“ LẠ LÙNG BÓNG GIAI NHÂN” là tập bút ký, tập hợp những bài viết tâm huyết nhất về văn hóa Việt Nam, văn hóa Hà Nội của nhà báo Cao Minh.
Có thể nói đây là những bài ca, ca ngợi vẻ đẹp thuần phác của nền văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam được bộc lộ qua hội hè, đình đám, lễ nghi phong tục và các hoạt động khác.
Vẻ đẹp của nền văn hóa Việt được sản sinh chủ yếu từ các làng quê Việt Nam, và nó được cất giấu kỹ càng trong mỗi trái tim Việt.
Việc này tác giả lý giải: ” Cũng không biết tự bao giờ những câu dân ca, những làn điệu chèo, những cánh cò bay lả bay la… đã thấm trong tôi – một người sinh ra giữa chốn thị thành! Có phải chăng trong mỗi con người chúng ta hôm nay dù đã nhuốm bụi trần, đã phai màu rơm rạ vài thế hệ ở chốn phố phường, nhưng trong thẳm sâu vẫn thấp thoáng đâu đó tiếng gọi của khóm tre, bờ lúa….
Quê hương là gì, nếu không là tiếng mõ trâu lốc cốc những chiều tà, tiếng xào xạc cành tre những trưa hè nắng gắt… những gõ gạch lát nghiêng dẫn đến nếp nhà tranh đơn sơ sau bụi ruối, bụi cúc tần, vọng đưa kẽo kẹt cánh võng với giọng bà à ơi ru cháu…”.
Điều mà tác giả mô tả với tình cảm da diết đó chính là HỒN QUÊ. Thật vậy, đã là người Việt Nam thì ai chẳng có một chút hồn quê, dù bước chân đã đặt tới muôn nẻo đường đời.
Đúng như tác giả tự sự, nền văn hóa Việt Nam chủ yếu là văn hóa làng xã, bởi nó được hình thành từ làng xã, ăn sâu bám rễ vào làng xã, nó được gìn giữ và truyền đời cũng từ cái nôi làng xã. Chính vì vậy, dù trải qua vật đổi sao dời với cả ngàn năm Bắc thuộc, ngót trăm năm Pháp thuộc với đủ thứ mưu ma chước quỷ của kẻ xâm lược, chúng vẫn không thủ tiêu hoặc đồng hóa được nền văn hóa Việt. Một khi ngôn ngữ tiếng Việt còn, phong tục, tập quán và lễ nghi tín ngưỡng của người Việt còn, thì nền văn hóa Việt còn tồn tại một cách vững vàng. Điều đó cũng cắt nghĩa vì sao tác giả đã có mấy đời sinh ra từ chốn thị thành, mà vẫn cứ vương vấn HỒN QUÊ.
Với cảm nhận đó, tác giả đã hóa thân vào các hội hè, hóa thân vào các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa trên khắp mọi miền của đất nước, như Hội Lim với tiếng hát quyến rũ hồn người của các liền anh liền chị xứ Kinh Bắc. Như cảnh đẹp Sa Pa, như nhị nữ Trưng Vương, kỳ tích thành Nhà Hồ…
Tác giả mô tả vẻ đẹp hùng vĩ và tài năng của người dân Việt đã dựng được một tòa thành kỳ vĩ chỉ trong ba năm trời, và nó vừa được UNESCO xếp hạng di sản văn hóa vật thể thế giới. Tuyệt nhiên tác giả không ca ngợi cha con Hồ Quý Ly, bởi chính Hồ Quý Ly là kẻ đã làm tiêu tan sức mạnh và ý chí quật cường của dân tộc, khiến dân tộc mất sức đề kháng, khiến non sông rơi vào tay giặc. Và chỉ ít lâu sau khi giặc Minh tràn vào bờ cõi, thì cả ba cha con Hồ Quý Ly đều bị giặc bắt. Còn cái tòa thành đá, một thứ kỳ quan kia thì lại không có khả năng phòng thủ, thậm chí “thành Nhà Hồ” không kịp nổ một phát súng nào vào quân Minh xâm lược, trước khi chúng hạ thành.
Tuy là với thể bút ký, nhưng tác giả không ngại đi vào các góc khuất của các vĩ nhân. Trường hợp vị tướng tài ba Nguyễn Bình chuyển hướng từ đảng viên Quốc dân đảng, sang hàng ngũ những người cách mạng theo Đảng Cộng sản. Và những kỳ tích có một không hai của ông từ những ngày đầu khởi nghĩa của Cách mạng Tháng 8 năm 1945, rồi được Cụ Hồ biệt phái vào Nam Bộ, thu phục các giáo phái hòa hợp với Việt Minh thành lực lượng kháng chiến… Về tướng Nguyễn Bình hiện nay vẫn còn là một bí ẩn, và bài viết về ông của nhà báo Cao Minh in trên báo Hải Phòng tháng 11 năm 2008, dường như là bài báo đầu tiên nói được hơi kỹ về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Cái khoảnh khắc “mờ chồng” này hẳn còn phải đợi các sử gia tài ba và gan góc đi vào khám phá, chứ như hiện nay thì đúng như Nguyễn Trãi từng than: ” Ai ai đều đã bằng cân hết. Nước chẳng còn có Sử Ngư”- ( Sử Ngư là nhà chép sử trung thực, nổi tiếng cương trực của Trung Hoa thời cổ đại).
Tôi thật không ngờ, nhìn vẻ ngoài thư sinh của chàng trai Hà Nội này thế mà đã từng là lính ” Giải phóng quân”, đánh vào tới tận Sài Gòn, tận Dinh Độc Lập. Đất nước yên bình, chàng trở về quê hương học đại học và ra làm báo. Tôi từng biết Cao Minh đã làm trong các báo ” Người Hà Nội”, ” Thể thao Văn hóa Hà Nội”, ” Sài Gòn Giải Phóng”, thường đọc các bài bút ký văn học của anh vào các dịp Hà Nội giao mùa, nói về vẻ đẹp khôi nguyên của Hà Nội; nhưng bức xúc và xót xa bởi vẻ đẹp đó cứ mất dần trong sự tàn phá phũ phàng của những nhà quản lý thiếu văn hóa.
Đọc tới bài ” Công nữ triều Nguyễn mở cõi”, tôi thật ngỡ ngàng về cái bút ký khảo cứu về lịch sử này.
Tác giả đưa ra ánh sáng về công lao và sự nghiệp của một trang nữ lưu đã góp phần to lớn vào công cuộc mở mang bờ cõi, mà bấy lâu nay vẫn bị khuất chìm trong mớ thư tịch cổ. Có thể nói đây là một Huyền Trân công chúa thứ hai của Đại Việt.
Tác giả viết thật có nghề: điền dã, nghiên cứu, khảo tả công phu như là một cây bút viết về lịch sử thuần thục nhưng với cách nhìn mới. Bài viết đã cung cấp cho ta nhiều thông tin lịch sử bổ ích, cũng như tài năng và tấm lòng yêu nước của Công nữ Ngọc Vạn, là con gái của vị chúa Sãi ( Nguyễn Phúc Nguyên) được gả cho vua nước Chân Lạp. Công lao của bà đối với quê hương xứ sở được phát lộ cũng từ khi bà phải dời bỏ quê hương.
Phải nói, tất cả các bài viết trong tập sách này, mỗi bài một vẻ, bài nào cũng cung cấp cho ta một ít thông tin, một ít tri thức mà ta cần. Song tôi đặc biệt quý cái tình của tác giả phả vào bài viết về nhà văn Vũ Đình Long, tác giả của những vở kịch nói nổi tiếng như ” Chén thuốc độc” ( 1921), ” Tòa án lương tâm” (1923). Đó là những vở kịch nói đầu tiên của nền văn học nước ta viết theo lối văn hiện đại, và được công diễn nhiều đêm tại Nhà hát lớn Hà Nội, được công chúng nhiệt liệt hoan nghênh.
Cụ Vũ Đình Long sau mở nhà xuất bản Tân Dân vào đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, chuyên in sách văn chương. Tới năm 1934 lại mở thêm tuần báo ” Tiểu thuyết thứ bảy”. Tuần báo này chỉ đăng tải tiểu thuyết dài kỳ, truyện ngắn, và mỗi số chỉ chọn dịch một truyện ngắn hay của nước ngoài ( chủ yếu của các nhà văn Pháp ). Báo phát hành đúng vào sáng thứ bảy hằng tuần. Từ khi nhà xuất bản Tân Dân ra đời, dường như nó là cái nôi nuôi dưỡng cho các tài năng nảy nở. Phần lớn tác phẩm của các nhà văn kể từ Ngô Tất Tố, Lê Văn Trương, Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng, Trương Tửu, Nguyễn Vỹ, Vũ Hoàng Chương, Trúc Khê Ngô Văn Triện, Lan Khai, Vũ Trọng Phụng, Ngân Giang, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Bính…đều in ở đây.
Nhà xuất bản Tân Dân của nhà văn Vũ Đình Long là nơi đi về tin cậy của các nhà văn đương thời. Ông lo chu đáo nhuận bút cho mỗi tác phẩm khi ra đời, đôi khi còn in riêng cả trăm bản với giấy đặc biệt tặng cho tác giả. Nhiều khi chưa có bản thảo tác phẩm tác giả vẫn được ứng trước để có tiền sinh sống.
Nhà xuất bản Tân Dân thực sự là bà đỡ mát tay cho khá nhiều tác phẩm nổi tiếng của nhiều nhà văn nổi tiếng trong một thời gian dài, của nền văn học Việt Nam thời kỳ 1930-1945.
Công lao của cụ Vũ Đình Long và nhà xuất bản Tân Dân đương nhiên có địa vị xứng đáng trong văn học sử nước nhà. Để tri ân cụ, tưởng Hội Nhà văn Việt Nam nên có kiến nghị với thành phố Hà Nội để có một đường phố mang tên Vũ Đình Long.
Nhà văn Vũ Đình Long thực sự là một nhà văn hóa, một mạnh thường quân trong ngành xuất bản trước khi là nhà kinh doanh.
Sau năm 1954, Hà Nội nổi lên nhà xuất bản Minh Đức cũng có cái chí của nhà xuất bản Tân Dân. Rủi thay, nhà Minh Đức sinh bất phùng thời nên sa vào vòng lao lý. Sau nhà Minh Đức, lịm tắt một thời gian dài không có xuất bản tư nhân. Tới nay phần lớn sách trên thị trường là do tư nhân in, nhưng họ không có nhà xuất bản. Sự lộn xộn mang tính chụp giật trong nghề in sách nên các nhà văn đang bị dồn tới chân tường, khó ai có thể sống nổi bằng nghề văn.
Phải nói từng trang, từng trang viết của Cao Minh đều mang ý thức gạn đục khơi trong, để chắt lọc ra một cái gì đó mang hồn cốt văn hóa Việt, con người Việt. Và anh còn tranh thủ khai thác tối đa những người mà trong họ còn ẩn chứa tiềm tàng tinh hoa văn hóa, tựa như một cuốn từ điển sống, như trường hợp nhà văn Tô Hoài.
Trong tất cả các bài viết, tác giả không chỉ nhằm phô diễn vẻ đẹp của văn hóa dân tộc, từ lời ăn tiếng nói đến giọng hát tiếng đàn trong các làn điệu dân ca, trong nếp sống thường hằng cũng như trong hội hè đình đám, lễ nghi phong tục, kể cả sự tham dự của văn hóa vào lịch sử dựng nước và giữ nước. Đâu đây ta còn nghe như tác giả còn nén giấu một tiếng thở dài, một niềm tiếc nuối pha lẫn xót đau rằng thuần phong mỹ tục cứ dần dần đội nón ra đi, và thế chân vào đó là những hủ tục mới và cả sự lấn sân của dòng văn hóa ngoại lai, dường như chúng đang lăm le soán ngôi chủ lưu của dòng văn hóa Việt tộc.
Là người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tác giả thật sự xót đau cảnh báo: ” Nếu chúng ta không sớm xây dựng lại hình ảnh người Hà Nội thì e rằng những gì là tinh túy của Thăng Long- Hà Nội sẽ trở thành tạp lai và không thể nhận diện đâu là văn hóa Hà Nội, đâu là con người Hà Nội…”.
Văn hóa Thăng Long, văn hóa Hà Nội được chưng cất bởi tinh hoa của cả nước dồn về và qua tích tụ, qua sàng lọc kể tới ngàn năm mới có được cái gọi là văn hóa Thăng Long, văn hóa Hà Nội. Nhưng trải bao dâu bể biến thiên pha tạp, thử hỏi người Hà Nội được sinh ra từ năm 1960 trở về trước còn được là bao. Bởi trước năm 1954 đã có đợt di cư ồ ạt vào Nam, sau năm 1975 số lượng dân Hà Nội chuyển vào Nam lập nghiệp cũng không ít. Hai đợt di cư ấy đem theo biết bao tinh hoa Hà Nội. Vì rằng văn hóa chính là con người chứ văn hóa không rừ trời cao rớt xuống. Ấy là chưa kể mấy đợt đùng đùng đưa người Hà Nội đi khai hoang, đi khu kinh tế mới, chẳng thế mà Hà Nội còn có hẳn một huyện Lâm Hà ở khu kinh tế mới Lâm Đồng. Và nữa còn biết bao cán bộ người Hà Nội được điều đi công tác ngoại tỉnh kể cả vùng sâu, vùng xa, nhưng họ đã một đi không trở lại.
Có thể nói hơn nửa thế kỷ qua Hà Nội đã được thay máu, nhưng lại không kiểm xét kỹ chất lượng máu trước khi thay. Vì thế văn hóa Hà Nội sa sút cũng là sự đương nhiên. Ví dụ ra đường hiện nay ta thấy nhan nhản người Hà Nội nói ngọng, người Hà Nội chửi thề, văng tục, người Hà Nội đánh lộn… thay vì người Hà Nội văn minh, thanh lịch.
Trong nhiều trang viết, tác giả đã dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp của nền văn hóa nước nhà, nếu không cứu vãn kịp thời, hậu quả sẽ khôn lường. Bởi nói cho cùng, dù kinh tế, chính trị hay gì gì đi nữa thì văn hóa vẫn là hồn cốt của một dân tộc.
Khi một dân tộc đã đánh mất đi hồn cốt của chính mình, thì dân tộc đó trở nên trống rỗng không hồn cốt, tựa như kẻ không có linh hồn.
Tập sách trĩu nặng những tâm tư, những nỗi niềm của tác giả về văn hóa, về tình người, bạn đọc có thể tìm thấy ở đây những điều mình tâm đắc hoặc trăn trở.