Tác giả: Quang Nguyễn, tên thật: Nguyễn Thành Quang. Quê quán: Đồng Tháp. Đang sống và làm việc tại TPHCM.
Các tác phẩm đã xuất bản:
– Ngõ thời gian (NXB Hội Nhà Văn)
– Biến tấu cuộc đời ( NXB Hội Nhà Văn)
ĐÈN DẦU
Truyện ngắn của Quang Nguyễn
Chẳng biết loài bông tràm nó nở vào tháng nào, mà màu vàng tơ đã trổ rộ kín cây. Những chùm bông lả tả đỏng đảnh trước gió lùa phe phẩy, rồi ngắm mình dưới con nước trong xanh, chẳng có chút hương nào. Xung quanh chỉ cây tràm dày đặc, những tán lá như quàng tay đan nhau đến um tùm rậm rạp, mắt nhìn lên mà chẳng thấy khoảng rộng của màu xanh da trời. Tiếng khua chèo ì ục, chiếc xuồng nhỏ vội lướt như như con cá vẫy, tạo ra và chia đều hai đường sóng đôi bên. Những tiếng lá cây va vào nhau nghe lung lay xào xạc, ếch nhái nhảy lủm chủm và tiếng quẫy mạnh của những con cá to. Mùa nước nổi năm nay lớn hơn những năm trước. Cả cánh đồng lênh láng chỉ một màu trắng tinh. Mấy gò cao đã bị nước nhấn chìm chẳng còn thấy màu xanh của ngọn cỏ nhú lên. Cũng chẳng biết lục bình từ đâu mà lềnh bềnh trôi dìa, từng đám tách rời rồi tụ lại như một cuộc hạnh ngộ đã có hẹn từ trước.
Chiếc xuồng vừa rời khỏi rừng tràm. Hiện ngay trước mắt là bầu trời trong xanh thật quang đãng nhẹ nhàng, từng đợt gió vù vù tắp da thịt lạnh ngắt. Chiếc xuồng đi chầm chậm tới vùng rộng mênh mông. Nhìn xa xa nó như một dấu thiên di với nền trời là những tầng mây trắng. Từng ngọn sóng to nhỏ nối tiếp chồng lên nhau, chúng tới tấp vỗ ào ạt làm chiếc xuồng lắc lư. Mấy đám lục bình như những chiếc phao xanh, chúng cũng trôi nổi như phận người bên dòng đời quá vội. Chỉ mới có hơn tháng tám mà vùng hạ lưu từ dòng Mekong đã thương nhớ đồng bằng! Chúng gửi theo tâm tình bằng những dòng nước ngọt có mùi vị phù sa mang tặng cho thổ nhưỡng, dồi dào nguồn thủy sản như món quà thăm hỏi đến vùng đất đồng bằng. Cho nên bây giờ con nước ròng nước lớn, cánh đồng mênh mông như hóa thành biển cả. Việc đánh bắt cá cũng đang bắt đầu tấp nập từ lúc nước đầu mùa mới tràn về.
Tiếng huýt sáo yêu đời lồng lộng giữa không gian đầy tĩnh lặng. Chiếc xuồng vẫn tiếp tục hì hục tìm điểm thích hợp để giăng lưới đánh bắt cá như những năm vừa qua. Tôi thoáng nhìn lại sau bỗng giật mình reo lên: “trời ơi, tôi đã đi xa lắc xa lơ rồi, mà cái hướng về nhà là đường chân trời dài thăm thẳm ở phía trước, ước tính cũng đã qua đến cả mấy cánh đồng”. Cũng do mùa nước nổi nó nhấn chìm tất cả mọi thứ xung quanh, giờ chỉ toàn là màu nước, chẳng định hướng được nó xa đến chừng nào. Chỉ biết phía tít tắp ấy là nơi để trở về. Mùa nước nổi của những năm trước tôi chỉ loay hoay đặt lưới trong phạm vi gần nhà. Thế mà năm nay lại có quá nhiều người cùng giăng, những cây sào nhô lên đứng san sát nối liền nhau thẳng hàng. Việc tập trung đông đúc chiến lợi phẩm thu về không gọi là khấm khá. Tôi nghĩ cái chuyện đi xa đến nơi chẳng có ai thì việc đánh bắt sẽ đầy ắp khoan xuồng. Cũng chẳng biết ai đưa đường dẫn lối mà lại trôi dạt tới một nơi xa lạ. Xung quanh không có một bóng người, chỉ riêng một mình với chiếc xuồng nhỏ giữa cánh đồng nước rộng. Phía bên kia gò cao là cái nhà sàn lẫn vào trong đám cây mai dương với những đồi cỏ hoang. Ở trước có lùm điên điển gầy guộc, bông vàng nở rộ làm nổi bật cả một hướng. Cái căn nhà sàn có khói bếp đang tỏa, tôi hiểu đó không phải là nhà hoang chắc chắn có người đang sinh sống! Nhưng vì sao lại chỉ có duy nhất một cái nhà giữa vùng đất hoang vu vắng vẻ như thế này? Tôi quyết định giăng lưới tại nơi đây. Dù sao cũng có căn nhà để làm dấu, khi quay trở lại tôi dễ tìm ra mà chẳng sợ lạc hướng như những nơi trống rỗng chẳng có điểm mốc nào.
Tôi bơi xuồng tiến thẳng về phía căn nhà. Tình cờ gặp cô gái ngồi trên chiếc cầu ván bắt ra đang cặm cụi giặt giũ. Cái tạng người nho nhỏ với mái tóc dài đen láy, chiếc nón lá che nghiêng khuất hết cả gương mặt. Cô đang gục xuống miệng ngân nga câu hát, tay vò những chiếc áo mà chẳng để ý đến những gì xung quanh, đặc biệt là tiếng khua chèo của xuồng tôi đang chuẩn bị sắp tới, càng gần tiếng động khua càng to.
– Cô gì ơi… cô ơi. Cho tôi hỏi. Tôi giăng lưới ở nơi này, liệu như thế có được không hả cô?
Cô ngước mặt lên nhìn. Ôi! Cô có một nét đẹp rất bình dị, chút đậm đà của con gái miền sông nước, lời nói nhẹ nhàng trong trẻo như mặt nước gợn đều những lăn tăn bé tí. Nụ cười duyên dáng e thẹn, lúng liếng đôi má tròn.
– Không được đâu anh ơi. Trước mặt là con sông. Mà sông thì sâu lắm làm sao cây sào cắm tới mà nhô lên cao đây. Huống gì lâu lâu cũng có vài chiếc ghe chạy ngang, giăng ở đây thì rách lưới hết. Anh ra phía trước mà giăng, nơi đó mới đúng là ruộng lúa.
Tôi lấy cây dầm đo thử, quả thật đây là con sông, nó sâu tới hun hút.
– Nước ngập trắng xóa tôi nhìn đâu đâu cũng thấy như nhau, chẳng biết đâu là sông, đâu mới là ruộng lúa. Cảm ơn cô nhiều nghen! Tôi sẽ đến đó liền.
– Lát nữa anh cho em đi cùng với. Ra hái rau muống để nấu canh chua cho chiều tía có ăn. Anh tấp xuồng vào đây đi, chờ em giặt xong sẽ đi cùng liền.
Tôi chèo xuồng tới buộc dây vào cái cầu ván nơi cô đang ngồi. Cô đặt cái thau xuống, rồi đứng dậy dang tay hái những chùm điên điển non ngọt đang đỏng đảnh làm dáng ở trên cành. Tôi lấy cây dầm đưa lên quặng cành xuống thật thấp cho cô dễ dàng hái. Những bông điên điển nằm gọn trong bàn tay trắng nõn, cô cho vào chiếc nón lá khẽ cười rồi bước đi lên nhà.
– Anh Hai chờ em một xíu nghen?
Tôi cười nhìn theo cái dáng đi của cô trong chiếc áo bà ba màu tím như hoa cà. Tôi nói thầm trong bụng “xứ khỉ ho cò gáy mà lại có một người con gái xinh đẹp, dịu hiền, nết na, thì thiệt tình chẳng tin vào mắt của mình được”.
– Anh hai… anh hai… mình đi thôi.
– Ờ… ờ… mình đi.
– Anh hai nghĩ gì trong đầu mà nhìn lên cây điên điển rồi cười một mình vậy?.
– Tôi đang suy nghĩ không biết dìa rồi có còn nhớ hướng để tới đây không nữa?
– Anh hai ở đâu mà tới đây giăng lưới có một mình vậy cà?
– Nhà tôi ở tận Xóm Gò.
– Xóm Gò?
– Phải rồi! Cô cũng biết Xóm Gò nữa sao?
– Dạ, cũng chẳng giấu gì anh! Hồi đó em cũng hay sang Xóm Gò bán rau muống, cũng mấy mùa nước như thế này. Xóm Gò thì ở xa với nơi này tít phía hướng kia kìa. Hồi đó em phải chạy ghe máy, chứ chèo xuồng không nổi cũng chẳng biết chừng nào cho tới được đến nơi.
– Vậy là cô cũng biết Xóm Gò! Trời ơi mừng quá! Mà bây giờ cô còn mang rau muống lên xóm tôi bán nữa không?
– Em nghỉ mấy năm nay rồi. Mùa khô thì làm lúa, mùa nước thì đánh bắt cá. Lâu lâu cũng đem một ít cá mắm ra chợ xóm bán lấy tiền để mua gạo. Mà em cũng sắp ra chợ rồi đó anh hai. Tía ủ được mấy lu mắm đợi nấu xong rồi em mang đi. Thôi mình đi anh hai ơi, trưa trời trưa trật rồi còn gì.
Tôi mở dây xuồng rồi vội vã chèo đi, chiếc xuồng lúc lắc và mái tóc dài chấm lưng của cô cũng thướt tha dập dìu. Cái dáng nhỏ nhỏ xinh xinh in xuống dòng nước như hai nàng tiên đang cười đùa khúc khích. Đôi bàn tay mềm mại ngắt từng ngọn rau muống non tơ xanh mơn mởn nhô lên dưới dòng nước.
– Anh hai giăng ở đây đi, cá nhiều lắm đó vì cả khu vực này chẳng có ai giăng lưới ngoài tía của em ra. Mà sao anh hai từ miệt Xóm Gò lại ra tới nơi này để giăng lưới vậy cà?.
– Không biết sao mùa nước năm nay quá nhiều người đánh bắt cá, hầu như ai cũng tập trung sang cánh đồng nơi ấy. Tôi sợ không có cá mới sang đến tận đây. Mà cô tên là gì vậy?
– Em tên là Út Diệu.
– Tôi tên là Thuần, mà tôi không phải thứ hai đâu. Tôi thứ năm lận đó.
– Dạ anh Năm.
– Cô Út sống ở đây với gia đình luôn hay sao?
– Em sống với tía. Chỉ có hai tía con nương vào nhau thôi.
– Ở đây buồn hơn Xóm Gò phải không cô Út, vì nhìn đi nhìn lại chẳng có căn nhà nào ngoài nhà cô Út ra?
– Dạ, ở đâu thì quen đó thôi anh Năm Thuần, ngày em mới dìa đây cũng thấy buồn vắng vẻ đìu hiu lắm, nhưng sống riết rồi cũng cảm thấy quen.
– Cô Út từ đâu mà dìa đây?
– Dạ tía em quê ở Bạc Liêu rồi lên tận đây mua đất để làm ruộng?
– Sao mình phải lên tận xứ này để mua đất thế cô Út?
– Vì ngày xưa tía đi bộ đội ở đây rồi cưới má và sống luôn cho tới tận bây giờ.
– Vậy là quê ngoại của cô Út là ở đây?.
– Phải rồi đó anh Năm. Nhà ngoại ở xã khác.
– Vậy sao tía cô Út không mua đất trong Xóm Gò để sống gần chòm xóm đông đúc tối lửa tắt đèn có nhau mà lại chọn nơi đìu hiu đồng sâu mông quạnh như thế này?.
– Do ngày xưa đất ở Xóm Gò không có, nên mua tạm ở đây. Chứ sau này em với tía cũng dìa Xóm Gò để ở thôi.
– Thế trong Xóm Gò cô Út có quen với nhà ai không?
– Em thì biết chỉ mỗi cô Ba ở ấp giữa mà thôi. Hồi đó thường đem rau muống lên để bán cho cô Ba, rồi có quen biết. Tía thì rành lắm, vì hồi đó tía đi lính nên có nhiều bạn bè ở miệt thứ nhưng chắc lâu quá không gặp nhau rồi thất lạc cho tới bây giờ đó anh Năm.
– Cô Ba ở ấp giữa…?
– Phải rồi, cô Ba ấy vui tính mà lại tốt bụng nữa. Nhớ có một lần em lên đó bán rau muống, tới nơi chiếc ghe bị hư máy em với cô Ba phải đi lên tận chợ xóm để kêu người ta sửa. Ngày mai mới có thể sửa xong, vì đường quá xa nên cô Ba không cho em chèo ghe về, sợ nguy hiểm, phận yếu đào tơ một thân một mình trên cánh đồng mênh mông nước giữa trời tối nhem, nên cô Ba bắt em phải ở lại sáng mai chờ sửa xong rồi mới chạy ghe dìa. Người Xóm Gò của anh Năm tốt bụng quá, em là người xa lạ chẳng bà con thân thích mà họ coi như con ruột trong nhà, lại còn cho em mượn tiền để trả công sửa máy nữa chứ. Em định bụng hôm nào vào chợ sẽ xuống thăm cô Ba, mang biếu cô chú một ít cá mắm để tỏ lòng biết ơn nhưng vẫn chưa có dịp đi đó anh Năm. Chỉ có mùa nước này, chứ còn mùa khô em không đi chợ trên đó, vì nơi này ghe hàng ngày nào cũng đều chạy ngang.
– Ở xóm tôi thì có quá nhiều người thứ ba. Cô Út có biết tên thật của cô Ba đó là gì không?
– Dạ em cũng rõ cho lắm. Chỉ biết nhà cô Ba có nuôi heo, cứ cách vài ngày em lại mang rau đến bán.
– Thì xóm của tôi đa số nhà nào cũng nuôi heo, cô Út nói vậy làm sao tôi biết cô Ba đó là ai?
– Em thiệt không rành. Khi nào ra chợ sẽ đi thăm cô Ba, em nhớ đường đi, thật sự cũng thấy nhớ cô Ba. Mà mỗi lần gặp cô Ba thì em ngại muốn chết đi được.
– Ủa sao gặp cô Ba mà cô Út lại ngại?
– Thì lần nào gặp cô Ba cũng hỏi “chịu làm dâu nhà cô không”. Đã lâu quá rồi không còn được nghe lại câu hỏi ấy nữa…
– Vậy cô Ba có ý muốn cô Út làm dâu đó, cô Út ngại chắc là thấy trong bụng cũng ưng nên mắc cỡ đúng không?…Ủa mà nói vậy là cô Út chưa có chồng hả?
– Em nói rồi mà, em sống chỉ có hai tía con thì lấy đâu ra chồng! Cái anh Năm này.
– Mong rằng sau này cô Út dìa Xóm Gò sẽ là hàng xóm của gia đình tôi. Được vậy thì còn gì bằng phải không cô Út.
– Thật ra em cũng thích Xóm Gò hơn những xóm khác, vì ở đó có cô Ba. Em xem cô như má của mình vậy, vì em mồ côi mẹ từ thuở còn nhỏ. Thấy cô Ba thương, làm em xúc động quá trời.
– Chắc chỉ là lòng tốt của người dân quê đó thôi cô Út ơi. Gia đình nào gặp người lạ khó khăn trong trường hợp đó cũng đều như thế hết thôi à.
Cô không còn cười nữa chỉ “dạ” một tiếng rồi lẳng lặng hái rau muống bỏ vào trong khoan xuồng. Tôi tiếp tục giăng lưới, đôi khi mắt liếc sang nhìn cô đang loay hoay từng cử chỉ dịu dàng trên chiếc xuồng bé nhỏ.
– Anh Năm xong chưa? Em hái rau xong rồi đó.
– Ừa cô Út chờ tôi một lát, tôi lên để đưa Út vào bờ.
Tôi leo lên xuồng với phần dưới ướt nhem. Tay lấy cây dầm chèo về hướng nhà cô.
– Cô Út hái nhiều rau muống quá hen.
– Tía thích ăn canh chua vào mùa nước nổi, đặc biệt là nấu với rau muống, điên điển, bông súng với cá linh non đầu mùa. Tất cả đều chấm với nước mắm mặn dầm ớt. Tía ưa món này từ hồi mới cưới má lận. Nghe tía kể vậy.
– Chiều nay hoặc chiều mai tôi trở lại đây để thăm lưới, tới nơi chắc trời cũng chập tối. Tôi có thể vào nhà cô Út để thăm hỏi bác trai không?
– Được chớ. Nếu trời tối thì anh Năm phải đội theo chiếc đèn pin trên đầu, để thấy hướng mà chèo.
– Cảm ơn cô Út nhắc nghen, lát về tôi sẽ chuẩn bị cái đèn pin.
– Nhưng nếu tối quá mà anh Năm không định hướng được, thì cứ nhìn xung quanh nơi nào có ánh sáng của ngọn đèn dầu lập lờ thì đó chính là nhà em, và phía trước là nơi của anh Năm giăng lưới.
– Cảm ơn cô Út nhiều. Tôi nhớ rồi
– Em hay để đèn dầu phía trước cửa. Thôi em lên bờ đây. Anh Năm dìa cẩn thận hen.
Tôi vẫn ngồi trên chiếc xuồng nhìn cô quay lưng đi khuất sau lùm điên điển rồi lặng lẽ chèo về. Được gặp và biết cô thì trong bụng cũng thấy mừng mừng. Cái nỗi xuyến xao nó cứ như con nước ròng nước lớn đang ngược về trong dạ. Nhưng nó cũng thăm thẳm điệu buồn của từng đợt sóng nhấp nhô rồi vỗ về ào ạt dưới thân xuồng chênh chao. Nhất là việc Út kể có cô Ba nào đó ở xóm tôi thật là tốt bụng, ngỏ ý muốn cô làm dâu. Dù sao Út cũng đã có nơi khá nghĩa để yên thân gửi phận cho tương lai sau này. Mà tại sao tôi lại thấy buồn khi nghe cô kể? Chắc có lẽ tôi cũng đã phải lòng cô từ những phút gặp đầu. Tôi suy nghĩ miên man chiếc xuồng lướt đi nhanh vùn vụt, quên cả cái mỏi tay đến khi về tới nhà lúc nào mà chẳng hay.
Thấy má đã dọn cơm trưa ngồi cạnh ba bên nồi canh nóng hổi. Có bông lục bình và rau nhút trải đầy trên mâm, tôi đoán chắc thế nào cũng có thêm một tô mắm cá linh. Đó là món ăn ưa thích của tôi trong mỗi độ nước về. Cái bụng sôi ùng ục khi nghe mùi mắm ngon nó bay ra tận ngõ.
– Thằng Năm vào ăn cơm luôn, có bông lục bình với rau chấm mắm cá linh đây. Bây đã tìm được nơi nào để giăng chưa? – Tía hỏi.
– Dạ con đã giăng rồi đó tía.
– Ở đâu lận Năm? – Má hỏi.
– Con cũng không biết nơi đó là đâu, thấy không ai giăng thì mình giăng thôi. Mà hơi xa đó má, phía dưới cánh đồng ngoài.
– Thôi vào ăn cơm, chuyện cá mắm tính sau. Mới có đầu mùa, nước có hết đâu mà bây vội.
– Đi xa là phải cẩn thận nghen Năm, những năm trước má thấy xuồng ghe lật liên tiếp khi bão tới mà thấy sợ quá trời.
– Dạ, con biết rồi má.
– Chưa gì hết mà bà đã nói xuồng lật, ghe chìm – Tía nói.
– Thì tôi lo vậy mà. Vì đây cũng là mùa bão rồi còn gì.
– Không sao đâu, tía má yên tâm, con chèo xuồng vững tay lắm. Ấy chà… mắm cá linh ngon hết xảy ta.
– Ừa ăn đi con. Mùa nước năm nay lớn phải biết. Lục bình với rau nhút trôi nhiều quá, hồi sáng tía ra bờ đê rồi sẵn tay hái. Cái món này mà uống với một xị rượu đế thì ngon tới mát trời ông địa luôn à nghen.
– Tía má có biết cái xóm này có ai là cô Ba mà nhà nuôi heo hay không?
– Cái xóm này thì đa số nhà nào chẳng nuôi heo mà mày còn hỏi hả Năm. – Má trả lời.
– Nhưng có cô Ba nào đó hay mua rau muống của một cô gái trẻ khoảng hai mươi tuổi? Tía má có biết cô Ba đó là ai không?
– Theo tía thì ở đây nhiều bà thứ ba lắm, họ đều mua rau từ nơi khác cho heo, nhất là mùa nước nổi. Bây đi bộ đội có mấy năm dìa mà quên hết hàng xóm láng giềng rồi hả bây?
– Dạ không phải vậy đâu tía, tại con muốn hỏi cho biết thôi.
– Ủa mà có gì không Năm?
– Dạ không có gì đâu má. Thôi mình ăn cơm.
– Thằng này hôm nay sao lạ vậy bà. Hỏi chẳng đầu chẳng đuôi, biết đường đâu mà trả lời?.
– Dạ không sao đâu Tía. Con hỏi chơi vậy mà.
– Lo đi lấy vợ không lo, lo toàn mấy cái chuyện đâu đâu. Trong nhà chỉ còn lại một mình bây thôi đó Năm. Bộ tính ở vậy với tía má suốt đời hay sao vậy con? Tuổi của bây người ta con đàn cháu đống hết rồi đó – Má nói.
– Bây chịu con Trúc con anh Bảy Cò ở xóm trên không? Nếu chịu tía cậy chú Bảy Từ đi dạm hỏi cho bây.
– Tía quên là Trúc con bác Bảy sắp lấy chồng ở xóm dưới rồi hả? Chính bác bảy cậy tía kia mà.
– Ừa ha. Vậy mà tía hổng nhớ gì hết trơn hết trọi.
– Chắc là tía bây thấy con nhỏ đẹp người đẹp nết, nên tiếc xuôi tiếc ngược cứ muốn nó làm dâu cái nhà này đến nỗi quên mất nó chuẩn bị lấy chồng luôn rồi – Má nói.
– Thôi ăn cơm đi tía má.
Cái chiều đó tôi ra bờ đê ngắm nhìn con nước lớn. Phía chân trời xa xôi hoàng hôn xuống đỏ ửng, như gương mặt của cô Út thẹn thùng lúc hái rau muống rồi tôi bất chợt hỏi “nói vậy là cô út chưa có chồng”. Út khẽ cười rồi quay mặt sang hướng khác như tránh né cái nhìn từ phía tôi. Hoàng hôn trước mắt tôi bây giờ chẳng khác gì so với gương mặt của cô Út lúc ấy. Bỗng nhiên tôi chợt thấy nhớ Út. Nhớ nụ cười hiền hòa, nhớ giọng nói êm ái như một giao hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng trôi chảy vào hồn tôi. Nhìn những chiếc xuồng nhỏ nối ra về trong một chiều nghiêng xuống đỏ thẫm, tôi lại muốn lấy xuồng mình mà hướng tới cái phía chân trời kia. Tôi tiếc hùi hụi như những cánh chim đang bay xa vời vợi, nếu chẳng phải vì trời dần sắp tối chúng còn mải mê rong chơi mà chưa chịu trở về. Nếu cô Út đừng có cái cô Ba ở xóm tôi có ý dạm ngõ làm dâu thì tôi cũng sẽ ráng mà ngỏ lời đeo đuổi. Tôi nhìn ra phía chân trời chẳng còn thấy bóng chim di, màu hoàng hôn cuối cùng cũng sắp tắt, để nhường cho màn đêm giăng kín và xung quanh là những tiếng sóng vỗ bờ, như nỗi lòng của tôi đang gọi tên ai đó trong khắc khoải mong chờ.
Qua một đêm những dòng suy nghĩ về cô Ba nào đó nó như con nước tràn về càng lúc càng lớn mạnh. Cái rạng đông nhô lên đỏ lòm phía chân trời tít tắp. Trời hừng sáng những chiếc xuồng máy chạy lạch tạch ngang qua. Nhìn cái cảnh mùa nước nổi đang hiện trước mắt trong một buổi sáng sớm, tôi lại bồi hồi nhớ cái thời đi bộ đội xa quê. Nhớ màu bông điên điển vàng rộ cả con đê. Nhớ mùi vị cá mắm của những mùa nước nổi. Nằm ngủ ở giữa miền đất lạ mà trong giấc mơ còn nghe tiếng sóng vỗ ào ạt, ngập cả hồn ướt đẫm nỗi nhớ quê. Tôi cười dõi theo cánh chim trời, màu nước cũng dạ lên thiên thanh rất gần như đất trời cùng hòa quyện. Xa xa những con sóng dõng dạc cứ hồn nhiên như đứa trẻ đòi mẹ. Tôi rời bờ đê trở về nhà chuẩn bị cho việc đi thăm lưới chiều nay.
Rồi chiều cũng đã tới. Tôi lấy chiếc xuồng chèo về phía xa tắp hoàng hôn, nơi ấy là nhà cô Út Diệu. Chiếc xuồng lướt mau, trời cũng tối vội vàng. Cái tháng mười gì mà thời gian cứ như ngọn gió lướt. Cái câu người ta hay nói “ngày tháng mười chưa cười đã tối” quả thật đúng y chang. Mới có chiều đây mà bây giờ xung quanh bao trùm một màu đen thăm thẳm, chỉ có ánh sáng của chiếc đèn pin trên đầu là đang định hướng để tới nơi muốn tìm. Tiếng khua chèo và tiếng ếch nhái kêu ộp ộp lồng lộng quanh quẩn ở mãi giữa nơi này. Tôi nhìn xa tít phía trước thấy có một đốm sáng đỏ rực. Tôi nhận ra đó chính là ngọn đèn dầu nhà của cô Út Diệu. Đúng hướng rồi, cứ thế mà chèo đi.
Càng tới gần thấy ngọn đèn càng sáng tỏ. Hình như cái dáng của cô Út đang ngồi trên sàn nhà chải tóc. Vui quá! Tôi vụt miệng gọi to.
– Cô Út ơi! Tôi tới rồi đây.
– Ý mèn đất ơi anh Năm đó hả? Sao anh tới trễ quá vậy cà.
– Vì muốn đi trễ cho có được nhiều cá, chứ giăng xa mà chẳng có con nào thì sợ dìa bị tía má rầy la.
– Mùa nước này anh Năm sắm cái máy để chạy cho nó lẹ. Anh Năm đi gỡ lưới xong rồi ghé vào nhà em chơi lát nghen.
– Ừa. Cô Út đợi tôi một xíu.
Tôi bơi xuồng ra còn nghe bài vọng cổ trên chiếc radio được phát ra từ nhà của cô Út. Lâu lâu có giọng của người đàn ông hát kèm theo, chắc là giọng của bác trai. Tôi đắc chí rằng: «thiệt là chẳng uổng công để tới đây, thành quả là cá quá nhiều đầy ắp trong khoan xuồng». Tôi bơi xuồng vô buộc dây vào chiếc cầu ván một mạch chạy lên bờ gọi to.
– Cô Út ơi, cá quá nhiều ra lấy một ít để ngày mai nấu canh chua cho bác trai.
– Anh Năm lên nhà ngồi chơi. Em với tía cũng mới đi về lúc chiều, cũng nhiều lắm anh Năm. Anh Năm cứ đem dìa đi. Nếu nhiều quá thì làm mắm, làm chả hoặc phơi khô cũng đặng.
Tôi leo lên nhà gật đầu chào bác trai, tay cầm chiếc radio say sưa nghe vọng cổ. Được cô Út mời cho ly nước trà nóng thật ấm bụng làm sao. Trời nổi sấm đỏ rực, mỗi cái nháy sáng đều thấy rõ những gì ở xung quanh báo hiệu một cơn mưa sẽ sắp đến.
– Trời sắp mưa. Tôi phải đi dìa thôi cô Út ơi.
Bác trai im lặng từ nãy giờ bỗng nhiên lên tiếng, cái giọng như một tiếng ngỏ để thay thế lời chào:
– Đi xuồng mà mưa gió thế này là không được đâu bây. Cứ để mưa qua trời yên bể lặng rồi tính. Dìa nửa chừng trời gặp bão tố một mình giữa đêm hôm khuya khoắt thì cháu biết phải ứng phó như thế nào?
– Tía em nói đúng đó anh Năm, cứ đợi một lát xem tình hình ra sao cái đã.
Tôi im lặng vì câu nói của cha con họ là hoàn toàn rất hợp lý trong hoàn cảnh thế này. Chưa nói đến sóng to gió lớn rồi lật xuồng lật ghe, những chuyện thế này mùa nước năm nào cũng có người gặp nạn. Bác trai bước tới vặn chiếc đèn dầu cho ngọn lửa cháy to, nhìn sang tôi hỏi. Trời bắt đầu mưa, một cơn mưa rất mạnh đang đổ xuống ào ào.
– Cháu ở đâu lận?.
– Dạ cháu ở Xóm Gò.
– Vậy thì xa lắm. Bác có nghe nói nhưng cũng chưa từng đi sang nơi ấy bao giờ.
– Dạ, cháu có nghe Út Diệu nói ngày xưa bác cũng từng đi lính ở quê của cháu. Nên chắc bác cũng biết nhiều người và địa điểm nơi này.
– Phải rồi. Bác từng đi lính bạn bè ở đây cũng nhiều, người mất kẻ sống, cuộc sống thay đổi, bác cũng không rõ một số đồng đội ngày xưa bây giờ đang ở đâu?
Bỗng nhiên ông nhìn tôi chằm chằm rồi lấy cái đèn dầu dí sát mặt mà ngẫm nghĩ như cố nhớ ra điều gì đó.
– Bác thấy cháu rất giống một người từng là đồng đội của bác. Y chang lúc ông ấy còn trẻ, ngày xưa cùng chung đơn vị. Cháu có biết ai tên là Lê Văn Thời mà người ta hay gọi là Sáu Thời hay không?
– Dạ! Là Tía của cháu. Sáu Thời là tên của Tía.
– Ý mèn đất ơi, hèn gì giống nhau như đúc, nhìn kỹ bác còn tưởng Sáu Thời đang hiện diện ở đây nữa chứ. Vậy thì tía của cháu là đồng đội của bác đây.
Út Diệu đang chải tóc nghe xong, tỏ ra vẻ vui mừng, tôi cũng giật mình vui lắm nỗi bất ngờ thênh thang.
– Vậy là sau này tía con mình dìa Xóm Gò có hàng xóm thân thiết rồi hen. Mà ngày mai con có đem cá mắm ra xóm để biếu cho cô Ba, tía có muốn đi theo để thăm lại người bạn cũ là tía của anh Năm không?
Nghe xong câu cô Út nói gương mặt tôi như ánh đèn dầu thắp sáng lên một nỗi buồn trong đêm đen sâu thẳm. Ông thì vui mừng gật đầu nhằm tán thành ý kiến. Riêng tôi thì co ro giá lạnh như đang dầm dề dưới cơn mưa ngoài kia. Hai tía con hỏi thăm đủ thứ chuyện. Trong cái nhà sàn nhỏ âm thanh lộp độp của tiếng mưa nhưng không lấp được giọng nói của cả ba.
– Cháu tên là gì? Bác tên Ân còn gọi là Hai Ân. Cứ hỏi tên bác thì tía bây chắc chắn sẽ biết và nhớ ra ngay thôi.
– Dạ tên cháu là Năm Thuần, cứ gọi là thằng Năm được rồi bác Hai.
Ông lấy trong túi áo bọc thuốc rê quấn thành điếu cho lên miệng rồi đốt hút nhả khói phì phèo. Đôi mắt say sưa đang ôn lại những kỉ niệm trong cuộc đời đi lính bên vạt khói trầm lắng mang điệu bộ hồi tưởng với chút suy tư. Ông vỗ vai và kể cho tôi nghe về quá khứ của hai người lính trẻ cùng vào sinh ra tử trong thời khói lửa đạn bom. Tôi hiểu và đồng cảm được tấm chân thành của ông vì bản thân cũng là người đi lính, chỉ khác ông là tôi nhập ngũ sau này, lúc đất nước yên bình.
– Thằng Năm nè. Mưa to gió lớn như thế này thì biết đến bao giờ cho tạnh, mà nếu tạnh thì trời cũng quá khuya chèo xuồng trong đêm sẽ rất nguy hiểm, biết sóng to gió lớn lúc nào mà lường trước hả con. Không ấy bây ngủ lại đây rồi sáng đi cùng bác đến thăm tía cháu! Có được không.
– Nhưng cháu không dìa thì tía má lo lắm bác Hai ơi.
– Không sao đâu cứ nghe lời bác qua đêm ở đây. Hồi đó con Út nó cũng đi bán rau muống ở Xóm Gò rồi ngủ lại qua đêm, bác ở nhà cũng lo lắm. Nhưng thà vậy an toàn hơn là dìa. Bây đừng có ngại.
– Nhưng… sao cháu có thể ngủ ở đây được. Nhất là nhà có con gái.
– Bây đang gặp khó khăn kia mà. Cứ để xuồng ở đây rồi sáng mai đi ghe cùng bác dìa nhà.
– Phải rồi đó anh Năm, lúc này mà dìa thì càng nguy hiểm hơn. Anh cứ ngủ với tía ngoài này. Huống gì em cũng từng ngủ qua đêm ở Xóm Gò của anh – Út Diệu nói xong khẽ cười dưới ánh đèn lay lắt, thấy rõ hai đồng tiền trên má thật duyên dáng làm sao.
– Vậy thôi cũng được. Làm phiền bác Hai với cô Út Diệu tối nay nghen.
– Vậy để em đi giăng thêm cái mùng cạnh tía cho anh Năm ngủ hen.
Ông Hai nhìn ra phía cánh đồng mênh mông nước rồi chép miệng thở dài.
– Cứ bão tố mưa giông triền miên kiểu này thì mực nước càng ngày càng dâng cao. Không biết những phận người giăng lưới ở những cánh đồng khác họ đối phó thế nào đây. Thôi bác Hai vào ngủ để mai còn đi thăm người đồng đội. Một lát bây vào ngủ sau nghen Năm.
– Dạ. Bác Hai cứ ngủ trước.
Ông đi vào trong vặn lớn cái radio lấy tay chỉnh ăng ten hết hướng này sang hướng khác đến khi nào nghe rõ tiếng mới dừng lại. Cô Út ở trong buồng đang lục đục. Tôi vẫn đưa mắt nhìn ra phía cánh đồng tối thui. Mỗi lần sấm chớp rền vang một góc trời, tôi lại được nhìn thấy cảnh mùa nước nổi hiện lên trong tầm mắt chốc lát. Lại nghĩ đến chuyện ngày mai cô Út đi gặp cô Ba mà trong bụng thấy nó cứ buồn làm sao. Chắc có lẽ Út đã chịu làm dâu nhà cô Ba ấy rồi. Tôi chẳng còn một chút hy vọng nào.
– Anh Năm… anh Năm… anh Năm…
– Cô Út gọi tôi hả.
– Ý Mèn đất ơi! Nghĩ cái gì mà như người mất hồn vậy anh Năm.
– Tôi nghĩ không biết ở nhà tía má như thế nào. Chắc là lo lắm đây.
– Ừa em cũng đoán vậy.
Cô khẽ cười, nụ cười ấy rõ ràng dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu đang treo lơ lửng trên cánh cửa phía trước. Cô vẫn đậm đà đoan trang trong chiếc áo bà ba.
– Cô Út nè. Sao cô Út chưa chịu lấy chồng? Có phải cô Út…???
– Phải cái gì hả anh Năm?
– Có phải cô Út muốn làm dâu nhà cô Ba ở ấp giữa đúng không?
– Được vậy thì quá tốt còn gì. Em là con gái nhà quê hổng có đòi hỏi gì đâu, có được một bà mẹ chồng như vậy thì quý cho em lắm. Nhưng…
– Sao vậy cô Út?
– Chắc con của cô Ba sẽ không chịu lấy em.
– Sao cô Út lại nghĩ như vậy?
– Vì em là con gái quê mùa, mấy anh trai trong xóm dễ gì mà chịu. Với lại không chừng bây giờ anh đó đã có vợ rồi cũng nên.
– Có thể anh ấy đã đi lấy vợ, vậy thì cô Út quên người đó rồi tìm người khác đi. Mà cụ thể như… như… ví dụ như là tôi nè. Tôi cũng là trai trong Xóm Gò nhưng tôi không chê gái quê mùa miền sông nước đâu, với lại ở đây thì ai chẳng nhà quê mà phân biệt với đối xử. Huống gì nhìn cô Út đẹp người đẹp nết thế này thì ai mà nỡ chê cho đành.
– Anh Năm nói chuyện vui tánh ghê.
– Tôi nói thiệt mà cô Út.
– Em đâu có biết anh đó là ai đâu mà quên với nhớ.
– Ủa là sao! Út nói gì tôi chưa hiểu cho lắm???
– Thì cô Ba muốn em làm dâu, nhưng lúc đó con trai của cô đi bộ đội chưa dìa. Cho nên em đâu có quen biết gì với anh đó.
– Vậy mà tôi cứ tưởng cô Út có quen biết. Có lẽ anh ấy đã lấy vợ rồi, vì thế Út cũng nên lấy chồng đi là vừa.
– Sao anh Năm biết anh đó đã lấy vợ.
– Thì… thì…???
– Thì sao hả anh Năm?
– Thì tôi là người xóm đó mà, ai mà tôi chẳng biết, đa số họ lấy vợ hết rồi.
– Ủa mà anh Năm có vợ chưa???
– Tôi chưa có. Nói thiệt Út lấy chồng được rồi đó! Lớn rồi còn gì.
– Lấy ai bây giờ hả anh Năm?.
– Thì lấy trai trong Xóm Gò, ai chưa có vợ thì lấy, ví dụ như tôi nè.
– Anh Năm nói vui thiệt đó. Ai mà chịu em.
– Sẽ chịu mà… Nếu cô Út đồng ý thì… thì…
– Thôi em vào đi ngủ đây để ngày mai còn đưa tía tới nhà anh Năm thăm bạn cũ. Anh Năm cũng vào ngủ sớm đi nghen.
Cô Út e thẹn đưa tay che miệng cười, lấy chiếc đèn dầu đang treo lơ lửng rồi đặt lên trên bàn thờ. Nhờ có ngọn đèn mà bây giờ tôi mới được nhìn thấy di ảnh má cô Út. Bà có khuôn mặt hiền từ và đôi mắt đẹp, thì ra cô Út có nét đẹp là sở hữu từ bà. Tiếng mưa đã dứt, cảnh vật xung quanh bỗng trở lại im lặng rồi nỗi buồn hiu quạnh của tôi cũng nổi lên trong ánh mắt đầy tràn. Chỉ còn những tiếng ếch nhái ộp oạp vang lên tứ phía, như một bản nhạc dân ca gõ vào đêm là nỗi thiết tha từ thăm thẳm gọi về. Tôi đi vào ngủ và nở nụ cười hạnh phúc trong vui mừng lẫn lộn! Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời được ngủ nhà con gái. Tôi thiêm thiếp chìm vào giấc mộng với những tiếng ếch nhái xung quanh, và những tiếng sóng ồ ạt ở phía trước vỗ về.
Sớm mai thức dậy nghe tiếng lạch tạch những chiếc ghe máy chạy qua. Cỏ cây bốn bề ướt đẫm sau một trận mưa lớn, cùng với màn sương dày đặc của bình minh vừa đến. Phía xa chân trời hừng đông vừa ló dạng. Cô Út dậy thật sớm, tay xách những giỏ đồ lỉnh kỉnh mang theo đi xuống ghe. Bác Hai cũng đi xuống dưới đã từ hồi giờ rồi.
– Cô Út xách cái gì mà nhiều quá vậy? Sao không để tôi xách xuống cho.
– Em thấy anh Năm còn ngủ nên hổng dám kêu. Em đem theo một ít cá mắm để biếu cô Ba, và biếu cho tía anh nữa. Anh Năm ơi, chiếc xuồng bị nước vào đầy hết, có lẽ do trận mưa tối qua. Tía em mới tát nước ra cho anh xong rồi đó.
– Cảm ơn bác Hai với cô Út nhiều nghen.
Tôi chạy ra sau rửa mặt rồi vội vàng xuống ghe cùng với hai tía con. Cô Út lái ghe thật giỏi, ở xóm tôi chẳng có đứa con gái nào mà biết đến việc này. Đúng là con gái miền sông nước có khác. Họ không ăn diện hay đua đòi mà chạy theo kiểu thời thượng như con gái tân thời. Cứ áo bà ba quần đen tóc xõa, tuy đơn sơ nhưng sao quá dịu dàng. Tôi ngồi trên ghe nói chuyện cùng bác Hai, đôi mắt hay dò thám từng cử chỉ hành động hướng về phía của cô Út. Khoảng nửa tiếng sau chiếc ghe đã tới. Cô Út buộc dây vào cây tràm, hai tía con đi theo tôi để vào nhà thăm bạn. Vừa đến đầu ngõ cô Út chợt reo lên:
– Ý mèn đất ơi, nơi này quen lắm! Đây là nhà của cô Ba đó anh Năm.
– Không… không… đây là nhà của tôi.
– Không phải đâu, em nhớ rất chính xác, ở sau có chuồng heo với mấy cây chuối. Bên hông là bụi tre, không bao giờ em quên. Đúng là vậy! Nhà của cô Ba đây rồi.
– Đúng rồi trước kia nhà tôi có nuôi heo, nhưng đã nghỉ nuôi cả mấy năm nay rồi. Ủa nói vậy là…
– Hả! Anh Năm là con của cô Ba! Người từng đi bộ đội.
– Đúng rồi mẹ tôi thứ ba. Nhưng tên là Hà. Ở cái xóm này người ta cứ quen miệng gọi má là cô Ba.
– Vậy là con Út nó đã biết gia đình của bây từ trước, còn bác lại là bạn của tía bây. Tính ra thì mình đâu có xa lạ gì phải hông thằng Năm – Bác Hai nói rồi cười.
– Dạ! Phải rồi đó bác Hai. Vì lúc đó Út cứ nói “cô Ba… cô Ba” mà ở đây nhiều bà thứ ba lắm, lại nhà nào cũng nuôi heo. Nên cháu cũng không biết là cô Út nói cô Ba nào. Có ngờ đâu lại là má của cháu. Chắc lúc cô Út tới đây thì cháu đã đi bộ đội chưa dìa. Thôi mình vào nhà đi bác Hai.
Cái dáng của tía ngồi đó với gương mặt buồn thiu hướng mắt về phía cánh đồng bên cửa sổ như đang đợi chờ ai đó. Tôi gọi to.
– Tía… tía…
Tía giật mình chạy ra, rồi ngoáy ra phía sau hét lên «bà ơi! Thằng Năm nó dìa rồi đây».
– Mày đi đâu mà tối qua không dìa nhà hả Năm. Tía với má bây lo sốt ruột cả đêm. Tối qua trời bão chẳng biết bây có chuyện gì không, cứ phập phồng mà sợ?
– Cũng vì bão nên con ngủ lại nhà bác Hai đó tía. Đố tía biết! Đây là ai?
Bác Hai lột chiếc nón tai bèo xuống, đôi mắt rưng rưng nhìn tía trong niềm vui sướng dâng trào…
– Ông đây là… có phải là… Hai Ân?
Bác Hai không kìm nén được cảm xúc, ông khóc ra thành tiếng.
– Hai Ân đây Sáu Thời.
Hai ông già ôm lấy nhau mà khóc như trẻ con. Họ vỗ vai mà miệng cứ gọi «đã mấy mươi năm rồi… trời ơi! Trái Đất quay tròn rồi chúng ta đã vô tình gặp lại nhau». Cô Út cũng xúc động theo, đưa tay vịn vào vai tôi mà đôi mắt cũng rưng rưng đỏ hoe. Má nghe tin tôi về từ nhà bếp lật đật chạy lên.
– Thằng Năm. Có phải mày đó không con.
Cô Út lấy tay lau nước mắt, miệng nở nụ cười khi đối diện cùng má.
– Anh Năm đêm qua ngủ ở nhà con đó cô Ba. Con là Út Diệu. Hồi đó hay đem rau muống sang đây, con có ngủ lại đây một đêm với cô Ba. Cô còn nhớ con hông?
– Ý mèn đất ơi, con Út Diệu đó hả bây. Bây lớn quá, lại đẹp gái, xíu nữa cô Ba nhìn không ra luôn. Còn ai kia?
– Dạ đó là tía con. Cũng là bạn từ thời đi lính của bác trai nhà mình luôn đó cô Ba.
– Ôi! Quý hóa quá! Quý hóa! Thiệt không ngờ. Mời anh với cháu Út Diệu đây vào nhà ngồi chơi – má nói.
– Bà vào nấu vài món để hôm nay đồng đội tôi nhậu cho say một bữa cho tẹt ga cái coi. Tôi còn nhớ anh Hai đây rất thích ca vọng cổ, càng uống say thì anh ca lại càng thấm thía, cái trích đoạn nào anh cũng làm được hết thảy, càng nghe càng khoái. Hôm nay tôi muốn nghe lại để nhớ cái hồi đó thời chiến tranh khói lửa bên nhau qua mấy lời vọng cổ! Được không hả ông tiểu đội trưởng – tía nói.
– Giờ thì già rồi. Nhưng anh muốn nghe thì tôi sẽ hát lại.
– Cháu xin vào phụ cô Ba nấu nướng nghen.
– Ôi vậy thì còn gì bằng. Út đi theo cô.
Tôi lấy xe đạp chở Út ra chợ xóm mua đồ theo những lời má dặn. Chưa bao giờ thấy vui như chính phút giây này. Cái điều bất ngờ nó cũng ồ ạt đến như những con sóng đang vọng về mải miết. Khi đi chợ trở về, tôi chèo xuồng đưa Út ra ao hái mấy bông súng mới nở, cái màu hồng hồng giống hệt bờ môi mọng của cô. Những bông điên điển đang đong đưa theo gió như tà áo vàng bay lất phất nên thơ cái nét của quê mình.
– Bấy nhiêu đây đủ rồi anh Năm, mình dìa để tía khỏi trông. Có bông súng, điên điển, và cả bông so đũa. Đủ nấu đến mấy nồi canh chua luôn rồi đó anh Năm.
– Út gọi mẹ tôi là má! Mừng quá – tôi nói thầm trong bụng.
– Ừ mình dìa thôi cô Út.
Chiếc xuồng nhẹ nhàng lướt trên cánh đồng nước mênh mang. Càng nhìn cô Út, tôi thấy thương mến làm sao. Cô đi trước tôi theo sau, mái tóc dài ngược gió cứ phả vào mặt tôi, mùi hương của bồ kết dịu dàng, mùi con gái cứ len lẻn trôi vào hồn chầm chậm mà thơm dịu say sưa.
Cô Út phụ má nấu dưới bếp, chẳng biết nói chuyện gì vui mà hai người phụ nữ cười khúc khích bên nhau nghe thật rộn rã. Nhà trên hai ông già cũng đang vui quá xá, cứ kể lại những chuyện xưa đã qua rồi, những câu vọng cổ cũng vang lên rần rần. Tía ngỏ ý muốn làm sui gia và được bác Hai tán thành đồng ý. Tôi thấy mừng trong bụng, cũng chẳng biết ý của cô Út ra sao? Tôi xuống bếp nhìn cô Út đang cặm cụi nấu nướng, má khều tay đi ra ngoài nói nhỏ.
– Má hỏi thiệt. Mày chịu lấy con Út làm vợ không? Chứ thấy con nhỏ nó cũng ưng rồi đó. Bây cứ nói với nó rồi qua mùa nước này má làm đám cưới cho.
– Út chịu con thiệt hả má?
– Ừa nhưng cũng phải nói với nó, cứ nhát như thỏ đế, im lặng vậy làm sao nó biết mày thương mà nó ưng. Ráng nói đi con.
Cả buổi đó tôi chẳng biết nói thế nào trong mỗi lần nhìn cô. Út đi ra sau rửa chén tôi cũng giả vờ đi theo làm phụ, rồi những lần cố tình nói trong sự rụt rè của chính mình.
– Cô Út nè.
– Gì vậy anh Năm. Có gì muốn nói với em sao?
– Cô Út lấy chồng đi, cũng đâu còn nhỏ nữa?
– Lấy ai bây giờ?
– Thì… thì…
– Thì sao, nói em biết đi. Nếu ai chịu thương em và nói cho em biết, em sẽ lấy người đó làm chồng.
– Út quay mặt sang chỗ khác đi. Tôi… tôi sẽ…
– Cái anh Năm này vô duyên thấy ớn à, em đang rửa chén mà kêu em quay mặt chỗ khác thì làm sao mà rửa cho sạch được. Kẻo cô Ba lại trách “con gái gì mà vụng về quá đỗi! Rửa chén mà cũng không xong” thì tội cho em lắm đó anh Năm.
– Nhưng Út ơi.
– Sao anh Năm?.
– Tôi chỉ muốn nói: ai cưới được Út thì người đó hạnh phúc lắm đó.
– Ủa vì sao?
– Vì cô Út đẹp người đẹp nết, lại còn giỏi giang nữa.
– Em kể chuyện này cho anh Năm Thuần nghe nha. Hồi đó tía em cũng thương má lắm, nhưng tía không dám nói. Tía cứ ấp a ấp úng rồi má nói “nhà em chẳng có đèn, muốn có một cái đèn dầu để thắp sáng cho đỡ lẻ loi? Vậy đó mà tía hiểu được ý của má. Tía mang theo cái đèn dầu sang đưa cho má rồi nói “làm vợ anh nghen ” thế là má đồng ý thôi, vì má cũng thương tía kia mà. Những mối tình ngày xưa đẹp quá phải hông anh Năm? Nhà em chỉ có một ngọn đèn dầu, cái đèn ấy chỉ để trên bàn thờ của má, riêng cái buồng em thì nó tối thui. Em cũng muốn có ngọn đèn dầu cho bớt lẻ loi mà chẳng biết đến chừng nào.
Tôi hiểu ra hàm ý trên, cô Út đang so sánh, ngọn đèn tức là người đàn ông. Nhà có một ngọn đèn có nghĩa chỉ có bác Hai, trong buồng cô lẻ loi thiếu ngọn đèn được hiểu rằng chưa có chồng vẫn còn đợi người thương.
Tôi cười rồi im lặng cho đến cả buổi chiều ấy.
Bác Hai cũng đã tỉnh rượu hẳn rồi chia tay tía để chuẩn bị ra về. Tôi cũng đi theo cô Út để bắt cá và lấy chiếc xuồng về. Trời tối nhanh vội vàng, ánh trăng tỏ thấy rõ hết mọi hướng. Chiếc ghe cập bờ bác Hai đi lên nhà nhưng cô Út còn ở lại.
– Em đi thu cá với anh Năm nghen. Cho em đi theo với.
– Ừa được. Mà Út có biết lội không đó?
– Tưởng anh Năm nói cái gì, em lội giỏi lắm đó.
– À, tôi quên cô Út là con gái miền sông nước. Vậy mình đi thôi.
Chiếc xuồng rời bờ tiến đến hướng có ánh trăng mà trông như rất gần. Trăng in xuống nước lộ nguyên vẻ thanh bình. Chiếc xuồng lắc lư kèm tiếng cười hí hửng của cô, thì ra cô đang ghẹo tôi rồi thẹn thùng ngó lơ nhìn về phía cuối trời. Cũng giống ánh trăng chia đôi, một vầng trên trời và một vầng dưới con nước. Vầng trên trời đứng yên nhìn xuống chẳng biết mỏi – vầng ở dưới nước đang mắc cỡ, nên mặt nước đã gợn lên những lăn tăn nhằm giấu đi cái nét duyên hiền hòa. Nhưng nó cũng sẽ đẹp trở lại khi trời yên bể lặng, mọi thứ nên thơ, sẽ lộ ra vẹn nguyên trên cánh đồng nước nổi.
– Xong chưa anh Năm, đưa em vào bờ.
– Xong rồi đó. Trăng hôm nay sáng và đẹp quá cô Út hen.
– Em thấy trăng sáng, mà thấy mình ganh tỵ quá trời à.
– Sao vậy cô Út?
– Vì buồng nhà em tối thui, chỉ ao ước có được một ngọn đèn dầu, mà chắc…
– Út nè. Rồi cái buồng nhà cô Út sẽ có ngọn đèn dầu để thắp sáng đêm đêm.
– Thiệt vậy hả anh Năm?
– Ừa. Tôi nói thiệt mà.
Chiếc xuồng đã cặp vào bờ. Cô Út đi ngang qua tôi để bước lên, vẫn là mùi tóc đã ướp hương bồ kết nồng nàn, thơm ngát cả không gian. Cô đi lên, tôi mở lấy cái đèn dầu trong khoan xuồng rồi giấu phía sau lưng.
– Ới mà cô Út ơi. Khoan đã…
Út quay lưng lại đôi mắt đượm buồn thấy rõ dưới ánh trăng tháng mười.
– Gì vậy anh Năm.
Tôi chạy đến nắm lấy tay cô Út rồi đưa cái đèn dầu.
– Út làm vợ anh nhé?.
Út lấy tay đón nhận rồi khẽ cười, gương mặt rất tươi lẫn thẹn thùng e ấp. Út cầm chiếc đèn dầu, gật đầu rồi bỏ chạy lên nhà trong ngần ngại chín đỏ, chỉ còn vọng lại một câu thật ngắn gọn:
– Anh Năm dìa cẩn thận nghen.
Tôi sung sướng, mừng muốn hét lên rồi cười như một đứa trẻ con vừa được quà. Con nước trên cánh đồng bao nhiêu thì bụng tôi cũng mừng đến bấy nhiêu. Trước khi xuống xuồng để trở về, tôi nhìn lên trên nhà thấy cô Út còn nép mình sau tấm vách trông theo cười duyên dưới ngọn đèn leo lắt. Tôi xuống xuồng chèo đi rất vội vàng, nó lướt nhanh như chiếc ghe máy chạy. Tôi mừng quá nghêu ngao ca lên đến mấy câu vọng cổ liên tiếp, tiếng hát vọng xa xa như đang khoe với cảnh vật xung quanh, nỗi mừng vui, từ tâm tư của mình. Ngoài tít tắp trời là ánh trăng thắp sáng cả một cánh đồng mùa nước nổi, nhưng chẳng bao giờ sáng hơn cái ngọn đèn dầu của tôi vừa trao gửi cho nàng. Rồi từ đây nhà cô Út sẽ có hai ngọn đèn dầu, một ngọn là bác Hai và một ngọn là tôi. Chiếc xuồng đã tới, tôi buộc dây vào cây tràm, mừng quýnh một mạch chạy dìa, mà quên cả lấy cá. Nếu dìa, tía má mà có hỏi cá giăng lưới đâu rồi? Tôi sẽ trả lời rằng “tía má ơi con đã dính được một nàng tiên cá”. Ở ngoài kia chỉ còn lại ánh trăng già cỗi và từng đợt sóng cuộn, chúng liên tiếp nối nhau như âu yếm vỗ về.