1. Ngay từ những năm 70 của thế kỉ XX, văn chương thế giới đã có hàng loạt tác phẩm đề cập đến nguy cơ sinh thái. Bấy giờ, các nhà sử học đã đề xuất quan niệm tự nhiên không chỉ là sân khấu của các vở bi kịch lịch sử mà bản thân nó cũng tham gia vào sự diễn xuất; các nhà nhân loại học chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và địa lí; các nhà tâm lí học thừa nhận sự bất hòa giữa con người và thiên nhiên là nguồn gốc của các căn bệnh xã hội, bệnh tâm lí; các nhà triết học đề xuất các vấn đề về sinh thái học xã hội, sinh thái học luân lí học; các nhà thần học xác quyết môi trường là một vấn đề của tôn giáo… Theo học giả Kate Rigby trong công trình Giới thiệu phê bình thế kỉ XXI thì các nhà phê bình văn học là những người “phản ứng chậm” trước vấn đề thời sự này. Phải đến đầu thập niên 90, từ Mĩ lan rộng ra nhiều nước trên các châu lục, các hoạt động văn học gắn kết với môi trường như tổ chức hội thảo “Phê bình sinh thái: làm xanh lại nghiên cứu văn học” (1991), thành lập Hội Nghiên cứu văn học và môi trường (1992), xuất bản công trình Nghiên cứu liên ngành về văn học và môi trường (1993)… liên tục diễn ra đã khiến phê bình sinh thái trở thành một phong trào có tiếng tăm trong giới học thuật.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phê bình sinh thái nhanh chóng lan truyền khắp thế giới. Các thuật ngữ như chủ nghĩa/ phê bình sinh thái (ecocriticism), sáng tác tự nhiên (nature writing), văn học sinh thái (environmental literature), phê bình văn học sinh thái (ecological literary criticism), phê bình xanh (green studies), ngôn ngữ xanh (green language), sinh thái học lãng mạn (romantic ecology)… dần trở nên quen thuộc với mọi người. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đa số giới sáng tác và phê bình dường như vẫn đứng ngoài cuộc, mặc dù họ cũng đang là những tác nhân và nạn nhân của sự hủy hoại môi trường.


2. Mối quan hệ giữa con người và môi trường, con người và tự nhiên đã được đề cập đến trong văn chương từ thời cổ đại. Trong tâm thức của nhân loại nói chung, người phương Đông và đặc biệt là giới tao nhân mặc khách nói riêng, thiên nhiên là người bạn lớn, người mẹ vĩ đại luôn tương giao, tương thông, tương cảm với con người, là bến bờ nương tựa và gột rửa linh hồn, là nơi lánh ẩn và di dưỡng tinh thần của họ. Thi hào Tagore từng nói: “Nghệ sĩ là người tình của thiên nhiên”. Hồ Chí Minh cũng từng khái quát: “Cổ thi thiên ái thiên nhiên mĩ”. Việc thiên nhiên, môi trường, tự nhiên tồn tại trong đời sống văn học một cách lâu dài, bền bỉ như thế, hẳn đã tạo nên một nền văn học sinh thái? Không phải như thế. Trong văn học quá khứ, dù nhà văn có trân trọng, có yêu thiên nhiên thiết tha đến mấy, miêu tả thiên nhiên đẹp đẽ, thơ mộng và hùng vĩ đến mấy cũng chỉ để tỏ cái tình, cái tài, cái trí, cái chí của người cầm bút. Thiên nhiên chỉ là khách thể của văn chương, là phương tiện nghệ thuật để nhà văn “tải đạo”, “ngôn chí”. Câu thơ “Cảm thời hoa tiễn lệ/ Hận biệt điểu kinh tâm” (Cảm thương thời thế hoa rơi lệ/ Hận biệt li chim cũng động lòng) của Đỗ Phủ trong bài Xuân vọng “là một biểu hiện điển hình của kiểu văn học lấy nhân loại làm trung tâm”(1). Bản thân hoa và chim không quan trọng, quan trọng là chúng có thể là công cụ để biểu đạt tình cảm của thi nhân. Đặc trưng hạt nhân của văn học sinh thái là kiên quyết bài trừ những thái độ công cụ hóa và phương pháp hóa đối với tự nhiên. Điều này giúp chúng ta có thể vạch một ranh giới rõ ràng trong việc miêu tả tự nhiên giữa tác phẩm văn học sinh thái và tác phẩm văn học phi sinh thái.

“Văn học sinh thái là loại văn học lấy chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái làm cơ sở tư tưởng, lấy lợi ích chỉnh thể của hệ thống sinh thái làm giá trị cao nhất để khảo sát và biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và truy tìm nguồn gốc xã hội của nguy cơ sinh thái”(2). Một tác phẩm văn học sinh thái không chỉ đơn thuần miêu tả tự nhiên hoặc hệ sinh thái, mà quan trọng hơn là phải có đầy đủ tư tưởng sinh thái và góc nhìn sinh thái. Văn học sinh thái đặc biệt chú trọng đến trách nhiệm và nghĩa vụ của con người đối với tự nhiên, khẩn thiết kêu gọi con người bảo vệ vạn vật trong tự nhiên và duy trì cân bằng sinh thái, nhiệt tình ca ngợi sự hi sinh của con người vì lợi ích của chỉnh thể sinh thái. Văn học sinh thái đưa trách nhiệm của nhân loại đối với tự nhiên thành định hướng đạo đức chủ yếu.

Văn học sinh thái kiếm tìm nguồn gốc xã hội của nguy cơ sinh thái. Vì vậy, phê phán mặt trái văn minh cũng là một đặc điểm nổi bật của dòng văn học này. Rất nhiều tác giả tuyên chiến với chủ nghĩa nhân loại trung tâm, nhị nguyên luận, các quan điểm chinh phục và thống trị tự nhiên, quan điểm sức mạnh của dục vọng, phát triển là trên hết, chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tiêu dùng, cải tạo tự nhiên, phá vỡ cân bằng sinh thái… Ngoài ra, bằng sức tưởng tượng và sự nhạy cảm của nhà văn, những tác phẩm viễn tưởng còn có thể dự báo những thảm họa sinh thái, cảnh báo nhân loại về các nguy cơ sinh thái.

Tuy nhiên, lấy lợi ích sinh thái làm giá trị cao nhất không có nghĩa là văn học sinh thái coi thường nhân loại hoặc phản nhân loại, bởi vì lợi ích của sinh thái suy cho cùng chính là lợi ích căn bản và bền vững của nhân loại. Nguy cơ sinh thái không đơn thuần là nguy cơ của tự nhiên, của từng địa phương, từng quốc gia mà còn là nguy cơ chung của nhân loại. Sự áp bức của con người đối với tự nhiên bao giờ cũng liên quan và đi kèm với sự áp bức của con người đối với con người trong xã hội. Vì vậy, đảm bảo sự cân bằng đối với tự nhiên cũng chính là đảm bảo cân bằng xã hội. Đồng thời, trong văn học sinh thái, những vấn đề về môi trường còn được tích hợp với những vấn đề xã hội mang tính toàn cầu như giới tính, chủng tộc và giai cấp. Đó chính là những cơ sở để giáo sư Laurence Buell của đại học Harvard cho rằng “văn học sinh thái là văn học viết vì nguy cơ của thế giới”.

Trong văn học đương đại Việt Nam, ngay từ thập niên 80, 90 của thế kỉ trước đã có các tác phẩm mang tư tưởng sinh thái như Sống mãi với cây xanh của Nguyễn Minh Châu, Kiến và người, Mối và người, Trăm năm còn lại của Trần Duy Phiên… Đặc biệt, tiểu thuyết Trăm năm còn lại được Hoàng Phủ Ngọc Tường đánh giá “là cuốn tiểu thuyết dữ dội nhất của văn học Việt Nam dẫn dắt chúng ta vào tận thế giới bên trong chứa đầy sức bạo liệt của rừng”(3). Đó là những tác phẩm thể hiện sự yêu thương, tôn trọng của con người đối với tự nhiên, chống lại sự lợi dụng, chinh phục, khống chế, cải tạo, tước đoạt và tàn phá tự nhiên của con người. Gần đây nhất, trong truyện ngắn Khói trời lộng lẫy (2010), Nguyễn Ngọc Tư cũng bộc lộ tư duy sinh thái khi đan lồng vào câu chuyện tình yêu, thù hận muôn thuở của con người nỗi day dứt vì cái đẹp hoang sơ, chân chất của tự nhiên đang một đi không trở lại. “Đồng cỏ bạn đang dạo chơi một ngày kia sẽ biến mất. Dòng sông bạn đang tắm một ngày kia sẽ biến mất. Tiếng chim hót ban mai một ngày kia sẽ biến mất. Những người thân yêu của bạn một ngày kia sẽ biến mất”. “Con người trừng trị thiên nhiên bằng cách hạ nhục, hủy hoại nó”. “Thiên nhiên trừng phạt con người bằng cách biến mất”. “Không có gì là mãi mãi, hãy cất giữ thế giới này”…

Ngoài ra, những sáng tác thuộc dòng “văn học da cam” cũng đã có sự giao thoa với văn học sinh thái khi đề cập nhiều đến sự tàn phá môi trường của chất độc dioxin với những khu rừng xác xơ trụi lá, những mái đầu rụng hết tóc của các nữ thanh niên xung phong, những đứa con không rõ hình hài của các cựu chiến binh… Rõ ràng, sự hủy diệt môi trường đã trở thành một nội dung lớn (dù không phải là nội dung chính) song hành bên cạnh nội dung thể hiện tội ác của chiến tranh, nỗi đau thời hậu chiến. Ở các tác phẩm phản ánh đời sống đương đại, những đề tài xoáy vào đời sống mạo hiểm của “xã hội đen” như một dạng “tiểu thuyết đường rừng”, vào chiến công và sự hi sinh của những anh hùng thời bình trong cuộc chiến bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hay sự tương tác giữa tính cách con người và môi trường sống… cũng đã chạm đến lãnh địa của văn học sinh thái. Tuy nhiên, mục đích hướng đến của các nhà văn “gần với văn học sinh thái” là thể hiện nỗi nhọc nhằn, sự tàn khốc của cuộc mưu sinh “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” và sự đa diện, phức tạp của con người cá nhân trong đời sống đương đại. Nghĩa là tôn chỉ sáng tác của họ vẫn là “nhân loại trung tâm”. Như thế, dù vấn đề thuộc về sinh thái luôn hiện diện trong các trang viết nhưng chúng ta vẫn rất thiếu những tác phẩm văn học sinh thái đích thực, thiếu sáng tác tự nhiên, văn học sinh thái. So với các nước Âu – Mĩ và các nước trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc thì các nhà văn Việt Nam vẫn “phản ứng chậm” hơn.

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, nguy cơ sinh thái, ô nhiễm môi trường, tàn phá môi trường. Những vấn nạn ấy đang được các phương tiện truyền thông đề cập mỗi ngày. Mặt trái của văn minh đô thị, của sự phát triển nóng với bao bộn bề, ngổn ngang, mất mát và tổn hại như hiệu ứng nhà kính, chất thải công nghiệp, lạm dụng khai thác thủy điện, đánh bắt hủy diệt, lâm tặc, thiếc tặc, vàng tặc… cùng với đó là hệ quả của sinh thái hậu thuộc địa, môi trường hậu chiến tranh… đang đẩy xã hội vào quỹ đạo của sự phát triển không bền vững. Ngoài nỗi đau da cam đã được chà đi xát lại trong thơ văn, còn rất nhiều vấn nạn của môi trường vẫn đang diễn ra hàng ngày rất cần sự lưu tâm của nhà văn. Sếu đầu đỏ bỏ miền Tây Nam Bộ thiên di sang những cánh đồng Campuchia không có cạm bẫy; các loài động vật đi vào sách đỏ vẫn tiếp tục bị săn bắt; những con sông dòng thác đẹp như mơ bị bức tử; người dân sống ở vùng có đập thủy điện luôn hoang mang giữa đi hay ở và ngủ hay thức; chỉ trong phút chốc thôi mà bao nhiêu tài sản và sinh mạng vùi sâu trong bùn lũ, chỉ trong giây lát thôi mà cả thành phố sầm uất trở nên đổ nát điêu tàn… Tất cả những điều đó khiến con người cảm thấy tiếc nuối, đau đớn, bất an, mong manh hơn trước cuộc sống này. Và chúng đều có thể trở thành những đề tài lớn của văn học, hình thành nên cảm thức sinh thái, tư tưởng sinh thái trong các nhà văn.

Về phương diện nghệ thuật, văn học sinh thái không có gì khác biệt với các loại hình văn học khác. Phương thức sáng tạo vẫn tùy thuộc vào cá tính sáng tạo và kĩ xảo tự sự của nhà văn. Vì vậy, văn học sinh thái là một tiềm năng dễ khai thác và cần khai thác trong văn học Việt Nam.


3. Cũng giống như lĩnh vực sáng tác, phê bình sinh thái trong văn học vẫn chưa được giới nghiên cứu nước ta chú ý nhiều mặc dù đây là một khuynh hướng phê bình được đánh giá là đang phát triển rất năng động trên thế giới hiện nay. “Đã có nửa tá tạp chí học thuật ở châu Âu, Bắc Mĩ, châu Á, bên cạnh tạp chí đi đầu của hiệp hội ASLE là ISLE”(4).

Theo nhà phê bình sinh thái Mĩ Cheryll Glotfelty thì “Phê bình sinh thái là khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và tự nhiên”, “mang đến một cách tiếp cận lấy trái đất làm trung tâm trong nghiên cứu văn học”.

Phê bình sinh thái là một lí thuyết liên ngành, kết hợp giữa văn học và các ngành khoa học khác, giữa phân tích văn chương và rút ra những cảnh báo về môi trường. “Nó có thể không đưa ra được những giải pháp trực tiếp cho những vấn đề môi trường nghiêm trọng hiện nay nhưng bằng cách phân tích các diễn ngôn về thiên nhiên và môi trường, nó có thể tác động đến tâm thức con người, điều chỉnh nhận thức, khắc phục những ngộ nhận về môi trường, để từ đó, có những hành động đúng đắn hơn, hướng đến sự phát triển bền vững. Đồng thời, xa hơn và quan trọng hơn cả, phê bình sinh thái hình thành một chủ nghĩa nhân văn mới, ở đó, con người biết nghe tiếng nói của thiên nhiên để đối thoại với nó”(5).

Phê bình sinh thái nhấn mạnh trách nhiệm xã hội qua luận thuyết tự nhiên là một tồn tại và không thể phủ định sự tồn tại đó, đồng thời thể hiện các phương diện chính trị mà nó quan tâm. Trên lập trường chính trị cụ thể, các nhà phê bình sinh thái đương đại phương Tây chọn ra bốn phương diện sau: sinh thái học độ sâu (deep ecology – cho rằng nguồn gốc của nguy cơ sinh thái là do con người và tự nhiên bị phân làm hai), sinh thái chủ nghĩa nữ quyền (eco – feminism – cho rằng thảm họa sinh thái xuất phát từ “chủ nghĩa nam giới trung tâm”), sinh thái học xã hội (social ecology) và sinh thái chủ nghĩa Marx (eco – marxism – cho rằng nguồn gốc của mọi đổ vỡ của giới tự nhiên là do các vấn đề chính trị có liên quan đến thể chế của tư bản chủ nghĩa).

Giống như chủ nghĩa hậu hiện đại, nội hàm căn bản của phê bình sinh thái là tính giải cấu trúc mạnh mẽ của nó. Việc phản tư, phê phán một cách sâu sắc và đau khổ đối với mặt trái của “tính hiện đại”, của văn minh công nghiệp khiến cho phê phán trở thành đặc trưng cơ bản của phê bình sinh thái. Jonathan Levin còn chỉ ra: “Ngoài nghiên cứu văn học biểu hiện tự nhiên như thế nào, chúng ta tất yếu còn phải dùng rất nhiều tinh lực để phân tích tất cả các nhân tố văn hóa xã hội quyết định thái độ đối đãi của con người đối với tự nhiên và hành vi tồn tại trong môi trường tự nhiên, đồng thời kết hợp những phân tích này với nghiên cứu văn học”(6).

Với tư cách là khuynh hướng phê bình văn hóa văn học, phê bình sinh thái có nhiệm vụ chủ yếu mang giá trị đặc thù và đặc trưng bản thể luận của nó, đó là thông qua văn học để thẩm định lại văn hóa nhân loại, tiến hành nghiên cứu – phê phán những tư tưởng, văn hóa, mô hình phát triển xã hội của loài người làm ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của nhân loại đối với tự nhiên, dẫn đến tình trạng xấu đi của môi trường và nguy cơ sinh thái. Phê bình sinh thái còn thể hiện thái độ của người nghiên cứu về văn hóa ứng xử của con người đối với tự nhiên. Thái độ đó thể hiện trên nhiều phương diện, đó có thể là sự bất bình đối với các thái độ, hành vi coi thường tự nhiên, hủy hoại tự nhiên; có thể là sự ngợi ca vẻ đẹp, sự hữu ích của tự nhiên đối với đời sống nhân loại; có thể là sự cảnh báo về sự trả giá của con người từ những sai lầm đối với tự nhiên do họ gây ra. Ngoài việc chỉ ra những hậu quả của văn minh công nghiệp, của chủ nghĩa nhân loại trung tâm cực đoan, chủ nghĩa chinh phục tự nhiên, chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa hưởng lạc…, phê bình sinh thái còn chủ trương tái thiết môi trường. Sự tái thiết đó phải diễn ra trên phương thức tư duy hệ thống, tư duy khoa học liên ngành, quan niệm giá trị đa nguyên, tinh thần nhân văn… Sự tái thiết liên quan đến trách nhiệm của nhà văn, nhà phê bình trước nguy cơ sinh thái. Họ phải góp phần ngăn chặn văn học phản sinh thái, thông qua việc thay đổi quan niệm để chuộc lỗi với tự nhiên.

Năm 1992, Hội Nghiên cứu văn học và môi trường (The Association for the Study of literature and environment), gọi tắt là ASLE được thành lập ở đại học Nevada (Mĩ). ASLE là một tổ chức học thuật phê bình sinh thái mang tính quốc tế, có hơn một nghìn hội viên đến từ các nước khác nhau, hai năm tổ chức hội thảo một lần. Ngoài ra, ASLE còn thường tổ chức các cuộc thảo luận quy mô nhỏ, xuất bản tập san của hội là Nghiên cứu liên ngành về văn học và môi trường (Interdisciplinary Studies in literature and environment) (ISLE) giới thiệu những thành quả phê bình sinh thái mới nhất, gửi đi Danh sách những vấn đề thảo luận học thuật (The ASLE discussion list)(7). Chỉ trong vòng 10 năm, ASLE đã gây ảnh hưởng nhanh và rộng trong phạm vi thế giới, đã thành lập 8 phân hội ở Nhật Bản (1994), Anh (1996), Đài Loan (1998), Hàn Quốc (2001), Australia và New Zealand (2003), Đại lục châu Âu (2004), Ấn Độ (2004), Canada (2005); có khoảng 1.450 thành viên đến từ hơn 30 quốc gia. Tạp chí ISLE liên tục xuất bản từ năm 1993 đến nay.

Cho đến nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, ở nước ta mới chỉ có một vài bài giới thiệu lí thuyết phê bình sinh thái đăng trên tạp chí chuyên ngành và kỉ yếu hội thảo văn học, một vài đề tài khoa học nghiên cứu văn học từ góc nhìn phê bình sinh thái. Xét về thời gian xuất hiện lẫn số lượng công trình, đó là một biểu hiện rõ ràng của sự “phản ứng chậm” cần được khắc phục. Theo Scott Slovic, phê bình sinh thái “khảo sát cặn kẽ những ngụ ý về môi trường sinh thái và quan hệ giữa con người – tự nhiên trong bất kì văn bản văn chương nào, kể cả những văn bản thoạt nhìn không để ý gì đến thế giới không con người”. Trong thực tế, dù số lượng tác phẩm văn học sinh thái của nước ta còn rất ít, nhưng vấn đề sinh thái với muôn hình vạn trạng vẫn hiện hữu trong các tác phẩm từ xưa đến nay. Đó là thái độ trân trọng, yêu quý và bảo vệ tự nhiên, các hành động tước đoạt và phá hoại tự nhiên, điều kiện sống không đảm bảo (ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, kiến trúc đô thị tùy tiện, không gian nhà ở tù túng…), bi kịch của việc thành thị hóa nông thôn, thái độ kính sợ tự nhiên, quan niệm “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”… Cho dù những vấn đề trên chỉ là đường đi chứ không phải đích đến của các tác giả khi sáng tác, cho dù sinh thái không phải là trung tâm trong các tác phẩm “nhân loại trung tâm”, nhưng đó chính là đối tượng nghiên cứu phong phú, là tiềm năng đang chờ đợi được nghiên cứu theo hướng phê bình sinh thái. Nếu kể thêm đối tượng nghiên cứu là tác phẩm văn học nước ngoài thì có thể thấy phê bình sinh thái có rất nhiều quặng mỏ.

Về mặt lí luận, “dù đang ở trạng thái tiến triển hơn là cô đúc vững vàng”, lí thuyết phê bình sinh thái vẫn không có gì phức tạp, không có sự đối lập quá gay gắt giữa các trường phái; việc truy cập vào các trang web của ASLE (http://www.asle.org) và ISLE (http://isle.oxfordjournals.org) cũng rất dễ dàng; các lí thuyết liên quan đến phê bình sinh thái như văn học so sánh, văn học hậu hiện đại, văn học nữ quyền… đã được các nhà khoa học và khoa bảng nước ta ứng dụng nghiên cứu rộng rãi… Đó là những điều kiện rất thuận lợi cho việc “đặt môi trường lên bàn nghị sự như một mối ưu tiên cấp thiết cho bản thân nghiên cứu văn học”(8).


4. Trong các công trình của mình, các nhà sinh thái học nghệ thuật đều bày tỏ mối liên hệ giữa văn học sinh thái và sự sinh tồn của nhân loại, chỉ ra tính tất yếu và tính cấp thiết của sáng tác và phê bình sinh thái. Cho đến nay, tính cấp thiết ấy vẫn chưa tác động nhiều đến các nhà văn và nhà nghiên cứu Việt Nam. Để sáng tác và phê bình văn học sinh thái trở thành một khuynh hướng gắn bó thiết thực với đời sống văn chương và đời sống xã hội, phát huy trách nhiệm của nhà văn, nhà khoa học trong việc bảo vệ môi trường và ngăn chặn các nguy cơ sinh thái, để văn học nước ta bắt nhịp được với văn học thế giới, cần phải có một chiến lược lớn và đồng bộ. Lí thuyết phê bình sinh thái cần được tổ chức dịch thuật, giới thiệu và phát triển. Các nhà văn cần chú ý nhiều hơn đến đề tài môi trường và mối quan hệ giữa văn học với môi trường, trách nhiệm của nhà văn với giới tự nhiên và sự an nguy, sự tồn vong của dân tộc, của nhân loại. Các nhà nghiên cứu, các cơ sở đào tạo cần triển khai các đề tài khoa học gắn với lí thuyết phê bình sinh thái. Nghĩa là chúng ta cần có một nền văn học vì môi trường toàn diện từ khâu sáng tác đến khâu nghiên cứu. Đó chính là tâm thức thời đại, yêu cầu thời đại. Đồng thời, đó cũng là cách thể hiện trách nhiệm thiết thực của nhà văn và người nghiên cứu văn chương đối với môi trường sống, thể hiện sự gắn kết giữa khoa học và thực tiễn, đưa văn học Việt Nam hội nhập và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa

 

Nguyễn Thị Tịnh Thy – Vannghequandoi.com.vn

——————-

(1) Sinh thái văn học, http://wenku.baidu.com/link?url=HkJb2ETkplt2vxdHjRlb.

(2), (6) Vương Nặc, Sinh thái phê bình: Phát triển dữ uyên nguyên, Tạp chí Nghiên cứu văn nghệ (Trung Quốc), 2002/3, tr.48.

(3) Trần Duy Phiên, Trăm năm còn lại, Nxb Trẻ, 1996, tr.5.

(4), (7) Phê bình sinh thái – cội nguồn và sự phát triển (Đỗ Văn Hiểu dịch từ bản tiếng Trung: Tuyển tập văn luận văn học sinh thái Trung Quốc và thế giới), http://tapchinhavan.vn/news.

(5) Karen Thornber, Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học (Hải Ngọc dịch), http://hieutn1979.wordpress.com/2013/04/27.

(8) Karen Thornber, Ecocriticism (tài liệu thuyết trình tại Viện Văn học, 2011).

Exit mobile version