Những năm chiến tranh, tôi làm trắc thủ phát lệnh bộ đội tên lửa. Những ngày đó, chúng tôi đã chuyền tay nhau đọc tiểu thuyết “Vùng trời” của nhà văn Hữu Mai viết về quân chủng Phòng không – không quân chúng tôi. Đọc văn ông và thỉnh thoảng gặp ông ở Hội Nhà văn, tôi hình dung ông là một người hiền lành, mực thước.
Mãi sau này, khi nhà thơ Hữu Việt – con trai ông – tặng tôi cuốn tiểu thuyết ông viết về cải cách ruộng đất, nhất là truyện ngắn “Mất hết” tôi mới biết nhà văn Hữu Mai đã có nhiều khát vọng bung phá trong văn chương.
Hữu Việt, kể rằng: “Năm em lên sáu tuổi, học lớp 1, bố em thường đưa cho những bài thơ hay và bảo: Con hãy chép những bài thơ này để luyện chữ viết. Đến bây giờ em vẫn còn nhớ, bài thơ đầu tiên là QUÊ HƯƠNG của nhà thơ Giang Nam. Có lẽ từ những lần “tập chép” đó mà sau này em đến với thơ chăng? …”. Tâm sự của Hữu Việt giúp tôi hiểu hơn về nhà văn Hữu Mai.
Hữu Việt nói rằng môi trường gia đình và những lần được tiếp xúc với các nhà văn là đồng nghiệp của bố đã truyền cảm hứng văn chương cho Hữu Việt. Đó là những năm Hữu Việt học đại học ở Liên Xô (cũ), thường được đón các nhà văn nổi tiếng sang công tác như: Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Phan Hồng Giang… qua những lần gặp gỡ, trò chuyện, niềm say mê văn học dần hình thành trong tâm trí chàng sinh viên Hữu Việt lúc đó đang theo học chuyên ngành kinh tế ở thành phố Kharcov (thuộc nước Cộng hòa Ucraina).
Khi về nước, Hữu Việt đi dạy học hai năm ở một trường thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim (bây giờ là Bộ Công thương), rồi vào làm ở Công ty Xuất nhập khẩu công nghệ mới NACENIMEX. Nhiều năm làm kế toán trưởng, rồi trưởng phòng xuất nhập khẩu. Tôi hỏi Hữu Việt: “Đang làm ở môi trường kinh doanh, thu nhập dư dả sao lại xin sang làm biên tập ở Báo Tiền Phong?”.
Hữu Việt nói: “Bố em thường bảo, làm văn chương mà chỉ là một người viết trung bình thì buồn lắm. Điều bố nói đã làm em băn khoăn, suy nghĩ rất nhiều. Em viết đã lâu, từng được một số giải thưởng văn học, nhưng vẫn thấy mình chưa phải là nhà văn. Sau khi sinh con trai đầu lòng, em mới quyết định chia tay công việc kinh doanh, chuyển hẳn sang môi trường văn học và Báo Tiền Phong là một sự lựa chọn không thể nào tuyệt vời hơn…”.
Vốn bắt đầu là người làm thơ, nhưng sau đó nhà văn Hữu Mai chuyển hẳn sang viết văn xuôi, bởi như ông từng bộc bạch: “Năm 1957, tôi tham gia Đại hội thành lập Hội Nhà văn, chính thức trở thành người viết chuyên nghiệp. Tôi đã nhận thấy thơ là một ân huệ trời cho, càng tìm càng mất. Và thơ không chứa đựng được những tư liệu đầy ắp trong cuộc sống chiến đấu tôi đã thu thập”.
Khi biết con làm thơ, ông đã đưa đến nhờ người bạn vong niên là nhà thơ Khương Hữu Dụng chỉ bảo. Được khoảng 2 năm, nhà thơ Khương Hữu Dụng “trả lại”, nói vui là “đã hết chữ”, giới thiệu tiếp Hữu Việt đến gặp nhà thơ Lê Đạt…
Cố nhà văn Hữu Mai tuy không trực tiếp làm thầy dạy các con, nhưng thực ra trong mắt các con, ông mới chính là một người thầy mẫu mực. Cả cuộc đời mình, ông chỉ viết, và viết. Những trang bản thảo viết tay còn lưu giữ đến nay phải cất trong nhiều thùng carton. Giai đoạn kinh tế đất nước khó khăn sau ngày thống nhất, nhà văn Hữu Mai ngồi viết “Vùng trời” tập 2 và tập 3 cách không xa chuồng lợn mà gia đình nuôi tăng gia. “Ngày em ôn thi đại học, đêm khuya, hai bố con phải chia đôi một cốc sữa bò Ông Thọ, loại sữa đặc có đường sang trọng nhất thời bấy giờ!” – Hữu Việt cười, nhớ lại.
Những năm học xa quê hương, thư của mẹ viết thường nhòa nước mắt vì nhớ con. Thư của bố không khuyên nhủ gì nhiều, chỉ là những dòng tâm sự: “Hôm nay, bố dọn lại bàn con học, bố buồn mất một buổi chiều, không làm việc gì được…”.
Hữu Việt kể về những tháng năm gian khổ, cả nhà sống trong căn hộ tập thể chật chội ở khu Nam Đồng, mỗi lần lụt ngập, hai thứ phải sơ tán đầu tiên là những tập bản thảo của bố và con lợn mẹ nuôi. “Một lần, mất điện, căn phòng tối mịt, nóng, cả nhà ai cũng mệt mỏi thì bố đi làm về. Bố lấy trong ca-táp ra một quả táo bảo mẹ: “Quà của anh Văn gửi cho em”. Đây là quả táo trong khẩu phần ăn trên đường bay quốc tế từ Liên Xô về Việt Nam mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để dành lại. Mẹ lấy dao, cắt táo chia đều cho mọi người. Ở cái thời gian khó ấy, một “quả táo Liên Xô” vô cùng quý, giống như một quả táo tiên. Mùi táo thơm lừng cả căn phòng, cho đến tận bây giờ em vẫn nhớ như in cảm giác đó…” – Nhà thơ Hữu Việt nhớ lại.
Cố nhà văn Hữu Mai là người nhiều năm làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp để thể hiện các hồi ức của Đại tướng về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là bộ 5 tập hồi ký: “Từ nhân dân mà ra”; “Những năm tháng không thể nào quên”; “Chiến đấu trong vòng vây”; “Đường tới Điện Biên Phủ” và “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”. Đó chính là một phần lịch sử hào hùng của dân tộc ta.
“Mẹ em – bà Trương Thị Bích Thu sinh năm 1933, vợ cố nhà văn Hữu Mai – yêu văn học và cũng là người đầu tiên đọc các tác phẩm của bố khi còn ở dạng bản thảo. Những lần bố em làm việc về các tập hồi ký với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mẹ em chính là người đọc lại bản thảo để Đại tướng góp ý, chỉnh sửa, thông qua. Không chỉ đọc, đôi khi bà còn góp ý cụ thể từng câu, từng chữ. Đại tướng có lần nói vui, mang ý khen ngợi: “Chị Thu có tinh thần cảnh giác cách mạng cao!”.
Nhiều năm làm cùng cơ quan, khi Hữu Việt còn là biên tập viên, rồi là Phó ban, Trưởng ban Biên tập Báo Tiền Phong chủ nhật – tôi thấy Hữu Việt có mối thân tình với gia đình cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng không những là người thầy mẫu mực của hàng triệu người dân Việt Nam mà tôi thiển nghĩ chính Hữu Việt cũng như các con của cố nhà văn Hữu Mai đã học được nhiều điều hay từ người thầy vĩ đại, vị Đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp. Cố nhà văn Hữu Mai thật khéo chọn thầy cho con. Từng là Phó Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô, hiện nay Hữu Việt về làm Trưởng ban Văn hóa văn nghệ Báo Nhân Dân. Năm 2007, nhà thơ Hữu Việt đã được trao giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam về dịch thuật cho bản dịch tập thơ “Khúc hát trái tim” của thần đồng thơ nước Mỹ Mattie Stepanek.
Cố Đại tá, nhà văn Hữu Mai tên thật là Trần Hữu Mai (1926 -2007). Ông sinh tại Thanh Hóa, gia đình 3 đời ở Nam Định, nhưng quê gốc ông ở huyện Lý Nhân, Hà Nam. Làng của ông là làng Đông Trụ, ngay bên cạnh làng của Nam Cao. Nhiều tác phẩm của ông nổi tiếng một thời như “Cao điểm cuối cùng”, “Vùng trời” (3 tập), được dựng thành phim, nhất là bộ tiểu thuyết “Ông cố vấn” (3 tập), được nhiều người tìm đọc và cũng đã được dựng thành phim. Nhiều năm ông là Ủy viên Thường trực Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I.
Trong một bài viết về ông, cố nhà thơ Phạm Tiến Duật nhận xét rằng: “Hữu Mai không có tài viết những chuyện phiêu lưu, ly kỳ, hồi hộp… nhưng nhờ tiểu thuyết “Ông cố vấn” nổi tiếng mà ông được bầu vào Hiệp hội Các nhà văn viết truyện trinh thám quốc tế …”. Cố nhà thơ Phạm Tiến Duật còn nhắc lại truyện ngắn “Mất hết” của Hữu Mai và cho rằng vì truyện ngắn này mà suýt nữa đã trở thành “vụ án” văn chương.
Từ đó, nhà văn Hữu Mai không để cây bút ngả theo chiều hướng tưởng tượng phóng túng nữa.
Tôi đã đọc truyện ngắn “Mất hết”, kể về một anh bộ đội từ chiến trường trở về còn ngơ ngác giữa đô thành hoa lệ, dính phải “viên đạn bọc đường” tiểu tư sản theo cách nói thời bấy giờ, rồi chính anh tận mắt chứng kiến vợ mình với một người đàn ông khác… nhưng đến khi tưởng như “mất hết” thì người vợ đã biết dừng lại ở điểm cần dừng và từ đó anh hiểu vợ mình hơn, có những thay đổi nhận thức về cuộc sống mới… Vào thời điểm năm 1956, viết được như thế đúng là bạo tay!
Cố nhà văn Hữu Mai có bốn người con. Có thể nói, các con của ông đã được học hành đến nơi đến chốn, có người đã thành danh.
Nhà văn Trương Tư Tần – em ruột bà Trương Thị Bích Thu – đã kể một câu chuyện tình đẹp như tiểu thuyết của người chị gái xinh đẹp của mình với nhà văn Hữu Mai. Hai người đã tình cờ gặp nhau trên một chuyến đò gần bến Bình Ca, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Lần đó gia đình ông Trương Tư Tần cho “anh bộ đội” Hữu Mai đi nhờ. Ông bà đã cùng trải qua những năm tháng kháng chiến chống Pháp gian khổ và khi hòa bình lập lại thì nên duyên vợ chồng. Để kỷ niệm chuyến đò đáng nhớ đó, sau này người con trai cả tên Bình là lấy tên bến Bình Ca và người con gái kế tiếp tên Thủy là theo tên huyện Thanh Thủy.
Nối tiếp truyền thống văn chương, nhà thơ Hữu Việt, con trai cố nhà văn Hữu Mai cũng có một người vợ xinh đẹp và hai con trai: Trần Hữu Việt Khôi sinh năm 1998, Trần Hữu Việt Hưng sinh năm 2003. Khi nhà văn Hữu Mai qua đời, Việt Khôi lúc ấy mới 9 tuổi, đã viết 12 trang gọi là “tiểu thuyết”, bày tỏ suy nghĩ cảm xúc của mình về ông nội, tự đặt tên là “Ngọn lửa tỏa sáng”, đọc rất cảm động.
Hữu Mai là Nhà văn Việt Nam duy nhất có tên trong “Hiệp hội Các nhà văn viết truyện trinh thám quốc tế” dù sự nghiệp văn chương của ông khá đa dạng.
Theo Dương Kỳ Anh (Văn nghệ công an)