Dưới đây là trích đoạn cuộc phỏng vấn giữa Salman Rushdie và The Guardian.
– Cuốn sách mới nhất của ông – “Luka and the Fire of Life” – được dành tặng cậu con trai út, Milan, 14 tuổi. Và nó là phần tiếp theo của “Haroun and the Sea of Stories”, cuốn sách dành tặng cậu con trai cả, Zafar, nay đã 31 tuổi. Ông dường như viết rất nhiều về cha và con trai?
– Ồ, tôi chỉ có hai cậu con trai. Nên ở một khía cạnh nào đó, nó là tất cả những gì tôi biết. Điều khác biệt là sự thay đổi về tuổi tác thể hiện trong các tác phẩm. Thời viết Midnight’s Children (Những đứa trẻ nửa đêm) và The Satanic Verses (Những vần thơ của Quỷ Sa tăng), đó là điểm nhìn của một đứa trẻ về người cha. Còn đến Haroun, đứa trẻ ấy lại đã trở thành cha rồi.
– Bố ông cũng là một nhà văn?
– Nhưng không chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ông đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện tuyệt vời. Khi đọc Luka and the Fire of Life và Haroun and the Sea of Stories, nhiều người nghĩ nhân vật Rashid chính là tôi. Nhưng tôi nghĩ, nó lại mang hình ảnh bố tôi nhiều hơn. Ông là người kể chuyện đầu tiên trong đời tôi.
– Ông có còn nghe thấy những câu chuyện của bố mình trong quá trình viết nữa không?
– Gần đây thì không nhiều. Nhưng ông vẫn thường xuyên xuất hiện trong những giấc mơ của tôi, với vai trò của một nhà phê bình khó tính.
– Sau khi lĩnh án tử hình của giáo chủ Hồi giáo Iran, ông có viết gì đó về “một thế giới qua gương soi” nơi mọi thứ hầu như không thể trở thành hiện thực. Ông đang viết hồi ký về khoảng thời gian này?
– Thế giới qua gương soi còn thú vị hơn là nơi tôi đang sống. Nhưng đúng là tôi đang viết về khoảng thời gian này. Nó gần như đã hoàn thành. Cuốn sách ghi lại khoảng thời gian từ cuối những năm 1984 cho đến đầu 2002.
Nhà văn Salman Rushdie.
– Ông sống và viết rất nhiều ở New York. Thành phố này có phải là nhà ông?
– Tôi thường có những cảm nhận khác nhau về những thành phố khác nhau, và tôi không có cảm giác phải lựa chọn gì giữa chúng. Nhưng tôi luôn thấy được trở về nhà mỗi khi bay đến Bombay. London là thành phố tôi sống lâu hơn mọi nơi khác. Tôi cũng thấy rất gần gũi khi sống ở New York. Đó là thành phố tuyệt vời để sống bởi con người ở đây làm việc rất cật lực và chú trọng đến hiệu quả. Bạn sẽ thấy mình tụt hậu nếu không chịu làm việc.
– Hiện ông sống độc thân, nhưng thực ra, ông có thời gian gắn liền với cuộc sống gia đình dài hơn. Ông thích sống độc thân hay sống có đôi có lứa hơn?
– Tôi không kết hôn đã được 4 năm rưỡi rồi. Và tôi thấy mọi chuyện đều ổn. Mọi người nói tôi là kẻ bị bệnh thích cưới vợ kinh niên. Nhưng cuối cùng tôi đã tìm thấy thuốc chữa. Bây giờ, chắc các con tôi sẽ đóng đinh chân tôi xuống sàn nhà nếu tôi còn có ý định đi lấy vợ nữa.
– Ông là người theo thuyết vô thần?
– Tất nhiên. Bố tôi cũng vậy. Biểu hiện tôn giáo duy nhất của gia đình tôi là mẹ tôi không ăn thịt lợn. Tôi cũng không bao giờ đụng đến một miếng thịt lợn cho tới khi tôi đi học ở Anh.
– Nhưng ông luôn thể hiện niềm tin trong các tác phẩm của mình?
– Đó là những gì tôi có ý thể hiện. Ý tôi là, nếu bạn là thợ mộc, bạn phải tin vào nghề thợ mộc chứ.
– Có bao giờ ông đọc lại “Những vần thơ của quỷ Sa tăng”?
– Không, thực ra là không. Vấn đề là, khi tôi viết nó, tôi nghĩ đây là cuốn sách ít tính chính trị nhất mà tôi từng viết. Tôi nghĩ nó là tác phẩm mang tính cá nhân sâu sắc về chuyện di cư, về sự khám phá con người cá nhân. Nên tôi không đọc lại dù nó đã khiến tôi phải chịu phán quyết tử hình.
– Ông từng viết: “Cuộc đời dạy cho chúng ta biết chúng ta là ai”. Khi viết hồi ký, ông có bao giờ ngạc nhiên vì những phát hiện về bản thân mình không?
– Tất nhiên rồi. Với hồi ký, bạn phải rất trung thực với bản thân mình. Cuốn sách này lại dài đến 600 trang, nên chắc chắn có rất nhiều phát hiện…
Thanh Huyền
Nguồn: eVan.