Tiểu thuyết “Lính trận” của nhà văn Trung Trung Đỉnh đoạt giải A Giải thưởng VHNT tỉnh Gia Lai lần thứ III (2010-2015). Đó là thông tin mới được UBND tỉnh Gia Lai công bố.

Sau một tháng làm việc hết sức khẩn trương, Hội đồng Chung khảo Giải thưởng đã tìm được những tác giả, tác phẩm tương đối chất lượng, tiêu biểu, mang đậm dấu ấn của vùng đất cao nguyên này. Trong Quyết định công nhận tác giả, tác phẩm đạt Giải thưởng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ III vừa được UBND tỉnh thông qua ngày 30/12/2016 thì trong giai đoạn 5 năm từ 2010-2015 gồm 48 giải, cụ thể có: 07 Giải A; 11 Giải B; 12 Giải C và 18 Giải Khuyến khích ở 7 chuyên ngành. Theo đó, những tác phẩm đạt giải A của từng chuyên ngành như sau:

Chuyên ngành Âm nhạc: Tháng 3 Ninh Nơng (thơ Văn Công Hùng) của tác giả Lê Xuân Hoan; Điện ảnh: tác phẩm Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên của nhóm tác giả Nguyễn Khắc Quang- Đặng Huy Cường- Đỗ Mạnh Hà; Múa: Truyền thuyết Chư Hdrông của Quang Tâm; Mỹ thuật: Sức sống Bazan, Giao cảm, Hội Pơthi của Lê Hùng; Nhiếp ảnh: Đường làng, Giúp mẹ, Lễ hội dân gian của Trần Phong; Văn nghệ dân gian: Sử thi Bahnar (3 cuốn) của Nguyễn Quang Tuệ; Văn học: tác phẩm Lính trậncủa Trung Trung Đỉnh.


Nhà văn Trung Trung Đỉnh và tác phẩm “Lính trận”


Trong danh sách các tác giả, tác phẩm đạt giải, ở chuyên ngành Văn học có 8 tác phẩm đạt giải gồm: Giải A thuộc về nhà văn Trung Trung Đỉnh với tác phẩm Lính trận; 2 Giải B thuộc về các nhà thơ Hoàng Thanh Hương với tác phẩm Lời cầu hôn của rừng và nhà văn Nguyễn Thị Thu Loan với tác phẩm Pơ-thi; 2 Giải C thuộc về các tác giả Ngọc Tấn với tác phẩm Miền cổ tích cuối cùng và Phạm Đức Long với tác phẩm Ning Nơng; 3 giải Khuyến khích thuộc về các tác giả- tác phẩm: Chử Anh Đào vớiMẹ quê, Nguyễn Thiện Đức với Chiếc nón lá và Ngô Thị Thanh Vân với Phác thảo đêm.

Tác phẩm Lính trận của nhà văn Trung Trung Đỉnh từng đoạt nhiều giải thưởng văn học trước đó. Là cuốn tiểu thuyết đầy ắp những chất liệu sống, lấy bối cảnh là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trận đánh Mỹ đầu tiên của quân dân Tây Nguyên, người lính miền Bắc trên chuyến đi vượt dãy Trường Sơn, vào Tây Nguyên và đoạn kết của chuyến đi ấy là trận P’Lei Me- Ia Đrăng. Với kiến thức và sự hiểu biết của mình về Tây Nguyên, nhà văn quân đội đã phác họa hình ảnh một Tây Nguyên với tất cả dáng vẻ, tinh thần của nó, cũng như đối với nhà văn, Tây Nguyên đã ăn sâu vào cuộc đời, trở thành niềm đam mê, cảm hứng bất tận của ông.

Dự kiến Lễ trao giải do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và UBND tỉnh tổ chức.

Minh Thư – Tổ Quốc

Exit mobile version