Tiểu thuyết của nhà văn KHÔI VŨ
Nxb Dân Trí liên kết Trung tâm TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC
Khổ sách: 15×23, dày 408 trang
Giá sách: 189.000đ
Trung tâm TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC xin giới thiệu tập tiểu thuyết mới xuất bản của Nhà văn KHÔI VŨ.
Tác giả Khôi Vũ: Tên thật và bút danh viết cho thiếu nhi: NGUYỄN THÁI HẢI; là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1990, quê ở làng Hới, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình. Anh Sống và làm việc tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai từ 1955 với Nghề Dược – Nghiệp Văn.
Đến 2022, Khôi Vũ đã in 30 tập truyện, tiểu thuyết, tập ký (Khôi Vũ) và 40 tập truyện, truyện dài cho thiếu nhi (Nguyễn Thái Hải) trong đó có một số tác phẩm quan trọng:
– Lời nguyền hai trăm năm (Tiều thuyết) Giải thưởng hàng năm Hội Nhà văn VN năm 1990
– Cha con Ông Mắt Mèo (Truyện dài) Giải thưởng văn học Thiếu nhi Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh 1993
– Những người nuôi lửa (Tiểu thuyết) – Phù phiếm bên biển (Tập truyện) – Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức tỉnh Đồng Nai năm 2005 và 2010.
– Hai con diều bay thấp (Truyện ngắn) Giải thưởng Quỹ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch 2006
– Sông Luộc ở phương Nam (Tiểu thuyết) Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết 2016-2019 của Hội Nhà văn VN
Đây là cuốn tiểu thuyết đoạt Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết 2016-2019 của Hội Nhà văn VN.
Tiểu thuyết SÔNG LUỘC Ở PHƯƠNG NAM là cuốn sách được nhà văn Khôi Vũ viết trong vòng 4 năm, đoạt Giải Ba Cuộc thi Tiểu thuyết 2016-2019 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Đề tài của tiểu thuyết viết về cuộc sống của những người Bắc di cư.
“Trong tiểu thuyết, kể nhiều chi tiết có thật trong cuộc sống. Chẳng hạn, viết về người di cư ở miền Nam, cụ thể ở khu Phúc Hải, TP. Biên Hòa”
“Tác giả, người kể lại câu chuyện này, xin được “vô hạn cảm” với các nhân vật trong chuyện – những người tha hương đến vùng đất lạ và đã trụ vững, tính đến cuối câu chuyện là vừa ba thế hệ.” – nhà văn Khôi Vũ chia sẻ.
Tiểu thuyết được viết với giọng văn điềm đạm, tình người tình đất, tình quê hương thấm đẫm trong mỗi trang viết.
Tiến trình lịch sử tính từ thế kỷ XVII đưa nhiều người con từng sinh ra, lớn lên ở miền Bắc, miền Trung phiêu bạt đến lập nghiệp một, hai, ba rồi nhiều đời sau nữa, ở phương Nam, trong đó có vùng đất bên dòng sông Đồng Nai. Họ là những người tha hương thích phiêu lưu tự phát để kiếm sống từ thời nhà Nguyễn, là những người ký công tra làm phu cao su thời Pháp thuộc với hy vọng được đổi đời; họ còn tha hương do thời cuộc, là những người có mặt trong đợt di cư lớn năm 1954; sau tháng 4/1975 lại có thêm một bộ phận di chuyển từ Bắc vào Nam công tác và sinh sống lâu dài…. Tất cả họ đã phải vượt qua bao khó khăn buổi đầu, dần hòa nhập với quê hương mới. Điểm chung của những di dân là dù thành công hay thất bại trong đời, hầu như cho tới khi lìa đời, họ vẫn vọng về nơi chôn nhau cắt rốn.
Sông Luộc là một trong những con sông ở miền Bắc nối sông Hồng với sông Thái Bình. Có một người con của quê hương sông Luộc, và gia đình nhỏ của ông, đã chuyển đến sinh sống bên dòng sông Đồng Nai. Cùng với hàng triệu người miền Bắc di cư vào Nam sau năm 1954, ông và gia đình cũng đã phải trải qua nhiều gian khó để hòa nhập được vào cuộc sống mới. Những gian khó bủa vây họ từ thời cuộc, từ đời sống kinh tế, từ giao tiếp văn hóa, cuộc sống tâm linh… cho tới sự đối phó với nhau của chính những người di cư. Có những giọt mồ hôi đổ, có những dòng nước mắt tuôn, và cả mạng sống bị đe dọa hay đánh đổi…