Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin đươc giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Đoàn Thị Diễm Thuyên.

Gồm các truyện sau:

1. Cha con và tình nhân

2. Người đàn bà đáng ghét

3. Tình như chiếc gương trong

4. Người đàn bà lạc trí

5. Ví dụ ta hôn nhau

Tác giả Đoàn Thị Diễm Thuyên sinh năm 1980, quê quán Giồng Trôm, Bến Tre.

Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu – Bến Tre từ năm 1999; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM năm 2019.

Diễm Thuyên bắt đầu viết văn và làm thơ từ năm 1997. Tốt nghiệp ngành Báo chí Phát thanh Truyền hình, sau đó làm Biên tập viên cho các công ty quảng cáo tại Tp. HCM, tham gia sản xuất các chương trình truyền hình cho các đài và các sự kiện quảng cáo, truyền thông cho các công ty, doanh nghiệp cho đến 2005. Từ 2006-2010: làm nhân viên văn phòng tại Hà Nội, sau đó Diễm Thuyên cùng gia đình trở về Tp.HCM sinh sống, làm công việc văn phòng và làm cộng tác viên ngành biên kịch.

Từ 1997-2007: Diễm Thuyên có thơ, truyện ngắn đăng trên báo Đồng Khởi, Tạp chí Văn nghệ Bến Tre, Báo Vì Trẻ Em Bến Tre, báo Áo Trắng, Tuổi Ngọc, Báo Đài Tiếng nói Việt Nam, Văn  nghệ Tp.HCM… Năm 2007 tham gia in chung tuyển tập “Bốn cây bút nữ tuyển truyện” liên kết bởi Nhà xuất bản Văn học (Hà Nội), Công ty Truyền thông Hà Thế và Tủ sách Việt Văn Mới (Pháp). Nhà văn Võ Thị Xuân Hà là người biên tập cuốn tuyển truyện này.

Ngưng viết vì lý do riêng. Đến năm 2012 Diễm Thuyên mới sáng tác trở  lại, có thơ và truyện ngắn đăng trên nhiều báo, tạp chí và các trang web văn học trong nước như.

Trở lại sau gần 10 năm gián đoạn, Diễm Thuyên viết ngày càng nhiều hơn, chị tích cực tham gia vào các cuộc thi, các trại sáng tác và cũng được nhận một số giải thưởng: Giải 3 Cuộc thi Thơ Lục bát 2019 do Tập san Áo Trắng và Nhà xuất bản Trẻ tổ chức, Giải 3 Cuộc thi Thơ và Tạp bút “45 năm rực rỡ tên vàng” năm 2021 của Báo Người Lao Động, Giải 4 Cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” năm 2021 Hội Nhà văn TP HCM, Giải 3 Cuộc thi Thơ dành cho phụ nữ trên Tạp chí Lang Bian lần III – 2022.

Đoàn Thị Diễm Thuyên đã xuất bản các tập thơ: “Để con về nhà hỏi má” (2017), “Trời mưa cho ướt” (2018) và nhiều tác phẩm văn, thơ in chung khác.

Sở trường sáng tác của Diễm Thuyên là thơ, nhưng chị cũng rất thích viết truyện dù gia tài truyện ngắn hiện tại của Diễm Thuyên không nhiều.

Tâm sự của nhà văn: Văn chương chính là nơi tuyệt vời nhất để trải lòng, giải tỏa những điều chất chứa ẩn sâu bên trong tâm hồn mình, và là nơi vô cùng thú vị để mặc sức chơi đùa, sáng tạo với con chữ.

Trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống, với vốn sống và chất liệu thu được khá nhiều, Diễm Thuyên ước mong sau này có nhiều thời gian hơn để dành cho việc sáng tác – ngoài thơ, sẽ viết thêm nhiều truyện, tiểu thuyết và cả kịch bản phim truyện.

NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐÁNG GHÉT

(Truyện ngắn của Đoàn Thị Diễm Thuyên)

Cô ghét mụ Hồng, ghét lắm!

So về sự duyên dáng, chiều cao, trình độ học vấn, hoàn cảnh gia đình thì cô hơn hẳn mụ, nhưng mụ lại hạnh phúc hơn cô, vui vẻ hơn cô, kiêu hãnh hơn cô nhiều lắm, chỉ đơn giản vì mụ có anh chồng biết yêu quý cái bụng đầy mỡ và cái dáng ụt ịt của mụ ấy!

Ở cái chợ nhỏ này, mụ Hồng cũng chỉ sở hữu cái tủ bán bánh mì thịt nhỏ xíu, trong khi cô có hẳn một mặt bằng lớn buôn bán quần áo. Mụ Hồng có một chồng hai con gái, cô cũng có một chồng và con thì đủ cả nếp lẫn tẻ, cô mới ngoài ba mươi còn mụ hơn cô cả chục tuổi đời. Mỗi ngày, mụ Hồng phải thức dậy từ lúc năm giờ sáng, mà cô thì không phải thức khuya dậy sớm để tất bật cho những phiên chợ sáng chiều.

Cái tủ bánh mì của mụ Hồng nhỏ thật, chỉ vuông vức chừng một mét, đặt trên một cái bàn gỗ ọp ẹp cũng vuông vức chừng một mét. Mụ Hồng thì ngồi trên một cái ghế nhựa màu đỏ thấp có lưng tựa. Không hiểu sao mà khách ăn bánh mì của mụ rất đông, có lẽ là nhờ món ba tê gan của mụ tự làm, nó đặc biệt và ngon hơn hẳn những chỗ bán bánh mì khác ở chợ, thế nên sáng nào cũng vậy, mụ dọn hàng ra lúc sáu giờ thì trễ lắm chừng chín giờ là bánh của mụ đã hết vèo. Nhớ – tên chồng mụ, người đàn ông tận tụy, vui tính, trên mặt lúc nào cũng nở nụ cười hiền lành, dáng người gầy thấp, anh không đẹp trai bảnh bao nhưng các bà bán hàng trong khu chợ này luôn ao ước có được người chồng như vậy… Nói là mụ Hồng bán bánh mì, nhưng hầu hết mọi việc đều là do anh Nhớ làm, từ dọn hàng, cắt thịt chả, đưa bánh mì cho khách, mụ ấy chỉ có mỗi việc là ngồi chễm chệ trên cái ghế đỏ mà dồn bánh cho khách thôi.

Sáng nào, vừa dọn hàng xong là chồng mụ đi mua bữa ăn sáng mang về để sẵn đó cho mụ, lúc nào cũng kèm theo một ly cà phê sữa đá, rồi anh đưa hai đứa con gái nhỏ đi học. Bán xong tủ bánh, ông Nhớ dọn dẹp làm gì đó thì làm, mụ Hồng lại tiếp tục chễm chệ ngồi trên chiếc ghế đỏ, thong thả tận hưởng ly chè hay món nước mát nào đó mà chồng mụ mua thêm cho, ngồi lê đôi mách đủ thứ chuyện trên trời dưới đất một hai tiếng đồng hồ, đã đời mụ mới chịu vào chợ mua thức ăn rồi về nhà.

Cô ghét mụ Hồng, cô ghét lắm!

Xem cái cách mà mụ ngồi tám chuyện với bạn hàng trong chợ, cứ như thể thế gian này, bao nhiêu lo toan của cuộc sống này, bao nhiêu vui buồn của cuộc đời này không hề có ảnh hưởng gì đến mụ. Mụ vừa ngồi nhóp nhép mấy món đồ ăn vặt chồng để sẵn, vừa buôn chuyện làng trên xóm dưới, một lúc lại cầm ly cà phê sữa lên, đưa miệng vô ống hút hút nghe một cái rột. Cái ghế màu đỏ có vẻ mỏng manh so với thân hình của mụ. Anh Nhớ hay gọi vợ bằng cái tên thân mật là “Hồng ù”, và gọi cái bụng đầy ngấn mỡ của mụ Hồng là “những khoanh bánh tét bán hổng ai mua”.

Có hôm cô hỏi mụ:

– Bộ anh Nhớ không chê chị mập chị xấu ha?

Mụ Hồng cười ha hả:

– Còn khuya mới chê à, ông Nhớ nhà chị ổng khoái mấy khoanh bánh tét của chị lắm cưng. Ổng nói khúc bánh tét này làm gối ôm hay gối nằm đều êm. Có mấy lần chị tập tành ăn kiêng, ổng chửi chị quá trời. Ổng nói bày đặt, miễn tui không chê bà xấu là được, bà mà ăn kiêng ăn đồ cho mất cái bụng, yếu xìu yếu nhớt là tui xù bà à… Mà em ơi, đàn bà sinh đẻ rồi, xấu chút là chuyện bình thường thôi mà!

Cô cười nhạt, chống chế:

– Thời buổi này người ta chuộng bề ngoài lắm chị ơi. Chồng em thì kêu phụ nữ là phải đẹp, có chồng có con rồi lại càng phải đẹp, để còn giữ chồng.

Mụ Hồng nguýt một hơi dài:

– Hứ, chị là không có chuyện đó đâu nha cưng… Ông Nhớ nhà chị là cưng chị lắm, ổng nói đàn bà phải banh da xẻ thịt đẻ con cho chồng, cực khổ nhiều rồi, nên phải được quan tâm chia sẻ, đỡ đần việc này việc nọ, xấu chút hổng sao. Phụ nữ mà đẻ được con, là phải biết tự hào, chồng không lo giữ mình thì thôi chứ mắc gì mình phải giữ chồng hả em…

Cô nghe vậy, cũng ừ ừ dạ dạ ra chiều tán thành, chứ cô thấy ức lắm, thấy sao mà bà này bả nói chuyện gì mà như bịa, thời buổi giờ đâu ra ông chồng tử tế biết lo biết nghĩ nhiều như vậy, đã thế còn thương yêu chiều chuộng vợ con hết mực. Có hôm ông Tám bán rau trong chợ hỏi anh Nhớ: “Mày ở với ba bà mày không ngán ha?”. Anh Nhớ cười hề hề: “Chú giỡn hoài, thời giờ nữ sanh ngoại tệ nha chú, con cứ lo cho hai đứa con gái con ăn học đàng hoàng, sau này tụi nó sướng mình cũng  sướng lây hà, chứ lo kiếm con trai kiếm không được, đẻ ra một bầy vịt mái nuôi sao nổi chú, giờ đất ở còn không có, lấy đâu ra đất ăn. Con ở với ba bà, con đẹp trai nhứt nhà còn muốn gì nữa chú!”. Rồi anh với chú Tám cùng nhau cười hô hố. Anh nói có khi mai mốt hai đứa nhỏ nó qua bên Pháp bên Mỹ sống, ba mẹ mặc sức mà nhờ. Anh là vậy, lúc nào cũng lạc quan yêu đời. Anh làm việc không ngơi tay, lúc nào mệt quá thì lại cười lại nói. Ngày nào mụ Hồng cũng nghe anh cằn nhằn: “Cái con Hồng ù này, may mà nó biết nấu ăn ngon, chứ ăn no rồi làm biếng, cứ lo nhiều chuyện vầy gặp chồng người ta là cho cài số de lâu rồi à”. Mụ Hồng nghe lại nguýt lại lườm, hai vợ chồng lại cười cười nói nói… Cô nhìn họ, sao mà thấy họ ngập tràn yêu thương, hạnh phúc, rồi cô thấy lòng mình bỗng đầy ắp sự ganh tị!

Cô ghét mụ Hồng, cô ghét lắm!

Cứ mỗi lần nghe mụ Hồng nhắc đến chồng bằng cụm từ “ông Nhớ nhà chị” là hai lỗ tai cô nó  nóng phừng phừng. Sao cô chưa bao giờ nhắc đến chồng mình bằng kiểu gọi thân mật như thế, chỉ đơn giản là “chồng em, chồng tui” mà đôi khi cô còn thấy ngượng, thấy lạ? Chồng cô chưa bao giờ gọi cô là con này con nọ, chỉ đơn giản khi nhắc với ai đó về vợ mình thì gọi là “vợ tôi, bà xã tôi” như để xác nhận một danh xưng. Cô không nhớ từ lúc nào mà hai  vợ chồng cô lại trở nên xa cách đến vậy? Có lẽ từ khi cô bắt đầu sinh đứa con đầu tiên… Công việc của anh nhiều áp lực, anh không chịu được những phiền phức của tiếng con khóc con quấy, nhà cửa bề bộn hơn, vợ bắt đầu thiếu chăm lo chu đáo cho mình hơn. Anh bắt đầu cáu gắt, anh bắt đầu tìm những không gian yên tĩnh riêng cho mình. Cô bắt đầu có những dấu hiệu trầm cảm nhẹ.

Trước khi lấy chồng, cô vẫn nghĩ thời điểm con được sinh ra phải là thời điểm hạnh phúc nhất của hai người, chỉ có yêu thương đầy ắp yêu thương. Chồng sẽ vì thấy vợ sinh con cực khổ mà quan tâm hơn, chia sẻ cả việc chăm con, thu dọn nhà cửa; còn vợ có thêm đứa con làm sợi dây nối kết với chồng cũng sẽ yêu chồng, gắn bó với chồng nhiều hơn… Ai mà ngờ đây mới chính là thời điểm bắt đầu cho những sóng gió lớn của đời sống hôn nhân!

Dấu hiệu của chứng trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn khi cô sinh con lần thứ hai, đứa con sinh ra ngoài dự định do vỡ kế hoạch. Hai đứa trẻ nheo nhóc, cho dù nhà có người giúp việc thì cô vẫn là người chăm lo cho con mình toàn diện, theo ý của chồng. Có những hôm giao con cho người làm, cô chạy xe ra đường mà cứ đi không định hướng, đi như mộng du. Hai lần sinh con bằng phương pháp mổ liên tiếp khiến thân hình cô không còn thon gọn nữa, dù cố gắng ăn uống vừa phải, chăm con cực nhọc mấy thì cô vẫn không thể nào lấy được vóc dáng ngày xưa. Chồng cô thì mỗi lúc mỗi trở nên cộc tính. Anh bảo đàn ông không chịu được cảnh con cái nheo nhóc khóc la, ỉa đái ói mửa suốt ngày, nhức đầu lắm. Anh có thể ngồi bế con hàng tiếng đồng hồ lúc con vui khỏe sạch sẽ, nhưng hễ con có vấn đề gì đó phát sinh như ọc sữa, tè dầm… là anh chạy mất dép.

Rồi cô cũng quen dần, cô thực hiện thiên chức, bổn phận của mình trong yên lặng. Sự yên lặng chưa bao giờ có nghĩa là yên bình. Có nhiều lúc mệt mỏi, con quấy khóc, cô chỉ muốn lấy tay bịt miệng đứa bé lại cho nó im luôn. Có khi ngồi mơ hồ không biết làm gì, cô cứ bứt tóc trên đầu cho đến khi phát hiện đỉnh đầu trống đi một lõm… Trong nhà, cô trở nên trầm tính, ít nói hẳn, chỉ vui đùa thủ thỉ với con… Coi cửa hàng quần áo, cũng tiếp chuyện với khách, nhưng cô chỉ xã giao vừa phải, không để cho khách vượt giới hạn trò chuyện ngoài mục đích mua bán. Những đêm dài nối tiếp không ngủ trong hoang mang, sợ hãi… cô tự biết rằng mình phải thoát ra khỏi tình trạng này, con cô cần cô làm một người mẹ vui vẻ yêu đời và sống tích cực. Mỗi người có mỗi cách riêng để giải quyết vấn đề cuộc sống hay phương pháp trị liệu cho bệnh của mình. Rồi cô bỗng phát hiện những lần đi chợ sáng, được giao tiếp với những con người bình dị nơi đó, lâu ngày thành quen, lâu ngày thành một nhu cầu không thể thiếu để cô cởi mở hơn, vui tươi hơn mỗi ngày. Cô tự nhiên trở thành một “bà tám” thân thiết của ngôi chợ nhỏ!

Những câu chuyện của mấy bà hàng chợ, dường như là không có hồi kết, nó cứ như phim bộ Đài Loan hay Ấn Độ, dài thật dài và có những chi tiết cứ lặp đi lặp lại. Cái cách của người nhiều chuyện là từ một câu chuyện, họ có rất nhiều cách bàn: xem xét, bình luận, phân tích rồi suy luận thêm ra… Ví dụ cái thằng diễn viên này sao nó đóng toàn vai đểu vai ác, mà nó cũng đẹp trai đó chứ, ừ mà cái tính người nó hiện lên trên nét mặt, ở ngoài đời chắc nó cũng đểu cũng ác vậy thôi hà, mai mốt mà nó có về xứ mình đóng phim thì kêu mấy đứa con gái tránh xa nó ra dùm cái nha… Ví dụ cái con diễn viên đó nó đẹp vậy sao đi diễn kịch hài chi uổng, hay nó mê thằng diễn viên hài nào nên nó mới vậy… Rồi thời đại công nghệ thông tin này, ai cũng ráng tậu cái điện thoại cảm ứng để vô zalo, facebook ầm ầm… Chuyện trên trời dưới đất, bên Tây bên Tàu gì cũng có thể thành đề tài cho những cuộc “tám” chuyện đó… Nào chuyện ông Obama nước Mỹ ăn bún chả Hà Nội, Cu Ủn Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân, cô diễn viên gì đóng vai “Cô dâu 8 tuổi” bên Ấn Độ tự tử vì tình… Nói chung, chuyện thời sự của dân kẻ chợ và mấy bà nội trợ thì chắc chắn không bao giờ bị cạn đề tài…

Dù cố hòa nhập, cô vẫn cứ đặt mình là một người phụ nữ khác biệt, vẫn thầm bảo mấy ông mấy bà này rảnh thiệt, suốt ngày bàn chuyện tào lao. Nhưng rồi khi cô nhìn họ, thấy họ hơ hớ cười, thấy họ vừa buôn bán vừa buôn chuyện, sao mà tự do quá, thoải mái quá, hào sảng quá… Dẫu hôm nay phiên chợ lời lỗ ra sao, mưa nắng ảnh hưởng thế nào họ vẫn được tự nhiên ca thán, tự nhiên thổ lộ lòng mình. Họ chửi rủa, họ văng tục, họ quăng ném, họ chặt họ cắt vật nọ vật kia mà họ bán như một cách buông xả… Họ được làm chính họ ở cái chỗ cô coi là thật bình thường. Có điều, trong số gần một trăm người bán hàng ở chợ, chỉ duy nhất mụ Hồng là khiến cô thấy mình sân si nhiều nhất. Cô ghét mụ Hồng, cô ghét lắm, đơn giản vì mụ có anh chồng biết yêu quý cái bụng đầy mỡ và cái dáng ụt ịt của mụ ấy một cách chân thành!

Người ta vẫn bảo, sự đời ai biết được chữ ngờ… Mụ Hồng bây giờ gầy đi nhiều, mỗi sáng mụ vẫn bán bánh mì trong chợ, nhưng mụ chỉ còn có một mình. Anh Nhớ chồng mụ đã chết hồi hai tháng trước vì bệnh ung thư gan bộc phát quá nhanh, sau thời gian cực khổ lao tâm lao lực quá nhiều, anh biết mình có bệnh nặng nhưng cố tình giấu, ai hỏi cũng bảo không sao, vì sợ vợ con anh lo lắng và tốn tiền chữa trị. Món ba tê gan của mụ Hồng bây giờ không còn ngon đặc sắc như trước nữa, nhưng khách vẫn mua bánh mì đông vì thương cho hoàn cảnh của mụ. Không còn ly cà phê sữa bên cạnh, không có đồ ăn vặt để mụ nhấm nháp lúc rảnh rỗi… Bán xong hàng, mụ Hồng cũng không còn ngồi chễm chệ trên cái ghế đỏ ngồi buôn chuyện như trước nữa, mà mụ lẳng lặng dọn dẹp rồi lầm lũi đi về nhà.

Thiếu anh Nhớ, chợ nhỏ buồn hẳn. Mọi người vẫn cố tìm cách động viên để mụ Hồng vượt qua cơn khủng hoảng.

Chú Tám bán rau ghẹo:

– Con Hồng ù bớt buồn đi nghen, người đi thì cũng đã đi rồi, bây ráng cho tươi tỉnh lại để vài ba năm nữa kiếm thằng Nhớ khác phụ lo cho hai đứa nhỏ chớ!

Cô cũng chen theo:

– Đúng rồi chị, chị phải giữ sức khỏe để nuôi con, mà chị để ốm o như giờ, anh Nhớ ảnh biết ảnh buồn đó chị!

Chị Hồng cũng cố cười giả lả:

– Thôi thôi, hổng có thằng Nhớ nào mà nuôi con Hồng ù được vầy đâu chú Tám ơi. Hổng có thằng Nhớ nào mà thương mấy khoanh bánh tét này y như anh Nhớ nhà chị đâu em gái ơi!

Cũng mấy chữ “anh Nhớ nhà chị” từ miệng mụ Hồng nói ra, giờ cô nghe mà thấy nghèn nghẹn… Mới hai tháng trước, sau chuyến du lịch với gia đình về, cô còn định khoe với mụ Hồng rằng giờ chồng cô đã “tử tế” hơn với mẹ con cô, đã biết quan tâm chia sẻ với vợ, chịu chơi đùa với  con… để mụ biết rằng cô hơn mụ, cô hơn mụ rồi nhé!!!… Thế mà mấy hôm liền cô ra chợ không thấy mụ, hỏi thăm mới hay là anh Nhớ mất đột ngột. Ôi sao mà hụt hẫng! Sao người tử tế như anh Nhớ ông trời lại nỡ bắt đi sớm thế? Rồi chị Hồng và hai đứa con nhỏ biết phải sống làm sao?

Đời vô thường quá! Và con người bắt buộc phải đi cho hết những đoạn đường buồn vui, sướng khổ, hơn thua, được mất… của cuộc đời bằng quyền lợi và trách nhiệm của mình.

Khi cô vừa sắp bước qua khỏi tâm trạng u uất và sống tốt hơn, thì mụ Hồng lại bắt đầu những chuỗi ngày đau buồn gian khó. Dù là ở mối quan hệ nào, nếu không có sự chia sẻ, yêu thương để nâng đỡ đắp bồi cho nhau, thì mối quan hệ đó sẽ trở nên cũ kĩ, phai nhạt, hoặc sẽ bị đánh mất. Thật ra, ranh giới giữa yêu và ghét mơ hồ lắm, chỉ khi người ta nhận ra thế nào là đúng sai, nên hay không nên thì yêu ghét mới có thể rõ ràng.

Nhìn mụ Hồng bây giờ, cô thương…

Sài Gòn, 30.06.2017

Đ.T.D.T