Nhiều tác phẩm được yêu thích, nhiều tác giả mới xuất hiện và xây dựng được tên tuổi với thể loại tản văn.

Trước đây tản văn gần như không có tác giả riêng, thường chiếm một phần nhỏ trong sự nghiệp lớn của những người cầm bút. Nhưng gần đây, một số tác giả trẻ viết nhiều tản văn và xây dựng được thương hiệu ở thể loại này.

Thương nhau để đó – tập tản văn viết chung của Hamlet Trương và Iris Cao phát hành cuối năm 2012 được độc giả trẻ yêu thích. Đó là động lực khiến hai tác giả tiếp tục viết và phát hành những cuốn tản văn riêng. Hamlet Trương tiếp tục cho ra mắt Tay tìm tay níu tay vào cuối tháng 6, tới tháng 9 đã tái bản. Thừa thắng xông lên, Iris Cao cũng cho ra mắt Người yêu cũ có người yêu mới vào đầu năm 2014.


Tác giả Hamlet Trương xây dựng tên tuổi với tản văn Tay tìm tay níu tay.

Một số cây viết trẻ từng được biết đến với các tập truyện ngắn, tiểu thuyết cũng có thêm nhiều độc giả khi viết tản văn. Nguyễn Ngọc Thạch gây tiếng vang với tiểu thuyết Đời Callboy, chấp bút cho tự truyện Chuyển giới, truyện dài kinh dị Lòng dạ đàn bà… Tới tháng 8/2013, cây bút đồng tính cho ra mắt tập tản văn Chênh vênh 25. Các bài viết trong sách giống như những ghi chép nhỏ trong một cuốn sổ, bình dị, gần gũi nhưng để lại nhiều suy ngẫm với người đọc.

Phan Ý Yên cũng là một cây bút quen thuộc của độc giả tuổi teen. Các tập truyện của cô được phát hành như Em là để yêu, Người lớn cô đơn hay Cà phê với người lạ chinh phục người đọc bởi sắc thái trầm buồn, sâu sắc. Tháng 7/2013, Phan Ý Yên giới thiệu Tình yêu là không ai muốn bỏ đi gồm 27 tản văn và 8 truyện ngắn. Các trang viết mang đậm màu sắc hoài niệm về tình bạn, tình yêu, những ngọt ngào, da diết giúp Phan Ý Yên chinh phục thêm nhiều độc giả.

Có lẽ trên văn đàn, ít người khẳng định tên tuổi bằng tản văn và thành công chỉ với tản văn như Nguyễn Trương Quý. Những trang viết về Hà Nội của Trương Quý trong Ăn phở rất khó thấy ngon, Hà Nội là Hà Nội, Tự nhiên như người Hà Nội đã được tái bản nhiều lần. Tập tản văn Xe máy tiếu ngạo của anh cũng gây ấn tượng bởi những kiến thức, suy tưởng về thời đại xe máy. Năm 2013, Nguyễn Trương Quý mới cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tay Dưới cột đèn rót một ấm trà, đồng thời tập tản văn Còn ai hát về Hà Nội cũng ra đời, thỏa lòng mong đợi của những người yêu tản văn Trương Quý.

Nhà văn Võ Phiến (Tràng Thiên) được ví như một Nguyễn Tuân của miền Nam, nhưng tác phẩm tản văn của ông rất ít được quảng bá rộng rãi. Cho tới cuối 2012 cuốn sách Quê hương tôi, và giữa năm 2013 là Tạp văn Tràng Thiên được Nhã Nam và nhà xuất bản Thời đại phát hành thì độc giả mới được thưởng thức những trang tạp văn của một cây bút lớn vùng tạm chiếm trước đây.

Một số nhà văn đã gây dựng được tên tuổi trên văn đàn đương đại cũng gặt hái nhiều thành công khi chuyển sang viết tản văn. Nguyễn Việt Hà nổi tiếng với những tiểu thuyết như Khải huyền muộn, Cơ hội của Chúa, đã gây được sự chú ý với những bài tản văn riêng lẻ đăng trên tạp chí. Sau khi phát hành các tập tản văn Mặt của đàn ông, rồi Đàn bà uống rượu, tới 2013 anh lại tiếp tục cho ra mắt Con giai phố cổ. Tản văn Nguyễn Việt Hà chinh phục độc giả bởi sự đa dạng trong đề tài, những phát hiện tinh tế, thông minh, dí dỏm và triết lý mang đặc trưng tinh thần đường phố hòa quyện với các tra cứu Đông Tây kim cổ.

Cấn Vân Khánh từng phát hành nhiều tập truyện ngắn như Chàng hề của em, Hạnh phúc mơ hồ, Khi nào anh thuộc về em, Hoa hồng và rượu vang, Vết son trên môi anh… Tới 2013, nữ tác giả cũng xuất bản tập tản văn Lỗi tại đàn ông. Những trang viết thể hiện suy tư của tác giả xoay quanh đề tài quen thuộc: phụ nữ và cuộc sống. Tập sách thể hiện sự đa dạng trong ngòi bút Cấn Vân Khánh.

Trong nghiên cứu, phê bình lý luận văn học, tản văn lâu nay là thể loại bị lãng quên, nhưng vẫn có sức sống âm thầm, bền bỉ. Những trang viết của Tản Đà, Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường… tới nay vẫn là những trang văn đẹp. Cùng với sự xuất hiện chuyên mục tản văn trên các tờ báo, việc có nhiều sách tản văn phát hành đánh dấu sự khởi sắc của thể loại này.

Ngày trôi về phía cũ của Anh Khang tái bản lần thứ tư sau một năm phát hành.

Không chỉ có nhiều người viết, sách tản văn cũng giành được sự yêu thích của công chúng. Tập sách Ngày trôi về phía cũ của tác giả Anh Khang sau một năm phát hành, tới tháng 9/2013 đã tái bản lần thứ tư với 20.000 cuốn được bán. Trong Top 10 cuốn sách bán chạy năm 2013 của Tiki – đơn vị phát hành sách lớn trên mạng, cuốn tản văn Thương nhau để đó đứng ở vị trí thứ ba, còn Ngày trôi về phía cũ đứng thứ chín. Ngày 18/1, tác giả Iris Cao phát hành tập tản văn Người yêu cũ có người yêu mới. Ngay lập tức sách đã đứng số một trong danh sách Sách bán chạy nhất tháng của Vinabook.

Lý giải cho việc gắn bó với thể loại tản văn, tác giả Hamlet Trương từng nói: “… Ttôi cảm nhận nhịp sống đang ngày càng nhanh hơn. Tản văn bắt kịp nhịp sống đó, mỗi ngày người ta có thể đọc một ít, suy nghĩ về nó trong cả ngày chứ không phải dành hẳn một thời gian nhất định”. Có lẽ thể loại tản văn đang được đông đảo người đọc lựa chọn bởi tính ngắn gọn của nó. Không những thế, những đòi hỏi của thể loại như tính phát hiện, những hình ảnh, chiêm nghiệm… cũng là một món ăn tinh thần phù hợp, giúp độc giả có phút sống chậm lại trong nhịp xã hội hối hả ngày nay.

Trong sự phát triển, nở rộ, thể loại tản văn ngày nay cũng đã hình thành những đặc trưng riêng. Nếu như các tác giả miền Bắc thường nhẩn nha đi vào chiều sâu các vấn đề mang tính xã hội, lịch sử, văn hiến, thì người viết phía Nam lại mang tới những cảm xúc lãng mạn trong tình bạn, tình yêu, cảm thức của người trẻ. Tuy vậy, dù sâu sắc hay lãng đãng, các câu chuyện vẫn quanh quẩn đời sống đô thị, rất ít những bài viết hay về các vùng quê, miền núi như các trang viết mà Nguyễn Tuân, Băng Sơn để lại.

Hiền Đỗ

Nguồn: vnexpress.net

Exit mobile version