Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn trẻ Lê Vi Thủy.

Gồm các truyện ngắn sau:

– Biển

– Gió ngược

– Người đàn bà hát

– Tấm liễn gia tộc

– Trăng treo đầu núi

Nhà văn Lê Vi Thủy, sinh năm 1984, hiện đang làm giáo viên dạy mĩ thuật tiểu học tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Là hội viên Hội VHNT Gia Lai, hội viên Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam.

Đã có nhiều tác phẩm in trên các tạp chí chuyên ngành trong cả nước.

Năm 2011, truyện ngắn “Sau cái nhếch mép” của Thủy được bình chọn Top 10 truyện ngắn hay của báo Văn Nghệ Trẻ, từng đoạt giải 3 Thơ Bút mới-báo Tuổi Trẻ năm 2009.

Nhà văn Lê Vi Thủy chia sẻ: “Tôi yêu văn chương bằng tâm hồn và tình yêu cuộc sống, nơi tôi được sẻ chia và thấu hiểu, được làm quen với những người bạn trên mọi miền đất nước qua chiếc cầu nối của văn chương. Đối với tôi mỗi người bạn là một món quà tinh thần mà cuộc sống ban tặng. Điều đó đã làm cho cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn và tôi tin những người yêu văn chương là những người luôn tạo ra điều kỳ diệu trong cuộc sống.”

+ Tác phẩm đã xuất bản:

Mắt vỡ không còn bóng (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2012)

Bảng lảng sương đêm (Truyện ngắn, NXB Quân đội Nhân dân, 2015)

Ngày hạt mầm tỏa hương (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2020)

Rừng gió (Truyện ngắn, NXB Văn học, 2021)

Trăng treo đầu núi (Truyện ngắn, NXB Hồng Đức, 2023)

Nhà văn Tống Phước Bảo nhận xét:

“Quả thật, từ thơ đến văn xuôi, Lê Vi Thủy càng ngày càng mặn mà, đậm đà, và đầy quyến dụ độc giả bằng chính sự tinh tế pha lẫn chất ảo diệu của riêng mình. Đọc Lê Vi Thủy như đi vào một thế gian nào đó rất riêng của cô, mà đôi khi chính chúng ta cũng tìm thấy cho mình một thế gian riêng để nương náu vào đó. Một thế gian đôi khi chẳng đúng sai, chẳng phân định phần số, chỉ biết ở thế gian đó tự bản thân chúng ta sống cuộc đời rực rỡ theo ý mình.”

Theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà:

“Lê Vi Thủy dựng những câu chuyện như cách vẽ ra những bức họa nhiều tầng ngữ nghĩa. Có gì đó ám ảnh, không phải chỉ là những khắc họa hình thù trên mặt đất này, mà còn là hình bóng của thế gian nhiều chiều, đa sắc, âm vọng, ma mị. Đọc văn Thủy có cảm giác tác giả này từng trải trên từng con chữ, rồi lùi ra xa,  mặc kệ độc giả với những hình dung bằng sự trải nghiệm của họ. Hãy đọc Thủy, để có thêm một không gian riêng mình”.

NGƯỜI ĐÀN BÀ HÁT

Bà thấy nụ cười của nắng, từng ngón tay bà đan lấy nắng. Những hạt nắng nhảy nhót trên ngón tay. Giơ tay lên cao, nắng luồn qua kẽ tay, phủ lấy bàn tay. Bàn tay bà trở nên trong veo như nhìn thấy được những giọt máu đỏ tươi đang cuộn chảy trong thân thể. Bà ôm lấy nắng, nằm gọn trong nắng ngủ ngon lành.

Rất ít khi bà ra khỏi nhà. Chỉ lục đục nơi góc bếp. Nơi những bữa cơm ngon của gia đình đều đặn được bưng lên. Nơi những con lợn hồng hào mỗi ngày một lớn phổng, chuẩn bị cho lứa xuất chuồng tiếp theo. Nơi những luống rau cứ xanh mơn mởn, được bó thành bó đem ra chợ bán. Nơi những hạt cà phê chín đỏ được rang xay thơm ngát. Và chỗ dành cho bà trong cái gia đình này hiển nhiên là nơi góc bếp.

Bà thích hát. Bà biết hát từ năm lên bốn, những bài dân ca, đồng dao đã ăn sâu trong tâm thức. Và bà hát với tất cả trái tim mình. Khi bà hát, những người đi đường dường như đi chậm lại để nghe. Lời ca buồn như ai oán. Bà nhớ đôi mắt mẹ long lanh chảy những giọt vui khi bà nhận được giải nhất tiếng hát học sinh sinh viên toàn quốc. Một cô hoa khôi của trường, thông minh, hoạt bát và hát hay đã từng làm thổn thức bao nhiêu chàng trai. Tiếng hát của bà làm cho vạn vật im lặng để lắng nghe và thưởng thức, đắm chìm trong giọng ca ngọt ngào đó. Khi bà dừng hát, tiếng vỗ tay vang lên từ khắp nơi, từ gió, từ nước, từ bụi đường, từ những tiếng còi xe, từ tiếng chổi lẹt xẹt trên đường, tất cả cùng hòa chung thành tiếng vỗ tay rất to, rất to và bà cúi đầu rất thấp để cảm ơn tình cảm nồng nhiệt của khán giả dành cho mình.

Bà lấy chồng năm mười tám tuổi. Cái tuổi còn tuổi ăn tuổi ngủ, có biết chi đâu việc lấy chồng. Đứa con gái của bà, hai mươi tám tuổi, sau khi đã thành đạt trong cuộc sống mới lập gia đình, con rể bà là một người đàn ông tốt, rất mực yêu thương và chăm sóc con gái bà và cả bà, bà vẫn thấy con gái còn nhỏ, tựa hồ như khi rời tay bà sẽ không còn chỗ dựa nào nữa, như một cành cây non bị ngắt sớm sẽ héo rũ dưới nắng. Vậy mà bà lấy chồng năm mười tám tuổi. Mẹ bà nói có đám được, bà không chịu cưới, nhưng mẹ bà năn nỉ rồi chuyển qua van xin vì gia đình bà nợ gia đình người ta quá nhiều ân tình. Kết hôn cũng như trả đi mối nợ ân tình đó. Bà vẫn lắc đầu, nhưng khi biết người mình sẽ cưới là ai thì bà gật đầu đồng ý. Người bà sẽ cưới hơn bà năm tuổi, bà đã từng mong đợi người ấy đi học hằng ngày qua nhà mình, chỉ để được thấy cái dáng cao dong dỏng, nụ cười rất hiền trong suốt một thời gian dài. Hôn nhân sắp đặt. Nhưng đó chỉ là với người đàn ông đó còn với bà thì bà đã mong đợi cuộc hôn nhân này, bởi bà đã yêu đơn phương ông từ rất lâu rồi. Cưới về cả tuần, chồng bà không hề bước chân vào phòng bà, tối nào cũng ôm gối ra đi-văng phòng sách ngủ. Đến lúc bị mẹ chồng phát hiện làm ầm lên thì ông mới đi vào phòng bà ngủ. Đêm còn nói mớ gọi “Hoa ơi! Hoa ơi” trong giấc mơ của mình. Mười tám tuổi bà chỉ yêu ông, chưa hề rung động trước một chàng trai nào. Nằm bên cạnh chồng bà cảm thấy tủi thân, thầm ghen với người phụ nữ tên Hoa nào đó lướt nhanh trong tâm trí bà. Bà nghe phong phanh, chồng bà yêu một kỹ nữ trên thành phố, bị gia đình phát hiện đưa về và bắt ông phải cưới vợ, nếu không thì sẽ tuyệt giao với ông. Ông cũng bất cần. Nhưng với quyền lực của cha chồng, ông đã bị bắt về và tách cô kỹ nữ ra xa khỏi ông. Ông sống mà như đã chết, cứ đi lại trong nhà như một linh hồn còn sống. Bà biết thân xác ông ở đây nhưng tâm hồn vẫn còn ở trong căn phòng với cô kỹ nữ kia. Mười tám tuổi vẫn còn lạ lẫm với việc làm vợ, làm dâu trong gia đình, bà lại theo gia đình chồng vào Tây Nguyên để lập nghiệp. Một nơi hoàn toàn xa lạ với bà, phần để tách hoàn toàn chồng bà với người đàn bà kia. Bà thức dậy lúc năm giờ sáng, đi chợ nấu cơm cho cả gia đình chồng mười miệng ăn. Những ước mơ con gái cứ thế xếp thành từng gấp cất sâu trong tim của bà. Đêm đầu tiên của bà với ông, khi ông say mèm với một người bạn nào đó ở thành phố về. Trong tiếng thở gấp “Hoa ơi” được thoát ra từ miệng ông, bà vùng dậy. Nước mắt bà chảy trong đêm giữa tiếng thở đều đều của ông.

Đứa con gái ra đời sau ca sinh khó. Hy vọng đứa thứ hai sẽ không bao giờ là hiện thực đối với bà nữa. Bà không còn khả năng sinh con nữa. Bà đã không tin, đã cố nhưng sau hai lần hỏng những đứa trẻ không được thấy ánh mặt trời và mãi tên vô danh cứ dày vò lấy tâm trí bà. Không có con trai, không có cháu đức tôn nối dõi, mẹ chồng coi thường bà ra mặt. Mọi quyền lợi của ông đều dành lại cho đứa em trai và đứa em dâu.“Không biết đẻ” là câu nói mà bà được nghe nhiều nhất, đay nghiến nhiều nhất mỗi khi họp họ. Người cảm thông thì ít mà người nói vô thì nhiều. Cô em dâu thì được mẹ chồng nuông chiều ngày càng lên mặt. Có những bữa cơm canh mặn chát, khi cô em dâu cố tình thêm muối vào nồi canh sau khi bà đã nấu. Mẹ chồng bao lần tạt thẳng tô canh vào mặt bà, chồng bà lặng thinh. Bà thành câm lặng.

Ngôi nhà đầy lá khô. Những bụi dây leo chằng chịt trên cổng, trên mái nhà, đầy rong rêu và cũ kỹ với vẻ cổ kính báo hiệu sự lụi tàn cho ngôi nhà. Bà thích  nhặt những chiếc lá khô vàng và tung lên trời. Bà thích nhìn những chiếc lá rơi lả tả từ trên không rồi lảo đảo từ từ rơi xuống đất. Ai cũng có thời gian vinh quang rồi tàn lụi cháy xém trong một đống rác nào đấy, nếu hạnh phúc thì bị phân hủy từ từ. Bà lại cười khanh khách, tiếng cười của bà làm cho những đứa trẻ trong xóm sợ hãi. Bà yêu trẻ con, đứa cháu của bà cũng giống như những đứa trẻ trong xóm không bao giờ đến gần bà. Chỉ đưa đôi mắt lấm lét, sợ hãi nhìn về phía bà, bao lần bà định ôm lấy nó thì nó khóc thét lên và bà cũng thét lên với nó. Đôi mắt nó nhìn bà càng sợ hãi hơn, bà không sao xoa dịu được nó. Mỗi khi như thế, con gái bà lại giật đứa cháu ra khỏi tay bà, thật xa, thật xa.

Người con gái tên Hoa luôn là ẩn số với bà. Đôi lần bà mường tượng, cô ta là một người đàn bà đẹp, có thể làm nghiêng ngả bao trái tim của những người đàn ông đối diện trong đó có chồng bà. Cuộc hôn nhân sắp đặt mà bà chấp nhận, bà hy vọng sẽ như ông bà mình, như cha mẹ mình dù có sắp đặt nhưng vẫn yêu thương nhau, chăm sóc nhau, qua thời gian sống với nhau tình cảm càng mặn nồng nhưng sự thật trái ngược với hy vọng của bà. Sự chấp nhận, sự chịu đựng của bà càng ngày càng cao hơn. Đôi môi bà mím chặt hơn trong cơn ghen ảo tưởng. Đôi vai bà oằn ra vì lao động nặng nhọc. Da bà khô hơn, những nết nhăn xếp sau đuôi mắt nhiều hơn, tóc cháy hơn sau mỗi mùa vụ. Mẹ chồng không thuê người làm chỉ sử dụng nhân công trong nhà với hai hecta cà phê đang mùa thu hoạch. Thời gian đối với bà lúc nào cũng thiếu, đôi lúc bà giật mình khi thấy mình trong gương. Bà sợ đứa con gái sẽ khổ giống mình, bà giành hết mọi công việc để con chỉ dành thời gian cho việc học, không bỏ dở dang như bà. Nhìn đứa con gái ngày càng lớn, chăm chút học hành, bà không thấy hối tiếc khi mình bỏ mất điều gì bởi nó là niềm an ủi duy nhất của bà.

Bà ghét những người đàn bà trang điểm đậm và mặc áo dài. Đôi môi đỏ làm cho bà muốn cắn xé. Đã bao lần những người đàn bà mặc áo dài đi ngang qua nhà bà đã nhận những cái tát bất ngờ, họ ngỡ ngàng khi cát bụi được đổ từ trên đầu xuống, đứng đối diện là người đàn bà lúc khóc lúc cười, khi thì xé toạc áo mình chửi bới. Và họ tránh xa ngôi nhà của bà, cả những con chó cũng không dám lẩn quẩn nơi cổng. Lâu lâu lại có tiếng ẳng ẳng vang lên và ai cũng biết con chó là nạn nhân của trò ném gạch đá của bà.

Người đàn bà tên Hoa xuất hiện với một thằng nhỏ khoảng mười tuổi. Người đàn bà tên Hoa không đẹp mặn mà như bà tưởng tượng, mặc một chiếc áo dài hoa và son môi màu đỏ. Bà ấn tượng bởi đôi môi màu đỏ, không quá hiền nhưng cũng chẳng dữ đủ để nũng nịu với những người đàn ông như chồng bà. Mẹ chồng thì lăng xăng đón tiếp, ôm ắp đứa nhỏ, mặt mày hớn hở, một hành động mà chưa bao giờ bà thấy mẹ chồng đối xử với con gái bà – đứa cháu sống cùng trong một nhà. Chồng bà nắm tay người đàn bà kia với cái nhìn đầy âu yếm sau nhiều năm xa cách. Đôi gánh trên vai bà rơi tự do xuống đất khi vừa bước vào trong nhà. Người đàn bà tên Hoa lễ phép chào. Đôi chân bà cứng đơ. Bao nhiêu năm bà đã nghĩ ra đủ cách đánh ghen với người đàn bà này nhưng giờ đứng đối diện, đôi chân bà bỗng hóa đá, đầu óc trống rỗng, chỉ bước đi vô thức.

– Đây là Hoa. Cô làm quen đi.

Bà nhìn chồng nắm tay người đàn bà kia mà tim đau nhói. Đôi mắt của mẹ chồng dường như phớt lờ mọi thứ và như đồng tình mọi thứ.

Tại sao? – Đôi mắt bà sâu hoắm nhìn ông, ông quay lưng bước vô nhà.

 Cả thân người bà đổ rạp xuống, những củ khoai còn đầy hương đất tung tóe ra khắp hiên. Người đàn bà kia lặng lẽ đứng nhìn.

Đêm tiếng dế kêu trở nên rõ ràng hơn. Người đàn bà lạ ngủ trong nhà trong sự đồng tình của gia đình chồng. Hoa trở về tìm ông với đứa con trai mười tuổi, lớn hơn con gái bà một tuổi. Trong thời gian sống với bà, ông đi thành phố bao lần, ông ở đâu bà đều biết nhưng bà vẫn câm lặng, tại sao ông không yêu bà dù chỉ là một chút lòng thương hại. Mấy ngày người đàn bà tên Hoa ở lại nhà, ông luôn nhìn bà với đôi mắt có vẻ như đang thách thức của một kẻ chiến thắng. Mẹ chồng bà thì tự hào mình có một đứa cháu đức tôn nối dõi tông đường.

Những giọt nước mắt chảy trong đêm. Đôi vai bà cố nén để nó không run lên bần bật.

– Anh hãy đi đi, tôi không muốn thấy anh nữa.

Và ông đã ra đi thật. Đi cùng người đàn bà tên Hoa, mà hai ngày sống cùng trong căn nhà bà chưa hề một lần nói chuyện. Ông đi, bà vẫn sống với gia đình chồng, tiếp tục sự đay nghiến của mẹ chồng. Bà sống như một cái bóng. Bà không dám trở về nhà mình, bà sợ đôi mắt của mẹ đã mờ đục nay còn mờ đục hơn những nỗi buồn. Lâu rồi bà chưa về thăm mẹ.

Nhìn hình ông trên bàn thờ, đôi mắt như đang nhìn và nói chuyện với bà. Bà lại cười ằng ặc:

– Ông thấy mình ngu chưa? Bị xỏ mũi mà không biết! Thằng nhóc đó đâu phải con trai ông. Ông thấy mình ngu chưa? – Rồi bà lại cười, lại khóc.

Ông đi theo người đàn bà kia được ba năm thì mẹ ông bệnh, nằm một chỗ thuốc men hơn năm trời. Một mình bà vừa lo đồng áng, nhà cửa, con cái và mẹ chồng. Những đứa con dâu, con rể mẹ chồng yêu thương, nuông chiều thì giờ chúng đâu hết, chẳng màng quan tâm đến bà mẹ chồng đang nằm một chỗ kia. Bà nằm đó không nói được, chỉ rơm rớm nước mắt khi bà chăm sóc, đút từng muỗng cháo, đổ từng bô nước tiểu, bô phân. Mẹ chồng nhiều đêm không ngủ, mắt đầy ghèn, trở nên đục ngầu. Những âm thanh mẹ chồng phát ra chỉ là ú ớ. Cơ thể bà hoại tử dần dần và bà mất đi trong đau đớn. Những đứa con của bà không dám tới gần, đứng từ xa bịt mũi, nôn ọe đủ kiểu. Ông về dự đám tang mẹ với khuôn mặt hốc hác, gầy rộc người. Ông dường như già hơn trước. Ông và bà vẫn như hai người dưng, lặng lẽ trong tang lễ. Bao lần bà thấy sau lưng mình có ánh nhìn xoáy, ông muốn nói gì đó nhưng rồi thôi. Xong tuần mẹ, ông lại vội vã ra đi để mặc cho mấy anh em ông xâu xé đòi chia tài sản khi mẹ mất còn chưa yên nấm mồ. Căn nhà trống lạnh càng trở lên lạnh hơn.

Hôm nay bà bỗng dưng có hứng hát, tiếng hát của bà vút cao trong nắng. Mái tóc bà nâu vàng cháy nắng, rối bùi nhùi. Những đứa trẻ tò mò, lấm lét và dỏng đôi tai lên nghe bà hát. Lúc cao trào, lúc nhẹ nhàng, lúc du dương, rồi những đứa trẻ đứng vây quanh bà nghe hát một cách say sưa. Chúng quên mất sự sợ hãi. Bỗng tiếng hát bà ngưng bặt, đôi mắt bà chuyển xuống những đứa trẻ nhìn dò từng đứa, bà túm cổ thằng nhóc lớn nhất kéo nó lên:

– Mày là thằng lừa đảo, mày đâu phải con ông ấy? – Rồi bà hét lên trước khuôn mặt run rẩy của đứa trẻ.

Mẹ thả cu Tùng ra, con đưa mẹ vào nhà! –

 Rồi con gái dìu bà vào nhà trước sự sợ hãi của những đứa trẻ trong xóm.

Nhận được tin điện. Bà lên thành phố gấp. Ông bị tai biến nằm viện. Trên giường bệnh, người ông như chỉ còn bộ xương khô quắc lại. Thấy bà, ông vội quay mặt vào tường. Vì bị liệt nửa người nên ông không quay được theo ý muốn, nên khuôn mặt cứ đớ ra, dù con mắt cố lảng tránh mặt bà nhưng không lảng tránh được. Người đàn bà tên Hoa kia đã bỏ ông đi sau khi tiêu hết tiền của ông. Người đàn bà kia ra đi với sự thật đứa con trai không phải là con của ông. Như gáo nước lạnh tạt vào mặt, tình yêu cả đời của ông. Ông đã quên ăn, quên ngủ, tâm trí dành hết tất cả vì người đàn bà tên Hoa. Nhưng cuối cùng ông cũng không thay đổi được bản chất của một con điếm trong người đàn bà kia. Ông sụp đổ hoàn toàn. Sĩ diện với gia đình và trên hết là bà. Ông đã không trở về mà sống lây lất, vất vưởng qua ngày với công việc làm bán thời gian, ai kêu đâu làm đó. Bà đã ở bên cạnh chăm sóc ông, tận tụy như ông chưa từng cứa một vết thương nào vào tim bà.

Bà đã quên hết chuyện cũ rồi, quên thật rồi. Bà đã bỏ qua hết nhưng nước mắt bà vẫn chảy sau khi cười. Khi ông nằm chết trên tay bà sau hai năm nằm liệt giường. Miệng ông mấp máy cũng chỉ lặp lại ba chữ “Anh xin lỗi!” không rõ ràng rồi nhắm mắt. Bà cười, ngửa cổ mà cười. Tiếng cười của bà chua chát. Bà hy vọng gì ở ông sau bao năm sống với ông, chăm sóc ông? Bà vẫn một tình yêu dành cho ông vẹn nguyên từ khi còn là một thiếu nữ, vẫn len lén nhìn dáng cao gầy dong dỏng của ông mỗi khi đi học về ngang qua nhà bà. Bà đã hy vọng, đã mong đợi ông nói một câu “Anh yêu em” chỉ ba từ đó thôi nhưng cả đời bà không bao giờ có được, một tình yêu mà tất cả mọi phụ nữ khác đều dễ dàng có được còn bà thì không có và sẽ không bao giờ có được. Với bà ông chỉ cảm thấy tội lỗi, sự ray rứt thôi sao? Tiếng cười của bà to hơn khi đứa con gái hoảng hốt nhìn thấy bố đã mềm oạch trong tay mẹ, nước mắt bà rơi trong tiếng cười man dại.

Những tia nắng sớm chiếu vào cửa sổ, đánh thức bà. Kéo rèm lên và mở toang cửa sổ. Cả thân người bà tràn ngập nắng. Bà soi gương, cười với mình trong gương rồi vuốt lại tóc, những sợi tóc đã điểm bạc. Và bà bắt đầu hát….