– Chúc mừng anh Đặng Thiều Quang đã có cuộc tái xuất khá ngoạn mục bằng tiểu thuyết Săn cá thần (Nxb Thời đại và Công ty Nhã Nam liên kết xuất bản quý IV năm 2013) sau bốn năm im tiếng trên văn đàn. Anh có thể chia sẻ cái cơ duyên của cuộc tái xuất này?
+ Ý tưởng, cảm hứng viết Săn cá thần được hình thành từ những chuyến tôi theo đám bạn thân lên mạn ngược câu cá. Và ngày 1/4/2009, ngày Cá tháng tư, ngày nói dối, tôi nghĩ là một ngày tuyệt vời để mình có thể bắt đầu một truyện dạng fiction, nếu gọi đây là truyện theo phong cách hiện thực huyền ảo cũng được.
– Trước khi in ấn, xuất bản thì Săn cá thần được coi là một tác phẩm văn chương mạng đúng nghĩa. (Cuốn sách anh viết đến đâu đưa lên mạng đến đó và đã tạo được sự tương tác tối đa với bạn đọc). Theo xác quyết của nhà phê bình Inrasara thì văn chương mạng khi bước xuống thế giới giấy sẽ mất đi hơi thở đời sống mạng, và giảm “giá trị đích thực” của nó không ít. Điều này có đúng với trường hợp Săn cá thần của anh không?
+ Tôi lại nghĩ xuất hiện trên mạng mới làm giảm hơi thở văn chương của tác phẩm; và sự tương tác ở trên ấy nó không ghê gớm như người ta tưởng đâu. Chính cuộc sống này, với những vấn đề sát sườn, mới là thứ tương tác mạnh nhất với nhà văn. Môi trường mạng với tôi chỉ là một “kênh”, một kiểu “nhà xuất bản” mà tôi có thể đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc một cách nhanh nhất. Viết văn là công việc mang tính chất cá nhân. Giá trị đích thực của cái gọi là văn học mạng, tôi còn nghi ngờ lắm.
Đặng Thiều Quang – Sinh năm 1974 tại Lào Cai – Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội – Đã xuất bản các tiểu thuyết Hoen gỉ (1996), Chờ tuyết rơi (2007), Đảo cát trắng (2008), Bóng giai nhân (2009), Săn cá thần (2013) cùng các tập truyện Tôi và D’Artagnan (2007), Phải lòng (2009) – Hiện sống và làm việc tại Hà Nội (Chủ thương hiệu cafe Quang) |
– Đọc Săn cá thần, không ngăn được trong tôi những liên tưởng. Ví như, cặp đôi Tú khỉ và “tôi” cứ khiến tôi liên tưởng đến cặp đôi Zorba và “tôi” trong tiểu thuyết Alexis Zorba – con người hoan lạc của Nikos Kazantzaki. Cũng là những cặp tương phản, một bên hoàn toàn bản năng, với những ham muốn hưởng thụ cuộc đời đến từng khoảnh khắc của mình, một bên là “con mọt sách”, có phần yếu đuối, yếm thế, tôn thờ những tín điều xa xỉ. Ví như hai nhân vật Tú khỉ và Toàn gạch, những con người cuồng vọng bắt sống con cá thần, muốn chinh phục, chiếm hữu những thứ “đỉnh” nhất, khiến tôi liên tưởng đến nhân vật Đăm Săn với cuồng tâm đi bắt nữ thần Mặt Trời về làm vợ sau khi chàng đã sở hữu tất cả những thứ chàng muốn chinh phục… Anh có đồng tình với cách liên tưởng của tôi không?
+ Tôi hoàn toàn đồng ý với sự liên tưởng của anh. Một khi tác phẩm đã xuất bản thì nó thuộc về độc giả, nó không còn chịu sự chi phối, áp đặt của tác giả nữa. Ngôn ngữ và tri thức có sự ảnh hưởng, kế thừa, và người ta đang nói nhiều đến tính liên văn bản của văn học. Những lớp lưới kiến văn được giăng mắc đâu đó trong vô thức và tiềm thức tác giả, khi viết nó tự động vụt hiện ra trang sách. Tôi sẵn sàng thừa nhận mình chịu ảnh hưởng từ các bậc thầy văn chương mà mình từng đọc. Nhưng không thể không kể đến những ảnh hưởng từ báo chí, điện ảnh, từ văn hóa internet…, đặc biệt là điện ảnh, tôi học được rất nhiều điều từ những bộ phim. Về cơ bản, phim ảnh hay văn chương đều là những câu chuyện kể, mà yếu tố tiên quyết là phải ám dụ được khán giả, độc giả. Tôi thích motif nhân vật cặp bài trùng đối nghịch, đó là nơi những cá tính cọ xát, những xung đột xảy ra, và tình huống có vấn đề nảy sinh. Hành trình tìm kiếm bản ngã, tình yêu, ý nghĩa cuộc sống nằm trong hành trình dấn thân, đấu tranh và tự đấu tranh của các nhân vật.
– Dường như anh đã đoạn tuyệt với phong cách văn chương đèm đẹp, lãng mạn kiểu Chờ tuyết rơi, Bóng giai nhân… trước đây. Săn cá thần là sản phẩm của nỗ lực lột xác phong cách văn đã định hình hay là hệ quả tự nhiên, tất yếu một khi chủ thể viết đã không còn trẻ, đã ra khỏi tháp ngà văn chương thuần túy để quăng quật, bầm dập cùng đời?
+ Những người viết văn luôn thực hiện quá trình tự phủ nhận chính mình. Tác phẩm hay nhất luôn chờ anh ta ở phía trước, khiến anh ta không ngừng tự làm mới, tự thay đổi. Những trải nghiệm, bầm dập cuộc sống cũng góp phần làm thay đổi nhận thức người viết. Tôi thuộc tạng nhà văn có xu hướng đào hầm đào hố, lặn ngụp trong địa đạo mê cung của chính tâm hồn mình, trí tưởng tượng của mình. Ở nơi đó, tôi thấy dấu vết những giấc mơ, những ám ảnh, ẩn ức, những vỉa nham thạch nóng bỏng. Đôi khi, có cả địa ngục. Bằng trải nghiệm, quan sát cuộc sống, và khả năng tự phân thân trong quá trình viết, tôi giải mã chính mình, giải mã giấc mơ, giải mã cuộc sống. Tôi quan niệm, nhà văn là người phải biết kích hoạt, tiếp thêm cảm hứng sống cho người đọc bằng cách biến cái nghiêm trọng thành nực cười, cái to tát thành bé tí, tạo sinh những ý nghĩa mới cho hiện sinh, cho ngôn từ… Rõ ràng, ngôn từ văn chương của chúng ta đã trở nên sáo mòn, đã trơn tuột và giảm thiểu ý nghĩa, lệch pha với hiện thực cuộc sống đang ngày một “thậm phồn”. Ngôn từ của cuộc sống hiện đại có những vẻ đẹp riêng, thú vị, ngay cả khi nó tục. Tháp ngà không chứa ngôn từ tục, nhưng hầm địa đạo văn chương của tôi dung nạp tất, vì thế có thể nói nó bao dung, nó nhân văn, nó… đời.
– Dẫu vẫn biết, với tác giả thì tác phẩm là tất cả, không phải thêm vào lời thuyết minh không cần thiết nào, nhưng tôi cứ tò mò hỏi, cái vốn sống đầy ắp để có thể phóng bút viết nên Săn cá thần đã được anh thâu nạp bằng kênh nào, và bao nhiêu phần trăm là người thật việc thật trong câu chuyện anh kể (bịa)?
+ Trong cuộc sống tôi cũng có một số trải nghiệm với đủ hạng người, đủ thành phần xã hội. Nhưng theo tôi, thu nạp được bao nhiêu, và biến nó trở nên sống động hay không là phụ thuộc vào tạng của nhà văn, vào khả năng quan sát, hấp thụ của anh ta, rồi tiếp đó là khả năng chế biến chất liệu thô ấy thành những món văn hấp dẫn hầu độc giả. 1% hiện thực + 99% bịa thành thực = 100% tác phẩm, đó là công thức viết văn của tôi. Điều quan trọng với nhà văn, là khả năng kể câu chuyện sống động như nó diễn ra ngay trước mắt độc giả, chứ không phải là lai lịch, tiểu sử của anh ta.
Một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của Săn cá thần là cái chất pop – art, chất carnaval đậm đặc trong từng trang sách. Đó là sự xuất hiện với tần số cao của những khẩu ngữ, những từ tục, những tiếng lóng, những “thuật ngữ chuyên môn” của dân lô đề cờ bạc, dân “làm ăn”, những pha sex, đó là cảm hứng giễu nhại, giải thiêng… |
– Con cá thần là một hình ảnh ẩn dụ – biểu tượng vĩ đại đã rõ. Tú khỉ, Toàn gạch và bố con ông Văn, theo tôi, cũng là những ẩn dụ – biểu tượng được xây dựng khá thành công. Một bên thuộc về mớ văn minh xô bồ thành phố ô nhiễm, một bên thuộc về thế giới thuần phác, nguyên sơ của lửa, của nước, của nghề săn bắt hái lượm tuyệt đối trong sạch và đẹp đẽ. Phải chăng, theo anh, hệ quả của quá trình văn minh hóa là bản tính thiện sơ nguyên của loài người có nguy cơ bị triệt tiêu?
+ Con cá thoạt tiên như hung thần, nhưng có lúc lại chính tà khó lường, nó vừa là quái vật của tạo hóa, nằm ngoài thuyết tiến hóa, lại vừa như một phép màu chứng minh quyền lực của thần linh, thông qua việc cứu nhân độ thế, dạy cho đám người săn đuổi nó một bài học, phá tan tất cả những ảo tưởng. Thiện – Ác, Chính – Tà, tất thảy là do con người quy định, họ không thể với tới những gì nằm ngoài khả năng tưởng tượng của họ. Cái gọi là nền văn minh trong quá trình đô thị hóa, rõ ràng là đang hủy hoại thiên nhiên, hủy hoại những gì tốt đẹp nguyên sơ trong những con người. Lòng tham vô lối và cuồng vọng sở hữu, chiếm đoạt, là một trong những thứ đáng sợ nhất. Có thể là tôi ngây thơ, nhưng trong câu chuyện kể của tôi, các nhân vật vẫn được cứu rỗi bởi tình yêu, phần nào họ được “đốn ngộ” bởi cách hành xử của con cá thần, và sau cuối họ đã nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên, của sự sống đang sinh sôi nảy nở mãnh liệt, và bình đẳng.
– Có vẻ như anh bị ám ảnh về tính chất bất khả tri, về những “bí mật vĩ đại” của thế giới này. Anh có thể chia sẻ một câu chuyện tâm linh kì bí liên quan trực tiếp đến bản thân, gia đình anh, làm đầy lên những ám ảnh trong anh?
+ Chẳng cần nói chuyện thần bí đâu xa, chỉ cần suy tư về mối tơ duyên khiến tôi dan díu với nghiệp viết văn, viết nên những câu chuyện, và rồi là truyện Săn cá thần này, dẫn đến cuộc trò chuyện giữa anh và tôi hôm nay, đã đủ nói lên sự bất khả tri của chúng ta, trong việc nhìn nhận về mọi thứ trên thế giới. Cách đây ít lâu, anh và tôi còn là những người xa lạ. Và chẳng thể biết được ngày mai chúng ta sẽ gặp gỡ những ai, làm những gì, trở nên như thế nào… Tôi tin vào cái gọi là định mệnh, như ở trang cuối cuốn Săn cá thần tôi đã viết: “…Tạo hóa đã tung ra những quân xúc xắc, đầy ngẫu nhiên, bằng chính đôi tay của bạn…”.
– Anh đã viết một cái kết có hậu cho câu chuyện của mình, ở đó con cá thần đã dạy cho người đọc những bài học thấm thía, ở đó người đọc đã bị tác giả thuyết phục tin cùng mình vào những vẻ đẹp đơn giản mà kì lạ của cuộc đời này… Làm như thế, anh có nghĩ, vô hình trung mình đã biến tác phẩm thành tác phẩm luận đề, vô hình trung mình đã làm nghèo hiệu ứng thẩm mĩ của giọng kể tự nhiên, bình thản, tỉnh bơ như không, đã làm nghèo tính đối thoại, đa thanh… của tác phẩm?
+ Luận đề cũng tốt mà. Tôi tin là tất cả nhà văn khi đặt bút là đã có một điều gì đó muốn nói, đã xác quyết một niềm tin, ngay cả khi anh ta viết về hư vô chủ nghĩa, về bất khả tri, về sự thiếu vắng niềm tin… Viết ra là tuyên ngôn mất rồi. Tôi cũng không tán thành một giọng văn trung tính và tiết chế, chính nó làm cho văn chương trở thành một thứ nhạt nhẽo duy lý. Nhà văn chính là Thượng đế trong tác phẩm của anh ta, nơi lí tưởng nhất để anh ta có thể sở hữu tự do tư tưởng và mặc sức dấn thân.
– Anh có đồng tình với nhận định của nhiều người, rằng Săn cá thần là tác phẩm nổi trội hơn cả của Đặng Thiều Quang?
+ Cho đến lúc này thì có vẻ là như vậy, nhưng như tôi đã nói, thứ trước mắt nhà văn mới là thứ hay hơn cả, cuốn sách tiếp theo mà anh ta sẽ viết. Tôi đang hoàn thành tập I của bộ tiểu thuyết dự kiến dài vài chục tập. Tuy nhiên, chẳng dám nói trước được điều gì. Điểm này chính là sự thú vị của công việc viết tiểu thuyết, nhà văn cứ thế mà lao đầu dấn thân vào cuộc phiêu lưu, nó đầy cám dỗ và hứa hẹn biết bao nhiêu là lạc thú!
– Cám ơn anh đã chia sẻ với bạn đọc Văn nghệ Quân đội. Chúc anh năm mới thắng lợi mới. Đón đợi tác phẩm mới của anh!
Nguồn: vannghequandoi