Đỗ Thị Hiền Hòa-Nhà văn Lê Minh năm nay đã 89 tuổi. Bà sinh năm 1928 ở vùng đất Hồng châu khi cha bà, nhà văn Nguyễn Công Hoan dạy học ở Hải Dương nên ông lấy chữ Hồng đặt tên cho con gái. Tên khai sinh của bà là Nguyễn Tài Hồng, khi hoạt động cách mạng bà lấy bí danh rồi sau là bút danh Lê Minh.

Nhà văn Lê Minh

Dù đã gần 90 tuổi tròn, nhưng bà vẫn hoàn toàn minh mẫn, giọng nói vẫn trong veo như cô gái trẻ. Thỉnh thoảng bà điện thoại cho tôi kể chuyện văn chương, chuyện nhân tình thế thái. Lâu nay chắc bà viết ít, nhưng sách báo thì vẫn đọc hàng ngày, gặp bài nào tâm đắc lại điện thoại chia sẻ với tôi. Là người học trò nhỏ của bà, tôi không chỉ kính trọng mà còn ngưỡng mộ trí tuệ và sức làm việc dẻo dai của bà. Cho đến nay bà đã có gần 40 đầu sách được xuất bản, cuốn nào cũng in số lượng lớn, nhiều cuốn được tái bản ba, bốn lần. Trong đó nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi, tiêu biểu như các tập: “Lớp học, Ô cửa sổ, Ngôi sao đỏ, Hạt chò chỉ, Khúc hát vườn trầu. Nhiều tác phẩm viết về phụ nữ, tiêu biểu như các tập: Chị tư già, Người chị – Nguyễn Thị Minh Khai, Cô giáo trường Na Pù, Rừng Đước, Ngọn lửa ấm,  Hòn đảo một mình…

Đề tài về cách mạng và công nhân, nổi bật như các tập : Mẻ gang đầu, Ngày mai sắp đến, Tiếng gió, Người thợ máy Tôn Đức Thắng… Các tập sách nghiên cứu: Chân dung nữ văn nghệ sĩ Việt Nam; Văn hóa nghệ thuật với phụ nữ Việt Nam; Văn hóa gia đình Việt Nam; Gia đình và người phụ nữ… Có lần tôi hỏi bà về những giải thưởng, bà nói rằng “Nhiều tác phẩm của chị được in số lượng cao, tái bản ba, bốn lần, đó là phần thưởng lớn mà người đọc dành cho chị, vinh danh chị. Người viết văn còn gì vui hơn thế nữa. Chị tự hào vì đã chứng kiến, đã ghi chép rồi xây dựng thành hình tượng văn học về những người thợ thuyền, ngay từ ngày đầu cách mạng”. Bà không nói, nhưng qua tìm hiểu tôi được biết, bà từng đoạt giải Nhất về bút ký, giải Nhất về truyện ngắn của Hội Nhà văn từ những năm sáu mươi thế kỷ trước. Hai lần giả A cho các tác phẩm viết về công nhân. Ngoài sáng tác, bà còn thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, được đánh giá rất cao. Ví dụ như công trình “Văn hóa nghệ thuật và  phụ nữ Việt Nam”, “Văn hóa gia đình Việt Nam”. Khi hỏi về tác phẩm tâm đắc nhất của mình, bà nói rằng: “Tác phẩm nào của chị cũng là tâm huyết. Nhưng vui nhất là việc chị đã tìm và tập hợp lại được tất cả các tác phẩm của cha mình, nhà văn Nguyễn Công Hoan. Chị dành nhiều năm, liên hệ với nhiều cơ quan, thư viên, đặc biệt là thư viện quốc gia, bạn bè, bạn đọc để tìm kiếm. Có những tác phẩm phải nhờ tìm trong thư viện ở Paris. Vào những ngày cha chị mới qua đời, chị buồn, ngồi đâu, đứng đâu cũng thấy bóng Cha hiển hiện. Rồi một hôm từ nỗi buồn nhớ cha, chị bật ra bài viết “Sức trẻ của một cây bút”. Nhà thơ Xuân Diệu đọc được bài này, rất xúc động, không thể nén lòng, ông đạp xe đến gọi cổng, chỉ nói một câu: “Trong đời chị, phải dành thời gian để nghiên cứu về ông Hoan. Chị có người cha là ông Hoan, đó là hạnh phúc. Ông Hoan có con gái là chị, cũng là hạnh phúc”. Nói rồi ông đạp xe đi luôn. Chị bần thần xúc động, ghi nhớ lời nhà thơ. Chị đã cần mẫn sưu tầm, hệ thống lại toàn bộ tác phẩm của cha, lần lượt cho in lại, kể cả những cuốn trước kia bị cấm lưu hành. Để rồi năm 2003 kỷ niệm một trăm năm sinh Cha chị, Nhà xuất bản Văn học và nhà xuất bản Thanh Niên đã in TOÀN TẬP NGUYỄN CÔNG HOAN”.

Được thừa hưởng tinh hoa của cha mẹ và những người chú giàu lòng nhân ái, giàu lòng yêu nước (bà có 3 người chú ruột: Nguyễn Công Mỹ, (liệt sĩ), nguyên Tổng Giám đốc đầu tiên của Nha Bình dân học vụ; Nguyễn Công Miều, (tức Lê Văn Lương) nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Công Bồng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Nha Công an. Hai anh trai : Nguyễn Tài Khoái, liệt sĩ, nguyên tỉnh ủy viên các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp; Nguyễn Tài Đông (Nguyễn Tài), đại tá công an, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, lại được rèn luyện trong phong trào công nhân thời kỳ trước cách mạng tháng Tám, nên khi cầm bút bà có nhiều tác phẩm xuất sắc về công nhân, về những nhân vật lịch sử và cách mạng. Tác phẩm Người thợ máy Tôn Đức Thắng được tái bản nhiều lần và đã vượt biên giới quốc gia đến với bạn đọc thế giới. Nhà nghiên cứu người Đức Christoph Giebel sử dụng tác phẩm đó làm luận văn tiến sĩ tại đại học Cornel của Hoa Kỳ. Nhà nghiên cứu về phụ nữ Christine Whithe rất quan tâm tới những nhân vật nữ trong tiểu thuyết Hòn đảo một mình và Hồi, là những tác phẩm đoạt giải A về đề tài công nhân của bà Lê Minh, đã mời tác giả tới làm việc ba tháng tại đại học Cornel, năm sau lại mời tác giả tới Hawai. Nhưng thời đó Việt Nam chưa mở cửa nên bà Lê Minh không đáp ứng được những lời mời.

Cách đây 2 năm, vào một chiều nắng hanh vàng rực, tôi đến thăm nhà văn Lê Minh tại số nhà 35, ngõ 371 đường Đê La Thành, thành phố Hà Nội. Từ lâu tôi vẫn gọi là chị Lê Minh, nay tôi vẫn xưng hô như vậy. Thấy trên bàn có tờ báo Văn nghệ mới ra, tôi buột miệng hỏi:

– Chị vẫn cập nhật báo Văn nghệ ư, mắt chị vẫn tinh tường quá!

– Ừ, chị vẫn đọc báo đều. Tờ báo này phản ánh về việc kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường Viết văn Nguyễn Du. Chị đọc kỹ, nhiều kỷ niệm, nhiều chuyện cũ sống dậy.

– Ngày ấy chị và các bác ở Hội Nhà văn chắc vất vả lắm. Giữa lúc đất nước khó khăn, phía Nam, phía Bắc đều có giặc mà Nhà nước vẫn mở được trường đại học cho những người cầm bút!

– Phải rồi, đó là năm bảy chín, biên giới căng thẳng lắm. Nhưng căng thẳng mấy thì Đảng và  Nhà nước vẫn chăm lo bồi dưỡng nhân tài. Còn nói về khó khăn, vất vả thì nhiều lắm, có câu “vạn sự khởi đầu nan” mà em. Hồi ấy chị được giao nhiệm vụ xúc tiến việc mở trường viết văn. Sau cuộc họp nhận nhiệm vụ ấy, chị hỏi: “Trường sẽ đặt ở đâu, giáo trình giảng dạy ra sao”. Họ bảo rằng trường đặt trong trường Lý luận nghiệp vụ văn hóa, ở 103 Đê La Thành. Hội cũng chưa ai xuống đó. Giáo trình thì đây”. Họ chuyển cho chị một tập tài liệu dầy đến gần trăm trang. Chị xem nhanh rồi thốt lên: “Đây là tuyên ngôn của Đảng chứ không phải giáo trình giảng dạy văn chương. Thôi, các ông để tôi làm lại”. Nói như vậy mà chẳng sợ ông nào tự ái vì chính các ông ấy cũng chưa hình dung ra việc giảng dạy cho lớp đại học viết văn ấy như thế nào. Nhưng trước hết chị phải đạp xe xuống Đê La Thành xem trường lớp ra sao đã. Được cán bộ hành chính đưa thăm dãy nhà dành cho học sinh viết văn, một căn nhà dài ngoẵng, lợp giấy dầu, phòng nào cũng trống trước, hở sau, cỏ mọc vào tận cửa. Tường trát trẫy đã cũ, có chỗ thủng to đến một con bò chui lọt. Chị ngán ngẩm lắc đầu, rồi đi thẳng lên phòng hiệu trưởng Trần Nguyên Phi. Chị nói đại ý rằng – Anh Phi ơi, biết là đất nước còn nghèo, nhưng bây giờ hòa bình mấy năm rồi, mà trường đại học vẫn dột nát thì khó chấp nhận quá. Nơi dành cho học sinh viết văn sắp vào học, không ổn đâu anh ạ. Có lẽ người di tản họ cũng không ở như vậy chứ đừng nói sinh viên, lại toàn là những cây bút đầy tâm huyết. Anh giúp tôi nhá, cho sửa sang lại các phòng, chí ít thì phải kín đáo, tránh được mưa nắng cho anh chị em người ta yên lòng. Sau rồi sẽ tính tiếp. Hiệu trưởng Trần Nguyên Phi đồng cảm ngay. Ông hứa sẽ cho sửa chữa lại để có thể đón sinh viên đúng lịch học.

Ngày ấy ông Hoàng Ngọc Hiến được giao làm chủ nhiệm khoa Viết văn. Ông ấy vừa có bài phát biểu trong đó có nói về “Chủ nghĩa phải đạo trong sáng tác”, hơi khác với tư tưởng chỉ đạo bên trên, nên mọi người xôn xao lắm, cấp trên thì lo lắng, ngại ngần, nhất là khi tập hợp đến 45 cây bút, về khoa viết văn. Chị đã đến gặp Hoàng Ngọc Hiến, nói với ông ấy rằng: “Anh Hiến ơi, cái chủ nghĩa phải đạo nó là cái gì, anh có thể nói bằng tiếng Pháp cho tôi nghe được không?”. Sau khi nghe, chị bảo “ối giời ơi, tưởng gì chứ cái ấy thì người ta dịch rồi, người ta gọi là chủ nghĩa hiện thực phê phán. Đó chỉ là cách dịch khác nhau thôi, không phải là trái quan điểm. Ông với tôi cộng tác chặt chẽ để cái lớp viết văn đầu tiên này thành công nhé”. Hoàng Ngọc Hiến rất vui và cùng chị xây dựng nên giáo trình cho khóa học đầu tiên.

Việc tiếp theo là mời các giảng viên. Từ xưa đến nay chưa có trường đại học nào dạy viết văn, nên việc chọn và mời giảng viên cũng là việc khó. Với mong muốn trang bị cho những cây bút vừa bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ này những kiến thức cơ bản nhất, tổng quát nhất, nên môn học nào cũng phải mời giáo sư, chuyên gia, giảng viên hàng đầu. Những giáo sư nổi tiếng lúc đó như Nguyễn Tài Cẩn, Phạm Hoàng Gia, Nguyễn Văn Khỏa, Hà Văn Tấn, Hồ Ngọc Đại, Trần Quốc Vượng và nhiều giáo sư khác được mời đến. Về môn sáng tác thì các cụ Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Đặng Thai Mai, Tô Hoài, Nguyễn Thành Long được mời đến. Ngày ấy các giáo sư, nhà văn, nhà thơ hầu như đều đi xe đạp. Trường ở xa trung tâm, mà các cụ đều đã cao tuổi, nếu đi xe đạp trên phố cổ thì chẳng nói làm gì, nhưng đi qua phố Khâm Thiên, qua Ô Chợ Dừa, qua đoạn Đê La Thành chon von nhiều xe cộ là một sự thử thách nhiều nguy hiểm. Ngày ấy đường phố Hà Nội rất ít xe máy, còn xe đạp đông nghịt, chen chúc như mắc cửi. Nói dại, nhỡ có xe nào va quệt vào các cụ thì… Vậy là một ý nghĩ lóe lên trong đầu: Phải xin một chiếc ô tô. Thế là chị đánh bạo đến nhà ông Đỗ Mười (lúc đó đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng như Phó Thủ tướng sau này). Ồng Đỗ Mười cùng hoạt động với chị từ hồi cách mạng tháng Tám, nên chị mới có thể đường đột đến nhà và thẳng thắn đặt vấn đề “xin một chiếc ô tô”. Ông Mười thông cảm, ân cần bảo: “Lê Minh cứ yên tâm, để mình bảo văn phòng thu xếp cho. Các giáo sư, các nhà văn lão thành như vậy phải đưa đón bằng ô tô là xứng đáng”. Tuần sau văn phòng Hội Nhà văn nhận được một ô tô bốn chỗ, vậy là việc mời giảng viên cho lớp học đặc biệt ấy không đáng ngại nữa.

Ô tô chỉ để đón giảng viên, bản thân chị thì hoàn toàn đi bằng xe đạp. Lúc ấy chị cũng đã 50 tuổi, hàng ngày cứ ngồi trên chiếc xe mipha đạp nhanh qua nhiều đoạn phố đông. Nhiều đồng nghiệp lo cho chị bảo, qua ngã tư xuống mà dắt cho an toàn. Chị nói vui, các ông cứ yên tâm, sau khóa học này tôi có thể trở thành diễn viên xiếc xe đạp. Nói vui thế chứ mình đạp xe phải cẩn thận. Chị phải xuống trường thường xuyên để điều hành công việc.

Nhớ lại ngày đầu tiên vào học trường viết văn Nguyễn Du (tháng 10 năm 1979), tôi cùng Lâm Thị Mỹ Dạ với cô con gái 5 tuổi của chị phải nghỉ tạm trong một nhà trẻ của trường. Hôm sau mới được phân chia phòng ở trong dãy nhà cấp 4 ẩm thấp. Các anh chị từ miền Nam ra học, phần vì không quen cái lạnh ở miền Bắc, phần vì ở xa, tàu xe chen chúc, không thể mang đồ chống rét, nên rất lo lắng khi những trận gió mùa đông Bắc tràn về. May quá, chỉ sau vài ngày rét nhẹ, đã có thông báo: Hội Nhà văn đã có chăn bông bán cung cấp (nghĩa là bán giá rẻ nhất) cho các học viên, ai có nhu cầu thì đăng ký. Mấy anh chị miền Nam thở phào. Sau chúng tôi được biết, có những chiếc chăn bông chống rét ấy là do chị Lê Minh. Giờ nhắc lại chuyện đó, chị kể rằng: Biết cái rét đến, học viên miền Nam sẽ khó chịu đựng nên chị bàn với chị Hường cán bộ văn phòng Hội xin một chuyến ô tô về Nam Định. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Công đoàn nhà máy dệt lúc đó đều là cán bộ được chị dìu dắt, bồi dưỡng từ hồi cách mạng tháng Tám. Chị về, họ mừng như gặp người chị cả. Có người reo lên “A! Chủ Nhất đã về! Lâu quá chị chẳng về thăm”. Họ gọi chị là “Chủ Nhất”, chị bảo “Chẳng có nhất nhì gì. Tôi về có chút việc nhờ các bạn đây!”. “Chủ nhất cần gì cứ chỉ thị, sao lại phải nhờ”. “Nhưng đây là việc… không thể chỉ thị mà phải nhờ. Tôi cần một số chăn bông cho các em tôi ở miền Nam ra học viết văn. Các em ấy đều là những cây bút xuất sắc, ở miền Nam ra đây họ không quen thời tiết rét mướt này. Ngoài thị trường làm gì có chăn bông bán, nên phải nhờ các bạn.” “Ôi giời, tưởng gì, chứ việc ấy thì đúng là chị cứ ở Hà Nội a lô cho bọn em là xong ngay. Vậy chị cần bao nhiêu chăn?”. Lúc ấy chị Hường nói nhỏ “nhân đây xin thêm cho anh em ở Hội”. Vậy là các chị mang về đủ số chăn bông cung cấp cho những nhà văn cần chống rét.

Lúc đó chúng tôi không để ý đến chức danh của các nhà văn, chỉ biết phía Hội Nhà văn có bác Xuân Sanh, bác Nguyên Ngọc và chị Lê Minh thường xuyên đến lớp. Phía trường thì thầy Hoàng Ngọc Hiến là chủ nhiệm khoa, thầy Huỳnh Khái Vinh phó chủ nhiệm khoa, thầy Nguyễn Tri Nguyên là chủ nhiệm lớp. Các thầy đều là tiến sĩ, từng tu nghiệp ở nước ngoài, rất nhiệt tâm với lớp. Riêng chị Lê Minh, chúng tôi coi như người chị cả, người gọi là chị Lê Minh, người gọi là cô Lê Minh, ấm áp và chân tình. Gặp khó khăn gì, dù việc cá nhân hay việc chung của lớp chúng tôi đều bày tỏ với chị, đều được chị nhiệt tình tháo gỡ và ân cần động viên. Sau mỗi học phần lớp tổ chức hội thảo, chị ngồi chăm chú nghe, khi học viên viết thu hoạch rồi nộp tác phẩm, chị cùng các nhà văn khác trực tiếp đọc, cho điểm từng bài.  Bây giờ ngẫm lại, chúng tôi càng thấm thía sâu sắc rằng, công lao của nhà văn Lê Minh với trường Viết văn Nguyễn Du thật lớn. Có thể nói, nếu không có chị chắp nối bao nhịp cầu, tháo gỡ bao khó khăn thì không biết Trường Viết văn lúc đó có thể mở nổi hay không, nghe nói trước đó đã từng hoãn lại đến mấy năm. Từ cái khóa Iấy nay nhiều người đã trở thành những nhà văn tên tuổi lừng lẫy và giữ những trọng trách lớn trên văn đàn. Ví dụ như nhà thơ Hữu Thỉnh lúc đó là Bí thư chi bộ của lớp, đảng ủy viên nhà trường, nay là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Chu Lai lúc đó là lớp trưởng, nhà văn Xuân Đức lúc đó là lớp phó. Các nhà văn khác như Nguyễn Trí Huân, nay là Phó Chủ tịch Hội nhà văn; Khuất Quang Thụy nay là Tổng Biên tập Tuần báo Văn nghệ; Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Khắc Trường, Đào Thắng, Nguyễn Hoa đều từng giữ những chức vụ quan trọng của Hội Nhà văn, và nhiều nhà văn được bạn đọc yêu thích khác, chưa kể các khóa sau còn rất nhiều nữa những cây bút đã trưởng thành dưới mái trường này.

Nhà văn Lê Minh thuở ấy với nhiều trọng trách: Trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ báo Nhân Dân, Phó Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Viết văn Nguyễn Du, Ủy viên Hội đồng văn học Công nhân, Giám đốc quỹ Văn hóa Việt Nam, đã đóng góp cho nền văn học nước nhà những mạch ngầm dào dạt.

Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 14 tuổi, vào Đảng từ năm 17 tuổi, từng công tác trong ban Phụ vận trung ương nhiều năm, từng phụ trách phần văn của các báo Văn họcVăn, Văn nghệ, Tạp chí Tác phẩm mới, nhà văn Lê Minh đã cống hiến bao nhiêu sức lực, trí tuệ cho cách mạng nói chung và nền văn học nước nhà nói riêng. Giờ đây bà chỉ có một mong mỏi rằng, những người cầm bút hãy phản ảnh trung thực và sinh động về những giai đoạn lịch sử của đất nước, nhất là những ngày gian khổ ban đầu. Ở tuổi 89 nhiều người phải chống gậy mới đi được thì bà Lê Minh vẫn bước đi nhanh nhẹn, giọng nói vẫn trong veo, ngày ngày vẫn đọc báo, tạp chí và những sách văn học, mà học trò kính tặng.

Nguồn Văn nghệ

 

Exit mobile version