Kim Nhung

Tám triều vua Lý là bộ tiểu thuyết lịch sử gồm bốn tập: Thiền sư dựng nước,Con ngựa nhà PhậtBình Bắc dẹp NamCon đường định mệnh do nhà văn Hoàng Quốc Hải “dốc cả tâm lực và trí tuệ” để viết trong thời gian gần hai mươi năm. Bộ tiểu thuyết vừa được Nhà xuất bản Phụ nữ tái bản và giới thiệu trong buổi tọa đàm “Lý triều rồng bay Đại Việt” tại Hội sách Hà Nội lần thứ IV.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải (đứng) và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tại buổi tọa đàm

Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, để viết được bộ tiểu thuyết lịch sử này ông phải học, đọc và phải tưởng tượng, giải mã lịch sử và phải hư cấu, “hư cấu đến chân thực”. Cảm hứng xuyên suốt bộ tiểu thuyết đã dẫn dụ nhà văn, cho ông một niềm say mê đó chính là sự ngưỡng mộ, tôn vinh tiền nhân mà như nhà văn có nhắc đi nhắc lại trong buổi tọa đàm, đó là ông tâm đắc chính sách “thân dân” của nhà Lý, mà khởi đầu chính là vua Lý Công Uẩn, một vị vua của trí tuệ và đạo đức.

Tám triều vua Lý được Hoàng Quốc Hải khởi viết sau khi ông hoàn thành xong bộ tiểu thuyết đồ sộ Bão táp nhà Trần. Thời Lý là thời đại đã để lại những bài học sâu sắc và ý nghĩa trong công cuộc dựng nước và giữ nước, về đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, thu phục lòng dân, dựa vào sức dân, vì dân. Đó là những bài học lớn lao trong lịch sử phát triển của dân tộc ta và cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Xuất phát từ sự trăn trở, thôi thúc của lịch sử và ý thức trách nhiệm của một nhà văn, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã viết nên bộ tiểu thuyết lịch sử gửi gắm nhiều thông điệp.

Theo Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên thì: Đọc tiểu thuyết lịch sử là đọc cách cắt nghĩa lịch sử của nhà văn. Và để viết được tiểu thuyết lịch sử thì trước tiên nhà văn phải là người am hiểu lịch sử. Ông cũng chia sẻ về cảm hứng ngợi ca, sự khẳng định lịch sử và nỗi day dứt với lịch sử khi đọc bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý của Hoàng Quốc Hải.

Cũng trong buổi tọa đàm, nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng nhắc lại câu nói của nhà văn Hoàng Quốc Hải mà ông luôn nhớ: “Nhà văn đứng về phía nào để viết – đứng về phía nhân dân”. Đó dường như là kim chỉ nam trong sự nghiệp viết của Hoàng Quốc Hải và cũng vì thế mà ông thấm thía lịch sử, nhập tâm vào lịch sử để viết nên những trang tiểu thuyết đầy cuốn hút. Người đọc tưởng như chính tác giả là người sống trong thời đại ấy, là nhân chứng của những sự kiện lịch sử ấy. Cùng với sự kết hợp giữa lịch sử và văn chương, ngòi bút Hoàng Quốc Hải đã phục dựng hình ảnh, không khí của quá khứ. Từ đó tôn vinh những tinh hoa giá trị của dân tộc Việt ta có từ đời xưa.

Tám triều vua Lý cho người đọc biết vì sao Lý Công Uẩn đã quyết định rời đô và biến Đại Việt từ một nước nghèo nàn, thô phác thành một nước phú cường, văn thịnh, võ trị. Một nước văn hiến vào loại sớm so với trình độ chung của nhân loại. Bộ tiểu thuyết cũng cho ta biết những lễ nghi, phong tục, hội hè từ làng xã đến cung đình. Trong lần tái bản này, tác giả đã chỉnh sửa lại công phu, tỉ mỉ. Có thể nói, Tám triều vua Lý là một trong những cuốn sách giàu giá trị, đánh dấu chặng đường 60 năm hoạt động của Nhà xuất bản Phụ nữ.

Sinh năm 1938 tại huyện Kim Thành – Hải Dương, năm 2017 nhà văn Hoàng Quốc Hải đã được Trao giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Là một người nghiêm túc và có phần khó tính trong lao động nghệ thuật, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã đạt được những thành tựu xứng đáng. Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng khẳng định: Hoàng Quốc Hải là một nhà văn có phẩm chất, tiết tháo, căn cốt và ông chính là người chép lại lịch sử.

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version