Với hồi ký Joseph Anton, Salman Rushdie đã kể lại toàn bộ cuộc sống đầy thử thách và khó khăn của mình. Từ những năm tháng ẩn danh với một bản án tử hình treo sẵn trên đầu, từ những năm tháng sống trong vòng kiểm soát, bảo vệ, từ những vụ ám sát, truy sát,… Rushdie đã quyết định cho ra đời một cuốn hồi ký lớn.


Salman Rushdie sinh năm 1947 tại Bombay dưới tên Ahmed Salman Rushdie. Ông là một nhà văn người Ấn Độ, nổi tiếng với sáng tác Những vần thơ của quỷ Satan (The Satanic Verses). Ông cũng là người bị Giáo chủ Ruhollah Khomeini của Iran ra lệnh cho tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới truy nã tử hình. Tới tận tháng 9 năm 1998, chính quyền Iran mới hủy bỏ lệnh tử hình này cho ông.

Salman Rushdie cũng là người đã từng được trao tặng giải thưởng Booker (giải thưởng văn học hàng năm) với cuốn tiểu thuyết Những đứa trẻ lúc nửa đêm (Midnight’s Children). Năm 1992, ông còn đoạt Giải thưởng của quốc gia Áo dành cho Văn học châu Âu và Giải Tucholsky (một giải thưởng văn học lớn dành cho các nhà văn, nhà báo hoặc người xuất bản văn học có đóng góp xuất sắc trong lãnh vực báo chí văn học) của Thụy Điển.

“Tôi là một tiểu thuyết gia và tôi thực sự muốn được trở lại với công việc thực tế của mình”, Salman Rushdie đã nói như vậy, “Tôi muốn viết tiểu thuyết. Đó là lý do tại sao tôi trở thành một nhà văn. Đó là tất cả những gì tôi muốn làm. Và, trong một thời gian dài, đó cũng chính là những gì tôi đã làm”.

Xem xét lại một cách thận trọng đối với cơn ác mộng kéo dài của chính mình, Rushdie đã nghiêm túc nghĩ đến việc ghi chép lại kinh nghiệm của bản thân trong những tháng ngày lẩn trốn. “Tôi sẽ biến nó thành câu chuyện hài hước cho những ngày hưu trí. Khi tôi chạy khỏi ý tưởng viết một cuốn tiểu thuyết mới, có lẽ, tôi sẽ bắt đầu cho chuyện này”. Rushdie đã nói về cuốn hồi ký của mình như vậy trong buổi quảng cáo cho bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Những đứa trẻ lúc nửa đêm.

Câu chuyện của Rushdie bắt đầu vào năm 1989 với các cuộc biểu tình của người Hồi giáo. Và cuộc trốn chạy bắt đầu khi người đứng đầu đã ban ra sắc lệnh tử hình, trao cho tất cả các cá nhân người Hồi giáo cái nhiệm vụ giết chết ông bất cứ nơi nào gặp được.

Rushdie bị kết án tử hình vì tội sỉ nhục nhà tiên tri Muhammad trong cuốn tiểu thuyết mang tên Những vần thơ của quỷ Satan. Cuốn tiểu thuyết đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ của người Hồi giáo tại khắp nơi thế giới. Có thể nói rằng, Salman Rushdie chính là một trường hợp đặc biệt của văn chương thế giới trong buổi giao thời giữa hai thế kỷ.

Salman Rushdie đã phải sống trong lo sợ và nguy hiểm rình rập mọi nơi, mọi chỗ. Dao găm và áo choàng là hai thứ không khi nào rời khỏi mình. Ông đã sống như thế cả một thập kỷ, cho tới khi phương Tây buộc Iran đình chỉ việc truy nã tử hình đối với ông.

Rushdie đã viết hồi ký kể lại toàn bộ sự kiện khủng khiếp ấy trong cuộc đời mình. Ông đã nỗ lực rút ngắn câu chuyện, tuy nhiên, nhà văn này lại không đủ sức để bớt đi những trang viết. 636 trang là một dung lượng khá dài. Đó là một cuốn sách tuyệt vời, và đầy ấn tượng.

Ngày 14 tháng 2 năm 1989, Salman Rushdie nhận được cuộc điện thoại của một nhà báo thuộc đài BBC, nói rằng, ông đã bị kết án tử hình. Làm thế nào, nhà văn này có thể sống sót được? Ông có một nhóm cảnh sát vũ trang bảo vệ liên tục. Và ông nghĩ đến chuyện đổi tên mình thành mật danh. Joseph Anton, đó là mật danh của Salman Rushdie, đồng thời, cũng chính là tên của cuốn hồi ký.

Làm thế nào để nhà văn và gia đình ông ta sống với mối đe dọa giết người trong hơn chín năm? Làm thế nào ông ta tiếp tục làm việc, yêu đương, biến tuyệt vọng thành hi vọng, và chống trả để tồn tại? Và, làm thế nào, ông ta có thể đòi lại sự tự do cho mình?

Joseph Anton là một cuốn sách thẳng thắn và trung thực. Vì thế, nó đặc biệt, hấp dẫn, đầy kịch tính. Và, cuốn hồi ký này cũng vô cùng phù hợp với hiện tại. Nó khơi lên cơn bão lửa của tôn giáo cổ xưa và bây giờ. Với Trung Đông, nó là một câu trả lời đầy đủ nhất.

Mặc dù được coi là một cuốn hồi ký, song, cuốn sách này có vẻ giống một cuốn tiểu thuyết hư cấu hơn. Sự khác biệt là ở chỗ, tác giả tự nói về bản thân mình. Mặc dù, cũng có đôi khi, Rushdie có vẻ lúng túng khi ở ngôi thứ ba, song, vẫn phải công nhận rằng, đây là một tác phẩm tuyệt vời.

Niềm say mê, sự chống trả quyết liệt, cuộc sống hiện thực cùng những kinh nghiệm thực tế với đầy đủ: gián điệp cao cấp, cảnh vệ, tôn giáo, súng ống, bom mìn, dao găm, áo choàng, và ba cuộc hôn nhân thất bại đã khiến cho cuốn hồi ký trở nên chân thật, và hấp dẫn. Những cuộc đấu tranh tư tưởng vĩ đại nhất của thế kỷ mới, những xung đột chính trị, tôn giáo,… trở thành điểm nóng thu hút mọi ánh mắt quan tâm của người đọc.

Bất kỳ nhà văn nào cũng chú tâm vào sự khủng hoảng của nhân vật chính, Rushdie đã nói thế. “Bạn có một nhóm người và bạn đặt họ vào trong một cuộc khủng hoảng, như là con tàu của họ bị đắm chẳng hạn, hay bất cứ cái gì tương tự thế. Và, những gì xảy ra sau đó là những khủng hoảng lớn hơn. Không phải chỉ đối với một mình tôi. Đó là cuộc khủng hoảng của cả một nền văn hóa”. Cuộc khủng hoảng, trong cách nhìn nhận cảu nhà văn, nó giống như là ánh sáng cường độ cao chiếu vào hành động và lựa chọn của mọi người. Nó tạo ra một thế giới không có sự mập mờ hay màu xám. Chỉ có hành động đúng và sai, lựa chọn tốt và xấu, có và không, mạnh và yếu,…

Những ngày tháng đó, với Rushdie, là những tháng ngày đã qua. Còn đối với mọi người, nó rất đáng để ngưỡng mộ, thán phục, trầm trồ.

Tại thời điểm khó khăn nhất của mình, Joseph Anton đã chuyển sang đạo Hồi. “Đó là điều ngu ngốc nhất tôi từng làm”, Rushdie thú nhận. “Trốn chạy và lén lút ẩn mình là một cuộc đời đê tiện. Tôi nghĩ, nó còn tồi tệ hơn cả cái chết”. Rushdie đã không ngần ngại nói thẳng ra những suy nghĩ của mình. Những cảm xúc thành thật nhất, nhạy cảm nhất. Cuộc sống lẩn trốn, những khó khăn, và những quyết định mà Rushdie cho là ngu ngốc và hèn hạ, tất cả, được ông thể hiện một cách trung thực, đầy cảm tính.

“Tôi muốn cuộc sống của chính tôi quay trở lại với tôi. Tôi không muốn sống cuộc sống của kẻ khác. Tôi không muốn từ bỏ danh tính của mình để được tồn tại. Cái tôi cần, cái tôi muốn, là cuộc sống của tôi trước đây. Đó cũng chính là mục tiêu mà tôi nỗ lực phấn đấu”.

Joseph Anton, giống như một biên niên sử đầy đủ của nhân vật chính. Từ một nạn nhân luôn phải sống dưới sự kiểm soát và bảo vệ của lực lượng vũ trang, trở thành nhân vật chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lên tiếng đòi tự do cho chính mình. Trong suốt cuộc thử thách, Rushdie đã chiến đấu không ngừng với bản thân, với sự lo sợ, với các mối nguy hiểm, de dọa để tồn tại. Thậm chí, tác giả còn nghĩ rằng ông sẽ phải tiếp tục sống trong những hiểm họa ấy đến hết cuộc đời. Đó cũng chính là điều khiến Rushdie không thể chấp nhận nổi.

Trong khi tất cả các nhà xuất bản đều ngần ngại với tác phẩm của Rushdie, và cuộc sống hôn nhân tan rã, Rushdie đã phải dựa vào những người bảo vệ mình mới có thể đứng vững nổi. Trong những người bảo vệ cho ông, cũng có những người không thích ông, nhưng, trên cơ bản, họ đều hiểu rõ rằng, họ đang bảo vệ cho một nguyên tắc quan trọng, và phía trên họ là quốc gia. Đó là lý do họ tận tụy. Trong mắt Rushdie, họ là những con người mạnh mẽ. Những con người biết rõ họ là ai và họ phải làm gì.

Dù phải sống một cuộc đời đầy khó khăn, và nguy hiểm, nhưng, Rushdie khẳng định rằng, ông không có cảm giác thù oán, khó chịu đối với những người đã lên án ông. “Mối hận thù là thứ khiến cho hành tranh trên vai bạn trở nên quá nặng nề”, ông nói. Vì cuộc chiến này không phải chỉ của riêng ông.

Thay cho thái độ bực dọc, tác giả cố gắng duy trì sự điều hòa. Cuốn hồi ký đã cố tránh những cảm xúc cá nhân quá mạnh. Rushdie lựa chọn một giọng nói gần như trung tính để thuật lại các sự kiện trong câu chuyện thực tế của mình.

“Tôi không chắc chắn là tôi đã làm được điều đó. Nhưng, tôi biết rõ là, tôi không muốn viết những thứ cay đắng, giận dữ, thù hận. Bởi vì, trên hết, đó không phải là thứ thú vị để thưởng thức”.

Và, một lần nữa, người viết đã thắng thế. Rushdie tự hào, “tôi nghĩ rằng, tôi có trong lòng sự trắc ẩn và hiểu biết. Nó đủ để tôi đặt ra những nghi vấn và đặt mình trong vị trí của người dân ngay cả khi tôi không đồng tình với những gì họ đã làm”.

Rushdie đã không bị sa vào sự sợ hãi hay cảm giác thù hận. Bởi, ông cho rằng “Trả thù, hoặc là sự sợ hãi, nó là những thứ sẽ phá hủy tâm hồn nghệ sĩ của chính tôi”.

Là một văn sĩ, Rushdie tự hào về sự liên tục trong các tác phẩm tiểu thuyết của mình. Ông đã viết ngay cả khi phải sống ẩn thân, phải đấu tranh để khẳng định quyền tự do ngôn luận chống tôn giáo, và ngay cả khi tất cả các nhà xuất bản đều sợ hãi, trốn tránh các tác phẩm của ông. Đó là điều đáng kính phục. Sự ra đời của hàng loạt tác phẩm: Những đứa trẻ lúc nửa đêm (Midnight’s Children, 1981), Sự ô nhục (Shame, 1983), Những vần thơ của quỷ Satan (The Satanic Verses, 1988), Haroun và câu chuyện của biển cả (Haroun and the Sea of Stories, 1990), Sợi tóc của nhà tiên tri (The Prophet’s Hair, 1995), Tiếng thở của đồng hoang (The Moor’s Last Sigh, 1995), Mảnh đất dưới bàn chân của chị (The Ground Beneath Her Feet, 1999), Cơn thịnh nộ (Fury, 2001), Phía Đông là màu xanh (The East is Blue, 2004), Tiền phạt say rượu (A fine pickle, 2009), Miền Nam (In the South, 2012), Joseph Anton (Joseph Anton, 2012)… là một bộ sưu tập đáng nể.

Thái Lương (Theo theglobeandmail.com)

Nguồn: Văn nghệ Trẻ

Exit mobile version