LÊ HƯƠNG THỦY


Đời sống xã hội luôn vận hành theo quy luật của sự biến đổi. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, nhà văn với tư cách chủ thể sáng tạo luôn là nhân tố chịu sự va đập của đời sống. Mỗi người viết với bản lĩnh và tài năng, vốn sống, vốn văn hóa, tri thức và sự trải nghiệm sẽ chịu những ảnh hưởng tác động khác nhau. Từ thực tiễn đời sống vào sáng tác là cả một quá trình thẩm thấu và khúc xạ qua lăng kính của người nghệ sĩ, rồi lại tác động đến người đọc – chủ thể tiếp nhận trong một chu trình của đời sống văn học. Mỗi giai đoạn văn học luôn có những đặc thù do sự quy định của lịch sử, đời sống tinh thần, ý thức nghệ thuật và khả năng sáng tạo của người cầm bút. Văn học Việt Nam đương đại trải qua bốn thập kỉ ghi dấu nhiều đổi thay, trong đó sự thay đổi ý thức của nhà văn về cách tiếp cận hiện thực, về mối quan hệ tương tác giữa chủ thể sáng tạo và đối tượng tiếp nhận có thể xem là những căn tố tạo nên những chuyển đổi trong tư duy nghệ thuật và đời sống văn học.

1. Hiện thực, nhà văn và tác phẩm

Mối quan hệ giữa hiện thực, nhà văn và tác phẩm là một vấn đề quan trọng, cơ bản của lí luận văn học. Mối quan hệ giữa văn học với hiện thực từ trước đến nay đã được bàn thảo nhiều trên các diễn đàn, các sinh hoạt học thuật. Và ở mỗi giai đoạn lịch sử, bản chất, chức năng của văn học, cũng như hiện thực trong tác phẩm lại được nhìn nhận từ những góc độ, bình diện khác nhau. Điều này chịu quy định bởi bối cảnh đời sống xã hội, bởi những trạng thái tinh thần của thời đại các nhà văn đang sống. Cái nhìn của nhà văn về hiện thực luôn là cái nhìn “động” cùng với những động hình tư tưởng của người viết.

Văn học suy cho cùng nhằm phản ánh đời sống, là một cách sống với hiện thực bởi hồn cốt của văn chương là đời sống con người. Vấn đề là đời sống được khúc xạ qua lăng kính của nhà văn như thế nào. Trên thực tế, đó là kết quả của quá trình tích lũy, trải nghiệm vốn sống, của những va đập đời sống tinh thần, tư tưởng của nhà văn trong một môi trường, bối cảnh văn hóa, xã hội cụ thể. Văn học sau 1975 bước sang quỹ đạo mới, với sự hình thành đội ngũ viết mới bên cạnh thế hệ cầm bút đã đi qua chiến tranh và họ đã viết về hiện thực của ngày hôm qua và hôm nay từ những điểm nhìn, cảm quan của hiện tại.

Sau chiến tranh, sự thay đổi trạng thái đời sống, ý thức cách tân của chủ thể sáng tạo đã dẫn đến những đột phá trong cách tiếp cận và xử lí chất liệu hiện thực. Văn học không chỉ phản ánh mà còn nghiền ngẫm hiện thực. Trong truyện ngắn Một thời lãng mạn (viết sau 1986), Nguyễn Khải phản ánh sự thay đổi trong nhận thức về thực tiễn của nhà văn trước hai thời điểm của lịch sử, trong và sau chiến tranh. Không ít những sáng tác đã đi vào nhiều góc cạnh của đời sống, những góc khuất của số phận con người với giọng điệu chiêm nghiệm, nhiều suy cảm (Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh, Một cõi nhân gian bé tí – Nguyễn Khải, Thiên thần sám hối – Tạ Duy Anh, Tiễn biệt những ngày buồn – Trung Trung Đỉnh, Ăn mày dĩ vãng – Chu Lai, Cỏ lau – Nguyễn Minh Châu, Mảnh vườn xưa hoang vắng – Đỗ Chu, Bi kịch nhỏ – Lê Minh Khuê, Người sót lại của rừng cười – Võ Thị Hảo, Họ đã trở thành đàn ông – Phạm Ngọc Tiến, Bản lí lịch tự thuật – Y Ban…).

Các sáng tác cũng đã thể hiện những vấn đề đạo đức, đời tư, về con người cá nhân trong xã hội hiện nay: từ con người tự nhận thức trong Bức tranh (Nguyễn Minh Châu), con người với những khát khao hạnh phúc trong Hai người đàn bà xóm trại (Nguyễn Quang Thiều)… đến con người với những mảng khuất của thế giới tâm linh trong Bến trần gian (Lưu Sơn Minh), con người tha hóa nhân cách trong một số truyện ngắn của Lê Minh Khuê… Tiếp cận với thế giới nhân vật trong các sáng tác, người đọc như được tiếp xúc với con người trong đời sống thực với tất cả sự sinh động, phong phú, đa dạng.

b ia sach copy
Một số tác phẩm của nhà văn đương đại Ảnh: TL

Cái nhìn về hiện thực của nhà văn không chỉ bó hẹp trong phạm vi những vấn đề đang diễn ra mà còn mở rộng về những sự kiện, những nhân vật lịch sử. Các nhà văn đã có ý thức lật xới lại lịch sử. Những thập kỉ gần đây, các sáng tác về đề tài lịch sử đã liên tục xuất hiện tạo nên những tiếng nói mới, những góc nhìn mới về lịch sử (Hồ Quý Ly – Nguyễn Xuân Khánh, Giàn thiêu – Võ Thị Hảo, chùm truyện ngắn Kiếm sắcPhẩm tiết, Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp, Dị hương – Sương Nguyệt Minh, các truyện ngắn viết về con người và vương triều Huế của Trần Thùy Mai…). Với cái nhìn “thân mật hóa” đối tượng, nhà văn đã “giải thiêng” nhiều nhân vật lịch sử vốn đã ăn sâu vào tiềm thức cộng đồng, cấp cho các nhân vật những sắc thái mới, rất đời thường và không xa lạ với con người hôm nay. Câu chuyện viết về lịch sử, về quyền được sáng tạo và hư cấu đến mức độ nào của nhà văn cho đến nay vẫn chưa phải đã có quan điểm đồng thuận, những tranh luận xung quanh vấn đề sự thật và hư cấu vẫn đang diễn ra trong đời sống văn học. Ở phương diện sáng tạo nghệ thuật, điều này cho thấy những nỗ lực không ngừng của chủ thể sáng tạo trong việc chuyển tải hiện thực từ những góc nhìn mới với những cách tiếp cận mới. Viết về những vấn đề của quá khứ, của lịch sử trên tinh thần nhận thức lại hiện thực, đổi mới bút pháp là thực tế của những cây bút từng kinh qua chiến tranh, những cây bút nhiều về tuổi đời, tuổi nghề và cả những cây bút trẻ – thế hệ sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã kết thúc, khi mà những vấn đề của lịch sử, của quá khứ chỉ được biết đến qua sách vở, qua tích lũy tri thức, qua lời kể của thế hệ trước. Tiếp cận những vấn đề của lịch sử, của chiến tranh từ những góc nhìn mới vẫn là hướng đi được nhiều nhà văn lựa chọn để hiện diện trong đời sống văn học hiện nay.

2. Nhà văn, tác phẩm và người đọc

Mối quan hệ tương tác này chưa đặt ra với lí luận văn học truyền thống. Bấy lâu nay các nhà lí luận mới chỉ quan tâm đến mối quan hệ đã nêu ở trên. Thời kì hiện đại với sự thay đổi tư duy lí luận, với việc chú ý đến vai trò của người đọc, quan niệm về nhà văn và quá trình sáng tác, về quan hệ giữa nhà văn – tác phẩm và người đọc đã có những thay đổi, những tiếp cận mới. Lí luận văn học đã phân biệt giữa văn bản và tác phẩm văn học. Văn bản văn học là sản phẩm của sự sáng tạo nghệ thuật, tuy nhiên để văn bản trở thành tác phẩm văn học thì phải trải qua quá trình đọc – sự “cụ thể hóa” của người đọc. Nhà văn là người sáng tạo ra văn bản nghệ thuật và để tác phẩm văn học đi vào chu trình sống thực sự thì người đọc đóng một vai trò quan trọng. Giá trị của tác phẩm không bất biến mà được làm đầy bởi kinh nghiệm thẩm mĩ, tài năng của người thưởng thức. 

Trong thực tiễn đời sống văn học những thập niên gần đây, với ý thức tiếp cận tư duy nghệ thuật hiện đại, nhiều cây bút đã chú trọng đến khuynh hướng sáng tạo đề cao vai trò của người đọc: từ chỗ coi tác giả và tác phẩm là trung tâm đến việc đề cao vai trò của độc giả; độc giả là một bộ phận của quá trình từ sáng tạo tới diễn giải. Đọc tác phẩm cũng có nghĩa là quá trình người đọc phát hiện, đi tìm, lí giải những khoảng trống văn bản, và khi người đọc đối diện với những khoảng trống thì những quy phạm, mã văn hóa quen thuộc rất có thể bị thách thức. Từ năng lực hư cấu của nhà văn, văn bản mở ra không gian của sự tưởng tượng, điều này kích thích hứng thú của người đọc. 

Để đọc một tác phẩm được viết theo tư duy nghệ thuật đề cao ý thức đối thoại, người đọc cần có lối tiếp cận trên tinh thần cùng đồng hành sáng tạo với những mã nghệ thuật nhà văn tạo lập. Đọc truyện ngắn Phạm Thị Hoài, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vũ Đình Giang, Nguyễn Nguyên Phước… người đọc không dễ dàng bóc tách các lớp lang sự kiện. Nhiều truyện ngắn được cấu trúc theo hình xoáy trôn ốc hay khối vuông rubic. Mỗi truyện ngắn như một ngôi nhà có nhiều ô cửa và mỗi độc giả sẽ lựa chọn lối vào theo cách của mình. Mỗi tác phẩm là một bức tranh lập thể ghép bởi nhiều mảnh khác nhau, mỗi mảnh là một phân đoạn, một phần của câu chuyện và để trở thành một khối thống nhất, người đọc phải tự mình lắp ghép những phân đoạn tưởng như tách biệt đó. Đọc Động vật trong thành phố, người đọc không dễ nắm bắt ý tưởng trong đó bởi lối viết của Nguyễn Vĩnh Nguyên không theo trật tự tuyến tính; mạch truyện phân tán, theo đó độc giả có nhiều không gian cho sự tưởng tượng, phải vận dụng tối đa khả năng suy tưởng, đọc đồng nghĩa với quá trình đồng hành, khám phá và chiêm nghiệm và dĩ nhiên là sẽ không đi đến tận cùng của sự hiểu. Phạm Thị Hoài là một trong số những cây bút có nhiều phá cách trong lối viết. Người đọc khi tiếp xúc với tác phẩm của chị có cảm giác như con đường đi tìm chân lí nghệ thuật là vô hạn định, mỗi tác phẩm có một đời sống riêng và nó đòi hỏi cách đọc khác với truyền thống: phải tìm ra mạch ngầm văn bản nhờ sự kết nối những mảnh đời sống phân lập (Chín bỏ làm mười, Khách). Chùm truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Phẩm tiết và Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trên văn đàn những năm 80 của thế kỉ trước từng gây nên các cuộc tranh luận cho thấy sự thay đổi thói quen ở cả người viết và người đọc. Mặc dù không phải tất cả mọi người đọc đều dễ dàng chấp nhận những cách tân táo bạo cả về nội dung và hình thức nhưng rõ ràng khi đọc tác phẩm văn học hiện nay người đọc cần phải chuẩn bị một tâm thế khác, một kiến văn khác và theo đó, như cách nói của Umberto Eco, một tác phẩm sẽ luôn là tác phẩm mở, mời gọi những diễn giải bất tận. 

Quan sát cách đặt tên tác phẩm của các cây bút truyện ngắn có thể thấy tên tác phẩm thường không bao hàm chức năng dự báo như trước mà nhiều khi chỉ như một gợi mở, một dẫn dụ để người đọc khám phá tác phẩm. Trương Chi trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp được trần tục hóa, đời thường hóa khác với mẫu hình trong quan niệm, kí ức của người đọc.Không có vua (Nguyễn Huy Thiệp) là tên gọi mang tính giễu nhại về sự vô tổ chức trong lối sống của một gia đình có năm người con trai. Tên tác phẩm của Phạm Thị Hoài thường rất ngắn, có thể là một từ: Mê lộ, Quê ngoại, Vệt son, Hoa sữa, Giấc mơ, Man Nương… hay một cụm từ: Người suy tư, Người tốt bụng, Một cái gì… và đôi khi chỉ là từ đơn âm tiết: Khách… Với cách đặt tên tác phẩm bằng từ đơn âm tiết hay những tổ hợp ngôn ngữ ngắn, có sức nén, tác giả đã đưa người đọc vào tình thế phải suy đoán, tư duy nhiều hơn ngay khi tiếp xúc với những kí tự đầu tiên của văn bản tác phẩm.

Khuynh hướng đối thoại là một biểu hiện của tinh thần đổi mới mối quan hệ giữa nhà văn và người đọc trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Một trong những biểu hiện của tinh thần đối thoại là tính trò chơi trong tác phẩm. Thực tiễn đời sống văn học cho thấy khi những phương thức kể chuyện truyền thống không còn đáp ứng được yêu cầu chuyển tải thông điệp của chủ thể sáng tạo, cũng như không đủ thỏa mãn tầm đón đợi của người đọc thì nhà văn buộc phải đổi mới hình thức của truyện kể và kể chuyện theo cách thức của trò chơi là một lựa chọn của người viết. Hình thức tương tác với người đọc theo cách thức trò chơi thể hiện ý thức đổi mới văn học bằng việc đổi mới nghệ thuật tự sự, viết văn là tham dự vào một trò chơi đặc biệt – trò chơi có chất liệu ngôn từ. Đọc tác phẩm cũng có nghĩa là người đọc được tham dự vào quá trình đi tìm, giải mã những lớp nghĩa đằng sau các con chữ và đó có thể là cuộc kiếm tìm vô cùng vô tận. Tính trò chơi trong nhiều tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn đương đại được biểu hiện trong nghệ thuật ngôn từ, kết cấu tác phẩm, ở sự phân mảnh, thay đổi trật tự các thành tố trong kết cấu (truyện ngắn Phạm Thị Hoài, Nguyễn Vĩnh Nguyên; Dấu về gió xóa, SBC là săn bắt chuột của Hồ Anh Thái, Song song của Vũ Đình Giang…). Người đọc không dễ dàng tiếp cận tác phẩm theo cách đọc thông thường mà cần phải sắp xếp, kết nối, lắp ráp sự kiện, nhân vật, các phân mảnh (nhật kí, hồi ức, độc thoại, đối thoại), nghĩa là phải đồng hành tham dự vào cuộc chơi của tác giả. Với lối kết cấu phân mảnh, tác phẩm được chia thành nhiều phân đoạn với sự gián cách, tình huống, tâm trạng rời rạc, từ đó lôi kéo người đọc tham gia vào trò chơi lắp ghép văn bản từ những dữ kiện, những chương đoạn tưởng như không có sự liên kết về mạch truyện nhưng lại có logic nội tại. Biến tác phẩm thành trò chơi văn bản, ở đó bằng sự đổi mới bút pháp, bằng sự lạ hóa, nhà văn đã kiến tạo nên một không gian chơi, không gian của sự sáng tạo và diễn giải.

Từ góc độ mĩ học tiếp nhận, “văn bản phải có những điểm trắng, những điểm chưa xác định, chưa nói hết, lập lờ, nhiều bè, nhiều tầng bậc tình tiết. Những điểm trắng này sẽ kích thích người đọc bằng trí tưởng tượng của mình lấp đầy, tức biến văn bản thành tác phẩm”1. Nhiều tác phẩm văn học Việt Nam hiện nay hội tụ những yếu tố đó và điều này cho thấy những thay đổi trong tư duy nghệ thuật với quan niệm mới về văn học. Tác phẩm có thể có sự pha trộn thể loại, các thành phần kết cấu cốt truyện không tuân thủ mô hình truyền thống theo tuần tự: mở đầu, khai triển, phát triển, đỉnh điểm và kết thúc. Một trong những biểu hiện của ý thức tương tác và đối thoại với người đọc là ở cách thức xây dựng đoạn kết trong tác phẩm. Thay đổi quan niệm về đoạn kết là ý thức nghệ thuật của nhà văn gắn với nguyên lí đồng sáng tạo trong sáng tác và tiếp nhận văn học. Với ý thức hướng tới độc giả, hướng tới sự đối thoại với người đọc, các cây bút hiện nay đã có những thay đổi đáng kể trong nghệ thuật tạo dựng đoạn kết trong cốt truyện. Nhiều truyện ngắn gần đây có đoạn kết được xây dựng khá đa dạng phần lớn vượt ra khỏi mô hình “kết thúc có hậu” truyền thống. Đoạn kết tạo ra các khoảng trống để độc giả đồng sáng tạo, giải mã các vấn đề. Theo đó, công việc của nhà văn là “hướng tới làm thất bại sự chờ đợi ở độc giả”, phá vỡ tính chỉnh thể trong cấu trúc tự sự của truyện ngắn truyền thống. Tác giả tham dự vào truyện kể nhưng không phải ở vị thế của người biết tất cả (Vàng lửa, Con gái thủy thần – Nguyễn Huy Thiệp, Xưa kia chị đẹp nhất làng – Tạ Duy Anh, Mùa hoa cải bên sống – Nguyễn Quang Thiều, Ánh trăng – Nguyễn Bản, Người sót lại của rừng cười – Võ Thị Hảo,Biển trong mưa – Lý Lan, Họ đã trở thành đàn ông – Phạm Ngọc Tiến…). Câu chuyện mở ra những khả năng để người đọc suy ngẫm về những khả thể của sự việc, nhà văn không kể một câu chuyện nào cả, mà chỉ tạo ra những khả thể của câu chuyện và độc giả là người “dựa vào những khả thể ấy để tự kể chuyện theo cách của mình”.

Sự vận hành qua các khâu hiện thực, nhà văn, tác phẩm và người đọc được xem là một chu trình của đời sống văn học. Những thay đổi từ mối liên hệ giữa hiện thực, nhà văn và tác phẩm; nhà văn, tác phẩm và người đọc – những biểu hiện của mối quan hệ tương tác trong đời sống văn học Việt Nam đương đại  thực chất đều bắt nguồn từ sự thay đổi của đời sống xã hội, ý thức sáng tạo của chủ thể và tâm thế của người đọc – chủ thể tiếp nhận trong trong bối cảnh mới. Cùng với đặc thù của môi trường xuất bản hiện tại, đời sống văn học đã trở nên sôi động với sự đa dạng về cá tính và phong cách, cho thấy những cách nhìn đa dạng, nhiều chiều của các nhà văn trong thế giới nghệ thuật mà người viết tạo tác
L.H.T

——–
1. Đỗ Lai Thúy Sự đỏng đảnh của phương pháp. Nxb Văn hóa – Thông tin,  2004, Hà Nội, tr. 511-512.

Nguồn VNQĐ

Exit mobile version