Xuất phát từ một tin nhanh khủng khiếp, nữ tiểu thuyết gia đã lặn ngụp trong đầu một vú em và mang đến cho chúng ta một Người lạ trong nhà vô cùng ám ảnh.

Cách đây hai năm, Leïla Slimani cập bến văn chương với cuốn tiểu thuyết Trong khu vườn yêu tinh, một kiểu “Bà Bovary X” theo cách diễn đạt của mẹ cô, họa lại từ mọi góc độ u uẩn nhất, tinh tế nhất, chân dung một phụ nữ làm tình như hít thở, cho tới khi kiệt sức. Leïla Slimani đã chứng tỏ được tài năng kể chuyện dữ dội đến khó tin của mình qua Người lạ trong nhà, cuốn tiểu thuyết thứ hai với nội dung liên quan đến bước trượt dài điên rồ của một vú em sát nhân. Trong cuốn sách “cảm giác mạnh” này, nữ nhà văn 35 tuổi đã phân tích tỉ mỉ những điểm mơ hồ trong mối quan hệ phức tạp gắn kết các bậc phụ huynh với những người trông coi con cái cho họ và khám phá những lo sợ cùng cực của người làm mẹ. Ẩn mình sau nữ họa sĩ phác họa chân dung những phụ nữ giấu giếm ấy là ai? Nữ tiểu thuyết gia chuyên viết về nỗi cô đơn thời hiện đại của phụ nữ ấy là ai? Dưới đây là cuộc phỏng vấn với nữ nhà văn táo bạo cả về mặt xã hội, chính trị lẫn văn chương ấy, do báo Elle của Pháp thực hiện.

ELLE. Chị từng cho biết chị nảy ra ý định viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên khi đang vừa cho con trai bú vừa xem vụ DSK phát trên truyền hình. Còn Người lạ trong nhà thì lấy ý tưởng từ một tin nhanh trên báo phải không?

Leïla Slimani. Đúng vậy, tôi bị choáng trước một bài báo kể lại một vụ việc xảy ra từ năm 2012 trong một gia đình ở New York. Một vú em trông trẻ đã được nhiều năm, phải, tôi nhớ rất rõ, bức ảnh đăng kèm chụp chị ta đứng trong thư viện của căn hộ, với lời của bố mẹ bọn trẻ: “Chị ấy là một phần gia đình chúng tôi!”. Vậy mà một ngày, người mẹ trở về và thấy phòng ốc chìm trong bóng tối, bọn trẻ đã bị chị vú em sát hại còn chị này thì đang tìm cách tự tử. Cuốn sách của tôi xuất phát từ đó…

ELLE. Chị có thuê vú em cho con trai mình không?

Leïla Slimani. Hồi con trai tôi được sáu tháng tôi cũng đi tìm vú em ! Tôi đã để mặc mình trượt đi trong cơn ác mộng mà tôi từng miêu tả, tôi tưởng tượng ra tất cả những gì tàn bạo nhất có thể xảy ra, và ở góc độ nào đó thì đây cũng là một cách tự giải phóng mình. Tôi không cho phép bản thân được sầu muộn trước cuộc sống cá nhân, nếu không tôi sẽ hóa điên mất. Tôi cần vượt qua khoảnh khắc ấy, cái khoảnh khắc mà tôi cảm thấy rất kỳ cục: phỏng vấn tuyển dụng người phụ nữ mà tôi sắp giao con mình cho. Mệt mỏi vì mới sinh được vài tháng, lại không rành lắm cách chăm sóc trẻ sơ sinh, dẫu khi ấy tôi đã 30 tuổi, tôi thấy mình chẳng khác nào đứa trẻ. Tôi từng thấy nhiều phụ nữ hơn tôi mười, mười lăm tuổi, từng thấy những cuộc đời còn lắm chông gai hơn đời tôi và tôi tự nhủ có điều gì đó kỳ lạ và phong phú trong thể loại quan hệ này.

ELLE. Chị bắt đầu cuốn sách của mình bằng một cái kết, khủng khiếp, cái chết của bọn trẻ với nạn nhân là chính vú em của chúng. Tại sao? 

Leïla Slimani. Để tạo không khí căng thẳng kịch tính, tôi phải đi ngay vào bi kịch. Điều hấp dẫn tôi là dẫn ra được cái méo mó giữa quan điểm của cặp vợ chồng nhân vật chính vốn không biết gì mấy về cuộc sống của chị vú em cũng như những gì chị ta thực sự làm với con cái họ, và quan điểm của một độc giả biết trước mọi chuyện sẽ kết thúc thế nào. Cơn ác mộng của người đọc là biết chị vú em đó phải chịu đựng một cuộc sống u sầu không lối thoát. Cơn ác mộng của cặp vợ chồng trẻ, là không biết gì về những chuyện xảy ra trong ngày khi họ vắng nhà.

ELLE. Nhưng người ta có thực sự muốn biết không?

Leïla Slimani. Mọi sự mơ hồ nằm ở đó, không ai muốn chị vú em mang đến nhà họ các vấn đề của chị ta và trút lên đầu con cái chúng ta. Nhưng đồng thời, ta cũng không thể ngăn mình thiết lập mối quan hệ thân thiết với người phụ nữ ấy, người phụ nữ mà ta trả rất nhiều tiền để chị ta yêu thương con cái chúng ta! Dĩ nhiên trong mối quan hệ này có tồn tại yếu tố tình cảm, nên mọi chuyện mới càng trở nên mơ hồ.

ELLE. Hơn cả một tin nhanh, vấn đề chị đặt ra còn là vấn đề của các bà mẹ phải đi làm. Công việc/con cái: liệu có hay không một sự cân bằng?

Leïla Slimani. Dù sao bài toán này cũng đặt ra một cuộc tranh cãi phức tạp. Chị vú em trong cuốn tiểu thuyết của tôi tên là Louise là bởi vụ Louise Woodward, cô gái trả người Anh từng ngược đãi một bé sơ sinh con một gia đình bác sĩ ở Pháp. Vụ kiện cáo đó từng rất rùm beng vì phía luật sư bên cô gái khăng khăng nói rằng bà mẹ làm việc quá nhiều và khi đã giao việc giáo dục con mình cho người khác như vậy thì không còn quyền gì mà phàn nàn nữa. Vụ này từng gây ra tranh cãi ở Mỹ: liệu có trách nhiệm nào mà ta có thể rũ bỏ hay không? Điều chắc chắn là đôi lúc các bậc phụ huynh chỉ biết kết tội người trông giữ con họ là quá tàn bạo dù không hề muốn mà cũng không hề biết là mình đang kết tội.

ELLE. Vậy chị có cho rằng cuốn tiểu thuyết của chị cũng là một cuốn sách nói về đấu tranh giai cấp? 

Leïla Slimani. Có chứ. Chênh lệch mức sống giữa gia đình chủ và chị vú em có thể dung dưỡng cảm giác về sự bất công, sự tức giận và thậm chí là thù hằn muốn đáp trả bằng bạo lực. Khi viết cuốn sách này, những ký ức tuổi thơ lại ùa về trong tôi. Tôi trưởng thành ở Maroc nơi mà người dân vẫn duy trì thói quen sống chung nhà với người giúp việc. Đây là một chủ đề trò chuyện thường trực, tôi vẫn nhớ những lời lẽ khiến tôi rất khó chịu khi tôi còn bé, những lời lẽ khiến tôi đau khổ vì tôi nhận thức được hố sâu ngăn cách giữa cuộc sống của chúng tôi với những phụ nữ đi làm giúp việc ấy.

ELLE. Câu chuyện này cũng phản ánh nỗi đau của những người mẹ phải bỏ con mình cho người khác như vậy? Đó có phải là những gì mà chính chị cũng cảm thấy không?

Leïla Slimani. Quả vậy, và người ta tìm cách giấu đi nỗi đau này. Phụ nữ muốn ra ngoài đi làm thì phải có người trông con cho họ, đây là điều không thể khác được và rất tế nhị, điều mà người ta biết nhưng không muốn tìm hiểu cho lắm. Đó là một dạng thế giới ngoại vi và gần như vô hình, rất ít được nhắc đến. Tôi cũng muốn xoay máy chiếu chiếu thẳng vào thế giới này, thế giới trẻ nhỏ mà trong mắt tôi cũng giống như thế giới của người già cả, thế giới của những cơ thể không sống được độc lập, thế giới tã bỉm, nôn trớ, một tình trạng mà rất cần được phụ vụ nhưng xã hội lại không thèm nhìn nhận.

ELLE. Chị quan niệm thế nào về những bà mẹ nội trợ?

Leïla Slimani. Tôi nghĩ rằng người ta không coi trọng sự lao lực của họ, không nhận thấy công việc nội trợ của họ là một thứ việc lặp đi lặp lại, một thứ việc phải chịu đựng và xã hội thường nhìn họ bằng ánh mắt khắc nghiệt. Dĩ nhiên rất khó để cảm thấy thăng hoa về mặt xã hội trong những điều kiện tương tự. Bản thân mình, cũng có lúc tôi cũng nhìn họ bằng ánh mắt ban ơn và ngay lập tức tự mình cảm thấy khó chịu. ta không thể không nghĩ đến việc các “Desperate Housewives” hình dung ra một nỗi thất vọng mơ hồ xâm chiếm cuộc đời họ. Tôi không phán xét, tôi chỉ nghĩ là nếu mình thì mình cũng sa lầy. Những cuộc dạo chơi trên quảng trường khiến tôi bị trầm cảm: trò nghịch cát kinh tởm, bọn trẻ lăn lóc trên đất vì không muốn về, rồi đến khi chúng kêu khóc thì thậm chí là chúng ta nữa, chúng ta cũng thấy xấu hổ!

ELLE. Trong cuốn sách của chị, chị cũng chỉ trích cuộc cạnh tranh giữa các gia đình tiểu tư sản thị dân…

Leïla Slimani. Vì chúng ta đang sống trong một xã hội hình ảnh, nên con cái chúng ta cũng buộc phải ăn mặc chỉn chu, có những cái tên hay hớm và đi học trường tốt, tham gia nhiều hoạt động nhất có thể. Ngày nay, ta cảm giác như đối với bố mẹ cũng như với con cái, tiêu chí thành công xã hội là lúc nào cũng phải tất bật. Nếu bạn tất bật thì có nghĩa là bạn thành công! Tôi nói tất cả những điều này với một sự trìu mến nhất định, không mỉa mai gì, vì tôi cũng ở trong cái guồng đó, tôi cũng ý thức được phần nào.

ELLE. Có cảm giác như quá trình làm mẹ cũng khiến chị gặp không ít đau đớn?

Leïla Slimani. Ngay cả con cái cũng không giúp được ta khỏa lấp cô đơn. Tôi rất sốc khi nhận ra điều đó. Vả lại, kể từ lúc thành mẹ, ta sẽ chẳng bao giờ còn được hoàn thiện nữa. Lúc nào ta cũng cảm thấy mình không trọn vẹn và không bao giờ ở đúng vị trí. Và ta cảm thấy có lỗi trước những người mà ta không hình dung nổi họ khiến ta cảm thấy tình cảm tương tự. Mẹ tôi từng hỏi tôi: “Con trai con đang ở với ai thế?” Và khi tôi trả lời bà: “Với bố nó”, thì bà thốt lên như kết tội tôi: “Ôi thằng bé tội nghiệp, sao con lại để nó một mình như thế!” Vậy mà bà từng là một trong những nữ bác sĩ đầu tiên ở Maroc đấy, tôi còn giữ nhiều kỷ niệm về chuyện bà vắng nhà nhưng bà thì quên sạch rồi!

ELLE. Chị vẫn luôn mơ ước trở thành nhà văn phải không?

Leïla Slimani. Vâng, vì bố tôi rất thích đọc, ông có thể ngồi giữa hàng chồng sách vì cảnh tượng đó mang lại cho ông cảm giác được lấp đầy. Mẹ tôi hẳn sẽ nói rằng bà biết đó là số phận của tôi từ sau bài luận tôi viết hồi học tiểu học về Thầy Hoa Hướng Dương. Bà cứ giữ mãi truyền thuyết đó, tôi cũng không biết chuyện có thật hay không nữa!

ELLE. Sau khi trưởng thành ở Rabat, chị đã đến Paris theo học lớp dự bị văn chương. Chuyện đã xảy ra như thế nào?

Leïla Slimani. Mọi chuyện đã diễn ra rất khó khăn, khi ấy tôi mới 17 tuổi. Tôi không biết mình sắp đơn độc khủng khiếp thế nào. Tôi còn nhớ hàng tuần trời tôi không nói chuyện với ai ngoài giờ học. Người Paris thường uống cà phê cùng nhau lúc chiều tối, sau đó thì ai về nhà nấy. Đây là chuyện khó tưởng ở Maroc nơi người ta mời những người mà người ta biết là đơn độc tới nhà. Mùa đông đầu tiên như kéo dài vô tận, phải mất rất nhiều năm tôi mới kết được thêm bạn mới.

ELLE. Đến mức mà chị muốn quay về Maroc?

Leïla Slimani. Tôi từng quay lại Maroc với tư cách nhà báo, nhưng tôi không nghĩ mình có thể tìm được hạnh phúc ở đó. Tự do mà tôi giành được ở đây, tôi không muốn đánh mất bằng cách trở về sinh sống tại Maroc. Làm đàn ông ở Maroc đã phức tạp, làm phụ nữ ở đó còn phức tạp gấp mười lần! Mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều so với hồi tôi còn thanh niên. Hiện giờ, tôi không muốn sống trong sợ hãi vì mặc váy ngắn trên phố, vì leo lên taxi một mình hay vì hút thuốc trong lễ Ramadan. Ở đó tồn tại tình trạng thường xuyên ỷ quyền xen vào cuộc sống riêng tư của các phụ nữ, một sự lẫn lộn khủng khiếp giữa đời tư và cuộc sống xã hội. Tôi không muốn nuôi dạy con mình ở một đất nước nơi bạn có thể phải đi tù chỉ vì nạo phá thai hoặc vì đồng tính. Nơi mà khi trót mang thân phụ nữ, bạn sẽ buộc phải sống trong dối trá vĩnh cửu!

ELLE. Việc đó được thể hiện thế nào?

Leïla Slimani. Hồi tháng Giêng 2016 tôi mới ra một cuốn sách, Tình dục và dối trá [NXB Les Arènes], kết quả của hai năm nghiên cứu về chủ đề này. Ở Maroc, phụ nữ không có quyền “quan hệ tình dục ngoài hôn nhân”, cô ta phải luôn trinh nguyên dù đã có chồng, chấm hết. Bố mẹ tôi là những người tân tiến, họ luôn nói với chị em tôi rằng cơ thể chúng tôi thuộc về chúng tôi, chúng tôi có quyền sử dụng chúng tùy ý. Nhưng đồng thời chúng tôi lại không có quyền đi chơi với một người đàn ông! Bạn thử gắng hiểu xem… Năm 17 tuổi, từng có lần tôi bị cảnh sát giữ lại vì ngồi trên ô tô với một chàng trai! Và họ cư xử với tôi như thể tôi là gái điếm vậy.

ELLE. Có lúc nào chị thấy sợ không? 

Leïla Slimani. Tôi đến từ Rabat và xuất thân từ một gia đình chẳng có gì thực sự đáng để phàn nàn, nhưng con gái sống trong những xứ xa xôi hẻo lánh như vậy cũng thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm. Họ không thể phàn nàn khiếu kiện, chẳng hạn nếu như họ bị cưỡng hiếp hay bị ngược đãi. Làm sao có thể là một con người trọn vẹn nếu cơ thể mình còn không thuộc về chính mình mà lại thuộc về cha mình sau đó là về chồng mình? Cần phải đòi hỏi quyền không phải làm người phụ nữ của bất cứ ai!

ELLE. Chị có cảm giác mình gặp nguy hiểm khi đưa ra những vấn đề này không? 

Leïla Slimani. Cũng có đôi chút, thế nên tôi thà không nghĩ đến còn hơn. Các bạn tôi thường bảo: “Cậu chẳng bao giờ chịu kiểm duyệt bản thân mỗi lần cậu tin rằng những gì mình nói là đúng đắn.” Những người ủng hộ nữ quyền ở Maroc thường đấu tranh cho giáo dục, công việc và quyền được nạo phá thai. Nhưng không ai dám đề cập đến tình dục vì như vậy quá là nguy hiểm. Họ sẽ ngay lập tức bị kết án là muốn biến đất nước thành nhà thổ!

ELLE. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của chị được đón nhận thế nào ở Maroc?

Leïla Slimani. Nó bán rất chạy vì nữ chính là một người Pháp, một người châu Âu mang trong mình căn bệnh của châu Âu. Nếu cô ấy là người Bắc Phi, hẳn đó sẽ là thảm họa vì phụ nữ mà có đam mê và xung năng tình dục kiểu vậy thì đâu có tồn tại ở xứ chúng tôi! Vấn đề của các xã hội Hồi giáo là họ không chịu đựng nổi chính hình ảnh phản chiếu của mình mỗi lần bạn chìa cho họ một tấm gương soi. Một cô gái điếm phương Tây thì ko có gì bất thường; nhưng là người Ả Rập thì thật khó đỡ! Tôi không biết người ta có thể làm cách nào để giúp một xã hội như vậy phát triển. Chắc sẽ cần đến rất nhiều can đảm. Mà phụ nữ thì thực ra cũng không thiếu can đảm lắm đâu.

Theo Elle

Đăng lại từ Pháp.fr

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài