Nhà văn Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20 tháng 12 năm 1924 tại Luang Prabang (Lào), quê gốc ở làng Vũ Thạch, Hà Nội. Ông đã in 25 tác phẩm, gồm: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch, tiểu luận phê bình và sáng tác ca khúc; được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2003)

Thưở nhỏ, Nguyễn Đình Thi sống cùng gia đình ở Lào. Từ năm 1931 theo gia đình về nước và đi học ở Hà Nội, Hải Phòng. Tham gia hoạt động Cách mạng từ lúc 17 tuổi. Từ 1942, anh đã viết hàng loạt sách triết học. Năm 1943 tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc (Phụ trách báo Độc lập, tham gia biên soạn tạp chí Tiên phong), là đại biểu tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào và được cử vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), ông làm Tổng Thư ký Hội Văn hóa Cứu quốc. Ủy viên tiểu ban Dự thảo Hiến pháp và Ủy viên Ban thường trực Quốc hội (khóa I). Trong kháng chiến chống Pháp hoạt động văn hóa phục vụ kháng chiến, đầu quân tham gia nhiều chiến dịch và sáng tác văn học. Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1948. Năm 1955 về công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam. Giữ trách nhiệm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ (1956-1958. Từ 1958 làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam các khoá I, II, III. Trước khi mất là Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam. Ông cũng là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam 1957. Năm 1946, là đại biểu Quốc Hội trẻ nhất, làm Ủy viên Thường Trực Quốc Hội, khóa I. Nguyễn Đình Thi mất ngày 18 tháng 4 năm 2003.

THƠ NGUYỄN ĐÌNH THI

ĐẤT NƯỚC

Sáng mát trong như sáng năm xưa 
Gió thổi mùa thu hương cốm mới 
Tôi nhớ những ngày thu đã xa 
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội 
Những phố dài xao xác hơi may 
Người ra đi đầu không ngoảnh lại 
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy. 

Mùa thu nay khác rồi 
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi 
Gió thổi rừng tre phấp phới 
Trời thu thay áo mới 
Trong biếc nói cười thiết tha! 
Trời xanh đây là của chúng ta 
Núi rừng đây là của chúng ta 
Những cánh đồng thơm mát 
Những ngả đường bát ngát 
Những dòng sông đỏ nặng phù sa 

Nước chúng ta 
Nước những người chưa bao giờ khuất 
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất 
Những buổi ngày xưa vọng nói về! 
Ôi những cánh đồng quê chảy máu 
Dây thép gai đâm nát trời chiều 
Những đêm dài hành quân nung nấu 
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu. 
Từ những năm đau thương chiến đấu 
Ðã ngời lên nét mặt quê hương 
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu 
Ðã bật lên những tiếng căm hờn 

Bát cơm chan đầy nước mắt 
Bay còn giằng khỏi miệng ta 
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất 
Ðứa đè cổ, đứa lột da… 

Xiềng xích chúng bay không khoá được 
Trời đầy chim và đất đầy hoa 
Súng đạn chúng bay không bắn được 
Lòng dân ta yêu nước thương nhà! 

Khói nhà máy cuộn trong sương núi 
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng 
Ôm đất nước những người áo vải 
Ðã đứng lên thành những anh hùng. 

Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội 
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh 
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới 
Lòng ta bát ngát ánh bình minh. 

Súng nổ rung trời giận dữ 
Người lên như nước vỡ bờ 
Nước Việt Nam từ máu lửa 
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.

1948

VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG TA

Việt Nam đất nước ta ơi 
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn 
Cánh cò bay lả rập rờn 
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều 
Quê hương biết mấy thân yêu 
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau 
Mặt người vất vả in sâu 
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn 

Đất nghèo nuôi những anh hùng 
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên 
Đạp quân thù xuống đất đen 
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa 
Việt Nam đất nắng chan hoà 
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh 
Mắt đen cô gái long lanh 
Yêu ai yêu trọn tấm tình thuỷ chung 

Đất trăm nghề của trăm vùng 
Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem 
Tay người như có phép tiên 
Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ 

Nước bâng khuâng những chuyến đò 
Đêm đêm còn vọng câu hò Trương Chi 
Đói nghèo nên phải chia ly 
Xót xa lòng kẻ rời quê lên đường 

Ta đi ta nhớ núi rừng 
Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ 
Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô 
Bũa cơm rau muống quả cà giòn tan…

QUÊ HƯƠNG VIỆT BẮC

Hoa lau phơ phất quấn chân 
Gió cháy mặt người chiến sĩ 
Rời đồng bằng lên rừng núi 
Ta đi đã mấy mùa xuân 

Sơn La những lũng đầy sương 
Những đồi vàng hoe lúa chín 
Những buổi rời tay bịn rịn 
Châu đi quấn quýt bờ mương 

Còn đâu những bản mường yêu dấu 
Giặc đến trời hoang đất ngập tro 
Nhớ bước lui quân lòng rỏ máu 
Ôi nắm xôi bà cụ Thái cầm cho 

Lòng ta vẫn ở trên Tây Bắc 
Những đêm thao thức tiếng từ quy 
Ta khóc hờn căm thề giết giặc 
Sông Đà ơi ta sẽ trở về 

Từ những ngày đầu non nớt ấy 
Ta đã đi – đi tới không ngừng 
Trên những con đường đầy lửa cháy 
Lòn ta nặng nghĩa quê hương 

Lòng ta không ngừng ca hát 
Ôi những núi chàm sáng ngời 
Ta yêu những rừng Việt Bắc 
Nơi ta khôn lớn lên người 

Quê hương ta núi sông lộng lẫy 
Mỗi lần vùng dậy lại đẹp hơn 
Mỗi tấc đất ngày đêm bỏng giẫy 
Mỗi lòng người như nước suối trong 

Cao Bằng đèo lên cao vút 
Mây trắng gọi người đi xa 
Ta đạp quân thù ngã gục 
Ta chào thế giới về ta 

Lạng Sơn rừng hồi lộng gió 
Đêm đêm vang tiếng cọp gầm 
Sông Kỳ Cùng ào ào sóng đổ 
Những ngày mải miết hành quân 

Sông Thoa hiền từ cuộn đỏ 
Ta về chiến thắng huy hoàng 
Chị lái đò cười đon đả 
Chào anh bộ đội sang ngang 

Ta yêu những dòng sông Việt Bắc 
Đã bao lần tiễn bước quân đi 
Đã bao lần đục ngầu máu giặc 
Những bờ sông kể chuyện thầm thì 

Ta yêu những buổi trưa đầm ấm 
Em bé trồng rau đuổi lũ gà 
Ta yêu những nẻo đường thêu nắng 
Chưa bao giờ đẹp như bây giờ 

Đất nghèo càng chắt chiu yêu quý 
Củ mài Yên Bái sắn Tuyên Quang 
Gian khổ đã nuôi lòng chiến sĩ 
Ta yêu bà mẹ Mán Cao Lan 

Còn đây mãi sông Lô sông Chảy 
Đại bác gầm lên tiếng tự hào 
Lửa Phố Ràng, phố Lu còn cháy 
Bến Bình Ca sóng vỗ xôn xao 

Ta tới núi xanh và suối bạc 
Ngang trời Tam Đảo đứng nghiêng nghiêng 
Ôi Cao Vân, Phú Minh, Quảng Nạp 
Trái tim ta đập ở Thái Nguyên 

Mỗi tảng đá gốc cây bờ cỏ 
Như thiêng liêng phơ phất bóng cờ 
Ta đã tìm cây đa lịch sử 
Hòn đất chôn rau nước Cộng hoà 

Một nhà sàn đơn sơ vách nứa 
Bốn bên suối chảy cá bơi vui 
Đêm đêm cháy hồng lên bếp lửa 
Ánh đèn khuya còn sáng trên đồi 

Nơi đây sống một người tóc bạc 
Người không con mà có triệu con 
Nhân dân ta gọi Người là Bác 
Cả đời người là của nước non 

Việt Bắc quê hương ta sáng chói 
Đất tự do của những anh hùng 
Chim bay rợp trời mây rộng rãi 
Quân đi rung chuyển những sông rừng 

Bàn tay trắng ta giằng lấy súng 
Chân không giầy đạp nát đồn Tây 
Trong áo rách lòng ta có Đảng 
Giữa nghìn dông bão chẳng lung lay 

Người chiến sĩ bước đi phơi phới 
Nắng mưa Việt Bắc đã vàng người 
Chiều chiều ca hát quê hương mới 
Mỗi bước đi lòng một thắm tươi.


1950

ĐI TÌM CÁCH MẠNG

Xung quanh làng xóm lầm than 
Thóc Tây, đay Nhật muôn vàn thảm thương 
Đi phu, đi lính, đắp đường 
Người nghèo một cổ mấy tròng thắt ngang 
Mùa mùa lúa vẫn chín vàng 
Lúa đi đâu mất, ta làm cho ai? 
Địa chủ nó có trăm vòi 
Hút vào xương tuỷ, mồ hôi dân mình 
Tiếng đồn trên núi rừng xanh 
Có quân Cách mạng Việt Minh phất cờ 
Sao vàng soi lối tự do 
Dân nghèo theo hết vỡ bờ nổi lên 
Chiến khu ta ở Tây Nguyên 
Quân đang vượt núi xuống miền trung du 
Mặt trời đang xé sương mù 
Dân mình đang phá ngục tù nghìn năm 
Truyền đơn rải ở chợ làng 
Cờ đỏ mọc giữa đường quan ban ngày 
Đồng quê như có lửa bay 
Nhà giàu bàn tán, dân cày truyền tin 
Quyết lòng dấn bước đi tìm 
Một đêm nổi gió băng mình thoát thân


NGƯỜI TỬ SĨ

Mũ sắt mờ trong sương phủ 
Anh nằm yên như ngủ say 
Máu thấm đầy manh áo cũ 
Nửa đường anh ngã xuống đây 

Để anh trên sườn núi vắng 
Không biết có bao giờ trở lại 
Một ngày về tìm anh ở đâu 
Giữa rừng nghìn lối cỏ lau 

Nắm súng chào anh lần cuối 
Chúng tôi lại đi mê mải 
Nắng lên nhuộm đỏ hàng cây 
Véo von những tiếng chim rừng.


(1948)

NHỚ

Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh 
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây 
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh 
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây 

Anh yêu em như anh yêu đất nước 
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần 
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước 
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn 

Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt 
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời 
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực 
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người

CHIA TAY TRONG ĐÊM HÀ NỘI

Em đi với anh trong đêm Hà Nội 
Qua những phố hè quen thuộc yêu thương 
Dọc hàng cây ánh đèn pha cuốn bụi 
Từng đoàn xe cao xạ chạy rung đường 

Pháo đang bắn trời ngoại ô gió thổi 
Đạn đỏ loè xa trong ánh trăng 
Em đi bên canh tóc xoà bay rối 
Nhỏ nhắn vai em khoác súng trường 

Nhìn em anh hãy còn bỡ ngỡ 
Như sợ bất ngờ em biến đi đâu 
Pháo vẫn bắn chân mây đầy chớp lửa 
Anh lại nhìn em lòng xôn xao 

Trăng soi gương mặt nghìn yêu dấu 
Ngày mai hai đứa đã hai nơi 
Hai đầu đất nước trong dông bão 
Cùng chung chiến đấu hai phương trời 

Đêm nay trong vườn hoa ngổn ngang ụ súng 
Bên ven hồ lốm đốm trăng xanh 
Nghe quanh ta đêm hè nóng bỏng 
Mắt bồi hồi em đi bên anh 

Em đi với anh qua bến xe đông chật 
Bao gia đình vội vã lúc ra đi 
Em nhìn những mái nhà cao thấp 
Đã bao lần thấy những cuộc chia ly 

Kìa xa xa một cụm đèn lấp lánh 
Giữa trời đêm như đang vẫy đang chào 
Chiếc máy bay ta lượn vòng nghiêng cánh 
Bay qua vầng trăng điểm mấy ngôi sao 

Em nhìn bên dãy tường sập đổ 
Xưởng thợ lò than vẫn rực hồng 
Nhà máy vẫn rì rầm không ngủ 
Lập loè đèn hàn điện bên sông 

Em đi với anh trên đê cao vắng 
Một tiếng còi xe lửa huýt dài xa 
Gió đưa khúc nhạc em yêu văng vẳng 
“Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm mãi lòng ta” 

Trên gác nhỏ đèn dầu ai vẫn thức 
Em vẫn đi và vẫn lắng yên 
Có tiếng ru đứa trẻ nào đang khóc 
Đêm đã khuya trong phố cũ êm đềm 

Anh nắm cánh tay em và đứng lại 
Ôi anh không còn biết đang ở đâu 
Nhớ nhau chân cứng đá mềm em nhé 
Hẹn đánh Mỹ xong sẽ về tìm nhau 

Chào Hà Nội của ta sáng đẹp 
Giữa đêm trăng trong biếc mênh mông 
Thành phố tình yêu thành phố thép 
Ta chào trái tim đất nước anh hùng 
Anh ôm chặt em và ôm cả khẩu súng trường bên vai em.

MÙA THU VÀNG

Nào ai biết việc đời đưa rất lạ 
Tôi đến một nơi gió núi xôn xao 
Trong rừng sâu triền miên xa tất cả 
Như đã về đây từ một thuở nào 

Tôi đi mãi vào ngàn thông rợp bóng 
Như đi sang một cõi khác nào rồi 
Quên hết cả chỉ thấy trời xanh rộng 
Và mùa thu im lặng ở quanh tôi 

Đã có mùa xuân đời tôi không nhỉ 
Và đã có không cả một mùa hè 
Tôi chỉ nhớ đã đi nhiều mê mải 
Năm tháng đêm ngày theo một ánh xa 

Và hôm nay một mình trên đất lạ 
Tôi chợt nhận ra đã tới mùa thu 
Bao nhiêu chuyện tôi không còn nhớ nữa 
Với cả bao nhiêu nét mặt đã mờ 

Tôi nhìn lại tất cả chìm nhòa hết 
Rồi sương tan dần ánh sáng lặng trong 
Cho tôi nhìn về mãi xa xa tít 
Bỗng nhiên tôi thấy rõ một bờ sông 

Bóng áo vải thô một cô gái nhỏ 
Hàng trẩu cao đường đỏ lá vàng hoe 
Em tiễn anh lính đi nơi đạn lửa 
Môi run run em chúc có ngày về 

Em gái ơi tôi vẫn đây còn sống 
Còn em bây giờ ở nơi đâu 
Bao nhiêu nước đã trôi bao nhiêu sóng 
Nơi dòng sông xanh in bóng núi cao 

Ôi mùa thu hôm nay nghiêng cánh vàng 
Đưa tôi bay về nơi nguồn tìm em.

LÁ ĐỎ

Gặp em trên cao lộng gió 
Rừng lạ ào ào lá đỏ 

Em đứng bên đường như quê hương 
Vai ác bạc quàng súng trường. 

Ðoàn quân vẫn đi vội vã 
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa. 

Chào em, em gái tiền phương 
Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn. 

Em vẫy cười đôi mắt trong.


(Trường Sơn, 12/1974)

BUỔI CHIỀU ẤY

Buổi chiều ấy mình như hai đứa trẻ 
Anh dắt tay em chạy giữa mưa 
Cùng vui quá và cùng run quá 
Đến nơi chưa từng biết bao giờ 

Như hai con chim trên mặt biển 
Bay giữa mênh mông sóng nước mờ 
Chỉ có mây trời và gió lớn 
Làm bạn cho ta bay mãi xa 

Tìm thấy nhau rồi không lạc nữa 
Anh dắt tay em chạy giữa mưa 
Quên những chông gai quên tất cả 
Để lại sau lưng mọi bến bờ

HOA KHÔNG TÊN

Điểm biếc trên vách đá 
Một đoá hoa 
Bé nhỏ cười với núi mây lộng gió 

Đoá hoa không quên 
Từ rất lâu 
Từ rất xa 
Một ngày bỗng nở 

Đoá hoa không tên 
Từ rất lâu 
Từ rất xa

1985

NÚI XƯA

Ba năm tôi mới về núi cũ 
Đi giữa ngàn hoa lau trắng bay 
Rừng già vẫn lối xưa ngập lá 
Suối nhỏ reo róc rách trong mây 

Nắng hoe những dải đồi non mịn 
Những xóm làng mờ biếc dưới xa 
Ngày nào tất cả lăn trong lửa 
Chết sống bao phen mỗi mái nhà 

Tóc đã điểm sương, chân đã mỏi 
Núi ơi, người năm trước về đây 
Cô gánh cỏ tranh nhìn thoáng lạ 
Áo bạc mồ hôi má đỏ hây…

TRỜI CHIỀU

Tôi còn biết nói điều gì nữa 
Trời đỏ chiều hôm lặng lặng buồn 
Cánh chim xa vắng nào bay mãi 
Đường dài còn một khoảng hoàng hôn 

Dòng sông đã chảy qua bao nẻo 
Hôm nay trông thấy biển kia rồi 
Gió cuộn bốn bề cười với sóng 
Có những gì như muốn gọi tôi 

Những bóng mây bay múa rồi qua 
Những tiếng ồn cuồng lên từng lúc 
Còn lại niềm thương đau im lặng 
Và tình yêu đi mãi cùng ta 

Tôi nhìn nơi bên kia giấc ngủ 
Cõi đêm không bờ bến không tên 
Mỗi bước vẫn bâng khuâng mỗi bước 
Ánh sao bay mỉm nụ cười hiền


1992

NGUYỄN ĐÌNH THI:PHONG BA, PHONG NHÃ, PHONG BIỂU

Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20/12/1924 ở Luông Pra Băng (Lào) (1), mất 18/4/2003, hưởng thọ 78 tuổi.Ông được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, năm 1996. Gia đình ông gốc quê ở làng Vũ Thạch, hiện nay là phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Từ đầu những năm 1940 ông tham gia Tổ Văn hóa Cứu quốc. Năm 1945 ông tham dự Hội nghị Quốc dân Tân Trào, rồi được bầu làm Đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc. Đến thời điểm này, sự nghiệp sáng tác văn nghệ của ông chưa có gì đáng kể. Bởi thế, Nguyễn Đình Thi vẫn thuộc thế hệ nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, ông được đánh giá là người đa tài viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình văn học, làm quản lý Văn nghệ. *

Cuộc đời hoạt động văn chương, nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi đã để lại nhiều tác phẩm cho nền văn nghệ nước nhà. Thể loại nào ông góp mặt, ít nhất cũng để lại được một vài tác phẩm có tính chất kinh điển của văn nghệ cách mạng. Thơ có Đất nướcBài ca Hắc Hải; Truyện gồm: Xung kíchVỡ bờ; Tiểu luận phê bình có: Công việc của người viết tiểu thuyết, Mấy vấn đề văn học; Kịch gồm Con nai đenRừng trúcNguyễn Trãi ở Đông Quan; Nhạc cóDiệt phát xítNgười Hà Nội,…

Công bằng mà nói, đối với một người cầm bút mà để lại cho đời được một khối lượng tác phẩm tương đối có giá trị như Nguyễn Đình Thi, hẳn văn đàn Việt không nhiều. Dẫu rằng tất cả các tác phẩm của ông đều chưa thể đạt đến độ mà đáng lẽ chúng hoàn toàn có thể. Nhưng, nhiều tác phẩm của ông ở các thể loại khác nhau đều có sức sống khá bền lâu trong lòng công chúng công nông binh. Tuy nhiên, về lĩnh vực kịch, thì hầu các vở ông viết ra ở các thời điểm khác nhau đều bị cấm, như ba vở kịch nêu trên. Bởi một lẽ giản đơn, ông đã đặt ra vấn đề chủ nghĩa nhân văn, cái mà khi ấy đại bộ phận giới cầm bút và lãnh đạo văn nghệ, cũng như công chúng công nông binh chưa nghĩ tới hay không nghĩ ra được (!?)

Đa tài về văn chương- nghệ thuật là thế, nhưng từ năm 1955 trở đi, ông luôn vướng bận vào công việc quản lý văn học, nghệ thuật. Thậm chí ông còn là người ngồi chiếc ghế nóng Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam lâu nhất trong lịch sử, từ năm 1958 đến năm 1989. Từ năm 1995, ông là Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các HVHNTVN cho đến lúc ra đi vĩnh viễn. Có lẽ vì thế mà có ý kiến cho rằng ông là người tham quyền cố vị chăng? Và không biết có phải vì thế mà Nguyễn Đình Thi có lần tự nhận mình là kẻ luôn bị lỡ tàu trong lĩnh vực sáng tác văn chương, nghệ thuật.

*

Trận thử lửa đầu tiên, căng thẳng nhất đối với nhà thơ Nguyễn Đình Thi là tại Hội hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc (từ 25- 28/9/1949) trong đó có cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi. Chủ đề tranh luận là thơ không vần; đối tượng là thơ của Nguyễn Đình Thi thời đầu kháng chiến, mà cụ thể ở đây là một số bài thơ như: Đêm mít tinh, Sáng mát trong, Không nói, Đường núi, Khúc hát miền Tây. Những người tham gia tranh luận, ngoài Nguyễn Đình Thi và một số rất ít người đứng về phía ông như Văn Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng,… Số còn lại tham gia tranh luận đều đứng về phía bên kia mà đại diện là Xuân Diệu và các văn nhân khác như: Tố Hữu, Xuân Thuỷ, Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh, Ngô Tất Tố, Thế Lữ, Phạm Văn Khoa, Nguyễn Xuân Khoát, Tâm Trung, Phan Thị Nga, Hữu Tâm, Xuân Trường…Trong cuộc tranh luận này, người ít cũng phát biểu một lần, người nhiều đến bốn lần. Vì không khí tranh luận quá sôi nổi và gay gắt, đến mức Xuân Diệu và Lưu Trọng Lư có lần đòi đuổi Nguyễn Đình Thi ra khỏi vương

quốc thi ca.

Thế mới biết đây là một trận phong ba thực sự, khiến cho cả hai phía đều cần phải có những miếng đòn mang tính chất cân não mới mong hạ gục được đối thủ của mình về mặt văn chương, học thuật. Dù sao cũng phải thừa nhận đây là thời kỳ không khí dân chủ và cởi mở nhất trong sinh hoạt văn chương của nước nhà, mà sau này cho đến tận bây giờ, chúng ta ít gặp lại điều đó. Kể cũng lạ!

Trong lời kết luận của Chủ tịch đoàn, nhà thơ Tố Hữu nói: Nhiều khi thấy bài thơ hay mà chưa chắc nó đã hay (…) Tôi không thể lấy cái ta làm tiêu chuẩn. Người nghệ sĩ phải tự hỏi: quần chúng xem bài này thế nào? quần chúng có xúc cảm không? (2)…Cái ta mà Tố Hữu nói ở đây chính là chỉ cái tôi trữ tình của tác giả. Điều này trái với tính đại chúng của văn nghệ thời bấy giờ, nên cái tôi ở vào thời điểm ấy không được chấp nhận, vì quần chúng công- nông- thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám học hành còn ít, nạn mù chữ trở thành giặc dốt, cùng với hai thứ giặc khác làgiặc đói và giặc ngoại xâm mà Bác Hồ đã nhiều lần nhắc đến trong các bài nói chuyện và bài viết của Người thời kỳ dân tộc ta bắt tay vào cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.

Sở dĩ thơ Nguyễn Đình Thi được đem ra mổ xẻ, vì mấy lẽ giản đơn: a) lúc ấy ông đang phụ trách Văn nghệ Cứu quốc; b) thơ ông đi ra ngoài quĩ đạo của thơ ca Việt truyền thống; c) thơ kiểu Nguyễn Đình Thi là lệch chuẩn so với Thơ Mới (1932- 1941), nên hầu hết các nhà Thơ Mới phản kháng quyết liệt.

Nói về thơ không vần, Xuân Diệu cho rằng: về chuyện vần hay không vần, tuy Xuân Diệu nói đây không phải vấn đề của thơ Nguyễn Đình Thi, nhưng những biện luận dài của Xuân Diệu cho thấy ông chủ trương thơ phải có vần, ông nhấn mạnh rất nhiều lợi ích của vần (a/ vần như chỗ nghỉ hơi; b/ giữ vần được xem như chỗ để hồn thơ tựa vào câu thơ một cách vững chắc; c/ vần giúp công chúng và tác giả nhớ thuộc; d/ vần gắn với thói quen của quần chúng, với tập quán tiếng Việt (3).

Còn: Nguyễn Đình Thi gọi kiểu thơ mà mình đang theo đuổi là thơ tự do mà nét cốt yếu về hình thức là câu thơ dài hay ngắn, có vần hay không vần – đều không quan hệ (không quan trọng), không có chuẩn cố định. Đối với ấn tượng lạ lẫm trước thơ không vần, ông nói: Có vần là một lợi khí rất đắc lực cho sự truyền cảm. Nhưng không phải hết vần là hết thơ…Những bài thơ cũ, cùng một nhịp đều đều, tôi không chịu được. Đối với ấn tượng về ý thơ không dính, đầu ngô mình sở, ông nói: Tôi không thích những bài thơ nói ra tâm tình. Nó phải nói ra cảm xúc: cảm xúc là tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi, tay sờ, cảm thế nào nói thế ấy. Ông không thích kiểu thơ kể lể tình cảm mà chủ trương hỉ nói cái sống ra bằng những hình ảnh, thành cảm xúc. Thơ như thế không phải đầu ngô mình sở. Nó cũng có sợi dây nối liền những hình ảnh đó lại. Đó là một thứ dây lý luận rất khéo (4) .

Có lẽ vì thế mà Thế Lữ hăng tiết lên lưu ý trước khi Chủ tịch đoàn kết luận  Hội nghị về sự nguy hiểm nói trên và giữ lại cho mình sự hoài nghi đối với các lập luận nội dung mới phải đi với hình thức mới của Nguyễn Đình Thi (5).

Rõ ràng cách phê phán của Xuân Diệu, Thế Lữ và những người cùng quan điểm với ông, nhất là các nhà Thơ Mới và những người lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ đối với thơ không vần của Nguyễn Đình Thi là muốn cứu vãn lại cáithời oanh liệt nay con đâu của những con mãnh thú giờ đang sống trong cũi đại chúng hóa ở vườn văn nghệ, mà nói thẳng ra là nôm na hóa nghệ thuật thi ca, đúng như hình tượng con hổ ở trong bài Nhớ rừng mà Thế Lữ đã viết.

Điều ấy càng chứng tỏ Nguyễn Đình Thi muốn tìm cho mình một hướng đi khác, nếu được, sẽ có lợi không chỉ cho riêng cá nhân ông, mà còn có lợi cho cả nền văn chương nước nhà. Chỉ tiếc là hướng đi của ông lộ hơi sớm, và chưa phải lúc, vì nó chủ yếu hướng đến nghệ thuật thi ca, chứ ít hướng đến đại bộ phận quần chúng ít học thời bấy giờ. Thứ nữa, ông còn muốn chứng tỏ rằng mình chẳng dính dáng gì đến Thơ Mới cả. Vào thời điểm ấy, thơ không vần của Nguyễn Đình Thi là một sự cách tân táo báo, nên vấp phải sự phản ứng quyết liệt của những người bảo hoàng hơn vua cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, về một khía cạnh khác, cũng nên thấy rằng với một con ngựa hoang như Nguyễn Đình Thi, sinh ra ở một nơi (đến nay vẫn chưa rõ), nhưng lại sống ở nhiều nơi, lại vừa đa tình, vừa đa tài, nên cũng cần phải có người cầm cương như vậy cho ngựa đỡ bất kham đi. Điều ấy thực ra là có lợi, vì nó càng làm cho ông cân chỉnh hơn, để rồi sau đó không lâu, 1958, không phải ai khác mà chính Nguyễn Đình Thi mới là người được chọn ngồi vào chiếc ghế nóng Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam kéo dài hơn 30 năm.

*

Từ dáng đi, ánh mắt đến cái bắt tay, lời nói trong giao tiếp, Nguyễn Đình Thi đều toát nên dáng vẻ của một con người hào hoa, phong nhã, thậm chí có người còn bảo đấy là cốt cách của một nhà văn hóa lớn. Một nụ cười luôn thường trực trên môi, cặp mắt nheo lại mỗi khi gặp người khác, dù sau đấy mặc cho chuyện hay, dở thế nào có thể xảy ra, khiến ông trở nên người khá dễ gần. Theo các nhà nhân tướng học đây là con người có khả năng qui tụ được nhiều khác quanh mình, làm cán bộ phong trào đoàn, hội thì rất tốt. Chẳng thế mà ông là nhà văn đầu tiên và trẻ nhất (22 tuổi) khi được bầu làm đại biểu Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I, năm 1946.

Nhiều người cùng thời với ông trước đây bảo rằng, năm lên 17 tuổi, Nguyễn Đình Thi đã cao lớn, đẹp trai hơn người. Đã thế lại còn hát hay, học giỏi, nên chẳng những các cô gái Hà thành thời Tây chết mê chết mệt, mà ngay cả cánh nam sinh thời ấy cũng ghen tị với ông. Vậy nên, chưa đủ 18 tuổi, gia đình đã cưới vợ cho, khiến ông chẳng còn tâm sức nào để ý đến chuyện học hành gì nữa. Bố Nguyễn Đình Thi là ông ký cho Sở Bưu điện Đông Dương của Pháp, có một thời gian làm việc ở Lào. Mẹ chạy chợ buôn bán, làm ăn phát đạt, có của ăn của để nên việc lấy con quan cũng là hợp lẽ. Người vợ cả của ông là Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga, cháu gái quan tuần phủ lúc bấy giờ.

Có lẽ Nguyễn Đình Thi có gien di truyền từ bố mẹ. Vì một lần thầy ký (bố ông) đi qua chợ, thấy một cô gái Việt kiều ở bên Lào, rất xinh đẹp ngồi bán bánh rán. Thả vài câu trêu đùa, vậy mà nên duyên vợ chồng. Thế mới tài chứ! Sau này lần theo gia phả mới hay bà ngoại của nhà thơ là người Tàu, tên là Nìn Thị Hà, còn cụ cố ông là người Chà Và (Ấn Độ). Thân phụ Nguyễn Đình Thi sinh hạ được có 13 người con, nhưng có người khó nuôi, chết trẻ. Nguyễn Đình Thi được bố dạy từ nhỏ nên rất thông thạo tiếng Pháp.

Bà vợ cả Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga chết vì bị bệnh lao từ năm 1951, khi đã sinh với ông được ba đứa con. Vợ chết, ông đem con về gửi nhờ bà ngoại nuôi. Đến lượt ông bị bệnh lao và được Chính phủ cho đi Trung Quốc chữa. Trong thời gian chữa bệnh ở bên Tàu, Nguyễn Đình Thi gặp Phạm Thị Trường. Bà gốc quê Hải Dương, trước đây bà là cán bộ địch vận, sau này học nghề y và là bác sĩ. Có thời kỳ bà Trường làm Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt- Xô. Hai người trở thành vợ chồng của nhau. Đến năm 1955, về tiếp quản thủ đô, vợ chồng ông được phân một căn nhà khá rộng, đủ để cho hai vợ chồng và cả ba đứa con của bà cả cùng chung sống.

Bà Trường tham gia hoạt động xã hội từ khi còn rất trẻ, đi lại nhiều, ốm đau luôn, phải sang Liên Xô, Trung Quốc chữa trị mãi bệnh vẫn không thuyên giảm, nên chẳng có con. Bà chấp nhận ở vậy nuôi con chồng để ông còn có thì giờ đi làm văn nghệ.

Chết một nỗi cái dân thơ phú phần lớn là đa tình, nên chẳng rõ từ bao giờ, Nguyễn Đình Thi mê như điếu đổ cô diễn viên sân khấu khá nổi tiếng là bà Tuệ Minh. Sau một thời gian, ông đề nghị với bà Trường ly dị để lấy bà Tuệ Minh cho phải lẽ. Dùng dắng mãi rồi cuối cùng bà Trường cũng đồng ý ra tòa. Hôm ra tòa ông ngồi chờ vợ đến để nói lời biệt ly. Cũng may, không phải đợi quá lâu, chỉ 10 phút sau, bà Trường đến thật. Thế nhưng, một điều thật sự bất ngờ là bà đến tòa bằng… một cái cáng do hai cô y tá khiêng. Thi nhân thần hồn nát thần tính, còn tòa tuyên bố hoãn không xử nữa. Cực chẳng đã, bà Tuệ Minh chuồn đi Sài Gòn cho khuất mắt…

Nhiều người bảo rằng, Nguyễn Đình Thi là người nhẫn nhịn và cả nể, đặc biệt là đối với chị em. Ông sẵn sàng chiều chuộng và nhường nhịn họ đủ điều. Chả thế mà sau thời gian ấy ít lâu, người ta còn biết được ông có một mối tình với một nữ thi sĩ nổi tiếng. Tuy hai người có tính cách khác hẳn nhau, nữ thi sĩ nọ thì nồng nàn, mãnh liệt và sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì tình yêu của mình, còn chàng thi nhân kia thì cứ thế mà chiều lòng mỹ nhân.

Đến cuối đời, chính Nguyễn Đình Thi tự thú nhận rằng mối tình lớn nhất của ông là với nhà thơ cộng sản Pháp, Madeleine Riffaud. Hai người gặp nhau năm 1952 ở Ba Lan, trong Đại hội Sinh viên- Thanh niên thế giới. Nữ sĩ này là người quá nổi tiếng. Bà đã từng sang Việt Nam và đi vào chiến trường sống cùng bộ đội giải phóng để viết cuốnBa tháng trong căn cứ rừng rậm. Đến mức, nhiều người Việt Nam đã gọi bà bằng một cái tên rất trìu mến, Chị Tám. Nghe nói bà là em kết nghĩa của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Một trong số những vần thơ hay nhất của Nguyễn Đình Thi là bài Nhớ, viết tặng nữ sĩ Madeleine Riffaud, trong đó có những câu thơ lấp lánh, thật khó quên:Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh/ Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa ngàn cây/ Anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần/ Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ Mỗi tối anh nằm mỗi sang anh ăn. Có người lại bảo, ông viết thế vì từ bé, khi còn học trường Bưởi, Nguyễn Đình Thi đã có thú nằm ngửa mặt lên ngắm sao trời. Và những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở rừng, mùa đông lạnh giá, chỉ có đốt lửa lên mới sưởi ấm được. Vậy là hai hình ảnh ấy cứ ùa vào thơ ông một cách khá tự nhiên.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi, không chỉ yêu nhiều mà còn hơi bị tốn vợ như dân gian thường nói. Nếu phiên tòa xử ly hôn không bị hoãn thì chắc chắn ông sẽ có ba vợ chính thức, còn vợ không chính thức thì chẳng biết đâu mà lần. Chả thế mà sinh thời có lần ông thắp hương lên bàn thờ bà vợ cả và khấn rằng: Bà ghê lắm, không cho tôi thêm một đứa con nào cả (5). Còn làng văn trước đây, một thời hay đùa nhau rằng ra đường cứ nhìn thấy ai lông mày rậm, mắt đen thì đích thị đấy là con của bố Thi Tổng.

*

Nguyễn Đình Thi ngồi vào chiếc ghế nóng Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam vào đúng dịp vãn hồi vụ Nhân văn Giai phẩm (1956- 1958). Điều này cho thấy cái giá ông phải trả tại Hội nghị văn nghệ Việt Bắc (1949) là không hề đắt. Có lẽ nhờ Hội nghị văn nghệ Việt Bắc mà Nguyễn Đình Thi trở thành một cái phong biểu cực kỳ tinh nhạy của làng văn nghệ nước nhà. Hình như ông đã đoán được mọi hướng gió nổi lên từ các chiếu văn chương, nghệ thuật, nên trận phong vũ dữ dội như Nhân văn Giai phẩm mà ông vẫn không hề thấy hắt hơi sổ mũi gì. Thế mới tài!

Với giới văn nghệ sĩ, Nguyễn Đình Thi là người có những ý nghĩ mới mẻ, táo bạo, khiến mọi người phải nể trọng. Còn với cấp trên, ông lại là người luôn biết nghe lời, thậm chí còn tỏ ra biết sợ nữa là khác. Kết hợp được hai phẩm chất ấy quả là người xứng đáng làm quản lý văn nghệ hơn ai hết.

Dẫu rằng, sinh thời, ông luôn bị đố kị, dèm pha. Dân văn bảo ông viết kịch hay, dân kịch bảo ông viết nhạc hay, dân nhạc bảo ông làm thơ hay, dân thơ bảo ông viết lý luận phê bình hoặc triết học mới phục… Riêng tôi, mỗi lần trò chuyện với ông, tôi lại thấy ông hiện lên trước mắt mình như một nhà văn hóa…(6)

Còn nhớ, vào thời kỳ 1979- 1980, Nguyễn Đình Thi đương nhiệm chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN). Lúc này bắt đầu nổi lên một nhu cầu đổi mới nền văn chương phải đạo, vốn dĩ đã tồn tại quá lâu và có nhiều o bế, mà thực tiễn đời sống văn nghệ nước nhà không thể chấp nhận được nữa. Nguyễn Đình Thi, với tư cách là Tổng Thư ký HNVVN, đã ngầm dò được tín hiệu phát đi từ phe đổi mới, hòng chiếm lĩnh chiếc ghế nóng của ông. Nhưng không những không hề tỏ ra nóng nảy, mà trái lại ông rất điềm tĩnh, như không hề có phản ứng gì, vì ông đã có trong tay cái phong biểu trời phú để đo sự nổi đóa của làng văn nghệ.

Một mặt, bên ngoài ông ủng hộ phe đổi mới đến mức một người như Nguyễn Khải mà vẫn tin đấy là thật, nên sau khi Nguyên Ngọc bị trần cho một trận về bản Đề dẫn và bài viết về văn chương phải đạo của Hoàng Ngọc Hiến đăng trên báo Văn nghệ, Nguyễn Khải khuyên Nguyên Ngọc: mình cứ nhận đi là xongCòn các ông Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên cũng nghệ sĩ lắm, họ sẽ đỡ cho ngay… (7). Thời kỳ này phe chống đối Nguyễn Đình Thi lúc đầu rất quyết liệt và sắc xảo. Có lúc tưởng chừng như Nguyễn Đình Thi đã bị hất ra song vẫn quyết liệt tìm cách tái lập quyền lực cho bằng được. Giai đoạn ông kiên trì bám trụ giữ lấy vai trò của một người đứng đầu giới văn nghệ tới cái mức làm cho người ta cảm tưởng không ai thay thế được (8).

Thế nhưng, nhờ có cái phong biểu mà trời cấp cho nên ông đã khiến gió thổi bay tung lên tận chín tầng mây cuốn theo những người thuộc phe đổi mới như: Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Minh Châu và một số người khác nữa.

Về mặt cá nhân, không biết trước và sau ông có ai tài như vậy không? Ông đã tìm cách nắm giữ cho được quyền lãnh đạo văn nghệ trong tay mình, bằng một cách khôn khéo, ít đổ máu nhất, đến mức có những người trong phe đổi mới nghĩ rằng đây là ý nguyện của cấp trên, chứ không phải là của bố Thi và do bố Thi làm. Đấy là cái tài của Nguyễn Đình Thi không thể phủ nhận được.

Nhưng mặt khác đấy cũng là cái thiệt cho nền văn nghệ nước nhà khi không thoát ra khỏi cái vỏ thủ cựu từng khuôn cứng văn nghệ hàng mấy thập niên, mà nó đã có mầm mống muốn thoát ra từ Hội nghị Văn nghệ Việt Bắc 1949, khi ấy Nguyễn Đình Thi là người hăng hái nhất để mở đường cho một trào lưu văn nghệ mới ra đời hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng và xu hướng chung của thời đại. Thế nhưng 30 năm sau đấy, ông lại là một hòn đá tảng lớn ngăn giữa dòng đổi mới văn chương. Hóa ra sự đổi mới chỉ có thể diễn ra ở bình diện tác phẩm, chứ rất khó diễn ra ở bình diện quyền lực quản lý văn

chương (!?)./.

ĐỖ NGỌC YÊN

………….

Tham khảo:

(1). Nguyễn Đăng Mạnh, Hồi ký, Chương XVIII- Nguyễn Đình Thi

(2), (3), (4). Lại Nguyên Ân: “Xung đột trường phái” trong cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi. Xem:phebinhvanhoc.com

(5), (6). Đặng Thị Thanh Hương. Ẩn hiện chuyện đời Nguyễn Đình Thi. Hội ngộ văn chương. vanchuong.vnweblogs.com.

(7), (8)vuongtrinhan.blogspot.com

Vanvn.net

Exit mobile version