Nhà văn Ma Văn Kháng

1. Có sợ là võ đoán không, khi nói rằng, một số không ít các nhà văn chúng ta, trong đó có cả tôi, khi vào nghề không có mộng tưởng lớn? Thiệt thòi này có lẽ là do ngay từ bước khởi đầu chúng ta không được tiếp xúc ngay với những kiệt tác của Dostoyevski, Tolstoy, Hugo, Balzac, Solokhov, Marquez… Không được (bị) những Tội ác và Trừng phạt, Chiến tranh và Hòa bình, Những người khốn khổ, Vỡ mộng, Sông Đông êm đềm, Trăm năm cô đơn… thiêu đốt đêm ngày. Và như người ta nói: nghề văn bắt đầu từ đâu thì cả đời không ra khỏi nơi départ – điểm xuất phát.

2. Có nhà lý luận nói: vectơ hướng ra bên ngoài là biểu hiện của trưởng thành. Nhưng Nguyễn Thành Long bảo tôi: Nhà văn viết cho người khác, đến một lúc nào đó mới viết được về mình. Mình hiểu mình là khó nhất!

3. Vũ Trọng Phụng có biết trò đỏ đen, có trải qua đời sống đĩ điếm đâu mà viết về những cái đó được. Năm 1979, Như Phong, giám đốc NXB Văn học ký cho tôi in tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xòe, ông hỏi tôi: khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, cậu mới 9 tuổi, làm sao viết được về thời kỳ ấy? Lúc ấy tôi không biết trả lời thế nào. Còn bây giờ thì tôi nói, nhà văn là kẻ có khả năng thực hiện thao tác thoát ra khỏi mình để sống cuộc sống của người khác, để hiểu thêm một phần khác của cuộc sống.

4. Có nhà văn cái bóng to hơn người. Tiếng tăm to hơn tác phẩm. Văn sĩ là thế chăng? Họ là kẻ bặt thiệp trong giao du. Họ sống với nhiều giai thoại. Họ vốn là kẻ sống có chút lập dị khác người. Tuy nhiên, cái còn lại cuối cùng của nhà văn là tác phẩm, chứ không phải là cái gì khác.

5. Tô Hoài viết Hà Nội xưa. Hóm hỉnh, ông bảo tôi: Mình viết mà không hiểu đâu là thật đâu là ảo! Tôi nghĩ, văn chương đích thực là thế. Nhiều người cứ tưởng hiện thực là sát sàn sạt với nguyên mẫu cuộc đời. Không phải. Thực tình là nhân vật thành công luôn được xây dựng trong mơ mơ hồ hồ. Văn chương là hình ảnh đã qua khúc xạ nghệ thuật!

6. Nhiều nhà văn nói theo thói quen: Tác phẩm để đời của tôi là cái tôi sắp viết. Thực ra thì với đa số, cuốn sách hay nhất của anh là cuốn đã viết rồi, chúng xuất hiện ở đâu đó nơi đầu đời anh.

7. Viết xong bài tiểu luận nọ, tôi ghi bên dưới ngày tháng 15, tháng 10, năm 2012. Báo Văn Nghệ in bài đó ra ngày 20 tháng 11 năm 2012. Một nhà lý luận bảo tôi: lẽ ra anh phải ghi ngày tháng hoàn thành bài tiểu luận ra xa hơn. À, thì ra viết xong in ngay, thì có vẻ là chưa chín chắn và do đó người đọc thấy giá trị tác phẩm bị giảm đi. Nguyễn Công Hoan viết tiểu thuyết Bước đường cùng trong 16 ngày. Thời gian có mối liên hệ gì đến giá trị tác phẩm?
8. Trong văn chương chê nhau bất tài là tối kỵ. Nó gây đau đớn tủi hổ cho bạn bè. Nó gây thù hận suốt đời cho người bị chê. Nó làm thui chột cảm hứng cho người bị chê. Thực ra trong văn chương, mỗi người chỉ thạo một vài thao tác thôi. Hợm mình là rất không biết điều. Rất vô lý! Bởi vì trong văn chương luôn có yếu tố ngẫu sự và không có ai một khi đã dấn thân vào nghề nghiệp này lại không ngẫm nghĩ rằng: ta sẽ là số một!

9. Cuộc đời thật ngắn ngủi. Chưa kịp làm được cái gì ra tấm ra món, cái già đã xồng xộc đến. Nhưng cuộc đời cũng rất dài. Về hưu rồi, không có cái gì để viết, lại thấy ngày sao dài lê thê thế!

10. Học chữ ở đâu? Nguồn chữ ở đâu? Ai cũng có thể nói được rồi. Với tôi còn một nguồn bí mật nữa. Chính là giáo sư Phan Ngọc đã phát hiện ra, khi ông viết: “Mỗi khi trong tiếp xúc văn hóa, một ngôn ngữ phải tiếp thu các thành tựu của một ngôn ngữ khác cao hơn mình, thì công lao đổi mới ngôn ngữ là thuộc các nhà phiên dịch hơn các nhà văn”. Tôi rất chú ý đến ngôn ngữ khi đọc sách dịch, kể sách khoa học kỹ thuật.

11. Với những tên tuổi lớn, tôi nghĩ, phê bình chỉ có nhiệm vụ là giải trình (tại sao ông lại viết thế?) chứ không phê phán. Giá trị của họ đã neo vào lịch sử rồi. Albert Einstein nói: một thiên tài không có sai lầm. Sai lầm của anh ta là cánh cửa của sự khám phá!

12. Cả một đời viết cắm cúi để có được một phong cách (style) riêng, không giống ai. Nhưng khi đã hình thành phong cách riêng rồi, phong cách đã ổn định rồi thì tự mình lại chán mình. Còn gì vui và cũng không gì buồn bằng, khi nghe một độc giả nói: Đọc văn anh tôi nhận ra ngay! Vậy là mình đã cằn cỗi?

13. Những bộ óc thông minh trác việt nhất cũng khó thoát ra khỏi thế hệ và lịch sử. Bài thơ Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng của L. Aragon là thành thật. Di cảo của Chế Lan Viên cũng rất thành thật. Các tác giả lớn đều là những con người rất thành thật.

14. Đọc ba cái truyện ngắn của tôi in trên tạp chí Nhà văn và tác phẩm số 1, tháng 9 năm 2013, Văn Chinh, thư ký tòa soạn khích lệ tôi, bảo tôi viết một truyện ngắn cho số Tết tạp chí. Tôi đáp: Già rồi, Viết gì được nữa. Văn Chinh kêu: Ông anh quên câu thành ngữ Thầy già con hát trẻ à? Một lần tại hội thảo Viết cho Thiếu nhi, trong khi nhiều diễn giả than phiền, lực lượng viết trẻ về đề tài này là chủ lực giờ thưa vắng quá. Thì Bùi Bình Thi đứng phắt dậy, quát: viết cho Thiếu nhi phải nhìn vào cánh già chứ! Nghe vậy lại nhớ: nhiều nhà lý luận phê bình viết và nói đều một ý: hy vọng về tương lai văn học của tôi hướng về nhà văn lứa tuổi hai mươi!

15. Nhiều người nói rồi, nhà văn không viết truyện mà là viết văn. Người đọc cũng vậy, họ đọc văn của nhà văn đấy. Nếu không tin, bạn hãy đọc thử truyện ngắn và tiểu thuyết của nhà văn Hồ Anh Thái mà xem.

16. Tôi thật tình không hiểu tại sao người ta lại lên án gay gắt khi nhà trường tiểu học trung học dạy học sinh những bài văn mẫu. Ngay cả khi học sinh chép nguyên văn những bài văn đó, nghĩa là không có sáng tạo, một giải pháp tình thế, khi đi thi đại học. Phải sáng tạo! Phải sáng tạo! Ý của những người lên án là vậy! Hoan hô các tín đồ của chủ nghĩa sáng tạo. Nhưng xin thưa, sáng tạo bằng cái gì? Học tập Tshékhov không gì bằng chép lại truyện của ông. Ai cũng biết câu nói này. Không có nhà văn hình thành nào mà không đọc Dostoyevski, Tolstoy, Hugo, Balzac, Solokhov, Marquez… Mạc Ngôn, giải Nobel văn học 2012, rõ ràng là chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong các tác phẩm của các nhà văn châu Mỹ Latinh. Nghe nói, trong việc đào tạo họa sĩ, có cả tiết mục chép tranh cổ điển. Tôi được như ngày nay là nhờ đứng được trên vai những người khổng lồ! Đó là câu nói cửa miệng của nhiều nhà khoa học! Riêng tôi, tôi luôn coi trọng các mẫu mực.

17. Làm thế nào để có được những tác phẩm đỉnh cao? Nói riêng về văn xuôi thì thấy, các cuộc hội thảo tốn kém bao lâu nay vẫn chỉ loay hoay trong lối mòn. Nào đâu có phải vì chế độ nhuận bút ngọ ngằn. Nào đâu có phải vì thiếu sự thông thoáng trong quan điểm chỉ đạo. Nào đâu có phải vì nghệ thuật nghe nhìn lấn át. Nào đâu có phải vì văn hóa đọc kém cỏi. Nào đâu có phải xã hội thiếu sự chăm lo bồi dưỡng. Nào đâu có phải… Tài năng một khi xuất hiện, tất cả những dữ kiện trên chỉ là con số Không (0). Tài năng tự mở lấy đường đi! Mà tài năng trước hết lại là bẩm sinh là tiên thiên, là tự phát. Goethe nói có ba yếu tố để có tác phẩm lớn: 1) Dân tộc đó có cái để nói với nhân loại. 2) Tài năng xuất hiện và có khả năng biến những vấn đề của dân tộc thành hình tượng nghệ thuật. 3) Tài năng làm việc trong thời kỳ sung sức nhất. Vậy thì vấn đề chỉ là có con mắt xanh để nhận ra tài năng và cố gắng góp sức để nó phát triển. Tiếc thay, đến đây lại gặp cái cạn hẹp của lòng người!

19. Nguyễn Thành Long sinh thời và cả đến bây giờ vẫn là thần tượng văn xuôi của tôi. Có lần ông bảo tôi: Văn học chúng ta lúc này có hai đặc điểm quan trọng là: tập thể và Vui. Đúng là có một thời như thế. Nhưng bây giờ xem lại thì thấy, các tác phẩm văn học lớn trên thế giới và trong nước đều có âm hưởng là một nỗi buồn, một nỗi buồn nhân thế, nhân sinh. Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm chẳng hạn. M. Kundera nói đại ý: cái cười không bao giờ là đối tượng của nghệ thuật. Hài hước chỉ là nghệ thuật khi sau nó, cùng với nó là nỗi chua chát, đắng cay, ngậm ngùi. Don Kihoté thật ngộ và tội nghiệp!

20. Văn học tiến lên bằng những bước đột phá. Đột phá là từ bỏ một cái gì đó và thu nạp một cái gì đó mới mẻ. Tự lực văn đoàn là thế. Đổi mới là thế. Những quan niệm mới. Những vùng thẩm mỹ mới. Những giọng điệu mới. Thông thường ở những thời điểm đó, nếu không có chết chóc máu me thì cũng có đổ vỡ, có đau đớn, có nước mắt và có chia rẽ – nhãn tiền đã thấy rồi.

21. Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, trong bài bút ký in trên tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam số 10.2013 kể: Trùng cửu năm 663, Diêm đô đốc Hồng Châu mở tiệc khánh thành Đằng Vương Các. Các nhân vật danh tiếng trong vùng đều được mời tham dự. Vương Bột dù mới mười bốn tuổi cũng được tham dự nhưng chỉ được ngồi xó bếp. Để trợ hứng uống rượu, Diêm đô đốc mời mọi người làm thơ thù tạc. Đưa đẩy mãi chưa danh nhân nào lên tiếng. Lúc đó Vương Bột xin đọc bài văn ngẫu hứng Đằng Vương Các tự. Vương Bột đọc xong mọi người trầm trồ tôn vinh kiệt tác. Diêm đô đốc thốt lên: người đúng là bậc kỳ tài thời nay. Mọi người đã không nhầm, sau này bài văn đã trở nên bất hủ nổi tiếng khắp thiên hạ.

Bậc kỳ tài là thế! Xuất hiện là chói sáng ngay. Nói vậy để yên tâm rằng, về đại đởn, thiên hạ còn chưa biết đến ta là vì ta chưa là cái gì cả! Nói đại đởn là vì còn có phàm lệ. Nghe nói, thời Pushkin còn sống và làm thơ, văn giới Nga vẫn phàn nàn rằng, như cách nói của các vị trong Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương ngày nay, là chẳng thấy tác phẩm đỉnh cao đâu cả!

22. Trong một buổi trò chuyện, tôi nghe cây đại bút Tô Hoài nói: nhiều nhà văn cùng trang tuổi như tôi đến nay không còn viết nữa, trong khi tôi vẫn viết đều đều. Có nhiều lý do, trong đó có lý do sau đây: tôi có nghề! Viết văn là làm nghề. Ngồi ở đâu tôi cũng làm nghề được. Tôi làm đủ thứ hàng mà bạn đọc yêu cầu. Nghề văn là một nghề tinh xảo. Câu giải đáp của nhà văn lớn thật giản dị mà sâu sắc!

23. Ngày 17 tháng 7 năm 2002, mười giờ sáng, từ Sa Pa, nhà văn – tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện gọi điện cho tôi, nói: em đang đứng trước ngôi nhà thờ Sa Pa, nơi ông Cố Vinh trong truyện vừa Cố Vinh, người xứ lạ của anh, sinh sống. Tôi nói: ông Cố bị chặt đầu ở ngay bậc thềm ngôi nhà thờ ấy. Còn Núi Rêu ở phía sao thị trấn đó. Nguyễn Ngọc Thiện nói tiếp: mấy chị, trong đó có nữ nhà văn – tiến sĩ Vân Thanh nói: thế thì tôi về phải tìm đọc ngay truyện này mới được. Thú vị quá. Tôi chợt nhớ tới một câu nói của G. Marquez: Trong tất cả văn phẩm của tôi, tôi có thể chỉ ra cho bạn đọc thấy: chi tiết này, câu văn này tôi căn cứ từ hiện thực nào mà có.

24. Có cuốn sách kể rất nhiều chuyện, nhưng lại rất ít chất đời. Ngược lại, có cuốn kể ít chuyện thôi, nhưng cái nghĩa đời lại rất lớn, rất nhiều. Thực ra, truyện ngắn và tiểu thuyết chỉ là một, chỉ là một thế giới nhất quán. Nó chỉ là một góc nhìn đời sống, một thái độ trước nhân sinh. Đó là mấy ý kiến nhỏ trong rất nhiều điều lý thú PGs. Ts La Khắc Hòa có lần nói với tôi. Còn một lần đi cùng Trần Đăng Suyền xuống Hải Dương nói chuyện với các giáo viên dạy văn toàn tỉnh, nghe giáo sư tiến sĩ nói về Nam Cao, tôi mới ngộ ra rằng bấy lâu mình vẫn có cái lối viết độc thoại nội tâm, bắt chước Nam Cao, tức kiểu lời văn hai giọng mà mình không biết.

25. Văn nhân tương khinh. Chuyện vốn là vậy. Sinh thời Dostoyevski đã khốn khổ vì sự đố kỵ của đồng nghiệp. Tuy vậy, nhiều nhà văn có tài của ta vẫn có được tri âm tri kỷ trong văn giới. Mình cũng giống một số bạn đồng nghiệp có được một số bạn đọc chia sẻ chân tình. Như nghệ sĩ cải lương Thu An, thầy giáo dạy văn đa tài Khánh Tình, PGs – cây bút chính luận xuất sắc Trần Đình Huỳnh… Đừng tưởng nhà văn không cần sự nuông nựng ấm áp của tình thân. Trên con đường thiên lý vạn dặm của sáng tác, nhiều mặc cảm cô đơn và buồn đau lắm.

26. Đặt tên truyện và tên nhân vật thật tình là không đơn giản. Nhất là tên truyện. Sông Đông êm đềm thì bất hủ ngay từ cái tên sách. Khôn ngoan hiện ra mặt. Què quặt hiện ra tay chân. Gần đây thấy nhiều tên truyện của bạn bè đồng nghiệp khá hay. Lên núi thả mây của Lê Văn Thảo, Đa cực và điểm đến của Văn Chinh, Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê… chẳng hạn. Đọc tên sách đã thấy có cái gì thấp thoáng ở phía sau, chỉ muốn giở sách đọc liền. Với mình, thông thường trước khi viết truyện, tên truyện và tên nhân vật đã xác định xong rồi. Đến khi viết xong thì tên truyện và tên nhân vật coi như ổn định. Chúng đã ám vào câu chữ trong truyện rồi, khó thay đổi lắm. Cuốn truyện dài cuối cùng mình viết, đặt tên từ lúc khởi thảo là: Lý, con của người đời. Đắc ý lắm vì thấy cái tên thâu tóm được chủ đề câu chuyện. Nào ngờ, khi đọc duyệt để cho in, Phó tổng biên tập, nữ nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư phát hiện, nó na ná tên một cuốn tiểu thuyết của Nêxơ Anđécxen (cũng người Đan Mạch, nhưng không phải ông Hanxơ Anđécxen chuyên viết truyện cổ tích nổi tiếng). Chết thôi! Thì ra Anh Thư đọc nhiều hơn mình tưởng. Chịu thầy vậy. Nhưng, khổ quá, vì loay hoay cả tháng trời mà vẫn không đặt được tên mới cho cuốn sách.

27. Jean Paul Sartre, nhà văn – triết gia nổi tiếng thế kỷ XX của nước Pháp được Hội đồng Hoàng gia Thụy Điển quyết định trao tặng giải Nobel văn học, nhưng ông không nhận. Ông nói: Nhận danh dự chính thức tức là chịu cho nó trói buộc. Là như đeo cái mặt nạ. Là chịu sức ép của danh hiệu. Đó là bản lĩnh một kẻ sĩ, một trí thức đích thực. Tuy nhiên, căn cứ theo giấy trắng mực đen, với trí tuệ cà mèng như tôi, tôi lại thấy có lúc ông mâu thuẫn với chính ông. Chẳng hạn, ông viết: tôi giao lưu với lũ vô lại, tôi phóng túng, tôi đến nghỉ trong những nhà chứa nhưng không quên rằng chân lý của mình vẫn nằm trong ngôi đền thiêng. Nghĩa rằng, ông là con người đầy bản lĩnh chủ động, không hề bị suy suyển nhân cách dù sống trong sang hay hèn. Tôi thích ý tưởng này của ông. Áp dụng vào mình như sau: tôi đã được nhận một số giải thưởng văn chương cao quý của nước nhà. Tôi rất trân trọng. Tuy nhiên không bao giờ tôi coi đó là áp lực với mình. Nghĩa là bị chúng làm cho choáng váng, tạo nên sự thỏa mãn và do đó bị chúng khống chế, nên vừa lên mặt cao ngạo vừa phải thu mình lại, xa cách cõi trần phàm, luôn khép nép giữ gìn để bảo toàn cái người đời gọi làdanh giá, danh tiết của mình. Đối với văn chương tôi không coi nó là quá quan trọng. Cũng không coi rẻ nó. Tôi coi viết văn là một nghề như rất nhiều nghề cao sang khác. Và tôi hành nghề như một người bình thường hàng ngày làm cái nghề mà mình đã yêu quý và dấn thân. Mà không phải đeo mặt nạ.

28. Ai đã học lịch sử văn học nước nhà hẳn không thể không trân quý các tác phẩm văn chương của ông cha. Nhất là các cuốn như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc… Tôi gọi đó là dòng văn học hàn lâm bác học. Cùng với nó, tôi cũng yêu quý các tác phẩm thuộc dòng văn học khác, như Trê Cóc, Phạm Tải – Ngọc Hoa, Tống Trân – Cúc Hoa… và nhiều cuốn sách khác. Văn học thế giới chắc cũng thế. Tội ác và Trừng phạt, Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm… cũng tách riêng một dòng riêng, không lẫn lộn. Ở giữa hai dòng tác phẩm này, tất nhiên có một khối lượng khổng lồ những cuốn sách nửa nọ nửa kia. Hệ luận từ đó với tôi là: là một nhà văn chuyên nghiệp, những gì tôi viết ra, hiển nhiên định hướng là phải cố vươn tới – dù là duy ý chí – những tiêu chí của dòng văn học hàn lâm bác học kể trên.


Ma Văn Kháng

Nguồn: daibieunhandan.vn

Exit mobile version