Những Viên Thuốc Giả Cho Một Cơn Điên Thật

Truyện ngắn Hoàng Chính

“Em hết điên rồi. Bác sĩ cho em về nhà đó anh,” giọng hân hoan của người đàn bà xoáy vào không gian cái hào hứng của kẻ vừa hay tin mình trúng số. “Bác sĩ nè. Bác sĩ muốn nói chuyện với anh nè.”

Một giọng nói khác. Trầm, vững chãi, và bằng tiếng Anh. Anh nhận ra giọng của bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Anh áp sát ống nghe điện thoại vào tai.

“Chúng tôi dự tính cho vợ ông xuất viện,” bác sĩ nói. “Ông lại bệnh viện bây giờ được không?”

Anh dặn cô gái giữ trẻ coi dùm em bé tới chiều, rồi vội vã phóng xe đi. Cơn vui khiến anh hai lần suýt vượt đèn đỏ. Mấy lần tiếng còi xe của thiên hạ làm anh điếng hồn.

Vừa thấy anh, vợ anh chạy tuông ra khỏi phòng bệnh. Cô y tá vội bước nhanh lại đón đầu. Và dịu dàng dẫn vợ anh trở về phòng. Vợ anh ngểnh cổ, vẫy tay với anh. Anh vẫy tay đáp lời. Anh lấy điện thoại di động, mở hình con gái, nhờ cô y tá đưa cho vợ. Vợ anh đón lấy cái điện thoại, ngồi xuống cạnh giường, dán mắt vào khung hình.

“Nếu tôi cho vợ ông về nhà, ông có thể chăm sóc bà ấy được không?” Ông bác sĩ hỏi ngay khi còn chân trong chân ngoài khung cửa phòng chờ đợi.

Anh nhìn bộ râu mép vàng hoe, vội vã gật đầu, “Được chứ.”

“Ông có chắc không?”

Anh quay đầu nhìn qua phòng bệnh. Vợ anh ngồi co trên giường, bấm từng bức hình và chăm chú nhìn. Nụ cười vướng trên môi.

“Chắc chứ,” anh quả quyết. Anh cố gắng thuyết phục bác sĩ là vợ sẽ được chăm sóc chu đáo và canh chừng kỹ lưỡng. Rồi anh sựng lại. Lần trước, cũng bệnh viện này, cũng trại bệnh này, và cũng ông bác sĩ này, anh đã nói như thế. Anh ngừng lại một giây để suy nghĩ, rồi đổi giọng, “Nhà tôi nhớ cháu bé, nó mới hơn một tuổi, nó sẽ giúp nhà tôi lắng xuống, cũng tốt cho việc điều trị. Bác sĩ thấy cô ấy đang xem hình con bé kìa.”

Anh nhướng mắt về phía phòng bệnh. Ông bác sĩ vẫn đăm đăm nhìn anh. Anh nghĩ đến những bóng người vật vờ ngoài hành lang khu bệnh tâm thần mà anh vừa phải nhanh chân tránh né. Những chiếc áo choàng bệnh viện lếch thếch quét sàn nhà, những mắt nhìn đờ đẫn, những cánh tay đưa lên rồi rụng ngay xuống hai bên thân mình, những khóe cười nhếch nhác, vô hồn. Anh hít một hơi dài, cố xuống giọng thuyết phục. “Ở đây, bên cạnh những bệnh nhân khác, không có khuôn mặt quen thuộc nào, không tốt cho nhà tôi.”

“Tôi hết điên rồi bác sĩ ơi,” vợ anh nói vọng ra từ phòng bệnh.

Dù không hiểu tiếng Việt, ông bác sĩ cũng gật gù, “Tôi biết.”

Vợ anh còn rất trẻ, sao lại có thể trở thành một bệnh nhân tâm thần như thế. Câu hỏi ấy quần trong óc anh như cơn lốc mấy tháng trời nay. Bác sĩ nói em bị tâm thần. Mẹ anh nói em bị điên. Bà già lẫn rồi anh ạ. Anh vẫn nhớ những câu nàng từng nói khi vừa phát bệnh. Đợt ấy, nàng nói lung tung. Chuyển đột ngột từ chuyện này sang chuyện kia. Không theo kịp câu chuyện của vợ nên anh chỉ gật đầu. Anh gật đầu liên tục trong lúc nàng thao thao hết chuyện này sang chuyện khác. Nàng kéo lê anh từ xứ sở thần tiên ra cuộc sống sần sượng bên ngoài. Đang từ vực sâu của cơn trầm cảm nàng bay vút lên cao như ngọn pháo bông, và nổ tung, tỏa sáng khắp bầu trời.

Rồi nàng nuốt hết những viên thuốc trong cái lọ mà bác sĩ đã dặn đi dặn lại mỗi ngày chỉ uống hai viên. Lần ấy rửa ruột xong, người ta chuyển nàng vào bệnh viện tâm thần.

Hôm nay vợ anh có vẻ đằm. Chắc nhờ điều trị. Trong thâm tâm, anh muốn vợ ở nhà, đỡ phải thuê người trông con bé trong lúc anh đi làm. Mấy tháng trời nay đời sống anh vùn vụt lao đi như mũi tên, từ nhà đến bệnh viện thăm vợ, từ nhà đến viện dưỡng lão thăm mẹ, và từ nhà đến chỗ làm. Nhiều lúc anh thấy mình chỉ là chiếc bóng nhập vào đám đông vô hồn. Nhiều hôm phải chở con bé lại nhà cô giữ trẻ bởi hôm ấy cô ta không có xe, chiều tối phải đón nó về. Mấy tháng trời nay, anh vừa làm con, vừa làm bố, vừa làm mẹ, và vừa làm chồng; làm chồng nhưng không hẳn là chồng, bởi giường vợ chồng anh chỉ nhàu nhò có một nửa, phía bên anh.  

“Ông có sợ bà sẽ tự tử như lần trước không?” Bác sĩ đột ngột hỏi.

“Vâng,” anh vội vã gật đầu. “Tôi cũng lo nhưng tôi sẽ canh chừng nhà tôi. Tôi sẽ giấu thuốc, dẹp bộ dao trong bếp, tôi sẽ…”

Bác sĩ nhìn thẳng vào mắt anh, “Thường thì bệnh nhân có ý định tự tử và đã chọn một phương pháp nhất định nào đó để kết liễu đời mình, rồi được cứu sống, thì nếu có tiếp tục tự tử nữa, họ sẽ chọn đúng phương pháp ban đầu cho tới khi thành công hoặc được điều trị hết hẳn chứng trầm cảm. Dĩ nhiên mình phải cảnh giác để không có bất cứ thứ gì gây nguy hiểm cho người bệnh. Điều cần biết là bệnh nhân thường theo đuổi cách tự tử ban đầu.”

Lần trước ông bác sĩ cũng nói hệt nói thế. Và ông nhắc đi nhắc lại, không cho vợ giữ hoặc biết chỗ chồng giấu thuốc. Đến giờ đưa cho vợ hai viên, bắt uống tại chỗ rồi bắt há miệng ra để kiểm soát xem đã nuốt chưa. Lần xuất viện trước của vợ, anh vẫn làm như thế. Đôi môi hồng mở ra, những chiếc răng trắng đều, đầu lưỡi lo le. Nàng vẫn đẹp và lôi cuốn dù đã trải qua vài cơn điên loạn. Những cơn cuồng trí như những trận bão nhiệt đới bất thần dạt về. Tàn cơn, trong khi giông tố để lại cái tan hoang trên mặt đất thì cơn điên chỉ để lại cho nàng một thân thể mỡ màng, no tròn vì tác dụng của thuốc. Sẽ phải giấu thuốc thật kỹ. Anh hứa đi hứa lại là sẽ làm đúng như thế.

Khi ông bác sĩ nhắc lại đến lần thứ ba thì anh bực mình, gằn giọng, “Tôi biết. Tôi không phải con nít.”

Bác sĩ thản nhiên, “Không phải chỉ con nít mới hay quên.”

Cô y tá đứng kế bên pha trò, “Bác sĩ phải làm ông nổi giận thì bảo đảm ông sẽ không quên.”

Anh nhớ lần thăm viếng trước, vợ đờ đẫn như con zombie trong phim kinh dị, trái ngược hẳn với lúc lên cơn, phải đưa gấp vào bệnh viện. Lần ấy vợ bỗng dưng nổi cơn điên, xách dao chém anh, đòi giết “the bad guy” ở bên trong con người của anh.

Hôm nay anh tin vợ anh có thể xuất viện. Nàng tươi tắn và vui vẻ, trong phòng bệnh nàng đi tới đi lui nhanh nhẹn dù thân hình không còn thon gọn kiểu gái một con như thiên hạ vẫn rêu rao là trông mòn con mắt.

Trước khi ký giấy cho anh đưa vợ về nhà, bác sĩ liếc vào phòng bệnh, nơi vợ anh đang chăm chú xem hình con gái trên điện thoại của chồng, bác sĩ nói nhỏ với anh, “Một trong những biến chứng của Zoloft là làm giảm sự ham muốn tình dục.” Bác sĩ dừng lại, nhìn anh, như thể đo lường mức độ hiểu biết của anh về vấn đề này, nhưng anh đã nhanh chóng gật đầu. Và anh lẩm bẩm, “Không sao.” Trong đầu anh hiện ra những con số. Bốn tháng là mười sáu tuần. Thêm hai tuần của tháng này là mười tám tuần. Anh cúi đầu, nhíu mày lẩm nhẩm đếm. Mười tám tuần là 126 ngày, thêm vài ngày lẻ của tháng này nữa là một trăm ba mươi bốn. Một trăm ba mươi bốn ngày không gần gũi. Một trăm ba mươi bốn ngày không sex. Một trăm ba mươi bốn ngày thèm chết được chút hương quen. Lần cuối hai người ân ái với nhau, anh chưa quên đi được.

Anh làm sao quên được lần ấy. Đang đờ đẫn trong nhau, vợ đẩy bật anh ra, đạp anh ngã xuống sàn nhà, và cuống cuống chạy xuống bếp, không mảnh vải trên thân thể trắng hồng. Con dao rút vội khỏi chỗ cắm, vang lên một tiếng rít sắc gọn. Con quỷ, con quỷ nó đeo trên vai anh, em phải giết nó, phải băm nó thành trăm mảnh. Từ hôm ấy, vợ lại thành bênh nhân viện tâm thần, và cũng từ hôm ấy anh luôn rùng mình khi nghĩ đến tình dục.

Thành ra anh ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào con mắt biếc xanh của ông bác sĩ, “Không sao!”

Trên đường về, vợ anh tíu tít, “Mẹ sao rồi anh?”

“Mẹ vẫn bình yên trong nhà dưỡng lão,” anh trả lời.

Nàng cau mày, nói nhỏ, giọng ngậm ngùi, “Tội nghiệp mẹ ở một mình nơi xa lạ.”

Câu nói của vợ làm anh áy náy. “Nhưng ở trong ấy có người trông chừng và săn sóc, hơn hẳn ở nhà.” Anh nói với vợ và cũng để trấn an chính lòng mình.

Chợt vợ hỏi, “Thuốc của em đâu?”

“Anh cất kỹ lắm, không mất được đâu, đừng lo,” anh dịu giọng.

Về đến nhà, anh dẫn vợ đi mọi chỗ trong căn nhà nhỏ, chỉ từng phòng, từng đồ đạc cho vợ, như thể giới thiệu với người khách đến thuê phòng.

Vợ bảo, “Em nhớ mà, phòng bé Angela đây, nhà bếp đây… Còn đây là phòng mình.” Vợ xoa tay trên mặt gối, “Chỗ nằm này là của em, chỗ của anh bên cạnh đây nè.”

Anh hình dung thân thể vợ cong như con tôm trên mặt nệm, nàng hay nằm co và quay lưng về phía chồng, hình ảnh ấy khiến cơn rạo rực lướt qua da thịt anh. Anh âm thầm nuốt nước bọt. Bình thường mỗi khi đi chơi xa, đến một nơi nào đó, anh thường thèm ân ái với vợ, như đánh dấu một chặng đường. Sau mấy tháng trời vắng hơi nhau, trở về chốn cũ, chẳng khác gì vừa đến một nơi xa lạ khác, và dấu tích di truyền nào đó trong nhiễm sắc thể anh thúc dục chuyện ái ân, cái nôn nào ấy bỗng dưng làm anh xao xác cơn thèm.

Nhưng hình ảnh lưỡi dao sáng loáng chợt lóe lên trong óc anh, như lúc vợ anh quơ nó lên, lưỡi dao sáng phản chiếu ánh đèn, lóa con mắt anh. Tia sáng ấy ăn sâu vào võng mạc anh, như vết nám ngọn lửa ở Hiroshima cày trên đáy mắt những người dân Nhật thời Thế Chiến Hai vĩnh viễn thành vết sẹo.

Cô gái giữ trẻ xin phép ra về. Anh cảm ơn và chúc cô ta một buổi chiều vui, nhưng vợ anh chỉ nhìn cô ta bằng ánh nhìn lạ lẫm. Chờ tiếng xe của cô giữ trẻ xa dần, vợ nhìn anh, hỏi, “Anh có ngủ với con bé ấy chưa?”

Anh tròn mắt ngạc nhiên, toan gân cổ lên chống chế, nhưng kiềm ngay lại được, anh biết rõ chứng hoang tưởng là một triệu chứng cơn bệnh của nàng, và anh choàng tay ôm lấy vai nàng, nhỏ nhẹ, “Làm gì có chuyện đó.”

Con bé lon ton chạy lại nắm lấy tay mẹ kéo đi. Nó rủ mẹ chơi với nó, bàn tay nhỏ bé nắm lấy ngón tay mẹ. Tội nghiệp con bé. Mấy tháng trời nay chỉ loay hoay ngồi chơi một mình. Vợ anh quay đầu mỉm cười với anh rồi theo con bé ra phòng khách.

Anh yên tâm vì trí nhớ vợ đã phục hồi.

Chợt điện thoại réo vang. Nhà dưỡng lão. Nơi mẹ anh ở tạm. Cái giọng hoảng hốt bảo anh đến gấp. Mẹ anh bị ngã. Anh vội vã hôn con, ôm và hôn vợ rồi cuống cuồng lái xe đi. Bốn mươi lăm phút trên xa lộ. Người ta chỉ nói là mẹ anh bị ngã. Không thêm chi tiết nào. Hình ảnh mẹ bó bột trắng xóa hai cánh tay hay hai chân loáng thoáng trong óc anh. Lấn át cả hình ảnh đường phố chung quanh.

Không muốn chờ cái thang máy ọp ẹp, anh chạy bốn dãy cầu thang lên tới phòng của mẹ. “Mẹ có sao không? Mẹ có sao không?” Anh ôm chầm lấy mẹ, rối rít hỏi.

Bà cụ nằm trên giường, bàn tay trái nắm chặt lấy cổ tay phải. Anh buông mẹ ra, gỡ nhẹ những ngón tay của mẹ, bày ra cái cổ tay sưng húp. “Chắc gẫy xương, con ạ.” Mẹ anh thì thào.

Anh chạm nhẹ vào chỗ sưng, mẹ anh la hoảng, rụt tay lại.

“Đừng làm gì hết, chờ đi chụp quang tuyến,” đứng bên cửa, cô y tá nói. “Chắc trật khớp…”

Anh ngồi xuống chiếc ghế kê ở đầu giường.

“Đau lắm hở mẹ?”

Bà cụ gật đầu. Hai con mắt nhắm nghiền.

“Chắc họ sẽ băng bột cho mẹ,” anh nói.

Bà cụ lại gật đầu. Hai mắt nhắm như đang ngủ. Anh bước ra hành lang, gọi điện thoại về nhà.

Vợ anh tíu tít, “Em với bé Angela đang uống trà, mình làm tea party anh à.” Giọng nàng đặm nét trẻ thơ làm lòng anh nhói lên cảm giác yêu thương. Cái giọng của cô gái mới lớn, hồi hai người mới quen nhau.

Anh cố không hỏi thẳng đến những triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, buồn ói, bực bội, lo lắng, mệt mỏi… những thứ đẩy nàng đến cơn điên bất ngờ mấy tháng trước. Anh chỉ hỏi bóng gió, xa xôi để nghe vợ trả lời rồi suy đoán ra tâm trạng của nàng.

“Hai mẹ con chơi vui không?”

“Vui lắm anh, à mà bệnh viện không biết đếm anh à.”

“Sao lại không biết đếm, mà đếm cái gì chứ?”

“Thuốc an thần đó anh. Ngoài lọ ghi sáu mươi viên mà em đếm có tới sáu mươi hai viên. Em đếm mấy lần rồi mà vẫn sáu mươi hai anh ạ.”

Anh điếng người. Tim anh đập muốn vỡ tung lồng ngực. Lời dặn của bác sĩ quẫy động trong đầu. Cú điện thoại khẩn cấp từ viện dưỡng lão làm anh quên bẵng lọ thuốc của vợ. Đầu óc anh rối bời, anh không nhớ mình để quên nó ở đâu nữa. Nhưng giờ này quên ở đâu chẳng còn quan trọng, vợ anh – con bệnh tâm thần đã mấy lần tự tử hụt, đang cầm lọ thuốc ấy trong tay. Anh vội vã dặn lòng đừng nhắc đến những gì có thể khơi gợi ý nghĩ về nỗi lo âu, cơn hoảng hốt, thuốc an thần, và nhất là sự chết trên điện thoại với vợ.

Đầu kia, vợ anh vẫn nói một cách hào hứng như đứa bé vừa được xem một màn ảo thuật đầy thích thú có cụm bông gòn biến thành con thỏ trắng. “Em đếm mấy lần rồi đó anh. Lần nào cũng ra sáu mươi hai. Bây giờ em không biết bác sĩ đếm lộn hay em đếm lộn nữa. Mà chắc em đếm lộn quá. Người ta đã học đến bác sĩ rồi làm sao mà đếm lộn được. Em làm đủ cách để kiểm chứng mà vẫn không ra. Em nhắm mắt để đếm cho công bằng nhưng vẫn ra sáu mươi hai. Rồi em mở mắt, nhìn trừng trừng vào từng viên thuốc để đếm, như cô giáo nhìn từng đứa học trò, không cho chúng nó gian lận lúc làm bài thi. Nhưng em nhìn kỹ lắm, không có viên nào gian lận hết. Vẫn sáu mươi hai viên anh à. Rồi em đếm từng viên, em nhìn thật kỹ từng viên, thỉnh thoảng lại gặp một viên không giống những viên khác. Hệt như đứa học trò lạ đi lạc vào lớp học. Nhưng mà vẫn sáu mươi hai…” Nàng nói không kịp thở, hệt như cái lần bắt đầu cơn điên loạn mấy tháng trước.

“Bé Angela đâu rồi?” Anh ngắt lời để đánh lạc hướng dòng suy nghĩ của vợ.

“Nó ngủ rồi. Ơ, anh hỏi làm em quên đếm đến đâu rồi. Bây giờ em phải đếm lại. Nhưng mà muốn chắc ăn, lúc đếm, em sẽ nếm thử từng viên một, để xem nó có khác gì nhau không. Em sợ có thuốc giả lẫn vào, anh à. Chứ không sao tự nhiên sáu mươi lại thành sáu mươi hai chứ.”

Anh hoảng hốt, “Đợi anh về đếm với em.” Và chạy vào phòng mẹ. Cô y tá đang sửa cái gối nằm cho mẹ. Anh nói với cô y tá, “Làm ơn săn sóc mẹ tôi dùm tôi, tôi có chuyện khẩn cấp, phải đi ngay bây giờ.”

Mẹ anh nghe tiếng Anh chập choạng nhưng cũng mở choàng hai con mắt, hỏi với theo, “Mày mới đến làm gì mà vội về thế?”

“Có chuyện gấp mẹ ạ,” anh nói vội. Anh không muốn cho mẹ biết vợ anh bị tái phát triệu chứng rối loạn lưỡng cực. Lần đầu vợ vào bệnh viện, mẹ anh đã quả quyết “Nó điên đấy!” Và anh vẫn nhớ hồi mới quen nàng, đưa về ra mắt mẹ, mẹ anh không nói gì, nhưng đến tối lúc chỉ còn hai mẹ con, mẹ nói với anh mỗi một câu, “Tao thấy nó không được đâu!”

Tiếng vợ anh vẫn xôn xao trong điện thoại, “Anh biết không, em thử nín thở để đếm, để khỏi bị tiếng thở của em làm ồn, làm em rối trí đếm lộn nhưng chỉ nín thở mà đếm được tới viên thứ sáu là đã mệt muốn chết rồi anh.”

Những chữ “nín thở, mệt, chết” vang lên trong óc anh như những tiếng nổ bom của bọn khủng bố. Vợ anh đã ba lần cố nín thở để chết nhưng không làm được.

Anh đề máy xe, sang số rầm rộ và đạp ga lao vào dòng xe cộ. Lại bốn mươi lăm phút lái xe trên xa lộ. Tiếng bánh xe cày lên mặt đường nghe chói gắt, như móng tay cào vào màng nhĩ. Lúc vừa vượt qua cái đèn đỏ ở ngã tư, anh nghe lẫn trong tiếng còi xe thiên hạ, giọng trẻ thơ của vợ anh léo nhéo trong điện thoại, “Không sao đâu anh, nếu nếm mà không giải đáp được thì em sẽ nuốt xuống cổ họng từng viên một xem chúng nó có khác gì nhau không, chứ bên ngoài ghi sáu mươi mà đếm hoài vẫn là sáu mươi hai thì tức điên lên được. Không tìm ra được lý do, em khó chịu lắm. Nhất định phải có thuốc giả anh ạ. Quên nữa, để em lấy ly nước. Không có nước, viên thuốc dính ở cổ họng đắng chịu không được.”

“Chờ anh về đếm với em,” anh gào lên trong điện thoại. Vợ anh chợt im bặt. Anh nhấn ga vượt qua ngã tư khi đèn đường vừa đổi sang màu đỏ. Anh nói như năn nỉ, “Em chờ anh nhé, chờ anh về đếm với em. Hai người đếm thì chính xác hơn mà.”  

Chợt có tiếng sụt sùi. Rồi vợ anh bật khóc. Mắt anh mờ đi, anh cố xuống giọng ngọt ngào, “Chờ anh về, em à. Anh đếm với em. Chờ anh, anh đã ra xa lộ rồi, chỉ còn bốn mươi phút nữa là anh về tới, em ơi, em đâu rồi? Chỉ còn ba mươi chín phút nữa thôi…”

Trong cơn tuyệt vọng, anh thầm ước toàn bộ sáu mươi hai viên thuốc bệnh viện cho vợ anh là thuốc giả. Để nàng không phải vào bệnh viện rửa ruột thêm lần nữa, để bé Angela không mất mẹ, và vợ anh còn mãi sống đời với anh.

Chưa bao giờ anh thấy những món hàng giả lại có giá trị như phút giây này.

hoangchinh.com