Rừng Nauy, Người tình và cái chết, đó là những chủ đề Hạnh Nguyên chia sẻ với Thể thao & Văn hóa nhân dịp cô trở về Việt Nam ra sách Những thiếu thời lơ lửng, chiều 20/6.
Hạnh Nguyên sinh năm 1995, đang du học ở Canada, Tập truyện ngắn ra mắt cuối năm 2014 khi cô đang ở nước ngoài, không hẳn gây tiếng vang nhưng khiến người ta đặc biệt tò mò về tác giả, người có giọng văn cá tính.
“Nếu bạn hỏi cô đơn của tôi có phần “làm màu” hay không, thì tôi trả lời là có” – Hạnh Nguyên trả lời một câu hỏi trong tọa đàm ngắn gọn như vậy. Không phải vì cô không còn gì để nói (cô đã viết cả một cuốn sách để nói những gì mình muốn nói và vẫn còn viết nữa), mà vì cô không có thói quen chia sẻ suy nghĩ trước đám đông.
Sau đây là cuộc trò chuyện ngắn giữa Hạnh Nguyên và PV Thể thao & Văn hóa.
* Sách của bạn vừa xuất hiện đã khiến người khác tò mò, trong khi tác giả vẫn đầy bí ẩn, bạn có lường trước phản ứng đó của độc giả không?
– Tôi không thể đoán được. Tôi còn không nghĩ là có người đọc cơ. Tôi viết cũng như ăn uống vậy, chỉ cho riêng mình.
* Trong lời tựa sách rất ấn tượng, bạn nhắc đến Rừng Nauy của Haruki Murakami như một tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến mình. Bạn nghĩ gì về cuốn sách này?
– Tôi đọc Rừng Nauy từ năm lớp 11, đây cũng là tác phẩm của Murakami mà tôi thích nhất, đơn giản vì dễ đọc, không phức tạp như các tác phẩm khác và dễ đồng cảm hơn. Khi ta thích một cuốn sách, luôn có điều gì đó không giải thích được.
Trong đó, tôi thích nhất nhân vật Naoko. Nhưng nhân vật chính Toru lại giống với đại đa số hơn còn Naoko chỉ là số ít. Mọi người đều cô đơn như Toru và vẫn vượt qua được, còn Naoko thì không vượt qua được. Nếu Toru là tất cả mọi người thì Naoko là hạnh phúc của họ.
Tất cả các nhân vật trong Rừng Nauy đều cô đơn, Toru yêu Naoko nhưng không cứu được cô ấy, nhưng nhờ tình yêu đó anh ấy cứu được những người khác.
* Còn trong Người tình của Marguerite Duras? Cùng với Rừng Nauy, bạn nói đó là 2 tác phẩm khiến bạn muốn viết văn.
– Tôi nghĩ trong mỗi người đều có một phần trẻ con, hơi vô tâm, hơi liều lĩnh như nhân vật nữ trong Người tình. Tôi cũng đọc tác phẩm này vào năm lớp 11. Tôi bắt đầu viết văn từ năm lớp 8 nhưng đều là các tác phẩm kiểu Hoa học trò thôi, đến năm lớp 11 tôi mới bắt đầu viết nghiêm túc hơn.
Có thể do ảnh hưởng của các cuốn sách mà tôi đọc. Nếu bạn đọc văn của Gào, bạn sẽ viết giống Gào. Nếu bạn đọc văn Murakami, bạn sẽ viết giống Murakami.
* Đến bây giờ bạn còn bị Murakami ảnh hưởng nhiều không?
– Tôi đang cố thoát ra.
* Bạn viết nhiều về cái chết, hoặc nhân vật muốn tự tử hoặc bị giết. Tôi muốn hỏi câu này: bạn từng muốn chết hay tìm cách tự tử chưa?
– Từng có rồi thì tôi mới viết được chứ (cười). Muốn chết thì có rất nhiều lý do. Con người có bản năng sinh tồn, một khi họ đã nghĩ đến chuyện tự giết mình tức là cuộc sống đó trở thành một mối đe dọa…
* Bạn có suy nghĩ đó ở thời niên thiếu sao?
– Khoảng khoảng thế, tầm năm lớp 11.
* Làm sao bạn thoát ra khỏi suy nghĩ đó?
– Chắc tôi chưa đến số thôi (cười).
* Tôi hỏi vậy vì bạn viết đại ý “Ở tuổi này, người ta có thể cứa cổ tay vào ngày hôm trước và đến hôm sau lại cười vui như thể không có chuyện gì”. Tôi đoán đó là câu văn tâm đắc của bạn.
– Thực ra đó không phải là ý của tôi mà là của Marilyn Monroe. Tôi từng đọc nó ở đâu đó, khá lâu rồi và nghĩ rằng nó đúng.
Những thiếu thời lơ lửng của Hạnh Nguyên do Quảng Văn và NXB Văn học ấn hành. Tác phẩm đầu tay của cô được đánh giá là lạ so với những tác giả cùng trang lứa, dù chịu chung ảnh hưởng của Haruki Murakami, nhà văn được nhiều tác giả trẻ Việt Nam yêu thích. Hạnh Nguyên cũng được coi là một nhà văn trẻ có tiềm năng.
Theo Hạ Huyền – Thể thao & Văn hóa