Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

RỪNG GIÓ, tập truyện ngắn của Lê Vi Thủy

Sách dày 176 trang, khổ sách 13×20,5

Giá bìa:75.00đ

Bìa do họa sĩ thiết kế bìa Kim Duẩn thực hiện

Công ty Sbooks liên kết Nhà xuất bản Văn học, 2021

Với dung lượng gần 176 trang, RỪNG GIÓ có 11 truyện ngắn, nội dung của các truyện xoay quanh các vấn đề về cuộc sống, gia đình, xã hội, Đặc trưng vùng đất cao nguyên bảng lảng trong văn Thủy, với nhiều bối cảnh sống khác nhau, với nội tâm trăn trở của các tuyến nhân vật qua từng trang sách. Truyện của Thủy thường viết về tình yêu, về người phụ nữ khi yêu trong cuộc sống hiện đại, đau đáu về những số phận, về sự lựa chọn của những con người qua những cốt truyện không có không gian và thời gian.

Tác giả Lê Vi Thủy

Lê Vi Thủy viết truyện theo cảm xúc, với lối viết nhẹ nhàng, cùng đồng cảm, ngậm ngùi và cùng giằng xé với số phận của nhân vật, Thủy khiến cho độc giả cảm thấy xót xa hơn cho từng cuộc đời, những tấn bi kịch trong cuộc sống hiện đại. Thủy viết tự nhiên, không định hình trước cho mình kết cấu cũng như cái kết của câu chuyện, cứ để câu chuyện diễn biến theo cảm xúc của nhân vật, đến cuối cùng sẽ bật lên những nỗi đau hay hạnh ngộ, những số phận, những ám ảnh mà cuộc sống quyết định.

Mở đầu tập truyện là truyện ngắn “Bên kia rực rỡ” với nhân vật Băng, một cô gái trẻ tài hoa, nhưng chính vì cô sống một cuộc sống bất cần chỉ biết sống cho hôm nay không cần biết ngày mai, hút thuốc, uống rượu, ngang tàng, sống và cháy với đam mê của mình với những mối quan hệ nhập nhằng giữa nhân vật Ông và Hải. Băng không ham vật chất nhưng vật chất và danh vọng đã khiến Băng đánh đổi bản chất của mình. Khi có sự hiện diện của đứa bé, Băng đã như tỉnh giấc cho lối sống không có ngày mai bấy lâu, cô tự đưa ra một sự lựa chọn cho cuộc sống mới, nơi đó còn có đôi mắt ngây thơ của một đứa trẻ dõi theo.

Truyện của Thủy thường không xây dựng cốt truyện cầu kỳ, mà tuyến nhân vật tự xây lên cốt truyện của chính mình. Thủy thường viết về những người trẻ tuổi, những nông nổi, những khát vọng yêu thương đôi khi đến điên loạn…

Hiên trong truyện ngắn “Biển”, một cô bé mới mười sáu tuổi, chưa hiểu tình yêu là gì, nếm trải cuộc sống ra sao, chỉ vì gia đình quá nghèo mà Hiên đã đánh đổi thanh xuân của mình đổi lấy sinh mệnh cho em gái, để nhận lấy những giọt nước mắt chảy ngược vào tim, bị đuổi ra khỏi nhà như một vật bị bỏ đi khi cơ thể bị vầy vò vấy bẩn, khi tâm hồn bị bóp méo, không có nơi nào để trở về khi mới tròn mười tám tuổi, cái tuổi đẹp nhất của thanh xuân. 

Mỗi câu chuyện của Thủy viết là một trải nghiệm hoàn toàn khác nhau, với những lát cắt của tuổi thanh xuân, có sai lầm, có đớn đau, có yêu thương, có thù hận. Tất cả như trút vào trang sách những nỗi niềm mà mỗi người đọc đều chạm thấy mình trong sâu thẳm tâm hồn.

Trong tập này, Lê Vi Thủy lồng ghép một vài truyện ngắn có yếu tố hư ảo, đây có lẽ là một trải nghiệm mới đối với tác giả. Vẫn giữ lối viết tự nhiên, không gò bó vào kết cấu câu chuyện, Thủy đã đưa người đọc về với đại ngàn, với lời nguyền xưa của Sói, bao trùm lấy nỗi sợ của dân làng truyền từ đời này sang đời khác. Nó đánh dấu bằng những giấc mơ không đầu không cuối, khi trăng tròn xuất hiện trong truyện ngắn “Trăng đỏ” mà nhân vật chính đang sống trong một thế giới hiện đại với những hỉ nộ ái ố đang diễn ra hàng ngày xung quanh cô. Hay thế giới song song diễn ra trong đời thực giữa hai con người bị tráo đổi linh hồn, họ đã chứng kiến người canh giữ ánh sáng và bóng tối chuyển giao, khi những gút mắc về cuộc sống được hóa giải, những con người trở lại vị trí ban đầu của họ (truyện ngắn “Hoa Tiên”).

Hình ảnh bé Mủm luôn là bí ẩn xuyên suốt câu chuyện “Tấm liễn gia tộc” mà người con trai của gia đình đi tìm khi những tấm liễn của dòng họ bị trộm mất, mỗi lần anh suy nghĩ là mỗi lần anh lại gặp bé Mủm, anh đã làm một cuộc hành trình tìm kiếm xa nhà cả mấy ngàn km, nhưng cuối cùng tấm liễn ở ngay bên cạnh, không hề bị mối mọt nào làm hỏng khi bị chôn mấy năm liền dưới đất ở nấm mộ của nhân vật “bé Mủm”. Những câu chuyện kể của Thủy làm cho người đọc luôn tò mò tìm kiếm câu trả lời nhưng đều là những cái kết mở, câu trả lời của Thủy trong những câu chuyện hư ảo đó là: cuộc sống luôn là những điều bí ẩn.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã nhận xét: “Lê Vi Thủy dựng những câu chuyện như cách vẽ ra những bức họa nhiều tầng ngữ nghĩa. Có gì đó ám ảnh, không phải chỉ là những khắc họa hình thù trên mặt đất này, mà còn là hình bóng của thế gian nhiều chiều, đa sắc, âm vọng, ma mị. Đọc văn Thủy có cảm giác tác giả này từng trải trên từng con chữ, rồi lùi ra xa,  mặc kệ độc giả với những hình dung bằng sự trải nghiệm của họ. Hãy đọc Thủy, để có thêm  một không gian riêng mình”.

Hồng Nhung đưa bài