Nổi tiếng ngay từ tập truyện đầu tay Ví dụ ta yêu nhau (năm 1974) và tiếp đó là truyện dài Những ngày tươi đẹp (đầu năm 1975), ký tên Nguyễn Thanh Trịnh (15 năm sau tái bản với bút danh mới Đoàn Thạch Biền). Nay sắp bước sang tuổi 70 nhưng nhà văn Đoàn Thạch Biền nom vẫn trẻ trung. Và văn Đoàn Thạch Biền mãi là văn chương của tuổi trẻ tươi đẹp.
Theo Đoàn Thạch Biền thì một đời người dù khổ đau khốn cùng, khi nhìn lại nếu không quá khắt khe, ai cũng nhận ra mình đã sống qua những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp. Đấy là những năm tháng yêu thương tưởng như là mộng ảo nhưng cơn ngầy ngật đắm say vẫn còn rung động suốt một đời người… Đoàn Thạch Biền có giọng văn rất riêng, khi thì nồng nàn, khi thì tưng tửng như nửa đùa nửa thật, người tinh ý đọc là nhận ra ngay.
Mê văn vì muốn né sự kèm cặp của cha
* Nhà văn quá cố Hoàng Ngọc Tuấn, bạn anh, từng trả lời phỏng vấn rằng anh ấy “viết văn vì… làm thơ thất bại”. Còn anh, tại sao viết văn?
– Nhà văn Đoàn Thạch Biền: Tôi chọn viết văn tại vì tôi… dốt toán! Cha tôi giỏi toán, ông kèm cặp tôi ở nhà môn toán từ tiểu học đến lớp 9 (ngày xưa là lớp đệ tứ). Mỗi khi tôi làm toán sai, cha tôi đánh bằng roi mây sưng mông nhưng tôi vẫn không học toán khá hơn được. Đến khi học lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ) tại Trường Trung học Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng, tôi quyết định chọn học ban C (môn văn là quan trọng, môn toán chỉ là phụ) để tránh sự kèm cặp của cha tôi. Vì học ban chuyên văn nên tôi thích viết văn là chuyện bình thường. Sau đó tôi được bầu làm trưởng ban báo chí của lớp, lo giai phẩm xuân cho lớp nên từ đó tôi thích làm báo. Đến bây giờ tôi vẫn dốt toán nên rất sợ sống mà phải tính toán!
* Anh nổi tiếng ngay từ những tập truyện đầu tay với bút hiệu Nguyễn Thanh Trịnh, tại sao sau này anh lại đổi thành Đoàn Thạch Biền?
– Sau năm 1975, tôi tiếp tục viết văn và viết báo. Thủ trưởng ngày đó khuyên tôi nên đổi bút danh mới và tôi ký Đoàn Thạch Biền. Không chỉ riêng tôi mà các bạn tôi viết trước năm 1975 cũng đổi bút danh khi viết tiếp.
“Nhân vật của tôi thường nói tía lia giống như tôi ngoài đời”
* Trước năm 1975, anh còn được biết là kịch tác gia đoạt giải nhất giải Văn học Nghệ thuật toàn quốc (Việt Nam Cộng hòa) về kịch, ký tên thật, tại sao sau này anh ít viết kịch?
– Tôi thích đọc kịch hơn đọc truyện. Thời sinh viên văn khoa Sài Gòn, tôi đã say mê đọc những vở kịch Thành Cát Tư Hãn của Vũ Khắc Khoan, Ngộ nhận của A. Camus, Trong khi chờ Godot của S. Beckett… Rồi tôi tập viết những vở kịch ngắn, gửi các tạp chí văn nghệ nhưng không nơi nào đăng. Đầu năm 1973, tôi đang dạy học ở Phan Rí, đọc báo thấy thông báo cuộc thi Văn học Nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên tổ chức, tôi đã gửi dự thi bản thảo tập kịch ngắn Buổi tập kịch. Không ngờ “mèo mù vớ cá rán”, tôi đã đoạt giải bộ môn kịch nói. Lĩnh giải cùng đợt với tôi có nhà văn Nguyễn Đình Toàn đoạt giải tiểu thuyết với Áo mơ phai, nhà thơ Du Tử Lê đoạt giải thơ với Thơ Du Tử Lê, nhà thơ Phạm Thiên Thư đoạt giải thi phẩm trường thiên với Đoạn trường vô thanh…
Tôi thường viết kịch ngắn còn gọi là “kịch một màn” nên các đoàn kịch khó chọn diễn cho một đêm kịch. Các tạp chí văn nghệ cũng ít đăng kịch nên sau đó tôi chuyển qua viết truyện. Truyện của tôi chịu ảnh hưởng cách viết kịch nên có nhiều đối thoại. Và nhân vật của tôi thường nói tía lia vì giống tôi ngoài đời.
* Phim Tình nhỏ làm sao quên do đạo diễn Lê Hoàng Hoa dựng có phải do anh tự viết kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của anh?
– Đúng vậy! Tôi viết kịch bản phim gửi Hãng phim Giải Phóng, sau đó hãng phim đã chọn đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Bộ phim đã tham dự Liên hoan Phim Việt Nam tổ chức ở Hải Phòng năm 1993. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa đoạt giải Đạo diễn xuất sắc. Mỹ Duyên đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc. Nhạc sĩ Phú Quang đoạt giải Âm nhạc xuất sắc. Tôi tiếc cho Đơn Dương, diễn viên nam chính trong phim, không đoạt giải thưởng nào. Anh đóng vai một người viết kịch trẻ – là bóng dáng của tôi. Anh đã diễn đạt phần hồn của tôi, còn phần xác thì không đạt vì anh ngại hóa trang xấu xí giống tôi. Cứ xem các diễn viên đẹp trai như Alain Delon, Tom Cruise, Brad Pitt ngại hóa trang thành nhân vật xấu xí nên họ chưa đoạt giải thưởng lớn nào.
Gần 30 năm thăng trầm với tập san Áo trắng
* Hiện nay nhiều tạp chí văn học nghệ thuật dù có “bầu sữa” Nhà nước tài trợ vẫn sống dở chết dở thì anh vẫn tiếp tục thực hiện tuyển tập thơ văn Áo trắng, một dạng tập san văn chương dành cho tuổi mới lớn. Anh có thể nói đôi điều về “duyên nợ” với Áo trắng do anh chủ biên và gắn bó gần 30 năm với bao thăng trầm. Anh chưa thấy mệt mỏi sao?
– Tập san Áo trắng xuất bản lần đầu vào tháng 8-1990, đến nay đã được 27 năm. Công lao hàng đầu thuộc về NXB Trẻ vì đã gồng mình chịu bù lỗ cho nó tồn tại. Tôi chỉ là người thực hiện, tổ chức bài vở và sắp xếp theo chủ đề rồi giao cho NXB in và phát hành. Tôi tâm đắc với ý kiến của anh Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ: “Các bạn trẻ hiện nay có nhiều sân chơi để lựa chọn: Ca nhạc, điện ảnh, thể thao… Những sân chơi đó đều có rất đông các bạn trẻ tham dự. Nhưng cũng có một số bạn trẻ, dù rất ít, yêu thích văn chương, vậy chúng ta hãy tạo sân chơi cho họ là tập san Áo trắng. Các đội bóng lớn đều nuôi dưỡng một đội bóng trẻ để bổ sung cầu thủ sau này. Chúng ta cũng đang nuôi dưỡng một lớp nhà văn trẻ để sau này cộng tác với NXB Trẻ”.
Đôi lúc tôi cũng cảm thấy mệt mỏi vì tuổi tác nhưng khi đọc được một truyện ngắn hay, một bài thơ hay của một bạn trẻ chưa ai biết tên gửi về tập san, tôi cảm thấy khỏe ngay. Có điều sức NXB Trẻ cũng có hạn. Khi nào giám đốc NXB nói “ngưng chơi”, tôi sẽ ngưng và tiếp tục cuộc rong chơi ngoài đời của mình.
* Nếu tôi nhớ không lầm thì truyện dài đầu tay của anh ban đầu có tựa là Những ngày tươi đẹp nhưng có lúc tái bản lại đổi thành Long lanh lệ thầm. Tại sao từ “tươi đẹp” mà trở nên “lệ thầm”?
– Đúng là anh nhớ không lầm. Lý do thế này: NXB Bạn Ngọc ở Sài Gòn in cuốn truyện dài Những ngày tươi đẹp vào tháng 2-1975. Thời điểm đó cuộc chiến đang dữ dội, cuốn sách phát hành rồi bị mất hút và NXB cũng chưa kịp đưa nhuận bút cho tôi. Tôi lấy tựa Những ngày tươi đẹp vì thích mấy câu thơ của Apollinaire: Những ngày tươi đẹp/ Những con chuột nhắt của thời gian/ Mi đã gặm nhấm lần hồi đời ta. Mãi đến năm 1989, NXB Tổng hợp Tiền Giang tái bản sách, cùng lúc đó ngoài rạp có chiếu bộ phim nước ngoài rất ăn khách Những ngày tươi đẹp. Biên tập viên NXB sợ bạn đọc hiểu lầm sách viết ăn theo phim nên nói tôi đổi tựa. Tôi đổi là Long lanh lệ thầm theo một câu văn ở cuối sách “Những ngày tươi đẹp của chúng tôi có lẽ chẳng tươi đẹp chút nào vì đã long lanh những giọt lệ thầm”. Đầu năm 2012, Công ty Văn hóa Hương Trang phối hợp với NXB Thời Đại tái bản theo tựa đầu tiên Những ngày tươi đẹp. Năm 2017, Phương Nam Book tiếp tục tái bản. Nói cho cùng thì ai đã trải qua những ngày tươi đẹp cũng sẽ nhận ra những giọt lệ thầm. Đấy có thể là những giọt lệ long lanh hạnh phúc hay long lanh nuối tiếc!
* Anh đang cùng nhà văn Nguyễn Đông Thức thực hiện quỹ Mô tô học bổng. Cái tên quỹ nghe ngộ quá!
– Quỹ Mô tô học bổng là sáng kiến của nhà văn Nguyễn Đông Thức. Đầu năm 2013, anh Thức nghỉ hưu, anh rủ tôi đi “giang hồ vặt” các tỉnh miền Tây, thăm các bạn văn nghệ mà cả hai người đều quen biết. Nghĩ sẵn đi thăm bạn thì nên làm một việc gì đó cho có ý nghĩa với nơi bạn đang sống, anh đã hỏi bạn ngôi trường tiểu học ở xã xa nhất và nghèo nhất để chúng tôi sẽ đến tặng cho các học sinh nghèo tiền may quần áo và sách vở. Vì các trường tiểu học nghèo đều ở vùng sâu, vùng xa, xe hơi không vào được, anh Thức phải chở tôi bằng chiếc mô tô của anh nên quỹ có tên là Mô tô học bổng. Lúc đầu quỹ chỉ có hai người, nay đã hơn 20 nhà hảo tâm tham gia. Mô tô học bổng đi giúp các học sinh nghèo ở các tỉnh với slogan “Hãy nghĩ đến người khác!”.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Phạm Chu Sa
Theo PLTP
(Đăng lại từ Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh)
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài