Từ những người ít học ít chữ nhưng có năng khiếu văn chương, nhờ cuộc xoay chuyển của cách mạng và kháng chiến ở giữa thế kỷ XX của dân tộc mà họ trở thành những cây bút để lại dấu ấn sâu đậm trên văn đàn. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một điển hình như vậy, và điều đặc biệt trong cả sự nghiệp, trang viết của ông bao giờ cũng gắn liền với “quê hương văn học” đã sinh trưởng nên mình…


Xin nhắc lại một chút về tiểu sử: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn có bút danh Nguyễn Sáng, sinh ngày 12 tháng 01 năm 1932, tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang là tác giả gần 30 tác phẩm gồm tiểu thuyết, tập truyện ngắn và kịch bản phim, đã được Chủ tịch nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2001. Nghĩa là năm nay ông đã tròn 80 tuổi. Vậy mà mới đây, ông còn hoàn thành 30 tập kịch bản phim truyện Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt, khiến nhiều bạn văn trẻ phải giật mình. Tình yêu nghề lớn lao và con đường cầm bút bền bỉ của ông khó ai bì kịp…

MỘT TÍNH CÁCH RẶT NAM BỘ

Từ đầu thập niên 1980, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được đọc một số truyện của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Ngay những truyện ngắn đầu tiên của ông mà tôi đọc như Chiếc lược ngà, Con chim vàng, Bông cẩm thạch,… đã có sức mê hoặc một thằng học trò nhà quê như tôi. Rồi sau đó tôi tiếp tục tìm đọc những truyện dài hơi hơn của ông như Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Dòng sông thơ ấu,… Không những đọc mà tôi còn được xem những bộ phim do chính nhà văn Nguyễn Quang Sáng chuyển thể kịch bản từ truyện của mình. Những tác phẩm văn học và điện ảnh đầy không khí lịch sử của vùng đất mới phương Nam, khốc liệt và lãng mạn giữa khói lửa chiến tranh.

Thời điểm bấy giờ, tiểu sử nhà văn rất ít được sách báo nhắc đến. Hình ảnh nhà văn lại càng hiếm xuất hiện. Vì yêu mến tác phẩm của ông, tôi thường hình dung nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một con người cao to vạm vỡ hiên ngang như anh lính giữa chiến trường, có gương mặt đẹp trai đầy suy tư như triết gia, với điếu thuốc luôn ngút khói trên môi, và thường có khoảng cách nhất định với người thường…

Đến đầu thập niên 1990, khi vào TP.HCM học tập và làm việc, được dịp gặp gỡ rồi thường xuyên gần gũi với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tôi mới biết sự hình dung của mình trước đây có nhiều sai biệt. Thân hình ông không cao to vạm vỡ mà thấp lùn rắn chắc. Gương mặt ông không đẹp trai lắm và cũng không đầy suy tư mà rất tươi vui. Tính tình ông cởi mở, dễ hoà đồng, thích giao du bạn bè đủ mọi giới, mọi lứa tuổi, chứ không luôn giữ khoảng cách với mọi người. Chỉ có điều đúng là ông hút thuốc nhiều, uống rượu cũng nhiều, đặc biệt mê rượu Tây.

Và ông cũng rất đa tình… Những năm tháng sống ở miền Bắc có lẽ đã mang lại cho ông thêm đôi nét cẩn trọng, kín đáo, tinh tường nhưng về cơ bản ông vẫn mang tính cách một người Nam bộ bộc trực và huỵch toẹt, lăn xả và phóng khoáng, thông minh và dí dỏm,… Một tính cách vừa tiêu biểu vừa đặc biệt của đất phương Nam!

KHÔNG TÁCH RỜI “QUÊ HƯƠNG VĂN HỌC”

Cũng từ khi mới đọc truyện của Nguyễn Quang Sáng, tôi hình dung ông sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn nghệ, là một trí thức có bằng cấp cao, chắc là được học ở bên Tây về, từ nhỏ đã nổi bật năng khiếu văn chương, một khi đã đặt bút là viết được ngay những trang văn nổi tiếng, đi đến bất cứ vùng đất nào cũng có thể viết truyện ngay về vùng đất ấy.v.v. và .v.v…

Chỉ sau này, khi nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện và phỏng vấn nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Gia đình ông vốn làm nghề thợ bạc, không có gien văn học. Cái làng Mỹ Luông “chôn nhau cắt rốn” bên bờ sông Tiền và rộng ra là cả tỉnh An Giang quê hương ông vốn sản sinh những nhà yêu nước cách mạng nổi tiếng, chứ trước thế hệ ông không có gương mặt văn nghệ sĩ nào tiêu biểu. Bản thân ông sớm tham gia bộ đội, chỉ học hết trung học trong điều kiện kháng chiến thiếu thốn trăm bề, lại học không giỏi môn văn, và từ nhỏ tới tuổi trưởng thành ông chưa bao giờ mơ tưởng mình sẽ trở thành nhà văn. Đến năm 20 tuổi, trên đường ông đi chiến dịch, do gặp một nữ tín đồ Hoà Hảo yêu nước ở Bảy Núi có cuộc đời nhiều trắc ẩn mà ông mới thử cầm bút viết văn. Đó chính là bản thảo đầu tiên của tiểu thuyết Đất lửa. Tuy nhiên, hai năm sau khi tập kết ra Bắc, ông được tiếp cận tác phẩm của các nhà văn trong lẫn ngoài nước, chợt nhận ra 300 trang viết đầu tay ấy chưa phải là tác phẩm văn học, mà chỉ mới là tư liệu, nên đã quyết định sửa chữa, viết lại.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đi nhiều viết nhiều về những vùng đất, thân phận khác nhau, nhưng sự thành công chủ yếu gắn liền với “quê hương văn học” của ông, cũng chính là cái làng Mỹ Luông nơi sinh ra ông. Hầu hết các nhân vật dường như đều được ông “đưa” về sống ở cái làng này, hít thở không khí mát mẻ của làng, đi trên con đường giữa những vườn xoài, tắm nước sông, ăn lẫu cá linh nấu bông điên điển, ngồi xuồng mùa lũ sông Cửu Long,… trước khi chính bước vào trang văn của ông.

Không có bằng cấp cao nhưng tri thức mà nhà văn Nguyễn Quang Sáng tích luỹ được thể hiện qua nội dung lẫn nghệ thuật thi pháp trong tác phẩm của ông thật phong phú, đa dạng. Và có thể nói con đường viết văn của Nguyễn Quang Sáng là con đường hoàn toàn tự học, học ở sách vở, học ở đời sống, học ở các nhà văn đi trước và vừa đi vừa viết vừa học ngay cả ở những kinh nghiệm của chính bản thân mình. Nhờ tự học và giỏi quan sát thực tế từ chiến trường mà ông phát hiện ra những chi tiết độc đáo: thời đánh Pháp đi qua cánh đồng ban ngày mới nguỵ trang, còn chống Mỹ thì cả ban đêm cũng phải ngụy trang vì máy bay trực thăng luôn soi đèn, thả trái sáng; tắm sông tắm suối không được để dợn sóng; hoặc chuyện con gà trống không được quyền gáy; chuyện người mẹ phải bỏ đứa con thơ vào bịch ni lông nhấn xuống nước để tránh máy bay đang bắn… Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng đúc kết: “Nếu không có chi tiết thì truyện sẽ không thành truyện, nó như một đề cương, rất đại khái”. Ông còn học ngay cả khi coi thể thao: “Một hôm, xem một trận đấu bóng rổ trên tivi, tôi nghe huấn luyện viên đội thắng trả lời nhà báo rằng: Chiến thắng là tổng hợp của chi tiết! Rất xác đáng! Tôi nghĩ, văn học cũng là tổng hợp của chi tiết. Mà chi tiết trong đời sống không ai có thể sáng tác được. Nó xảy ra từ trong đời sống và nhà văn phải nắm bắt chi tiết đó để làm một trong những cái vốn cho văn học…”.

Việc thiếu tư liệu về tiểu sử tác giả dẫn tới sự hình dung về nhà văn có nhiều sai biệt của bạn đọc như tôi là chuyện bình thường. Tiểu sử của nhà văn, đời sống thực của nhà văn là thông tin hết sức cần thiết cho bạn đọc khi tiếp cận với tác phẩm văn học, giúp họ hiểu tác phẩm trung thực hơn, xúc cảm hơn, sâu sắc hơn, thăng hoa hơn. Cuộc đời của nhà văn là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp của nhà văn. Với nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng vậy: gia đình, quê hương, tính cách, mạch nguồn cảm hứng và những bước ngoặt trong cuộc đời ông gắn liền với lịch sử thăng trầm của dân tộc cũng chính là những dấu ấn trong sự nghiệp văn chương đồ sộ của người con quê hương làng Mỹ Luông, Nam Bộ này.

Nguồn: Nhavantphcm.com.vn

Exit mobile version