Cuộc thi Truyện ngắn 2013-2014 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã đi được hai phần ba chặng đường. Tính đến số 793 (cuối tháng 3/2014), Tạp chí đã đăng tải 69 truyện dự thi của 52 tác giả. Một con số biết nói, như ai đó nhận xét chí lí và chí tình. Cái đích đã hiện rõ mồn một trước mắt độc giả. Nhưng có lẽ, văn chương đôi khi cũng giống bóng đá, có phút 89 nghẹt thở, bất ngờ, đầy kịch tính và mê hoặc. Để hướng tới một chung cuộc đẹp đẽ của cuộc thi, Ban Văn xuôi Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã mời nhà phê bình Bùi Việt Thắng (Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) và tiến sĩ Đỗ Hải Ninh (Viện Văn học) tổ chức một “bàn tròn” văn chương nho nhỏ, với chủ đề “Phía trước của truyện ngắn” (hay là “Tin vào truyện ngắn”). Những ý kiến của hai nhà phê bình đăng tải sau đây, suy cho cùng cũng chỉ là một góc nhìn, một cách cảm thụ sáng tác truyện ngắn của một cuộc thi trong chặng nước rút. Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài trao đổi này, như là một hiệu ứng tốt từ cuộc thi truyện ngắn đang diễn ra trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng (BVT): Tôi biết chị – là một trong số không nhiều người hiện nay – có cái nhiệt hứng sống với văn chương cùng thời nói chung, và cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) nói riêng. Nương theo những trang sử văn ấy, thì có thể nói, Tạp chí VNQĐ là một địa chỉ văn chương có uy tín hiện nay, một “sân chơi” nghề nghiệp có chất lượng và đẳng cấp. Và nếu thậm xưng lên thì đúng là một “bà đỡ” mát tay giúp nhiều cây bút mới về sau thành danh. Chị có cùng suy nghĩ với tôi về cách đánh giá này?

TS. Đỗ Hải Ninh (ĐHN): Tạp chí VNQĐ thành lập năm 1957, nhưng tôi theo dõi thì từ năm 1981 đến nay đã là 11 cuộc thi truyện ngắn rồi, khá đều đặn, cứ 2 năm một lần, khi thì dành riêng cho truyện ngắn, khi thì chung cho cả truyện ngắn và thơ. Đến nay, nhìn lại kết quả của các cuộc thi trước và tiếp tục theo dõi con đường văn chương của những cây bút được trao giải Tạp chí VNQĐ như: Phạm Thị Minh Thư, Y Ban, Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thanh Hà, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú… có thể thấy đây là một trong những giải thưởng chất lượng và uy tín, có hiệu ứng xã hội cao.

Đời sống văn chương vẫn luôn chuyển động và những cuộc thi luôn tạo nên cú hích cần thiết kích thích sự sáng tạo. Đây có thể được coi là diễn đàn thu hút những cây bút từ khắp mọi miền đất nước thi thố tài năng, đơn giản hơn là họ có một “sân chơi” nghề nghiệp để giao lưu, chia sẻ, công bố những tác phẩm mới nhất. Tạp chí VNQĐ là nơi quy tụ được nhiều thế hệ cầm bút tài năng, và tôi nghĩ cũng là không quá thậm xưng nếu nói VNQĐ là “bà đỡ” mát tay. Nhiều cây bút trẻ đã được phát hiện và trưởng thành từ các cuộc thi do VNQĐ tổ chức. Đây cũng là địa chỉ tin cậy để nhà văn có thể gửi gắm những đứa con tinh thần yêu quý nhất của mình.

BVT: Cũng như vẻ đẹp của người phụ nữ, văn chương tùy “thời” mà tượng hình ra nhan sắc. Tôi nói có vẻ văn hoa một chút. Nhưng ý của tôi là: mỗi cuộc thi có cái “hương vị” riêng của nó. Chị có cảm nhận được cái hương vị riêng của cuộc thi này, so với những cuộc thi trước đây bản thân có dịp quan tâm, theo dõi (gần nhất là những cuộc thi truyện ngắn những năm đầu thế kỉ XXI của Tạp chí VNQĐ)?

ĐHN: Thành công của các cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí VNQĐ gần đây là đã phát hiện được những cây bút trẻ triển vọng và tiếp tục khuyến khích, phát triển mảng truyện viết về đề tài chiến tranh cách mạng từ những góc nhìn khác nhau. Với những truyện ngắn từ đầu cuộc thi đến giờ, xu hướng viết về chiến tranh vẫn chiếm một vị trí quan trọng, bên cạnh những tác phẩm viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, đây đó đã có những truyện lấy bối cảnh cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam như một sự mở rộng biên độ hiện thực về một giai đoạn lịch sử đặc biệt và chạm đến cái triết lí nhân sinh căn bản – đó là sự khoan dung, lòng vị tha giữa con người với con người (chẳng hạn như trong Vì sao tuổi thơ của Phùng Kim Trọng, Trên đỉnh Tưk-cot của Hồ Kiên Giang). So với các cuộc thi trước của VNQĐ, lần này truyện ngắn lịch sử tham gia nhiều hơn, một số truyện khá sinh động và không né tránh chủ đề nhạy cảm hay là những vấn đề còn đang là những nghi vấn lịch sử (như Mây vờn trên đỉnh Mã Yên của Vũ Thanh Lịch, Cô giáo hoàng cung của Phạm Thuận Thành, Lau lách chiều trắng xóa và Chiều ký ức phủ gai của Đinh Phương, Hương thôn dã của Nguyễn Thị Kim Hòa, Đào muộn nở bên thềm rồng của Quan Nam Trường Định). Tôi cho rằng, một mặt lối viết giản dị, tinh tế thấm đẫm dòng mạch nhân văn chính là thế mạnh của VNQĐ; mặt khác, so với các tờ báo văn nghệ cùng thời khác, VNQĐ luôn có một cái chất riêng, đó là chất “nhà binh” – chân thực và bình dị, không chỉ trong các tác phẩm viết về chiến tranh, mà còn cả trong mảng truyện khai thác đề tài đương đại, đời thường. Từ góc nhìn của riêng mình, chắc ông có những cảm nhận khác?

BVT: Về cơ bản, tôi cũng có những ấn tượng, những suy nghĩ như chị đã chia sẻ vừa rồi. Chỉ có điều, ai đó thiếu thiện chí sẽ cho chúng ta là phái “lạc quan tếu”!

ĐHN: Vâng, nhìn vào kết quả số liệu điều tra tình hình đọc văn học hiện nay thì rất nhiều người lo lắng cho số phận của văn chương nói chung và truyện ngắn (trên các báo) nói riêng, nhưng thiết nghĩ, các cuộc thi sáng tác văn học, như cuộc thi truyện ngắn này chẳng hạn, đều là những nỗ lực để kéo người đọc đến với văn học. Hơn nữa, tôi nghĩ, nếu nhà văn tự tin sáng tác thì hà cớ gì người phê bình không tự tin? Mà lạc quan thì tại sao lại không cần thiết?

BVT: Đây là cuộc thi của Tạp chí VNQĐ (tạp chí văn nghệ của lực lượng vũ trang nhân dân), tất nhiên là sáng tác dự thi phải ưu tiên hướng tới đề tài chiến tranh cách mạng, người lính trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ đất nước trong quá khứ và hiện tại. Tuy nhiên biên độ sáng tác văn chương bây giờ rất rộng, vì cuộc sống và con người thời hiện đại ngày càng phong phú hơn, đồng thời cũng trở nên phức tạp hơn. Từ góc nhìn của mình chị lí giải như thế nào về những hiệu ứng xã hội của cuộc thi này?

ĐHN: Đề tài chiến tranh là nguồn mạch chưa bao giờ vơi cạn trong văn chương, chỉ có điều cách tiếp cận và cái nhìn về chiến tranh đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều. Đây không phải là “đặc sản” của riêng VNQĐ, nhưng tạp chí luôn luôn có truyền thống dành nhiều ưu tiên cho mảng đề tài này. Với một độ lùi thời gian đủ để ngấm và ngẫm, chiến tranh trong tác phẩm của các cây bút hôm nay giàu sự suy tư và gắn chặt với từng số phận con người. Trái với nỗi lo lắng của người đọc, rằng thế hệ cầm bút trẻ viết về chiến tranh ít trải nghiệm nên còn hơi non lép trong cách xử lí đề tài, nhiều cây bút cần mẫn truy tầm tư liệu để biến thành chất liệu nghệ thuật. Chiến tranh là một không gian đặc biệt, nơi ranh giới sự sống và cái chết mỏng manh, nơi nhân tính được thử thách và bản chất con người được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết, và kết thúc không có nghĩa là chấm hết. Sau chiến cuộc là những cảnh đời muôn hình vạn trạng: sự khốc liệt của chiến tranh không phải chỉ thể hiện qua những trận đánh máu lửa, mà còn trong những hậu họa, di chứng tàn độc của nó. Hình ảnh người lính, những người trở về sau cuộc chiến và những người lính đang canh giữ biên cương của Tổ quốc trong thời bình cũng được miêu tả thật ấn tượng. Nhiều truyện ngắn viết về người lính thời bình gắn với hơi thở nóng hổi của cuộc sống đương thời. Bên cạnh những truyện được kể theo tuyến tính với điểm nhìn khách quan (như Vì sao tuổi thơ của Phùng Kim Trọng, Sóng gió Ô Cấp của Trịnh Sơn), nhiều truyện thiên về lối trần thuật hồi cố, nhìn về quá khứ chiến tranh từ hiện tại (như Âm thanh của ký ức của Doãn Dũng), hoặc đan xen hiện tại – quá khứ (như Chuyến đêm của Phong Điệp). Mặc dù đã có nhiều truyện viết về người lính trong sự nghiệp bảo vệ đất nước trong quá khứ và hiện tại (cuộc kháng chiến chống Mỹ, hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc, bảo vệ chủ quyền biển đảo), tôi và nhiều độc giả khác vẫn mong đợi những tác phẩm hay viết về chiến tranh và người lính ở những góc khuất, ở tận cùng sâu thẳm phận người và có khả năng giải mã nghệ thuật những “điểm mờ” của lịch sử, những miền đất chiến tranh đã đi qua mà lịch sử còn để ngỏ khoảng trống không dễ lấp đầy.

BVT: Trong lễ trao giải cuộc thi truyện ngắn 2005-2006 của Tạp chí VNQĐ, một nhà văn đã phát biểu rất hay, đại ý: VNQĐ “khuynh nữ”, nói sát sườn hơn là các giải thưởng cao về truyện ngắn qua các cuộc thi (hoặc tặng thưởng hàng năm) thường sở hữu bởi các nhà văn nữ, từ Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Phạm Thị Minh Thư, Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà, Võ Thị Hảo, Y Ban, Quế  Hương, Đàm Quỳnh Ngọc, Nguyễn Thị Thu Huệ đến Thùy Linh, Nguyễn Thị Phước, Đỗ Bích Thúy, Trần Thanh Hà, Trần Thu Hà, Thu Trân, Niê Thanh Mai, Nguyễn Thúy Loan, Bùi Thị Như Lan, Chu Thu Hằng, Nguyễn Mỹ Nữ, Nguyễn Thu Phương, Vũ Minh Nguyệt, Vũ Thảo Ngọc, Di Li… Cuộc thi này, theo chị, liệu “phái yếu” có thừa thắng xông lên giành giải thưởng như trước? Nếu có thì chị quan tâm tới những tên tuổi nào hứa hẹn nhiều triển vọng?

ĐHN: Không chỉ trong các cuộc thi mà trong đời sống văn chương từ đầu Đổi mới đến nay, các cây bút truyện ngắn nữ thường chiếm ưu thế. Điều này đã có nhiều người có chung câu trả lời: bởi truyện ngắn là thể loại đòi hỏi sự tinh tế trong cảm nhận và các chi tiết, là khả năng nắm bắt nhanh nhạy thế giới tâm hồn, xử lí tình huống, chính vì vậy truyện ngắn hợp với tạng viết của nữ giới. Nhưng thực ra khi đọc truyện ngắn, tôi ít quan tâm tới chủ thể người viết là nữ hay nam. Nhưng câu hỏi của ông gợi ra một điều thú vị: phải chăng phát hiện các cây bút nữ chính là cái “duyên” của VNQĐ, một tờ tạp chí văn chương thường gây ấn tượng là nam tính, trận mạc, “nhà binh”.

Những cây bút nữ tham gia dự thi lần này, ngoài những tác giả quen thuộc có lối viết kĩ thuật, xử lí tình huống truyện nhuần nhị, ngôn ngữ giàu cảm xúc và tinh tế như Vân Hạ, Phong Điệp, Vũ Minh Nguyệt, tôi thấy nổi lên một vài cây bút nữ nhiều hứa hẹn như Tống Ngọc Hân, Vũ Thanh Lịch, Võ Diệu Thanh, Cao Nguyệt Nguyên, Tống Phú Sa, Lý A Kiều, Hoàng Thanh Hương. Chùm truyện Hồn xưa lưu lạc, Mây không bay về trời của Tống Ngọc Hân không quá lắt léo trong kết cấu, nhưng tình huống truyện được sắp đặt cẩn trọng, cài đặt được một số chi tiết thật “đắt” đã tạo nên sự đặc sắc của cốt truyện, gợi nhiều liên tưởng. Vũ Thanh Lịch với Mây vờn trên đỉnh Mã Yên tạo một hư cấu lịch sử lãng mạn, tuy chưa thật thích giả thiết nghệ thuật đó, nhưng tôi đánh giá cao khả năng hư cấu của tác giả. Cây bút này còn cống hiến độc giả truyện Người đi tìm cánh tay, một truyện theo tôi là khá độc đáo về cấu tứ, lối viết chững chạc, bài bản xen kẽ bút pháp kì ảo và hiện thực. Hai truyện của Tống Phú Sa Cô Khang và Vé xem xiếc viết giản dị nhưng để lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc về cuộc sống của những phận người bé nhỏ, tội nghiệp.

Nhìn chung, tôi dễ đồng cảm với những cây bút nữ và tin rằng họ sẽ có nhiều giải cao trong cuộc thi này. Tôi nghĩ, và nhiều đồng nghiệp cũng nhận xét, ông là người “khuynh nữ”. Có đúng như thế?

BVT:  “Khuynh nữ” là một cách nói vui. Thực ra thì, tôi (mà riêng gì tôi!?) khuynh trẻ, khuynh đẹp, khuynh hay. Mà những phẩm tính đó thường tích tụ trong phái yếu viết văn! Trong cuộc thi này tôi đặc biệt chú ý đến hai cây bút nữ cùng họ: Tống Ngọc Hân (ở Lào Cai) và Tống Phú Sa (ở Hà Tĩnh). Như cách nói của thể thao, họ là những “hạt giống” đầy hứa hẹn.

ĐHN: Có lẽ sự chia sẻ của ông là có lí, có tình. Nhưng dẫu có “khuynh nữ” như ông đi chăng nữa, riêng tôi, vẫn quý trọng và có thể đó là cái duyên văn của ông đối với một nửa thế giới!

BVT: Một cuộc thi văn chương bất kì, thông thường là cơ hội phát hiện những tên tuổi mới. Với cuộc thi truyện ngắn 2013-2014 của Tạp chí VNQĐ lần này, chị có nhìn ra những tên tuổi mới nào? Độ tuổi trung bình của các tác giả dự thi liệu có cao, thấp?  Và chị có riêng cảm tình với tác giả nào thuộc phái mày râu?

ĐHN: Ngoài các nhà văn đã thành danh như Từ Nguyên Tĩnh, Inrasara, Hữu Phương, đội hình các cây bút nam tham gia cuộc thi lần này đông đảo hơn và khá đều tay về nghề: Hồ Kiên Giang, Doãn Dũng, Nguyễn Toàn Thắng, Tạ Ngọc Dũng, Trần Văn Đẳng, Trịnh Sơn, Đinh Phương, Trương Anh Quốc, Hoa Níp, Vũ Văn Song Toàn… Doãn Dũng khá linh hoạt, hiện đại với truyện Lưng chừng trời, giọng tỉnh táo, sắc lạnh. Âm thanh của ký ức của anh viết về chiến tranh theo một lối dán ghép, liên văn bản, tạo nên những không gian chồng xếp khiến người đọc cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh và sức mạnh tinh thần của con người khi đối diện với cái chết. Súng nổ cửa rừng của Hữu Phương là lời độc thoại nội tâm của tên lâm tặc trước cái chết. Câu chuyện được vén dần lên từng lớp cho đến khi cái chết khép lại cuộc đời đầy âm mưu, thủ đoạn tàn độc của hắn. Trần Văn Đẳng với Chiếc áo màu hồng ngọc, Tạ Ngọc Dũng với Tiếng đò vẽ ra hai cảnh ngộ khác nhau của người lính trở về sau cuộc chiến phải chối từ quá khứ của mình và sống lặng lẽ trong đời thường thời bình. Nhưng nếu đoạn kết của Tiếng đò nhen lên một niềm hi vọng vào những gì tốt đẹp sẽ đến, thì Chiếc áo màu hồng ngọc để lại một dư vị ngậm ngùi, đắng đót khi sự hi sinh cao thượng của người chiến binh cho người phụ nữ mình yêu lại khiến cho nàng có một cuộc sống hiện tại bất hạnh. Chùm truyện Vô cùng thương tiếc, Chuyện Trương Bốn của Nguyễn Toàn Thắng dần định hình một giọng văn châm biếm sắc sảo khi lật tẩy từng lớp vỏ che đậy những câu chuyện của dân gian.

Sức nghĩ trẻ, cách thể hiện sinh sắc của những cây bút nam trong cuộc thi này gieo vào tôi niềm hi vọng về phái mày râu.

BVT: Lý luận và thực tiễn chỉ ra rằng sự đổi mới văn chương không bắt đầu từ hình thức. Tất nhiên. Nhưng hình thức ở đây, chúng ta tạm thống nhất, là sự thể hiện của nội dung. Theo chị, nghệ thuật truyện ngắn trong cuộc thi này đã được gia tăng?

ĐHN: Qua quan sát cá nhân, tôi nghiệm ra rằng, đời sống văn chương gần đây đang có xu hướng chững lại, chùng xuống sau những cách tân ồn ào và sôi nổi cả về hình thức và nội dung của chặng đường trước. Thực ra đây là khoảng lặng cần thiết của đời sống văn chương để có dịp “ngoái trước nhìn sau”, chuẩn bị cho một cuộc bứt phá mới. Tôi chưa thấy nhiều biểu hiện gia tăng của nghệ thuật truyện ngắn trong cuộc thi này. Thậm chí tôi còn cảm thấy truyện ngắn nói riêng, văn chương nói chung, bắt đầu có xu hướng quay về truyền thống, cách kể chuyện đơn giản. Tất nhiên, trong một hai cuộc thi không thể đòi hỏi gì nhiều mà phải là một quá trình tích lũy mới tạo nên đột phá thực sự. Tuy nhiên, vẫn có thể ghi nhận những nỗ lực thay đổi truyện ngắn: lối viết pha trộn thực và ảo trong truyện ngắn về chiến tranh đã trở nên quen thuộc, các tác giả đã tạo nên những điểm nhấn ở những khúc đoạn đặc biệt trong cuộc đời nhân vật và gỡ nút dần dần. Các truyện lịch sử đã có ý hướng thoát khỏi những ghi chép lịch sử, đi sâu phân tích tâm lí và đưa ra giả thiết, lấp những khoảng trống chưa được nhà sử học nhắc đến. Truyện ngắn viết về miền núi tái dựng được không gian nghệ thuật đặc sắc của mỗi vùng miền, khám phá những phận người nhỏ bé trong cái ngưng đọng, heo hút của núi rừng biên ải. Một số truyện về đề tài đô thị đương đại đẩy nhanh nhịp trần thuật và đan xen những giọng ngầm đã tạo được hiệu ứng nghệ thuật đáng kể.

BVT: Báo Văn nghệ vừa khép lại cuộc thi truyện ngắn 2011-2012, có thể nói khá “rôm rả”, theo chị, cuộc thi của VNQĐ lần này liệu có thực sự cuốn hút độc giả khi họ vừa “ăn cỗ” xong? Ban tổ chức cuộc thi liệu có “phiêu lưu”? Hay chính là cách thể hiện bản lĩnh văn chương? Hay là có lòng tin sâu sắc vào truyện ngắn?

ĐHN: Tôi nghĩ, cuộc thi của Tạp chí VNQĐ cũng như của báo Văn nghệ đều là dịp để quy tụ những cây bút từ khắp mọi miền đất nước, tạo nên động cơ thúc đẩy quá trình hoàn thành và công bố những ý tưởng ấp ủ của họ. Còn thực ra nhu cầu viết của nhà văn vẫn là một nhu cầu tự thân và người đọc cũng không thỏa mãn với bất cứ giới hạn nào. Vả lại, cuộc sống là dòng chảy không ngừng mà truyện ngắn là những “lát cắt” nối tiếp, bởi vậy nếu có “phiêu lưu” một chút thì cũng dễ hiểu và hoàn toàn có lí. Với những gì đã có trong hai phần ba chặng đường, sự trường sức và nhiệt tình của những nhà văn giàu kinh nghiệm, một đội ngũ viết trẻ sung sức, dám nghĩ dám viết, tôi tin, mỗi người đọc sẽ tìm được góc trời riêng của mình trong cuộc thi này.

BVT: Cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay cũng đang bước vào chặng nước rút, cả giới lí luận và giới sáng tác đều nói về việc phải tìm ra “thi pháp tiểu thuyết” mới, coi đó là nhân tố kích hoạt phát triển thể loại vốn được coi là “cỗ máy cái” của văn chương. Chị có nhận xét gì về “thi pháp truyện ngắn” qua thực tiễn sáng tác gần đây, đặc biệt qua các cuộc thi, và cụ thể nhất là cuộc thi mà chúng ta đang bàn tới?

ĐHN: Truyện ngắn đang cần những cách tân nghệ thuật cả ở bề mặt lẫn chiều sâu. Cách kể, hay việc tạo dựng cấu trúc và giọng điệu đa sắc trong truyện ngắn sẽ khiến cho tác phẩm hấp dẫn người đọc hơn. Tôi mong chờ ở cuộc thi này những đột phá về cấu trúc tự sự và ngôn ngữ, biết tận dụng tối đa ưu thế của thể loại – sự hàm súc, cô đọng, khả năng phát hiện, rọi sáng chất liệu hiện thực từ những điểm nhìn trùng phức. Mặt khác, sự trang nghiêm, thiếu vắng tiếng cười giễu nhại, châm biếm cũng làm cho truyện ngắn trở nên đơn điệu, và đó sẽ là một thiệt thòi cho người đọc hiện đại vốn thông minh và nhạy cảm. Xu hướng truyện ngắn tối giản và phúng dụ, gia tăng tính đối thoại cũng cần được xem như là phẩm chất nghệ thuật của truyện ngắn đương đại.

BVT: Tôi nói “phía trước của truyện ngắn”, hay là “tin vào truyện ngắn”, là có ngụ ý đấy. Chị có chia sẻ với tôi về ý tưởng này từ sự quan sát kĩ lưỡng và hào hứng của mình về cuộc thi truyện ngắn 2013-2014 của Tạp chí VNQĐ?

ĐHN: Truyện ngắn và văn học nói chung đang trong thời buổi khó khăn tạm thời. Nhưng truyện ngắn với ưu thế của thể loại tất sẽ kéo người đọc trở lại. Ngắn gọn, nhanh nhạy, linh hoạt, hàm ngôn, đa nghĩa, truyện ngắn dễ đáp ứng nhu cầu của con người trong đời sống đương đại đang có quá nhiều biến động trong xu hướng toàn cầu hóa, nhưng luôn luôn cần những khoảng lặng, những khoảnh khắc được kiếm tìm mình ở đâu đó. Các cây bút truyện ngắn vẫn đang tiếp tục theo đuổi những hướng thể nghiệm khác nhau và điều đó sẽ sớm tạo nên thay đổi trong vị thế của truyện ngắn nói riêng và văn chương nói chung.

BVT: Chị có quan sát thấy hiện trạng các cây bút trẻ thời nay thường lấy truyện ngắn làm “bàn đạp” để tiến nhanh tới tiểu thuyết? Chị có thể lí giải hiện tượng này theo hướng nào? Các cây bút truyện ngắn tham gia cuộc thi này, theo chị, đâu là “sở trường sở đoản” của họ?

ĐHN: Tôi nghĩ, sự lựa chọn tiểu thuyết hay truyện ngắn là do cái tạng của mỗi người, chứ hẳn không do vấn đề thời gian, tôi cũng không coi việc viết truyện ngắn là thử sức tập dượt cho tiểu thuyết. Không phải ai viết tiểu thuyết cũng thành ra tiểu thuyết, có khi đó chỉ là một truyện dài. Đôi khi, một truyện ngắn lại đậm chất tiểu thuyết, mang tư duy tiểu thuyết rõ hơn. Những người viết tiểu thuyết luôn có khát vọng là có thể nói được nhiều hơn và rộng hơn một thực tại được thể hiện trong tác phẩm bằng cấu trúc đa tầng. Tôi quan sát thấy có một số tác giả tham dự cuộc thi này đã từng trình làng tiểu thuyết của họ như Inrasara với Hàng mã ký ức, Phong Điệp với Blogger, Võ Diệu Thanh với Lần đầu thấy trăng… Đó là những tác phẩm viết tốt và thuyết phục khiến tôi nghĩ sở trường của họ chính là ở tiểu thuyết. Không chỉ là vấn đề dung lượng dài hay ngắn, tiểu thuyết cần một tư duy tổng hợp kiến tạo câu chuyện trong không gian đa chiều và thời gian theo chiều ngang. Truyện ngắn, trái lại, xoáy sâu vào điểm đã lựa chọn và đòi hỏi khả năng nắm bắt từng khoảnh khắc, từng nút thời gian. Nhưng đọc truyện ngắn của họ, tôi lại thấy tay trái và tay phải của họ không có sự khác biệt gì nhiều. Như ai đó nói vui, họ có khả năng bắn súng cả hai tay. Cuối cùng, tôi nghĩ, có lẽ là tùy theo sở thích của mỗi người mà thôi.

BVT: Nếu được đề nghị chọn (sớm) 10 truyện hay nhất từ đầu cuộc thi đến thời điểm này, tôi nghĩ, chị sẽ có một danh sách của riêng mình?

ĐHN: Nói ra lúc này liệu có quá sớm và như ai đó hay nói là “nhạy cảm” không? Nhưng tại sao không, khi đây chỉ là ý kiến của một người? Tôi thấy Tống Ngọc Hân có hai truyện ngang ngửa nhau, mặc dầu vậy, tôi vẫn ấn tượng với Mây không bay về trời. Tương tự Phong Điệp, hai truyện của chị thì một chín một mười. Nhưng tôi thích Tàn tro hơn. Doãn Dũng có sở trường truyện ngắn đô thị, dẫu vậy Âm thanh của ký ức là một thể nghiệm khá đạt ở nghệ thuật cắt dán, liên văn bản mà vẫn có chiều sâu tâm lí. Vũ Thanh Lịch viết truyện lịch sử với một tư duy cởi mở, nhưng tôi đánh giá Người đi tìm cánh tay là truyện có tứ hay, viết chắc tay. Tiếng đò của Tạ Ngọc Dũng và Chiếc áo màu hồng ngọc của Trần Văn Đẳng, tuy đôi chỗ vẫn còn chưa thật đạt, nhưng theo tôi là hai truyện viết hay, thấm thía về chiến tranh, giàu tính nhân văn. Mùi vị trần ai của Võ Diệu Thanh khá ám ảnh. Tiếng chim gọi trên sông của Hoàng Hải Lâm có hơi hướng Bến trần gian của Lưu Sơn Minh (!?), nhưng tôi cho là truyện viết xúc động, ngôn ngữ đẹp, gợi buồn và giàu hình ảnh.

BVT: Tôi chọn Âm thanh của kí ức của Doãn Dũng, Hồn xưa lưu lạc của Tống Ngọc Hân, Vé xem xiếc của Tống Phú Sa, Tàn tro của Phong Điệp, Tiếng đò của Tạ Ngọc Dũng, Lính cậu của Trần Đức Tĩnh, Đào muộn nở bên thềm rồng của Quan Nam Trường Định, Người đi tìm cánh tay của Vũ Thanh Lịch, Sóng gió Ô Cấp của Trịnh Sơn, Trên đỉnh Tưk-cot của Hồ Kiên Giang. Thực ra chọn 10 vẫn “thòm thèm”. Tôi không chấm điểm cụ thể từng truyện theo cách của chị. Tôi chỉ muốn như một đề xuất tham vấn, nếu được.

Có vẻ như sự lựa chọn của chúng ta chỉ giống nhau năm mươi phần trăm (vì nếu giống nhau hoàn toàn, có thể ai đó cho rằng, chúng ta chỉ quen nói dựa). Nhưng không sao, như thế mới phong phú và đa dạng trong thẩm bình văn chương.

Phía trước cuộc thi chỉ còn khoảng một phần ba chặng đường. Cuộc bứt phá đang ở hồi nước rút. Rất nhiều hứa hẹn và bất ngờ đang chờ đón bạn đọc. Tôi nghĩ sẽ còn có thêm nhiều tác phẩm hay và đáng đọc xuất hiện.

ĐHN: Tôi cũng có tâm thế như ông. Như người ta vẫn nói, đôi khi sự chờ đợi cũng là một niềm vui, một hạnh phúc!

 

Nguồn: vannghequandoi

Exit mobile version