Tự truyện của GS.TS Đỗ Đình Chiểu, Việt kiều Pháp – Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh về Khoa học

Trung tâm TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC liên kết Nxb Văn học, quý 2.2023

LỜI GIỚI THIỆU

của ông Đỗ Mạnh Hùng (Phó Chủ tịch Hội đồng họ Đỗ Đậu Việt Nam)

Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam có những tấm gương sáng, những người con xuất chúng, vừa có đức, vừa có tài, đóng góp được nhiều công sức cho xã hội và thế giới. Một trong những người con như vậy là Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Đình Chiểu.

Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Đình Chiểu sinh ngày 15 tháng 10 năm 1939 tại xóm Giếng Dợ, làng Hòa Xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống hiếu học. Với tính cần cù, thông minh, sáng dạ, ham học hỏi của mình, ngay từ năm 17 tuổi ông Đỗ Đình Chiểu được Chính phủ Pháp cấp học bổng du học. Ông là sinh viên xuất sắc của các trường đại học nổi tiếng ở Pháp, đó là Đại học Bordeaux và Grenoble. Và ông là một Việt kiều yêu nước. Năm 1972 ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ vật lý quốc gia của Pháp, khẳng định trí tuệ và tài năng của người Việt ở một nước tư bản. Với những công trình nghiên cứu khoa học của mình, ông Đỗ Đình Chiểu đã từng được chính phủ Pháp phong hàm Giáo sư và vinh dự được tặng Huân chương “Bắc Đẩu Bội tinh”. Những đóng góp khoa học của ông chủ yếu trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ tinh thể lỏng (TV), và điện thoại di động.

Là một Giáo sư có tiếng ở nước ngoài, ông Đỗ Đình Chiểu không chỉ làm việc cho nước Pháp, mà còn dành nhiều tâm huyết cống hiến cho quê hương đất nước. Với quê hương, dòng tộc ông thường dành mối quan tâm cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Mỗi lần về Việt Nam, ông đều cố gắng tìm nguồn xây dựng trường, lớp, thư viện cho những trẻ em nghèo, thành lập Quỹ Khuyến học nhằm khích lệ, động viên các em học sinh giỏi và các thầy, cô giáo. Với dòng họ, Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Đình Chiểu đã có nhiều đóng góp vật chất và tinh thần để xây dựng Từ đường họ Đỗ Hoà Xá, xây dựng mộ tổ họ Đỗ (Đậu) Việt Nam tại Văn La, Hà Đông, cũng như góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển của dòng họ Đỗ (Đậu).

Ông xứng đáng là tấm gương một nhà khoa học yêu nước, luôn biết hướng về cội nguồn, dòng họ.

LỜI NGỎ

Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Đình Chiểu:

Trên thế gian này, ai sinh ra và lớn lên cũng đều có một cuộc sống riêng biệt, một quá trình sống lao động rèn luyện, để tồn tại và khẳng định ý nghĩa sự có mặt của mình trên cõi đời.

Ai cũng muốn gắn bó với quê hương. Nhưng mỗi kiếp người là một mảnh đời riêng biệt không ai giống ai. Tôi không bao giờ nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ trôi ở một chân trời khác và những chân trời ấy đã góp phần làm nên tính cách, khí phách và bản lĩnh của tôi.

Nhà thờ họ Đỗ ở Hòa Xá

Như bao người, tôi đã và đang sở hữu một mảnh đời riêng biệt, chỉ riêng tôi, mình tôi. Cho dù nó có thể chỉ là một cọng cỏ, thì nó cũng là câu chuyện của chính tôi – câu chuyện của một CON NGƯỜI đã đi qua độ dài thời gian nối hai thế kỷ, đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt, được ăn học và được cống hiến cho xã hội, dù ở chân trời nào.

Mảnh đời tôi từng thấm bao năm tháng nhọc nhằn, gian lao và biết bao cuộc biến thiên ngoạn mục của thời cuộc nổi trôi. Đó là thời thơ ấu ở quê nghèo đến cuộc chiến tranh tàn khốc vào sinh ra tử; rồi những ngày tháng lang thang trên đất khách, cố thích nghi để học tập và mưu sinh trên xứ người…

Cuốn sách này như một kỷ vật nho nhỏ ghi dấu cuộc đời. Và cũng là để tặng cho dòng họ Đỗ ở Hòa Xá, Ứng Hòa (Hà Tây cũ, Hà Nội ngày nay); tặng cho người vợ luôn bên cạnh chia sẻ cùng tôi những tháng năm yên bình; chứng cho tôi hiểu sự hạnh ngộ ở cuộc đời này là món quà mà Trời Đất ban tặng.

Và điều quan trọng nhất: Từ số phận phiêu bạt, bôn ba khắp nẻo, tôi rút ra những tư duy mới, những kinh nghiệm sống quý báu. Mong mang đến cho ai hữu duyên với cuốn sách này, một chút chia sẻ, một chút tư duy về sự học. Đó là, tôi đã tự nỗ lực bằng quyết tâm cao nhất, dồn trí dồn lực học hỏi để có được khối kiến thức cao, hoàn thiện bản thân, cố gắng vượt lên chính mình, thích nghi với mọi hoàn cảnh để được tồn tại, phát triển và vươn lên bình đẳng cùng những chính nhân mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội…

Và, tôi tự nhủ với lòng: Việc đánh thức quá khứ phải gắn liền với bao sự kiện lịch sử đất nước, bao nhân vật đã song hành trên đường đời với mình. Vậy tôi phải kể lại ghi lại sao cho thật trung thực, đúng với bản chất sự việc con người; không phân biệt tầng lớp, giai cấp, thể chế. Chỉ CON NGƯỜI đúng nghĩa! Bởi tất cả do chiến tranh, loạn lạc. Ai cũng máu đỏ da vàng, là con cháu Lạc Hồng. Chiến tranh cũng đã lùi xa. Vết thương của dân tộc hãy khép lại để hướng đến tương lai.

Sau tất cả, tôi muốn ghi lại câu chuyện cuộc đời mình như một lời nhắn gửi cho chính mình, và cho chính những người có duyên cầm trên tay cuốn tự truyện này. Không mong cầu sự ân sủng của thế gian. Chỉ mong ai đó sẽ có thể ngẫm ngợi, có thể mỉm cười.

Tôi muốn kể lại câu chuyện cuộc đời mình không phải để đưa người đọc vào ảo cảnh, mà đó là những chặng đường đời đã đưa bước chân của tôi đến những chân trời rộng mở, để hôm nay về lại quê hương ngồi bên bờ sông Đáy, nhìn những dải mây trôi. Chợt nghĩ những dải mây đó đã trôi qua cuộc đời của tôi, trôi qua rất nhiều khoảnh khắc. Bước chân của tôi đã đi rất nhiều nơi. Tôi đã là một nhân vật được chính phủ Pháp phát thưởng cho Bắc Đẩu Bội tinh. Nhưng tôi vẫn giữ trong mình trái tim trong trẻo của một cậu bé ngày xưa ngồi bên sông, quyết tâm học hành đỗ đạt thành tài để có ích cho đất nước, gia đình. Muốn được như vậy, tôi đã biết thích nghi với mọi điều kiện sống để tồn tại và phát triển, vươn lên cùng cộng đồng xã hội.

Trong quá trình hồi tưởng lại quá khứ, cuốn sách nhỏ này không thể tránh khỏi thiếu sót; có thể một số chuyện đã bị thời gian phủ lấp. Song thật lòng điều đó nằm ngoài ý muốn của tôi.

Mong cuốn sách nhỏ này đem lại đôi điều có ích cho con cháu dòng tộc.

Trân trọng!