Phần 7

Jansen về đến nơi lúc 10h sáng.

Để không mất thời gian, hai cha con ngồi riêng ra một góc, dưới bóng cây, bắt đầu cuộc trò chuyện. Những câu hỏi thích đáng nhất liên quan đến mẹ Tâm được cậu con trai đặt ra với cha mình như sau:

– Cha đã đăng lính tại Bờ Biển Ngà thế nào? Cha có qua lớp tập huấn quân sự nào không? Cha đến Việt Nam bằng phương tiện gì?

– Nhiệm vụ của cha tại Việt Nam là gì?

– Cha mẹ gặp nhau lần đầu tiên ở đâu? Vào năm nào? Trong hoàn cảnh nào? Có ai biết về mối quan hệ giữa hai người không?

– Trông mẹ con thế nào? Tầm vóc? Kiểu tóc? Dáng người? Bà có đặc điểm gì nổi bật?

– Mẹ có biết đọc và viết tiếng Pháp không? Tiếng Pháp của bà có trôi chảy không? Bà ấy có được đi học không?

– Mẹ đã có con cái gì trước khi gặp cha không?

– Gia đình bà ấy có mấy anh chị em? Và bà là con thứ mấy?

– Bà có chơi thể thao không? Bà thích làm gì khi rảnh rỗi?

– Cha mẹ sống ở đâu? Trong doanh trại hay thành phố? Ở khu phố nào?

– Bà ấy thích và ghét ăn món gì?

– Cha mẹ có bạn bè chung không?

– Mẹ thích và không thích mời ai đến nhà chơi và tại sao?

– Bất đồng đáng kể nhất giữa hai người là gì? Cha mẹ đã giải quyết bất đồng đó thế nào?

– Cha biết gì về ông bà ngoại? Quê mẹ nằm ở đâu? Ngôi làng này có điểm gì nổi bật hoặc đã từng bị lính Pháp tập kích chăng?

– Mẹ con có theo tôn giáo nào không?

– Cha có kể cho mẹ nghe về những trận đánh ngoài chiến trường không?

– Trong những lần cha ra trận, lần nào khiến mẹ lo lắng nhiều nhất?

– Tại sao cha bị tòa án binh đặc biệt xét xử? Phiên tòa diễn ra ở đâu? Mẹ có biết phán quyết của tòa không? Bà và bạn bè, đồng nghiệp của hai người phản ứng ra sao?

– Cha mẹ từ Hà Nội vào Sài Gòn bằng phương tiện gì? Vào thời gian nào và vì lý do gì?

– Hai người xa nhau khi nào, trong hoàn cảnh nào và tại sao? Lúc ấy cảm xúc của mẹ con thế nào? Mẹ có đi tiễn cha không?

– Mẹ có tỏ ý muốn giữ hai đứa tụi con lại Việt Nam không?

– Mẹ có thể đi cùng cha về Bờ Biển Ngà được không? Tại sao mẹ ở lại Việt Nam?

– Cha có để lại địa chỉ liên hệ hay bức ảnh nào cho mẹ không?

– Cha có hẹn một ngày nào đó sẽ đến đón bà sang Bờ Biển Ngà không?

– Nếu tìm được mẹ, liệu cha có muốn nhắn điều gì tới mẹ không?

Cuộc chuyện trò giữa hai cha con kéo dài chừng ba tiếng đồng hồ.

Roger nhìn con trai đầy vẻ thán phục. Trước mặt đông đủ gia đình, ông chúc phúc cho Jansen và sắp lễ cầu thần linh phù hộ chuyến đi này gặp nhiều may mắn. Nhưng trong lòng ông vẫn chất chứa bao lo âu và dự cảm chẳng lành. Ông từng đàn áp dữ dội người dân Việt Nam trong gần bốn năm trời. Họ sẽ tiếp đãi con trai một kẻ từng giết hại thân nhân của họ thế nào đây? Họ không thừa cơ ra tay giết nó chứ vì dù sao nó cũng là con trai kẻ thù thời chiến tranh. Ông tìm cách can ngăn Jansen từ bỏ chuyến đi bất trắc này dù biết có nói gì cũng vô ích. Tuy vậy, ông vẫn khuyên Jansen nên chuẩn bị về mặt tâm lý để nhận tin dữ, có thể mẹ đẻ của nó đã mất rồi. Ông nhắc Jansen nhớ về giọng nói đêm nọ, ngày còn theo học trong Viện tôn giáo Taloa.

Đã ngót năm mươi năm trôi qua hai cha con không hề nhận được tin tức gì của bà ấy. Roger khuyên con trai chuẩn bị tinh thần đón nhận tình huống xấu nhất để không quá thất vọng.

– Con đã chuẩn bị rồi – Jansen đáp – Nếu chuyện đó xảy ra, con sẽ tĩnh tâm và đến khấn trước mộ mẹ. Con sẽ đặt lên đó những bông hồng thật đẹp, sẽ nói chuyện với mẹ vì con biết mẹ sẽ nghe thấu mà. Biết con đến tìm, mẹ cũng được yên lòng nơi chín suối.

Nói đến đây nước mắt đã lăn dài trên má ông.

– Con cứ lên đường và đừng do dự nữa. Nhờ ơn Chúa, con sẽ gặp lại mẹ con còn sống. Hãy điện cho cha ngay khi con đến Việt Nam.

Jansen trở về nhà mình ở Abidjan ngay trong ngày, đến nơi thì cũng gần 9h tối. Ông dự định sang Pháp để xin cấp visa nhập cảnh ở Đại sứ quán Việt Nam tại Paris.

Ông phải bay từ Abidjan đến Paris, rồi chờ mất một tuần để nhận visa do Đại sứ quán Việt Nam đặt tại số 62, phố Boileau quận 16, Paris cấp ngày 11 tháng Tư năm 2000 rồi bay về Abidjan. Về đến Abidjan, những nỗi lo ngày một trở nên rõ ràng. Ông không thể ngủ yên giấc vì mải nghĩ đến chuyến đi này, chuyến đi ấp ủ từ thuở ấu thơ.

Còn nhớ ngày đó ông đã muốn đáp ngay một chuyến tàu hay bắt xe buýt ở Bako để sang Việt Nam. Hôm nay ước mơ cháy bỏng thời thơ ấu đã thành hiện thực. Vấn đề nan giải là tìm thuê phòng khách sạn tại Hà Nội và một phiên dịch người bản địa.

Cả gia đình rất lo lắng khi ngày khởi hành sang Việt Nam đến gần. Vợ ông quyết định nhịn ăn cầu bình an cho tới tận ngày 20 tháng Tư năm 2000.

Liệu Chúa có phù hộ cho chuyến đi của ông?

Một lần tình cờ đến thăm một người bạn Pháp tên là Henri Calvin, trong lúc chuyện trò hàn huyên, Jansen có nhắc tới chuyến đi sắp tới sang Việt Nam để tìm lại mẹ. Ngay lập tức, thông qua một người bạn khác, Henri giới thiệu Jansen với bà Phạm, một người phụ nữ Pháp gốc Việt đang sống tại Paris. Bà lại giới thiệu Jansen với anh trai mình là ông Văn Kim ở Hà Nội. Người này nói tiếng Pháp chuẩn và sẵn sàng làm phiên dịch giúp Jansen.

Chưa đầy hai ngày sau, ông Văn Kim đã đặt cho Jansen một phòng giá cả rất phải chăng trong một khách sạn nằm ngay trung tâm thành phố Hà Nội. Ông cho biết sẽ thuê ô tô và đích thân ra sân bay đón anh.

Jansen thở phào nhẹ nhõm nhưng vẫn thận trọng tìm kiếm trên internet địa chỉ của một phiên dịch dự bị.

Ông tìm được website cá nhân của một nhà báo đã tốt nghiệp trường báo chí Lille hiện công tác tại Đài truyền hình Việt Nam. Người này nói với Jansen, đại ý: “Nếu ngài cần phiên dịch hay cần liên hệ việc gì, xin cứ gọi”. Jansen lưu vào sổ tay tất cả các thông tin về nhà báo: số điện thoại, số fax, địa chỉ cơ quan. Có thể sẽ hữu ích trong trường hợp không gặp được ông Văn Kim.

Truy cập vào trang web “Cap – VietNam.com”, ông chú ý đến phần hướng dẫn đăng tin, quảng cáo trên trang web. Mục ông quan tâm là “nhắn tin”. Ông chỉ việc điền tờ phiếu khai sẵn và thảo ra nội dung tin nhắn. Jansen đặt cho tin nhắn đầu đề là “Tìm gấp”.

Nội dung tin nhắn như sau:

“Tôi tên là Jansen Morati. Tôi sống tại Bờ Biển Ngà thuộc Tây Phi cùng cha là Roger Morati. Tôi 48 tuổi. Tôi sinh tại Gia Lâm, Việt Nam. Tôi sẽ đến Hà Nội ngày 22/4/2000 trên chuyến bay Air France mang số hiệu AF172 khởi hành từ Paris. Tôi sẽ tạm trú tại khách sạn San Francisco. Mục đích tôi đến Việt Nam là để tìm lại mẹ nhưng tôi lại không có thông tin chi tiết về bà. Mẹ tôi tên là Tâm, sinh năm 1929 ở Phương Liệt, tỉnh Hà Đông. Đó là thông tin duy nhất tôi có được. Hãy giúp tôi tìm lại mẹ. Xin cảm ơn”.

Ông ghi lại địa chỉ liên lạc của khách sạn.

Chuyến đi khởi hành tối ngày 20 tháng Tư năm 2000 trong tâm trạng đầy xáo trộn và âu lo.

Vợ con tiễn ông ra sân bay quốc tế Felix Houphouet Boigny. Thoạt tiên là bọn trẻ, chúng rất buồn và không thể kìm nén những giọt nước mắt, những tiếng nấc nghẹn ngào. Vợ Jansen cũng không nén được cảm xúc, để nước mắt lăn dài trên má. Về phần mình Jansen cũng không giấu được đôi mắt ầng ậc nước. Phải đi thôi. Đó là cái giá phải trả để có được thông tin rõ ràng hơn về mẹ.

Vậy là cuộc hành trình đã thực sự bắt đầu. Tiếng còi báo đã vang lên.

Đến Hà Nội

Jansen không hề chợp mắt trong suốt 6 giờ bay đến Paris. Đêm trước ông cũng thức trắng. Lúc này, ông đang chờ làm thủ tục quá cảnh tại Paris và phải ở lại đó khoảng 13 tiếng.

Chuyến bay Paris – Bangkok kéo dài gần 11 tiếng. Chặng dừng chân ở Bangkok ông tranh thủ dạo quanh các cửa hàng miễn thuế. Giờ là lúc phải lên máy bay đi đến trạm cuối, chỉ một tiếng rưỡi bay nữa thôi. Jansen mừng rỡ vì sắp được đặt chân lên mảnh đất đã chứng kiến ngày ông cất tiếng chào đời, nhưng cũng rất lo sợ khi đến một nơi không có ai quen thân. Ông nghĩ rất nhiều về mẹ, hy vọng bà vẫn còn sống.

Đúng 15h40 giờ địa phương, thứ bảy ngày 22 tháng Tư năm 2000, chiếc máy bay của hãng hàng không Pháp hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, tại Hà Nội. Trong lúc chờ xuống máy bay, Jansen Morati thầm tạ ơn Chúa đã cho phép ông thực hiện ước mơ táo bạo thuở ấu thơ. Ông xúc động vô cùng, vừa đặt chân xuống mặt đất tim ông rộn lên, mồ hôi túa ra ướt đẫm người. Vừa bước vào sảnh đợi, ông hít một hơi thật sâu để trấn tĩnh lại. Ông hơi ngạc nhiên trước cơ sở hạ tầng sân bay đã có phần cũ kĩ. Hành khách được phát tờ khai để hoàn thành thủ tục nhập cảnh và thủ tục hải quan. Các thủ tục tiến hành nhanh chóng.

Đến lượt ông, nhân viên hải quan kiểm tra chứng minh thư nhìn ông rồi đứng lên. Có lẽ anh ta đi hỏi ý kiến cấp trên. Chuyện gì vậy? Jansen Morati lo lắng. Hẳn là chi tiết ông sinh ở Gia Lâm, Việt Nam đã khiến cảnh sát lưu tâm, nhất là đối với một người da đen đến từ Châu Phi. Cũng phải thôi.

Ngay lập tức Jansen được mời đến trình diện trước một nhân viên bảo an khác.

– Có đúng ông sinh ra ở Gia Lâm trong thời kỳ Pháp chiếm đóng Việt Nam? – vị này hỏi Jansen.

– Đúng vậy – Jansen khẳng định.

– Cha ông là lính Phi phục vụ trong quân đội Pháp phải không?

– Đúng. Hoàn toàn chính xác.

Jansen Morati bắt đầu thực sự lo lắng. Tại sao họ lại hỏi câu này? – Jansen nghĩ bụng. Liệu họ có giữ ông lại để điều tra tiếp không? Đúng là họa vô đơn chí. Nhân viên cảnh sát lại hỏi tiếp:

– Ông đến Việt Nam để làm gì?

Jansen buột trả lời ngay.

– Tôi đến đây để tìm hiểu nơi mình sinh ra. Nhân dịp này tìm lại mẹ tôi cùng họ hàng bên ngoại.

– Chúc mừng ông đã đến Hà Nội, chúc ông một kỳ nghỉ dễ chịu tại Việt Nam, và may mắn tìm được mẹ.

Anh ta tươi cười trả lại hộ chiếu cho ông, không quên đóng dấu nhập cảnh.

Phù! Jansen Morati có cảm giác như vừa thoát nạn. Ông thuộc số những hành khách cuối cùng lấy hành lý. Hy vọng rằng đến lượt các nhân viên hải quan sẽ không coi ông như một gã lập dị vì mấy món đồ mỹ nghệ mang theo, hay cả chiếc máy quay phim đeo tòng teng trên cổ.

Thật may mắn, họ thân thiện ra hiệu cho ông qua.

Vậy là ông đã thực sự đứng trên đất Việt Nam. Ngay lập tức ông nghĩ tới cha mình, người đã đặt chân đến đất nước này, cách đây hơn năm mươi năm.

Con trai đã tiếp bước cha mình nhưng với một mục đích hoàn toàn khác.

Vào thời điểm này trong năm, rõ ràng là thời tiết ở Việt Nam cũng hệt như ở Bờ Biển Ngà. Ông nhận ra tên mình trên một tấm biển. Ông là hành khách da màu duy nhất trên chuyến bay này, nên ông Văn Kim không khó khăn gì để nhận ra vị khách của mình.

– Tôi là Jansen Morati. Tấm biển này ghi tên tôi. Tôi đoán bác là Văn Kim?

– Là tôi đây, anh trai cô Phạm bên Paris. Chúc mừng cậu đã đến Việt Nam.

– Cảm ơn bác.

– Chuyến đi của cậu tốt đẹp chứ?

– Tôi rời Abidjan từ đêm hôm kia. Cuộc hành trình dài cuối cùng cũng được thuận lợi cả. Cảm ơn bác đã thân chinh ra sân bay đón tôi.

– Tôi đã hứa sẽ ra đón cậu đấy thôi.

Ông Văn Kim đẩy xe hành lý hộ vị khách. Vừa đi ông vừa cố gắng trấn an Jansen là sẽ hết lòng giúp đỡ Jansen tìm được mẹ nếu thực sự bà còn sống. Hai người ngồi vào băng ghế sau của chiếc ô tô để về thành phố. Sân bay cách Hà Nội khoảng 40 cây số.

– Cha cậu và cô nhà có được khỏe không cậu? – Ông Văn Kim hỏi Jansen.

– Họ khỏe cả. Họ rất ủng hộ tôi đi chuyến này.

– Cậu có anh chị em không?

– Anh chị em tôi có dễ đến hai chục người. Chúng tôi là anh em cùng cha khác mẹ.

– Tôi đoán cậu là con trai lớn trong gia đình đông đúc ấy?

– Bác đoán đúng.

– Cậu có con chưa?

– Vợ chồng tôi sinh được năm cháu và nhận nuôi hai cháu nữa.

Ông Văn Kim báo Jansen Morati biết phòng khách sạn đã đặt trước. Hằng ngày ông có thể dùng bữa tại đây với mức giá phù hợp như ở Abidjan.

Ông Văn Kim để vị khách của mình tự nhiên ngắm nhìn cảnh vật, cây cối, kiến trúc các khu nhà và xe cộ đi lại trên đường. Gần 6h rưỡi tối họ mới về tới khách sạn San Francisco. Tất cả nhân viên khách sạn ra đón khách, tất nhiên họ chào bằng tiếng Việt và ông Văn Kim dịch sang tiếng Pháp. Cuộc tiếp đón khá thân thiện. Jansen Morati cảm ơn họ. Ông ở phòng 302, tầng 3. Căn phòng khá rộng rãi với đầy đủ tiện nghi đủ làm hài lòng một vị khách không khó tính lắm. Ông xếp hành lý lên chiếc bàn nhỏ.

Ông Văn Kim chúc Jansen nghỉ ngơi thoải mái. Ông mời Jansen Morati một tiếng nữa ghé qua nhà ông dùng bữa ăn nhẹ mà vợ ông đang chuẩn bị. Rồi ông ra về. Jansen Morati thả người xuống giường, tự nhủ:

– Mẹ ơi, cuối cùng con cũng đã đến đây. Từ nay về sau con và mẹ sẽ mãi mãi bên nhau.

Jansen Morati sợ sẽ ngủ quên nên đi tắm cho tỉnh táo. Ông gọi điện ngay cho vợ ở Abidjan để báo mình đã tới Hà Nội. Lúc này ở Bờ Biển Ngà đang giữa giờ trưa. Tầm giờ này mấy bố con Jansen hay chơi đùa với nhau. Ông gọi tiếp cho cậu con trai lớn Arnaud ở Mỹ. Bên đó bây giờ là 7h sáng, còn Hà Nội là 19h. Lúc bấy giờ cả gia đình mới phần nào yên tâm vì chuyến bay bình an vô sự và nhất là ông Văn Kim có mặt như đã hứa.

Jansen Morati thay quần áo, ra ban công đứng ngắm dòng người dưới phố. Người đi xe đạp và xe máy đông như kiến. Là đường một chiều nhưng sang đường cũng là một việc khó khăn. Nhiều lúc ông có cảm giác ô tô sẽ đâm vào đám xe đạp. Các đại lộ sáng trưng, biển quảng cáo sáng đèn từ các cửa hàng càng khiến con đường bốn làn xe sáng rực. Cách 20m lại thấy một quán ăn. Phố xá người chen chúc. Ông nhìn thấy một cái loa mắc trên cột điện không xa ban công ông đang đứng là bao, tưởng như giơ tay là có thể với tới. Hẳn trong thời chiến nó dùng để tuyên truyền, thông báo tin tức trong dân chúng.

Có tiếng gõ cửa. Đó là ông Văn Kim. Ông đến để đón Jansen Morati về nhà riêng dùng bữa tối. Ông bảo hai người sẽ đi bộ, cùng lắm là mất 15 phút. Jansen Morati mừng vì chân được dịp hoạt động sau 48 giờ đồng hồ liên tục ngồi trên máy bay.

Trên đường đi, ông hết sức bất ngờ trước cảnh giao thông lộn xộn. Xe nọ vượt xe kia bất chấp bên trái hay phải. Trời đã tối, nhưng ông vẫn cảm thấy tương đối an tâm khi đi dạo trên phố, không sợ bị tấn công. Lúc này họ đã đến trước dãy nhà nơi ông bà Văn Kim sống ở tầng hai.

Bà chủ nhà đón họ ngay bậu cửa. Dù đã có tuổi nhưng trông bà vẫn rất đẹp. Nụ cười toát lên phong thái lịch sự nhã nhặn. Bà chào mừng nồng nhiệt vị khách tới chơi bằng tiếng Việt, chưa cần dịch sang tiếng Pháp thì cử chỉ của bà cũng cho thấy đầy đủ ý nghĩa của câu chào.

Ngôi nhà nhỏ, sạch sẽ, bài trí giản dị mà đẹp mắt. Trên tường treo tấm ảnh của hai người con. Bà Văn Kim mời khách ngồi xuống ghế. Nắm lấy tay Jansen Morati, một lần nữa bà tỏ ý vui mừng vì ông đã đến Hà Nội và đặc biệt là ghé thăm nhà. Cảm ơn ông đã nhận lời mời dù đã thấm mệt sau một chuyến đi dài. Ông chủ nhà ngồi ngay cạnh khách. Cả ba cùng nâng ly chúc mừng chuyến đi thành công của Jansen. Tiếp đó, bà Văn Kim dọn bữa tối lên. Jansen Morati hết sức ngạc nhiên thấy bà dọn lên tới sáu món ngon khác nhau đủ cho mười hai người cùng ăn. Ông không thể tin vào mắt mình. Vậy mà ông Văn Kim nói chỉ là một bữa nhẹ. Cảnh sống còn đạm bạc, do đâu họ lại hao tốn tiền của để tiếp một người vừa mới gặp như vậy? – Jansen Morati tự hỏi.

Trước bữa cơm, ông Văn Kim trao đổi trước cùng vợ rồi quay sang có vài lời với khách. Ông bà rất mừng là người đầu tiên đón Jansen Morati về nhà trong chuyến thăm Việt Nam lần này của ông. Họ tự hào được ngồi chung bàn với người con nặng tình máu mủ, người đã vượt hàng chục ngàn cây số đi tìm mẹ, hơn nữa lại chẳng biết mấy thông tin về bà. Bà vợ lấy khăn mùi xoa chấm nước mắt. Dù không hiểu những câu tiếng Pháp chồng mình đang nói, nhưng trái tim người mẹ đã mách bảo bà. Bà cảm nhận được tiếng lòng cô đơn tuyệt vọng của con người đến từ vùng đất xa xôi này. Ông Văn Kim cho rằng ai biết chấp nhận đối mặt với những khó khăn thì người đó sẽ có thể đứng vững trên bước đường phiêu lưu của mình, và xứng đáng được họ tôn trọng. Hai vợ chồng ông sẽ làm hết sức để chuyến đi này thành công. Đến lượt mình, Jansen Morati cũng có lời với đôi vợ chồng chủ nhà:

– Châu Phi có tiếng về sự đón tiếp thịnh tình và tinh thần đoàn kết – ông mở lời. Việt Nam cũng vậy, thậm chí có phần hơn. Tôi thật xúc động và vinh hạnh nhận được sự đón tiếp nồng hậu thế này.

Ông tâm sự cùng họ về cảm giác sợ hãi khi đặt chân tới Hà Nội. Cha ông đã từng tham gia vào chiến tranh Đông Dương, ngay trên đất Việt Nam, chính xác hơn là Hà Nội. Ông là con trai của một quân nhân bổ sung tạm thời đứng trong hàng ngũ quân đội Pháp. Biết rõ điều này mà đôi vợ chồng người Việt này không hề coi ông là kẻ thù. Đó chính là điều khiến ông tâm phục khẩu phục. Lúc này đây, tha thứ là đức tính cao quý nhất ở con người. Ông một lần nữa cảm ơn hai vợ chồng đã đón tiếp chu đáo. Ông Văn Kim dịch câu nói của Jansen Morati sang tiếng Việt. Quay sang Jansen Morati, ông Văn Kim cho biết ngày xưa ông cũng là lính Việt Minh. Ông đã từng chiến đấu quật cường trong đội du kích chống lại thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ. Nhưng giờ đây, người dân Việt Nam cũng như ông, không hề rắp tâm trả thù những người xưa kia đã từng là kẻ thù nguy hiểm nhất. Minh chứng cụ thể nhất cho lời nói và quan điểm chính trị của ông là giờ phút trang trọng này, hai người đang ngồi cùng bàn, cùng ăn bữa cơm thân mật. Ông Văn Kim nói với Jansen Morati ông biết rõ Jansen Morati là con trai một cựu chiến binh đã từng chống lại quân đội Việt Minh:

– Mọi chuyện đã là quá khứ – ông nói tiếp – Chúng ta phải hướng tới tương lai. Việt Nam vẫn luôn thể hiện tình đoàn kết với tất cả các dân tộc trên thế giới. Chúng tôi phản đối chế độ thực dân, ngày nay chúng tôi chống lại chủ nghĩa thực dân kiếu mới dưới mọi hình thức bất kể do nước nào phát động.

Người vợ khẽ nhắc chồng thức ăn đang nguội hết cả. Bà mang nước ấm lại cho Jansen Morati rửa tay, thêm một chiếc khăn ấm để lau. Bà ngồi xuống cạnh Jansen Morati, tiếp đồ ăn cho ông, hết món này đến món khác. Bà muốn ông nếm hết các món và đĩa của ông luôn đầy thức ăn với nụ cười trên môi. Điều đó làm Jansen Morati thấy ngon miệng hơn. Lát sau, vị khách không thể ăn thêm nữa. Bà cảm ơn thêm lần nữa vì đã nhận lời mời. Bà bưng trà lên. Hai người đàn ông tiếp tục chuyện trò, bấy giờ bà mới lui vào bếp dùng bữa. Jansen Morati nhìn bà lòng đầy ngưỡng mộ. Người phụ nữ này khiến ông liên tưởng đến mẹ. Ông mong mẹ mình cũng giống bà Văn Kim: dễ mến, chu đáo, cởi mở, lịch sự và bản năng làm mẹ không thể trộn lẫn.

Ông Văn Kim có ý muốn coi Jansen Morati như đồng hương, Jansen đồng ý ngay. Nhận thấy Jansen đã thấm mệt sau chuyến đi và hẳn hơi đầy bụng nên ông Văn Kim tỏ ý đưa khách trở lại khách sạn. Thật may là họ đi bộ về khách sạn, như thế Jansen có thể tiêu hóa bữa ăn thịnh soạn này nhanh hơn. Tới sảnh, ông Văn Kim dừng bước và hứa sẽ trở lại lúc 9h sáng mai. Jansen Morati trở lên phòng.

Thả người xuống giường, hai tay luồn sau gáy, Jansen nghĩ về mẹ, trên thực tế bà đang rất gần con trai mình mà không hề hay biết. Bà có thể ở đâu kia chứ? Jansen cảm thấy dường như bà đang ở rất gần. Có thể bà đang ở khoảnh sân phía đối diện? Cũng có thể bà đang ở ngay trong khu phố này? Biết đâu họ đã gặp nhau trên đường đến nhà ông Văn Kim dùng bữa? Hoặc đã gặp nhau trên đường về mà không hay biết? Mà cũng có thể bà đã nhận thấy người đàn ông da đen này rất giống con trai bà mà không biết. Bà vẫn sống ở Việt Nam chứ? Ở thành phố nào? Thành phố Hồ Chí Minh chăng? Nơi ấy cách Hà Nội hơn 1.500 cây số. Bà vẫn còn sống chứ?

Những nỗ lực tìm kiếm của ông chỉ mới bắt đầu và sẽ còn kéo dài.

Quyết tâm sẽ giúp ông đi đến cùng. Nếu ông thất bại, các con ông sẽ tiếp bước ông để tìm lại gốc rễ của mình. Nếu cần các cháu ông sẽ tiếp tục cuộc tìm kiếm. Trong lúc chờ đợi thì chính ông phải tìm lại mẹ. Nếu tìm ra, bất cứ ở nơi nào, mẹ sẽ phản ứng sao khi nhìn thấy ông? Có ôm chầm lấy ông không? Ông nghĩ đến giây phút xúc động ấy. Bà đã tái hôn chưa? Trong trường hợp ấy ông sẽ có thêm bao nhiêu em trai em gái? Ông sẽ rất mừng. Nhưng liệu họ có xua đuổi ông không? Nếu vậy ông cũng không quan tâm, ông tự an ủi. Và nếu người chồng hiện giờ của mẹ từ chối tiếp ông? Ông xuất hiện không làm tan vỡ tổ ấm gia đình của mẹ chứ? Ông không muốn là nguyên nhân chia rẽ cuộc sống hôn nhân của mẹ chút nào. Ông sẽ xin cha dượng thứ lỗi cho sự xuất hiện đường đột này. Sau đó thì sao? Thái độ nào đây? Ông sẽ rõ thôi. Vị trí của mẹ trong xã hội như thế nào? Có thể bà thành đạt trong cuộc sống, nếu vậy thì ông sẽ rất tự hào. Hoặc giả mẹ đang sống bất hạnh, thậm chí bị mọi người bỏ rơi ở chốn hẻo lánh nào đó trên đất Việt Nam? Bà sẽ thoát khỏi cảnh nghèo – đó là lời hứa thầm của người con trai đối với mẹ mình. Bà sẽ được hưởng tất cả những thứ bà chưa bao giờ biết đến.

Giữa hàng loạt câu hỏi dựa trên những dự cảm đầy mâu thuẫn, Jansen Morati thiếp đi lúc nào không hay, quên cả tắt điện trong phòng.

Exit mobile version