Mùa thu này, Hà Nội vừa thương tiếc tiễn đưa Nhà văn – Thiếu tướng Trần Văn Phác về nơi an nghỉ trong Nghĩa trang Quốc gia Mai Dịch ở tuổi 86 (1926-2012). Đó là người lính có tiểu sử thuộc loại Đẹp nhất trong thế hệ thanh niên Việt Nam có niềm hạnh phúc và tự hào đã đưa đất nước từ trong nô lệ vùng lên giành được Độc lập, liên tục đánh thắng mấy cuộc chiến tranh xâm lược lớn để có một đất nước Tự do và Thống nhất.


Nhà văn – Thiếu tướng Trần Văn Phác (ảnh Internet)
Chàng trai quê ở Yên Mỹ – Hưng Yên vừa 19 tuổi đã có mặt trong đội tự vệ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội. Ngày cách mạng thành công 19-8-1945 cũng là ngày đầu anh trở thành người lính của chế độ mới! Đó chỉ là sự khởi đầu của một tiểu sử đẹp như huyền thoại. Bởi hơn 60 năm còn lại, người đã luôn có mặt ở những địa bàn lịch sử vào những thời điểm lịch sử bên cạnh những nhân vật lịch sử, và quan trong hơn, ông không chỉ làm người chứng kiến mà tự mình cùng đóng một vai trò tích cực để biến các hoạt động ấy thành một sự kiện, một cột mốc lịch sử. Ngay sau ngày nhập ngũ, ở vị trí đầu binh cuối cán (Tiểu đội trưởng) đơn vị ông đã được nhận nhiệm vụ bảo vệ lễ đài Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Năm 1947, đã là Trưởng phòng Chính trị bộ đội Tây Tiến nổi tiếng với bài thơ cùng tên.
Năm 1950, là Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Sông Lô, đơn vị chủ công đánh đồn Đông Khê mở đầu chiến dịch Biên giới chiến dịch đầu tiên của Quân đội ta. Rồi lại tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Đơn vị về tiếp quản Thủ đô, có mặt trong lễ duyệt binh ở Ba Đình sau kháng chiến chống Pháp.
Bước vào thời bình, người cán bộ chính trị từng tham gia làm báo, viết văn được điều về làm Trưởng phòng Văn nghệ Quân đội; là người tham gia thành lập ba cơ quan Văn hóa quan trọng của Quân đội: phòng Văn nghệ, Nhà xuất bản và Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nói thì có vẻ đơn giản và nhẹ nhàng, nhưng để cho ba cơ quan này ra đời, tồn tại và phát triển như ngày nay, lịch sử đã chứng kiến những năm tháng quyết liệt và căng thẳng trong cuộc đấu tranh trên mặt trận Tư tưởng và Văn hóa, từng chịu nhiều tổn thất lớn để xác lập và định hình mô hình hoạt động của từng cơ quan Văn hóa đặc thù, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội chính qui và hiện đại, chuẩn bị cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Được giao trực tiếp làm Chủ nhiệm đầu tiên của tờ Tạp chí chuyên về Văn nghệ, vào thời điểm Tạp chí phát hành rộng ra bạn đọc cả nước, bằng bản lĩnh, uy tín và quan hệ của mình, ông đã làm được rất nhiều việc để Tạp chí Văn nghệ Quân đội có địa điểm mới ở nhà số 4 Lý Nam Đế, có một bộ khung biên tập đủ trình độ và uy tín, phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện để tập hợp về Tòa soạn các chiến sĩ có năng khiếu Văn học, tổ chức học văn hóa, tìm mô hình và phương thức tổ chức bộ máy để có thể luân phiên giữa biên tập và sáng tác, học để nâng cao trình độ (dạo đó người viết văn hầu hết mới có trình độ Trung học) và đi thực tế, bám sát các đơn vị. Năm 2005, khi đã là tác giả nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, trong thư chúc Tết người lãnh đạo một thời này, nhà văn Nguyễn Khải viết: Em nhớ lại những ngày về làm lính của Anh, được sống ở Tạp chí VNQĐ, được Anh và bạn bè chăm lo, chỉ bảo trong lòng lại bồi hồi bao nhiêu nhớ tiếc. Đó là những năm sống trong sáng nhất, lý tưởng nhất, đẹp nhất của một đời người. Em mãi mãi biết ơn Anh, biết ơn bạn bè, không có một môi trường sống thuận lợi ấy làm sao có thể trở thành một người viết Văn được.
Đầu năm 1964, đang là Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, ông lại được điều đi chiến trường Miền Nam cho đến ngày toàn thắng. Với tư cách là nhà văn, có lẽ ông là người duy nhất được đi chiến trường theo đường mòn trên biển, trên một chuyến tàu không số! Ở đây với tên gọi Tám Trần ông giữ nhiều cương vị quan trọng ở Cục chính Trị Miền, Thư ký riêng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, sống với các tướng lĩnh đã thành danh tướng trong lịch sử hiện đại: nữ tướng Nguyễn Thị Định, các tướng lĩnh Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Lê Ngọc Hiền, Trần Độ, Lê Đức Anh, Hoàng Cầm… Cũng ở đây, ông gặp lại những đàn em ở Nhà số 4 mà nhiều năm trước ông đã bí mật tiễn họ đi chiến trường: Thu Bồn, Thanh Giang, Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn), Nguyên Ngọc, và cùng họ xây dựng các tờ Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóngVăn nghệ Quân giải phóng Khu 5. Khi đã có một cương vị công tác cao, lại bận trăm ngàn mối lo và công việc sự vụ của chiến trường, ông vẫn nghiêm túc theo gợi ý của cấp dưới là Nguyễn Thi để nhận viết hồi ký cho phó Tư lệnh Quân giải phóng Nguyễn Thị Định. Ông đã mất 50 đêm lắng nghe và ghi chép, 60 ngày vừa làm công tác vừa ngồi viết giữa vùng đất lửa đạn để kịp hoàn thành tác phẩm: KHÔNG CÒN ĐƯỜNG NÀO KHÁC vào cuối năm 1965, khi vừa mới vào Miền Nam. Đây không chỉ là một tác phẩm văn học tư liệu quí giá về một nữ tướng kiệt xuất, mà trong thực tế, nó đã thành một tài liệu tuyên truyền có sức động viên và cổ vũ rất lớn sĩ khí chiến đấu của quân dân cả nước trong năm đầu đánh Mỹ.
Tổng tấn công Mậu Thân 1968, chính ông là tác giả bản Thông cáo Chiến thắng số I của Quân giải phóng!
Chuẩn bị cho Chiến dịch Cuối cùng Giải phóng Miền Nam, ông là Chính ủy Quân đoàn 232, mũi tiến công thứ 5 tiến về Sài Gòn ngày 30/4/1975.
Trong vai trò Cán bộ quân quản, ông có hạnh phúc được gặp lại, đón tiếp và tạo điều kiện cho rất nhiều văn nghệ sĩ quân đội từ nhà số 4 có mặt trong các đoàn quân tiến về Thành phố mang tên Bác! Tất cả họ ngậm ngùi thương tiếc Nguyễn Thi, nhà văn đã ngã xuống ở cửa ngõ vào Thành phố mùa hè năm 1968. Chính nhà văn đã tha thiết xin ông tham gia đợt 2 Tổng tấn công Mậu Thân và ông đã đồng ý với niềm tin Nguyễn Thi sẽ có nhiều trang viết sắc sảo mới. Bút ký cuối cùng các đơn vị thu được gửi về chưa tới tay ông đã bị thất lạc.
Sau giải phóng, ông lại có vinh dự dẫn đầu đoàn đại biểu Quân giải phóng về Hà Nội dự Đại lễ mừng đất nước hoàn toàn giải phóng. Lần thứ ba ông có mặt trong sự kiện lịch sử lớn ở Ba Đình.
Các nhà văn ở Văn nghệ quân đội, mỗi khi có dịp, nhắc đến người lãnh đạo đầu tiên của mình, đều có niềm vui đặc biệt về sự đầy đặn, đẹp đẽ trên đường đời của người anh Trần Văn Phác.
Viết văn, ông là chủ nhiệm một tờ Tạp chí Văn học lớn
Làm báo, ông là Tổng biên tập tờ báo của Quân đội nhân dân
Làm lính, ông đã lên đến cấp Tướng,
Làm Đảng viên, ông có hai khoá là Uỷ viên Trung ương
Làm dân ông có 3 khoá là Đại biểu Quốc hội
Làm cán bộ Văn nghệ, ông thành Bộ Trưởng Bộ Văn hoá.
Khi phục viên, ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội cựu chiến binh Hà Nội: Là chiến sĩ tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, nhưng sau hoà bình, ông lại là nghị sĩ ở Ban đối ngoại của Quốc hội tham gia nhiều cuộc đối thoại căng thẳng và lý thú để đi tới lập lại quan hệ bình thường giữa Việt Nam và Mỹ. Trong nhiều bài viết để lại, bạn đọc có thể thấy rõ người cán bộ chính trị uyên bác và thâm niên này đã sử dụng Văn hoá như là cây cầu nối mềm mại và có sức lôi cuốn các dân tộc xích lại gần nhau…
Dẫu một đời luôn giữ các cương vị chỉ huy và lãnh đạo ngày càng cao, hoàn cảnh quyết định tính cách, nhưng điều đặc biệt là những ai từng quen biết ông đều thấy, tất cả các chức tước quan trọng ấy không làm thay đổi bao nhiêu tính cách giản dị, nhu thuận, hoà hiếu và đối xử với ai cũng nhẹ nhàng, thân ái với nụ cười hiền của ông. Ông là mẫu mực của người cán bộ chính trị trong quân đội, một chính uỷ như chúng ta vẫn hình dung và mong đợi. Không phải ai cũng có thể hồn nhiên và chuẩn xác khi nhìn lại đời mình: Một con người trung thực đều có quyền tự hào chính đáng. Tôi rất tự hào đã được làm người lính cụ Hồ, đi khắp chiến trường.
Không dễ gì để được nữ tướng Phó Tư lệnh Quân giải phóng Nguyễn Thị Định thổ lộ tâm sự qua một bức thư riêng: Tôi luôn nghiền ngẫm bản Di chúc của Bác Hồ, nhất là vấn đề đoàn kết nội bộ trong phạm vi công tác… Khó khăn do địch gây ra, chưa có lúc nào tôi ngại hoặc sợ. Nhưng đối với nội bộ, có lúc làm cho tôi rất khổ tâm. Nhưng tôi cũng xác định được là làm cách mạng tất nhiên phải có khó khăn. Đồng chí nào may mắn, thì ít khó khăn. Riêng tôi thì không may, vì sinh ra là phụ nữ, hoạt động trong một môi trường khó khăn. Nhưng mỗi lần gặp khó khăn mà tôi vượt qua được, tôi tự thấy bản thân có trưởng thành lên.
Công việc thời chiến cũng như thời bình luôn khẩn trương và bận rộn không cho ông có nhiều thì giờ giành cho việc yêu thích là sáng tác Văn học, nhưng những gì ông đã viết được in trong gần 20 đầu sách: từ Trong khói lửa (1947), Không còn đường nào khác (1966, tái bản nhiều lần), Từ mùa thu ấy (1981), Một mùa xuân rực rỡ (1985), Từ ngôi nhà số 4 (2005), Văn Phác tuyển tập(2007)… đến các tập tiểu luận: Hoạt động văn hoá trong các lực lượng vũ trang (1982), Mấy vấn đề cấp bách về Văn hoá nghệ thuật (1985), Sự nghiệp Văn hoá trong chặng đường trước mặt (1988), đã gần như ghi nhận khá đầy đủ cuộc đời phong phú và biến động của ông cùng các đồng đội thế hệ mình.
Rồi ngay cả khi ra đi, ông cũng chọn vị trí người Cán bộ Chính trị, chăm lo cho đồng đội, chiến sĩ trước. Trong ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, dẫu tuổi khá cao, dẫu nhiều năm ở chỗ mũi tên hòn đạn, ông vẫn ra đi sau Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi, Thanh Tịnh, Nhị Ca, Doãn Trung, Ngọc Tự, Hà Mậu Nhai, Nguyễn Văn Mạn, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Thu Bồn, Hữu Mai, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Hải Hồ, Mai Ngữ, Phùng Quán, Triệu Bôn, Xuân Sách, Hà Trì, Võ Trần Nhã, Vũ Sắc, Xuân Miễn, Xuân Thiều…
Ngay cả trong gia đình, ông cũng xử sự như thế: Lớn hơn vợ là bà Lê Thị Quế Hương 11 tuổi, suốt đời trận mạc, ông biết ơn người vợ tảo tần nuôi lớn 3 người con trai, trong đó có người còn trẻ đã mang quân hàm ngang cấp của bố, những ngày bà ốm đau, ông đã tận tình săn sóc. Một tuần sau khi bà mất (13h55 ngày 22/8/2012), cũng giờ ấy, ông nguyện theo để vĩnh viễn có bên bà, điều ông hằng ao ước mà khi ở trần thế thời đất nước tao loạn, kẻ làm trai không thực hiện được.
Trong khá nhiều bài viết về những con người ông yêu quí và kính trọng, có bài Hiếm có người như thế viết về đồng chí Lê Quang Đạo, nhiều năm là phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị, sau này là Chủ tịch Quốc hội, có một nhận xét mà xem ra cũng rất đúng về ông: Anh còn có một đức tính hiếm có là tính khiêm nhường. Anh đối xử rất tình nghĩa và đầy thiện chí đối với những người cộng tác với mình. Anh thường nghĩ tốt nói hay về người khác và ngược lại nói rất ít về mình.
Có lẽ vì thế, mà trong một bức thư ngắn, nhà văn Triệu Bôn, một thời là lính của Thủ trưởng Tám Trần đã nói: Mong anh khoẻ, vui, và là chỗ gửi gắm niềm tin cậy của em, của chúng em, của một thế hệ văn nghệ sĩ.
Cuộc đời đẹp trọn vẹn của ông sẽ còn là niềm mơ ước của tuổi trẻ mọi thời.
Riêng với ngôi nhà số 4, cây đại tự tay ông trồng từ hơn nửa thế kỷ đang trở thành cổ thụ trước cửa cơ quan Tạp chí VNQĐ ngày ngày như lời nhắn nhủ thế hệ hôm nay sống và sáng tác sao cho xứng với truyền thống quí báu mà lớp nhà văn đi trước đã đem cả cuộc đời mình vun đắp.

Ngô Thảo

———————
* Tất cả các đoạn trích trong bài rút từ VĂN PHÁC Tuyển tập, NXB Công an nhân dân -2007

Nguồn tin: vanhocquenha.vn

Exit mobile version