Văn học hậu chiến Việt Nam sau 1975, đặc biệt sau Đổi mới từ 1986, ghi nhận sự đóng góp của thế hệ xuất hiện và trưởng thành trong bối cảnh đất nước hòa bình và thống nhất.

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng

Xã hội học văn học đã chỉ ra việc cần thiết nghiên cứu vấn đề thế hệ nhà văn nhằm nắm bắt sự kế tục biện chứng của lực lượng sáng tác trong tiến trình văn học. Chiều kích và đặc trưng của một thế hệ nhà văn thường được xác định bởi những điều kiện lịch sử, xã hội, văn hóa thời đại. Đồng thời thế hệ nhà văn cũng được xác định bởi vị thế của dân tộc trong thời hiện đại, đặc biệt thời hội nhập văn hóa khu vực và thế giới. Thế hệ nhà văn cũng gắn bó mật thiết với một thể loại văn chương căn cốt nào đó, vì thể loại chính là thái độ thẩm mỹ đối với hiện thực đời sống xã hội. Riêng trong lĩnh vực văn xuôi, từ sau năm 1975 xuất hiện một lực lượng đông đảo và hùng hậu, được gọi là thế hệ 5x và 6x, đã làm cho thể loại truyện ngắn thực sự khởi sắc, lên ngôi. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người từng thành danh trên văn đàn nhờ viết truyện ngắn, trong tiểu luận Thời của tiểu thuyết đã chăm chút câu chữ để ca tụng một thể loại được gọi là “máy cái” của văn chương. Nhưng trong cơn say sưa, đôi khi ông quên rằng truyện ngắn cùng với thơ mới chính là những thể loại mang hồn cốt văn chương dân tộc đích thực. Trong tham luận của chúng tôi không đưa vào trường hợp Nguyễn Huy Thiệp, thiết nghĩ cần có một báo cáo riêng về nhà văn này với tư cách một tác giả có vị trí quan trọng trong phong trào đổi mới văn chương, có công lao trong việc tôn cao nền truyện ngắn hiện đại, cần được đánh giá độc lập.

Đội ngũ sáng tác truyện ngắn thuộc thế hệ 5x và 6x quả thực là đông đảo và hùng hậu: Nếu tính những tác giả sở hữu 2 tập truyện ngắn trở lên thì con số cũng đã lên tới 88 (theo sách Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb Hội nhà văn, 2010; chưa tính tới số hội viên được kết nạp sau năm 2010). Trong phạm vi của tham luận, chúng tôi chỉ chọn 20 tác giả tiêu biểu để khảo sát: Ngô Thị Kim Cúc (Sinh năm [SN] 1951), tốt nghiệp khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du, sở hữu 6 tập truyện ngắn; Bảo Ninh (SN 1952), tốt nghiệp khóa II Trường Viết văn Nguyễn Du, sở hữu 5 tập truyện ngắn; Dạ Ngân (SN 1952), tốt nghiệp khóa IV Trường Viết văn Nguyễn Du, sở hữu 5 tập truyện ngắn, Giải Nhì cuộc thi truyện 1986 -1987 của Tạp chí Văn nghệ quân đội (VNQĐ); Phạm Hoa (SN 1952), tốt nghiệp khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du, sở hữu 5 tập truyện ngắn, Giải Ba cuộc thi truyện ngắn tuần báo Văn nghệ 1990 -1991; Trần Đức Tiến (SN 1953), sở hữu 5 tập truyện ngắn, Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn và thơ 1989 -1990 tạp chí VNQĐ; Trần Văn Thước (SN 1954), sở hữu 6 tập truyện ngắn, Giải Ba cuộc thi truyện ngắn 1988 – 1989 tuần báo Văn nghệ; Trần Thùy Mai (SN 1954), sở hữu 7 tập truyện ngắn, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002 cho tập truyện ngắnQuỷ trong trăng; Nguyễn Quang Lập (SN 1956), sở hữu 5 tập truyện ngắn, Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn 1986 -1987 tuần báo Văn nghệ với truyện Cây sến lửa; Võ Thị Hảo (SN 1956), sở hữu 6 tập truyện ngắn, Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn và tiểu thuyết của Nxb Hà Nội năm 1992 cho tập truyện ngắn Biển cứu rỗi; Phạm Ngọc Tiến (SN 1956), sở hữu 5 tập truyện ngắn, giải Nhì cuộc thi truyện ngắn và thơ 1989 – 1990 tạp chí VNQĐ; Lý Lan (SN 1957), sở hữu 5 tập truyện ngắn, là dịch giả tác phẩm nổi tiếng Harry Potter của nữ nhà văn Anh J. K. Rowling; Sương Nguyệt Minh (SN 1958), sở hữu 5 tập truyện ngắn, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 cho tập truyện ngắnDị hương; Tạ Duy Anh (SN 1959), tốt nghiệp khóa IV Trường Viết văn Nguyễn Du, sở hữu 5 tập truyện ngắn, Giải Ba cuộc thi truyện ngắn và thơ 1989 – 1990 tạp chí VNQĐ; Võ Thị Xuân Hà (SN 1959), tốt nghiệp khóa IV Trường Viết văn Nguyễn Du, sở hữu 12 tập truyện ngắn; Thùy Linh (SN 1959), sở hữu 3 tập truyện ngắn, giải Nhất cuộc thi truyện ngắn năm 1983 – 1984 của tuần báo Văn nghệ cho truyện Mặt trời bé con của tôi; Hồ Anh Thái (SN 1960), sở hữu 9 tập truyện ngắn, Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn 1983 – 1984 của tuần báo Văn nghệ cho truyện Chàng trai ở bến đợi xe, Y Ban (SN 1961), tốt nghiệp khóa IV Trường Viết văn Nguyễn Du, sở hữu 10 tập truyện ngắn, giải Nhất cuộc thi truyện ngắn và thơ năm 1989 – 1990 của tạp chí VNQĐ cho truyện Bức thư gửi  mẹ Âu Cơ; Huỳnh Thạch Thảo (SN 1963), sở hữu 8 tập truyện ngắn; Nguyễn Thị Thu Huệ (SN 1966), sở hữu 6 tập truyện ngắn, giải Nhất cuộc thi truyện ngắn 1992 – 1994 của tạp chí VNQĐ cho truyện Hậu thiên đường; Phan Thị Vàng Anh (SN 1968), sở hữu chỉ hai tập truyện ngắn, Tặng thưởng Hội Nhà văn năm 1994 cho tập truyện ngắn Khi người ta trẻ. Tỷ lệ nam/nữ của đội hình mạnh này là 50/50. Chúng tôi nghĩ đây là một con số đẹp! Phương pháp trình bày của chúng tôi là lấy “điểm” để nói “diện”, lấy hiện tượng tiêu biểu để nói về đội ngũ sáng tác truyện ngắn.

Những người “kê cao” thể loại truyện ngắn

Thử hình dung thế hệ 5x và 6x đã tham gia vào công cuộc đổi mới văn chương Việt Nam nói chung, truyện ngắn nói riêng sau 1975 như thế nào? Không kể Nguyễn Minh Châu như là “người mở đường tinh anh” trong công cuộc đổi mới văn chương, không kể Nguyễn Huy Thiệp như là một tác giả truyện ngắn tài năng đã góp phần tạo nên một thời kỳ mới của văn chương đương đại thì, theo chúng tôi, chính là Bảo Ninh vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước đã âm thầm gieo hạt để có những Trại “Bảy chú lùn” và những tác phẩm tương tự khiến cho văn chương và truyện ngắn trở nên “xôm trò”, thay đổi cách đọc văn chương của một thế hệ độc giả chỉ quen với những gì ít biến đổi. Tác phẩm này xuất hiện vào thời điểm năm 1987, như sau này chúng ta xác định, là vào thời kỳ đầu đổi mới văn chương. Một cái nhìn nghệ thuật mới mẻ về cuộc sống và con người làm cho cái truyện ngắn sáng bừng lên, nó cho thấy tính chất không hề đơn giản của hiện thực trong xu thế ngày càng phức tạp hơn và khó nắm bắt hơn. Một loạt truyện ngắn của Bảo Ninh sau đó đã khiến độc giả phải thay đổi cách nhìn về nhà văn này: Anh ta không chỉ là người sở hữu Nỗi buồn chiến tranh với ý nghĩa là một tiểu thuyết xuất sắc nhất trong văn học hậu chiến Việt Nam, mà con là một cây bút truyện ngắn có hạng. Những tập truyện ngắn của Bảo Ninh thường khi được tìm đọc: Trại “Bảy chú lùn” (1987),Truyện ngắn Bảo Ninh (2003), Hà Nội lúc không giờ (2003), Lan man trong lúc kẹt xe (2005), Chuyện xưa kết đi, được chưa (2006), và Bảo Ninh tác phẩm chọn lọc (2011). Có ý kiến cho rằng truyện ngắn của Bảo Ninh như là những mảnh vỡ của tiểu thuyết. Chúng tôi nghĩ là đúng. Sau Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã phác thảo cuốn tiểu thuyết thứ hai có tựa Thảo nguyên. Độc giả hồi hộp chờ đợi, bởi như ai đó nói đôi khi chờ đợi cũng là một hạnh phúc. Chưa thấy đâu cuốn tiểu thuyết thứ hai, chỉ thấy Bảo Ninh tiếp tục viết truyện ngắn. Và thường là những ám ảnh nghệ thuật sâu sắc kiểu như Gió dại (1992). Nếu tôi không nhầm thì cũng vì đăng truyện này đầu tiên mà một tạp chí Văn học nghệ thuật địa phương đã bị lãnh đạo văn nghệ “bật đèn đỏ”. Nhưng hơn 20 năm qua Gió dại vẫn được xem là một trong những truyện ngắn hay nhất về chiến tranh cùng với Đội hành quyết của Thái Bá Lợi, Nhiệt đới gió mùacủa Lê Minh Khuê, Tiếng lục lạc của Nguyễn Quang Lập, Tiếng vạc sành của Phạm Trung Khâu, Người sót lại của rừng cười của Võ Thị Hảo,…Gió dại của Bảo Ninh thuộc loại tác phẩm văn chương sau khi đọc xong có cái cảm giác không thoát được khỏi nó, khiến ta phải thức ngộ, phải suy cảm khác đi về cuộc đời và con người, phải thoát ra khỏi lối mòn cũ rêu phong về nhân tình thế thái. Tôi cho rằng Bảo Ninh chính là một tên tuổi xứng đáng của thế hệ 5x có công nhuận sắc truyện ngắn Việt thời đương đại. Chính nhà văn đã góp phần tạo nên sự tương tác thể loại, đó chính là xu hướng tiểu thuyết hóa truyện ngắn, mỗi truyện ngắn trong bản chất của nó đều ấp ủ những “mầm mống” tiểu thuyết.

Nếu Bảo Ninh có thể xem như một đại diện của thế hệ 5x góp công làm cho truyện ngắn khởi sắc thì Phan Thị Vàng Anh là một hiện tượng truyện ngắn độc đáo. Chị tiêu biểu cho thế hệ 6x với cái lợi thế được tiếp thu nhiều kinh nghiệm nghệ thuật của các thế hệ đi trước trong sáng tạo truyện ngắn. Chị viết không nhiều, vẻn vẹn chỉ có hai tậpKhi người ta trẻ (1993) và Hội chợ (1995). Khi Phan Thị Vàng Anh xuất hiện, những “con mắt xanh” trong giới phê bình và độc giả lập tức nhận thấy một nhân tài văn chương, một “cây truyện ngắn” trong tương lai. Trong truyệnMười ngày Phan Thị Vàng Anh viết: “Tôi thích mọi thứ không phải nhà mình, ăn cơm nhà khác, ngủ ở nhà khác, trèo lên một cây ổi nhà khác vặt quả…đều thích hơn làm ở nhà mình, thích hơn bởi vì nó lạ, và tôi chỉ cần lạ”. Nếu như Bảo Ninh trong truyện ngắn đã đi đến tận cùng nội tâm, tâm linh tạo nên một hiện thực tâm hồn bao la, phong phú, phức tạp và nhiều bí ẩn thì Phan Thị Vàng Anh cố gắng “lạ hóa” những điều tưởng chừng xưa cũ như trái đất xung quanh ta. Nhà văn có cái khả năng làm phát sáng những điều tưởng như đã nhàm chán. Nhà phê bình Huỳnh Như Phương trong bài Trong sân chơi của Vàng Anh khá tinh tế khi nhận xét: “Vàng Anh biết cách lạ hóa những điều quen thuộc, biết làm cho da diết những điều tưởng như nhạt nhẽo”. Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh không nổi trội về cốt truyện, thậm chí đôi lúc có vẻ đơn giản và lỏng lẻo. Chị viết chỉ cốt phô diễn được ý tưởng và vì thế chú trọng đến “cấu tứ” kiểu như Kịch câm, Mười ngày, Hoa muộn, Hồng ngủ,… Đọc Phan Thị Vàng Anh cứ thấy váng vất cái ý tưởng đã nhuần nhuyễn trong từng câu chữ: ở đời không có cái gì là quá quan trọng và cũng không có cái gì là kém phần ý nghĩa. Đọc Phan Thị Vàng Anh thêm một lần ta tới gần hơn cuộc đời vốn luôn luôn có thể làm ta ngạc nhiên vì những bí ẩn khôn cùng và giúp ta bớt đi cái nhìn giản đơn sự việc, con người. Phan Thị Vàng Anh thích triết lý, nhưng may mắn là không sa vào “triết lý vặt” như những cây bút non nớt khác. Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh là những mảnh vỡ của mảnh vỡ, vậy nên  đôi khi độc giả phải tự tay nhặt lên và gắn kết chúng lại để có một hình dung đầy đủ hơn về đời sống. Chính vì thế sức gợi của tác phẩm rất lớn. Đã có người cho rằng trong số các tác giả viết truyện ngắn những thập niên cuối thế kỷ hai mươi vẫn có thể còn đọc được ở thế kỷ hai mốt có Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê và Phan Thị Vàng Anh. Có thể là một ý kiến rất chủ quan nhưng theo tôi đáng suy nghĩ. Và theo thiển ý của chúng tôi, từ ý kiến này người ta chợt nhận ra sức sống của truyện ngắn chứ không phải là một thể loại khác thể hiện quy luật tiếp biến văn chương giữa hai thế kỷ.

Khuynh hướng phong cách

Thật vui mừng tri nhận sự phong phú của văn chương đổi mới thể hiện qua tính đa dạng, đua tranh của các phong cách nghệ thuật. Trên quan điểm và phương pháp loại hình, lại có thể “gom” một số phong cách nào đó có nhiều nét gần gũi vào trong một kiểu mẫu dựa trên các tiêu chí về nội dung và hình thức nghệ thuật. Theo quan điểm của chúng tôi, có thể tạm chia ra ba khuynh hướng phong cách truyện ngắn của thế hệ 5x và 6x: hiện thực – tâm lý, trữ tình, triết lý – suy tưởng. Trước hết, theo chúng tôi, phong cách hiện thực – tâm lý là nét đặc trưng trong sáng tác truyện ngắn của các nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, Dạ Ngân, Bảo Ninh, Phạm Hoa, Trần Đức Tiến, Nguyễn Quang Lập, Phạm Ngọc Tiến, Y Ban, Tạ Duy Anh, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Thị Thu Huệ và Trần Văn Thước. Sẽ có người đặt câu hỏi: vì sao khuynh hướng phong cách này lại có tính trội, có chiều áp đảo? Thiết nghĩ, nó cũng như một sự phân công lao động nghệ thuật, một sự lựa chọn nghề nghiệp. Khuynh hướng phong cách này gắn kết những nhà văn có chung thị hiếu thẩm mỹ, có chung con đường tiếp cận hiện thực và những cách thức nghệ thuật thể hiện. Trước hết đó là cái nhìn nghệ thuật tỉnh táo, nghiêm nhặt về cuộc sống và con người trong muôn vàn những mâu thuẫn, những ái ố hỉ nộ, tham sân si. Nương theo phong cách này nhà văn thường “dồn tối đa sức mạnh vào những mô tả chính xác một cách khoa học như văn chương có thể” (như cách nhận xét của Nguyễn Chí Hoan về Bảo Ninh). Nhà văn thường chú ý khai thác và thể hiện những xung đột, mâu thuẫn gay gắt của đời sống, ném nhân vật vào những guồng quay chóng mặt, buộc con người phải bộc lộ hết mình như trong Đùa của tạo hóa của Phạm Hoa,Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, Gió dại của Bảo Ninh, Bức thư gửi mẹ Âu Cơ của Y Ban, Con chó và vụ ly hôncủa của Dạ Ngân, Họ đã trở thành đàn ông của Phạm Ngọc Tiến, Tiếng lục lạc của Nguyễn Quang Lập, Mười ba bến nước của Sương Nguyệt Minh, Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ,… Cái cách “ném” nhân vật của mình vào những cảnh ngộ đặc biệt, hay chính xác hơn là những hoàn cảnh điển hình, chính là cách thức để nhà văn đi sâu vào miêu tả tâm lý nhân vật. Mỗi cao trào thử thách, kể cả cái chết, chính là cơ hội để nhà văn “tìm vào nội tâm” nhân vật. Nhân vật truyện ngắn vì thế vừa hành động mạnh mẽ, quyết liệt vừa sống với chiều sâu nội tâm và những biến thái tâm lý tinh vi, linh diệu. Có thể nói về một chủ nghĩa hiện thực tâm lý trong truyện ngắn của các nhà văn vừa được nhắc tới ở trên. Nói đến một “chủ nghĩa hiện thực tâm lý” người ta hay nhắc tới truyện Con chó và vụ ly hôn của Dạ Ngân. Những chuyện tuế toái trong một gia đình xoay quanh “nhân vật” thứ ba – một con chó – và hệ lụy là một vụ ly hôn được coi như chuyện hi hữu, “xưa nay hiếm”. Truyện này khi mới in ra đã gặp không ít “xì xèo” trong dư luận độc giả và giới phê bình. Là bởi trước đó những câu chuyện như thế ít khi được/dám kể ra vì nếu kể ra sẽ bị quy chụp là “bôi đen”. Phải thừa nhận là Dạ Ngân viết truyện này rất khéo, vì cùng với thời gian người ta thấy nó rất hợp lí sau cái vỏ bề ngoài có vẻ phi lí. Nói đến một “chủ nghĩa hiện thực tâm lí” trong truyện ngắn, độc giả thường hay liên hệ tới những truyện ngắn không dễ đọc của Nguyễn Quang Lập như Tiếng lục lạc, Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri, Những giọt rượu cuối đời. Có cái vẻ gì đó trần trụi trong cách miêu tả, suồng sã trong kể chuyện. Nhưng những câu chuyện được Nguyễn Quang Lập kể ra đã găm vào trí nhớ độc giả như những vết cứa sắc lẻm, rớm máu. Ai đó nói quá lên cho rằng Nguyễn Quang Lập là người viết ra để chữa trị những vết thương của chiến tranh. Nhưng phải thừa nhận là đọc truyện ngắn Nguyễn Quang Lập người ta có cái cảm giác không yên ổn, và hình như bị bứt ra khỏi thứ tình cảm ủy mị và não nùng. Đọc nhà văn này phải có “thần kinh thép” (ví như khi đọc truyện Chuyện không có trong sự thật). Cũng có người nhận xét, nhân đọc Chuyện không có trong sự thật, đôi khi tác giả chớm bước vào cái ngưỡng của tự nhiên chủ nghĩa. Tôi nghĩ đó là một ý kiến nghiêm túc, nhà văn cần lưu ý  đến cái gọi là “ tính mức độ” (hay là “cái ngưỡng”) khi viết.

Khuynh hướng phong cách trữ tình thấm đượm trong truyện ngắn của các nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Trần Thùy Mai, Thùy Linh, Võ Thị Hảo, Huỳnh Thạch Thảo. Năm nhà văn này, tôi cứ hình dung, như năm ngón tay trên một bàn tay mềm mại, nắn nót khi viết những truyện ngắn giàu chất thơ. Họ giống nhau ở cách nhìn về phía sáng, phía nên thơ của đời sống. Thậm chí đôi khi lãng mạn hóa, thi vị hóa đời sống vốn rất bộn bề, phức tạp và thậm chí rối rắm. Nhà văn thường viết về những hoài niệm đẹp, trong suốt, có sức ám gợi, liên tưởng sâu xa. Nhà văn thường “tìm vào nội tâm” nhân vật theo cách viết của các bậc tiền bối văn chương như Thạch Lam, Nguyễn Thành Long, và những đồng nghiệp cùng thời như Đỗ Chu, Nguyễn Quang Thiều. Truyện ngắn của các nhà văn này có cái vẻ lỏng lẻo (cố ý) của kết cấu và “xem nhẹ” cốt truyện. Tôi thử dừng lại một vài dẫn chứng cụ thể để cùng mọi người đi vào cái thế giới văn xuôi nhiều chất thơ của hai nhà văn – một nữ một nam: Võ Thị Xuân Hà và Huỳnh Thạch Thảo. Trong bài viết Từ “Lúa hát” đến “Cành phong hương” (in trên báo Văn nghệ công an), chúng tôi đã phác vẽ con đường văn, con đường viết truyện ngắn của một nhà văn nữ được nhiều độc giả yêu mến, tìm đọc. Lúa hát là truyện ngắn định vị phong cách Võ Thị Xuân Hà mang phong vị “bí ẩn và tinh tế” như cách viết của nhà văn Tạ Duy Anh về đồng nghiệp của mình. Truyện của chị rất nhiều ngoại cảnh, nào là “lúa hát”, nào là “đàn sẻ ri bay ngang rừng”, nào là “cành phong hương”, nào là “bầy hươu nhảy múa”, v.v và v.v. Nghĩa là nhân vật của nhà văn rất gần và nhiều khi đắm mình giữa thiên nhiên. Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên được nhà văn phát hiện và miêu tả đã khiến cho truyện của chị có cái rộng rãi, phóng khoáng của đất trời, cái chuyển dịch nhanh nhạy của gió và nắng. Nhân vật của chị vì thế rất hào hiệp. Và đặc biệt rất nhiều những giấc mơ trong truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà (chị có hẳn một tập truyện ngắn với tựa Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào). Mềm mại, uyển chuyển, tinh tế là đặc sắc văn Võ Thị Xuân Hà. Cho đến nay chị đã sở hữu 12 tập truyện ngắn. Trong đó, theo sự quan sát của chúng tôi, đôi khi chị “chuyển làn”, hiểu là viết về những mặt trái của một thế giới đen tối (tập truyện Thế giới tối đen chẳng hạn). Nhưng đó chỉ là sở đoản, không phải sở trường của nhà văn này. Võ Thị Xuân Hà chỉ thực sự phát sáng khi viết về cái đẹp, cái tươi sáng, cái rực rỡ của tạo hóa và con người. Đặc biệt là những biểu hiện tinh tế của đời sống tâm hồn con người, đôi khi như gió thoảng, như hào quang, như sao đổi ngôi. Nhiều độc giả vẫn đặt câu hỏi vì sao người phụ nữ xinh đẹp, đằm thắm này lại có thể giữ được ngọn lửa ấm trong mỗi câu chữ mình viết ra suốt mấy chục năm qua? Có thể đó là một tình yêu nồng cháy chăng? Chúng tôi gọi Võ Thị Xuân Hà là “người giữ lửa”, giữ ngọn lửa nồng cháy, nồng ấm về tình đời, tình người.

Huỳnh Thạch Thảo, riêng cái tên người đã gợi chất thơ dẫu cho đó là một đấng mày râu. Đến nay nhà văn đã sở hữu 8 tập truyện ngắn. Như thế cũng có thể coi đã là chuyên tâm và trung thành với thể loại “nhỏ”. Đọc Huỳnh Thạch Thảo, riêng tôi có cái cảm giác cùng nhà văn “đi tìm thời gian đã mất”. Anh viết văn xuôi theo lối “trung thành với bản chất nhà thơ của mình” và “như một nhà thơ bất chợt được quả tim kêu gọi” (như nhận xét của nhà thơ Thanh Quế về đồng nghiệp của mình). Truyện ngắn Huỳnh Thạch Thảo được viết bởi những ám ảnh, những hoài niệm đã trở nên lấp lánh trong ký ức, vì thế thời gian trong câu chuyện được kể thường là “Hai mươi năm sau, rừng mai chúng tôi vẫn còn, vẫn chưa có bước chân người lạ đến đó” (Tri kỷ), “Tôi mừng rỡ kéo ông đến quán nước và câu chuyện của chị Tâm nối tiếp sau hai mươi năm cắt quãng” (Vườn cũ). Ý thức về thời gian vẫn được xem như là một đặc tính của con người thời hiện đại, bởi vì trong thời gian con người ta vươn lên, vượt qua những trở ngại và thách thức. Đồng thời trong thời gian nhân cách con người được rèn giũa, trưởng thành “Hai mươi năm qua rồi nhưng hình ảnh cũ luôn để lại trong tâm trí tôi. Đau đớn, dằn vặt, khổ tâm dù tôi đã sang phía bên kia đại dương để sống” (Thung lũng hoa vàng). Huỳnh Thạch Thảo trong truyện ngắn thường tha thiết khơi dậy những “hoài niệm đã ngủ” của con người. Người ta đang sống giữa cõi trần ai này theo tinh thần hiện sinh, mấy ai thắc thỏm “Dòng sông Ba mơ màng với những cánh buồm lộng gió nhẹ nhàng xuôi ngược. Đôi bờ thấp thoáng cỏ lau, hoa vàng của mướp, những hương bắp trổ cờ. Nó trở thành thung lũng hoa vàng dù trong lòng đất một thời chứa đựng máu xương và nước mắt” (Thung lũng hoa vàng). Đã có ý kiến cho rằng thời buổi này mà viết như thế thì khác nào chỉ đi theo những con đường “tiểu ngạch”!? Theo chúng tôi, văn chương cũng phong phú như chính đời sống, không hề có một khuôn mẫu nào là duy nhất.

Khuynh hướng phong cách triết lý – suy tưởng thể hiện khá đậm nét trong truyện ngắn của Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh và Lý Lan. Triết lý và suy tưởng bật lên trong những vấn đề đời sống mới được phát hiện. Nhưng triết lý phải hòa quyện với chất sống để cho tác phẩm tránh khỏi giáo điều, giáo hóa, giáo huấn. Trong thực tế không phải không có trường hợp nhà văn rơi vào “triết lý suông”, nguy hại hơn là “triết lý vặt”. Trong số các nhà văn này tôi muốn trước hết dừng lại ở Phan Thị Vàng Anh như một hiện tượng văn chương thời đổi mới. Tuy chỉ sở hữu hai tập truyện ngắn mỏng mảnh nhưng Phan Thị Vàng Anh đã đem đến truyện ngắn đương đại một khí sắc mới, hình hài mới, hơi thở mới. Trước hết đó là sự gọn nhẹ và năng động của truyện ngắn với ý nghĩa là những “mũi khoan” thăm dò, phát hiện các vỉa tầng mới của hiện thực đời sống. Kịch câm, theo tôi, là một truyện tiêu biểu cho phong cách triết lý – suy tưởng của Phan Thị Vàng Anh. Nếu biết Phan Thi Vàng Anh viết truyện này khi mới hơn 20 tuổi thì sẽ-pơ không ít người ngạc nhiên về một “bà cụ non” trong làng văn. Một bài học về đạo đức (đạo làm bố, đạo làm con), lại cả bài học về tự do (có tự do nhưng không biết dùng nó vào mục đích gì), phát sinh từ một cô bé mới lớn trong một gia đình nề nếp. Một triết lý “khi con người được tự do nó sẽ hành động như thế nào?” được đan cài trong một câu chuyện không hề “nhỏ như con thỏ”, trái lại nó khêu gợi suy cảm về những vấn đề vĩ mô: nhân cách con người được ươm mầm như thế nào, đơm hoa kết quả ra sao nếu thiếu một khí quyển minh bạch, trong sạch. Cha tôi cũng là một truyện ngắn, theo tôi, đặc sắc và đặc trưng cho phong cách triết lý – suy tưởng của Phan Thị Vàng Anh. Nó có sắc thái của tự truyện, người cha trong tác phẩm chính là nhà thơ Chế Lan Viên. Sau cao trào thành công truyện ngắn, người ta thấy Phan Thị Vàng Anh “chuyển làn” sang thơ và tản văn. Có người nghi ngờ về tình yêu của chị với truyện ngắn vì thấy nửa chừng đứt gánh. Nhưng riêng cá nhân chúng tôi, cứ mơ hồ tin tưởng sẽ đến một lúc chị trở lại với sở trường của mình – đó sẽ là những truyện ngắn ở mức độ thành công cao hơn trước.

Hồ Anh Thái đi bằng cả hai chân tiểu thuyết và truyện ngắn. Là người sở hữu 9 tập truyện ngắn, như thế cũng đủ để định vị anh là một tác giả truyện ngắn có hạng, đáng phải nhắc đến và ghi công. Là người trải nghiệm nhiều nên khi viết văn Hồ Anh Thái không chỉ muốn ghi lại những điều “mắt thấy tai nghe” mà còn muốn bàn luận với độc giả về nhân tình thế thái, về cả những cõi thiêng trong tâm linh, về tôn giáo, về văn hóa ở những miền đất khác nhau mà nhà văn đã sống. Trong tuyển truyện Văn mới 5 năm đầu thế kỷ (Nxb Hội Nhà văn, 2005), Hồ Anh Thái góp vào một truyện Một dây theo nhau đi, đọc rất hấp dẫn. Viết về cái chết như một quy luật của tạo hóa “sinh lão bệnh tử” là để nói về giá trị của sự sống. Một ngày sống đẹp sống tốt, sống có ích chính là giá trị nhân bản của đời sống. Chết không phải là hết với những người sống tốt, làm người tử tế, làm việc tử tế. Luận bàn về lẽ sống – chết ở đời thông qua ngôn ngữ nghệ thuật mà không làm độc giả nhàm chán vì thường khi “lý thuyết thì xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi” (Goethe), thì đó là một thành công không mấy dễ dàng.

Thi pháp thể loại

Có thể khẳng định thế hệ 5x và 6x đã đem lại cho thể loại truyện ngắn những khởi sắc đáng quan tâm. Nếu so sánh với những nhà văn viết tiểu thuyết, sẽ thấy những nhà văn viết truyện ngắn đã có ý thức cách tân thể loại “nhỏ” và đã có những thành công nhất định. Nếu so sánh với truyện ngắn giai đoạn 1945 – 1975, thì có thể nói không quá, truyện ngắn sau 1975 đã có những cách tân đáng chú ý mà công lao không nhỏ một phần thuộc về thế hệ nhà văn 5x và 6x. Trước hết là sự đa dạng về chủng loại, kiểu dạng truyện ngắn. Chính các nhà văn thế hệ 5x và 6x chứ không phải ai khác đã tạo nên sự phong phú này xét về hình thức thể loại. Nếu trước 1975 trong sáng tác truyện ngắn của các nhà văn Phan Tứ, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Vũ Thị Thường, Nguyễn Địch Dũng, Xuân Cang, Đỗ Chu,… ta thấy chủ yếu hình thức “giống như thật” là chủ đạo thì nay kiểu “truyền kỳ mới”, hay nói cách khác là kiểu truyện kỳ ảo, khá đặc trưng trong sáng tác của Võ Thị Hảo (với nhữngVũ điệu địa ngục, Dây neo trần gian, Vầng trăng mồ côi, Làn môi đồng trinh, Tình yêu mây trắng). Yếu tố kỳ ảo xâm tràn trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh ở giai đoạn sau trong hai tập truyện Chợ tình, Dị hương. Lại có những nhà văn chăm chút cho kiểu truyện ngắn giàu chất thơ như Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà, Thùy Linh, Huỳnh Thạch Thảo. Hình thành một xu hướng tự sự – trữ tình trong văn xuôi và truyện ngắn. Có nhà văn riêng thích tiểu thuyết hóa truyện ngắn như Bảo Ninh, nên không sai khi có nhà nghiên cứu nhấn mạnh: “Thế giới những truyện ngắn đó giống như những mảnh vỡ của tiểu thuyết hoặc phản chiếu, hoặc soi sáng thế giới tiểu thuyết” (Phạm Xuân Thạch). Tiểu thuyết hóa truyện ngắn cũng là một xu hướng, một nét trội trong tác phẩm của Dạ Ngân, Trần Văn Thước, Tạ Duy Anh, Sương Nguyệt Minh. Cái vỏ bề ngoài của truyện ngắn có vẻ như bị “đập vỡ” ra, tạo nên những hình hài mới, tạo nên những tương tác thể loại mới. Có nhà văn dồn nén tối đa chất liệu, tạo nên những truyện ngắn rất ngắn như Phan Thị Vàng Anh đã nỗ lực kiến tạo những Hoa muộn, Cha tôi, Hồng ngủ,… Nhà văn Y Ban đã mạnh dạn thể nghiệm nhiều kiểu truyện ngắn: truyện ngắn viết bằng thư (Bức thư gửi Mẹ Âu Cơ), truyện ngắn  viết bằng thơ (Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm số 12 năm 2015 đã giới thiệu Ơi những chú ngựa bất kham ), truyện ngắn rất ngắn (tập truyện Này đã nghe thấy gì chưa).

Trong nghệ thuật truyện ngắn, cách thức đưa con người vào những tình huống đóng vai trò rất quan trọng. Nhà văn Nguyên Ngọc đã có một ý kiến đáng quan tâm về vấn đề này: “Truyện ngắn điểm huyệt hiện thực bằng cách nắm bắt những tình huống cho phép phơi bày cái chủ yếu nhưng lại bị che giấu trong muôn mặt cuộc sống thường ngày”. Nhà văn Y Ban trong I am đàn bà đã đưa nhân vật nữ của mình vào một tình huống trớ trêu, đầy kịch tính. Nhân vật nữ trong truyện đã hành xử theo lương tri và tình cảm của một người đàn bà với một người đàn ông bệnh tật mà chị được thuê để chăm sóc. Nhưng ai ngờ hệ lụy lại từ cái căn tính nữ (mẫu tính) của chị. Phạm Ngọc Tiến trong Họ đã trở thành đàn ông đã tạo ra một tình huống đầy thương cảm, có tính tượng trưng khi một nhận vật nữ tự nguyện dâng hiến cho những chàng trai trẻ, biến họ thành đàn ông, trước khi họ vào trận và có thể không trở về, mãi mãi tuổi hai mươi. Đặt con người vào những tình huống lựa chọn sinh tử, đầy kịch tính cũng là cách thường thấy trong truyện của Sương Nguyệt Minh (trong Đêm làng Trọng Nhân, Nanh sấu, Mười ba bến nước, Mùa trâu ăn sương,…). Cũng có những tình huống chứa đầy tâm trạng trong truyện ngắn Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà, Huỳnh Thạch Thảo, Thùy Linh. Ở kiểu tình huống này không hề có các xung đột gây cấn, không có những cọ xát nảy lửa, không có những mâu thuẫn sống còn, chỉ có những tâm trạng điển hình lấp ló sau những biến cố đôi khi có vẻ vô sự, nhạt nhòa. Có ai đó cho rằng viết như thế thì “nhẹ bẫng”, thiếu hẳn hơi thở đời sống đương đại vốn xô bồ, gây cấn, đôi khi bạo liệt. Nhưng thực tế đời sống cho thấy có một khu vực ở đó con người có thể vẫn cần phải “sống chậm”, cần phải “tĩnh” ngay cả trong cái xô bồ, bát nháo của đời thường phồn thực. Nhiều người thích đọc truyện của Võ Thị Xuân Hà, Trần Thùy Mai, Huỳnh Thạch Thảo, Thùy Linh là vậy. Một truyện như Mặt trời bé con của tôi của Thùy Linh hayLúa hát của Võ Thị Xuân Hà, Trăng nơi đáy giếng của Trần Thùy Mai hay Thung lũng hoa vàng của Huỳnh Thạch Thảo neo vào ký ức độc giả là có cái lí do riêng của nó. Những truyện ngắn này như làn hương dịu nhẹ, như làn gió mát, như ánh nắng ban mai, như âm thanh dặt dìu nhiều khi có tác dụng chữa trị những tâm hồn đang bị mất thăng bằng bởi những biến cố bất thường nào đó của đời sống.

Chân trời của truyện ngắn nhìn từ thế hệ 5X và 6X

Như đã nói ở trên, có thể khẳng định văn xuôi chính là “mặt tiền” của văn chương hậu chiến Việt sau năm 1975. Mở màn cho văn chương tiền đổi mới chính là truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu (năm 1985, báo Văn nghệ đã tổ chức một cuộc thảo luận sôi nổi về sáng tác truyện ngắn của nhà văn, chính ông về sau được tôn vinh là “người mở đường tinh anh” trong phong trào đổi mới văn chương). Tiếp đến Nguyễn Huy Thiệp đã một phen làm rung động văn đàn Việt đương đại cũng bằng truyện ngắn (những Tướng về hưu, Không có vua, Vàng lửa, Phẩm tiết, Kiếm sắc,…). Nói theo cách của Tô Hoài về Nguyễn Thành Long thì, Nguyễn Huy Thiệp xứng đáng là một “cây truyện ngắn”.

Nhìn sang lĩnh vực truyện ngắn, gắn nó với thế hệ 5x và 6x, sẽ thấy một cơ sở thực tế để tin tưởng vào tiền đồ của thể loại “nhỏ”. Đó không chỉ là sự hùng hậu về đội ngũ, đó không chỉ là sự “kích cầu” của các báo và tạp chí, các nhà xuất bản luôn luôn mời gọi và cổ vũ nhà văn sáng tác truyện ngắn bằng những cuộc thi dày đặc, mà còn vì cơ chế đọc văn chương của người Việt đương thời, thích sự ngắn gọn, tốc độ và hiệu quả phù hợp với quỹ thời gian nhàn rỗi đang bị eo hẹp dần. Nếu so sánh với tiểu thuyết, thì ở lĩnh vực truyện ngắn từ sau 1975, ở thế hệ 5x và 6x, dễ dàng định vị được một số tác giả có thành tựu – ít nhất thì cũng có thể đếm hết hai bàn tay (trừ một vài trường hợp đứng ở thế nước đôi như Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái, họ có thể là tác giả tiểu thuyết và cũng có thể là tác giả truyện ngắn). Và dường như truyện ngắn phù hợp với tư duy nghệ thuật, mô thức cảm xúc thẩm mỹ của người Việt thường hướng đến những cái, xét về khuôn khổ và mức độ, ở tầm mức “vừa khoảng” (chữ dùng của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu). Nghĩa là cái xinh xắn, vừa mắt, gọn gàng, tiện lợi. Những phẩm tính đó phù hợp với “cơ địa”, “cơ chế” của thể loại truyện ngắn. Hơn thế, xét về nội lực văn  chương thì thế hệ 5x và 6x quả là đang ở độ “tráng niên”.

“Nguồn: In trong cuốn Thế hệ nhà văn sau 1975 (kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức ngày 18/4/2016), NXB Hội nhà văn, 2016)”

(Vanvn.net)

Exit mobile version