Tản văn. VĂN TẤT THẮNG

Tôi về quê nội sau mười tám năm tính từ lần về cuối. Xe chở mấy anh chị em tôi về đến nhà ông anh con bác ruột thì đã thấy mấy mâm cỗ bày kéo dài từ cái tủ chè ra bậu cửa. Trước khi về anh trai tôi đã gọi điện nhờ anh lo giúp bữa liên hoan và lo luôn cả việc mời họ mạc. Mỗi gia đình đến đại diện một người. Gian nhà ồn ã tiếng thăm hỏi, trò chuyện, xung quanh tôi các anh chị trong họ tộc đã già cháu chắt thì đã tuổi trung niên, các bậc bề trên đã theo nhau về hết với tổ tiên.

Mưa xuân rây rây, đôi lúc nặng hạt, tẩy rửa cái sân gạch đỏ au. Cây bưởi đơm hoa đổ tán lá lên nóc bể, hoa kết thành chùm, nhả hương, cánh cong cong trắng bong õng nước. Ngày xưa mưa dầm dề thế này đường ngõ trong làng nhão nhoét. Ngày bé tôi đi dép nhựa về làng bùn lầy dính chặt không nhấc nổi chân.
Bữa ăn đã bắt đầu trò chuyện ồn ào. Một thanh niên ngồi mân dưới tay cầm chén rượu tiến đến chỗ tôi:
-Cậu! cậu có nhớ cháu không?

Thấy tôi bối rối, anh ta giới thiệu:

– Cháu là Huấn con bà Mỵ cậu ạ… mẹ cháu mất rồi.
-Ôi thế hả?… Mẹ cháu mất bao lâu rồi? Tôi bật hỏi thằng cháu, nó hơn tôi tuổi.
– Sát Tết năm ngoái cậu ạ… Mẹ cháu cũng trọn được tám mươi.
Hai cậu cháu ngậm ngùi cạn chén. Và tôi hình dung ngay ra chị, hồi tôi bé lắm, lần đầu tiên nhìn thấy chị ở sân nhà bác ruột. Chị gào khóc: “Thầy U chỉ biết xây nhà cao cửa rộng cho con giai thôi, còn tôi thì thầy u gả chồng cho thật sớm, để giờ nuôi một lũ con. Túng thiếu về ngửa tay xin, đã không cho còn chửi rủa. Giời đất ơi! Tôi là con nuôi ở cái nhà này“. Từ đó cho đến mãi sau này tôi cứ ngỡ chị là con nuôi của bác…

 

Ông bà nội tôi sinh được hai trai hai gái, bác là cả bố tôi là út. Bác tôi lấy vợ sớm nên con đầu của bác suýt soát tuổi bố tôi. Bác tôi là trưởng tộc coi giữ từ đường lo cúng giỗ hương khói cho tổ tiên. Bố tôi theo cách mạng từ năm mười bốn tuổi. Tôi lớn đi mẫu giáo đã biết nơi gia đình tôi đang sống không phải là quê.

Rượu chạm chén chúc cuộc hội ngộ kêu lách cách. Tôi khen quê nhà nhiều thay đổi, con đường từ quốc lộ về làng rộng gần bốn mét dải nhựa phẳng lỳ. Anh San nguyên là giáo viên cấp I nay đã về hưu gật gù, nghĩ ngợi, rồi vẩy bàn tay:

– Chú làm sao mà biết được con đường ấy ngày xưa… Ngày xưa ấy, mùa lụt nước ngập quanh làng, con đường về làng cao nhất cũng ngập băng. Bọn tao vác dậm vác rủi kiếm cua, đãi tép cá lẹp, tụ ở gốc cây đa Quán đầu làng. Thằng này này – Anh San nhốm người chỉ vào người đàn ông rất khó đoán tuổi. Đói rủn người nó còn phép lác, nó to mồm: “Năm xưa tao đi rủi từ đây đến đường quốc lộ, riêng cua chặt bốn giỏ, về nhà bỏ tất vào cối giã, lọc được một chậu thau nước cua đặc như đất, vợ tao ở đồng về không biết, hắt chậu nước cua vào bụi mía. Tao tức điên người. Ấy thế mà lại hay! Chỉ mấy hôm sau bụi mía cây to như ống bương ngọt hơn đường!” Cả lũ bọn anh cười hô hố. Ngày ấy vai trần quần đùi rách, ngâm cả buổi dưới đồng. Nghỉ trưa ngồi dưới gốc đa, chiếc điếu cầy giẫy lên sòng sọc, đóm cật dầy lom rom cháy truyền tay…“ kể đến hụt hơi, anh San ngồi thừ. “Anh ăn đi”. Tôi giục. Anh lắc đầu: “Răng anh yếu lắm”.

Quê tôi có hai cây đa đều nằm ở bên phải đường về làng. Cây đa Rinh rễ buông từ cành rũ rượi, tán lá âm u đứng đối diện khu mồ mả. Cây đa Quán thân gốc xù xì cành to vươn ngang trùm kín mặt đường án ngữ đầu làng. Cây đa với tôi là nỗi ám ảnh cả một thời non dại đi sơ tán nay đây mai đó theo cơ quan của mẹ. Vì người lớn dọa, gốc cây đa là nhà của những con ma… Thế mà hồi bé đã một lần tôi từ nơi sơ tán hăm hở về làng thăm bà nội, để hai cây đa làng mãi mãi là hình bóng không phai… Năm ấy lớp ba. Mẹ tôi dẫn tôi ra cánh đồng khô nẻ lúa đã gặt phía sau nơi cơ quan sơ tán, chỉ hai cái chấm xanh mờ mờ: “Con nhìn kìa, kia là cây đa Dinh, kia là cây đa Quán. Đến cây đa Quán là đến cổng làng. Đấy là quê. Con đi đi. Hết cánh đồng này là một cánh đồng khác, mỗi cánh đồng cách nhau một con máng nhỏ. Chỗ nào còn lội con men theo bờ thửa mà đi“.

Mùa hè nắng chang chang trời xanh cao vợi. Tôi mím môi ôm chặt cái làn nhựa mầu hồng đựng bánh rán gói từng cái trong giấy hoạ báo. Bánh nặn bằng bột mỳ có nhân đường mang về cho bà. Mồ hôi nhỏ giọt tôi đạp chân loạt xoạt trên gốc rạ khô. Tôi đứng dưới tán cây đa Rinh ngó những búp lá như mũi giáo xanh trong nắng gắt. Tôi ngồi nghỉ chân dưới gốc cây đa Quán, gió đồng thổi khô mồ hôi chỉ còn đọng lại bụi mặn trên môi trên má tôi lấy tay xoa, dấp dính.

Tôi vào đến sân thấy bà đang lom khom vơ lá khô khoanh mấy bãi cứt gà ném ra cái ao trước mặt. Cái nhà ngang ngày xưa là bếp giữa nền nhà đất nện kê cái phản, chỗ ăn chỗ ngủ. Mẹ tôi kể: “Cả cái khu nhà ngói cây mít xung quanh đó là của bà nội. Cải cách ruộng đất bà và bác cả bị quy là thành phần địa chủ, đội cải cách chia nhà ở không xử tội hồi ấy là may. Sau này sửa sai bà và bác con được hạ thành phần. Nhưng thiên hạ biết mà làm ngơ, bà nội con là địa chủ nhịn đói, thèm cả ngọn rau, vơ váo việc to việc nhỏ, tát nước gầu dây đóng cọc một đầu…”
Bữa cơm thâm tình họ tộc đã xong. Thấy tôi muốn lên mộ tổ, thằng cháu là chủ tịch xã lấy xe máy đèo đi. Nó là con ông anh cả, cháu đích tôn bác tôi, bố mẹ nó đã mất, công việc họ, trông coi từ đường lại đến tay. Nó kém tôi một tuổi.

– Chú cầm chắc ô, cháu đi thật chậm không có mưa tạt vào ướt hết.

Nấp sau lưng nó, xe ra khỏi làng, đồng ruộng lá lúa xanh non, trời quá mù ra mưa, tôi níu gọng ô gió kêu lật phật.
Cổng nghĩa trang của xã xây to cao bề thế. Con đường dẫn vào lát bê tông. Bên cạnh là khu mộ tổ. Xã có bao nhiêu họ là có bấy nhiêu khu mộ, kiến trúc tương đồng, phân định bằng tường bao thấp. Nhìn tổng thể khu mộ hài hòa, tôi nghĩ đến con người làng tôi, các dòng họ đang sống gần gũi bên nhau, dương sao âm vậy. Tôi đã đọc ở đâu câu nói của một danh nhân, đại ý, muốn biết tầm văn hóa của một địa phương, ta hãy nhìn vào khu tưởng niệm. Tôi nói một câu khen thằng cháu, nó cắm cúi cắm hết bó nhang khói tỏa trên tay vào từng ngôi mộ, rồi bảo:
– Cháu chỉ tâm niệm, con người ta sống tốt là phải biết tri ân – rồi nó chỉ – Đây là mộ cụ ông, cụ tổ họ nhà mình đây chú. Còn mộ cụ bà, sau bao năm tìm kiếm lần tìm gia phả thì khẳng định mộ cụ bà nằm ở bên kia. Xong đây chú cháu mình sẽ sang bên đó.

Nghe cháu nói vậy mà ruột gan tôi cứ nhoi nhói lên đau. Là tôi nhớ đến một lần đã lớn về quê giỗ bà cô ruột. Cô là chị cả bố tôi nhưng là gái nên gọi bằng cô. Cũng khu đồng này gói mộ cô tôi, nhưng đúng mùa lụt nước dâng úng trắng. Theo người lớn ra thăm mộ cô, anh trai trưởng dừng bên mép nước chỉ: “Mộ bà ở đằng kia!”. Kia là đâu? trước mặt tôi bao la nước. Tôi ngơ ngác nghĩ, cô tôi nằm đấy chắc là rét lắm…
Ôi quê tôi…

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version