Tôi biết nhà thơ Giang Nam qua bài thơ Quê Hương từ thuở thiếu thời. Tên tuổi và tác phẩm của ông lừng lững trên thi đàn được tôi chép vào sổ tay thơ cùng với những bài thơ đi cùng năm tháng khác. Mãi đến gần đây, do yêu cầu công việc nên tôi mới có dịp nhiều lần đến căn nhà số 46 Yersin của vợ chồng ông nằm yên bình giữa thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa). Quả thực, lần đầu tiên được diện kiến, tôi không khỏi bất ngờ vì Giang Nam lại có nhân dạng tướng mạo khá cứng cáp so với cái tuổi 85 của một đời người…

Tình yêu và dâu bể

Nhà thơ Giang Nam và vợ (ảnh: Nguyễn Xuân Thủy)

Tôi nghĩ, những ai muốn gặp nhà thơ Giang Nam thì phải gọi điện hẹn trước. Không phải vì tính cầu kì hay quan cách một cách khó chịu của người nổi tiếng mà vì nhà thơ xưa nay vẫn vậy, ông quý khách và muốn sắp xếp thời gian phù hợp cho cuộc gặp hiệu quả hơn. Chính vì vậy, do không biết ý nên lần đầu tiên đến, tôi không gặp được nhà thơ vì ông bận đi họp cán bộ hưu trí ở phường. Cũng may, nhờ thế mà tôi được vợ nhà thơ Giang Nam là bà Phạm Thị Triều ngồi tiếp chuyện. Trước mặt tôi, một người phụ nữ đã ngoài 80 nhưng sắc diện rất đẹp lão, dáng người mảnh cao, gương mặt hiền từ phúc hậu, đôi môi hồng và giọng nói đặc sệt đất phố Nha Trang. Hơn một giờ đồng hồ trò chuyện, bà kể cho tôi nghe đủ điều. Niền vui của bà thể hiện rõ nhất là vấn đề sức khỏe của hai vợ chồng còn mạnh giỏi, Giang Nam vẫn đọc sách và sáng tác thường. Trong dòng hồi niệm bềnh bồng đan xen những mẩu chuyện đứt nối, bà nhớ nhất, kể rõ nhất, cảm động nhất là câu chuyện tình yêu của hai người từ thời còn e ấp, bén duyên rồi trải qua bao dâu bể thăng trầm khi cả hai còn đi kháng chiến.

Ngày ấy, cô bé Phạm Thị Triều sống với gia đình ở phường Vĩnh Trường (Nha Trang). Vừa mới lớn, Triều theo chị gái lên vùng căn cứ Đồng Bò hoạt động cách mạng rồi một thời gian sau được điều về làm ở khối Dân chính của Tỉnh ủy Phú Khánh, đóng ở Đá Bàn. Chính nơi đây, cô đã gặp chàng trai Nguyễn Sung (tên thật của Giang Nam). 16 tuổi, Sung vừa nghỉ học từ Quy Nhơn về vì Nhật đảo chính Pháp (8.1945), trường đóng cửa. Ông trở lại xã Vạn Thắng quê nhà tham gia công tác thông tin tuyên truyền. Nhờ công tác phong trào và viết báo tốt, khoảng đầu năm 1954, anh được điều về căn cứ Đá Bàn. Ở đây anh lính Nguyễn Sung đã gặp cô gái xinh đẹp Phạm Thị Triều.

Dù tình trong như đã nhưng hồi ấy chuyện yêu đương trong cùng tổ chức rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, chuyện trai gái không thể giấu được ai. Cũng may, mọi người đều thương nên trước ngày anh ra Bình Định tham gia Đoàn Sĩ quan liên bộ đình chiến, chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Genève, đơn vị đã tổ chức đám cưới cho hai người. Vợ chồng trẻ ở với nhau được hai ngày thì Nguyễn Sung lên đường. Không ngờ đây là cuộc chia ly không hẹn ngày về, tình vợ chồng từ đây xa cách, trải qua nhiều dâu bể…

Sau tháng 7.1954, Nguyễn Sung trở lại hoạt động ở Nha Trang nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn không thể gặp nhau vì nguyên tắc bí mật cách mạng. Đến 1958, tổ chức chuyển vùng công tác cho cả hai vào Biên Hòa, vợ chồng mới sống bên nhau. Trong hồi kí Sống và viết ở chiến trường, Giang Nam viết: “Chúng tôi thuê một căn nhà lá trong một xóm nghèo ở Biên Hòa để ở. Hằng ngày vợ tôi bán bánh bò ngoài chợ, tôi làm công cho một tư sản thầu khoán người Việt. Tuy cuộc sống nghèo khổ nhưng chúng tôi rất vui vì bốn năm sau ngày cưới mới có dịp gặp nhau. Rồi vợ tôi sinh một cháu gái. Đó là nỗi vui mừng của tôi. Tuy nhiên công việc của người chủ gắn với mỏ đá ở Long Khánh nên tôi thường xuyên xa nhà… Khi con tôi được vài tháng tuổi thì tỉnh ủy Phú Khánh rút tôi về lại”. Đêm anh đi, con gái khóc nhiều. Nghe lời người chủ nhà hỏi về người chồng bỗng dưng vắng mặt, bà Triều phải nuốt nước mắt nói dối rằng ông lên Buôn Mê Thuột làm vì lương rất cao để chủ khỏi nghi ngờ. Chủ nhà tỏ ra giận, trách anh là người chồng chẳng ra gì, ham tiền để vợ con khổ. Thương đứa trẻ khóc hoài, bà chủ nói: “Trẻ nhỏ coi vậy mà khôn lắm, nó nhớ cha nó đó. Cô coi cái áo nào của chú đắp cho nó ngủ”. Không biết vì mùi mồ hôi quen thuộc hay vì cái gì khác mà con bé sau đó nín khóc và ngủ được. Chi tiết này, sau được Giang Nam đưa vào bài thơ Lá thư thành phố: Con vẫn ăn chơi, em vẫn khỏe/ Anh yên lòng nhé chốn xa xăm/ Dây bầu sai trái bên đầu ngõ/ Vẫn đợi anh về hái nấu canh/ Con nhớ anh thường đêm biếng ngủ/ Nó khóc làm em cũng khóc theo/ Anh gửi về em manh áo cũ/ Đắp cho con đỡ nhớ anh nhiều…

Giang Nam về Khánh Hòa, bà Triều ở lại vừa hoạt động bí mật, vừa nuôi con một mình. Một đêm năm 1959, địch ập vào bắt mẹ con bà Triều giải đi.

Cảm xúc Quê hương

Câu chuyện giữa tôi với bà Triều tại căn nhà số 46 Yersin được tiếp tục bằng chi tiết “cô bé nhà bên” trong bài thơ Quê hương. Bà nói, có nhiều người thắc mắc hỏi, cô gái đó có phải là tôi hay một người con gái nào khác, nếu là tôi sao lại có câu “giặc bắn em rồi quăng mất xác”, nói rồi bà cười tươi hạnh phúc…

Câu chuyện này, được Giang Nam kể tường tận, chi tiết trong những lần gặp sau. Theo Giang Nam, khi vợ con bị bắt, tổ chức đã cho người dò la tung tích nhưng không tìm ra manh mối. Một buổi chiều, đồng chí phó bí thư tỉnh ủy đã gọi ông lên chỗ làm việc, anh hỏi về tình hình công tác sức khỏe với một thái độ trìu mến. “Tôi linh cảm có điều không lành xảy ra mà anh đang giấu tôi. Quả nhiên sau đó anh nói thật: tin của cơ sở trong thành vừa báo cho biết, vợ và con gái tôi bị địch bắt trước đó hơn một năm đã bị chúng thủ tiêu trong nhà tù tại Phú Lợi, Sài Gòn. Tôi choáng váng trước cái tin đột ngột như trời vừa sập xuống đầu mình. Tôi không đủ can đảm hỏi điều gì nữa”. Và đêm đó, dưới chân núi Hòn Dù cách TP Nha Trang 40 cây số về phía Tây, nơi đóng căn cứ bí mật của tỉnh ủy, Giang Nam ngồi trong căn chòi nhỏ của mình dưới tán lá rừng, bên ngọn đèn dầu lù mù được che kín cả ba mặt, chỉ trừ một chút ánh sáng rọi trên trang giấy, ông đã viết bài thơ Quê hương. “Hầu như tôi viết một mạch không xóa sửa, hình ảnh cứ như được sắp sẵn và hiện ra đầu ngọn bút. Từng đoạn nước mắt tôi cứ trào ra, nhất là hai câu cuối cùng của bài: Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi”. Y như máu thịt của người yêu đã hóa thành hạt bụi trộn vào mỗi hòn đất dù nhỏ nhất trên trái đất này. Thật tình, trong hoàn cảnh cực kì khó khăn của cách mạng miền Nam, cái sống và cái chết chỉ cách nhau một sợi tóc, Giang Nam không có ý định làm một bài thơ tình đòi hỏi sự tinh tế, chắc lọc đến cao độ. “Tôi cũng không ngờ bài thơ tôi viết trong giây phút đau đớn của đời mình lại thành một bài thơ tình yêu được nhiều người đọc và yêu thích”.

Người thẩm định Quê hương đầu tiên chính là người báo hung tin trên. Bài thơ kí bút danh Giang Nam và được tác giả gửi ra Hà Nội cho Báo Thống Nhất, một tờ báo được Trung ương chuyển vào Nam lúc đó. Giang Nam gửi bài thơ đi vì hi vọng nó được in báo. Khoảng tháng 5, năm 1961, trên đường công tác ở huyện Khánh Sơn, Giang Nam nghe Đài tiếng nói Việt Nam công bố giải thưởng thơ 1960-1961 của Tạp chí văn nghệ. Ông mừng không thể tả vì Quê hương được giải nhì (không có giải nhất). Theo lời nhà phê bình Hoài Thanh, bài thơ Quê hương từ miền Nam gửi ra cho Báo Thống Nhất, các anh bên báo thấy bài thơ hay, phù hợp với tình hình miền Nam nên gửi qua dự thi và được giải nhì. Sau này, Giang Nam nhận được một bức thư của nhà thơ Hoàng Trung Thông từ Hà Nội, thư có đoạn viết: “Thân gửi bạn Giang Nam. Sau ba tháng làm việc, ban giám khảo cuộc thi thơ đã chấm và chọn xong những tác phẩm được giải. Hôm nay chúng tôi rất sung sướng báo tin trước để anh rõ bài thơ Quê hương của anh đã được ban giám khảo tặng giải nhì…”.

Giang Nam cứ đinh ninh rằng vợ con đã bị địch giết, không ngờ sau ba năm mất tung tích, năm 1962 vợ con được địch thả về do không tìm ra lí do buộc tội. Gia đình được đoàn tụ nhưng ngay sau đó, Giang Nam lại được điều lên bổ sung cho Ban Tuyên huấn Khu. Vậy là vợ chồng con cái phải tạm chia tay nữa để Giang Nam về cơ quan mới đóng tận vùng giáp ranh Đăk Lăk. Sau đó ông được cử đi học Trường Đảng do Trung ương cục miền Nam mở ở Tây Ninh và được giữ lại làm Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ giải phóng. Năm 1968 bà Triều và con gái lại bị bắt lần hai do lộ đầu mối. Bà Triều kể: “Hai mẹ con tôi bị địch buộc tội, đưa ra tòa mấy lần nhưng không thành là nhờ một luật sư tốt bụng bào chữa giúp. Chính vì thế mà không bị đày ra Côn Đảo”. Đến sau hiệp định Paris (1973) được ký kết bà mới được trả về. Sau ngày giải phóng, vợ chồng Giang Nam tìm người luật sư này khắp nơi để trả ơn nhưng không gặp.

Tuổi già hạnh phúc

Sau khi đất nước thống nhất, vợ chồng Giang Nam vẫn phải sống xa cách. Ông tiếp tục hoạt động kiện toàn các tổ chức văn nghệ của Sài Gòn, bà Triều công tác tại Nha Trang. Năm 1978 Giang Nam được điều ra Hà Nội phụ trách mảng văn nghệ miền Nam kiêm Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Nói về thời gian này, bà Triều tâm sự: “Ông động viên tôi ra Hà Nội ở. Tôi ra nhìn thấy cảnh ông ăn ở tạm bợ khổ cực ở cơ quan văn nghệ số 65 Nguyễn Du tôi đã oà khóc”. Do cuộc sống và thói quen nên bà Triều không thể ở miền Bắc được. Vậy là hai người phải chịu cảnh kẻ Nam người Bắc. Sau đó một thời gian, tỉnh Khánh Hòa xin Trung ương điều Giang Nam về công tác tại tỉnh nhà. Về quê hương, ông đảm đương cương vị Phó Chủ tịch Tỉnh giai đoạn 1989-1993, nhiều năm Giang Nam là chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh và Khánh Hòa, đại biểu Quốc hội khóa 6 (1976-1981).

Từ đây, cuộc sống gia đình Giang Nam mới được đoàn tụ thật sự. Căn nhà của vợ chồng ông đang ở được bà Triều mua lại của một người quen từ trước giải phóng. Căn nhà rộng rãi, thoáng mát, phía trước hiên là thư phòng, bên trên có những dò lan ra hoa đều đặn, nơi Giang Nam ngồi đọc báo, sáng tác và tiếp khách mỗi ngày. Trong căn nhà ấy, bất cứ ai bước vào cũng thấy niềm vui và hạnh phúc của của một đôi bạn ngoài 80 mà vẫn vui vẻ tình tứ như thuở nào. Ông bà sống giản dị điềm đạm nhưng qua cách tiếp khách cũng đủ thấy họ trọng nghĩa tình. Trong căn nhà ấy, ngày ngày cô con gái duy nhất của ông bà hai lần vào tù cùng mẹ nay đã là một phụ nữ thành đạt vẫn về bên cha mẹ. Có lẽ ông trời đã cho vợ chồng Giang Nam chữ thọ để họ được hạnh phúc bên nhau trọng vẹn những năm cuối đời, bù lại những gì đã mất mát đã gánh chịu trong chiến tranh. Người viết bài này cũng cầu mong cho ông bà sức khỏe để được ở bên nhau đến trên trăm tuổi già.

Nguồn: Văn nghệ

Exit mobile version