Bút kí. VÕ DIỆU THANH
Sét rạch ngang trời.
Tiếng sấm vọng lại cảm tưởng như đang có trận đánh nhau dữ dội giữa không trung. Lần này tôi quyết đội mưa băng về biên giới để về thăm cô Ba Hương. Thoắt đi thoắt lại mà đã sáu năm xa nẻo, hết mùa mưa này đến mùa mưa khác cản bước. Lời hứa về với cô Ba cứ xa dần, xa dần…
Nhớ lại cách đây sáu năm tôi cùng đoàn chú Trần Việt (Phó ban tuyên giáo huyện Tân Châu) ghé thăm cô Ba Hương ở xã Vĩnh Hòa, huyện Tân Châu, An Giang. Chúng tôi theo chân cô Ba đi qua vườn xoài thơm Vĩnh Hòa nhìn cho được sông Tiền. Hạn dài, nhưng dưới kia dòng Tiền Giang vẫn dập dềnh nước. Tôi luôn bị thôi miên bởi màu nước tháng giêng, cảm nhận được trong sắc xanh mê hoặc đó có vị ngọt của trà, của cà phê hòa quyện vào nhau đi thẳng vào tâm hồn. Mới ngẫm ra xoài thơm chỉ thích đất này, hỏi sao lòng người xứ này không hào sảng. Chú Việt đứng bên ngập ngừng nâng quả xoài chín vàng ươm lên, như sợ quả xoài vụt mất. “Đúng là đất lành âm thầm nuôi trái ngọt. Người lành lặng lẽ tỏa hương. Chú không nói quá đâu. Cháu chuyển đời cô Ba thành tiểu thuyết đi. Chiến tranh qua rồi, tuổi đôi mươi của người con gái đẹp nhất vùng đã qua đi trong bom đạn cùng ba lần vào tù ra khám. Cháu không thể chối từ”. Tôi lắng nghe, lắc đầu. Tôi sợ chiến tranh lắm. Bởi nó khốc liệt, cay đắng và ám ảnh. Tôi sợ mình chưa từng sống qua nên khi viết sẽ không diễn đạt hết được tâm lí của người trong cuộc.
Nhưng rồi người chối từ kể về cuộc đời mình lại là chính cô. “Mọi mơ ước về bản thân mình còn gì nữa đâu. Tất cả mọi điều tốt đẹp đều đổ dồn cho quê hương làng xóm. Vậy thì biết kể gì?”. Nhìn chăm chú vào nét mặt cô, dấu thời gian hằn sâu trên dáng dấp nụ cười. Mà thời gian qua đi mau lắm. Vội vã, tôi giục cô Ba và những cựu chiến binh, tù nhân từng ở chung khám với cô đi thăm những nơi cô từng hoạt động. Từ Cỏ Găng dài theo Dồng Trà Dên, Núi Nổi, đến tận biên giới để nhìn lại dấu ấn của căn cứ B1, B 2 và căn cứ Vạt Lài. Từng tất đất nơi này mang đậm dấu chân, máu và nước mắt của cô Ba và đồng đội. Thế hệ sau này phải biết để hiểu từng tất đất quê hương được trường tồn đều có máu xương người đi trước.
*
* *
“Ở đây ngày xưa trên từng bệ đá, rắn bò lểnh nghểnh như bánh canh trong nồi”. Giữa cái nắng biên giới trong đợt nóng héo người, bên quán cơm núp dưới bóng tre bên chân núi Nổi, giọng cô Ba cũng loang loang nắng… “Cô sợ rắn không?” Cô lắc đầu. “Cô thấy cả con rắn chúa có cái mồng xòe trên đầu. Đó là loài linh vật tinh khôn huyền bí. Rất ít người được nhìn thấy nó mà nếu có thấy cũng co giò chạy chối chết. Nhưng cô thấy lạ nên cố nán lại nhìn thật kĩ”. Thảo nào mấy mươi năm rồi mà cô vẫn có thể ngồi diễn tả lại hình dáng dị thường của con rắn như nó đang ở ngay trước mặt.
Mà đâu chỉ riêng chuyện rắn, trời đất này cô Ba có sợ gì. Mới tám tuổi tự mình đi qua Nam Vang lấy hàng cho má bán tạp hóa. Tám tuổi đã biết cách nói để xin đạn của lính Pháp gói thành từng bọc. Để khi về xóm luồn qua đế sậy, lòn dưới lòng ống Bình Linh tiếp tế cho mấy chú cán bộ. Ngay cả khi chi bộ họp trong rừng tre Dồng Trà Dên bị lính đồn vây bắt, đạn rượt bén gót chân cô cũng không sợ. Chiều về trưởng đồn tên Dẻo nói “Hồi trưa tao rượt bắn mấy con nhỏ Việt Cộng cái tướng cỡ bây”. Cô tỉnh queo hỏi dồn “Ủa Việt Cộng có nữ hả cậu? Sao cậu không bắn rồi đem về đây để con coi nữ Việt Cộng nó giống cái gì”. “Tao cố ý bắn cho nó chết mà nó mau chân thiệt. Xả đạn mỏi tay đạn không trúng nó viên nào”. Cô cười nhìn xuống quần. Thật ra đạn có xuyên qua ống quần nhỏ xíu khiến cô phải cắt cụt phần dính đạn đi. Nó chính là cái quần ống chúm ngắn ngủn cô đang mặc khi nghe tên đồn trưởng kể chuyện đuổi bắn Việt Cộng. Những lần hụt chết như thế trong đời cô Ba không nhớ hết.
Vậy có gì làm cô sợ không?
Nét mặt cô Ba thoáng bần thần nhìn vào những miếng lươn hấp sả nằm dài trên đĩa. Chú Việt – một cựu chiến binh đi cùng hỏi: “Chị Ba vẫn còn sợ con lươn dữ vậy sao”. Cô Ba gật đầu rồi nhắc lại câu chuyện một đồng chí của cô bị địch tra tấn bằng lươn. Đầu con lươn được đưa vào cửa mình tù nhân, phần đuôi dùng kiềm bấm cho con vật đau đớn giẫy giụa cắn xé bên trong. Cô chưa bị tra tấn kiểu đó nhưng hình ảnh người đồng chí oằn oại trong cơn đau vẫn còn y nguyên trong trí nhớ. Đối với cô, chứng kiến cái đau của người thân, đồng chí, đồng đội còn cực khổ hơn chính bản thân mình bị đọa đày. Khi bị tra tấn đủ kiểu cô không hề khóc, nhưng khi thấy em trai bị đập báng súng vào đầu mấy mươi năm sau nhớ lại còn chảy nước mắt.
Bản thân cô cũng hứng chịu nhiều hình thức tra tấn còn đau đớn hơn cú đập báng súng nọ. Địch sẵn sàng dùng bất cứ nhục hình nào sáng tạo được lên cô. Như có lần một nhóm thẩm vấn toàn đàn ông lực lưỡng, người kẹp chân, kẻ đè đầu lật ngược lỗ mũi cô lên rồi đổ từng ấm nước bẩn trộn xà bông cục dành để rửa chén vào lỗ mũi cô qua một cái khăn đậy ngang mũi. Vừa ngột thở do khăn ướt trùm kín, vừa bị nước xà bông xộc vào xoang mũi, tưởng như nước tràn vào tận óc. Cô giẫy mạnh rồi lăn ra chết ngất. Cực hình này đã làm cho những người bạn tù chứng kiến xỉu lên xỉu xuống. Nhiều ấm nước hỗn hợp ghê rợn tràn qua lỗ mũi cô. Đến mức kẻ pha nước cũng phải chùn tay, người đứng ra thực hiện hình phạt cũng phải rùng mình. Máu mũi, máu họng trộn với ít ỏi thức ăn ôi thiu của lao tù trào ra. Những bữa cơm của bốn mươi năm sau, dù ăn rất từ tốn vẫn cứ phải bỏ đũa ôm ngực khi cơn ho ào tới. Hay nhục hình giật điện ghê rợn tưởng chỉ có trên phim ảnh cô cũng phải trải qua. Dây điện kẹp vào vành tai, châm trực tiếp vào nguồn máy điện thoại rồi quay tay cho dòng điện mạnh dần lên. Vành tai cháy khét, toàn thân tê cứng, đầu óc ê buốt. Từng mạch máu như đang cứng lại, tan ra. Dòng điện tàn bạo ngày nào đi vào người cô như vẫn còn y đó. Mỗi khi trời chuyển mưa giông sấm chớp, cô lại thấy nó bật lên chạy rần rần khắp cơ thể, co cứng quai hàm, tê buốt từng thớ thịt. Lúc bị tra tấn bằng dòng điện, chỉ ước giá mà tắt thở chết liền chắc sướng dữ lắm. Nhưng cô không muốn chết. Còn nhiều việc cô chưa làm xong, cuộc chiến còn đang tiếp diễn. Những người thẩm vấn tra tấn cũng không muốn cô chết. Họ đã dày công nghĩ ra cách tra tấn làm sao cho cô không được chết mà phải quỳ lạy để cầu xin cái chết.
*
* *
Di chứng của ba lần tù ngục tưởng đánh gục được cô. Nhưng cô vẫn sống. Thần chết cũng ớn lạnh trước sực chịu đựng của người đàn bà nhỏ bé kia. Nếu không phải như vậy thì làm sao những khúc gỗ trăm tuổi to bằng bắp tay đàn ông nện liên hồi vào da thịt người con gái, thịt da bể nát, người không chết, khúc gỗ rã dần từng miếng nhỏ, để ngày nay cô cùng những người tù ngồi kể lại cái chết, cái đau như kể chuyện cổ tích của một ai khác chớ không phải chuyện đau đớn của chính mình.
Cái gì đã lấy đi sinh mạng một con người? Có khi chỉ một chút sợ hãi. Cái gì đã làm da thịt mềm mại của người con gái cứng hơn sắt đá? Tôi đã hiểu được cái ý làm sao để một con lạc đà có thể chui qua được cái lỗ kim. Nó đã cắm cúi đi, trên lưng chất đầy hàng hóa, bốn bề nắng tiếp nắng. Dưới chân là cát lún nóng hừng hực. Cái thứ nắng sa mạc chực hờ đốt chảy mọi thứ tràn qua nó. Vậy mà lạc đà cứ đi. Nó không nhớ cái nắng, nó chỉ nhớ những bước chân hướng về phía trước. Với ý chí đó, nó có thể chui qua bất cứ khó khăn nào huống gì một cái lỗ kim. Chế độ tù ngục kiểu “sắt cũng phải mềm” có nghĩa lí gì với ý chí người con gái tuy nhỏ nhắn nhưng vô cùng kiên định.
Ba lần vào tù ra khám, lần sau bị hành hạ dữ dội hơn lần trước. Bởi lẽ ai cũng biết chắc chắn cô là Việt Cộng, hơn thế, cô nắm trong tay nhiều bí mật, biết mặt nhiều người. Dù cô có đủ lí lẽ và khéo léo tung hỏa mù để hóa giải mọi tình huống nhưng địch vẫn đánh cô. Càng đuối lí càng đánh dữ, vì địch biết trong tay họ là một nhân vật có giá trị. Y như đã có được bản đồ kho báu chỉ cần tìm đủ mọi cách để giải mã bản đồ và chiếm hữu. Địch thừa hiểu đối với những người “cứng đầu cứng cổ” mà lưỡi mềm như cô khó có thể dùng biện pháp dụ ngọt. Biện pháp duy nhất còn lại là nhục hình. Đánh cho không ra hình người không ra hình quỷ. Đánh cho cái chữ “kiên cường” phải văng khỏi đầu óc. Đánh không cho sống mà cũng không cho chết. Có những lần bị đánh xong cô được đưa về khám với một gương mặt chưa ai từng thấy. Những đồng chí cùng trại phải nhìn cô với tâm trạng nửa khóc nửa cười. Khóc vì nhìn từng vết thương ứ máu bầm mọng biết cô đau đớn lắm. Cười vì gương mặt cô biến dạng y như Trư Bát Giới.
An Giang mùa nước nổi – Ảnh: TL
Nhưng kẻ thù không bao giờ ngờ những người như cô càng bị đánh càng như thép được trui già lửa. Mỗi lần bị tra tấn, vẫn thấy đau nhưng trong cơn đau cô đã hoạch định hôm nay mình phải làm gì với chị em cùng tù, phải đấu tranh làm sao để mọi người đừng bị đánh như mình, để sự sống trong tù bớt khắc nghiệt hơn. Càng bị đánh đầu óc cô càng sáng suốt, càng hướng tới những gì tốt đẹp để chốn ngục tù tối tăm lúc nào cũng ngập đầy ánh sáng tương lai. Những trận đòn nghiệt ngã của đám cai ngục phủ lên người cô bao nhiêu thương tích cũng chính là phủ lên những vết son rực rỡ, để đồng chí cùng tù nhìn thấy luôn nghe lòng mình thắm lại, chắc lại trước gian lao. Nhờ đó mọi người nghe theo lời cô, không sờn lòng và sát cánh bên nhau mỗi khi bị áp bức. Cô đã cùng họ thành lập chi bộ ngay trong trại giam, ngay cái nơi mà mỗi miếng ăn của con người còn thua cả con vật. Họ họp hành ngay sau những trận đòn có bóng dáng tử thần. Qua những cuộc họp, cô truyền cho họ niềm tin chiến thắng, lối sống lạc quan để họ quên đi phần nào những bức bối trong lúc bị cầm giam. Đồng đội ước mong cô Ba sớm được ra tù nhưng song song đó họ cũng mong những ngày tù đày luôn có cô bên cạnh.
Có cô Ba, trước những phiên tòa có người tiên đoán những câu hỏi tòa án sẽ hỏi, những khó khăn tù nhân có thể gặp, để khi trả lời họ không bị sơ hở mà tòa kết án nặng hơn…
Không một phiên tòa nào kết án được cô và đồng đội. Địch thua không phải vì thiếu chứng cớ, thiếu lí lẽ mà thua ở lòng quả cảm. Địch cho cô ra tù với một cái giấy không ghi thời hạn được tự do. Nghĩa là khi ra khỏi cổng trại giam, bất cứ lực lượng nào cũng có quyền bắt trở lại không cần hỏi nguyên do.
*
* *
Bị tra tấn dã man tưởng như thù hận và lòng căm thù có thể biến cô thành một người tàn bạo, gặp người bên kia nhất quyết không tha. Có lần cô Ba chỉ huy một đại đội đánh vào xã Vĩnh Lộc bắt được mười ba người là tình báo của địch… Cùng lúc pháo địch dội tới tấp. Để bảo toàn lực lượng, một số người yêu cầu bắn tù binh, dắt họ theo vướng chân và họ có thể quay lại đánh mình bất cứ lúc nào. Cô nói “Không được bắn, phải đưa họ về cứ giáo dục rồi thả”. Đấu tranh dai dẳng với bom pháo và với những ý kiến trái chiều, cuối cùng cô cũng dắt được cả đoàn về cứ. Những người này khi được tha trở về rất thiện ý với cách mạng. Họ đã đem một khoang xuồng tiền mặt và một xuồng nhu yếu phẩm quay trở lại tiếp tế cách mạng. Cô Ba đã gieo hạt giống tình người vào việc ứng xử với tù binh, để giúp đối phương hiểu được đây là cuộc chiến vệ quốc vị nhân sinh.
Có một người từng viết về cô Ba Hương nói với tôi. Viết về cô khô muốn chết. Cả đời cô chưa bỏ túi mối tình nào làm kỉ niệm. Tôi không tin. Vì tôi đã từng nghe cách cô bảo vệ tình yêu của đồng đội. Trong cơn phấn khích vì vui mừng sau những tin chiến thắng, vì yêu thương mà không dám nói, một người cán bộ đã lỡ nắm tay một cấp dưới của mình. Có nhiều người đòi kỉ luật thật nặng, có người bỏ phiếu trắng, chỉ có cô là dám lên tiếng bênh vực. Với cô tình yêu đáng được bảo vệ.
Những ngày ở trong tù, cô ở chung với một nữ tù tên Võ Thị Vốn. Biết chị làm công tác giao liên đã rõ mặt rất nhiều cán bộ trong vùng nên tụi thẩm vấn đưa vào nhóm chăm sóc đặc biệt bằng nhục hình. Chị bị đánh tới độ gương mặt xinh đẹp bầm dập. Ai cũng nể phục tinh thần quả cảm của chị. Nhưng khi chi bộ trong tù xét kết nạp Đảng cho chị Vốn, chỉ có cô Ba là người tán thành. Vì lúc này chị Vốn và một tù nhân nam có những biểu hiện tình cảm trai gái. Tù tội khổ sở mà bày đặt yêu đương là nông nổi. Cô Ba nói tình yêu nảy nở trong cam go mới là yêu thật bụng, không bị chi phối bởi bất cứ một thế lực nào. Hiểu về tình yêu và vị tha như thế lẽ nào không ai thương cô, lẽ nào không ai làm cô vương vấn?
Cả cuộc đời cô Ba Hương không có mối tình vắt vai. Tôi hỏi có người trai nào từng biết cách “dê” khiến cô động lòng không? Cô nói hình như không. Tại thời cuộc phải vậy. Để không bị tình cảm chi phối làm ảnh hưởng tâm lí và ý chí, cô quá nghiêm khắc với mình nên đồng chí nhìn thấy ngại, người ngoài càng ngại hơn. Ai cũng nói chắc cô ghét chuyện trai gái lắm dù đối với chuyện tình cảm của người khác cô rất cảm thông. Cô nói “Có khi đó là một sai lầm mà không còn đường khắc phục”.
Bây giờ cô Ba Hương đã già rồi. Tuổi hai mươi tươi đẹp qua đi trong cảnh vào tù ra khám nhiều lần tưởng như cô không có cái tuổi mơ mộng đó. Cô không có cái tuổi sốc nổi chạy theo tiếng gọi tình cảm, chiều chuộng ham muốn bản thân. Vừa chớm vào đời đã bước nhanh vào tuổi trưởng thành, chỉ có hi sinh và chiến đấu cho tới khi cô vào tuổi lão. Ai mà không có tuổi đôi mươi dệt mộng ươm mơ về một bạch mã hoàng tử. Một người đẹp như cô tuổi đôi mươi càng phong phú và lãng mạn hơn. Nhưng chính cô đã tự rút ngắn cái khúc thời gian quý báu của mình, thản nhiên bước ngang nó rồi băng mình tới những nơi chỉ có hi sinh và cống hiến. Vì cô yêu quý tuổi hai mươi tươi đẹp của những người đồng trang lứa, tuổi thần tiên của thế hệ mai sau. Cô đã hòa vào họ, niềm vui của họ thành niềm vui của cô nên mãi mãi cô vẫn như đang ở tuổi đôi mươi. Những vết thương tù đày đã làm tuổi già đơn độc thêm phần cực nhọc vẫn không làm cô cằn cỗi. Gương mặt cô vẫn phảng phất nét thanh xuân, tính tình cởi mở tiến bộ hơn cả hồi trẻ. Tuổi già không phải ai cũng có được hạnh phúc đó.
*
* *
Tôi chạy về thăm cô trong cơn mưa. Đi qua ngôi trường cô từng vận động dân hiến đất rồi xây dựng, qua con đường nhựa láng mượt của đất Vĩnh Hòa do cô giám sát thi công, qua con kênh Cỏ Găng đang miệt mài chảy dòng nước tiêu úng.
Cũng sáu năm trước tôi cùng cô Ba từng qua những nơi này. Những điều chủ tịch hội nông dân Vĩnh Hòa kể không phải là thời chiến tranh mà là thời hòa bình, thời những cánh đồng đang ngập tràn lúa hai vụ. Người dân đang háo hức khai phá từng tấc đất để trồng trọt chăn nuôi. Vậy mà ba ấp bãi bồi ven sông Tiền chạy từ Tân An lên Vĩnh Xương lại bị bỏ hoang vì khô hạn. Con sông xép Cỏ Găng dọc theo bãi dài hơn mười bốn cây số cát phủ mặt ruộng. Không có dòng nước nào có thể chảy len vào lòng nó.
Ngày ngày đi dài theo xóm nhìn cỏ dại phủ um tùm khắp các thửa đất bồi, cô Ba tiếc đứt ruột. Cô xin ý kiến của huyện. Huyện nói nếu vét cát lòng kênh bằng tay, bằng sức dân thì huyện kí. Còn dùng những phương tiện cơ giới đắt tiền thì huyện không đủ sức. Con kênh dài và đầy cát. Xáng cạp múc lên một gào, cát dậy lên một gào. Máy móc còn chịu thua thì đào thủ công với đôi tay yếu ớt của con người làm sao lay chuyển được dòng cát. Chỉ có thể dùng xáng thổi. Nhưng kinh phí cho xáng thổi thì xã và huyện đều không đủ sức.
Cô Ba chạy xuống tỉnh rồi ra bộ. Những người tiền nhiệm trên đất Vĩnh Hòa nhìn cô chạy tới chạy lui với con kênh cứ lắc đầu. Cuối cùng con kênh Cỏ Găng cũng được nạo vét. Những người dân ba ấp ven kênh ngày ngày dẫn nước lên ruộng trồng lúa, rau màu biết ơn kêu sông xép Cỏ Găng là sông bà Ba Hương.
*
* *
Điện, đường, trường, trạm là những nhu cầu tối thiểu của thời hiện đại. Điện và đường thì có nhà nước lo rồi. Một lãnh đạo đầu xã như cô Ba chỉ việc giám sát tốt suốt quá trình thi công thì mọi thứ sẽ đi vào ổn định lâu bền. Cô Ba tập trung cho công tác tìm đất xây trường. Kinh phí mua đất cất trường chỉ có thể xin nhà nước. Nhưng cô không thể xin tiếp vì cô mới xin một số tiền lớn để nạo vét kênh Cỏ Găng. Đất ở đâu cũng là máu thịt. Những miếng đất ở nông thôn tuy không đắt đỏ bằng đất thành thị nhưng nó gắn bó cả cuộc đời người nông dân. Thế mà người dân lại sẵn sàng tặng mười công đất cho cô Ba dựng trường. Hóa ra chỉ hi sinh mới đủ sức mời gọi hi sinh. Chỉ có lòng người ngọt lành sáng trong mới đổi được những gì liên quan tới máu thịt.
Ngôi trường Cô Ba đã dựng lên hơn hai mươi năm trước vẫn kiên cố ở đó nhiều năm nữa. Con đường nhựa láng mượt này cũng kiên cố nhiều năm nữa, trong khi những ngôi trường, những cung đường cùng đợt xuống cấp trầm trọng vì bị bòn rút vật tư.
Con kênh Cô Ba, con đường Cô Ba, ngôi trường Cô Ba. Tôi đặt tên cho những nơi đó như vậy. Vì nơi đó đã lưu dấu bao nhiêu tâm huyết của cô Ba. Những tâm huyết với quê hương được đổi bằng xương máu tuổi trẻ thời chiến tranh và đổi bằng mồ hôi nước mắt thời hòa bình. Nó trường tồn trong lòng mỗi người dân Vĩnh Hòa. Dẫu những vết thương thời lao tù cay nghiệt có làm cô thành phế nhân hay lịm chết đi bất cứ lúc nào thì cô Ba Lê Tiến Hương vẫn còn y đó. Bởi, những yêu thương cô gởi vào quê hương vẫn còn đó, mãi mãi sáng trong.
Trại sáng tác An Giang, 2017
V.D.T
Văn nghệ Quân đội
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài