Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Hoài Hương.

Gồm:

Cây hoa sữa giữa Sài Gòn

Anh đã tìm em trong hàng triệu đôi mắt Sài Gòn

Sấu tương tư giữa ngôi trường Tây

Nhà văn Hoài Hương

 – Hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.

 – Hội viên Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh.

 – Hội viên Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh

* Từ năm 1998 đến nay đã có truyện ngắn đăng trên các báo Tuổi trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Tiền Phong, Văn nghệ Trẻ, Hà Nội Mới, Tạp chí Văn nghệ Quân Đội, Văn nghệ Công An, Văn nghệ TPHCM, Văn nghệ Trung ương, Nhân dân, VTC News, một số tờ báo tỉnh thành, các kênh VOH, VOV…

* Tác phẩm xuất bản:

Tùy bút xanh (Tản văn- Tùy bút- NXB Trẻ-2000).

Trò chuyện văn chương (Trò chuyện về tác giả- tác phẩm- NXB Thanh Niên-2009)

Trong tim tôi có một vị tướng (Tập truyên ngắn- NXB Hội Nhà văn-2014)

Lãng du tình (Tản văn & Tùy bút- NXB Hội Nhà văn- 2016)

Tham- Sân- Si (Tập truyện ngắn- NXB Hội Nhà văn- 2018)

Hà Nội hoa tình (Tản văn- NXB Hội Nhà văn- 2019)

Sài Gòn 7.000 đêm & Thương… rồi nhớ (Tạp văn- Viết chung với Nguyễn Hoàng Trung Hiếu- NXB Văn hoá – Văn nghệ TP.HCM- 2020)

Phù sa châu thổ (Tập truyện ngắn- LHH VHTT TPHCM-2021)

Sài Gòn! Em thương Anh (Tập tản văn- NXB Đồng Nai- 2021)

Đi dọc mùa nhớ – Qua miền tương tư (Tạp văn – Truyện ngắn- Viết chung với Nguyễn Hoàng Trung Hiếu- NXB…. 2022)

Những khoảnh khắc sinh tử (Tập truyện ngắn – NXB Quân đội Nhân dân 2023)

* Giải thưởng trong 3 năm trở lại đây:

 – Giải Tư Bút ký về Quận 5- TP Hồ Chí Minh, 2020

 – Giải Khuyến khích tản văn “45 năm rực rỡ tên vàng”, báo Người Lao động, 2021.

  – Giải B truyện ngắn “Hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân”- Bộ Công An, 2022.

  – Giải Ba Bút ký “ Từ trong Ký ức”, báo Người Lao động, 2022

  – Giải Ba Bút ký ” Những hy sinh thầm lặng”, Hội Nhà văn TPHCM, 2022.

  – Giải Ba Bút ký “Thương binh- Liệt sĩ”, Hội Nhà văn TPHCM+ Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ TPHCM+Tạp chí Văn nghệ TPHCM, 2022.

  – Giải Khuyến khích truyện ngắn “Hình tượng người chiến sĩ cảnh vệ CAND”- Bộ Tư lệnh Cảnh vệ- Bộ Công An, 2023

 – Giải Ba bút ký “Bếp nhà mình ngày Tết”- Tạp chí Du lịch TPHCM. 2023.

CÂY HOA SỮA GIỮA SÀI GÒN

Hoài Hương

Ngọc Hà chưa khi nào hỏi nội tại sao rằm trung thu hàng năm cũng kêu cô đi lượm những bông hoa rụng ở góc đường Pasteur- Điện Biên Phủ gần nhà, mang về, rửa sạch bụi, cho vào chiếc đĩa sứ trắng nhỏ, đặt lên bàn thờ trước di ảnh một người thanh niên rất trẻ, mặc quân phục, đội nón tai bèo. Ờ, mà sao lại có loài cây không giống các cây ở con đường này, mỗi mùa hoa vào tháng 10, là thơm nồng cả con phố, cô biết tên cũng là do nội nói cho hay, cây hoa sữa, cây hoa của Hà Nội. Ờ, nhưng sao cây lại lọt vào giữa những cây xà cừ, me, dầu…

Sài Gòn hơn 50 năm trước.

… Đầu con hẻm khá rộng, gần góc đường Pasteur- Điện Biên Phủ, có một ngôi biệt thự xinh xinh, trước cổng là dàn tigon hoa tím hồng quanh năm, nhà ông bác sĩ ở Tây về, làm chủ nhiệm khoa ngoại ở bệnh viên Chợ Rẫy. Ông hiền lành, hay làm phúc giúp người dân xung quanh mỗi khi đau bệnh nên được thương quý. Nhưng ông không phải nhân vật được chú ý trong ngôi biệt thự này, cô con gái duy nhất của ông, rất đẹp, đang học trường Y mới là tâm điểm. Cô mang vẻ đẹp thánh thiện mà ai theo đạo Phật thì nói cô giống tượng Phật Bà Quan Âm, ai theo Thiên Chúa thì nói cô đẹp như Thánh nữ Teresa. Cô cũng như ba mình, luôn sẵn lòng giúp đỡ hàng xóm khi gặp khó khăn, nên ai cũng yêu mến cô.

Xuân Mậu Thân 1968, Sài Gòn hình như mang một không khí yên tĩnh kỳ lạ. Một sự yên tĩnh rất khó tả, cảm giác như có một cái gì đó đang đè nặng, đang nén lại, càng cận Tết càng như bị nén chặt trên đường phố, dù các khu chợ vẫn nhộn nhịp người đi sắm Tết, các tiệm nhảy, vũ trường ở khu trung tâm hàng đêm vẫn ồn ào tiếng nhạc và đầy sắc lính Mỹ, lính Sài Gòn vào ra tấp nập, ở khu Đại Thế Giới trong Chợ Lớn mở Đại nhạc hội Xuân có ca sĩ từ Hongkong qua nghẹt người coi… Lại nghe Tết này, chính phủ cho phép đốt pháo mừng giao thừa….

Ngôi biệt thự của ông bác sĩ và cô con gái mấy ngày giáp Tết cũng luôn có khách vào ra. Hình như  là những người muốn đi coi mắt cô con gái để kết thân, vì thấy toàn xe hơi sang, khách khi là một chàng trai khôi ngô, khi là một cặp quý ông, quý bà sang trọng, có khi khách là ba người như ba- má và con trai…, ai cũng khệ nệ mang theo những giỏ quà nặng… Thường chỉ thấy ông bác sĩ đón khách, còn cô con gái hiếm khi thấy có nhà.

Giao thừa… Cư dân Sài Gòn có lẽ không bao giờ quên được giao thừa đón năm mới Mậu Thân ấy, một giao thừa bão lửa kinh hoàng. Cả Sài Gòn như nổ tung, hòa vào tiếng pháo đốt mừng giao thừa, cũng là tiếng súng, tiếng pháo vang trời, khắp các đường phố trung tâm Sài Gòn, ở những nơi trọng yếu của các cơ quan chính quyền Sài Gòn như Sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng nha cảnh sát, Đài phát thanh Sài Gòn, Đại sứ quán Mỹ, Biệt khu Thủ đô, Dinh Độc Lập… Vâng! Đó là những giờ mở đầu chiến dịch Tổng tiến công của Quân Giải phóng đánh vào các thành phố lớn Miền Nam, các cơ quan đầu não của người Mỹ và chính quyền Sài Gòn tại Sài Gòn.

Một đêm giao thừa gây choáng váng cho cả nước Mỹ và thế giới, gây kinh hoàng với lính Mỹ đang tham chiến ở Việt Nam cùng quân đội Sài Gòn. Tin Đại sứ quán Mỹ, nơi tưởng chừng bất khả xâm phạm đã bị “Việt Cộng” chiếm giữ và làm chủ, được truyền về Nhà Trắng và toàn thế giới, gây hoang mang cho chính phủ Mỹ. .. Và không thể để mất mặt quyền lực tối thượng của người Mỹ, cũng như của chính quyền Sài Gòn, cuộc chiến đấu tổng lực với Quân Gải phóng đã diễn ra trên đường phố ngày càng khốc liệt. Qua giao thừa, đến mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết…, cuộc chiến ngày càng trở nên cam go, ác liệt. Quân Giải phóng và quân đội Sài Gòn với sự hỗ trợ của lính Mỹ giằng co nhau từng tòa nhà, góc phố, con đường, nhiều nơi Quân Giải phóng đã không thể giữ được những mục tiêu đã chiếm trước đó, vì chênh nhau lực lượng, và vì sự tiếp ứng không kịp cũng như thiếu liên lạc dẫn đường… Nhiều đơn vị của Quân Giải phóng bị xé lẻ, nhiều tổ chiến đấu bị tách rời nhau, lạc nhau giữa đô thành Sài Gòn, ngay trong trận chiến…

Góc đường Pasteur- Điện Biên Phủ có một bốt lính, bình thường thì chỉ có một tiểu đội quân Sài Gòn trấn giữ, nhưng ngay trong đêm giao thừa, có lẽ thấy đây là điểm trọng yếu, nên đã được tăng cường lên đến một đại đội gần trăm tay súng cùng một trung đội xe bọc thép gồm ba chiếc, án ngữ toàn bộ ngã tư của hai con đường này. Trước đó, đơn vị Quân Giải phóng gồm một tổ ba người được phân công đánh cái bốt này, nhằm giải phóng con đường cho một đơn vị khác đánh thọc sâu vào khu trung tâm Sài Gòn, tiếp ứng cho các chiến sĩ biệt động thành đang trấ n giữ các mục tiêu Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh… Một cuộc chiến không cân sức, cho dù họ có một cây B40, một cây trung liên và thêm hai cây AK, với số đạn  lên đến mấy cơ số và gần mười trái lựu đạn.

Sau gần một ngày một đêm giằng co nhau từng mét đường, phía quân Sài Gòn là hai đám cháy rừng rực, nhiều tiếng nổ và hoa lửa tung ra từ hai chiếc xe bọc thép bị dính B40 của Quân Giải phóng, nhưng tiếng súng AK cũng ngày càng rời rạc, sau cùng im bặt, tiếng quân lính Sài Gòn la hét kêu đầu hàng… Im lặng một lúc…

–   Báo cáo, có hai Việt Cộng đã chết. Không thấy cây chống tăng.

–   Còn một tên nữa, chắc chắn đã bị thương, đang lần trốn. Xét!

Và những ngôi nhà, lùm cây của hai con đường trở thành mục tiêu đầu tiên tìm kiếm người Việt Công thứ ba cùng cây B40.

Tất cả các ngôi nhà nằm trên hai con đường này đều đóng kín cửa từ lúc giao thừa, khi tiếng súng nổ rân trời, sát ngay bên hông nhà. Không một ai dám hé cửa, người nào người nấy hồi hộp lo sợ đạn lạc vào nhà mình, ngay cả bọn trẻ con hình như cũng biết sợ, chẳng đứa nào dám khóc. Ngôi biệt thự của ông bác sĩ và cô con gái cũng đóng kín cửa như mọi nhà. Nhưng bên trong thì không im lặng. Họ đang có khách. Một vị khách đặc biệt. Chính là người Việt Cộng mang cây súng chống tăng B40. Anh mê man bất tỉnh, cả người anh đẫm máu với hàng chục vết thương…

Thật ra, ngôi biệt thự này có một bí mật mà hàng xóm không hề biết. Cả hai cha con họ đều là cơ sở cách mạng thuộc lực lượng biệt động Sài Gòn, cô con gái còn là một thành viên của đội biệt động thành. Những ngày giáp Tết Mậu Thân, họ đã được thông báo trước về chiến dịch, ngôi biệt thự trở thành một “trạm” cấp cứu thương binh, đồng thời là một kho bí mật cất giấu vũ khí. Những vị khách tưởng chừng đến xem mặt cô con gái, thật ra là các chiến sĩ biệt động cải trang, mang chất nổ, cùng súng ống đạn dược đến cất giấu, chuẩn bị cho chiến dịch.

Ngay từ lúc nghe tiếng súng ở ngã tư ngay sát nhà mình, cả hai cha con đã lập tức kín đáo theo dõi tình hình từ trên sân thượng. Sân trồng nhiều cây cảnh khá um tùm, thuận lợi cho việc ẩn mình, nên những gì diễn ra ở góc phố qua ánh lửa cháy từ hai chiếc xe bọc thép rất rõ… Qua một ngày, đến khi đêm xuống, họ biết có ba chiến sĩ Quân Giải phóng ở ba góc khác nhau, đang chống trả lại hỏa lực cực mạnh của quân Sài Gòn. Họ biết hai chiến sĩ đã hy sinh, và nhìn thấy người thứ ba đang lùi dần vào một lùm cây, tiếng AK thưa dần, rồi im bặt. Không chậm trễ, cô con gái vội xuống nhà, mở cánh cửa sau của khu vườn thông qua con phố khác, luồn qua con hẻm nhỏ, tiếp cận khu giao tranh. Cũng không lâu, cô đã phát hiện ra người chiến sĩ thứ ba nằm bất động sau hàng rào khá rậm. Cùng lúc đó, cô nghe rõ tiếng quân lính Sài Gòn đang kêu gọi các chiến sĩ Quân Giải phóng đầu hàng, rồi tiếng chúng reo hò khi phát hiện ra hai người đã hy sinh… Không chậm trễ, cô ghé vai, cõng người chiến sĩ, mau chóng rời khỏi khu vực nguy hiểm, chỉ chần chừ chút là có thể bị phát hiện, bọn lính Sài Gòn đang bắt đầu chia nhau lùng sục. May mắn là các nhà đều đóng cửa tắt đèn, nên cô có thể mau chóng đưa anh chiến sĩ Giải phóng về nhà mình an toàn.

Một phòng mổ dã chiến tại căn hầm bí mật chứa vũ khí được chuẩn bị thần tốc. Ông bác sĩ từ Tây về lần đầu tiên trong đời có một ca mổ mà ngay cả trong tưởng tượng ông cũng chưa từng có… Còn cô con gái phải ở trên nhà, chuẩn bị lo đối phó với bọn lính Sài Gòn đang lùng xét từng ngôi nhà. Có lẽ đây là thời khắc dài nhất đối với hai cha con, ông bác sĩ chạy đua với tử thần cố cứu người chiến sĩ, cô con gái thì ứng phó với bọn lính đang truy tìm người chiến sĩ. Cả hai cùng vào một cuộc chiến không kém phần cam go khốc liệt…

Ba ngày, rồi năm ngày trôi qua, chưa thấy người “Việt Cộng” thứ ba, không bỏ cuộc, đám lính Sài Gòn chốt quân, canh hết các góc đường, chặn hết những con hẻm của hai con đường, bất cứ ai vào ra cũng đều bị kiểm soát gắt gao. Bọn họ biết chắc chắn người “Việt Cộng” này chưa thoát ra, nhưng chưa tìm được. Họ cũng nghi ngờ nhà ông bác sĩ ngay từ đầu, nhưng mấy ngày liên tục đến ngôi biệt thự này truy tìm, không thấy bất cứ dấu hiệu gì có người lạ. Thậm chí đám lính còn xét cả giỏ rác trong nhà, thức ăn trong tủ lạnh…, nhưng không tìm thấy gì khả nghi, nên mấy ngày sau thì có vẻ lơ là, hỏi lấy lệ. Ông bác sĩ ngày nào cũng đánh xe đến bệnh viện, thậm chí có hôm còn nhờ đám lính Sài Gòn lên xe giúp hộ tống cả đoạn dài vì “sợ Việt Cộng bắt”… Nhưng chúng không hề biết trong xe ông có một bao rác đặc biệt, những bông băng thấm máu của người chiến sĩ được ông thay ra hàng ngày cất giấu ngay dưới gầm ghế.

… Một quầng sáng mờ mờ, một gương mặt như vẻ đẹp của nữ thần lúc ẩn lúc hiện, một giọng nói miền Nam nghe ngọt mềm như nước… Sao người mình lại cứng đơ  thế này? Mình đang ở đâu đây?… Cố động đậy đầu ngón tay, cố mấp máy môi, nhưng hình như có gì đó rất khó kiểm soát. Mãi anh mới bật ra một tiếng nói yếu ớt:

–  Tôi… tôi đang ở đâu?

–  Ôi! Anh đã tỉnh rồi – Giọng con gái mềm như nước anh đã nghe trong mê man.

Giờ thì anh thấy đã có sức hơn, anh hỏi liên tục. Một giọng miền Bắc.

–  Sao tôi lại ở đây? Các bạn của tôi đâu? Tôi nằm đây bao lâu rồi? Cô là ai?…

Cô gái nói thật chậm:

–  Anh đang trong nhà em, anh đã mê man suốt 5 ngày rồi… Em là người của cách mạng, ba em là bác sĩ đã cứu chữa cho anh, anh an tâm dưỡng thương. Rồi em sẽ tìm cách liên lạc để đưa anh về đơn vị. Mà anh tên gì cho em dễ kêu.

– Tôi tên Long. Balo của tôi đâu?

– Em tên Hà, nhưng mọi người hay kêu bằng thứ Hai. Anh đừng lo, em vẫn giữ nguyên mọi thứ, chỉ có bộ đồ anh mặc bị rách nát hết nên em bỏ rồi. Cây súng của anh em cũng đã cất giữ cẩn thận cùng mấy trái đạn.

– Cô làm ơn mở balo ra, tôi sợ cái cây… cái cây… chết…

– Cây gì chết anh?

Cô vừa hỏi vừa ra chỗ góc phòng lôi cái balo ra, ngay cái túi cóc ngoài cô thấy ló lên một cành lá xanh mỏng manh. Mở túi, một chồi cây đang lên, được bọc trong một túi chống nước đựng đất. Chắc anh ấy nói đến cái cây này.

Cô lấy bọc cây ra mang lại chỗ anh nằm.

– Có phải cây này không anh?

– Đúng rồi. Cây hoa sữa… May quá, mày còn sống.

– Em sẽ mang trồng nó ngay.

Rồi cô mang cây lên sân thượng, kiếm một chậu đất đang trống, trồng cái cây tên là lạ, hồi nào tới giờ chưa nghe. Mà sẽ hỏi sau, cô nghĩ thầm. Giờ phải chăm sóc để anh mau lành các vết thương và nhờ liên lạc để đưa anh ra khỏi thành, về đơn vị bình an. Chợt cô đỏ mặt, anh Giải phóng này có gương mặt đẹp thiệt, y như tài tử Pháp Alain Delon.

Được hai cha con bác sĩ chăm sóc, và có thể sức trẻ nên dù bị thương rất nặng, nhưng mau lành, anh có thể nhúc nhắc đi lại được, dù còn yếu. Cũng trong thời gian này, cô gái và anh giải phóng tìm hiểu nhiều hơn về nhau. Anh biết cô năm nay 20 tuổi, là con gái duy nhất của ông bác sĩ ở Tây về, cô cũng đang là sinh viên trường Y Sài Gòn, cô lại là người của cách mạng, là biệt động thành, và không hiểu sao, cứ mỗi lần ngồi bên cô nói chuyện, anh lại không dám nhìn vào mắt cô, một đôi mắt rất đẹp, như muốn nhấn chìm người đối diện. Anh không thể nghĩ có ngày mình được ngồi bên một cô gái Sài Gòn đẹp đến thế, dù cũng đã nhiều lần gặp giao liên trong thành và các nữ du kích Long An, khi đưa đơn vị anh nhập vào thành phố. Anh năm nay 22 tuổi, con trai một, là sinh viên Bách khoa Hà Nội, tình nguyện nhập ngũ, vào chiến trường ba năm nay. Nhà anh ở một con phố nhỏ cổ kính của Hà Nội có cái tên nghe rất xưa, phố Quán Sứ, nhưng nhà bà ngoại anh lại ở làng hoa Ngọc Hà… Cũng như anh, cô mỗi lần nhìn anh là đỏ mặt, ờ, mà sao có người Hà Nội lại đẹp như tài tử Pháp thế này, cho dù bị thương nặng, vừa thoát cửa tử, vẫn toát ra sự tuấn tú, một sức vóc cường tráng. Lần đầu tiên cô mới được kề cận một Quân Giải phóng – người Hà Nội bằng xương bằng thịt. Cô cười thầm, cứ tin vào truyền thông của mấy tay tâm lý chiến Sài Gòn, lính Việt Cộng Bắc kỳ đói ăn, bảy người đu một cọng đu đủ không gãy, hay lính Việt Cộng Bắc kỳ ăn lông ở lỗ, nên xấu như ma mọi…, có mà bán lúa giống ăn.

Hà Nội dần hiện lên qua những câu chuyện anh kể cô nghe về ngôi nhà mình trong phố cổ với 36 phố phường kẻ chợ từ ngàn năm trước của Thăng Long thành, về vườn hoa ở ngoại ô của bà ngoại tràn ngập sắc màu hoa, về bốn mùa xuân- hạ- thu- đông của Hà Nội với những mùa hoa đào, hoa loa kèn, cúc họa mi, violet…, đặc biệt là hoa sữa. Ôi, đúng rồi, hoa sữa. Cô đã muốn hỏi thật nhiều về cái cây anh mang theo, mà trong lúc nửa tỉnh nửa mê cũng không quên. Phải chăng cây hoa có gắn với một người con gái Hà Nội? Chợt tim cô như đập nhanh hơn một nhịp..

Anh không hề biết tim cô lỗi nhịp khi nhắc đến cây hoa sữa, bằng một giọng trầm ấm, rất nhẹ, anh kể cô nghe.

– Cây hoa sữa này là từ một gói hạt giống hoa của chính bà ngoại cho anh trước lúc hành quân vào Nam. Bà nói, cứ y như chuyện cổ tích, con vào trong ấy, gieo hạt xuống những nơi con đi qua mỗi ngày, chỉ một hạt thôi… Bà mong con chiến thằng bình yên trở về, nhưng chiến tranh… Mai này cây mọc, bà biết mà theo cây tìm con, chỉ có cây hoa sữa Hà Nội này mới không lẫn với các loài cây khác. Nghĩ thương bà, chẳng biết ngày chiến thắng, bà có còn sống để đợi anh… Suốt 3 năm nay, anh đã đi khắp các chiến trường từ Tây Nguyên, đến duyên hải, rồi rừng miền Đông, lần này là Sài Gòn, và cũng chỉ còn một hạt cuối cùng. Sợ rơi mất, vào chiến dịch, anh ươm luôn hạt, nghĩ rằng sẽ trồng nó ở ngay chính nơi mình chiến đầu…

Hoa sữa là loài cây hoa của mùa thu Hà Nội, sau rằm trung thu là mùa hoa nở rộ. Những bông hoa sữa nhỏ li ti kết thành từng chùm như một mảnh ngân hà rơi xuống trần gian, khi đêm về hoa mới nồng hương. Đi dưới hàng cây hoa sữa, cảm giác như đang được ướp hương mùa thu nồng nàn khó phai. Các đôi tình nhân rất thích hẹn hò đi dạo khi hoa sữa vào mùa, chỉ một cơn gió nhẹ, hàng ngàn cánh hoa bay trong màn sương đêm mỏng nhẹ, đậu lên tóc lên mi người con gái, lúc đó chỉ muốn hôn…

Không giữ được câu hỏi, cô, buột miệng:

– Thế anh Long đã đi dạo với cô gái nào dưới hàng hoa sữa?

– Ồ, chưa.

– Sao anh tả như đã…

– Ôi dzời, là anh đọc trong những tản văn viết về hoa sữa của mấy nhà văn tả vậy. Nhưng thật sự hoa sữa rất thơm. Càng về đêm hương càng đậm, ai không quen có thể bị say. Cái mùi hương đó rất khó quên với người Hà Nội.

Cô mỉm cười nhẹ . Ừ hoa sữa. Đi dạo dưới cơn mưa hoa. Ước gì, đừng có chiến trận. Ước gì có thể ra Hà Nội… Và cùng anh… Cô chợt đỏ mặt bối rối.

Trò chuyện hàng ngày, cô biết thêm rất nhiều về Hà Nội, và cô thầm mong có một ngày nào đó được ra ngoài ấy… Còn anh, qua cô hiểu thêm nghĩa tình của người Sài Gòn, dù không ra khỏi nhà, nhưng anh được thưởng thức nhiều món ăn Nam Bộ do chính tay cô nấu, anh bâng khuâng nghĩ về một hình ảnh hạnh phúc trong tương lai có anh và cô. Ừ, ngày đó, một gia đình ấm áp… Giá như đừng có chiến tranh…

Thấm thoắt cũng đã qua 2 tuần. Vết thương và sức khỏe của anh cũng đã dần hồi phục. Cô đã liên lạc với anh em giao liên, tìm được đơn vị của anh thông báo và chuẩn bị đưa anh ra ngoài. Ngày anh và cô chia tay cũng đã đến. Chỉ còn một nửa ngày cô được bên anh, đêm nay giao liên sẽ đến nhà đưa anh đi. Thời gian ở bên anh không nhiều, nhưng có lẽ cái cảm nhau giữa hai người trẻ trong hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh, có những rung động đầu đời khó gì ngăn cản. Cả hai gần như đều cảm nhận hình như mỗi khi bên nhau trò chuyện, trái tim cùng rung một nhịp. Đã có nhiều lần họ không lẩn tránh ánh nhìn, mà như mắt trong mắt nhau. Đã có nhiều lần, câu chuyện chợt bị ngắt ngang, để rồi hai bàn tay nắm lấy nhau như muôn ngàn lời nói yêu thương. Có đôi lần, anh muốn đưa tay ôm lấy cô, chạm vào tóc cô, và cô cũng đôi lần muốn được một vòng tay của anh siết chặt…

Chiều xuống dần, hình như thời gian trôi rất nhanh khi sắp phải từ biệt nhau. Bữa ăn chiều sớm hơn thường khi. Cô không ăn, cứ ngồi nhìn anh, như muốn thâu trọn hình ảnh anh trong mình. Đêm nay xa rồi, có biết ngày gặp lại, hay đây là đêm cuối cùng… Cô chợt nghĩ ra, chạy vội vào phòng sách, lấy cái máy chụp hình, và rồi cô nói anh thay bộ đồ giải phóng, đội cái nón tai bèo…

Họ ngồi bên nhau lặng im, dường như lúc này, lời nói trở nên thừa. Anh nắm tay cô, nhìn sâu vào mắt cô, họ trao nhau ánh mắt như muốn thu giữ hình ảnh của nhau để mãi không thể quên. Và như không cưỡng lại được, hai làn môi từ từ xích lại, chạm nhau, một nụ hôn ngọt say…, và họ như đang cuốn vào nhau trong một nghi lễ của tình yêu. Thời gian như ngưng đọng lại để cho họ bên nhau trong đắm say cuồng nhiệt, như chỉ khoảnh khắc này sẽ là mãi mãi, không cần một lời hứa hẹn gì…

– Đợi anh nhé, mùa hoa sữa…

30/4/1975 Sài Gòn giải phóng.

Cô con gái ông bác sĩ lúc này là một bác sĩ quân y từ chiến khu về. Căn nhà bây giờ có thêm một cậu bé trai chừng 6 tuổi. Không thấy ba đứa bé. Tên nó là Long Hà.

Một bữa cô bác sĩ bứng cây hoa trong vườn nhà mang trồng nơi góc phố Pasteur- Điện Biên Phủ. Mỗi ngày cô đều ra tưới cây, chăm sóc. Hàng xóm hỏi, cô nói đó là cây hoa sữa của một Giải phóng quân người Hà Nội. Và năm sau, mùa hoa đầu tiên, cô bẻ một nhánh hoa mang vào cắm… Lúc này, cô mới lặng lẽ mang tấm hình người Giải phóng quân năm xưa lồng trong khung kiếng đặt trang trọng trên bàn thờ, ngay bên di ảnh của ông bác sĩ và mẹ cô. Cô để bình hoa sữa bên ảnh anh.

–  Em đã đợi anh, đợi hoài. Con chúng ta đã được hơn 6 tuổi mà anh không về với mẹ con em. Mới đây, em tìm được đơn vị anh, em thấy tên anh trong tấm bia tưởng niệm của sư đoàn, anh đã nằm xuống ở rừng miền Đông trong đợt ba của chiến dịch Mậu Thân. Cây hoa sữa của anh đã ra hoa… Em như thấy anh theo hương hoa sữa về đây bên em, bên con. Em sẽ kể con nghe về cây hoa sữa, về những người đồng đội của anh và anh đã chiến đầu và hy sinh vì Tổ Quốc Việt Nam như thế nào… Em cũng sẽ ra Hà Nội, tìm về nhà ngoại anh để kể về cây hoa sữa của ngoại giữa Sài Gòn, để con trai chúng ta biết Hà Nội và căn nhà nhỏ trong phố cổ của ba nó ngày xưa…

Mùa tiếp mùa, cây hoa sữa bây giờ đã được nửa thế kỷ, cao to ngang với những cây xà cừ, gốc me cổ thụ. Và mỗi mùa hoa, không thể hái được, chỉ nhặt hoa rơi… Cô gái Mậu Thân năm ấy, cô bác sĩ hôm nay đặt cho cháu nội gái của mình và anh Giải phóng quân – người Hà Nội tên Ngọc Hà.

Và cô gái Ngọc Hà lần đầu tiên trong mùa thu này được nghe bà nội kể câu chuyện về cây hoa sữa giữa Sài Gòn, về người thanh niên đội nón tai bèo trên bàn thờ, ông nội của cô, người chiến sĩ Giải phóng quân Mậu Thân năm xưa./.

Exit mobile version