Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Vũ Thanh Lịch.
Gồm các truyện ngắn sau:
– Giăng chiều gọi bạn
– Suối nữ
– Những cơn sóng màu mật
– Mây vờn trên đỉnh Mã Yên
– Nhà Thánh
Nhà văn VŨ THANH LỊCH
Sinh ngày 23/10/1978 tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Hiện đang công tác tại Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình
Tác phẩm đã xuất bản:
– Tập truyện ngắn Trú rét, NXB Hội Nhà văn 2013
– Tập truyện ngắn Đi qua đồng cói, NXB Quân đội nhân dân 2015
– Tiểu thuyết Chân núi có một con đường, NXB Hội Nhà văn 2015
– Tập tản văn Đánh thức trái tim, NXB Kim Đồng 2017
– Tập truyện ngắn Người hát gọi mặt trời, NXB Tổng hợp 2017
– Tập truyện ngắn Nhà Thánh, NXB Văn học 2021
Giải thưởng:
- Giải B tập truyện Đi qua đồng cói, Liên hiệp các Hội VHNT VN 2015
- Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Lửa mới, Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2019
- Giải A, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trương Hán Siêu, 2022, chuyên ngành văn xuôi, tập truyện Nhà Thánh
- Giải A, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trương Hán Siêu, 2022, chuyên ngành sân khấu, kịch bản Phận Má Đào
(Phận Má Đào được nhà hát Cải lương Hà Nội dàn dựng, biểu diễn, đạt Huy chương Vàng tại liên hoan nghệ thuật Cải lương toàn quốc 2022 tại Long An)
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 2020
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình
Nhà văn Vũ Thanh Lịch luôn tâm niệm: “Mỗi lần đặt bút viết một câu chuyện mới, tôi đều hi vọng câu chuyện mình kể ra sẽ nhóm lên một ngọn lửa, sưởi ấm một tâm hồn, mà đầu tiên là sưởi ấm tâm hồn chính mình. Ngọn lửa cứ thế âm ỉ cháy, dẫn tôi về phía có nhiều ánh sáng hơn”.
Theo nhà LLPB Phùng Gia Thế:
“Trong truyện ngắn Vũ Thanh Lịch, văn hóa tâm linh trở thành một thực tại hiện hữu thường trực, một thực tại dường như chỉ có thể nhìn thấy, cắt nghĩa được bằng con mắt thứ ba. Một mặt khác, dầu không truy nguyên kỳ cùng triệt để, vẫn có thể nhận ra, chút thoáng hoài nghi của chủ thể về sự tồn tại của thế giới thánh thần… Điều đáng nói là, cảm thức vừa tin, vừa giảo ảo này luôn song hành với tình yêu văn hóa sâu thẳm của nhà văn, thể hiện trước hết ở những âu lo, bất an về chuyển dịch văn hóa và những vận hành xung quanh thế giới tâm linh. Truyện ngắn Vũ Thanh Lịch luôn đậm chất luận đề là như thế”
Theo nhà LLPB Nguyễn Thanh Tâm:
“Đánh thức dấu xưa chuyện cũ, gọi dậy những linh hồn ngụ trong các lớp trầm tích, gợi về một nét phong tục tập quán, nhắc lại những tên đất, tên người, những triều đại đã tỏa bóng lên trang sử dân tộc… truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch là một nẻo về chầm chậm, giàu suy tư, giàu cảm xúc và đan cài không ít ý tưởng giấu sau hình tượng, chuyện kể”
NHÀ THÁNH
Bà Khín đến phủ Vòm dắt theo hơn chục người cùng hòm quần áo mới đủ cho ba mươi sáu giá hầu biếu đồng Dựm cùng lễ bày kín các ban thờ. Giá đồng Cô Bé vừa lên thì con gái bà Khín bỗng nhảy cờn cờn hò hét, tự lấy tay tát tới tấp vào mặt mình khóc vật vã. Bà Khín kính cẩn chắp tay sụp vái khấn to thành tiếng. “Vậy là con có duyên với Thánh rồi, nhất định sau này sẽ nhờ thày mở phủ, bắc ghế hầu cho con”. Những người khác quây quanh xuýt xoa, chắp tay vái giật liên hồi như băm bèo tây. “Cô nhà mà được theo hầu Thánh thì cả họ hưởng lộc mấy đời không hết”. Đồng Dựm huơ những cây lửa đan đầy các kẽ ngón tay, hết chín lượt bài hát văn cũng là khi cô gái đổ gục xuống, mồ hôi vã ra như tắm, toàn thân trắng bệch, hơi thở hổn hển gấp gáp.
Cô Bé xa giá, đồng Dựm chuyển giá hầu. Bà Khín chưa thấy con tỉnh lại, bảo Sắng:
– Cậu đi hái nắm cúc tần, chườm cho nó nhá, đi nhanh đi.
Sắng tròn mắt nhìn. Bà Khín quát:
– Đi.
Đồng Dựm vừa phủ khăn nhập giá mới vừa bảo:
– Cúc tần là cây từ bi ấy.
Sắng cúi đầu lao ra cổng, từ bi thì thiếu gì. Hàng rào quanh phủ Vòm này là cây từ bi. Sắng lớn lên, từ bi đã cao ngang cổ, nhiều gốc to bằng cổ chân. Sắng thích mùi lá từ bi vò nát, cái mùi cay cay, hăng hăng, hít vào muốn mở bung phổi ra, quét sạch khí tồn khiến bao nhiêu mệt mỏi tan biến. Người làng Vòm hơi cảm mạo đau bụng đau bão gì là hái từ bi về chữa. Người xông, người rang lên chườm, người đúc trứng ăn. Từ bi mọc đầy các bờ rào trong làng, nhưng họ cứ thích hái ở phủ. Sắng để ý thấy người nào đến cũng chắp tay vái vài cái rồi mới hái. Cậu dứt đại một nắm mang vào bếp, bỏ cám, dúm muối trắng rang lẫn rồi đổ vào mảnh vó cũ, gói lại, mang chườm khắp người cô gái hết chín vòng thì tỉnh. Cô tỉnh, còn Sắng thì buồn, cái buồn rất lạ. Đêm ấy, Sắng mất ngủ, thấy mấy ngón tay mình nóng rần rật, cái nóng lan ra khắp người. Sáng dậy, đồng Dựm như đi trong bụng Sắng, đưa kéo bảo cắt lá từ bi, vò ra, xát quanh hai bàn tay tẩy uế. Sắng chột dạ, cúi đầu chạy ra.
*
Thánh Mẫu đưa Sắng về phủ Vòm sau trận lụt lớn. Thanh đồng Dựm dọn bùn ở sân phủ, nhìn thấy xác đứa trẻ ở hõm sông, lội xuống vớt về làm ma như nhiều lần nhìn thấy xác chết khác. Vớt lên, thấy ngực nó còn động đậy, ghé tai vào vẫn nghe tiếng hí hóp, ông ấp vào người như gà mái ấp trứng, đun nước lá từ bi lau người, chắt cháo mọng đổ. Người đứa bé ấm dần lại, tiếng thở đều và rõ hơn. Đồng Dựm lên hương, quỳ dưới ban thờ Mẫu khấn: “Mẫu linh thiêng đưa thằng bé về đây với con, thể xác còn nguyên vẹn, các ngài có cho cháu làm nốt kiếp người thì dẫn dắt hồn vía về, con sẽ chăm chút, dạy dỗ nó nên người”. Đồng Dựm cúng mỗi ngày hai lần, chăm chút ủ sưởi cho thằng bé. Bảy ngày sau thằng bé ngồi dậy, hỏi không nói, gọi thì quay ra, bảo chỉ gật đầu. Đồng Dựm mừng như sinh được quý tử, đặt tên là Sắng. Chọn ngày tốt, sắm khoa lễ lớn hậu tạ linh thần, hầu đủ ba mươi sáu giá, hết trọn một ngày. Sắng không biết nói nhưng biết nghe. Đồng Dựm dạy viết, cả chữ Nôm và Quốc ngữ. Sắng sáng dạ học gì nhớ nấy, giao gì làm nấy, cẩn trọng, chu toàn. Từ hồi có Sắng, đồng Dựm và phủ Vòm được nhiều người biết đến hơn. Phủ Vòm hút khách thập phương tới lễ. Đồng Dựm được mời đi cúng khắp nơi. Người giàu người nghèo ai đến nhờ, ông cũng giúp, không ngại đi lại xa gần, không đòi hỏi công xá, ai cho gì nhận nấy, đối đãi sao vui vậy.
Phủ Vòm không lớn, cột đá nhẵn bóng vết tay người, đầu cột rêu phong, nóc mái chạm khắc cầu kì, dày hàng lớp bụi thời gian. Khúc sông trước phủ chìa một góc như cái ruột thừa vòng vào bên trái phủ, thành nơi dồn đọng mọi thứ. Sau phủ có đồi. Ngoài cổng có cây dã hương to hơn vòng tay người lớn, vươn cành khép tán với cây đa thành một vòm mái khổng lồ. Phủ nằm gọn dưới tán cây, xung quanh có hàng rào từ bi, bốn mùa thanh sạch mát mẻ. Hè đến, lộc lên ít, Sắng rắc dây tơ hồng trên ngọn từ bi. Tơ hồng sinh sôi nhanh, vài bữa đã nhuộm vàng bờ rào. Đồng Dựm nhìn Sắng, nhìn hàng rào lúc xanh mươn mướt, lúc vàng ươm nắng, đôi mắt trong vắt, đựng đầy nước. Sắng biết ông cảm động vì ơn đức Thánh Mẫu. Đồng Dựm dành dụm tiền công đi cúng lễ, xây gian nhà cho hai bố con ở. Nhà xây gạch bi, sát chân núi cách phủ một quãng dài, đủ để giữ cho phủ được yên lành thanh sạch. Bảy mốt tuổi, ông đột ngột thăng thiên. Dặn Sắng có cái hũ dưới gầm giường gom vàng vụn từ những đồng tiền lẻ người ta cúng Thánh, sau này phủ có hỏng gì thì sửa lại. Sắng gật đầu, nhìn khói hương nghi ngút, thấy Mẫu đón ông theo hầu.
Hết thất tuần đồng Dựm, bà Khín mở khoa lễ lớn mời đồng thày ở nơi khác về, nói là lễ mở phủ, bắc ghế hầu cho con gái. Con gái bà học xong đại học đã mấy năm chưa lấy chồng. Sắng nhiều lần nhìn thấy cô đứng với bạn trai, khi thì ở gốc muỗm ngoài bờ sông, lúc gốc dã hương gần phủ, khi ở sân giếng làng… Mỗi lần Sắng gặp là một cậu bạn trai khác, nhưng lần nào nhìn thấy họ, Sắng cũng bị tức ngực, những ngón tay nóng rát như phải bỏng. Những khi ấy, cậu lại vặt lá từ bi vò xát vào hai cánh tay, có lần xát khắp cả người. Cô gái cũng như phần lớn người làng, chỉ biết Sắng là thằng bé chết trôi đâu đó dạt về sống ở phủ Vòm, nhờ lộc rơi lộc vãi của Thánh Mẫu như cây từ bi hàng rào nhà Thánh. Nhà Thánh hồi còn đồng Dựm, không cho bất cứ ai đặt thêm thứ gì lên ban thờ lâu quá ba tuần hương nên thoáng đãng sạch sẽ. Giờ, ông mới đi theo Mẫu bảy bảy bốn chín ngày mà người ta đã treo đầy nón giấy, võng giấy, thuyền giấy trên nóc mái, cắm lọng hai bên gian thờ, đặt cây đèn điện đính hoa sen loè loẹt trước ngai, cắm cây nến to như cổ chân trên nhang án chĩa lên mái nhà, như cái nõ trong trò nõ nường Sắng xem hồi theo cha đi lễ trên Phú Thọ. Trong hậu cung thờ Thánh, người ta còn đặt lên mấy cái thau đồng đủ loại, miệng và đáy thau bé nhưng đoạn giữa phình ra để chứa lộc cho nhiều. Các lọ độc bình thì nhiều vô kể, gốm, sứ, thuỷ tinh, nhựa, đồng, xếp đầy khắp các ban. Trước đây mỗi lần bao sái đồ thờ tự, Sắng chỉ mất nửa buổi, giờ phải cả ngày mà không lau được cột với cửa.
Bà Khín lễ đến chiều mới tạm xong, lại dâng thêm đôi bình gốm chứa nước nên ban thờ chật càng thêm chật. Thày đồng mặc khăn áo cho con gái bà Khín vào hành lễ, quay sang bảo bà Khín. “Xin đài mãi các ngài mới nhận, người nó đầy mùi cúc tần, các ngài kị cúc tần lắm, xịt bao nhiêu nước hoa xịn mới át được, bà bảo nó, muốn các ngài độ thân thì phải thật thanh sạch nhá”. Sắng thấy lạ, hồi cha còn sống, mỗi lần lễ, muốn bao sái đồ trước khi dâng thánh, ông thường bảo Sắng hái ba ngọn từ bi, tước sợi dây chuối mảnh, buộc quấn xung quanh để cha chấm vào rượu hoặc nước ngũ vị hương làm phép tẩy uế trừ tà. Còn nhắc Sắng chăm chút bờ rào từ bi cho cẩn thận. Từ hồi Sắng cắt tỉa bờ rào vuông vức gọn ghẽ, thi thoảng vào buổi trưa đẹp trời, Sắng nhìn thấy các vị thần bản phủ, các vị tuỳ tùng của Thánh Mẫu ra đó phơi khăn áo, đi lại nói cười vui vẻ xôn xao, có ai kiêng sợ gì mùi đâu…
Cô gái nhập đàn, khăn áo chỉnh tề, mặt hoa da phấn, Sắng đứng ngây ra nhìn, thần khí biến đâu mất vài giây. Bà Khín gọi giật giọng:
– Sắng, châm thêm nến đi. Mà sao cậu để xác nến chảy đầy xuống thế kia, nhếch nhác quá, mai tôi mang dâng đôi đèn dầu thuỷ tinh bọc đồng mạ cho cậu thắp khỏi phải dùng nến.
Sắng cúi xuống gầm ban lấy cây nến mới, chạm tay vào cái đèn sứ cũ cha cất dưới gầm đã lâu, định lôi ra, nhưng lại vẳng nghe tiếng nhắc. “Quân ranh kia không đáng được thắp, để im đấy”. Sắng cầm cây nến châm lửa, ngọn lửa phập phù phập phù.
Con gái hầu đến giá thứ ba thì thày đồng vào khấn xin cho bà Khín dâng xây bức tường gạch bảo vệ nhà Thánh được thanh tĩnh. Tiền đài văng xuống đất, úp sấp, gieo đến lần thứ ba vẫn úp. Cả đoàn lễ xì xụp cúi đầu lầm rầm kêu kêu khấn khấn. Bà Khín bảo cô đồng đưa đĩa, tự mình xin lấy. Gieo đến lần thứ hai thì vê đồng tiền đài trong tay, gõ vào đĩa như reo như rơi, đủ chín tiếng mới buông tay đặt xuống, giơ đĩa ra cho mọi người nhìn, nói to cho cả Sắng nghe: “Đây nhé, tôi xin được rồi đây, cứ phải tự tay xin, các ngài mới chứng cho, cô xem ngày giúp con với, mai con đi đặt gạch rồi gọi thợ về sửa soạn đến ngày tốt là làm luôn thôi”. Sắng ngước đầu nhìn lên, gặp đôi mắt quan giám sát trên ban công đồng muốn long ra, cậu xua tay làm hiệu bảo bà Khín không được xây tường, không được phá hàng rào từ bi, nhưng tất cả họ đang chăm chú xem cô con gái bà Khín nhảy múa. Sắng nhìn cô gái, thấy bóng ma lởn vởn bên cạnh, cái bóng ma quen quen, hình như xuất hiện hôm Sắng đi hái lá từ bi về chườm cho cô… Sắng hét lên nhưng không ai nghe thấy. Cậu chạy ra dứt nắm cúc tần, định mang vào đuổi bóng ma kia đi, nhưng vừa đến cửa, bà Khín mắng té tát.
– Ai cho cậu mang cái của nợ ấy vào đây, cầm cái này đi hoá đi, nhanh.
Bà Khín dí vào tay Sắng chồng giấy tiền dày cụp, sặc mùi phẩm màu. Sắng cúi đầu đi ra, tiếng đàn hát trống phách ầm ĩ át tiếng thở ấm ức của cậu.
*
Đầu tuần trăng, trời chưa sáng, bà Khín đã đến phủ, cao giọng:
– Sắng ơi, mở cổng.
Dăm phút sau Sắng lạch bạch chạy ra, vừa dụi mắt vừa mở khoá. Bà Khín một tay giữ mâm lễ trên đầu, một tay xách làn nhựa, tỏ vẻ khó chịu:
– Cậu dậy muộn thế a. Đấy, giá đừng làm cái cổng sắt thì tôi cứ tự dưng vào, cậu chả phải vất vả.
Sắng dụi mắt nhìn bà Khín. Khuôn mặt bà vùi trong bóng tối. Cậu lắng tai, cố gắng nghe xem bà nói gì, nhưng tiếng côn trùng át đi. Bọn côn trùng gớm ghiếc hận cậu đây. Hồi trước, chúng sống vui vẻ trong hàng rào từ bi, thấy người đi qua là reo, ai đi nhanh reo nhanh, đi chậm reo chậm, buồn reo kiểu buồn, vui reo kiểu vui. Chúng nhờ người làng Vòm mà biết tiếng kêu mình tồn tại, người làng Vòm nhờ chúng biết bước chân mình đang đi. Bây giờ hàng rào từ bi bị đào tận gốc, trốc tận rễ, thay bằng bức tường gạch cao lút đầu. Hồi trước, đêm đêm Sắng và bọn côn trùng còn trò chuyện với nhau, từ ngày có bức tường, chúng im thít bên ngoài. Mỗi lần Sắng ra cổng, chúng gào lên khiến cậu không thể tập trung nghe rõ tiếng người.
Sắng gồng tay, đẩy cánh cổng sắt sơn giả gỗ. Vừa hé lọt người, bà Khín đã lách vào, mồm giục:
– Mở cả hậu cung nhá, nay tôi lễ to đấy, cậu cứ chốt cửa vào, tí có các cháu nhà tôi đến hẵng mở, người làng ai ra thì bảo hôm sau hẵng lễ nhá, nay có phải tuần tiết gì đâu.
Sắng lại gồng tay đẩy cánh cổng vào. Hôm nhà Thành sắt định tiến cúng cái cổng, Sắng đã viết ra giấy bảo không được, vậy mà nó cứ làm. Nó bảo tường gạch ai lại dùng cổng tre cổng gỗ. Nó vào xin Thánh, khấn “con dâng bộ cổng sắt mong các ngài phù hộ cho buôn sắt một vốn bốn lời”. Sắng cười khùng khục, các vị quan giám sát trên ban công đồng, ông thổ địa ở ban bên trái, các vị chầu bà bên phải cũng ngả nghiêng cười. Cười chưa hết cơn, các ngài chợt im bặt vì thấy Thánh Mẫu về đột ngột, quần áo rách tướp xơ. Tường cao, giắt mảnh sành trên đầu. Cổng kín, lại cắm chông nhọn có ngạnh gài giữa cánh hoa làm Thánh tưởng hoa nên bay thấp, chông sắt mới cào rách hết váy áo. Từ hôm ấy, Thánh Mẫu ít xuất hiện, có khi đi cả tháng mới về, còn đám cô hồn thì ngược lại, tụ tập đến nhiều hơn trước.
– Sắng ơi, đốt đèn rồi bưng một mâm vào cung công đồng, một mâm vào cung Mẫu cho tôi. Nhanh đi.
Sắng chưa làm xong đã nghe tiếng phàn nàn:
– Cậu để phủ luộm thuộm vầy lấy đâu ra chỗ ngồi lễ. Lát tôi dâng đôi độc bình nữa thì đặt vào đâu.
Tai Sắng ù đi, lần này không cần bọn côn trùng, cậu cũng không nghe thấy tiếng người nữa. Cây nến lập loè, hương vòng nghi ngút. Con hạc gỗ cũ kĩ lem nhem bụi há mỏ phàn nàn: “Tôi không có chỗ cựa cánh, mỏi quá, cậu đẩy lũ hạc lai kia đi, nó kêu thôi đã nhức đầu lắm rồi”. Sắng lách tay kéo con hạc đồng to đùng dịch ra ngoài. Một con nữa, một con nữa, mỗi con mỗi kiểu đứng. Con nào cũng chìa ra lông đuôi, lông cánh rồi mỏ nhọn hoắt khể vào tay cậu, khể vào hạc gỗ. Sắng đau, nhăn mặt, hạc gỗ cũng rên khẽ vì đau nhưng sợ làm kinh động đến các vị thần. Các vị ngồi, tay bó gối, đầu ngoẹo ra sau cố thu mình né các thứ đồ đặt ngổn ngang xung quanh, những thứ không nhọn thì sắc, chỉ cần cựa mình là khăn áo bị mắc quặc, cào xé. Những món đồ cũ nhỏ xinh tinh gọn thân thiết với Sắng như bạn, giờ nằm bẹp dí, khuất lấp dưới các loại đèn điện, hoa điện, nến điện xanh đỏ tím vàng, rồi bình lọ cốc chén bánh trái bia rượu, rồi quả thật quả giả, hoa tươi hoa nhựa, các món đồ mang hình thù rắn ếch cá tôm hùm beo rồng phượng chen nhau đứng ngồi nằm cuộn trên dưới trong ngoài nhang án. Đồ đạc nhiều, Sắng lau không xuể nữa.
Có tiếng chuông điểm canh từ ngôi chùa phía tây làng Vòm vọng lại, các vị thần bản phủ cựa mình trở dậy, rón rén chỉnh trang khăn áo. Sắng nghe có tiếng rì rầm chuyện: “Thánh Mẫu có về không”. “Không, nay chỉ có các quan thôi, còn đang ngoài cổng”. Sắng bỏ vội cây hương đang châm dở, định chạy ra mở thì bà Khín quát:
– Xong chưa, kéo cho tôi hai cái giá để đồ vào đây, còn chục mâm lễ nữa cơ.
Sắng treo hương vòng lên rồi đi bê giá inox đặt vào hai bên nhang án. Mỗi giá có năm tầng, tầng năm cao ngang đầu ngôi tượng Tam vị Thánh Mẫu, nếu đặt thêm mâm lễ sẽ cao lút đầu Thánh, chạm đến quai nón treo trên nóc nhà. Sắng vừa kéo vào tới, tay chưa kịp buông ra, bà Khín đã réo:
– Cậu ra mở cửa cho thày với các cháu nhà tôi nó vào, mà sao cậu không để cổng mở sẵn ra, trời sáng rõ rồi.
Sắng lầm rầm mắng bọn côn trùng. “Sao chúng mày lại để tao phải nghe tiếng người vào lúc này”, lập tức có tiếng đáp trả. “Mày không nhớ ông bố Dựm dặn mày phải ưu tiên bọn người vì nó có ít thời gian à”. Sắng nhăn nhó. “Nhưng tao chịu ơn Thánh Mẫu, phải hầu cận Thánh chu đáo chứ”. “Đồ ngu, muốn chu đáo thì giúp ngài chăm lo cho bọn người tử tế vào”. “Tử tế là sao, họ bảo gì làm ấy á, hay chống lại họ, mày bảo tao phải làm sao”. “Đi mà hỏi Thánh”. Hỏi Thánh! Sắng còn không dám nhìn thẳng mặt Thánh bao giờ nói chi đến hỏi. Sắng tấm tức, tiếng khóc chỉ được cuộn trong ngực, nước mắt cũng chỉ được chảy vào ruột. Gồng tay đẩy cánh cổng sắt nặng trịch ra, Sắng cúi đầu để các vị thánh bước đi trên vai mình, những bước chân ấm và nhẹ. Đám người nhà bà Khín thấy cổng vừa hé thì rồ ga xe máy lách vào, bánh xe đẩy cánh cổng mở nhanh hơn bước chân Sắng khiến cậu lảo đảo. Sân phủ khét mù khói, ngồm ngộp người. Lòng Sắng thắt lại. Giá còn bờ rào từ bi, các quan lướt qua đó vào phủ, khăn áo thơm nức mùi từ bi chứ không khét khói thế này. Các quan dạo quanh phủ Vòm, lướt trên những bụi cây còn ngậm đầy sương. Những bụi cây hoa Sắng trồng tỉa chăm sóc toàn cây vừa làm cảnh, vừa làm thuốc, nào hồng bạch, đinh lăng, bình vôi, dành dành, cúc mốc, tóc tiên, hương bài…, chỉ có phía sân trước phủ là ngổn ngang đồ, nào cây đèn đồng, lư hương đá, các con linh vật đứng ngồi bò ngóc nên Sắng không còn chỗ trồng. Từ hồi cổng kín tường cao, người làng chả ai vào xin lá cây về làm thuốc nữa. Sắng cúi đầu đi theo các vị thánh, tận hưởng buổi tinh mơ thanh sạch như hồi cha Sắng còn sống.
– Sắng. Lại đâu rồi. Mang thêm cái bóng điện dự phòng xem nào, tối quá.
Tối, là bởi vì các loại nón võng lọng lễ lạt che hết bóng điện chứ sao, Sắng lầm bầm, cúi đầu chạy vào.
Bà Khín lễ dâng đôi độc bình, xin đài hai lần không được, lần ba bà lại vê vê gõ gõ rồi đặt xuống đĩa, chìa ra cho mọi người xem đồng sấp đồng ngửa, bảo Thánh nhận rồi, sai đám thanh niên khiêng đặt vào hậu cung. Đôi độc bình gỗ cẩm lai cao gần bằng đầu tượng Thánh Mẫu trong long đình. Ông thày cúng bảo: “Thế này chả mấy nỗi mà của nả đầy ắp đôi độc bình này cho mà coi, rồi đừng có quên ông già này nhá”. Bà Khín cười tít mắt, liếc ngang thày. “Gớm, thày còn trẻ lắm, da còn đỏ hau háu thế kia cơ mà, thày lễ mà không có lộc, chết với em”. Vừa lúc ấy, cô con gái về tới, nhảy vào chiếu, cúi đầu vái lia lịa, miệng làu nhàu “Sao không cho tao tượng, sao không cho tao tượng” khiến cả đám người xanh mắt. Thày cúng lầm rầm khấn vái rồi gieo tiền đài, đốt hương huơ quanh người cô. Một lúc, cô nằm vật xuống, mồ hôi vã ra. Ông thày bảo: “Bà thu xếp dâng pho tượng đồng thay cái tượng gỗ xấu xí trong kia đi nhá, Thánh đòi tượng mới đấy bà ạ”. Sắng đứng sau cột đá, giật mình thảng thốt khi cô gái lao vào. Cô mặt hoa da phấn rực rỡ quá, khiến các ngón tay của Sắng lại nóng ran lên, cơ mặt giật liên hồi, ngực thở dồn. Lúc cô nhảy lên chiếu, Sắng thấy thấp thoáng bóng ma bám theo. Chân tay Sắng run lên bần bật, Sắng cuộn bàn tay lại thành quả đấm, nó trừng mắt nhìn Sắng thách thức rồi cười sằng sặc, nhăn nhở đòi tượng.
“Cậu làm cái gì đấy hử”. Tiếng hét xói vào tai Sắng khiến cậu choáng váng, đám người nhà bà Khín túm chặt lấy không cho cậu lao vào cô gái.
Bóng ma nhìn Sắng cười chế giễu.
Bất lực, Sắng nhìn lên ban thờ nhưng không thấy ai.
Bà Khín quỳ sụp xuống trước mặt cô con gái lạy, rồi hứa. “Từ nay đến hội làng, con sẽ đúc đủ ba pho tượng đồng dâng Tam toà Thánh Mẫu, các ngài về chứng tâm chứng đức cho con, phù hộ cho chồng con tâm thành như ý sở nguyện như cầu, thăng quan tiến chức, dạ, con xin các ngài chứng tâm chứng đức cho con ạ”. Nói rồi bà lại vê đồng tiền đài, gõ gõ, đặt đồng sấp đồng ngửa vào đĩa.
Sắng bị lôi ra ngoài.
Trong phủ, cô gái xúng xính áo khăn nhảy múa theo lời đàn hát của cung văn. Tiếng đàn hát thường ngày Sắng nghe hân hoan phấn chấn vậy mà hôm nay như tiếng bão châu chấu bay qua.
Cô gái hầu chưa xong giá đầu thì phủ Vòm đột nhiên có đoàn khách lạ. Người đàn bà vàng đeo từ đầu tới chân đi đầu, theo sau dăm ba người ăn vận nghiêm trang tề chỉnh. Bà Khín giật mình nhìn ra, cúi đầu lễ phép:
– Ôi chị! Chị về khi nào mà không báo em đón!
Người khách mới khẽ nhếch môi gật đầu đáp lại, bắt tay bà Khín một cái. Đám người di chuyển vào tận hậu cung, thắp nhang khấn vái. Lúc ấy, vị khách mới lên tiếng: “Làm đúng kích thước này, không cần lớn, nhưng nhớ là phải đồng đen nguyên chất, mạ vàng mười”. Một người đi cùng cúi đầu lên tiếng: “Em nhớ rồi ạ”. “Xong trước hội”. “Vâng”. Bà Khín nghe không sót từ nào, ruột gan rối bời. Chị muốn đúc tượng thánh thì ai dám tranh phần, chả lẽ lại xin góp, góp cái gì chứ dâng thánh mà góp thì lộc lại phải chia, chả ai chịu, đấy là chưa nói, bố bảo bà Khín dám mở mồm xin góp với chị. Chị mà tấu với chồng mình điều gì bất lợi thì đường quan chức của chồng bà coi như xong.
Sắng bị đuổi ra sân. Cậu cúi đầu đi về căn nhà gạch bi sát chân đồi. Sắng trượt lưng trên vách, nằm thiếp đi ngay ngưỡng cửa. Cậu lờ mờ nhìn thấy bóng đồng Dựm đứng trước mặt, nước mắt ngân ngấn. Ông nhìn cậu rất lâu, lấy tay vén vài sợi tóc đang xoà xuống trán cậu. Đoạn ông cầm cây kéo Sắng thường cắt tỉa hàng rào từ bi, xén tóc mình, những sợi tóc rơi xuống, máu rịn ra từ vết cắt, tụ lại thành giọt, rỏ xuống trán Sắng.
*
Chưa năm nào hội làng mà Thánh Mẫu không về.
Hội làng to nhất từ trước đến nay. Đêm trước hội, một vài người đại diện của làng được mời dự lễ hô thần nhập tượng cho ba pho tượng đồng mới. Lúc nhấc ba pho tượng gỗ ra, người ta sai Sắng mang bỏ vào lò hoá sớ, hoá đi. Sắng mang ra sân, trăng rọi tới, những khuôn mặt tượng bình thản nhìn Sắng, nhìn trăng sao trên trời, nhìn không gian huyền hoặc xung quanh. Những hốc mắt lấp loá như mặt nước sông Hoàng mùa lụt. Sắng thấy hai mắt cay xè, cậu đi đến gần lò hoá sớ thì quay ngoắt lại, ngẩng đầu chạy về gian nhà gạch bi sát chân đồi, cuộn ba bức tượng vào chăn, giấu trong màn như đắp cho người ngủ. Gần sáng, đám người về hết, cậu mang từng bức tượng ra, gói vải đỏ, bọc trong túi nilon, gác lên ngăn xép sát nóc nhà. Gọi là nóc nhưng Sắng đứng trên giường cũng với tay chạm tới.
Ba giờ sáng, tiếng chuông điểm canh từ ngôi chùa phía tây làng Vòm vọng lại, Sắng trở dậy, sửa soạn nước ngũ vị bao sái đồ thờ tự. Nhìn căn nhà ngập ngụa đồ, Sắng thở dài, không biết làng có ai ra làm giúp không. Lâu nay người làng ít ra vào quá, các đám đến mượn chiếu hầu toàn xa lạ. Đêm qua lễ trọng cũng chỉ có ba người làng còn thì toàn ở đẩu đâu. Ra vào nhiều nhất chỉ có bà Khín. Bà đến ngắm nghía tính toán xem nên đặt tượng nhà mình vào đâu để vừa không bị thánh thần coi nhẹ, vừa không làm chị phiền bực. Bà còn đưa cả thày nọ thợ kia về ngắm cũng chưa ra. Chưa nghĩ ra nên bà trăn trở đêm ngày. Hôm chồng bà báo tin ước nguyện đã thành, bà cười rú lên, cơn cười chưa lên đến đỉnh đã rơi phịch xuống vì nhớ ra món nợ trót hứa với Thánh Mẫu.
Giá mà lần nào bà ấy ra cũng dắt con gái theo cùng thì tốt… Sắng trộm nghĩ, rồi vội xoá tan ngay cái ý nghĩ ấy, mở khoá hậu cung, bưng chậu nước ngũ vị vào. Mới thò một chân trong ngạch cửa, cái nón công đồng treo trên nóc nhà rơi phịch xuống, chụp lên đầu. Sắng ngã gập người vào cột. Sau phút choáng váng, cậu hít sâu, giơ tay gạt cái nón ra nhưng dây nhợ loằng ngoằng, kim sa sắc nhọn, nặng trĩu, nâng mãi không lên.
Cậu nghe tiếng xôn xao. Tiếng áo xống lượn lách qua đám đồ kim khí, tiếng vấp vướng tà áo, tiếng kêu than, tiếng gằn giọng. “Có ai tra xem những thứ này do ai mang tới chưa”. “Dạ thưa, món đồ nào cũng có dán tên chủ nhân rồi ạ”. “Chép tên vào sổ, nay mai ta gọi theo hầu”. “Dạ, còn đây…”. Sắng chưa nghe hết câu thì có tiếng kêu thất thanh trong cung cấm. “Kẻ nào thay tên đổi họ Thánh Mẫu? Thay tên hay cướp chỗ ngồi của ngài hả”. Ba bức tượng vàng rực, khoác ba tấm áo ba màu đính kim sa lấp lánh, dưới đế mỗi tượng có hai ô, ô bên phải là dòng chữ đề Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, bên trái là dòng tên họ đầy đủ của gia chủ tiến cúng, cỡ chữ nhìn thoáng qua có vẻ bằng nhau. Vừa lúc ấy, một vị thánh mẫu giáng về, lộng lẫy trong tấm áo choàng xanh, sáng rực cả ngôi phủ. Mẫu giơ tay chỉ về phía pho tượng. Trong giây lát, dòng tên ba vị thánh mẫu bị xoá mờ, chỉ còn lại cột tên bên trái. Không khí im lặng bao trùm. Các vị thần len lách giữa đống đồ thờ tự, đứng ngồi lố nhố vẹo vọ, chen chúc nhau đến sát ngai mẫu ngự cũng không đủ chỗ. Mùi ô uế từ các món đồ xung quanh bốc lên khiến các ngài chun mũi lại.
Sắng nhìn trân trân vào ban thờ, bàn tay không thể nào cử động được dù tấm khăn thấm đẫm nước ngũ vị hương vẫn còn ấm nóng. Các món đồ người ta mang đến, cậu không thể ngăn cản, dù cậu nghe được chúng khoe khoang được sinh ra từ những trò tham lam bất nhân bẩn thỉu của chủ nhân mình thế nào, và lí do được cúng vào đây là để mong Thánh Mẫu xá những tội lỗi ấy… Sắng nhìn thấy một giọt máu nhỏ xuống bức tượng đồng, lan ra đôi độc bình, lan dần ra các thứ đồ chất chật cứng trong cung. Giọt máu rơi ra từ đôi mắt thăm thẳm của Thánh Mẫu.
Sắng thấy buốt từ trong buốt ra.
Thoáng thấy bóng đồng Dựm lấp ló tìm chỗ len chân vào cửa, Sắng thốt lên “Cha ơi”, lập tức bao nhiêu bụi quanh quả nón công đồng văng đầy vào mồm miệng mắt mũi Sắng.
– Cậu bị cảm rồi, có ai đi kiếm ít lá từ bi đánh cảm cho cậu ấy với.
– Quanh đây làm gì còn. Hôm trước nhà tôi có người cảm, phải sang làng bên xin.
Tiếng bà Khín nói chuyện với một người nữa, cũng ở làng, cũng hay ra phủ giúp Sắng quét dọn sân vườn để xin lộc thánh khi các thanh đồng bắc ghế hầu. Hồi đêm, đoàn người kia đi, Sắng không khoá cổng nên các bà tự mở vào. Bà Khín nhìn lên nóc nhà, nơi cái nón rơi xuống. Đột nhiên, trong đầu bà loé lên một ý nghĩ. Ý nghĩ khiến mặt bà nở bung như bông hoa hồng bạch, rồi cứ thế, bà ngửa cổ, nhìn trân trân lên mái nhà, nơi có vài khe sáng lọt qua ngói rọi xuống.
Người làng kéo đến phủ. Thông thường, mỗi nhà một món cỗ, người chủ nhà sẽ đội mâm lễ, đi một vòng vào phủ, qua các ban thờ để Thánh chứng lễ rồi mang ra sân bày lên bàn cho cả làng thụ lộc. Mâm lễ nhà nào hết trước xem như cả năm được may mắn tốt lành. Không ai đặt mâm lễ lên ban thờ vì không muốn làm xáo trộn đồ thờ tự, vả lại, thức ăn có thơm ngon thế nào cũng có lúc bị hỏng, nếu chẳng may rơi sớt chút gì lên ban làm ô uế cửa Thánh thì phải tội. Giờ ban thờ kín đặc các đồ tiến cúng, chẳng có chỗ len chân để Thánh chứng lễ, thêm nữa, cỗ bàn đã có người tài trợ nên tục bị bỏ. Mọi người chỉ mang vài đồng tiền lẻ bỏ vào hòm dầu nhang rồi ra chơi tổ tôm, cờ tướng, thanh niên mang gà ra chọi, đàn bà đi theo đoàn tế của làng. Rạp to kín sân, tràn cả ra vườn, bàn ghế phủ váy vàng, mặt trắng, sang trọng như khách sạn, ô tô chở cỗ đến, bày ra từng bàn, mỗi bàn một người phục vụ mặc quần áo đẹp. Người làng ăn uống no say, tản bớt về, những người rảnh rỗi ở lại xem con gái bà Khín hầu bóng đến khuya.
Lúc con gái nhập đồng, bà Khín khấn xin cho hạ giải phủ, xây toà mới cho tương xứng với tượng đồng đen mạ vàng và vô số đồ thờ tự sáng choang kia.
Sắng đứng ngoài bậu cửa hộ lễ, nhìn trân trân đám vong hồn đang xếp hàng chờ đến lượt ốp vào cô gái. Cô con gái bà Khín nhảy múa điên cuồng, nhạc không theo kịp, văn không theo kịp. Loa bật hết cỡ, trống gõ hết cỡ, tiếng hát bung hết cỡ. Cái bóng ma quen quen kia, giờ Sắng nhìn rõ cả mũ áo cân đai, thứ mũ áo Sắng chưa nhìn thấy bao giờ dù cậu đã đi không ít đền to phủ lớn bên ngoài làng Vòm. Nơi cây cột cái sát nhang án, đồng Dựm quỳ gối, hình như hai cổ tay ông bị buộc vào nhau, toàn thân bất động. Sắng nhón chân lao tới. Cô gái đang cầm đao nhảy múa, giơ về phía Sắng, bổ lấy bổ để.
Sắng ngã người ra phía sau, đập đầu vào nhang án.
Khi Sắng tỉnh dậy đã thấy đồng Dựm dắt tay mình đi dưới ánh trăng mờ đục. Hai cha con vào căn nhà sát chân đồi, gói ba pho tượng, buộc quanh người, nhìn thẳng phía đồi bước đi. Xung quanh, các vị thần bản thổ và đoàn tuỳ tùng của Thánh Mẫu cũng đang lầm lụi lên đường.
Mùa mưa năm ấy, lũ thượng nguồn tràn về xối xả suốt ba ngày. Người chết trong lũ không kể xiết. Nước rút, phủ Vòm còn trơ lại vài cây cột đá chạm khắc cầu kì, những vết chạm ngậm đầy bùn đất.