Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có nhiều trang viết về mẹ, về những người đàn bà ở ngôi làng Chùa. Và “Trong ngôi nhà của mẹ” một lần nữa Nguyễn Quang Thiều lại dành cho họ những dòng chữ xúc động và trân trọng.
PV: Nguyễn Quang Thiều được biết đến là một người khá đa tài và dồi dào bút lực với rất nhiều câu chuyện về làng quê đầy mê hoặc, hấp dẫn được thể hiện ở cả thơ, văn xuôi và hội họa. Mới đây, độc giả bắt gặp một cuốn sách mới tinh“Trong ngôi nhà của mẹ” được viết theo lời kể của một người bạn trong nhóm Nhân sỹ Hà Đông – anh Trịnh Văn Sỹ. Và có ý kiến khá tò mò rằng phải chăng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đang “cạn đề tài”?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hoàn toàn không phải chuyện tôi cạn đề tài. Lý do đầu tiên là tôi chơi thân với anh Sỹ. Và trong khoảng 20 năm chơi với nhau thì rất nhiều câu chuyện anh kể đều có hình bóng của người mẹ, ngay cả khi mẹ đã mất đi rồi.
Lý do nữa là người kể câu chuyện này – Anh Sỹ chỉ muốn ghi chép lại để cho con cháu biết về lịch sử gia đình trong một giai đoạn nhất định mà anh chứng kiến. Và tôi nhận thấy dường như những lời anh kể như gửi lại thông điệp cho thế hệ sau về đạo hiếu của một người con cho dù gia đình họ đã có lúc phải chìm trong bóng tối của những năm tháng xa xưa với nghèo đói, tuyệt vọng, đau ốm, sợ hãi… Nhưng cuối cùng họ đã vượt qua, vươn lên bằng chính nghị lực, lao động chân chính, biết hiếu, lễ nghĩa để đến một ngày “quả phúc” của dòng họ mở ra.
Hơn nữa những câu chuyện về mẹ của anh ấy khiến tôi cũng cảm giác như câu chuyện của mình hay của rất nhiều bà mẹ ở đất nước Việt Nam. Và trong thời đại này chữ “hiếu” đang bị đánh mất rất nhiều. Câu chuyện của một gia đình, một con người nhưng trở thành câu chuyện của nhiều gia đình và nhiều con người.
Đứng về mặt văn học, tôi nhận ra một điều chúng ta đi cứ tìm những điều lớn lao xa vời ở đâu như chân trời, đỉnh núi nhưng hóa ra tất cả những điều lớn lao đó ở ngay cạnh chúng ta, ở ngay trong ngôi nhà bình dị, trong con người bình dị khi chúng ta nhìn sâu và kỹ.
Bìa cuốn sách “Trong ngôi nhà của mẹ”
PV: Khi được nghe kể rồi viết về những con người ở làng quê thì câu chuyện nào khiến ông xúc động nhất?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đó là câu chuyện kể về một bà mẹ. Bà mẹ ấy ngày xưa làm lẽ cho một gia đình, nhưng bà đã không sinh được con nên nghĩ mình đã không mang lại hạnh phúc cho gia đình đó và lặng lẽ bỏ đi. Sau đó bà lấy người chồng thứ hai. Và theo phong tục ngày xưa của làng quê đó, khi người đàn bà đã rời bỏ nhà chồng thì phải trả lễ ăn hỏi, xin cưới nhưng bà mẹ này đã giấu câu chuyện đó để mãi khi người chồng thứ hai của mình mất đi rồi và bà cũng sắp mất, bà mới kể cho những đứa con của mình với nỗi dày vò vì không thực hiện việc trả lễ theo phong tục tập quán.
Và 48 năm sau những đứa con đó đã quyết định đến xin phép dòng họ người chồng thứ nhất và xin phép mẹ mình để sắm lễ đầy đủ, nghiêm trang trở về quê người chồng thứ nhất thực hiện mong ước của người đã chết để trả lễ cho một người đã chết. Khi nghe kể về câu chuyện này tôi đã ứa nước mắt.
Việc những người con trả lễ thay mẹ thể hiện vừa giữ được nề nếp, gia phong, văn hóa, phong tục… đồng thời cũng là một cách trả hiếu của những người con, để nơi vĩnh hằng người mẹ có thể mỉm cười dù mình đã mắc nợ một con người trong cuộc đời này nhưng những đứa con đã thay mình trả nợ.
PV: Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đây là lần đầu tiên ông viết một cuốn sách từ lời kể của bạn, vậy ông có gặp khó khăn gì không?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Cái khó khăn nhất là làm sao giữ được giọng kể của những con người đó, giống như một người kể chuyện vào mỗi tối phải chính giọng người đó nhưng vẫn phải thành một câu chuyện. Khi viết tôi xác định giữ được tinh thần, tâm hồn nhớ mẹ của những người con chứ không phải nhớ mẹ bằng cách của Nguyễn Quang Thiều. Và tôi cho rằng câu chuyện này đã thành công ở chỗ chính người con lên đã thấy như lời kể của họ còn người khác đọc lên thì đấy là một cuốn sách mà có đầy đủ yếu tố của văn chương.
PV: Nhưng ông nghĩ sao nếu cho rằng cuốn sách thành công, được nhiều người biết đến vì có gắn tên tuổi của Nguyễn Quang Thiều?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Có thể đấy là một đề-pa ban đầu. Khi tôi nói tôi đang viết một cuốn sách về một gia đình bình dị, Nhà xuất bản Trẻ muốn đọc nội dung và nhận ra đây là một câu chuyện xúc động, chứa đựng phong tục, tập quán, lề thói, cách sống của người Việt, như họa sĩ Lê Thiết Cương nói cuốn sách chứa đựng cả “dư địa chí” về một ngôi nhà làng quê, một mảnh vườn, cùng các phong tục ma chay, cưới xin, giỗ chạp…
PV: Có nghĩa là Nhà xuất bản Trẻ in vì nội dung cuốn sách, vì câu chuyện trong cuốn sách chứ không phải vì tên tuổi Nguyễn Quang Thiều?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ họ quyết định in vì đây là câu chuyện đáng để cho nhiều người đọc.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
PV: Ông phải mất bao lâu để hoàn thành cuốn sách?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi đã nghe kể trong sáu tháng, mỗi tuần hai ba tối… và cả ghi chép, nghe kể, hoàn thiện thì mất khoảng một năm.
PV: Ông gọi thể loại cuốn sách này là gì?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Gọi cuốn sách này là hồi ký hay tự truyện cũng không hẳn, dù ghi chép hoàn toàn sự thật. Có thể chỉ gọi cuốn sách này là một câu chuyện, hay chuyện kể.
PV: Thế giả sử sau thành công của cuốn sách này, rất nhiều người cũng có không ít câu chuyện cuộc đời của mình hấp dẫn, cảm động lại nhờ đến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết thì ông có nhận lời không?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chắc là khó, vì câu chuyện những người trong gia đình này, dù tôi không được sống trực tiếp nhưng tôi được sống gián tiếp qua những câu chuyện, lời kể của những người con của bà mẹ trong gần 20 năm nay nên đôi khi như câu chuyện của mình.
Tôi nghĩ mọi người hãy ngồi xuống hãy kể một cách chân thực nhất, xúc động nhất, nhân văn nhất, hướng tới những điều tốt đẹp thì sẽ trở thành một câu chuyện chứ không nhất thiết phải cần đến Nguyễn Quang Thiều hay bất cứ một ông nhà văn nào đó…
* Cảm ơn nhà thơ!.
Hiền Nguyễn (thực hiện) – Tổ Quốc