Allan Massie là nhà báo, nhà bình luận, phóng viên thể thao và tiểu thuyết gia người Scotland. Ông là tác giả của gần 30 cuốn sách, trong đó có 20 cuốn tiểu thuyết. Ông được chú ý qua những tác phẩm viết về quá khứ xa xôi, và tầng lớp trung lưu, thay vì đề cập đến những khía cạnh gai góc của hiện tại. Cuốn tiểu thuyết thành công nhất của ông là chuỗi tự truyện và tiểu sử tái hiện lại cuộc đời các nhân vật chính trị nổi tiếng La Mã bao gồm Augustus, Tiberius, Mark Antony, Caesar, Caligula và người thừa kế của Nero. Nhà văn Gore Vidal gọi ông là “bậc thầy của tiểu thuyết lịch sử xa xưa”. Cuốn sách gần đây nhất của ông tựa đề The Thistle and Rose (tạm dịch : Cây kế và hoa hồng) là loạt bài tiểu luận về mối quan hệ khó khăn giữa Scotland và Anh. Ông cộng tác với nhiều tờ báo uy tín với tư cách là phụ trách chuyên mục chính trị cho tờ The Scotsman, The Sunday Times và The Daily Telegraph và viết bài cho mục chủ đề văn học của tờ The Spectator.
Allan Massie
Mặc dù bị đánh giá là tầm ảnh hưởng không sâu rộng và sự đồng cảm còn hạn chế song trong nửa thế kỉ viết văn Philip Roth đã kể biết bao điều về những thứ đang sống và tồn tại trên đất Mỹ.
Vừa bước sang tuổi 80, Philip Roth tự hiểu được rằng ông là một trong những tiểu thuyết gia người Mỹ vĩ đại nhất vẫn sống – không chỉ bởi vì ông là người cuối cùng của thế hệ nhà văn hậu chiến còn sót lại. Ông đã được trao tặng những thứ mà một trong số đó là con dấu phê chuẩn cuối cùng đồng ý cho xuất bản tuyển tập những cuốn tiểu thuyết của ông thành bộ sách 9 tập do Thư viện Hoa Kỳ – Library of America biên soạn. Ông là một công dân Mỹ điển hình và mạnh mẽ, một giọng nói mà có lẽ được coi là giọng nói đại diện cho những thập kỉ cuối cùng của “thế kỷ Mỹ”, thế kỉ mà giờ đối với ông chỉ còn là dĩ vãng.
Một vài tuần trước khi đang ở Edinburgh, tôi đã kể với một người bạn rằng tôi đang chuẩn bị bắt tay vào đọc bộ sách ấy và cô thực sự tỏ ra ghen tị. “Tôi không biết, tất cả toàn là những câu chuyện tự thương hại” – tôi nói. Cô ấy đáp lại: “Đúng thế đấy và rất tuyệt vời”. Có lẽ vậy. Nhà văn Anh Anthony Powell đã từng nhận xét rằng tự thương hại là “một thuộc tính đi kèm hầu như không bao giờ thay đổi của những cuốn sách bán chạy nhất”. Và ông Roth, gần như là một thách thức to lớn trong cuộc tranh luận chung rằng tiểu thuyết văn học đang chết dần, là người chiến thắng trên cả hai mặt trận phê bình và độc giả.
Nhà văn Phillip Roth
Ông là một tác giả không ngừng nghỉ: tăm tối, bi quan nhưng luôn tìm kiếm những chất liệu đời thực để viết ra những vở hài kịch điên cuồng và khuấy động mọi thứ. Ông thích tự lớn giọng tranh luận với chính mình và với cả những người xung quanh. Trải qua 50 năm sáng tác với 26 tiểu thuyết, ông đã viết về lời hứa, sự hiện thực hóa và sự mục nát của suy nghĩ Mỹ – những cuộc đụng độ giữa khát vọng cá nhân và nhu cầu hạn chế của xã hội – những niềm vui và nỗi khổ khi là Philip Roth (hầu như mỗi cuốn tiểu thuyết của ông đều có một vị trí nhất định dành cho tác giả). Trong khi tiểu thuyết của ông thi thoảng mới thoát khỏi nước Mỹ – một ví dụ là cuốn “The Prague Orgy” (1985) hay cuốn “Operation Shylock” (1993) lấy bối cảnh chủ yếu ở Israel – ông chưa bao giờ thực sự rời khỏi quốc gia mình. Và cũng không bao giờ để bản thân tụt lại. Trong cuốn “The Counterlife” (1986), nhân vật người em của Roth tự hỏi “hãy nói với em điều gì đó. Rằng tất cả đều có thể, ít nhất là bên ngoài những cuốn sách kia, em sẽ có được một điểm mốc lớn hơn cái bàn bếp ở Newark một chút?”. Điều đó là hoàn toàn có thể trong khi ông Roth vẫn luôn hồi tưởng lại thời thơ ấu ở New Jersey với những cuộc tranh luận về đạo đức bên chiếc bàn gia đình.
Ông Roth làm phật lòng người khác cũng nhiều như khi ông khiến họ hài lòng. Khi ông đoạt giải Man Booker quốc tế hai năm trước, một trong ba vị giám khảo, nhà xuất bản kiêm tác giả Carmen Callil đã tự tách mình khỏi giải thưởng và huyên thuyên rằng bà hoàn toàn không coi ông như một tiểu thuyết gia. Sau đó, khi đã bình tĩnh hơn, bà giải thích sự phản đối của mình trên tờ Guardian, tờ báo của những nhà trí thức tự do Anh rằng: “Roth đào sâu chình mình một cách xuất chúng nhưng chỉ có một chút xíu đó thôi. Sự tự tham gia và tự đánh giá khiến tầm nhìn của ông ấy bị hạn chế trên tư cách là một tiểu thuyết gia. Vì thế ông ấy dùng một tấm vải lớn để vẽ ra những thứ bé nhỏ và những thứ bé nhỏ của ông chưa bao quát được căn phòng với tầm cỡ của một đại dương. Càng đọc tôi càng thấy những tác phẩm của ông tẻ nhạt”. Lời chỉ trích này không thể chỉ là một sự hiểu lầm nho nhỏ. Những câu văn cường điệu quá đà của ông Roth quả thực là tẻ nhạt. Chúng cứ tiếp diễn và lải nhải mãi sau khi luận điểm đã được viết xong. Ông là người đã khiến tiểu thuyết gia được phong tước hiệp sĩ người Scotland Sir Walter Scott gọi là “sự luyện tập đáng khen ngợi của bõ quãng”. Sự dài dòng không ngơi nghỉ là một phần của những món đồ gắn tên Philip Roth nếu bạn có định bỏ tiền ra mua chúng.
Hành trình của ông là một con đường dài. Từ sân quần vợt quyến rũ vùng ngoại ô trong “Goodbye, Columbus” (1959) đến sự giận dữ và gần như là tuyệt vọng của những tác phẩm cuối cùng như “Everyman” (2006) và “Exit Ghost” (2007) mà trong đó ông quyết liệt chống lại sự lụi tàn của ánh sáng. Cuốn sách được coi là đột phá trong sự nghiệp của ông “Portnoy’s Complain” (1969) là một cuốn sách táo bạo và cực kỳ hài hước. Với một lời tựa mỉa mai đầy học thuật, tiêu đề cuốn sách được miêu tả là “một sự rối loạn mà trong đó sự thôi thúc của luân lí và lòng vị tha thường xuyên phải đối chọi lại với những xúc cảm dục vọng mãnh liệt, thường là bản tính xấu”. Cuốn tiểu thuyết vừa là một chuyến đi đầy tội lỗi của anh chàng người Do thái vừa là một bài thánh ca về tự giải tỏa cảm xúc sinh lý của thanh niên. Cuốn sách khiến những bà mẹ Do Thái sửng sốt khi biết được những gì mà cậu con trai thiếu niên của họ có thể làm trong phòng tắm, phòng ngủ hay thực ra là bất cứ căn phòng nào trong ngôi nhà. Câu văn mở đầu đẩy trái bóng lăn đi bằng chất giọng hóm hỉnh: “bà in sâu vào tiềm thức của tôi đến nỗi mà trong năm đầu trung học tôi dường như đã tin rằng mỗi giáo viên của tôi đều là mẹ tôi dưới lớp cải trang”. Mẹ là hòn đá mà một cậu trai trưởng thành phải chui ra từ dưới nó hoặc tự thấy mình bị đè nặng cả đời.
Cuốn sách đã khiến giới trẻ vui mừng đón nhận và những bậc phụ mẫu thì kinh hãi. Nhà phê bình Irving Howe cho rằng điều ác độc nhất bạn có thể làm đối với “Portnoy’s Complain” là đọc lại cuốn sách lần thứ hai. Ông cho rằng đó là một cuốn sách hời hợt (điều thực ra có lẽ là đúng) và khiển trách ông Roth đã bỏ qua những cảm xúc thực sự của bà Sophie Portnoy, mẹ của nhân vật chính, người chứng kiến đứa con trai bé bỏng mà bà không lâu nữa còn có thể kiểm soát hay thấu hiểu đe dọa thoát khỏi bà. “Nhưng” như Wilfrid Sheed trả lời trong bài đánh giá về cuốn sách ở New York, “điều gì sẽ xảy ra với những cảm xúc thất thường của cuốn sách, giai điệu độc đáo của nó, nếu ông ấy đã làm được điều đó? ‘Portnoy’ sẽ là một cuốn sách nhạy cảm hơn dưới sự hướng dẫn Howe nhưng sách nhạy cảm thì có hàng tá”. Cuốn tiểu thuyết khiêu dâm chính thống của ông Roth lại không như thế.
“Khiêu dâm”, không ai có thể tránh từ này khi viết về Philip Roth. Không nhà văn nghiêm túc nào từng tạo được hiệu quả nghệ thuật to lớn về tự do với nước Mỹ như hình ảnh cuộc cách mạng tình dục những năm 60 và hơn thế nữa. Những trang sách của ông vương vãi thứ ngôn từ thường chỉ xuất hiện trên tường của những nhà vệ sinh công cộng. Ông dội bom độc giả của mình bằng lối miêu tả trần trụi về những hành vi tình dục giống như những điều mà bạn thường phải tìm kiếm trong những cuốn sách bẩn. “Sabbath’s Theater” (1995), cuốn tiểu thuyết giận giữ và tuyệt vọng nhất của ông, một phần của cuốn sách liệt kê những hoạt động tình dục mãnh liệt trong ảo giác. Một sự hoa mỹ kiên định. Một vài đoạn vô lý, một vài đoạn kinh tởm, một vài đoạn ảm đạm não nề. Nhưng không bao giờ là khêu gợi. Không có điều gì trong tiểu thuyết của Roth gợi lên ham muốn trong người đọc, và tình dục quá thường xuyên hoàn toàn tách rời khỏi tình yêu. Nó thường xuyên dường như gần gũi hơn với biểu hiện của lòng thù hận, chắc chắn là sự oán giận. Tình dục là tiếng khóc của những người phản kháng: Tôi còn sống, chết tiệt, và cái chết đang chờ đợi tôi.
Roth thường bị đàm tiếu là ghét phụ nữ. Công bằng mà nói, bạn có thể tranh luận rằng ghét phụ nữ rõ ràng chỉ là một khía cạnh của tính ghét phổ biến. Con người cũng như mọi giống loài, không chỉ có giống nữ̀, điều này kích động sự thay đổi đột ngột. Sự tức giận của Roth thậm chí còn trải rộng ra đến cả thần thánh nếu như chúa có tồn tại và tạo ra cái thế giới lộn xộn bực mình này. Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận rằng những người phụ nữ trong tiểu thuyết của ông thường bị làm phiền và là đối tượng bị đòi hỏi. Họ là kẻ thù (như cuốn “American Pastoral”, trong đó người anh hùng đức độ bị người vợ anh yêu thương phản bội với người mà anh đã hy sinh quá nhiều cho đức tin Do thái của mình) và người đàn bà cuồng dâm (như nhân vật Drenka trong “Sabbath Theather”, người chưa bao giờ thấy thỏa mãn hay được thỏa mãn). Ngay cả khi họ có văn hóa và giàu lòng nhân ái, họ vẫn phạm tội không thể tha thứ nếu nhìn một người đàn ông khi anh ta ghét phải nhìn thấy chính mình (người vợ phản bội mà Sabbath lẩn tránh là một ví dụ điển hình). Trường hợp ngoại lệ, chỉ một phần nào đó, là những bà mẹ Do Thái, người phủ lên những người anh hùng một tình yêu mang tính bảo vệ và với họ đó luôn là những cậu bé dễ thương. Bà mẹ được đối xử nhẹ nhàng hơn so với người vợ. Tuy nhiên, trong “The Anatomy Lesson” (1983) Nathan Zuckerman, người đàn ông xuất hiện trong chín cuốn tiểu thuyết của Roth và không thể phân biệt với tác giả, nhận xét: “bà mẹ Do Thái biết cách để làm chủ những cậu bé khốn khổ của họ”.
Và có rõ ràng là có sự độc ác trong cách đối xử của ông với phụ nữ. “I Married a Communist” (1998) giống như một sự trả thù mà Roth dành cho vợ cũ, nữ diễn viên Claire Bloom, hơn là một cuốn tiểu thuyết thực sự. (Bà đã trả đũa trước với một cuốn hồi ký trong đó bà miêu tả Roth là người không chung thủy, gia trưởng và ghen tị với mối quan hệ của bà và con gái). Mặc dù bị ảnh hưởng bởi một cấu trúc vụng về cũng như đặt ra những nghi vấn về tính xác thực, cuốn tiểu thuyết cũng đem đến một trong những áng văn mạch lạc nhất của Roth dưới góc nhìn thông thái nhất. Cuốn sách chỉ bàn về một vấn đề mà một nhân vật gọi là “những điều liên quan đến con người khiến cho họ gặp khó khăn để hòa hợp với những người khác”.
Một sự nhận thức về nhu cầu “những thứ liên quan đến con người” khiến trái tim chúng ta đập rộn ràng qua những cuốn sách của Roth. Đôi khi nó có liên quan đến (không quá đáng nhưng vẫn chấp nhận được) sự tự tán dương, như trong cuốn “I Married a Communist”, khi Zuckerman được giáo viên tiếng Anh cũ yêu thích của mình khen ngợi: “Đó là một người đàn ông nhiều nhân cách đến nối không thể tin được là có thật, tôi đã nghĩ về chủ đề của cuốn sách của em. Về một người đàn ông, như tiểu thuyết của em nói với mọi người, tất cả mọi thứ đếu đáng tin”. Điều đó nên được khuyến khích vì đó là sự thật, và chúng ta thường thích che đậy sự thật, suy nghĩ về những người khác ai cũng như ai. Sau đó, xuất hiện sự quan sát: “Một khi bi kịch của con người kết thúc, sẽ đến lượt các nhà báo xào nấu nó thành một tin giải trí”. Sự thật là vậy và còn hơn thế nữa. Cuộc đời của Roth thực sự là bi kịch bởi vì nó chưa bao giờ vượt qua những gì nó hứa hẹn sẽ và một phần bởi vì ngay cả những điểm tốt của ông cũng đi cùng với sự nhạo báng và lên án của đám đông.
Ông Roth dường như chưa bao giờ quan tâm nhiều tới sự tỉ mỉ dành cho những cuốn tiểu thuyết. Nhà phê bình Henry James đã gọi tiểu thuyết của những người đi trước mình từ thời nữ hoàng Victoria là “con quái vật thùng rỗng kêu to” và sự mô tả đó phù hợp với những tác phẩm của Roth. Ông không mang đến cho độc giả của mình sự tỉ mẩn và chi tiết nào ngoài những cuộc đối thoại liên lu bất tận. Ông tấn công độc giả bằng những trang đối thoại mà thực ra không hẳn là những cuộc đối thoại thực sự khi mà nhân vật của ông thường tự nói với chính mình. Roth bị cuốn đi bởi những điều hối hả mà ông định nói và ít liên quan tới cách ông biểu đạt chúng.
Cấu trúc văn học trong tiểu thuyết của ông thường cẩu thả. Nghi vấn về vấn đề quan điểm là một vấn đề nho nhỏ đối với ông (sự yêu thích dành cho những giáo viên dạy cách sáng tác đột phá). “American Pastoral” (1997) được coi là một trong những cuốn tiểu thuyết cầu kì nhất của Roth, nhưng về mặt học thuật lại là một mớ hỗn độn. Cuốn sách bắt đầu với nhân vật chính, một người Thụy Điển, được giới thiệu qua lời kể của Zuckerman. Đầu tiên anh ta được miêu tả dường như là một anh hùng thể thao thiếu niên và sau đó lại biến thành một doanh nhân kém cỏi trong những năm cuối tuổi trung niên. Tiếp theo đó, tại buổi họp mặt lớp, em trai của anh chàng người Thụy Điển nói với Zuckerman trong một cuộc đối thoại dài lê thê rằng tại sao cuộc đời đáng chán này lại bị tách ra làm hai bởi thời tiết – sự miêu tả nghe giống như những hành động có phần mang tính chất khủng bố kiểu những cô con gái đang tuổi lớn. Phần còn lại của cuốn tiểu thuyết được kể ngược từ cuối để dẫn dắt độc giả tới những tình tiết và hậu quả đi kèm. Zuckerman đi vào tâm trí của anh chàng người Thụy Điển, giải thích cho bước nhảy vọt của tường thuật bằng những âm thanh giống như một đường truyền bị bỏ đi từ lâu – “Bất cứ điều gì khác mà tôi muốn biết, tôi sẽ phải tạo ra”. Có lẽ sẽ không hiệu quả với người khác nhưng Roth thì chắc chắn rằng những điều ông nói sẽ kéo độc giả đến gần mình hơn, thậm chí dẫu đó có là sự lạc đề về tình trạng kinh doanh găng tay của anh chàng người Thụy Điển.
Sự thờ ơ trong cấu trúc tác phẩm của Roth thu hút sự quan tâm của các nhà phê bình nhiều hơn là với người đọc. Giọng văn của ông có thể rất có sức thuyết phục, thậm chí còn hấp dẫn, sự phản ánh của ông rất thú vị. Ông có khả năng trình bày sự phức tạp của tất cả “những thứ liên quan đến con người” vô cùng gợi mở, đến nỗi mà những độc giả đọc lướt sẽ chẳng thèm quan tâm đến hình dáng cuốn sách. Tuy nhiên, cũng có một sự thật là những chương đầu tiên trong tiểu thuyết của ông thường hay hơn những chương tiếp sau đó. Một ví dụ, 100 trang đầu tiên của cuốn “The Plot Against America” (2004) là bản nhận định xuất sắc chuyến đi đến Washington, D.C vào những năm 30. Những thắc mắc và nỗi phấn khích của du khách đến thăm thủ đô của Quốc gia, một bức tranh chân thực cho gia đình của người kể chuyện về giấc mơ Mỹ, đang bị làm xáo trộn một cách khổ sở bởi chủ nghĩa công khai chống Do Thái. Nhưng sau đó cuốn tiểu thuyết rời xa những gì được coi là siêu phàm và thậm chí còn trở nên kém cỏi. Động lực đã mang đến sức mạnh cho những phần đầu tiên lại tự làm chính nó cạn kiệt ý tưởng.
Những tiểu thuyết gia giỏi sẽ tìm thấy phương tiện bù đắp cho những mặt họ không thực sự xuất sắc. Họ thường khiến cho sự thiếu hụt của mình thành ưu điểm. Roth hay né tránh những đoạn cao trào bắt buộc bởi ông không giỏi miêu tả những điều lớn lao hùng vĩ. Ông mang đến khung cảnh rộng lớn dưới cái nhìn hoài cổ hoặc được chuyển tiếp bởi một nhân vật khác hay được hồi tưởng trong trí tưởng tượng của người dẫn chuyện. Chúng ta không nhìn thấy những gì xảy ra mà chỉ được nghe kể về nó nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí nhiều năm sau đó.
“The Human Stain” (2000) là cuốn yêu thích của tôi trong những tiểu thuyết của ông. Chuyện kể về một vị giáo sư Cổ điển học người Do Thái, Coleman Silk với sự nghiệp chấm hết khi bị buộc tội phân biệt chủng tộc. Chúng ta không được thấy cuộc đối đầu của ông với những công tố viên. Chúng được trình bày với độc giả khi Silk kể lại cho người hàng xóm Zuckerman. Cuộc sống sau đó của Silk, và mối quan hệ của ông với một người phụ nữ bị bạo hành làm nghề lao công, được mô tả trong thời gian thực, hoàn toàn được chắt lọc thông qua cái nhìn của Zuckerman. Điểm nhấn của câu chuyện được tiết lộ, từng chút một, cả sự giả mạo to lớn làm nên sự nghiệp của Silk. Thay vì lối trần thuật đi thẳng vào vấn đề để gây ấn tượng mạnh như những câu chuyện mà hầu hết các tiểu thuyết gia đem đến cho độc giả, Roth mang đến một câu chuyện châm rãi, nhiều lớp tường thuật và thường xuyên dừng đột xuất, quay lại để tiết lộ về phức hợp những cuộc đời đơn lẻ. Đó là câu chuyện về một người đàn ông đã sống theo di chúc, và những bảng biểu thay đổi sâu sắc ở Mỹ.
Cuốn tiểu thuyết có tất cả những yếu điểm của ông Roth – sự dài dòng hiện ra trong những cuộc trò chuyện dài chưa chắc đã có thực và không thể tiếp diễn lớp kịch lâu sau khi luận điểm được viết xong. Tuy nhiên, đó cũng là điều đáng thuyết phục và phong phú bởi sự nhận thức của ông Roth về đức tính rườm rà mà nhân loại thoát ra khỏi tình trạng “không thể thẳng thắn” như vị triết gia người Đức Kant từng nói. Đây là nguồn sức mạnh của ông: đem đến cho độc giả một người đàn ông sống cuộc đời chịu đựng bị lừa dối nhưng có lẽ là chưa xứng đáng cos được sự tôn trọng và cảm thông.
Philip Roth đã tuyên bố sẽ ngừng sáng tác và khiến biết bao độc giả phải kinh ngạc khi thông báo về việc nghỉ hưu hồi tháng Mười năm ngoái. Ông có thể được hay không được coi là “tiểu thuyết gia người Mỹ đang sống vĩ đại nhất”. Những danh hiệu thực sự là ngớ ngẩn. Bạn không thể thiết lập được cuộc thi đấu giữa những nhà văn bằng bất cứ cách nào. Sách của ông thường cực kì khó chịu và được xếp ở vị trí tẻ nhạt. Tầm ảnh hưởng của ông không sâu rộng và sự đồng cảm còn hạn chế. Nhiều người sẽ nghĩ rằng tính ích kỷ và tự lên tiếng của ông là không thể chấp nhận được. Những miêu tả của ông về phụ nữ chắc chắn sẽ bị phản đối, và sự lột tả của ông về tình dục giống khiêu dâm chứ không phải là khêu gợi. Đây không phải toàn bộ những gì bạn có thể liệt kê ra để phản đối ông. Nhưng có ai trong thời đại của chúng ta đòi hỏi tìm tòi nhiều hơn về những yêu cầu để trở thành một con người, và cách chúng buộc ra nghiền ngẫm, cảm nhận và hành động? Ai đã mang đến những bộ phim hài tìm tòi sáng tạo và chân thực hơn? Dòng chảy hùng biện của ông Roth đã đưa chúng ta đi cùng nước Mỹ trong nửa thế kỷ qua, và còn hơn nữa, về những gì đã tồn tại. Sức sống của ông dường như không thể dập tắt trên những trang viết, và thật khó để tin rằng ông đã thực sự hết thời trong cuộc đời sáng tác của mình.
TUYẾT HƯỜNG theo Wall Street Journal
Nguồn: vannghequandoi.com.vn