Nhà văn sinh ra để viết truyện thiếu nhi

Nhà văn Roald Dahl (1916-1990)

Roald Dahl (1916-1990) là nhà văn viết tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch bản phim lừng danh của nước Anh. Ông sinh tại xứ Wales trong một gia đình gốc Na Uy. Dahl là một trong những cây bút viết cho thiếu nhi thành công nhất tại Anh trong thế kỷ XX.

Truyện ngắn của ông lôi cuốn người đọc ở những tình huống thông minh hóm hỉnh. Chúng khiến độc giả phải bật cười trước bao suy nghĩ, hành động ngây ngô, đáng yêu của trẻ con. Ngay cái thế giới thần tiên mà ông tưởng tượng ra cũng chứa đựng biết bao điều thú vị.

Mới đây tại Anh trong cuộc bình chọn 20 truyện viết cho thiếu nhi hay nhất mọi thời đại, ông là người đóng góp nhiều nhất với bốn tác phẩm, bao gồm: Charlie và nhà máy sôcôla (Charlie and the Chocolate Factory), Những chàng ngốc (The Twits), Nàng Matilda (Matilda), và BFG- Chàng khổng lồ nhỏ nhất (The BFG).


Sát thủ trên chốn tình trường

Sở hữu khuôn mặt điển trai như minh tinh màn bạc, vầng trán cao, đôi mắt sâu thăm thẳm và đặc biệt là tài ăn nói khéo léo, Roald Dahl đã làm rung động trái tim của nữ diễn viên lừng danh Patricia Neal, người đã giành giải Oscar diễn viên chính xuất sắc nhất năm 1963. Hai năm sau lần đầu gặp gỡ trong một buổi tiệc ở nhà một người bạn tại New York, họ đã nên duyên vào ngày 2/7/1953 tại nhà thờ Trinity ở New York (Mỹ), để rồi có với nhau đến… 5 người con, trong một cuộc tình kéo dài đúng 30 năm. Có thể đây là mối tình đẹp nhất, trọn vẹn nhất của văn sĩ người Anh, nhưng điều đáng nói nhất về Roald Dahl có lẽ chính là quãng thời gian ông làm gián điệp cho chính phủ Anh trong đệ nhị thế chiến.

Trước khi trở thành nhà văn thiếu nhi nổi tiếng, tác giả của Charlie và nhà máy sôcôla từng là một điệp viên. Ông vào vai một chàng trai hào hoa phong nhã thâm nhập giới thượng lưu Mỹ, quyến rũ các quý bà giàu có, hay giao du với giới chính trị gia để khai thác thông tin mật.

Nhà báo Mỹ Jennet Conant, người từng cho ra mắt cuốn sách kể về những ngày tháng hoạt động tình báo của nhà văn, nhằm kéo Mỹ tham gia Chiến tranh Thế giới lần thứ II, viết: “Dù Roald Dahl đã làm những trò bịp bợm như thế nào thì ông cũng sẽ được tha thứ vì đấy là nhiệm vụ quốc gia mà ông đã nhận”. Conant còn tiết lộ thêm “Dahl là người đàn ông cực kỳ quyến rũ, đúng theo phong cách Ănglê. Tất cả những phụ nữ gần ông đều phải bật cười vui vẻ vì những chuyện ông kể và trò chọc ghẹo ông bày ra. Các quý bà, quý cô ngả rạp dưới chân Roald. Tôi nghĩ, ông chắc đã đi lại với bằng hết những phụ nữ ở cả bờ đông lẫn bờ tây của nước Mỹ”.

Danh sách những phụ nữ từng bị Dahl chinh phục gồm: Millicent Rogers – người thừa kế xinh đẹp của tập đoàn dầu lửa Standard Oil, Mỹ; Clare Boothe Luce, nữ nghị sĩ quốc hội, vợ của ông chủ tạp chí Time danh tiếng. Dahl thậm chí còn kết thân được với Eleanor Roosevelt, phu nhân tổng thống Franklin D Roosevelt. Nhờ đó, nhà văn thường xuyên lui tới Nhà Trắng và được tiếp đón như khách quý. Có thể nói công việc chính của Roald Dahl trong giai đoạn này là càng tỏ ra quyến rũ càng tốt, xuất hiện rạng rỡ và nổi bật tại bữa tiệc của giới thượng lưu và thu thập được càng nhiều thông tin càng tốt. Nhiệm vụ này đã được nhà văn tài hoa hoàn thành một cách xuất sắc.

 

Một điệp viên đa tài

Nhà văn tương lai này không những sở hữu ngoại hình lý tưởng mà còn có tài năng thiên bẩm trong nhiều lĩnh vực. Ông xuất thân từ lực lượng không quân hoàng gia Anh nên có những kỹ năng chiến đấu cực tốt, tinh thông nhiều môn thể thao. Thời gian về sau lại trải qua những khóa huấn luyện đặc biệt của BSC (Cơ quan điều phối an ninh Anh), Dahl trở thành một tình báo viên lợi hại, đa tài, thậm chí ông còn thông thuộc cả những mánh khóe của thế giới ngầm.

Trong mạng lưới tình báo đặc biệt đó, Roald Dahl còn sát cánh với những cái tên lừng danh khác như David Ogilvy và đặc biệt là nhà văn Ian Flemming, “cha đẻ” của James Bond– điệp viên 007 huyền thoại.

 

Hoàng Trung

Theo insideoutelle.blogspot.com

Nguồn: Văn nghệ.