Nhân dịp tái bản lần thứ 4 cuốn sách “Giăng lưới bắt chim” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, một cuộc tọa đàm với tên gọi “Nhà văn có nên viết phê bình văn học?” đã diễn ra tại Hà Nội.


Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (ngồi giữa) tại buổi Tọa đàm

Khi Nguyễn Huy Thiệp viết phê bình văn học

Cách đây 10 năm, cuốn Giăng lưới bắt chim của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội về thể loại sách phê bình, tiểu luận. Đây là cuốn sách tập hợp những bài tạp văn, tiểu luận, phê bình, giới thiệu và ghi chú của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được viết từ năm 1988 đến năm 2006. Ngay từ khi ra mắt, cuốn sách đã gây sự chú ý trong đời sống văn chương và có không ít tranh luận xảy ra.

Trả lời câu hỏi của cuộc tọa đàm Nhà văn có nên viết phê bình hay không đã có khá nhiều ý kiến đồng thuận được đưa ra.

Nhà phê bình Chu Văn Sơn cho rằng: Nhà văn nếu thực sự là nhà văn lớn, bao giờ cũng là một nhà tư tưởng. Nếu nhà văn chỉ sáng tác không thôi thì chưa đủ và không nói hết được, nhà văn nên cất lên tiếng nói trực diện bằng văn tiểu luận. Sáng tác và phê bình sẽ mang đến cho độc giả thấy được chân dung của nhà văn, giúp độc giả hình dung trọn vẹn tầm tư tưởng của tác giả. Tóm lại, nhà văn thực sự nên viết phê bình.

Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định rằng có không ít các nhà văn viết phê bình từ xưa đến nay. Ông dẫn giải từ văn học Mỹ chia ra làm hai loại phê bình. Một loại kinh viện dành cho những nhà phê bình hàn lâm và một loại của các nhà văn nhà thơ. Và chỉ khi hai nền phê bình này song song thì mới trọn vẹn, đầy đủ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định, khi nhà văn viết phê bình có những thú vị riêng bởi vì người trong nghề viết về nghề sẽ sâu sắc.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý đại diện phía Nhà xuất bản Trẻ tiết lộ, khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thể hiện vai trò viết phê bình thì cuốn sách của ông là một trong số không nhiều sách phê bình bán chạy và đến nay tái bản đã 4 lần.


Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định, khi nhà văn viết phê bình có những thú vị riêng bởi vì người trong nghề viết về nghề sẽ sâu sắc

Giải mã về sức hút của Nguyễn Huy Thiệp khi viết phê bình

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá phong cách viết phê bình của Nguyễn Huy Thiệp là có cá tính, tạo được phong cách không giống ai. Thậm chí, khi đọc Nguyễn Huy Thiệp mà “bịt tên” tác giả thì tác giả “góc sân và khoảng trời” chỉ cần đọc đến 3 dòng là nhận ra Nguyễn Huy Thiệp.

Trần Đăng Khoa tiếp tục nói về “vị trí” của Nguyễn Huy Thiệp trong văn học Việt Nam bằng một phép thử từ nhà lý luận phê bình Nguyễn Đăng Mạnh, rằng muốn đánh giá một nhà văn như thế nào thì hãy đặt nhà văn ấy vào nền văn học đó, sau đó nhấc nhà văn đó ra xem nền văn học có xộc xệch không. Nếu nhà văn bị nhấc ra rồi mà không xộc xệch, không ảnh hưởng gì đến văn học thì nhà văn đó “có cũng được mà không cũng chả sao”…

Nhà phê bình Chu Văn Sơn chia làm 3 loại phê bình của nhà văn. Một là phê bình để thù tạc, mang tính hữu hảo, giao đãi và cá nhân ông không đánh giá cao loại phê bình này. Hai là trao đổi nghề nghiệp với tư thế của người đi trước truyền nghề, trải nghiệm sáng tác. Nhưng loại thứ ba ít hơn là viết phê bình không nhằm khen chê, xếp chiếu nhưng mục đích chính là trao đổi cái đạo của người viết. Với 3 loại phê bình kể trên thì Nguyễn Huy Thiệp có cả ba, nhưng đậm đặc và nhiều hơn cả là cái đạo của người viết, suy nghĩ, trăn trở về đạo viết. Tuy nhiên cái “đạo” của Nguyễn Huy Thiệp lại ẩn bên trong, còn ở lớp ngôn ngữ bên ngoài ông lại có giọng điệu “phũ” nên dễ khiến nhiều người “sốc”. Phũ của Nguyễn Huy Thiệp theo Chu Văn Sơn là thứ ngôn ngữ của đời, từ chối cách nói nương nhẹ, vuốt ve…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã so sánh một cách táo bạo trường hợp của Nguyễn Huy Thiệp như một cú “đánh bom cảm tử” để phá hủy một bức tường và nhìn thấy một cái mới ở bên ngoài. Đọc văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, tác giả “Sự mất ngủ của lửa” cảm thấy “xấu hổ” ở một lúc nào đó, một thời điểm nào đó. Bởi vì văn chương của Nguyễn Huy Thiệp không phải là thứ văn tự thỏa mãn mà có khả năng làm người khác “xấu hổ”.

Tôi tin có rất nhiều người yêu quý và cả không yêu quý văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng ngay cả người không yêu quý Nguyễn Huy Thiệp vẫn cứ lặng lẽ theo dõi cuộc tọa đàm này. Văn chương của Nguyễn Huy Thiệp có sức hút khó cưỡng, như “dao lam” nhẹ nhàng cứa vào da thịt mà sâu, mà đau còn nhiều người khác thì dùng dao dùng búa… Văn chương của Nguyễn Huy Thiệp đủ sức trụ lại trong các sáng tác tinh hoa bởi tác phẩm của ông có tư tưởng. Nhận định này được nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp khẳng định tại tọa đàm.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Văn chương của Nguyễn Huy Thiệp có khả năng làm người khác “xấu hổ”

Còn Giáo sư Trần Đình Sử bên cạnh khẳng định tài năng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi viết phê bình không sử dụng khái niệm của lý luận phê bình còn khẳng định Nguyễn Huy Thiệp là một ẩn số.

Sau khi lắng nghe những ý kiến từ các đồng nghiệp là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, có nhiều nhận xét “lần đầu tiên” ông được nghe, ông cảm ơn đồng nghiệp vì bỗng khiến ông “hiểu mình hơn” kể từ khi cầm bút viết văn…

Hiền Nguyễn – Văn học quê nhà

Exit mobile version