Một chiều năm 1967, thành phố cảng Hải Phòng sau loạt pháo phòng không, hồi còi báo yên vừa dứt thì cũng vừa vào giờ tập hát của Đài Tiếng nói Việt Nam. Giọng tập hát cất lên bài hát Vàm Cỏ Đông. Tôi dừng bên đường nhà máy thủy tinh lắng nghe. Một giọng hát nữ trong trẻo như tiệp cùng trời xanh thành phố, xa xa mấy ụ pháo bên sông Cấm cũng rất xanh, xanh như tứ thơ trong lời bài hát vừa hát lên: Ở tận sông Hồng em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông…
Nhà thơ Hoài Vũ
Chưa biết thơ của ai nhưng giọng thơ quen quá. Lời thơ được hát đi hát lại. Tôi vội đạp xe về nhà, lấy phấn viết lại hai câu thơ lên bảng treo bên vách, tấm bảng hàng ngày tôi viết những câu thơ hay cho hai con gái tôi đọc.
Thơ và nhạc như vực dậy sông Cấm ngồi kia lắng nghe người con trai sông Vàm Cỏ Đông gọi người con gái sông Hồng cùng nhớ về lịch sử. Đây con sông như dòng sông lịch sử/ Sáng ngời lên từ thuở cha ông. Những câu thơ, những giai điệu thơ mặn mà quyến rũ, thấm đẫm chan hòa vừa giọng lịch sử vừa giọng trữ tình của hai dòng sông tha thiết cháy bỏng. Những bài thơ từ trong cuộc chiến đấu vút lên một thứ hoa lửa. Thanh Hải trong Mộ anh hoa nở, Giang Nam trong Quê hương, Viễn Phương trong Đám cưới giữa mùa xuân. Và Hoài Vũ thì gần như thoát ra khỏi một góc phố, một ngọn đồi để đến với một phía trời, một vùng đất, một không gian rất cụ thể một dòng sông Vàm Cỏ Đông: Vàm Cỏ Đông đây, ta quyết giữ/ Từng mái nhà nép dưới rặng dừa/ Từng thửa ruộng ngời đen màu mỡ/ Từng mối tình hò hẹn sớm trưa.
Sau ngày giải phóng miền Nam, trong chuyến đi thực tế về Tây Ninh, đến Dầu Tiếng tình cờ gặp nhà thơ Hoài Vũ cùng chuyến đi. Mừng quá, tôi gọi to: Hoài Vũ, đang giữa đường. Hoài Vũ cũng bất ngờ mừng tôi rối rít. Đến khúc ngoặt dòng sông, tôi hỏi Hoài Vũ: “Đây là dòng sông Vàm Cỏ Đông?”. Hoài Vũ bâng khuâng: “Ừ Vàm Cỏ Đông của mình”. Hoài Vũ chỉ khúc sông đúng nơi và thời điểm viết bài thơ.
Thật ra không ít lần nhà thơ đi qua Vàm Cỏ Đông, có khi bằng thuyền nhỏ đi trong lau lách từ Củ Chi vượt tuyến lên Tây Ninh. Cũng có khi bơi từ Tây Ninh băng lộ vượt Vàm Cỏ Đông vào thành phố. Những lúc ấy trời đất như thanh bình, mùa nước soi từng mảnh mây, gió ngọn dừa quạt mát, dòng sông lặng lẽ như tình yêu. Tình yêu sông thổi vào nhà thơ từ ngày ấy để có những câu thơ như được viết nhẹ trên ngọn lau, trên ngọn dừa: Đây con sông xuôi dòng nước chảy/ Bốn mùa soi từng mảnh mây trôi/ Từng ngọn dừa gió đưa phe phẩy/ Bóng lồng trên sóng nước chơi vơi.
Một lần, nhà thơ đang giữa dòng bất ngờ gặp xuồng máy giặc từ sông Sài Gòn chạy dọc tuần hành vừa nã súng ven sông. Nhiều lần như vậy nhà thơ phải đội từng bè lục bình lừng lững trôi. Những lúc ấy hồn nhà thơ nghe hoa lục bình vẫn nở tím che cho mình yên tĩnh để nghe gọi hồn những câu thơ từ hồn những chiến sĩ đã khuất trên dòng sông.
Đó là những câu thơ nở dưới hoa cũng là nở trong tuổi tóc xanh: Có thể nào quên những con người/ Tóc còn xanh lắm tuổi đôi mươi/ Dám đổi thân mình lấy tàu giặc/ Nụ cười khi chết vẫn còn tươi. Vào một đêm dòng sông lấp loáng ánh sao cùng những ánh lửa. Ngồi bên bờ giữa mấy lùm cây thả cành ra sông, nhà thơ đang đợi liên lạc.
Trong khoảng vắng lặng, bỗng từ phía xóm một giọng hát nhạc đài cỡ nhỏ cất lên. Giọng quan họ của một người con gái đắm đuối, trữ tình. Một giọng hát như níu hồn nhà thơ quặn xuống tận đáy Vàm Cỏ Đông để nhà thơ nghe đủ cả, đủ cả của một Vàm Cỏ Đông đang có hồn quan họ. Điệu quan họ trong tiếng sáo réo rắt, trong lục huyền cầm mềm mại. Đêm nay nghe sông Hồng gọi một Vàm Cỏ Đông: từng tàu giặc đắm, từng đoàn giải phóng qua sông, từng mối tình hò hẹn. Và Vàm Cỏ Đông tình yêu và lịch sử trong hồn nhà thơ rướm máu cùng lúc hồn thơ dậy lên để gọi sông Hồng tha thiết lắng nghe. Đến khi một ánh lửa giao liên nhoáng lên bên kia bờ thì cũng vừa lúc dấu chấm hết câu thơ cuối bài thơ vừa hình thành. Một bài thơ nghĩ trong đêm bên sông nước trước lúc nhà thơ bước vào cuộc chiến đấu trên sông Vàm Cỏ Đông.
Nguồn: sggp.org.vn