Cuốn nhật ký ”Có lửa” của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm bằng tiếng Nga được xuất bản đúng dịp kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sĩ, là sự tri ân trước vong linh những người đã hy sinh vì đất nước đồng thời bắc thêm cây cầu tâm hồn giữa hai nước Nga – Việt.

Chiều 24/7, tại Thư viện Hà Nội diễn ra Lễ ra mắt cuốn ”Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bằng tiếng Nga. Cuốn sách ra đời dưới sự hợp tác của các dịch giả đến từ Viện nghiên cứu Phương Đông (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga) và câu lạc bộ May Thăng Long Mátxcơva. Có mặt tại buổi lễ, mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, bà Doãn Ngọc Trâm, chia sẻ, cuốn nhật ký của con gái bà đã được chuyển dịch ra nhiều thứ tiếng, nhưng một cuốn sách bằng tiếng Nga là mong ước từ lâu của gia đình. Cơ duyên đến khi cuốn nhật ký rơi vào tay tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng và các anh em ở câu lạc bộ May Thăng Long Mátxcơva. Chính tình yêu đối với Đặng Thùy Trâm, với nước Nga và quê hương Việt Nam đã gắn bó những con người vốn xa lạ, để quyết tâm đưa được cuốn nhật ký xúc động tới bạn đọc xứ sở thùy dương.

Bà Doãn Ngọc Trâm cho rằng, được chuyển dịch bởi những người trẻ tuổi, đồng trang lứa với Đặng Thùy Trâm, đây chắc chắn là bản dịch truyền cảm nhất. Người mẹ liệt sĩ mong rằng, qua cuốn nhật ký, các thế hệ sau sẽ nhớ tới đau thương của hàng triệu người mẹ, đã dâng hiến cả thể xác và tâm hồn những đứa con của họ cho công cuộc đấu tranh cách mạng của toàn dân tộc.


Bìa cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” tiếng Việt (trái) và tiếng Nga.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng – người tổ chức dịch thuật cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm – cho biết, Đặng Thùy Trâm hy sinh nhưng để lại năng lượng của mình trong cuốn nhật ký. Nó truyền tải đến các thế hệ sau niềm say mê, xúc động và những nhiệt huyết, hoài bão của tuổi trẻ. Trong cuốn nhật ký, nữ bác sĩ, liệt sĩ nói nhiều về nước Nga bằng một tình yêu vô bờ bến. Tình yêu với nước Nga ngấm vào máu đến nỗi, dưới mưa bom bão đạn, Đặng Thùy Trâm có thể thuộc nằm lòng câu nói của người thanh niên Nga Paven Corsaghin trong “Thép đã tôi thế đấy”: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Bạn đọc Nga có thể đồng cảm và thấy gần gũi với tâm hồn của một con người Việt biết sống, biết hy sinh vì Tổ quốc. Đó chính là lý do phiên bản tiếng Nga của Nhật ký Đặng Thùy Trâm tất yếu phải đến tay độc giả.


Đại diện gia đình Đặng Thùy Trâm tặng hoa cho những người giúp thực hiện cuốn sách.

Theo tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga trung thành với nguyên tác. Dày 340 trang, cuốn sách chia làm 4 phần: Lời giới thiệu của Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng với bạn đọc Nga về cuốn sách, về những con người Việt Nam đã trải qua thời kỳ máu lửa; Phần thứ hai là lịch sử cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm do em gái Đặng Kim Trâm giới thiệu. Cuốn nhật ký đã có một hành trình ly kì, khi nó rơi vào tay của những con người phía bên kia chiến tuyến. Nhưng, chính cái ”lửa” trong tác phẩm và lương tri của con người đã thôi thúc họ phải giữ lại cuốn nhật ký cho tới khi hòa bình. Sau hơn một phần ba thế kỷ lưu lạc, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/2005), cuốn sách đã trở về với gia đình liệt sĩ; Phần 3 là nhật ký của Đặng Thùy Trâm được giữ nguyên bản. Phần này được các dịch giả Lê Văn Nhân và Anatoli Solocov chuyển ngữ song song, sau đó được các chuyên gia đến từ hai nước thảo luận và thống nhất về văn phong; Phần 4 là cảm xúc của ông Nhikolai Nhikolaievik Kolesnhik – Chủ tịch hội Cựu chiến binh Nga, người từng có thời gian sống và làm việc ở Việt Nam.

Cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga kết thúc 20 năm không có cuốn sách nào của Việt Nam được dịch sang tiếng Nga, mở đường cho những tác phẩm dịch thuật khác ra tiếng nước ngoài. Được sự tài trợ của các doanh nghiệp may mặc Việt Nam tại Liên bang Nga, sách in ra 3.500 bản nhưng không bán mà chỉ tặng bạn đọc của hai nước.

 

 

Liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm sinh ngày 26/11/1942. Bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm – Nguyên giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, Đặng Thuỳ Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Tháng 3/1967, chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Ngày 22/6/1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích và hy sinh anh dũng khi chưa đầy 28 tuổi. “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã được dịch ra 19 ngôn ngữ trên thế giới và được đông đảo công chúng đón nhận. Cuốn nhật ký cũng được dựng thành phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Nguồn: eVan

Exit mobile version