Phần 5

Một ngày nọ, vận may đã mỉm cười với cậu. Một bà đứng tuổi đề nghị cậu rửa chén cho tiệm của bà mỗi tối, đổi lại, cậu toàn quyền gom phần thức ăn khách bỏ lại. Việc ấy đến tận đêm mới kết thúc, cậu về chỗ ngủ với một túi đầy thức ăn thừa và tự khoản đãi mình. Ăn xong, cậu thích nhất được vào rạp xem phim. Nhưng cậu chỉ đủ ăn, còn tiền không có một đồng. Kiếm tiền thế nào đây? Nhân lúc chiều tối nhập nhoạng, cậu xách theo một thùng bìa ra đồng ăn trộm, khi thì khoai lang, khi thì củ mài. Sáng hôm sau lại mang chợ bán. Đến lần thứ ba thì cậu bị chủ ruộng rình bắt được.

Ông ta cùng với hai đứa con trai rình cậu suốt mấy hôm. Họ nhanh chóng tóm lấy cậu và đánh cậu túi bụi. Gáy Jansen Morati chảy máu đầm đìa, cậu ngất đi. Khi tỉnh lại, cậu đang nằm trong bệnh viện, đầu cạo trọc và băng kín.

– Cháu gặp may đấy, nhóc. Cháu tên gì?

– Jansen Morati.

– Một người qua đường đã sơ cứu cháu kịp thời trước khi đưa vào đây. Cháu có mang theo người một con dao nhỏ. Đi dạo với dao trong người thật không hay chút nào.

– Thưa ông, con dao đó là để tự vệ khi đi ngoài phố.

– Nhà cháu ở đâu để chúng ta báo cho cha mẹ cháu biết?

– Cháu muốn khỏi hẳn đã rồi mới báo cho cha mẹ biết.

– Họ sẽ lo lắng cho cháu đấy.

– Cháu không nghĩ thế.

– Tại sao vậy?

– Cháu đã bỏ nhà đi từ một tháng nay rồi.

– Tốt thôi. Chúng ta sẽ đợi cho cháu khỏi hẳn đã.

Mặc dù thương tích khá nặng nhưng Jansen Morati rất hài lòng được đưa vào viện. Cậu được nuôi ăn miễn phí hàng ngày và được ngủ ngon giấc.

Nhưng cậu không hề hay biết vị bác sĩ chăm sóc cậu đã báo cảnh sát, người ta quyết định đến hỏi chuyện cậu ngay khi bình phục. Hai viên cảnh sát được cử đến lại chính là những người đã tống đạt lệnh triệu tập đến Roger Morati khi ông nhốt Jansen trong ngôi lều nhỏ của gia đình. Họ quyết định đưa cậu về nhà. Cậu nhỏ giãy giụa kịch liệt.

Hai viên cảnh sát giữ chặt cậu.

– Cháu không muốn quay về đâu.

– Có chứ. Cháu sẽ về nhà. Cha cháu tìm cháu khắp nơi.

– Các chú muốn ông ấy giết cháu.

– Không. Ông ấy sẽ không làm gì cháu cả. Bọn chú đã tranh luận rất lâu với cha cháu. Cháu phải trở lại trường thôi. Đó là điều cha cháu mong muốn.

Jansen Morati hết sức ngạc nhiên về sự tiếp đón nồng nhiệt từ phía cha mẹ mình. Tuy nhiên, cậu vẫn luôn cảnh giác.

– Chào ông. Chúng tôi đưa con trai ông về với ông đây.

– Cám ơn rất nhiều. Mời các vị vào nhà đã. Nó đâu rồi?

– Cậu bé đã phải vào viện dưỡng thương. Chính bác sĩ chăm sóc cậu bé đã báo cho chúng tôi.

– Trong đầu nó nghĩ gì thế không biết?

– Cậu bé sẽ tự giải thích với ông ngay bây giờ. Ông bạn ạ! Hãy tôn trọng thỏa thuận giữa chúng ta, đừng đánh thằng bé nữa. Nó chỉ là một đứa trẻ. Nó mới chín tuổi. Nếu ông không thay đổi cách cư xử với thằng bé coi chừng có ngày nó sẽ chết trong tay ông mất thôi.

– Tôi hiểu rồi. Tôi sẽ không đánh nó nữa.

– Cậu bé bỏ nhà đi chỉ vì quá sợ ông. May cho ông là chúng tôi đã kịp thời tìm ra nó.

Khi hai viên cảnh sát đã đi rồi, Jansen Morati vẫn rất lo lắng. Bây giờ cậu lo sợ về phản ứng của cha mình. Cậu thận trọng tránh xa ông, mắt liếc sang trông chừng. Không có chuyện gì xảy ra cả. Đã đến giờ ăn tối. Vẫn chưa có chuyện gì xảy ra. Rất có thể cha cậu đợi lúc cậu ngủ say mới cho cậu một trận đòn làm gương. Cậu quyết định cảnh giác. Đêm nay cậu không được ngủ say, cậu tự nhủ, để không bị bất ngờ như lần trước.

 Jansen giật mình thức giấc nhiều lần trong đêm. Buổi sáng khi cậu tỉnh dậy, mặt trời đã lên cao. Cậu ngạc nhiên là mẹ kế không đánh thức cậu dậy để quét sân, tắm rửa cho hai đứa em. Cậu còn ngạc nhiên hơn nữa là bà ta không sai cậu đi chợ như trước. Tất cả những chuyện này bắt đầu khiến cậu dần tin tưởng.

Thời gian ở trường đang là kỳ nghỉ lễ Nôel. Chắc cậu phải chuẩn bị ra đồng làm việc thôi, nhưng cha cậu bảo việc đồng áng đã xong. Ruộng đã giẫy cỏ và cuốc tơi. Củ mài, củ từ, khoai lang và ngô đã gieo hạt. Phải đợi mười lăm ngày nữa mới cuốc sang các thửa ruộng khác. Đây đúng là một tin tốt lành cho Jansen. Roger yêu cầu cậu học những bài cậu đã bỏ qua để theo kịp chương trình trên lớp. Ông cho phép con trai đến học nhóm với bạn cùng lớp, Kofi Lambert, để theo kịp bài vở. Jansen Morati học hành rất chăm chỉ. Cậu tranh thủ những buổi học để ăn trưa luôn ở nhà cha mẹ Lambert.

Lễ Nôel tới rất gần, tim cậu tràn ngập một nỗi buồn. Cậu biết mình sẽ không được gặp ông già Nôel. Cậu tin chắc mình sẽ không nhận được đồ chơi hay quà tặng gì hết. Đêm Nôel, cậu ngồi nhớ đến những bạn học ở Belleville. Hẳn là họ đang mở các gói quà của mình. Cậu cay đắng nhận ra rằng năm nay cậu sẽ không có một lễ Nôel cho riêng mình vì ở tuổi này, cậu dễ dàng đoán ra ông già Nôel không tồn tại. Chính các bậc cha mẹ mua quà cho con cái họ. Cậu nhận ra rằng cha mình rất nghèo. Cả gia đình chỉ ăn một bữa mỗi ngày, vả lại, bữa ăn kiểu gì cơ chứ! Đêm giao thừa cũng chẳng có gì đặc biệt đối với cha mẹ cậu. Tối hôm đó cả nhà vẫn ăn món bột củ mài quen thuộc. Không có gì đặc biệt dành cho thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Khi trường học mở cửa lại sau kỳ nghỉ, Jansen có mặt ở lớp học.

Thầy giáo giữ cậu ở lại hỏi lý do cậu vắng mặt lâu như vậy. Cậu kể hết lại cho thầy nghe, không giấu giếm. Thầy giáo đem chuyện này kể với thầy hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng chấp nhận cho Jansen Morati vào học tiếp. Ông liên lạc với cảnh sát, nhờ họ xác nhận câu chuyện của cậu học trò.

Buổi trưa cậu về nhà. Cha mẹ cậu đi vắng. Cậu không biêt đi đâu mà bụng đang sôi lên vì đói, dù đã uống rất nhiều nước để đánh lừa dạ dày. Trong giờ học, cậu ngủ gà gật. Thầy giáo cố gắng đánh thức cậu dậy, rồi lại để mặc cho cậu ngủ. Thầy cử một học sinh đi mua bánh ngô cho cậu. Jansen Morati không đợi phải giục giã đã ngấu nghiến ăn cho đỡ đói dưới ánh nhìn cảm thương của các bạn cùng lớp. Ngày nào cũng vậy. Đôi khi, chính thầy hiệu trưởng Adam cử một ai đó đến tìm cậu vào lúc hai giờ rưỡi chiều. Thầy dẫn cậu về nhà thầy ngay sát trường để cho cậu ăn thứ gì đó. Ở nhà bữa ăn duy nhất trong ngày vào buổi tối cũng dần ít ỏi hơn. Jansen Morati không thể chịu nổi cuộc sống khốn khó này thêm nữa. Thậm chí những ngày bỏ nhà đi lang thang cậu còn được ăn uống đầy đủ hơn. Cậu liền lấy cắp những đồ dùng lặt vặt của cha mẹ đem bán lấy ít tiền, nhưng chủ yếu để ăn trưa và ăn lót dạ chiều để đủ sức theo dõi bài trên lớp.

Trong lúc lục lọi lấy cắp, trong đầu cậu vẫn sáng rõ một ý nghĩ là phải tranh thủ lục tìm trong đồ đạc của cha, cậu hy vọng chí ít cũng tìm ra một bức ảnh của mẹ. Thật không may, một ngày nọ bà mẹ kế bắt gặp cậu trong buồng. Bà ta liền báo ngay cho chồng, cha Jansen chạy nhanh đến.

Trận đòn vô nhân tính

Toàn thân Jansen Morati run lên. Cậu quỳ xuống cầu xin cha mở lượng khoan dung.

– Mày làm trò gì trong phòng tao?

– Cha ơi, xin tha lỗi cho con. Vì chúa, hãy tha lỗi cho con.

– Mày lục lọi cái gì trong phòng tao?

– Con không lục gì cả. Cha ơi, tha lỗi cho con.

– Không lục gì là thế nào? Đúng mày là thằng ăn cắp trong cái nhà này. Tao đã nghi từ lâu rồi.

Ông lục trên người cậu nhóc và rút ra từ trong túi cậu hai tờ tiền mệnh giá 100 phăng CFA.

– Thế còn tiền này là cái gì đây?

Jansen Morati không có thời gian để trả lời vì một cái tát mạnh đã xô cậu ngã ra đất. Cậu bé thét lên vì đau. Cậu thấy chóng mặt, hai lỗ tai lùng bùng. Cha cậu túm lấy chân kéo lê cậu ra ngoài. Ông không thèm bận tâm tới những lời cầu xin của cậu.

– Cha ơi, con sẽ không bao giờ ăn cắp nữa. Con xin hứa.

– Mày là quân trộm cắp. Mày bôi nhọ danh dự tao trong khu này, ở đồn cảnh sát và cả ở trường học nữa.

– Xin cha thứ lỗi.

– Hôm nay tao sẽ uốn nắn mày đến nơi đến chốn. Thằng vô lại kia!

Hai người hàng xóm là Cathy và Margo chạy đến. Roger Morati đe dọa họ nên đứng ngoài không can dự vào việc nội bộ gia đình này. Ông còn nói thêm:

– Nó là con trai tôi. Các bà đừng có chõ mũi vào chuyện của tôi.

– Xin lỗi, thưa ông. Đừng đối xử với thằng bé theo cách ông đang làm.

– Nó không phải là con các bà. Hơn nữa, chính các người đã khuyến khích nó cư xử kiểu ấy.

– Chắc là thằng bé đã phạm lỗi nào đó hay làm điều gì dại dột. Ông nên khuyên dạy nó chứ.

– Khuyên nào cho lại với thằng này.

– Đừng có phạt đòn nó. Nó yếu ớt quá mà. Ông đánh nó đến chết mất thôi.

– Đi lo việc của các bà đi. Đi cho khuất mắt tôi!

Hai người phụ nữ đành bất lực quay bước. Họ quan sát cảnh tượng từ xa mà trào nước mắt. Jansen tiếp tục rên rỉ. Đầu cậu nóng như có lửa đốt. Gáy cậu rỉ máu. Cậu vẫn nằm ngửa, hai chân bị cha mình nắm chặt. Cậu nhìn hai người hàng xóm van lơn cầu xin họ giải thoát cho cậu khỏi tình cảnh khốn khổ này. Roger bảo vợ đi giã nát ớt tươi. Trong khi bà ta vội vã chuẩn bị thứ ông yêu cầu, ông giữ chặt Jansen lúc này vẫn đang bị khóa cứng dưới nền đất. Bà Morati trộn ớt đã giã nát với một ít nước. Cathy và Margo phản đối kịch liệt cách cư xử của bà mẹ kế, họ mắng mỏ bà ta. Cậu nhóc kêu cứu và gào lên.

– Câm miệng ngay, thằng lai kia.

Một cú đá vào chỗ hiểm làm Jansen hiểu rằng tốt hơn hết cậu nên im lặng. Trong cơn tuyệt vọng, cậu nhóc đã vô thức cầu cứu mẹ.

– Mẹ ơi, cứu con với. Con nguy đến nơi rồi. Mẹ! Mẹ ơi! Con chết mất. Xin mẹ hãy cứu con. Cứu con, mẹ ơi.

Roger ngồi đè lên con trai. Dần đoán được những gì sắp xảy đến với mình cậu nhóc la hét giẫy giụa. Mẹ kế rảy nước có pha bột ớt mà bà đã chuẩn bị kỹ lưỡng lên mắt và tai cậu. Jansen quặn người lên vì đau. Đầu cậu lắc tứ phía. Bà ta tiếp tục nhét thứ kinh khủng đó vào miệng và mũi cậu. Cathy và Margo gọi người đến giúp. Cậu nhóc dùng hết sức kháng cự lại, như một con thú không chịu để cho người ta cắt tiết mình. Mắt cậu cay xè, nhức nhối không thể mở ra được. Bà mẹ kế nhân dịp đó kẹp chặt đầu cậu giữa hai đầu gối. Cha cậu thì vẫn giữ chặt tay chân cậu. Bà mẹ kế còn lật mí mắt cậu lên để chà bột ớt vào bên trong. Jansen thét lên, giọng lạc đi vì đau đớn. Họ liền buông cậu ra. Cậu nhỏ đứng dậy một cách khó nhọc. Cậu không thể định hướng nữa. Cậu khóc, tay quờ quạng để xác định vị trí. Tai cậu như có ai bịt chặt, không nghe rõ. Những người hàng xóm khác chạy đến nhưng đã quá muộn. Roger Morati chửi bới họ, đứng chặn ngoài cổng không cho ai tới gần. Cậu nhỏ mắt vẫn nhắm nghiền, tìm cách định hướng.

Jansen không thể mở mắt ra được vì vẫn đau rát. Cậu đi dò dẫm, hai tay quờ quạng phía trước. Cậu hắt hơi, xì mũi cho ra hết bột ớt.

– Tao hy vọng từ giờ trở đi mày đã hiểu được bài học này. Nếu còn tái diễn trò đó, tao sẽ lại dùng đến hình phạt này.

– Cha là một tên sát nhân.

– Mày nói gì?

– Ông là một tên sát nhân.

– Mày dám chửi cha mày hả, tao đã từng bắn chết một đại tá người Pháp ở Việt Nam chỉ vì mày.

– Cha giết con luôn đi. Con không sợ chết đâu.

Roger quay sang nói với vợ câu gì đó. Bà này quay lại với một chiếc roi da trong tay. Những người đang chứng kiến bảo Jansen hãy chạy đi. Có chuyện gì thế nhỉ? – cậu tự hỏi. Cậu cố gắng mở hé mắt ra. Cảnh vật xung quanh hiện ra lòa nhòa còn hai mí mắt cậu thì đau rát. Cha cậu túm lấy đai quần cậu.

– Mày chửi tao đấy phải không?

– Vâng. Con chán ngấy những hình phạt mất hết tính người của cha rồi. Cha thật xấu xa.

– Mày còn chưa thấy hết đâu.

Được bà vợ giúp sức, Roger trói con trai lại, chân phải vào với tay phải. Lần này thì Jansen thản nhiên như không. Mặc cho cha mẹ cậu muốn làm gì cậu thì làm. Cái chết sẽ là lối thoát duy nhất và cậu cam lòng chấp nhận. Những tiếng phản đối xì xào khắp nơi và mỗi lúc một rõ hơn. Jansen Morati vòng hai tay hai chân ôm lấy thân cây xoài, ngoan ngoãn chịu trói. Cậu bé quyết giấu nỗi uất hận trong lòng.

– Đừng làm thế, ông Roger. Ông đã phạt thằng bé đủ rồi. Ông không nên trói gô thằng bé để phạt đòn như vậy.

– Các người nghe thấy nó vừa nói gì rồi chứ?

– Nó đã nói gì đến ông mà đáng phải chịu hình phạt này?

– Không phải việc của các người.

Roger Morati vung roi quất thử xuống mặt đất. Jansen đã hiểu hình phạt thể xác đang chờ cậu. Nhưng cậu vẫn không phản ứng gì. Cậu đã chịu đến cực điểm của nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần rồi. Cậu nghe thấy cách mình không xa lắm là những giọng phụ nữ kêu khóc. Cha cậu, bằng một hành động dứt khoát, xé toạc lưng áo sơmi của cậu.

– Mày xin lỗi tao đi rồi tao tha cho.

– Không bao giờ. Cha giết con đi cũng được. Rồi cha sẽ phải hối hận về chuyện đó.

– Tao bảo mày lần cuối, xin lỗi tao đi.

– Con không xin lỗi. Cha sẽ giải thích với mẹ tại sao cha đánh chết con, tại sao cha lại đang tay giết chết con trai mình.

Một roi quật xuống làm cậu nhóc buột ra một tiếng thét chói tai. Hai nhát roi khác liên tiếp trút xuống khiến cậu kêu những tiếng buốt óc. Những người hàng xóm vội chạy tới giật roi khỏi tay cha cậu. Mẹ kế của Jansen tranh thủ lúc đôi bên tranh luận để xát dung dịch ớt còn lại trong quả bầu lên lưng cậu đang rớm máu. Cậu nhóc thét lên một tiếng đau đớn rồi ngất lịm.

Khi tỉnh dậy, Jansen thấy mình nằm sấp trong trạm xá nơi lần đầu tiên bị đòn cậu đã được đưa vào. Cậu đau đớn quằn quại. Cô hộ lý, người lần trước đã hết lòng chăm lo cho cậu đang ngồi cạnh giường. Cô nhìn cậu mỉm cười. Cậu không đủ sức để cười đáp lại. Cô hộ lý vuốt tóc cậu, rồi vuốt nhẹ lên mặt cậu. Jansen Morati trào nước mắt. Cô lau nước mắt cho cậu rồi hôn lên má cậu.

– Bây giờ con ổn rồi, nhóc ạ.

Không thể trả lời được, cậu nhắm mắt lại và khóc. Cậu vẫn cảm thấy hai mí mắt mình nhói như có kim châm.

– Đừng khóc nữa, con của ta. Ta ở đây là để chăm lo cho con. Con sẽ mau chóng bình phục thôi. Con không phải sợ gì hết nữa. Từ giờ trở đi ta sẽ là mẹ của con.

Khi nghe tiếng “mẹ”, Jansen Morati lập tức nghĩ ngay đến mẹ ruột của mình. Kể từ giây phút đó, cậu quyết tâm tìm lại bà ở Việt Nam hơn bao giờ hết. Cậu nhất định phải mách với mẹ những hình phạt ghê rợn mà cha cùng bà dì ghẻ đã bắt cậu chịu đựng.

Trong suốt những ngày nằm trong bệnh viện, tìm lại mẹ trong thời gian sớm nhất đã trở thành một nỗi ám ảnh thật sự với cậu. Cha cậu và mẹ kế thậm chí cũng không đến thăm nom hay hỏi han. Ngày cậu bình phục, một viên thanh tra và hai cảnh sát đã rất quen mặt đến thăm cậu. Họ động viên tinh thần cậu, nhân thể lấy lời khai về nguyên nhân khiến cậu nhập viện.

– Bây giờ cháu có định quay về nhà cha mẹ không? – người sĩ quan cảnh sát dò hỏi.

– Không bao giờ. Không có gì trên đời này khiến cháu quay lại ngôi nhà đó. Không bao giờ.

– Cháu muốn về đâu?

– Cháu muốn đến Việt Nam sống cùng mẹ cháu.

– Cháu nói ở đâu kia?

– Ở Việt Nam ạ.

– Cháu đã biết Việt Nam nằm ở đâu chưa?

– Cháu chỉ biết ở rất xa thôi.

– Mẹ cháu tên gì?

– Mẹ cháu tên là Tâm.

– Cháu có địa chỉ của bà ấy không? Hay số điện thoại liên lạc?

– Không ạ. Đến được Việt Nam rồi thì cháu sẽ hỏi thăm.

– Mẹ cháu sống ở miền Bắc hay miền Nam của Việt Nam?

– Cháu không biết.

– Cậu nhỏ, nghe chú này. Tìm gặp lại mẹ ở Việt Nam là quyền của cháu. Nhưng cháu nên biết rằng đất nước này vẫn đang trong chiến tranh. Cháu phải đợi kết thúc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam mới mong đến được đó. Cháu vẫn chưa nói chú biết cháu dự định đi đâu bây giờ?

– Con của ta, con có thể đến ở với ta trong thời gian chờ đợi – cô hộ lý đề nghị với Jansen.

– Vâng, thưa cô. Con đồng ý.

– Tôi có thể trao đổi vài lời với bà không, thưa bà?

Viên thanh tra và cô hộ lý đi ra ngoài nói chuyện.

– Cậu bé này chịu chấn động tâm lý nghiêm trọng. Tôi mừng là bà đồng ý nhận nuôi dưỡng cậu bé.

Tôi rất yêu mến cậu bé. Cậu ta phải chịu sự ngược đãi quá mức của ông bố. Thưa thanh tra, ông định giải quyết vụ này thế nào?

– Chính những di chứng của chiến tranh Đông Dương đã đẩy ông bố tới chỗ cư xử như vậy với con trai mình. Tôi trông cậy ở cô việc trông nom cậu bé tạm thời. Tôi sẽ thông báo chính thức với thẩm phán và hiệu trưởng trường nơi cậu bé đang theo học. Đối với người cha, tôi dự định sẽ cùng những người có ảnh hưởng trong bộ tộc đến gặp gỡ trò chuyện. Chúng tôi sẽ khuyên giải để ông ta thay đổi cách dạy dỗ con cái. Nếu chúng ta áp dụng luật hiện hành thì ngay khi ra tù ông ta sẽ giết chết thằng bé.

– Ông có lý. Xử lý vấn đề theo cách này mới thật kín kẽ. Ông cứ tin ở tôi, tôi sẽ chăm sóc Jansen thật tốt, trong thời gian chờ đợi mối bất hòa giữa hai cha con cậu bé được giải quyết ổn thỏa.

– Cám ơn bà đã nhận trách nhiệm nuôi dưỡng cậu bé. Bà là…

– Tôi tên Naomile.

Jansen Morati đi cùng cô Naomile về nhà cô. Cô Naomile sống một mình. Cô mua cho cậu một tấm nệm để tối trải ra ngủ ở phòng khách. Chỗ ở mới không xa trường lắm. Kể từ đó, cậu ăn đủ ba bữa một ngày, có đủ thời gian học và làm bài. Cậu cảm thấy rất thoải mái ở nhà cô Naomile. Cô Naomile là một tín đồ đạo Thiên Chúa, cô giảng đạo và dạy cậu cách cầu nguyện.

Trong thời gian này, viên thanh tra cảnh sát đến gặp ông Roger Morati.

Thanh tra đảm bảo với cha Jansen rằng con trai ông tạm thời được giao cho một nhà hảo tâm chăm sóc. Nhưng người cha không hề bận tâm đến chuyện này. Người phụ nữ thứ hai đến ở trong gia đình, tức là vợ thứ ba của Roger Morati đã góp phần tích cực giải quyết mâu thuẫn giữa hai cha con. Bà đứng ra bênh vực Jansen.

Việc khó khăn nhất lúc này là thuyết phục Jansen về sống cùng gia đình. Cậu bé dứt khoát từ chối. Cô Naomile phải giải thích hết nhẽ về tình phụ tử mới khiến cậu thay đổi ý kiến. Tuy nhiên với một điều kiện kèm theo: để cậu ở nhà mẹ nuôi đến khi thi xong học kỳ hai. Roger Morati chấp nhận điều kiện này.

Cậu nhóc trở về nhà trong kỳ nghỉ lễ Phục Sinh. Cuộc chia ly với cô Naomile thật buồn. Cô đưa cho cậu một quyển Kinh thánh nhỏ để cậu có thể tiếp tục đọc Kinh Phúc âm và cầu nguyện. Đích thân thanh tra cảnh sát dẫn cậu nhỏ về đoàn tụ với gia đình.

Người vợ thứ ba của Roger Morati nồng nhiệt chào đón cậu bé. Thời gian này trùng với đầu vụ mùa nhưng Jansen Morati có một bất ngờ tốt lành: cậu sẽ ở nhà học bài. Tất cả những công việc cậu phải làm trước đây vào mỗi sáng giờ sẽ do mẹ kế thứ hai của cậu lo liệu. Kết thúc kỳ nghỉ lễ Phục Sinh, bà đích thân nấu cho cậu ăn lót dạ buổi sáng trước khi đến trường. Bà đưa cậu phiếu lương thực để mua thứ gì đó ăn trưa. Buổi tối, bà kiểm tra xem cậu ăn đã đủ no chưa.

Dần dần, Jansen bắt đầu hòa nhập vào gia đình mình. Buổi tối, cậu được phép ra ngồi học dưới đèn chiếu sáng ngoài đường cái, cách nhà khoảng nửa giờ đi bộ. Cha mẹ cậu và cậu dần tin tưởng lẫn nhau.

Chủ nhật, cậu đến thăm cô Naomile, hai cô cháu cùng tới nhà thờ. Cô Naomile giúp cậu giải bài tập và khảo bài cho cậu. Ở trường Jansen Morati luôn cố gắng để theo kịp các bài giảng trên lớp. Cậu học tập miệt mài, đến mức quên luôn cả ngày sinh nhật mình. Dù sao đi nữa, cũng chẳng có lễ mừng sinh nhật nào dành cho cậu cả. Năm nay cậu lên mười tuổi. Kỳ thi cuối năm đã đến, cậu không được phép tham gia kỳ thi lấy Chứng chỉ tốt nghiệp tiểu học (CEPE) vì cậu chưa đủ tuổi. Tuy vậy cậu vẫn dự kỳ thi vào lớp sáu để được nhận vào cấp hai. Cậu thi đỗ.

Thầy hiệu trưởng muốn cách ly cậu với người cha. Ông hướng cậu thi vào một trường danh tiếng trong nước. Nhờ thầy có lời gửi gắm, cậu được nhận vào viện Công Giáo Taloa, cách nhà cậu gần hai trăm năm mươi cây số.

Cô Naomile tổ chức một bữa tiệc nhỏ chúc mừng cậu con nuôi. Cô tặng cho cậu rất nhiều quà, cầu Chúa phủ hộ cho cậu học hành tấn tới. Cậu bé không ngờ mình vẫn được yêu thương bao bọc như vậy.

Bấy giờ là kỳ nghỉ hè, Roger Morati vừa nhận được khoản truy lĩnh tiền trợ cấp hưu trí cho quân nhân phục vụ trong quân đội Pháp. Ông dùng món tiền này mở một tiệm tạp hóa nhỏ ngay trong sân nhà, bày bán những đồ lặt vặt: thuốc lá, kẹo bánh, xà phòng, dầu đèn, đường, sữa, bánh mì… Ông giao việc cho con trai đang nghỉ hè chờ ngày tựu trường.

Cực điểm tàn bạo

Đối với Jansen Morati, việc trông coi tiệm tạp hóa không đến nỗi vất vả nhưng cậu lại không được ăn trưa.

Thời gian này, mọi người đều ra đồng. Cơn đói khó lòng chịu nổi. Làm thế nào đây? – cậu tự hỏi. Không tìm đâu xa, mỗi ngày cậu ăn một mẩu bánh mì nhỏ trong số thực phẩm bày bán. Cậu phết thêm sữa đặc. Cho đến lúc đó, cha cậu chưa bao giờ hỏi cậu chuyện lời lãi. Cha cậu, một người thất học, chắc chắn không nhận ra những thiếu hụt không đáng kể này.

Thật không may cho Jansen, những thiếu hụt nhỏ tích tụ lại sẽ thành lớn và dễ nhận ra. Khi mua thêm hàng về bán, Roger cảm thấy tiền lãi bị hao hụt. Ông nhờ một học sinh phổ thông sống trong cùng khu phố rà soát lại trong cuốn vở ghi chép các mặt hàng mua vào và bán ra. Sau khi tính toán cậu này suy ra một khoản thiếu hụt gần 200 phăng CFA.

Người cha trở về nhà, giận điên lên. Jansen cảm thấy nguy hiểm đang đến gần. Người mẹ kế thứ hai không có nhà để bảo vệ cậu. Bà đang đi chợ. Cậu nhóc quyết định chạy trốn. Cha cậu ra lệnh cho cậu học sinh cấp hai kia bắt cậu lại. Chưa đầy hai phút đuổi bắt, cậu này đã tóm được cậu dẫn về trước mặt cha cậu. Jansen Morati giãy giụa khi bị cha cậu lôi vào nhà.

– Cha ơi tha cho con.

– Bây giờ mày lại còn ăn cắp tiền của tao. Mày biết tiền này tao kiếm được thế nào không? Mày không biết tao phải liều mạng sống ở Việt Nam và Algérie mới có được ngần đó tiền hả? Mày có nhận thấy mày đang hoang phí tất cả tiền tao tằn tiện bấy lâu nay không?

– Con xin cha. Con đói quá. Con không lấy tiền của cha. Con chỉ ăn ít bánh mì với sữa thôi.

– Mày nghĩ tao lấy hàng về là để cho mày ăn đấy hả?

– Không, cha ơi. Con sẽ hoàn trả lại cho cha.

– Mày định trả lại cho tao thế nào?

– Con sẽ thưa với cô Naomile. Cô ấy sẽ đưa con 200 phăng.

– Mày nghĩ tao là thằng ngốc đấy hả? Mày nghĩ tao ngây ngô đến mức đó sao? Mày định nhân thể chạy luôn chứ gì? Nào! Giơ tay ra đây.

– Xin cha tha lỗi. Hãy nghĩ đến Chúa mà thương đến con. Cha đã hứa với cảnh sát sẽ không đánh con nữa mà.

– Mày lợi dụng chuyện đó để trở thành một thằng ăn cắp à? Mày muốn tao sạt nghiệp hả? Nhà đang nghèo, mày còn muốn thành cùng quẫn sao?

– Cha ơi, hãy giữ lời. Giữ lời hứa cha không bao giờ đánh con nữa.

– Mày lại còn giảng đạo đức cho tao nữa cơ đấy, mày, một thằng vô lại, nhãi ranh đòi lên mặt dạy đời.

Roger bước tới trói hai cổ tay đứa con trai lại bằng dây thừng. Cậu nhỏ bắt đầu khóc thổn thức. Cậu kêu lên để báo hiệu cho những người hàng xóm. Cậu nhận ngay một cái tát mạnh không ngờ. Cha cậu gọi người mẹ kế thứ nhất tới. Họ trao đổi với nhau vài lời. Bà ta đi ra rồi quay lại với một kệ tạm chứa đầy than củi đang cháy đỏ. Vừa nhìn thấy đám than hồng này Jansen Morati dùng hết sức bình sinh gào toáng lên:

– Không! Thương con với! Thương con với! Con xin cha! Rủ lòng thương!

Roger kẹp chặt hai chân con trai trong chân mình để ngăn không cho nó đứng dậy. Ông cầm lấy hai tay, bắt nó phải mở rộng lòng bàn tay ra.

– Không! Không! Cha sẽ giết con mất. Không. Con xin cha. Hãy thương con! Tha cho con!

Bà mẹ kế chuẩn bị gắp than đang cháy đượm lên những ngón tay đang nắm chặt của Jansen. Cậu bé không chịu xòe tay ra. Những viên than chỉ còn cách tay cậu chưa đến vài centimét nữa. Cậu vẫn chưa biết tay mình nên nắm lại hay xòe ra. Chỉ vài giây ngắn ngủi nữa là những viên than nóng rãy vẫn sáng rực sẽ xuống tay cậu đang bị trói chặt. Trong một cố gắng không ngờ với một đứa trẻ ở tuổi mình, cậu đã vùng được tay ra khỏi bàn tay ông bố giữ chặt. Thừa lúc cha và mẹ kế bị bất ngò, Jansen vùng dậy, lao đến gần cửa ra vào. Trong lúc cuống cuồng chạy trốn, cậu xô đổ cái kệ tạm đựng than cháy. Bị Roger kéo ngược trở lại, không may cậu lại ngã vật xuống đống than vung vãi. Cậu thốt kêu những tiếng hãi hùng. Phần hông bên trái của cậu giáng xuống đất. Theo bản năng cậu xoay một vòng để rũ hết những viên than đang thiêu cháy da thịt cậu. Quần áo trên người cậu bắt lửa ngay tức khắc. Cậu gượng dậy nhanh đến mức làm cha và mẹ mất thăng bằng vì không giữ được cậu. Cậu đã thoát được ra ngoài.

Nước mắt giàn giụa, cậu chạy đến hụt hơi, hai tay vẫn bị trói chặt. Cậu đưa tay qua bên hông thì nhìn thấy hai lòng bàn tay đang rỉ máu. Máu rịn ra, cậu đau kinh khủng. Đã kiệt sức nhưng cậu vẫn tiếp tục chạy, vừa chạy vừa khóc. Người đi đường quay lại nhìn và hẳn đang tự hỏi tại sao đứa trẻ này lại chạy với hai cổ tay trói chặt thế kia. Jansen thở dốc khi đến nhà cô Naomile.

– Lạy chúa! Con làm sao thế, con trai? Tại sao tay con bị trói? Người con đang bê bết máu kìa. Không thể thế được!

– Xin cô cứu con với. Con chết mất.

Cô Naomile òa lên nức nở.

– Nhưng con đang chảy máu kìa. Để ta xem nào. Không! Ai dám làm điều này chứ?

– Là cha con.

– Tàn nhẫn quá! Lạy chúa! Hãy thương lấy đứa trẻ vô tội!

Cô Naomile lấy con dao gọt trái cây trên bàn để cứa đứt dây trói cho Jansen. Hai bàn tay cậu run lẩy bẩy. Cô Naomile lấy chút cồn tẩm vào miếng gạc.

– Con sẽ thấy rất đau đấy. Thứ lỗi cho ta, con trai. Đó là vì con thôi.

Cô lấy một tấm khăn ăn nhét vào miệng cậu.

– Con cắn chặt vào khăn nhé.

Cô áp miếng gạc vào vết thương hở hoác bên hông trái của cậu nhỏ. Cậu đau quá ngất lịm đi.

Khi Jansen Morati tỉnh dậy, cậu đang ở trong bệnh viện, lần thứ ba. Mở mắt ra cậu thấy nụ cười duyên dáng của cô Naomile đang túc trực bên giường. Cậu gắng gượng ngồi dậy, ôm chặt cô Naomile thay cho lời cảm ơn. Cô Naomile bật khóc, làm Jansen Morati cũng sụt sịt theo. Được bác sĩ và cảnh sát trưởng chấp thuận cô Naomile được phép trông nom cậu nhỏ trong suốt thời gian dưỡng thương. Cô khuyên bảo cậu rất nhiều, luôn dạy cậu cầu nguyện, đôi khi dạy cậu hiểu thói độc ác của con người nhưng nhất là phải biết tha thứ. Hai cô cháu cùng đọc Kinh Phúc âm, vừa nói về chủ đề tế nhị là chuyện mẹ cậu. Cô giải thích cho cậu hiểu khó khăn đối với cậu để có thể đến Việt Nam gặp mẹ. Cô yêu cầu cậu học ở trường thật chăm chỉ để kiếm được một công việc đãi ngộ tốt. Vậy thì cậu mới có thể sắp xếp thực hiện được chuyến đi này, và có cơ may tìm gặp lại mẹ. Cô nhấn mạnh đến bước khởi đầu này.

Khi cảm thấy khỏe trở lại, Jansen Morati trở về qua nhà, đi cùng với cảnh sát trưởng người đã ra tay thu xếp chuyện này. Cậu cầm lấy chiếc vali gần như rỗng không, rụt rè chào từ biệt cha mẹ rồi quay lại nhà cô Naomile.

Cô Naomile đã sắm cho cậu quần áo và một đôi giầy. Ngày khai giảng, cô đi cùng cậu đến tận Taloa. Chương trình học đã bắt đầu từ ba tuần nay.