Hơn hai năm, 11 tiểu thuyết của các nhà văn trong nước được nhóm thực hiện “Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại” dịch và xuất bản tại Pháp.

Tối 23/4, tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, diễn ra buổi trò chuyện do Phó giáo sư – Tiến sĩ Đoàn Cầm Thi chủ trì, với chủ đề “Tiểu thuyết Việt trước toàn cầu hóa”. Đoàn Cầm Thi là người thành lập tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” tại Pháp.

Phó giáo sư – Tiến sĩ Đoàn Cầm Thi trong buổi nói chuyện tối 23/4 tại Hà Nội. Dù thừa nhận, việc chọn dịch các tác phẩm của tác giả mới có phần mạo hiểm hơn giới thiệu tác phẩm được tôn vinh qua nhiều thế hệ, nhóm của chị vẫn kiên trì với công việc đang làm.

Đoàn Cầm Thi cho biết, chị muốn hướng độc giả Pháp tới những tác giả mới của Việt Nam. Theo chị, lớp nhà văn lớn lên sau chiến tranh tạo được diện mạo riêng. Vì thế, chị muốn phương Tây và người nước ngoài thay đổi cái nhìn sáo mòn về văn chương Việt. Các tác phẩm được êkíp của chị chọn dịch theo tiêu chí: nội dung và hình thức thể hiện mang tính cách tân.

 

Không chỉ tập trung vào việc chọn dịch tác phẩm, nhóm thực hiện tủ sách còn tổ chức nhiều hoạt động để giới thiệu chúng đến bạn đọc nước ngoài. Năm 2014, họ tổ chức hội thảo quốc tế có tên “Việt Nam đương đại: Văn chương, điện ảnh và ngôn ngữ” tại Paris. Tủ sách cũng có mặt tại những địa chỉ được coi là thánh địa văn chương Pháp như: Thư viện Quốc gia, Trung tâm Sách quốc gia, Hội chợ Sách, Đại Cung điện, Viện ngôn ngữ và văn minh Đông Phương…

Một số cuốn sách trong tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” xuất bản tại Pháp.

Tiến sĩ Đoàn Cầm Thi cũng nói về thực tiễn xuất bản sách văn học Việt Nam tại Pháp. Theo một thống kê của UNESCO, số sách văn học Việt dịch ra ngoại ngữ từ năm 1980 tới 2009 như sau: 130 cuốn dịch ra tiếng Pháp, 83 tác phẩm ra tiếng Anh, 42 tác phẩm dịch ra tiếng Nga và 27 tác phẩm dịch ra tiếng Đức. Như vậy, Pháp đứng đầu danh sách các quốc gia dịch tác phẩm văn học Việt. Tại Pháp, có ba trong tổng số 1180 nhà xuất bản phát hành tác phẩm văn học Việt, là: L’Aube, Philippe Picquier và Riveneuve. Đó là lý do, nhóm xây dựng tủ sách đầu tư chiến lược, đưa ra cách thức bài bản để giới thiệu sách Việt tại thị trường này.

 

Đoàn Cầm Thi làm công tác giảng dạy tại Học viện Văn minh và Ngôn ngữ Phương Đông, Paris (Pháp). Chị cùng những người bạn của mình thành lập tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” tại Pháp vào tháng 10/2012. Tủ sách được duy trì với sự hợp tác của Nhà xuất bản Riveneuve. Các dịch giả của tủ sách đều làm công tác giảng dạy, nghiên cứu. Mỗi cuốn sách in lần đầu với số lượng 2.000 bản. Tuy chưa có cuốn nào tái bản, nhà xuất bản Riveneuve vẫn tiếp tục duy trì tủ sách này.

 

Đến nay, tủ sách này giới thiệu hơn 10 tác phẩm, gồm: T. mất tích, Chinatown, Thang máy Sài Gòn (Thuận), Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà), Khmer Bolero, Saigon Samedi (Đỗ Kh), Thoạt kỳ thủy (Nguyễn Bình Phương), Song song (Vũ Đình Giang), Blogger (Phong Điệp), Giữa dòng chảy lạc (Nguyễn Danh Lam), Delete (tập truyện ngắn và tản văn của Phong Điệp và Nguyễn Việt Hà). Vào tháng 9, tiểu thuyết Ngựa thép của Phan Hồn Nhiên sẽ được xuất bản tại Pháp.

Theo Lam Thu (Vnexpress)

Exit mobile version