

Ra mắt tập thơ “NHẶT DỌC ĐƯỜNG” của nhà thơ Thuận Hữu & tập bút ký “XA và GẦN” của nhà văn Phan Đức Nhạn
Tập thơ “NHẶT DỌC ĐƯỜNG” của nhà thơ Thuận Hữu, tập bút ký “XA và GẦN” của nhà văn Phan Đức Nhạn chính thức ra mắt vào 9 giờ sáng Thứ Bảy, ngày 5/4/2025 tại Tầng 3 – Phòng Nghệ Thuật – NXB Hội Nhà Văn (Nhà 65).
Nhà thơ Thuận Hữu và nhà văn Phan Đức Nhạn là đôi bạn tìm thấy nhiều điểm chung trong công việc, cuộc sống và trên hành trình sáng tác.
1. “NHẶT DỌC ĐƯỜNG” – “Những câu thơ: tự nhiên và giản dị.”
Nhà thơ THUẬN HỮU, người “luôn lảng tránh và không bao giờ nhận mình là nhà thơ”. Khi nhắc tới ông, độc giả đặc biệt nhớ tới “Những phút xao lòng”, bài thơ ra đời từ một sự tình cờ, có cả sự “trớ trêu” hết sức thú vị.
“…Mà có trách chi những phút xao lòng
Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ
Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ
Đừng có trách chi những phút xao lòng!”
Độc giả nhận diện nhà thơ Thuận Hữu qua những câu thơ giản dị, tự nhiên, đầy sự thấu hiểu. Khi chọn thơ để mở một thế giới mới cho tâm hồn, ông đã cùng thi ca đi trong mọi cuộc vui, cuộc buồn của cuộc đời, “vừa đi vừa cất tiếng về con đường của mình…”
Khi viết về nỗi buồn, bóng tối, những bất trắc, mất mát hay bất cứ điều gì, ông hướng tới tận cùng sự sống còn của văn chương và sự tận cùng ấy không gì ngoài cái đẹp, ánh sáng, tình người, niềm kiêu hãnh làm người…
Thi ca xuất hiện và ông không còn giấu được những gì mà cảm xúc đang chực chờ, gào thét:
“Anh lặng người khi gặp nhành hoa dại
Giữa cỗi cằn vẫn tím đến rưng rưng…”
Kể cả trong giấc mơ, những lẽ sống vẫn “ùa về” để ông “thèm khát”, khám phá và thức tỉnh:
“Những đêm khuya nằm nghe tiếng còi tàu
Nỗi thèm khát ùa về như làm anh nghẹt thở
Bao giờ anh nhổ neo ra đi như con tàu ấy nhỉ
Đại dương bao la con sóng vỗ phương nào?”
Có một điều chắc chắn, không một nhà văn, nhà thơ nào có thể chạy trốn được cuộc đời, không một người sáng tác nào có thể lảng tránh được tận cùng nỗi cô đơn:
“Chiều cuối năm con mái đầu bạc trắng
Lặng lẽ ngồi bên nấm mộ mẹ xanh…”
Ông cứ đi, cứ sống và trên những con đường ông đi qua, những câu thơ hiện ra đầy suy niệm, giày vò trong cái không khí tĩnh lặng, xáo trộn giữa mộng mị và hiện thực:
“Năm trước qua đây
Thương cây thông chơ vơ trên đỉnh núi
Đơn côi đứng một mình nghe gió thổi quanh năm
Năm nay lại qua đây
Ngước mắt nhìn lên đỉnh núi
Cây thông không còn
Đỉnh núi xưa mưa xói mòn thành rãnh
Cây thông chết như một lời định mệnh
Trước mưa núi gió ngàn không thể đứng chơ vơ
Tôi đã đi qua nhiều làng tre
Qua những rừng dương nghe rì rào biển hát
Qua những đồi thông xanh ngút tầm con mắt
Thiên nhiên quanh tôi bao giờ cũng nhắc
Cây cũng như người phải biết dựa vào nhau
— [Quanh chuyện một cây thông]
Con người nhà thơ (bên trong), là nơi chứa đựng những câu chuyện, những vết tích của thời gian, những sự vận động trong suy tưởng và cảm xúc…
“Cũng một ngày kia
Giữa sóng triều xô đẩy
Những con ốc chết rồi ruột héo gan khô
Và hoá thân thành những nấm mồ
Không chịu cát vùi khoe mình trên mé bãi
Những vỏ ốc chứa âm thanh trong đấy
Gió đại dương đi qua ca hát suốt bốn mùa
Những chuyện vui buồn dưới đáy biển sâu
Được kể lại bằng những âm thanh kỳ diệu…
Tuổi thơ không còn và tôi đã đi xa
Gặp con ốc con sò tôi chợt hiểu
Những nỗi đau ẩn mình trong vỏ đá đầy hoa.”
— [Những con ốc biển]
Nói về bạn thơ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng nhà thơ Thuận Hữu có “một phẩm chất tối quan trọng trong sáng tạo, đó là sự khám phá ra một vẻ đẹp, một tư tưởng từ vạn vật.”
Có thể hiểu, “không có gì không mang theo nó một điều gì của cuộc đời này”, nếu không được con người nhà thơ cảm nhận thì tất cả mọi sự vật, hiện tượng, mọi vật chất, phi vật chất sẽ nằm im như một “vỏ ốc” giữa biển khơi, vôi hoá dần và biến mất.
“Để đi từ những vỏ ốc (xác chết) kia tới bến bờ của cái đẹp và thi ca, phải mất một khoảng thời gian đôi khi bằng cả một cuộc đời…” Và trên con đường đi tìm cái đẹp và thi ca ấy người thi sĩ vẫn khiêm nhường, xem những gì mình viết ra, nâng tầm lên chỉ đơn giản là “NHẶT DỌC ĐƯỜNG”.
Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nói:
“Ông luôn coi thơ là một cõi thiêng mà ông chưa đủ mọi điều hay chưa sẵn sàng để bước vào trong cõi đó. Và từ ông, thơ hiện ra theo một lối đi khác – lối đi riêng của cuộc đời ông. Lúc này, tôi lại nhớ đến một câu nói của ai đó: “Không ai nghe thấy tiếng ầm ĩ của những bông hoa trước khi nó bật ra khỏi cành.” Thuận Hữu đã sống như vậy và những câu thơ của ông sinh ra như vậy: tự nhiên và giản dị.”
Đặc biệt hoạ sĩ Đào Hải Phong đã vẽ 30 bức tranh phụ bản theo cảm xúc từ những câu thơ NHẶT DỌC ĐƯỜNG và sẽ được trưng bày tại buổi lễ ra mắt sách.

Ảnh: Quang cảnh buổi ra mắt sách
2. XA VÀ GẦN – “Bài ca kỳ vĩ và bất diệt”
Nhà văn Phan Đức Nhạn là một nhân vật độc đáo của xứ Quảng, ông là tác giả cuốn tự truyện “Ong rừng”, do NXB Hội Nhà văn xuất bản và phát hành (11/2023).
Với tập bút ký “XA và GẦN”, ông tiếp tục viết về quê hương Bình Dương, một xã nhỏ thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, nơi đã cùng ông đi qua những giai đoạn tang thương, thách thức nhất của lịch sử dân tộc.
“Như là một trong những cây dương còn sót lại trên vùng cát trắng Bình Dương ngập tràn bom đạn và máu chảy những năm chiến tranh.” Từ những năm tháng ấy, ông trở về và trên những trang viết lẫn đời thực, theo chân ông độc giả được đặt chân tới mảnh đất Bình Dương huyền thoại, bước đi trên cát và cảm nhận…
Chiến tranh đã rời đi, nó bỏ lại những nỗi ám ảnh mà tự nó cũng không cảm nhận được, chỉ những người ở lại, chỉ người lính Phan Đức Nhạn là vẫn sống trong những ký ức, không kìm được mà thốt lên: “Than ôi, máu chảy ruột mềm.”
Người lính ấy, cầm súng khi mới 15 tuổi, đã phải bao lần vấn khăn tang, bao lần cúi đầu trước đồng đội ngã xuống. Hôm nay, ông ngồi một mình, “chìm sâu vào dòng nhớ thương da diết” để viết lại, để tự hào và để dâng hiến phần ký ức còn nhức nhối, những câu chuyện có thật và bản thân ông là “một phần không thể tách rời của cát…”
“Năm tháng qua đi như dòng sông trôi chảy, kỷ niệm nào còn lại với thời gian. Tôi vẫn loay hoay lật lại trang đời, những sự việc tưởng chừng trôi đi, nhưng không, sáu chục năm rồi vẫn canh cánh trong lòng trở thành ký ức, ký ức về một thời nhớ mãi…” – Phan Đức Nhạn.
Bút ký “XA và GẦN” với hơn 260 trang, hơn 40 bài viết, gọi tên “chú 6 Hoan”, “chú Hai”, “kiến trúc sư Kazit, “kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc”, “chị Trần Thị Cúc”, “chị Năm”, “bà Bảy”, “anh Phan Diễn”, “cô Hai Bình”… cho tới những con người được đặt những cái tên rất đặc biệt: “người con vùng cát cháy”, “người con gái mù”, “cậu bé lên mười”, “vang mãi tiếng hô”, “cô giáo làng là du kích”, “dấu chân trên cát bỏng”, “người đốt lửa”… Và có một tiếng “Mẹ”, ông dành để viết về người mẹ kính yêu, những người mẹ anh hùng của vùng đất Bình Dương khói lửa.
“XA và GẦN” sử dụng tranh minh hoạ của ba hoạ sĩ: Đào Hải Phong, Đỗ Trung Quân và Vũ Trọng Anh. Với sự bổ trợ của hội hoạ, những trang viết đi từ xa đến gần, từ quá khứ tới hiện thực trở nên chân thực, cảm xúc hơn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ: “XA và GẦN” của Phan Đức Nhạn là một bài ca kỳ vĩ và bất diệt. Mỗi một trang viết của “Xa và Gần” như từng lớp cát trắng của Bình Dương giấu vùi trong đó bao nhiêu câu chuyện kỳ vĩ… Phan Đức Nhạn là một phần không thể tách rời của cát ấy, ông đi ra từ chính cát ấy và mang theo sự thật mà cát cất giữ. Và từ cát ấy, những con người Bình Dương hiện ra đẹp và chói sáng tựa pha lê.”
Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), sự kiện ra mắt sách “XA và GẦN” của tác giả Phan Đức Nhạn đã trở thành sự kiện vô cùng đặc biệt và cảm xúc đối với bản thân tác giả, đất và người Bình Dương cũng như với NXB Hội Nhà Văn (Nhà 65).

Ảnh: Các nhà văn dự ra mắt sách
– Theo fb Thuy Hang Nguyen (Nguyễn Thúy Hằng-Giám đốc Nhà xb Hội Nhà văn) –