“Ôi các nhà phê bình, chẳng lẽ không có gì khiến các vị mủi lòng sao?” (Sir Walter Scott)

Phê bình văn học (Critique littéraire) từ khi ra đời cho đến nay luôn phải tồn tại giữa những cuộc tranh luận và cả sự hồ nghi. Hiếm có một bộ môn nào trong ngành nghiên cứu văn học lại “chưa hoàn hình” trên nhiều phương diện đến như thế, nhưng cứ tồn tại xuyên suốt và chiếm giữ vị trí quan trọng trong “tam giác kim tự tháp” của khoa nghiên cứu văn học (từ dùng của Đỗ Lai Thúy, gồm Phê bình văn học, Lịch sử văn học và Lý luận văn học. Ngoài ra, hiện nay cũng có ý kiến đề xuất “tứ giác bộ môn” với sự xuất hiện thêm của Phương pháp luận nghiên cứu văn học). Đầu tiên, cho đến nay, có thể chúng ta vẫn chưa tìm được sự thống nhất cuối cùng về đối tượng nghiên cứu của phê bình văn học. Sự tồn tại của nhiều phương pháp phê bình khác nhau dẫn đến xuất hiện những đối tượng khác nhau, một số phương pháp hướng về tác giả (tiểu sử học, xã hội học Marxism, văn hóa – lịch sử…), một số phương pháp hướng về văn bản (chủ nghĩa hình thức Nga, thi pháp học, cấu trúc luận…), một số khác lại hướng về người đọc (tiếp nhận văn học, thông diễn học…).

Thật ra, sự chưa định hình một đối tượng nhất quán của phê bình văn học không phải là một tình trạng tồn tại trong hỗn mang, thấp kém, mà thể hiện phê bình văn học luôn phụ thuộc sâu sắc vào những lý thuyết văn chương (théorie littéraire). Về thực chất, không có một bộ môn phê bình văn học dành cho mọi lý thuyết, mà chỉ là phê bình của từng lý thuyết nhất định. Mỗi lý thuyết luôn xác định một trọng tâm, đối tượng nghiên cứu riêng, thậm chí, có nhiều đối tượng nghiên cứu cùng một lúc, thì làm sao phê bình văn học lại nhất quán và “chung thủy” tôn thờ một đối tượng độc tôn cho được. Làm sao có thể đòi một nhà phê bình theo phương pháp chủ nghĩa hình thức Nga, với một nhà phê bình theo phương pháp Thông diễn học và một nhà phê bình theo phương pháp xã hội học Marxism có được một đối tượng chung thống nhất, cố định trong quá trình phê bình? Ngay cả những nhà phê bình theo cùng phương pháp của Phân tâm học, thì những người khảo cứu Phân tâm học văn bản, Phân tâm học tác giả và Phân tâm học người đọc cũng đã có riêng cho mình những đối tượng khác nhau rồi.

Tất nhiên, dù có đối tượng nào đi nữa, chúng ta vẫn buộc phải thông qua văn bản. Theo Đỗ Lai Thúy: “Vậy đối tượng của phê bình văn học là gì? Theo tôi, đó là tác phẩm” [8,25]. Nhưng lại có một số ý kiến cho rằng, văn bản chỉ là phương tiện bắt buộc, chứ không phải là đối tượng tất yếu. Nhiều loại hình phê bình văn học, đơn cử như phê bình chân dung tác giả, chỉ lấy văn bản văn học như một phương tiện, chứ không phải là đối tượng thì hẳn nhiên văn bản văn học chỉ được tham chiếu như một cứ liệu bổ trợ, còn mục đích cuối cùng là tư tưởng và chân dung sáng tạo của nhà văn (hoặc nhà nghiên cứu văn học) ấy. Một loạt các phương pháp như tiểu sử học, xã hội học Marxism, Phân tâm học tác giả… cũng chỉ thông qua văn bản để đến với đối tượng thực sự của nó. Vậy, trong một chừng mực nhất định, vấn đề đối tượng của phê bình văn học hiện nay vẫn cần được suy ngẫm và thống nhất trong tương lai.

Nhưng giả sử, ta cứ tạm thống nhất đối tượng của phê bình văn học là văn bản văn học, thì đối tượng ấy quả nhiên cũng không đặc thù riêng biệt dành cho phê bình. Ranh giới phân chia phạm vi khảo sát giữa phê bình văn học với lí luận văn học và lịch sử văn học chưa bao giờ rành mạch. Đặc biệt, ranh giới phân định giữa lí luận văn học và phê bình văn học lại càng khó nhận ra. Theo Wellek và Warrentrong Lý luận văn học: “Tất nhiên là thuật ngữ “phê bình văn học” cũng đôi lúc được dùng với nghĩa rộng hơn, bao gồm cả toàn bộ lý luận văn học” [9,62], đây cũng là cách hiểu – định danh của nhiều nhà nghiên cứu văn học trên thế giới. Cách phân định ranh giới của Wellek và Warren trước đó “có vẻ” hợp lý, rằng: “tốt hơn cả là trình bày được các khác biệt nêu trên, đưa sang lĩnh vực “lý luận văn học” việc nghiên cứu các nguyên tắc sáng tác văn học, các phạm trù, các tiêu chí… và gọi việc phân tích các tác phẩm cụ thể hay là “phê bình văn học” [9,62]. Tức là, một cách khái lược, lý luận văn học nghiên cứu những quy luật tổng quát chung, những vấn đề lý thuyết, còn phê bình văn học cắt nghĩa những văn bản cụ thể.

Trong Dẫn giải ý tưởng văn chương của Henri Benac, ý kiến này cũng được tán đồng: “Mục tiêu của phê bình văn học là phân tích các tác phẩm văn học, là giải thích, và nếu cần, đánh giá và so sánh các tác phẩm ấy” [3,196]. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu lại không đơn thuần xem phê bình văn học là việc đi bình giá những tác phẩm cụ thể, mà còn bao gồm cả việc nghiên cứu những văn bản triết – mỹ học, lý thuyết văn chương và lý luận văn học. Ở Tây, J.A.Cuddon trong Từ điển thuật ngữ văn học và lý thuyết văn học đều xem Thi học (Aristotle), Nghệ thuật thi ca (Horace), Nghệ thuật thi ca (Boileau) đều là tác phẩm phê bình. “R.Barthes lại cho rằng phê bình chỉ là thứ ngôn ngữ nói về một thứ ngôn ngữ khác – tức ngôn ngữ của tác phẩm văn học” [4,153]… Ở ta, Đỗ Lai Thúy trong Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, chia phê bình văn học thành phê bình báo chí và phê bình học thuật. Trong phê bình học thuật có phê bình thực hành và phê bình lý thuyết. Mà phê bình lý thuyết là sự “sang ngang” từ triết học, mỹ học, ngôn ngữ học… thậm chí, sử dụng văn học chỉ như một công cụ nhằm luận giải về các quan điểm triết mỹ. Phê bình lý thuyết không lấy văn bản cụ thể làm đối tượng, mà lấy bản thân các lý thuyết làm đối tượng khảo cứu. “Do đó: Tóm lại, với hầu hết các nhà phê bình kể trên, thì phê bình văn học của họ đã không còn phân biệt nổi với lý luận văn học nữa” [8,46].

Ở nước ta, về thực chất chưa có truyền thống nghiên cứu hoặc sáng tạo ra những thành tựu lớn về phê bình lý thuyết, do đặc thù lý thuyết văn chương ở ta không phát triển mạnh, chậm tiếp thu từ nước ngoài và sự đồng nhất cơ giới giữa lý luận văn học (théorie de la littérature) và lý thuyết văn học (théorie littéraie). Chúng tôi đồng ý với Đoàn Ánh Dương rằng: “Rất ít khi phê bình văn học được hiểu như là sự suy tư về văn học, theo cái cách mà văn học tự nhận thức về chính nó trong quá trình vận động và phát triển. Như vậy là, sau khi đã bỏ quên thuộc tính tư tưởng (tức sự tư duy về văn học) của phê bình văn học bằng cách chỉ hiểu phê bình văn học một cách thiển cận là bài phê bình…” [tham luận trong Hội thảo Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tháng 4 năm 2012]. Về điểm này, chúng tôi muốn nói rõ hơn một ý, “bài phê bình” theo cách hiểu phổ thông ở ta thường phải là một bài cắt nghĩa một tác phẩm mới nào đó có vấn đề, không được quá dài và được đăng trên báo chí. Phê bình văn học đương nhiên không thể không quan tâm đến những tác phẩm mới, và trong nền tảng truyền thông hậu hiện đại ngày nay báo chí là nơi phổ cập tốt nhất bài phê bình. Chúng tôi không chủ định phân hạng cao thấp giữa ba loại hình phê bình cơ bản theo hệ thống phân loại của Albert Thibaudet gồm phê bình báo chí (nhà báo là chủ thể viết phê bình), phê bình nghệ sĩ (nhà văn) với phê bình chuyên nghiệp (các giáo sư, nhà nghiên cứu có tính hàn lâm). Tuy nhiên, chính đặc trưng ít quan tâm hoặc không xem phê bình lý thuyết là phê bình văn học đích thực, nên dẫn đến tình trạng hiểu thiên lệch và phiến diện về phạm vi bộ môn Phê bình văn học ở ta.

Có một thực tế rằng, nhiều người đang hết sức lo lắng và cảnh báo riết róng về sự khủng hoảng của phê bình văn học Việt Nam, bởi sự chiếm ưu thế của phê bình báo chí so với phê bình nghệ sĩ và phê bình chuyên nghiệp. Nhưng một nền văn học vận hành theo qui luật hàng hóa thị trường trong một thế giới phẳng thời hậu hiện đại nào cũng cần đến phê bình báo chí, thậm chí là phụ thuộc sâu sắc vào phê bình báo chí. Tại Mỹ, trong công trình Để làm nên một best seller [6], các tác giả Brian Hill và Dee Power đã chỉ ra các hình thức phê bình báo chí theo kiểu truyền thống (báo in, sách in) và hình thức truyền thông đa phương tiện (mạng, talk show truyền hình hoặc radio, sách điện tử…)  mang một quyền lực lớn trong việc định hướng và chi phối đời sống văn học. Chúng tôi sẽ còn quay lại vấn đề vai trò và chức năng của phê bình báo chí truyền thông ở một tiểu luận khác. Ở đây chỉ muốn chỉ ra, việc phê bình báo chí phát triển một cách mạnh mẽ, đơn thuần phục vụ cho mục đích kinh doanh, quảng cáo sách đi chăng nữa, cũng không hề nguy hại đến đời sống văn học nói chung và phê bình văn học nói riêng. Bởi vì, đời sống văn học Mỹ đã không chứng kiến sự giết chết phê bình lý thuyết, phê bình hàn lâm từ sự phồn thịnh và ngày càng uy quyền của phê bình báo chí truyền thông. Một loạt những trường phái – phương pháp phê bình hàn lâm vẫn ra đời và có nhiều thành tựu lớn như giải cấu trúc, hậu hiện đại, hậu thực dân, nữ quyền luận, môi trường luận… ngay trong chính thời đại thịnh trị và hoàng kim của phê bình báo chí truyền thông. Bởi vì, từng loại hình phê bình đáp ứng cho một nhu cầu riêng, thực hiện một chức năng riêng trong đời sống văn học, nên sẽ không có chuyện cái này nuốt chửng cái kia hoặc làm băng hoại cái kia một cách cơ giới.

Trên một phương diện khác, một số người hiện nay vẫn thường quy giảm mọi lý thuyết văn chương thành lý luận văn học. Theo một số cách hiểu, lý thuyết văn chương và lý luận văn học là một, mà lý luận văn học lại thường là những gì mang tính cương lĩnh, mặc nhiên đúng, chỉ áp dụng mà không cần cắt nghĩa, phản tư hoặc bổ sung đưa ra những kiến giải mới, mặc dù trong thực tế, bản thân lý luận văn học nước ta thời gian qua cũng có nhiều bổ sung, điều chỉnh, thay đổi quan điểm trong một số vấn đề. Đặc trưng khó tiếp nhận lý thuyết, tiếp nhận manh mún, hoặc ít để lại những thành tựu cho dù có thời gian du nhập lâu dài đi chăng nữa của một vài lý thuyết văn chương ở ta một phần là do nền tảng phê bình văn học thiếu sự quan tâm, thậm chí không xem những công trình phê bình về lý thuyết là phê bình văn học. Do thân phận của các “siêu phê bình” bị đẩy sang những địa hạt khác, liên quan nhiều đến tư tưởng hoặc triết học, nên người ta ngại đưa ra những cắt nghĩa, nhận định cá nhân có tính sáng tạo, người làm phê bình lý thuyết cũng cảm thấy cô đơn và bị đẩy ra bên ngoài lề của đời sống văn học. Tất nhiên, trên thế giới cũng có nhiều công trình phê bình về tác phẩm và tác giả cụ thể nhưng vẫn có những đóng góp lý thuyết to lớn, mà tiêu biểu là các công trình của M.Bakhtin nghiên cứu về hai nhà văn F.Rabelais và F.Dostoevski (Những vấn đề thi pháp Dostoevski Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung cổ và Phục hưng). Không hẳn phải phê bình về những lý thuyết (siêu phê bình) là có đóng góp về mặt lý thuyết văn chương. Tuy nhiên, những trường hợp như M.Bakhtin thường được ra đời dựa trên một nền tảng văn học dân tộc có truyền thống về lý thuyết. Bản thân nhà phê bình cũng có ý thức không đơn thuần chỉ phê bình về văn bản và tác giả, mà thực chất qua văn bản và tác giả để đề xuất một hệ hình lý thuyết mới. Hơn nữa, một trường hợp thiên tài đặc biệt như M.Bakhtin ngay cả ở nước Nga nói riêng và thế giới nói chung cũng hết sức hiếm hoi. Trong khi đó, do đơn thuần xem phê bình văn học chỉ có phạm vi khá hẹp, là khảo cứu tác phẩm, lại là tác phẩm mới, và lại viết ngắn gọn kiểu “phê bình tốc hành” (cho phù hợp với khuôn khổ báo chí), nên phê bình văn học ở nước ta thường nặng về cảm nhận chủ quan, bình tán theo kiểu của phương pháp ấn tượng, mà chưa có sự quan tâm thỏa đáng đến việc phê bình lý thuyết, cũng như ứng dụng lý thuyết vào trong việc phê bình những tác phẩm văn học.

Lúc này, chúng ta lại cứ tạm thỏa thuận thêm một lần nữa, thử chấp nhận phạm vi trong đối tượng khảo sát của phê bình văn học là những tác phẩm cụ thể, một vấn đề khác lại đặt ra. Phê bình văn học khảo sát, cắt nghĩa, bình giá những tác phẩm văn học, nhưng trong thì quá khứ hay ở thì hiện tại? Thói quen của số đông nhà nghiên cứu hiện nay (ở nước ta) vẫn xem phê bình chỉ hoạt động trên phạm vi những tác phẩm “đương đại” đang diễn ra, nhằm dẫn đường và “đọc giùm” cho bạn đọc. Một trong những giáo trình lí luận văn học phổ biến nhất ở ta viết: “Phê bình văn học có đề cập đến những hiện tượng văn học quá khứ, nhưng không phải là tái hiện lại quá trình phát triển toàn diện của nó, mà chính là để qua đó, hoặc từ nó, góp phần làm sáng tỏ một vấn đề hiện tại. Tính hiện tại của phê bình, do đó, không phải chỉ ở đối tượng, ở đề tài, mà còn ở chủ đề, ở cách xử lý “chế ngự” đối tượng” [7,12-13]. Một giáo trình khác ghi rõ: “Phê bình văn học là bộ môn khoa học thường hướng vào đối tượng chủ yếu là những hiện tượng văn học đương thời. Phê bình văn học có biểu dương kịp thời hoặc phê phán… giúp phát hiện cái mới, cái phù hợp với chiều hướng phát triển của văn học hiện tại và tương lai” [2,4]. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, phê bình văn học là sự: “nhận thức các khuynh hướng vận động của văn học đương đại…” [5,253]. Còn theo 150 thuật ngữ văn học, thì phê bình văn học: “khác với văn học sử, phê bình văn học ưu tiên soi rọi những quá trình, những chuyển động đang xảy ra trong văn học hiện thời… Ngay khi bàn về di sản văn học quá khứ, nhà phê bình cũng chủ yếu xuất phát từ các nhiệm vụ xã hội và thẩm mỹ của hiện tại” [1,259]. Nhưng theo Trịnh Bá Đĩnh, quan điểm “phê bình văn học chia ở thì hiện tại” này chỉ xuất hiện từ thời cận hiện đại, dưới ảnh hưởng và uy quyền của V.Bielinski. “Vì thế, V. Bielinski còn gọi phê bình văn học là sự tự nhận thức của thời đại” [5,255]. Theo quan niệm đó, dẫu không tuyệt đối hóa, nhưng khảo sát những tác phẩm văn học đương đại, những hiện tượng văn học đang diễn ra là nhiệm vụ chính yếu của phê bình văn học, còn khảo sát những tác phẩm văn học trong quá khứ là nhiệm vụ của lịch sử văn học hoặc lí luận văn học. Phê bình văn học dẫu có cắt nghĩa một tác phẩm trong quá khứ đi chăng nữa, cũng chỉ để làm sáng tỏ một vấn đề văn học đương đại. Quan niệm (phổ biến ở ta) này ngày nay đã không còn đúng với mọi trường hợp. Ngay từ giữa thế kỉ XX, Wellek và Warren đã quan niệm lại phạm vi đối tượng phê bình văn học là những tác phẩm cụ thể, chứ không nhất thiết là những “tác phẩm cụ thể đương đại”. Và một số người hiện nay đưa ra đề xuất: “Có điều cần lưu ý là loại phê bình này không nhất thiết phải viết về những tác giả đương đại, mà chủ yếu là những tác giả đã được khẳng định, kể cả những nhà văn tưởng như đã “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” [8,48]. Có một thực tế rằng, nhiều (nếu không muốn nói là đa số) công trình phê bình có giá trị, được tổ chức qui mô hoặc được thừa nhận rộng rãi ở nước ta hiện nay lại không lấy đối tượng là những tác phẩm và tác giả đương đại, hoặc chí ít là cùng thời với người viết phê bình, mà đều là những tác phẩm và tác giả trong quá khứ, đã trở thành cổ điển, hoặc tối thiểu cũng đã cách thời điểm người viết phê bình vài chục năm như: Truyện Kiều và Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đạm Phương nữ sử, Tố Hữu, Vũ Trọng Phụng… Không phải ngẫu nhiên, mà những công trình phê bình lớn nhất của nền phê bình văn học nước nhà lại tập trung vào một tác phẩm đã cách thời điểm nhà phê bình ngày nay một, hai thế kỷ, đó là Truyện Kiều. Vậy thì, còn có thể tin một cách tuyệt đối và ngây thơ vào phạm vi đối tượng phê bình là những tác phẩm đương đại được nữa hay không?

Trong phạm vi những tác phẩm đương đại, không phải bài phê bình bất kì về một tác phẩm văn học bất kì, thể loại bất kì nào cũng được thừa nhận một cách “chính danh” ở ta. Hình như có một sự kì thị và phân hạng cao thấp trong đối tượng phê bình, theo đó, chỉ những tác phẩm thuộc về những nhà văn có tên tuổi (đã được thừa nhận), viết những thể loại nghiêm túc (tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn, trường ca, kịch), và tác phẩm đã đạt những giải thưởng gì đó, hoặc chí ít cũng đã tạo ra được những cuộc tranh luận xôn xao thì mới xứng đáng để phê bình. Còn dẫu cũng mang tính đương đại đi nữa, nhưng đó là những tác giả quá mới (lại chưa hề gây sốc), hoặc những tác phẩm thuộc về những thể loại văn học giải trí, “cận văn học” như truyện trinh thám, truyện kì ảo, truyện tranh, truyện cười… thì không đáng để phê bình. Đây là một sự thiên lệch đáng tiếc, bởi bản thân phê bình không phải là một hệ tiêu chí giá trị, mà là một công cụ cắt nghĩa, có văn chương phổ thông, văn chương giải trí thì cũng cần có những công trình phê bình văn học tương ứng. Thậm chí, chức năng định hướng và dẫn đường của phê bình đối với văn chương phổ thông này lại càng tỏ ra quan trọng. Có một thực tế là, ở ta phê bình văn học thường chọn đối tượng một cách rất nghiêm túc, kinh viện, nhưng phương pháp và thái độ làm việc đôi khi lại sơ suất, cẩu thả. Trong khi đó, phê bình văn học thế giới đôi khi trước những đối tượng hết sức phổ thông, mang tính giải trí, nhưng phương pháp, thái độ làm việc lại vô cùng nghiêm túc và khoa học, từ đó mang lại những thành tựu không thể xem thường. Không phải ngẫu nhiên mà ngành phê bình manga (truyện tranh) ở Nhật vô cùng phát triển, T.Todorov chuyên tâm viết chuyên luận Dẫn luận về văn chương kỳ ảo hoặc tiểu luận Loại hình của tiểu thuyết trinh thám (in trong Thi pháp văn xuôi). Trên thế giới, Hiệp hội những người nghiên cứu văn học kỳ ảo cũng đã được thành lập tại Bruxelles ngay từ năm 1963. Một loạt những nhà nghiên cứu – phê bình đã chuyên tâm nghiên cứu loại hình văn học kỳ ảo với những công trình lớn như Jean Delumeau (Phạm trù cái sợ ở phương Tây từ thế kỷ XIV đến XVIII), M.Schneider (Văn học kì ảo Pháp), Dan Pavel Sergiu (Văn xuôi kỳ ảo Rumani)…

Giá trị của phê bình văn học cũng thường xuyên được tranh cãi, một “bài” phê bình văn học là một loại “sáng tác” nghệ thuật đặc thù mang đặc trưng cảm tính, hay là một “công trình khoa học” thuần khiết mang đặc trưng lý tính? Tức là, phê bình văn học được mang lại giá trị nhân danh một hành vi sáng tạo, hay được đánh giá với tư cách một hoạt động nghiên cứu? Phê bình văn học là “nhân hình hóa” (nghệ thuật) hay “phi nhân hình hóa” (khoa học). Vấn đề cốt lõi này đã trở thành nguyên nhân xuyên suốt mọi cuộc tranh luận đầy hệ lụy chính trong lịch sử phê bình văn học. Bởi vì, từ đây, tùy theo quan niệm nào, mà các nhà nghiên cứu và nhà văn sẽ đưa ra những “quyết định luận” nghiệt ngã, nào là phê bình văn học là “con chó ăn theo nhà văn” hay “bà đỡ của tác phẩm”, là “kẻ thái giám bị vô sinh” hay “thứ siêu ngôn ngữ” (R.Barthes)… Tất nhiên, nói một cách “chiết trung”, mang tính “dĩ hòa vi quý” thì quá dễ. Phê bình văn học vừa là nghệ thuật vừa là khoa học, vừa cảm tính vừa lý tính, vừa nhân hình hóa vừa phi nhân hình hóa, nhưng lịch sử các trào lưu phê bình văn học không đơn giản như vậy. Có một số trào lưu nghiêng hẳn (chúng tôi không dùng từ tuyệt đối) theo hướng khoa học, lý tính, như phê bình xã hội học Marxist, ngôn ngữ học cấu trúc… Một số trào lưu khác lại nghiêng hẳn theo hướng nghệ thuật, cảm tính, đơn cử như phê bình ấn tượng. Trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, ở từng nền văn học dân tộc cụ thể, lại chứng kiến sự chiếm ưu thế, hoặc độc tôn của từng xu hướng ấy, dễ tạo ra cảm giác rằng, phê bình văn học nhất định A thì không B, hoặc B thì không A.

Việc chưa/không thống nhất được giá trị của phê bình dẫn đến thân phận chủ thể làm phê bình (nhà phê bình) cũng bất an. Nhà phê bình là nhà khoa học, hay là một nghệ sĩ, thậm chí có phải là một nhà báo bởi sự chiếm ưu thế ngày càng lớn của phê bình báo chí. Từ đó, ai có “uy quyền” nhất để làm phê bình, được xứng đáng thừa nhận là “nhà phê bình” chính danh? Nhà văn chuyên nghiệp, các giáo sư và nhà nghiên cứu văn học được đào tạo cơ bản, các nhà báo, các cán bộ tuyên huấn, các cây bút tay ngang vãng lai? Cuộc tranh luận tưởng chừng như vô nghĩa ấy ở ta nhiều năm qua về chủ thể phê bình chính danh phải là “phê bình có chuyên môn, học thuật” hay “phê bình tài tử” (từ chúng tôi tạm dùng) thực chất xuất phát từ những thái độ khác nhau của xã hội đối với thân phận thật sự của nhà phê bình.

Như vậy, cho đến nay, nhất là ở nước ta, phê bình văn học vẫn là bộ môn nằm giữa những lằn ranh quan niệm, cả trên nhiều phương diện như đối tượng khảo sát, phạm vi khảo sát, giá trị bản thể, chủ thể phê bình… Sở dĩ có hiện trạng ấy là bởi, khái niệm “Phê bình văn học” được dùng theo nhiều khung nghĩa rộng hẹp khác nhau. Sự đối kháng giữa nhiều trào lưu phê bình kế tiếp nhau trong tiến trình văn học, quan trọng hơn, bản thân đối tượng phê bình văn học lại chịu nhiều tác động sâu sắc từ những thiết chế bên ngoài nó. Đối với thực trạng nghiên cứu văn học Việt Nam, những lằn ranh bất định ấy lại càng trở nên phức tạp và rối rắm hơn, do chưa thống nhất được những cách quan niệm chung, sự coi nhẹ lý thuyết, cũng như sự tiếp thu còn e dè và chậm rãi những nền tảng lý thuyết mới của thế giới. Chính vì vậy, về mặt chủ quan, vấn đề đặt ra đối với phê bình văn học nước nhà là những cuộc đối thoại, tranh luận, trao đổi nhằm đi đến sự thống nhất về những vấn đề cơ bản của bộ môn phê bình văn học. Nhưng về mặt khách quan, bởi phê bình văn học là một bộ môn luôn vận động, và đặc trưng đối tượng khảo sát của nó cũng thường xuyên biến thiên, nên sẽ không bao giờ có thể xác định được ranh giới bất biến, cố định và cuối cùng, mà cần phải chấp nhận những lằn ranh bất định. Tóm lại, “Phê bình văn học” chỉ là một thuật ngữ mang tính chất “kí hiệu” (nói theo ngôn ngữ của kí hiệu học) nhằm vẫy gọi sự bổ sung ý nghĩa từ phía người đọc, hệt như biểu tượng “tên của đóa hồng” trong tiểu thuyết lừng danh cùng tên của Umberto Eco. Không có một đóa hồng cụ thể nào trong cuốn tiểu thuyết, cũng như không có một bộ môn phê bình văn học thống nhất và bất biến trong lịch sử.

Tư liệu tham khảo

  1. Lại Nguyên Ân (2003), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  2. Phạm Đăng Dư và… (2008), Giáo trình Lý luận văn học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  3. Henri Benac (2005), Dẫn giải ý tưởng văn chương, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  4. Trịnh Bá Đĩnh (2011), Phê bình văn học Việt Nam hiện đại, Nxb Văn học, Hà Nội.
  5. Lê Bá Hán và… (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  6. Brian Hill và… (2006), Để làm nên một Bestseller, Nxb Đà Nẵng, Tp Đà Nẵng.
  7. Phương Lựu (chủ biên) và… (2008), Lý luận văn học (tập 1), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  8. Đỗ Lai Thúy (2011), Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
  9. R. Wellek và… (2009), Lý luận văn học, Nxb Văn học, Hà Nội.

Nguồn: phebinhvanhoc.com.vn