Tôi đã từng đi nhiều nước và câu đầu tiên tôi thường nghe được là Việt Nam còn đánh nhau hay không? Những câu hỏi này đến từ nhiều người khác nhau với những công việc khác nhau và họ hỏi hoàn toàn không có ý tiêu cực gì. Điều đó cho tôi thấy sự thiếu hụt thông tin khủng khiếp về VN. Khi làm việc với các NXB nước ngoài, tôi có hỏi họ về sách VN nhưng họ thành thật cho biết rằng họ chưa hề biết vì không có đơn vị xuất bản VN nào chào mời, giới thiệu cho họ mua bản quyền… Vì vậy tôi đã nảy ra ý tưởng thành lập dự án này.

Bà Lệ Chi ký văn bản hợp tác với nhà văn Bùi Anh Tuấn.

“Tôi muốn thử khả năng xây dựng được một điều mà chưa từng có trong tiền lệ xuất bản”

– Việc công ty sách Chibooks mạnh dạn là đơn vị xuất bản tư nhân đầu tiên “lội ngược dòng”, đại diện cho các nhà văn Việt Nam, chào bán bản quyền sách văn học Việt Nam (VN) ra nước ngoài khiến nhiều người ngạc nhiên, vui mừng nhưng cũng có người hồ nghi, rằng Chibooks đang làm một công việc quá liều lĩnh. Chị nghĩ sao?

Cá nhân tôi rất thích thử sức với những cái mới, và vì chưa làm nên không thể nói rằng điều đó là không thể. Trước kia khi thị trường sách VN chưa rất lúng túng và ngỡ ngàng với công ước Berne và loay hoay chưa biết cách nào để mua bản quyền sách nước ngoài thì tôi cũng là 1 trong những người đi đầu, tự mày mò và lập các hợp đồng (HĐ) bản quyền nước ngoài, tìm kiếm các đối tác xuất bản nước ngoài đề nghị mua bản quyền. Tôi cũng là người VN đầu tiên nảy ra ý tưởng triển lãm sách VN tại Trung Quốc (TQ) và đã làm được việc đó giúp cho công ty văn hóa Phương Nam trước kia dù rất nhiều người phản đối rằng bán sách Việt sang TQ thì không ai đọc. Triển lãm đó kéo dài 1 tuần và rất thành công. Cho tới nay, đó vẫn là triển lãm sách VN duy nhất được tổ chức tại TQ. Vì vậy với nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công việc, tôi đủ tự tin và quan hệ trong giới xuất bản nước ngoài để thực hiện dự án xuất khẩu văn chương Việt này. Có thể thời gian đầu sẽ rất vất vả, nhưng tôi tin rằng nếu chuẩn bị kĩ càng và chuyên nghiệp, mọi sự sẽ đâu ra đó và sẽ tạo nên 1 tiền lệ cho giới xuất bản VN sau này.

– Với thị trường trong nước, có thể nhận thấy, Chibooks không mặn mà lắm với các tác giả nội. Vì sao vậy?

Vì ngay từ đầu, tôi đã xác định cho sản phẩm của Chibooks là sách văn học nước ngoài. Thị trường VN quá nhỏ bé, đơn vị xuất bản nào cũng có sản phẩm riêng. Nếu không tự tạo 1 dòng sản phẩm riêng thì thực sự Chibooks khó có thể xây dựng thương hiệu và hình thành 1 lớp độc giả riêng biệt. Mặt khác tôi có thế mạnh về việc mua bản quyền sách nước ngoài cũng như những quan hệ với giới xuất bản bên ngoài. Thế nên việc chỉ chọn lựa sách nước ngoài làm sản phẩm chính của Chibooks cũng là điều dễ hiểu.

– Ở góc độ một dịch giả, đồng thời người làm kinh doanh chị sẽ nhắm đến một cuốn sách hay hay một cuốn sách bán chạy?

Cả hai. Vì sách hay nhưng kén người đọc cũng không có ý nghĩa. Nội dung cuốn sách không được lan tỏa rộng rãi. Làm thế nào để tìm kiếm được những cuốn sách có thể dung hòa giữa 2 yếu tố trên là điều không dễ dàng nhưng chúng ta vẫn phải làm.

– Khi mà văn học Việt Nam còn khá xa lạ với nhiều quốc gia, chị đã căn cứ vào đâu để chị để có niềm tin rằng việc xuất bản sách Việt ra thế giới sẽ có nhiều cơ hội, sẽ “ăn nên làm ra” – vì nói gì đi nữa, công ty cũng cần mục tiêu kinh doanh hiệu quả?

Một VN sau chiến tranh như thế nào, tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của người VN ra sao, những chuyển biến trong xã hội… là những điều mà nhiều người nước ngoài quan tâm, và có thể dễ dàng tìm hiểu qua những trang sách nếu chúng ta cung cấp cho họ những ấn phẩm của những tác giả đương đại. Tôi đã từng đi nhiều nước và câu đầu tiên tôi thường nghe được là VN còn đánh nhau hay không. Những câu hỏi này đến từ nhiều người khác nhau với những công việc khác nhau và họ hỏi hoàn toàn không có ý tiêu cực gì. Điều đó cho tôi thấy 1 lượng lớn thiếu hụt thông tin khủng khiếp về VN. Khi làm việc với các NXB nước ngoài, tôi có hỏi họ về sách VN nhưng họ thành thật cho biết rằng họ chưa hề biết vì không có đơn vị xuất bản VN nào chào mời, giới thiệu cho họ mua bản quyền… Vì vậy tôi đã nảy ra ý tưởng thành lập dự án này. Tôi tin rằng cùng với những kinh nghiệm mua bản quyền sách nước ngoài gần 10 năm qua, với những quan hệ công việc với nhiều đối tác xuất bản nước ngoài, tôi sẽ dần biến dự án thành hiện thực, ở đây tôi không đặt yếu tố kinh tế lên hàng đầu. Tôi muốn thử khả năng mình và Chibooks liệu có bứt phá, xây dựng được một điều mà chưa từng có trong tiền lệ xuất bản VN hay không.

– Những tác giả nào được Chibooks nhắm đến trong lần đầu ra quân này? Vì sao?

Do thời gian cho hội chợ bản quyền ở Malaysia rất cận kề (tháng 4) nên trước mắt tôi sẽ mang tác phẩm của nhà văn Hồ Anh Thái, Bùi Anh Tấn, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Tiến, Trần Thu Trang… đi trước để giới thiệu và chào bán. Thứ nhất là những tư liệu về các tác giả này, Chibooks đã chuẩn bị kịp dịch kịp ra tiếng Anh, ngoài ra cũng muốn tạo nên sự phong phú đa dạng nhiều loại hình sáng tác để đối tác lựa chọn.

–  Khi Chibooks đã gửi các bản hợp đồng tới các nhà văn để kí kết làm đại diện cho họ trong việc xuất bản sách ở nước ngoài, có phản ứng nào khiến chị bị bất ngờ hay không?

Không có phản ứng gì thái quá, phần lớn mọi người đều ngạc nhiên vì chưa có đơn vị xuất bản nào đề nghị họ như vậy. Phần lớn các nhà văn đều nhất trí và tuyên bố gửi gắm hết cho tôi quyền định đoạt về giá cả, cũng như chọn mặt gửi vàng cho những đứa con của họ.


“Tôi sẽ tấn công mạnh ở thị trường châu Á”

– Cách đây ít lâu, Nxb Trẻ đã mạnh dạn tự dịch sách sang tiếng Anh cuốn Vừa nhăm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần để chào bán ở nước ngoài. Còn cách làm của Chibooks sẽ tiến hành như thế nào?

Chibooks sẽ cho làm hồ sơ từng tác giả, từng phẩm, dịch sang các thứ tiếng Anh-Hoa, in catalogue trang trọng. Cho dịch 1-2 chương đầu của mỗi tác phẩm chào bán ra tiếng Anh-Hoa để đối tác nước ngoài có thể đọc thẩm định dễ dàng. Xin thưa là chúng tôi bán bản quyền tác phẩm văn học Việt để các đối tác xuất bản nước ngoài có thể mua để dịch ra tiếng nước họ, ví dụ tiếng Hoa, tiếng Malaysia, tiếng Pháp, tiếng Anh… Ngoài ra Chibooks sẽ nỗ lực quảng bá các tác giả VN ra nước ngoài bằng xây dựng trang web bằng tiếng Anh giới thiệu các nhà văn VN do Chibooks làm đại diện, tích cực dịch các thông tin mà báo chí VN đăng tải về tác giả-tác phẩm gửi cho các đối tác xuất bản, cho họ dễ dàng lấy thông tin và bị chinh phục bởi thông tin…. Và còn những cách làm khác mà tôi không thể chia sẻ cụ thể ở đây. Còn cách làm của NXB Trẻ có thể cũng rất hiệu quả nhưng chưa mang tính toàn diện, chỉ tập trung vào 1-2 tác phẩm nhỏ lẻ.

– Nếu không phải giữ bí mật, chị có thể tiết lộ “thị trường trọng điểm” trong giai đoạn đoạn đầu đưa sách Việt ra biên giới của Chibooks là quốc gia nào?

Tôi sẽ tấn công mạnh ở thị trường châu Á trước tiên, sẽ liên tục tham gia các hội chợ sách quốc tế trong khu vực để chia sẻ thông tin, chào bán bản quyền ra nước ngoài. Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… cũng là những điểm đích nhắm tới.

– Khó khăn nhất trong bước đầu chinh phục thị trường quốc tế đối với Chibooks là gì?

Việc phải xây dựng, tân trang cho các tác giả-tác phẩm được chào bán với một vỏ bọc-bao bì đẹp trước khi giới thiệu chất lượng sản phẩm. Toàn bộ những thông tin về các tác giả-tác phẩm phải được dịch ra tiếng Anh-Hoa, in catalogue. Tất cả những thứ này trước kia các nhà văn mình chưa có ý thức chuẩn bị thông tin, nên hiện tại Chibooks phải tự tập hợp thông tin bằng tiếng Việt, biên tập và dịch lại. Nếu đưa sản phẩm ra nước ngoài mà không có quá trình chuẩn bị kĩ càng thì rất khó có sức thuyết phục. Khó khăn lớn nhất là các đối tác nước ngoài thiếu hụt thông tin về mình, về các nhà văn VN và tôi đang nỗ lực xóa dần những thiếu hụt đó bằng việc xây dựng trang web nhà văn VN bằng tiếng Anh và in ấn các tài liệu cần thiết bằng các thứ tiếng.

– Chị có nghĩ rằng để mở đường cho văn học Việt Nam ra nước ngoài, ngoài sự nỗ lực tự thân của các đơn vị làm sách (mà thực tế nhiều đơn vị còn dè dặt, thậm chí là không quan tâm đến điều này), thì cần phải có chiến lược như thế nào ở tầm quốc gia?

Thực ra nếu những đơn vị nhà nước có tên tuổi, tiền thân, lịch sử, kinh tế lâu đời như Cục xuất bản, Hội nhà văn… đều có thể làm những dự án xuất khẩu văn chương Việt rất có hiệu quả nếu họ thực sự đầu tư và đặt điều này làm nhiệm vụ trọng tâm. Còn đối với các đơn vị xuất bản tư nhân như tôi, thực sự điều này để thực hiện được sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém, đúng kiểu “tay không bắt giặc”. Nếu có chiến lược tầm quốc gia thì phải thành lập Quỹ quảng bá văn chương Việt với những công việc cụ thể như: dịch các tác phẩm văn học Việt ra tiếng Anh, xây dựng website tiếng Anh chuyên nghiệp để giới thiệu về tác giả-tác phẩm VN, liên tục giới thiệu, phát tư liệu ra nước ngoài để cung cấp thông tin, thậm chí hỗ trợ cả tiền dịch cho nước ngoài khi họ chọn xuất bản tác phẩm VN. Đây là điều mà rất nhiều quỹ hỗ trợ văn hóa của các nước khác thường làm…

– Xin cảm ơn chị. Chúc hành trình “lội ngược dòng” để sách văn học VN tiếp cận thị trường thế giới của Chibooks sẽ sớm gặt hái được thành công

PVVNT thực hiện

Nguồn: Văn nghệ Trẻ.