TVVHĐ – (“Đâu mái nhà xưa” hay là, “Đường trở về”)

Ngôi đền-phê bình-văn học-Việt Nam cần được canh giữ bởi những con lạc đà chuyên chở tư tưởng, bước những bước đi ì ạch, nặng nề, là tiếng gầm rú linh thiêng, oai hùng của con sư tử trước những loài hạ đẳng muốn mượn oai hùm để thống soái sự linh thiêng của văn chương nghệ thuật đích thực.

Đâu mái nhà xưa!

Lịch sử phê bình văn học trên báo chí của Việt Nam có thể nói là “đi Tây về Đông”. Nhận định này không phải là quá đà hay cực đoan. Những năm đầu thế kỷ XX, thế hệ Tây học sau một thời gian “vong thể” ở trời Tây đã mang theo “Tân thư” về nước và phát triển một nền văn học mạnh, mới, đặt những nhịp cầu quan trọng để đưa văn học Việt Nam vượt thoát khỏi lằn ranh văn học Trung Đại, hướng tới nền văn học Hiện Đại. Thế hệ Tây học ấy, cùng lúc, cũng đặt những viên gạch ban đầu vững chắc cho nền báo chí Việt Nam Hiện Đại. Những giai phẩm văn học lần đầu tiên đã vượt thoát khỏi lối văn thơ “tầm chương trích cú” nơi “cửa khổng” để “hạ đáp” xuống mảnh đất mới của dòng văn chương báo chí. Còn nhớ Nguyễn Trọng Quản đã “hạ sinh” Thầy Lazarô Phiền trên tờ Thông Loại Khóa Trình (Miscellannées ou Lectures instructives pour les élèves des écoles primaires, communales, cantonales et les familles – bìa tiếng Pháp, ruột, tựa và bài vở là quốc ngữ) (1888); Với Gia Định báo, Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Của (Paulus Của), Trương  Minh Ký được mời làm chủ bút với các mục Chuyện Đời Xưa, Lựa Nhón Lấy Những Chuyện Hay Và Có Ích; rồi Phan Khôi khai phóng ý niệm vượt thoát khỏi thơ truyền thống bằng lối viết ngẫu nhiên, tùy hứng với Tình Già trên tờ Phụ Nữ Tân Văn ngày 10 tháng 3 năm 1932; Nhóm Tự Lực Văn Đoàn làm mưa làm gió trong ngôi đền văn học là báo Phong Hóa (từ 1932 – 1936, sau khi tờ Phong Hóa bị đóng cửa thì tờ Ngày Nay thay thế), mở ra chân trời mới (new- horizon) của sáng tạo tiểu thuyết Việt Nam. Tất nhiên, đã có sáng tạo văn học trên báo chí, ắt phải có phê bình văn học trên báo chí, từ những nền móng sơ khởi của một nền văn học đang đi vào quỹ đạo thời đại, với những bứt phá tư tưởng và tâm huyết gây dựng nền quốc học văn chương chân chính của các sĩ phu yêu nước đến những trận bút chiến “gay gắt” nhằm bảo vệ chân lí trong sáng tạo.

Trong buổi giao thời ấy, cuộc đấu tranh giữa các ý thức hệ trong văn học đã làm bùng vỡ nhiều giá trị văn chương. Chúng ta khó có thể quên được cuộc luận chiến của Tập Xuyên- Ngô Đức Kế  với Thượng Chi – Phạm Quỳnh qua bài Luận về chính học cùng tà thuyết – quốc văn – Kim Vân Kiều – Nguyễn Du đăng trên báo Hữu Thanh, số 21 ra ngày 1 tháng 9 năm năm 1924, hoặc cuộc tranh luận giữa Phan Khôi và Trần Huy Liệu trên Đông Pháp Thời báo (1928)…Trong những cuộc tranh luận ấy, vượt trên khuôn khổ của phê bình báo chí, phẩm- tính- học- thuật trong phê bình đã đặt ra những giới hạn khắt khe và nghiêm túc với hầu hết các cuộc tranh luận. Tính chất điểm bình của báo chí đã thực sự nhường bước trước những vấn đề sâu sắc của thời đại. Trên Tạp chí Tri Tân từng ghi nhận những “xung đột” tư tưởng trong quan niệm về văn hóa văn học, Lê Thanh và Vũ Ngọc Phan với những luận điểm nảy lửa về Thế nào là phê bình văn học sử? hay Thế nào là phê bình phi- văn học sử? qua mục “Để bàn với ông Vũ Ngọc Phan về một phương pháp phê bình văn học”; Hoa Bằng Với mục: Những tấm thân tàn dâng trên bàn thờ văn hóa, Hoàng Thiếu Sơn với mục Hùng tráng ca  Việt Nam và hùng tráng ca Âu Tây, cải tạo tinh thần thơ ca; cuộc tranh luận giữa Hải Triều và Thiếu sơn xoay quanh vấn đề “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh” mà Hải Triều đã phản bác lại bài “Hai cái quan niệm về văn học” của Thiếu Sơn…. Phê bình văn học trên báo chí truyền thống, thực sự đã vượt ra ngoài giới hạn của văn học, lan rộng sang lĩnh vực văn hóa – chính trị, quan tâm tới những vấn đề lớn lao của thời đại. Tất cả những lược điểm trên đã chứng minh rằng, chúng ta từng có lịch sử linh thiêng của một nền phê bình văn học báo chí chân chính. Trong ngôi đền văn học uy nghiêm, bí sử ấy đã sản sinh ra những con lạc đà mang vác sức nặng tư tưởng, vượt qua những biến cố thời đại. Chúng ta cũng từng có những con sư tử dũng mãnh với tiếng gầm lạnh ngắt, toát lên vẻ uy nghiêm của các cuộc luận chiến văn chương. Điều ấy nhắc nhở chúng ta rằng, việc tìm về mái nhà xưa như là việc làm cần thiết và gấp gáp, để thấy nền phê bình của chúng ta không lạc lõng hay bị đứt quãng với truyền thống báo chí-vốn-là tự hào của văn minh phương Tây. Hãy trở về và trở về một cách nghiêm túc!

Đường trở về.

Phê bình văn học trên báo chí ở Việt Nam trong mười năm đầu thế kỷ 21, không chỉ dừng ở mức độ trầm lặng, mà cần thẳng thắn nói rằng: là yếu. Như một nghịch lý, khi các phương tiện truyền thông phát triển rầm rộ, báo chí được nâng lên vị trí quảng diễn ưu tiên cho mọi khám phá và phê phán tư tưởng văn học, thì, thực tiễn phê bình văn học trên báo chí ở ta lại trở về với thói quen thường nhật của người phương Đông: thích- hoài cổ. Những trích văn báo chí của các nhà phê bình chủ yếu quay lại với mái nhà xưa của phê bình văn học báo chí tiền-chiến hoặc nền phê bình báo chí các đô thị miền nam trước 1975. Nguyên do căn bản nằm ở đâu? Theo tôi sự yếu kém của phê bình văn học Việt Nam đương đại trên báo chí nằm ở bốn nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, quan niệm về vai trò, chức năng, tầm quan trọng của phê bình báo chí ở ta chưa- chịu- thay đổi. Chúng ta vẫn đánh đồng giữa nhiệm vụ khám phá giá trị/vấn đề tác phẩm văn học làm một với tính thời sự của báo chí, cho nên, đã vô hình xem báo chí như một món hàng fast-food lướt qua đời sống văn học. Đây là vấn đề phổ biến. Phê bình báo chí có thể xem như là trung giới giữa phê bình học thuật và nhiệm vụ truyền thông. Do đó, phê bình báo chí hướng nhiệm vụ thông điệp và định hướng dư luận hiểu đúng và quan tâm đúng vấn đề văn học đang bàn luận, mặt khác, phê bình báo chí phải đảm bảo tính nghiêm nhặt của nhận định, mang tư tưởng cá biệt nhà phê bình. Đó là lí do tại sao, phê bình văn học trên báo chí không hoàn toàn chú trọng tới tính sự kiện như báo chí thuần túy và cũng chẳng phạm vào tính nghiêm nhặt, cẩn trọng của phê bình học thuật, phê bình hàn lâm. Nói gì thì nói, dù dưới hình thức nào, đã là phê bình, với việc bộc lộ kinh nghiệm thẩm mỹ, kinh nghiệm sống chủ quan của người viết trước đối tượng văn bản văn học, thì bài phê bình trên báo chí cũng phải khẳng định rạch ròi cho được giá trị tư tưởng của nhà phê bình: giữa hợp lí/ bất- hợp lí, chân lí/ ngụy- chân lí, tích cực/ phản- tích cực…Không thể có chân lí chung chung, cũng chẳng thể có phán định lập lờ, nước đôi. Vì bài phê bình, bất luận đăng tải dưới dạng thức nào cũng phải nói cho được ý niệm của nhà phê bình trước đối tượng, nghĩa là có tư tưởng, có cá tính sáng tạo đặc thù.

Chính việc nhập nhằng giữa nhiệm vụ, chức năng của phê bình báo chí với báo chí truyền thông và với phê bình học thuật, cho nên, trong quan niệm về phê bình báo chí ở ta mới phân ra điểm sách, bình luận và phê bình báo chí. Nói đúng ra, phê bình báo chí là một dạng rút gọn của phê bình hàn lâm (academic criticism- rút gọn những quy ước, chú thích, và thuật ngữ khoa học hàn lâm, nghiêm nhặt) dưới hình thức truyền thông báo chí. Còn, đã là phê bình, thì bất luận dưới dạng thức nào cũng đòi hỏi tính thời sự, dẫu có hướng về quá khứ văn học thì cũng là quá- trình- đọc- quá khứ- từ- hiện tại và ngược lại đọc- hiện tại- từ- quá khứ , cho nên, lối quan niệm báo chí như một dạng thức bình điểm về đời sống văn học là sai lầm. Theo tôi, không có sự phân biệt giữa phê bình với điểm sách trên báo chí, cũng như phân biệt giữa phê bình và bình luận văn học. Điểm sách là điểm sách, còn phê bình là phê bình, rạch ròi. Điểm sách là nhiệm vụ thông diễn (hermeneutics) văn bản, gợi mở những khía cạnh giúp định hướng nhận thức luận văn học của nhà phê bình, còn nhà phê bình dựa trên những gợi mở ấy mà đi sâu, nhận định và làm rõ nhận định. Vì vậy, điểm sách rất quan trọng, nhưng tiếc rằng, ở ta số lượng người điểm sách chuyên nghiệp đếm trên đầu ngón tay. Tôi đánh giá cao nhiệm vụ của người điểm sách, vì họ phải là người có trình độ và khả năng mẫn cảm văn chương sâu sắc mới làm được điều định hướng nhà phê bình trước một tác phẩm cụ thể. Còn mối quan hệ giữa bình luận và phê bình văn học trên báo chí, theo tôi không có gì phải lí tính hóa trong việc cắt nghĩa nó, bình luận văn học là cấp độ thấp kém của phê bình văn học đúng nghĩa, thuộc về những cá nhân không chuyên, không được đào tạo bài bản về văn học, chỉ thuần túy xúc cảm cá biệt, không có sự phân bua của khoa học khi đối thoại với tác phẩm. Do đó, bình luận văn học là đứa con khiếm khuyết, bệnh tật của phê bình văn học (gồm: phê bình học thuật và phê bình rút gọn trên báo chí). “Con dại” thì “Cái mang”. Sự èo uột của đứa con bình luận- văn học khiến phê bình- văn học chịu kiếp “Cái mang” với danh phận yếu kém. Vì vậy, bình luận văn học không được xem là phê bình chuyên nghiệp. Còn phê bình văn học trên báo chí, thì như tôi đã chỉ ra, về bản chất, nó là phê bình học thuật, phê bình hàn lâm, nhưng đã được rút gọn, được đơn giản hóa những- vấn đề- quy- ước có tính- nghiêm- nhặt của khoa học, giữ lại những nhận định, những suy niệm về văn học và về nhân bản- trong- văn học. Do đó, đã là phê bình thì phải có tư tưởng, bất luận in ấn dưới dạng công trình khoa học, sách, hay báo chí. Chúng ta không khó để kiểm định nhận định trên, vì Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Hoa Bằng, Nguyễn Văn Trung, Hoàng Ngọc Hiến… vẫn còn đó những tác phẩm phê bình báo chí đích thực. Tác phẩm phê bình trên báo chí của họ mang giữ tư tưởng, phong cách và cá tính mãnh liệt của một con lạc đà chất trên vai những gánh nặng suy tư vươn tầm thời đại.

Thứ hai, từ quan niệm sai lầm về vị trí, vai trò, chức năng của phê bình văn học trên báo chí, dẫn đến quan niệm sai lầm về việc thẩm định vấn đề của chủ thể- biên tập các tác phẩm phê bình báo chí. Không thể chỉ đổ lỗi cho chủ thể phê bình, mà chủ thể kiểm duyệt bài phê bình trên báo chí cũng cần được nhìn nhận và phản tư đúng mức. Trên các phương tiện báo chí văn nghệ mười năm trở lại đây, thật hiếm thấy sự hiện diện của những chủ bút, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với những bài phê bình hóc búa, dám hy sinh trách nhiệm của mình để bài phê bình của nhà phê bình được khai phóng. Nói như vậy thì, mỗi tờ báo hay tạp chí cũng cần phải có một chủ bút có trình độ văn học, trình độ triết học, trình độ ngoại ngữ và một bản lĩnh của người phất cờ cho những cuộc tranh luận văn chương diễn ra công khai, giống như vị chủ tướng ra hiệu lệnh phát trống cho những chiến mã văn chương lao vào sa trường văn học một cách dũng mãnh. Chủ bút của một tờ báo hay tạp chí phải là người biết- đọc- hiện tại- từ- quá khứ, nghĩa là phải am tường cái đã qua và nhạy bén với cái đang và sẽ đến trong văn học, sẵn sàng đứng ra tổ chức các cuộc tranh luận xuyên- biên giới, xuyên- tầng lớp/giai cấp về văn học, sẵn sàng vượt lằn ranh của một nền văn học phong bế, để hướng đến nền văn học khai phóng – nơi chỉ dành cho những con lạc đà đang suy tưởng về cuộc sống và về phận người. Văn học sẽ là gì, nếu như chẳng phải nhiệm vụ của nó là truy vấn về bản chất Người trong cuộc đời này? Khi chủ bút có trình độ, có tinh thần chuyên nghiệp, có thái độ cầu thị, thì khi ấy, những bài phê bình văn học sâu sắc, nghiêm cẩn, sẽ vượt ra ngoài ranh giới của những điều dễ dãi, nhàm chán, đặt ra Chủ đích nhân văn của văn học. Khi nhà phê bình chuyên nghiệp trở về mái nhà xưa, tìm lại giá trị của mình trong phê bình, được báo chí sẵn sàng nhường ngôi nhằm canh giữa ngôi đền văn học, thì khi ấy, phê bình báo chí của chúng ta mới thực sự vượt qua “ký ức” của nền phê bình quá khứ. Hãy trở về và trở về với chính mình, để đôi chân trần của mình sải dài và tiếp tục bước trên những mũi gai văn học đang cào xé những ngón chân ứa máu của “con lạc đà”.

Thứ ba, tính giáo điều trong phê bình nói chung và phê bình trên báo chí nói riêng cần phải gạt bỏ với thái độ nghiêm túc và bằng sự thành thật với danh dự của một nhà phê bình chân chính. Nền phê bình của chúng ta đang trở nên giáo điều hơn bao giờ hết. Nền phê bình báo chí đáng lẽ ra phải là những phát ngôn thẳng thắn của nhà phê bình, của con sư tử dũng mãnh trước những vấn đề gai góc văn học, thì giờ đây, nó lại bị/được những nhà thơ, những nhà văn không mang nổi thân phận thi văn của mình giáo huấn bằng những bài học giáo điều, qua những luận đề “tại sao nền phê bình của chúng ta yếu?”, “nhà phê bình phải thế này” “nhà phê bình phải thế kia”. Tôi không tin một nhà thơ hay một văn nhân lại có thể làm được những việc mà nhà phê bình chuyên nghiệp làm, vì xã hội đã có phân công- lao động, thì sẽ có phân công- chủ thể- lao động chuyên nghiệp hay không- chuyên nghiệp. Phát ngôn về phê bình văn học phải được thực hiện bởi những nhà phê bình chuyên nghiệp chứ không phải là những nhà thơ chuyên/bán chuyên nghiệp. Tiếc rằng, việc dẫn dắt phê bình trên báo chí của chúng ta lại không phải là con lạc đà chất đầy gánh nặng suy tư, hay con sư tử dũng mãnh, mà lại là những lớp cáo muốn mượn oai hùm để đánh bóng mình và để bạn đọc nhớ tên mình. Đó là việc làm vô nghĩa và giáo điều của chủ thể văn học. Chỉ khi nào nền phê bình báo chí của chúng ta vượt thoát khỏi lằn ranh giáo điều ấy, thì khi đó, chúng ta mới có một nền phê bình báo chí chân chính, chuyên nghiệp – một sa trường nghiêm nhặt cho những dũng tướng phê bình có thể lập- thức và lập- thuyết trong văn học. Và chỉ có trở về và không ngừng trở về với chính mình, trong thái độ suy tư, phản tỉnh nghiêm túc, phải biết hổ thẹn với những phát ngôn giả tạo, thì khi ấy, chúng ta mới vững mạnh và dám đương đầu với bão tố thời gian, với nhân bản thông tin và với thế giới đầy rẫy những kẻ thù nguy hiểm của chủ- nghĩa- khủng- bố lắm cạm bẫy này.

Cuối cùng, nói đi thì cũng phải nói lại, nhà phê bình chuyên nghiệp hiện thời đã quên dần bản chất-lạc đà, bản chất- sư tử trong mình. Nhiều nhà phê bình đã chạy theo kinh tế thị trường, hoặc vì quan hệ cá nhân mà quên đi nhiệm vụ của mình là suy niệm về hiện thực, về nhân bản thời đại, quên đi bản chất lao động thanh tao của mình là đeo, thồ tư tưởng, bước những bước nặng nhọc vì trách nhiệm ghì trên vai: phải nhìn sâu vào thế giới, để thấy sự phá hủy của con người đang diễn ra nhanh chóng. Con lạc đà tư tưởng ấy đã quên mất mình phải trầm tư trước sự đổ nát niềm tin, trước sự thất bại và phá sản của nhân tính hiện đại, để răn đe con người về sự băng hoại tình cảm của nó. Nhà phê bình văn học Việt Nam cũng quên đi tiếng gầm của một con sư tử trước những điều “trông thấy mà đau đớn lòng”. Tiếng gầm ấy đã lùi xa vào dĩ vãng oai hùng, trong những bản thảo luận chiến nóng bỏng. Nhiều nhà phê bình muốn an thân, muốn trở về con người vị kỷ của mình để những kẻ khác không hướng ánh mắt suy xét đến cuộc sống phê bình văn học vốn bình yên mà Y đang sống. Sự quy về để giữ mình của một số nhà phê bình đã đánh mất bản chất “sói”, đánh mất đi sự “oai nghiêm” trong tiếng gầm thét của con sư tử dũng mãnh trước những vấn đề bất công, xấu xa, và giả tạo trong văn học. Đâu những con sư tử Hải Triều, Phạm Công Thiện, Lan Khai thuở nào đã vắng bóng tiếng gầm rú lạnh trời giữa rừng thiêng văn học? Đâu những con sư tử lão làng Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế đang xù bờm đe dọa những tiếng kêu trầm thống trước sự tàn phá con người? Hãy trở về và trở về với con lạc đà và tiếng gầm sư tử, để đau cho nỗi đau nhân loại, để đau cho sự phá sản về nhân tính đang diễn ra hàng ngày. Ngôi đền- phê bình- văn học- Việt Nam cần được canh giữ bởi những con lạc đà chuyên chở tư tưởng, bước những bước đi ì ạch, nặng nề, là tiếng gầm rú linh thiêng, oai hùng của con sư tử trước những loài hạ đẳng muốn mượn oai hùm để thống soái sự linh thiêng của văn chương nghệ thuật đích thực.

Ngô Hương Giang