Trích bài nói chuyện của nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Thực trạng về văn hóa đọc hiện nay

Khi nói đến sách, người ta thường nghĩ đến sách văn học. Từ cổ chí kim, trong lịch sử phát triển của loài người, sách văn học luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu. Người Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, không thể phủ nhận vai trò của thơ ca, với những áng thơ văn bất hủ. Mỗi người Việt Nam đều ẩn chứa trong tâm hồn mình là một nhà thơ. Chỉ nhìn vào số lượng người tham gia Ngày hội Thơ Việt Nam diễn ra hàng chục năm gần đây do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hoàng thành Thăng Long (rằm nguyên tiêu hàng năm), người ta cũng phải thừa nhận: người Việt Nam còn rất yêu và trọng thơ văn.

Nhưng một nghịch lý là: thời đại ngày nay, văn chương không phải là loại sách được quan tâm nhất.

– Số lượng sách in ra quá thấp so với dân số, nhưng vẫn không phát hành được

Qua khảo sát thực tế, bình quân mỗi đầu sách hiện nay in tại Việt Nam (qua việc xin cấp phép và phần ghi ở xi-nhê) chỉ khoảng từ 1000 cuốn (sách văn học) đến 3000 cuốn (sách đời sống, cẩm nang…). Một con số quá thấp so với dân số cả nước.

Chiểu theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản thì nếu chia lượng sách phát hành mỗi năm ra, bình quân một người Việt Nam được đọc 2,8 cuốn sách. Số lượng sách bình quân đầu người ít, nhưng số sách đến tay bạn đọc, và được đọc còn thấp hơn nhiều.

– Sách văn học kém vị thế

Việc mở cửa giao thương đã giúp nhiều nhà sách chạy đua mua hoặc xin bản quyền sách dịch. Những ý tưởng mới. Những cách suy nghĩ khác biệt ùa đến nhập rất nhanh vào con tim khối óc những tâm hồn Việt trẻ. Dường như họ được giải phóng khỏi những quan niệm những đường kẻ mang đậm hình bóng lũy tre xanh của làng quê Việt, hay những hình ảnh mái ngói nhấp nhô đô thị… Các công ty mua bản quyền sách dịch tổ chức nhóm dịch thô, rồi chuyển bản dịch thô đó cho nhóm biên tập vừa mới rời ghế đại học. Dịch giả vô danh nhiều nhan nhản. Không còn khái niệm dịch giả là người sáng tạo thứ hai nữa. Nhưng chính lối hành văn dịch xuôi ảnh hưởng lối văn nói văn mạng của thời công nghệ 4.0 đó đã khiến cho giới trẻ ào đi tìm mua các cuốn sách dịch được truyền thông khá bài bản, khá rầm rộ.

Việc bán giấy phép dễ dàng tràn lan của các nhà xuất bản cũng là một vấn đề góp phần làm cho uy tín tác phẩm Việt giảm dần. Nhiều người cứ có tiền là tự in, tự xin giấy phép, trả từ 2 đến 5, 7 triệu là có được một giấy phép xuất bản. Rồi cả quy trình dàn trang, làm bìa, in ấn đã có rất nhiều công ty xuất bản tư nhân làm giúp. Cùng với việc truyền thông bằng các phương tiện, nhiều tác giả nổi tiếng trên thị trường sách là do được quảng bá bằng nhiều chiêu trò, trong khi tác phẩm của họ chưa đủ độ sâu sắc, không có hành văn độc đáo mới lạ, lổn nhổn câu chữ học mót bên ngoài.

Độc giả bị lạc hướng, không biết đâu là tác phẩm văn học hay. Sách văn học trong nước trở nên hiu hắt bị bỏ rơi dần. Các tập tiểu thuyết, truyện ngắn còn bán được; các nhà thơ in thơ hầu như chỉ để tặng bạn bè.

Công nghệ thông tin phát triển, đáp ứng cộng hưởng, người ta có thể tìm đọc rất nhiều sách điện tử trên mạng.

Rồi cả thập niên qua, kinh tế đất nước gặp lúc khó khăn. Hơn 2 năm đại dịch covid khiến nhiều lĩnh vực bị ngừng trệ, đặc biệt mảng sách văn học có nguy cơ bị coi là sản phẩm văn hóa không thiết yếu, đến nay vẫn chưa hồi phục được.

Các hội chợ sách vẫn rất đông người đến tìm chọn mua sách. Nhưng sách mà phần đông giới trẻ tìm mua lại là những cuốn cẩm nang dạy làm giàu, dạy cách kinh doanh, cách quản lý, đắc nhân tâm… Mà những cuốn đó, đa số cũng là sách dịch một cách cẩu thả, sai lệch.

– Mô hình thư viện lạc hậu và bị lạm dụng

Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố đều có Thư viện.

Những cuốn sách giá trị in ra không nhiều mà giá bìa cao, nên việc các Thư viện tuyến tỉnh, huyện… nhập được những sách hay là không thể.

Hầu hết tại các Thư viện tỉnh, huyện… đều chỉ nhập những loại sách rẻ tiền, hoặc nhập những loại sách theo xu hướng giải trí nhất thời như truyện tranh của Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc; các loại truyện chưởng, trinh thám, các tập truyện của các tác giả do quen biết mà nhập được vào luồng thư viện… Nhiều cuốn trong số này là loại sách không bán được trên thị trường sách.

Người làm công tác thư viện không có đủ kiến thức cho việc kiếm tìm sách, hướng dẫn người đọc, thậm chí không coi trọng sách và không biết mấy về các nhà văn và những người viết sách. Cũng rất ít kết nối với nhà văn, không hiểu và không nắm được cần giao lưu với nhà văn nào, chỉ biết các tác giả dựa vào truyền thông quảng bá rầm rộ mà không tìm được đến những nhà văn đích thực.

Các độc giả ở những tỉnh xa rất thiệt thòi, không được biết đến những cuốn sách đang được đón đọc, đang hot, hoặc những cuốn văn học cổ điển, văn học hiện đại trong nước cũng như thế giới.

Từ đó dẫn đến những lệch lạc trong Văn hoá Đọc.

Tại Thư viện quốc gia, nơi lúc nào cũng kín người, nơi có thể hy vọng đến tương lai phát triển của văn hóa đọc, thay vì trang trí lên tường những gì tốt nhất cho một chốn đọc sách lý tưởng, người ta đã phải treo những dòng chữ: “Không vứt kẹo cao su ra sàn nhà”, “Đề nghị không nói chuyện riêng”, “Không hút thuốc lá trong phòng”… và buồn hơn nữa là “Không xé cắt tài liệu trong thư viện”. Điều này phản ánh những thói quen xấu của lớp người đọc trẻ tuổi, lớp người có thể làm trụ cột cho văn hóa đọc của đất nước.

– Những người đọc sách là ai?

Theo chủ quan cá nhân, những người hiện nay cần phải đọc sách nhất là tầng lớp học sinh sinh viên và các nhà quản lý trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị.

Nhưng học sinh sinh viên thì không biết cách đọc sách. Còn các nhà quản lý thì quá bận để có thể ngó ngàng đến sách. Các bà nội trợ thích văn hóa nghe nhìn hơn. Người lao động bao gồm cả công nhân và nông dân, người làm thuê… chuyện đọc sách không phải là nhu cầu bức thiết như việc lo cơm áo gạo tiền.