các ẩn phẩm sách giấy. Trở về hình thức xuất bản truyền thống vừa như một cách khẳng định sự tồn tại vừa như một nỗ lực hợp thức hóa và cạnh tranh thị phần của văn học mạng.
Văn học mạng được hiểu theo nghĩa rộng nhất, là văn học được sáng tác, công bố, lưu truyền và tiếp nhận trong môi trường mạng Internet toàn cầu. Đó là một bộ phận của đời sống văn hóa và văn học đương đại.
Dòng văn học của nữ giới
Sự phát triển của văn học mạng (tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, nhật ký…) ở ta nằm trong bối cảnh lên ngôi của văn học nữ. Sự hình thành văn học mạng ở Việt Nam từ ban đầu đã gắn với nhu cầu tự thuật của tác giả nữ. Hình thức đầu tiên của văn học mạng là tự truyện. Trần Thu Trang được xem là nhà văn mạng đầu tiên ở Việt Nam. Nhật ký tình yêu TIO (Nxb.Hội Nhà văn, 2006), Phải lấy người như anh (Nxb. Lao động, 2006), Cocktail cho tình yêu (Nxb. Lao động, 2007)… của Trần Thu Trang đến nay vẫn được bạn đọc và giới phê bình truyền thông, xem là những tác phẩm văn học mạng đầu tiên ở Việt Nam được in thành sách; trong đó Phải lấy người như anh là cuốn thành công nhất của tác giả về mặt “thương mại”. Đến nay chị là một trong những nhà văn có tác phẩm văn học mạng được xuất bản nhiều nhất. Sau Phải lấy người như anh, chị xuất bản 99 tuần buôn chuyện (Nxb. Hội Nhà văn,2008), Để hôn em lần nữa (Nxb.Thời đại, 2011)… Trần Thu Trang cũng thuộc lớp nhà văn đầu tiên có ý thức tuyển chọn, giới thiệu văn học mạng; tập truyện mini Tí ti thôi nhé – Ai bảo phụ nữ nói nhiều? (Nxb.lao động, 2007),tuyển chọn sáng tác của nhiều tác giả, là một ví dụ.
Sau Trần Thu Trang, Chuyện tình New York của Hà Kin (Nxb. Hội Nhà văn, 2007) được xem là một thành công khác của văn học mạng Việt. Văn bản Chuyện tình New York được xuất bản lần đầu trong hình thức độc đáo: song ngữ, có kèm theo audibook (sách nói, có kịch bản âm nhạc, nhà văn lựa chọn lồng ghép các bản nhạc phù hợp tâm trạng nhân vật, tự thu giọng hát của mình để minh họa cho câu chuyện). Đây là sự kiện, hình thức mà trước đó chưa từng xuất hiện.
Cùng thời điểm xuất hiện của Cocktail cho tình yêu, Chuyện tình New York… dịch giả Trang Hạ giới thiệu với bạn đọc trong nước một tác phẩm văn học mạng của nhà văn trẻ Tào Đình (Trung Quốc): Xin lỗi, em chỉ là con đĩ (Nxb. Hội Nhà văn, 2007). Điều đáng nói, ở Trung Quốc, Xin lỗi, em chỉ là con đĩ không gây được sự chú ý nào khi xuất bản, ngay cả khi nó được đổi tên. Nhưng đến Việt Nam nó nhanh chóng nổi tiếng, được tiếp nhận một cách ồn ào. Trước Xin lỗi, em chỉ là con đĩ, Trang Hạ đã có tập truyện Những đống lửa trên vịnh Tây Tử, đoạt giải thưởng Văn học cho tuổi trẻ năm 2004 của Nxb. Thanh Niên, nhưng không được xuất bản do viết về đề tài nhạy cảm (đồng tính). Đến đầu năm 2007 tác phẩm Những đống lửa trên vịnh Tây Tử được ra mắt bởi Nxb. Hội Nhà văn.
Quyền lực thuộc về đàn ông
Sau Trần Thu Trang, Hà Kin, Trang Hạ, văn học mạng Việt Nam tiếp tục được biết đến với tập truyện Ma Net (Nxb. Văn học, 2008) của Đặng Thân, tập truyện Dị bản của Keng (Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2008)… Đến Ký ức vụn (Nxb. Hội Nhà văn, 2009) của Nguyễn Quang Lập lần đầu tiên thể loại tạp văn ở loại hình văn học mạng được đề cao.
Lắng lại một thời gian ngắn, năm 2011 Đặng Thân xuất bản tiểu thuyết mạng3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]. Sau đó một năm (2012), Đặng Thân tổ chức buổi trình diễn được gọi là đa thoại về một tiểu thuyết mạng, vừa được in ấn (2011) theo hình thức truyền thống: 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]. Buổi trình diễn đó được báo chí giới thiệu là “một cuộc chơi văn chương mới chưa từng có trên thế giới”, và bản thân tác phẩm cũng được một số nhà nghiên cứu đánh giá cao như một “bước ngoặt quan trọng bậc nhất về lối viết” trong nền văn học Việt Nam đương đại, một bước ngoặt của văn học hậu hiện đại, một điển hình của văn học hậu đổi mới. Sự kiện này được quảng bá rộng rãi, gây chú ý dư luận. Có lẽ, chưa bao giờ văn học mạng, một nhà văn mạng (hầu hết các tác phẩm của tác giả được xuất bản trên mạng trước khi in giấy) được đề cao như thế ở Việt Nam. Văn học mạng tiếp tục gây ồn ào.
Năm 2013, Phong Việt với Đi qua thương nhớ (tập hợp các tác phẩm đăng trên Facebook) là cái tên được báo chí nhắc đến nhiều. Đi qua thương nhớ là tác phẩm thơ đầu tiên thuộc loại hình văn học mạng được giới truyền thông chú ý, miêu tả thành công về mặt tiêu thụ như một “cơn sốt”. Trước đó, về thơ đã có nhưng không gây được sự chú ý đặc biệt.
Văn học mạng là thứ văn học được mã hóa hai lần, nhà văn mã hóa ngôn ngữ giao tiếp của mình để truyền đến người đọc, sau đó đến lượt mình máy tính, mạng internet lại thực hiện mã hóa theo cơ chế riêng của nó, thành các kí hiệu số. Máy tính, mạng internet là những thứ khiến cho hệ thống kí hiệu của người viết trở thành văn bản văn học mạng. Văn học mạng, xét theo nghĩa này, là văn học của những cái biểu đạt, các hình thức biểu đạt bất định.
Văn học mạng luôn ở trong “tình trạng đang được viết ra” và thực sự chưa hoàn kết. Nó gia nhập vào hệ thống thông tin mạng toàn cầu trong tư cách một tài nguyên, dữ liệu, dịch vụ, thông tin, đồng thời là thành tố cấu thành, một kí hiệu thuộc về môi trường Internet.
Thụy Du
Nguồn: Toquoc