Phần 14

Thứ tư ngày 3 tháng Năm năm 2000.

Jansen Morati thức dậy lúc 7h. Ông hôn phớt lên ảnh người phụ nữ ông vẫn luôn coi là mẹ, bất chấp những lời phủ nhận của chính bà. Ông cảm thấy đỡ căng thẳng hơn hôm qua. Ông yên tâm rằng từ nay mẹ đã biết đến sự tồn tại của ông trên đời này. Ông có lý do để hiểu và chấp nhận cách cư xử của mẹ đối với mình. Những gian lao bà đã nếm trải xứng đáng được ghi nhận.

Rốt cuộc, ông gần như biết chắc mình sẽ không được gặp mẹ trước khi rời khỏi Việt Nam. Ông đã tính đến khả năng này và cho là nó hoàn toàn có thể xảy ra. Nghĩ đến đó mà lòng ông đau nhói. Vẫn có quyền hy vọng. Trong đầu ông đã dự tính quay lại Việt Nam, chậm nhất cũng chỉ trong khoảng hai năm nữa. Chi phí cho chuyến đi đương nhiên là đắt đỏ. Thế nhưng, một người mẹ bằng xương bằng thịt lại là vô giá. Dù những ngày qua đã xảy ra chuyện gì, ông vẫn thấy thanh thản. Chủ yếu là ông lo cho tâm trạng của mẹ lúc này. Ông phải tìm cách chuyển tới mẹ một lời nhắn giúp bà khuây khỏa. Ông không muốn mẹ phải lo lắng sau khi ông đi. Bà cũng cần biết ông sẵn sàng quay lại Việt Nam để gặp bà bất cứ lúc nào.

Ông dùng điểm tâm rồi gọi điện cho Arnaud thông báo tình hình, giải thích nguyên do phản ứng của bà nội nó.

– Con hiểu rồi. Cha quyết định thế nào?

– Cha sẽ nhờ người nhắn lại với bà nội con trước khi về Abidjan. Một lời nhắn thân thương để xóa đi mọi mặc cảm tội lỗi của bà. Nhất định là bà không được tự trách mình, không để bà bị lương tâm cắn rứt. Cha sẽ hẹn gặp bà nội của con ở Việt Nam, chậm nhất là hai năm nữa.

– Con cho rằng hai năm là quá dài. Nếu cha đồng ý và cho phép, con muốn sang Việt Nam muộn nhất là năm sau. Con sẽ đích thân đưa bà nội về tận Bờ Biển Ngà cho cha. Cha đừng từ chối. Cha xứng đáng với lòng tận tụy của con mà. Con muốn thay cha sang Việt Nam, cùng lắm là nửa năm hay một năm nữa thôi. Con sẽ lần theo những dấu vết cha đã để lại. Nhiệm vụ của con đơn giản hơn nhiều nhờ những mốc cha đã đánh dấu. Hãy cho con cơ hội thể hiện tình cảm đối với cha bấy lâu nay.

– Cha cám ơn con vì lời đề nghị nhiệt tình và kịp thời. Cha càng thêm tin tưởng rằng con xứng đáng là con trai của cha. Cha không từ chối sự giúp đỡ này nhưng đây là một cuộc đua cha phải tự mình tham dự. Tuy vậy, lần sau đến Việt Nam, nếu cần hỗ trợ cha sẽ gọi con ngay.

10h, ông Văn Kim gọi điện báo sẽ ghé qua. Ông cùng vợ lên thẳng phòng Jansen. Chắc chắn đang thất vọng nhưng bà Văn Kim vẫn tươi cười, gắng làm yên lòng Jansen rằng vẫn còn hy vọng.

– Chúng ta đã bước vào sân rồi, sau khi đã cân nhắc kỹ càng thì cũng phải tung bóng vào cuộc thôi – ông Văn Kim nói.

– Có nghĩa là…

– Tôi tin là cần làm sáng tỏ mọi việc. Giờ là lúc phải đặt huân chương của mẹ Quang – Tâm của cậu lên ưu tiên hàng đầu đã. Đối với một người Việt Nam thì phần thưởng danh dự này rất quan trọng, nó sẽ đem lại nhiều ưu đãi và nhiều cơ hội khác.

– Tôi không nghi ngờ chuyện ấy. Tôi hoàn toàn đồng ý với bác. Tôi còn đang ghen tị với chiếc huân chương này ấy chứ.

– Cậu thật là kỳ lạ. Mỗi lần tôi bối rối khi phải nói chuyện gì đó với cậu hay đang cố tìm lời lẽ thích hợp để giải thích cậu hiểu một ý nào đó, thì cậu đã hiểu cả rồi.

– Tôi tính rời Việt Nam vào thứ bảy này.

– Nhanh thế sao? Còn có ba ngày nữa thôi.

– Vâng. Tôi biết mình không thể nói chuyện, cũng không thể gặp mẹ trong tương lai gần được nên muốn quay về gặp lại gia đình đang nóng lòng chờ tôi ở nhà. Dù thế nào đi nữa, tôi cũng sẽ quay lại Việt Nam trong một hoặc hai năm tới.

– Cậu quyết định vậy là rất sáng suốt. Chúng ta sẽ giữ liên lạc bằng cách viết thư và gọi điện.

– Tôi trông cậy hai bác báo cho tôi biết khi nào nên quay lại Việt Nam. Tôi sẽ không ngần ngại bay chuyến sớm nhất đến Hà Nội.

– Cậu nên chuẩn bị tâm lý để nhận những tin không mấy tốt đẹp. Đó là một khả năng không thể loại trừ. Ý tôi muốn nói là bà Quang – Tâm vẫn rất có thể không phải là mẹ cậu, mặc dù khả năng này rất thấp.

– Tôi sẵn sàng đón nhận mọi chuyện có thể xảy ra. Tôi bắt đầu quen với những cú nảy đột ngột đúng lúc tôi ít ngờ tới nhất. Nếu bà Quang – Tâm không phải mẹ tôi thì tôi vẫn về Việt Nam để tìm người mẹ thật sự. Và tôi sẽ còn trở lại Việt Nam nhiều lần chừng nào tìm được mới thôi. Nếu tôi đã sức cùng lực kiệt thì các con tôi sẽ tiếp tục sự nghiệp, cả các cháu tôi cũng làm vậy, nếu cần. Cả gia đình tôi đã đặt quyết tâm phải tìm lại cội nguồn của mình ở Việt Nam này.

– Tôi khâm phục niềm tin và quyết tâm vượt khó của cậu. Tôi nghĩ đâu cần đến lượt các con hay các cháu cậu phải lần theo dấu vết của bà hay cụ chúng.

– Chuyện đó làm sao biết được? Tương lai sẽ trả lời chúng ta mà.

– Chúng ta cứ chờ xem sao, giờ tôi muốn hỏi cậu một câu mà cả ông Nguyễn, ông Ngọc, cậu Tiêu và tôi đều muốn biết, thất sự tôi cũng rất ngại.

– Chuyện gì vậy?

– Cậu có đủ khả năng tài chính để lo cho mẹ không? Cậu có thể mang lại hạnh phúc cho bà ấy không, nhất là lúc này tuổi bà ấy đã cao rồi? Cậu có đủ tiền để lo cho cuộc sống của bà ấy chứ?

Chứng minh tài chính

Jansen Morati đã đợi câu hỏi này bấy lâu nay. Ông đoán rằng phải làm sáng tỏ vấn đề này để mẹ ông và họ hàng bên ngoại yên lòng. Tất cả đều nhắc đến chuyện này mà ông không biết. Ông cho là không khó khăn gì đặt ra cho chuyến đi tiếp theo tới Việt Nam để gặp mẹ. Trái lại, lời đề nghị đón bà sang Bờ Biển Ngà chơi với gia đình ông vài ba tháng có thể vấp phải lời từ chối khéo bởi lẽ họ hàng bên ngoại chưa hề biết liệu ông có đủ năng lực tài chính để lo cho mẹ ông chu toàn không. Vì ông Văn Kim đã cho ông cơ hội, phải tận dụng thôi, nhưng phải khiêm nhường, tế nhị. Ông phải dẫn dắt ông Văn Kim đi đến kết luận mình đủ khẳ năng để chăm lo toàn bộ cho mẹ mà không gặp khó khăn gì lớn. Ông dự định sẽ gián tiếp thể hiện năng lực này. Ông Văn Kim sẽ so sánh, đối chiếu với nhiều nguồn tin khác nhau, từ đó mà khách quan luận ra mặt bằng tài chính khiêm tốn của ông. Ông ấy sẽ trở thành luật sư tốt nhất bảo vệ quyền lợi của ông, chính xác là ông cũng không biết bằng cách nào. Ông ấy sẽ tự mình tìm ra cách thuyết phục họ hàng của Quang – Tâm để bà theo con trai về Abidjan Bờ Biển Ngà mà không e sợ gì hết.

– Nếu bác cho phép, tôi xin trả lời sau hoặc muộn nhất là trước ngày tôi về nước.

– Tôi không thấy gì bất tiện cả.

Với một cách tiếp cận như thế, Jansen Morati tin là ông Văn Kim sẽ chăm chú và nhận ra những câu trả lời không chính thức, từ đó sẽ hình thành một ý tưởng khá đầy đủ cho câu hỏi mà Jansen từ chối trả lời trực tiếp.

Bà Văn Kim hỏi Jansen Morati rằng ông đã lập gia đình chưa, đã có con chưa. Jansen bèn lấy trong vali cuốn album gia đình ông dự định cho mẹ xem ảnh cha ông, vợ ông cùng các con. Ông nói vợ mình theo học ngành sư phạm, đã dạy trường trung học, giờ đang là viên chức của Bộ giáo dục. Arnaud, con trai đầu của ông vừa du học bên Mỹ, chính xác là tại thành phố Détroit thuộc bang Michigan. Ông bà Văn Kim có vẻ bất ngờ khi nghe tin này. Họ hỏi ông có phải Arnaud xin được học bổng. Câu trả lời là không. Họ hỏi tiếp có phải khoản học phí của Arnaud không cao như những tin đồn về học phí bên Mỹ. Jansen Morati trả lời rằng học phí bên đó ở mức có thể chấp nhận được. Bao nhiêu một năm?

– Mỗi năm khoảng hai mươi đến hai nhăm ngàn đôla Mỹ.

– Và Arnaud sẽ học bên Mỹ trong mấy năm?

– Con trai tôi sẽ học trong năm năm. Hai năm nữa, em gái ngay kế nó, đây, cháu trong ảnh đây, tốt nghiệp trung học rồi cũng sẽ sang Mỹ học tiếp. Mục tiêu của tôi là làm sao để tất cả các con mình được theo học bậc đại học ở Mỹ hoặc Canada.

Im lặng.

– Qua nhiều bức ảnh tôi thấy gia đình ta sống trong một căn nhà xinh xắn ở Abidjan.

– Chúng tôi vừa dọn về đó được gần sáu tháng. Nhà rất rộng rãi được xây dựng trên diện tích vài ngàn mét vuông đất. Giá thuê một tháng vào khoảng một ngàn đến hai ngàn đôla Mỹ. Có chỗ để đón mẹ tôi về ở, thậm chí cả dượng tôi, nếu dượng ấy cũng muốn đến Bờ Biển Ngà sống với vợ. Có đủ không gian cho cả gia đình sống thoải mái.

– Tháng nào cậu cũng phải trả khoản tiền thuê này sao?

– Không, căn nhà thuộc sở hữu của gia đình tôi. Trước đây chúng tôi cho thuê. Nếu mẹ sang Bờ Biển Ngà thăm chúng tôi, cả nhà sẽ cố gắng để bà được sống thoải mái và tiện nghi nhất.

Im lặng.

– 9h sáng mai tôi sẽ qua đón cậu, chúng ta đi thăm một số đền chùa ở Hà Nội – ông Văn Kim đề nghị với Jansen.

– Tôi sẽ tranh thủ đi xác nhận đặt vé khứ hồi về Abidjan.

Ông Văn Kim vừa nghe tường tận những câu trả lời không chính thức đầu tiên về khả năng đảm bảo cuộc sống đầy đủ cho mẹ của Jansen.

Sau khi ông bà Văn Kim ra về, Jansen Morati không muốn băn khoăn lo lắng gì nữa. Ông không muốn phải chờ đợi sốt ruột nữa. Mọi việc đã hai năm rõ mười. Ông sẽ không được nói chuyện với mẹ, cũng không được gặp mặt bà trước khi rời Việt Nam.

Phải bằng lý trí mà chấp nhận sự thật này thôi. Tuy nhiên đó không phải là ngày tận thế. Không phải ông đang trong ngõ cụt hay bị dồn đến chân tường. Cuộc đời này và thế giới này vẫn vận động. Giờ ông nên nghĩ đến chuyện giữ gìn tinh thần và sức lực.

Tổng kết lại toàn bộ những ngày lưu lại Việt Nam ông cũng rất vừa ý. Trong hoàn cảnh này phải thừa nhận sự thật, không phải nhẫn nhục, cam chịu mà với thái độ bình tâm, thanh thản. Những kinh nghiệm quý giá thu nhận được cũng khỏa lấp phần nào nuối tiếc trong ông. Ông đã nắm chắc trong tay những bí quyết giúp chuyến đi đến Việt Nam lần tới được mỹ mãn hơn. Không chỉ rèn luyện đức tính kiên trì, nhẫn nại, chuyến đi này còn là một chặng theo học trường đời của ông. Chính trong sự tĩnh tâm nhập định, trong lúc cầu nguyện và nhịn ăn ông đã dốc cạn những nguồn năng lượng, những điểm tựa tâm lý cần thiết để rồi rút cuộc vẫn ảo tưởng về kết quả của chuyến đi đến Việt Nam.

Những ngày ở Việt Nam đã cho ông thấy hết ý nghĩa của lòng bao dung, tha thứ, tình bằng hữu và lòng tận tụy. Tất cả mọi người dù mới lần đầu gặp ông đã tự động hết lòng giúp đỡ ông. Đây cũng là hình ảnh mới của Việt Nam trong lòng ông, kho báu vô giá ông sẽ mang theo trong tim. Theo cách nhìn nhận khách quan đó, ông cho rằng kế hoạch tìm lại mẹ ở Việt Nam là rất khả quan, thiết thực, không có nhận định nào chính xác hơn.

Thứ năm mùng 4 tháng Năm năm 2000.

Tỉnh giấc, Jansen có cảm giác trút bỏ được gánh nặng trong lòng. Như thường lệ vào mỗi sáng, ông nhìn ảnh mẹ với ánh mắt chan chứa dịu dàng và yêu thương. Con sẽ quay lại, ông nói với mẹ, và mãi mãi không gì có thể chia cắt mẹ con mình nữa. Ông chuyện trò cùng mẹ thông qua những lời độc thoại sau:

“Con mong chiếc huân chương kháng chiến này sẽ thỏa mãn mong muốn chính đáng của mẹ. Đó là phần thưởng xứng đáng vì mẹ đã tình nguyện chiến đấu cho Việt Minh. Mẹ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp mà mẹ đặt lòng tin. Sau những trận chiến ác liệt, đất nước giành được độc lập, còn mẹ, mẹ có gì trong tay để lo cuộc sống mới của mình? Không gì cả, không một mảy may. Mẹ trở lại với cuộc sống của người dân bình thường, nghèo khó, tuổi thì đã cao, lại mang thương tật suốt đời. Thậm chí mẹ không thể tìm việc làm. Mẹ không có chuyên môn, tay nghề gì để kiếm ra tiền. Mẹ không thuộc lực lượng đông đảo những người quyết tâm xây dựng lại Việt Nam từ đống hoang tàn đổ nát. Mẹ bị bỏ lại phía sau và phó mặc, không cả nguồn thu nhập để sinh sống. Cuộc sống khốn khó sau chiến tranh cứ kéo dài mãi. Tài sản quý giá nhất mẹ nắm giữ lúc này là lòng yêu nước của mình, tinh thần ấy đã được hun đúc trong suốt những năm dài chiến tranh khốc liệt. Vậy nên chiếc huân chương kháng chiến tới đây sắp được trao cho mẹ sẽ hội đủ ý nghĩa của nó. Sự ghi nhận của cả dân tộc về những cống hiến cho Tổ quốc là phần thưởng lớn nhất và đẹp đẽ nhất đối với mẹ. Bởi vậy, con hoàn toàn ủng hộ việc trao huân chương cho mẹ ngay lúc sinh thời. Con coi phần thưởng danh dự này như một niềm tự hào. Vì thế, con muốn lánh đi để không làm liên lụy đến mẹ. Hai ngày nữa con sẽ về Bờ Biển Ngà. Bất chấp khoảng cách chia cắt mẹ con ta, con sẽ nghĩ về mẹ rất nhiều mỗi ngày. Con biết rằng mẹ cũng sẽ nghĩ về con. Ngày nào mẹ con mình cũng sẽ gặp nhau trong tâm tưởng. Từ nay con đã có ảnh mẹ, bức ảnh đầu tiên của mẹ mà con có được, con đã dồn hết tình cảm dành cho mẹ lên đó. Cầu Chúa phủ hộ cho mẹ sống lâu trăm tuổi và khỏe mạnh để một ngày nào đó mẹ con ta sẽ gặp nhau và ở bên nhau chừng nào còn có thể!”

Ông Văn Kim qua khách sạn đón Jansen Morati lúc 9h sáng. Đầu tiên họ ghé vào đại lý bán vé máy bay để đặt vé chuyến Hà Nội – Paris – Abidjan cho Jansen.

Vào bên trong, Jansen đặt thêm một vé Paris – Bruxelles – Paris. Sao cậu lại đi thêm chuyến này? – ông Văn Kim hỏi.

– Tôi đã quyết định nghỉ ngơi vài ngày tại nhà họ hàng và bè bạn trước khi về Abidjan. Những ngày lưu lại Việt Nam đối với tôi cũng khá căng thẳng rồi. Tôi muốn tranh thủ sang châu Âu hít thở không khí trong lành.

– Cậu tính ở Bruxelles trong bao lâu?

– Tôi sẽ ở Luxembourg một tuần.

Cô nhân viên hỏi Jansen Morati có phải ông đặt vé hạng thương gia cho chuyến Hà Nội – Paris – Abidjan không. Jansen nói phải. Cô nhân viên thông báo khoản tiền cần thanh toán. Ông Văn Kim thấy nhiều quá, ông khuyên Jansen nên đặt vé hạng thường.

– Chuyến sau về Việt Nam tôi sẽ làm vậy – ông cười bảo với ông Văn Kim.

Thêm một câu trả lời không chính thức cho câu hỏi của ông Văn Kim. Rời khỏi đại lý hàng không, ông Văn Kim dẫn vị khách đi thăm nhiều ngôi chùa trong nội thành Hà Nội. Về đến khách sạn, Jansen Morati gửi ông Văn Kim địa chỉ của mình ở Bờ Biển Ngà.

– Xin gửi lại bác mấy tấm ảnh gia đình này, nhờ bác chuyển đến mẹ tôi. Còn đây là địa chỉ liên lạc: địa chỉ thư tay, số điện thoại và hòm thư điện tử.

– Tôi thấy trên tấm danh thiếp có ghi cậu làm trong một công ty viễn thông tại Bờ Biển Ngà. Công ty quốc doanh hay tư nhân vậy?

– Đây là một công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công cộng. Nhân sự khoảng ba ngàn năm trăm người.

– Với chức vụ cậu đang nắm giữ, mẹ cậu may mắn có con trai là một viên chức cấp cao rồi.

Jansen Morati không muốn nói gì thêm, cải chính là điều ông không phải viên chức nhà nước mà là một người làm công ăn lương trong khu vực kinh tế tư nhân để làm gì kia chứ? Từ giờ ông đã biết chắc ông Văn Kim đã bị thuyết phục rằng ông có thể chăm lo cho mẹ chu đáo. Qua ba cuộc trò chuyện, ông đã trả lời dứt khoát cho câu hỏi mà cách đây hai ngày ông đã chủ ý né tránh. Ông Văn Kim sẽ thuật lại cho họ hàng bên ngoại nghe chuyện này. Ông ấy sẽ biết cách làm yên lòng họ để ngay khi có cơ hội, ông sẽ đón mẹ sang Bờ Biển Ngà sống với mình.

Ông Văn Kim và Jansen Morati hẹn gặp nhau 9h sáng hôm sau. Ngày hôm đó sẽ dành để cám ơn ông Nguyễn, ông Ngọc, cậu Tiêu và những người đứng đầu làng Phương Liệt, nhân tiện thông báo cho mọi người biết ông sẽ về Bờ Biển Ngà.

Quay lại Bờ Biển Ngà

 Thứ sáu ngày 5 tháng Năm năm 2000.

Ông Văn Kim đến khách sạn, nói chuyện với Jansen Morati.

– Hôm qua có hai cuộc điện thoại làm tôi rất phấn khởi. Vợ cậu ở Bờ Biển Ngà và con trai Arnaud của cậu ở Mỹ gọi điện cho tôi. Chúng tôi nói nhiều chuyện lắm. Còn chương trình sáng nay như sau, trước tiên là thăm ông Nguyễn, sau đó đến làng Phương Liệt. Sau cùng là dạo bộ ngắm cảnh một lúc. Một lịch trình khá bận rộn đây. Đúng ngày cuối cùng trước khi cậu về Bờ Biển Ngà.

– Tôi xin theo sự sắp xếp của bác. Nhưng trước hết tôi muốn nhờ bác chuyển tới mẹ tôi một lời nhắn quan trọng.

– Tôi nghe cậu đây.

– Tôi sẽ đi mà không được gặp mẹ, thậm chí không được nghe giọng nói của bà. Đường Thượng Đế vạch ra không ai lường trước được. Tôi để thời gian hoàn thành công việc của nó. Tôi vẫn lạc quan lắm. Điều quan trọng nhất là từ nay hai mẹ con tôi người này đã biết đến sự tồn tại của người kia. Hẳn là bà không mong gặp tôi vào lúc này. Hãy nhắn với bà là tôi đã quay về Bờ Biển Ngà, không trách giận gì mẹ cả. Tôi hoàn toàn hiểu bi kịch bà đang phải chịu đựng lúc này. Bà cũng rất khổ tâm khi buộc phải lựa chọn. Tôi ủng hộ bà nhận huân chương, huân chương của bà cũng là của gia đình tôi. Nó là niềm tự hào của tôi cũng như của cả gia đình. Hãy nói với mẹ rằng tôi tuyệt đối không trách giận bà. Nói với mẹ đừng trách mình về cách cư xử với tôi. Mẹ đã chọn đúng và tôi đứng về phía bà. Hãy nói là tôi mãi yêu bà. Không nên để cuộc gặp lần đầu bất thành này khiến bà đau khổ. Hãy nói với mẹ rằng suy nghĩ của tôi vẫn hướng về bà, với niềm yêu thương vô hạn. Nói với mẹ rằng trái tim tôi hướng về bà hơn bao giờ hết. Nói với mẹ rằng bà vẫn là người mẹ  kính yêu của tôi. Nói rằng mãi mãi không gì có thể ngăn cách chúng tôi nữa.

– Nghe cậu trình bày cách suy nghĩ như thế tôi cũng cảm động không biết nói gì nữa. Có mấy ai hạnh phúc bằng mẹ cậu vì có một đứa con trai như cậu? Tôi sẽ chuyển những lời nhắn của cậu tới bà ấy một cách chân thực nhất.

Sau đó cả hai đến nhà ông Nguyễn và nhà ông Ngọc để chính thức thông báo với họ, Jansen Morati sẽ về Bờ Biển Ngà. Jansen luôn miệng cảm ơn hai ông đã nhiệt tình giúp đỡ cho chuyến đi tới Hà Nội để tìm gặp mẹ. Ông tỏ lòng biết ơn vợ của hai ông đã ủng hộ mình về mặt tinh thần. Trước khi chào từ biệt họ, ông trao lại cho họ những món quà mang từ Abidjan sang, gọi là kỷ niệm châu Phi. Ông cũng gửi lại một món quà cho Tiêu lúc này đang vắng mặt.

Rồi Jansen Morati cùng ông Văn Kim quay về khách sạn tiếp tục trò chuyện.

– Khi đến Hà Nội lần đầu tiên tôi cũng rất lo. Tôi không biết gì về thành phố này cả, về đất nước này cũng không, tâm tính và văn hóa người Việt lại càng mù tịt. Tôi còn sợ rằng người dân nơi đây sẽ tẩy chay con trai một tên lính đã từng cầm súng chống lại những người Việt Nam yêu nước. Tôi có cảm giác như đang tự dẫn xác vào hang cọp.

– Còn bây giờ, cậu thấy sao?

– Tôi vừa ngạc nhiên vừa dễ chịu nhận thấy tất cả những lo ngại trước đây chỉ là lo hão. Khác xa thực tế tôi chứng kiến hàng ngày ở Việt Nam. Những người tiếp chuyện tôi chủ yếu lại là cựu chiến binh trong chiến tranh Đông Dương. Tôi chưa thấy bị oán giận hay ác cảm gì hết.

– Tôi đi theo cậu cũng chính là để thuyết phục cậu tin vào điều ấy, chiếm được lòng tin của cậu và giúp cậu nhiều nhất có thể.

– Bác đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ấy rồi. Bác đã coi tôi như con trai dứt ruột đẻ ra. Tôi chỉ có mỗi việc là làm theo những lời bác khuyên. Bác đi trước, mở đường, san bằng chông gai. Nếu không gặp được bác thì với quyết tâm sẵn có, tôi cũng sẽ lần dần một vào dấu vết để tìm lại mẹ. Nhưng sẽ mất bao lâu? Lúc đó, tìm ra mẹ cũng trở thành một việc quá sức. Nhưng nhờ có bác, mọi việc đã rất trôi chảy. Gặp bác trên hành trình tìm kiếm cũng là cơ may hiếm có của tôi. Tôi phải đặc biệt cảm ơn hai bác, cả bác và bác gái.

– Tôi chỉ thực hiện bổn phận hỗ trợ người đồng hương đang cần giúp đỡ thôi. Sứ mệnh của tôi còn chưa hoàn thành. Sau khi cậu đi rồi, tôi sẽ tìm gặp cậu Tiêu, anh họ cậu. Chúng tôi sẽ cùng nhau vạch kế hoạch tiếp cận mẹ cậu, bà Quang – Tâm. Khi nào tiếp cận thành công, chúng tôi sẽ nhắn lại những lời ủng hộ, động viên của cậu với bà ấy trong thời gian sớm nhất có thể. Tôi sẽ ủy nhiệm cậu Tiêu về Tiền Giang thăm bà Quang – Tâm mẹ cậu. Tôi sẽ giải thích rõ ràng những gì tôi trông đợi ở cậu ấy. Tôi sẽ đưa ra những lời khuyên chính xác để cậu ấy có thể chuẩn bị sẵn sàng mọi chuyện. Cậu ấy về thì đến lượt tôi gặp mẹ cậu. Tôi hy vọng từ giờ đến lúc đó, mẹ cậu đã nhận được huân chương kháng chiến rồi. Bấy giờ tôi sẽ trao đổi thẳng thắn với bà ấy, để làm sáng tỏ mọi chuyện.

– Tôi nghĩ không nên để mẹ phải mặc cảm.

– Tôi sẽ lo liệu chu toàn để không còn phải nghi ngờ bất cứ điểm gì về nhân thân của mẹ cậu nữa. Tôi biết bà Quang – Tâm chính là mẹ cậu. Nhưng tôi muốn chắc chắn tuyệt đối, trước khi gọi cậu trở lại Việt Nam. Tôi hiểu những gì cậu đã phải chịu đựng chỉ trong một thời gian ngắn lưu lại Việt Nam. Tôi muốn được yên tâm rằng cuộc gặp lịch sử giữa hai mẹ con cậu sẽ diễn ra suôn sẻ, không gặp bất cứ trở ngại nào. Đích thân tôi sẽ lo chuyện đưa bà ấy ra sân bay đón cậu. Nếu tất cả những điều kiện này hội đủ, tôi sẽ báo cho cậu bay sang Hà Nội, chứ không phải thành phố Hồ Chí Minh. Tôi muốn có mặt để chứng kiến sự kiện đặc biệt này. Với điều kiện bà ấy phải được chồng cho phép, nên chắc chắn trước đó họ phải nói chuyện với nhau về cậu đã.

– Việc này quá tế nhị và khó khăn. Phải mất bao lâu?

– Tôi nghĩ thời hạn tối đa một năm là hợp lý.

Jansen Morati hỏi ông Văn Kim về khoản thù lao cho những giúp đỡ quý báu này. Ông Văn Kim chỉ nhìn ông cười tủm tỉm, hứa sáng mai sẽ chuyển cho ông bản kê chi tiết, cùng với hóa đơn tiền thuê xe. Ông sẽ cùng vợ qua khách sạn để chào từ biệt Jansen.

Trong thời gian chờ đợi, ông đề nghị họ cùng đi dạo.

Thứ bảy ngày 6 tháng Năm năm 2000.

Ông bà Văn Kim tới khách sạn lúc 8h. Jansen Morati vừa kịp dùng xong bữa điểm tâm.

Nỗi buồn hiện rõ trên gương mặt bà Văn Kim. Bà gắng nở nụ cười, nhưng vẫn cảm nhận rõ nỗi buồn trong mắt bà. Bà trao cho Jansen Morati một con búp bê châu Á biết hát, biết đi, biết nhảy. Đó là quà gửi cho con gái Loan Fatim của ông ở Bờ Biển Ngà. Jansen vô cùng cảm động.

Nhân dịp này ông cũng tặng lại ông bà Văn Kim món quà đã được đặc biệt chuẩn bị dành cho họ. Ông bà Văn Kim cảm ơn. Jansen Morati cũng nhờ ông bà chuyển giúp một món quà tới nhân viên khách sạn. Tiếp đó Jansen nhắc ông Văn Kim cho ông biết số tiền thù lao cho công việc phiên dịch và liên hệ các nơi giúp ông.

– Cậu như con trai tôi thôi. Tôi hạnh phúc được góp phần nhỏ bé của mình để tìm ra mẹ cậu. Thế nên cậu không phải trả gì hết, hôm nay, ngày mai, ngày kia cũng không. Tôi coi cậu như một người đồng hương, từ nay về sau cậu là thành viên trong gia đình tôi.

– Bác tốt với tôi quá. Nghĩa cử này không làm tôi ngạc nhiên. Suốt hai tuần lưu lại Việt Nam, bác đã phải bận lòng đến tôi nhiều. Tuy nhiên cứ để tôi chuyển cho bác gái khoản tiền lẽ ra tôi phải trả cho bác. Tôi làm vậy không phải để mua sự giúp đỡ của bác mà đây là chút quà cho bác gái.

Jansen Morati đưa món tiền đó cho bà Văn Kim. Bà rút trong tập đôla Mỹ ra ba tờ rồi đưa trả lại Jansen với nụ cười thân thuộc. Ông Văn kim dịch lời vợ nói:

– Bà nhà tôi nhờ tôi nói lại với cậu là chuyến đi của cậu còn dài. Cậu sẽ cần đến nó, nhất là khi cậu còn rẽ qua Luxembourg.

– Tôi rất cảm động vì tấm lòng hào hiệp của hai bác. Tôi không biết dùng lời nào để tỏ lòng biết ơn hai bác.

– Tôi đã nhờ cậu lái xe đưa chúng ta ra sân bay. Tôi sẽ đi cùng xe để chúc cậu lên đường may mắn. Bữa trưa cuối cùng của cậu trên đất Việt Nam, tôi và bà nhà tôi rất hân hạnh được mời cậu cùng dùng bữa cơm đạm bạc.

– Tôi rất sẵn lòng.

Chuyến bay của Jansen Morati dự kiến vào buổi chiều cùng ngày. Một cuộc điện thoại từ hãng hàng không Air France gọi đến thông báo chuyến bay của ông bị hoãn lại do một cuộc đình công tại Paris. Chuyến bay tới sẽ khởi hành trong bốn tám tiếng nữa, nghĩa là cùng giờ, ngày thứ hai mùng 8 tháng Năm năm 2000. Jansen Morati tận dụng hai ngày này để đi du ngoạn, thăm thú.

Ngày lên đường, ông Văn Kim tiễn ông ra sân bay. Ông khuyên Jansen đừng nản lòng, đừng mất hy vọng. Ông hứa sẽ tiếp tục tìm kiếm giúp Jansen và sẽ giữ liên lạc thường xuyên.

Khi chuyến bay từ Hà Nội sang Paris cất cánh, trong lòng Jansen Morati vẫn còn xáo trộn vì đã đến gần mục tiêu đến thế. Bao năm nay ông đã nuôi hy vọng một ngày kia được gặp mẹ. Thành công đã trong tầm tay rồi. Nhưng than ôi! Nỗi thất vọng của ông quá lớn. Ông buồn không sao tả xiết. Nhưng ông biết mẹ vẫn còn sống. Đó là điều quan trọng nhất. Ông còn biết chính xác phải tìm bà ở đâu. Mẹ ông cũng đã biết con trai mình còn sống. Bà cũng biết phải gặp con trai ở đâu và bằng cách nào. Đó là một bước tiến lớn và đúng hướng. Dù ông có đau buồn đến đâu thì tình yêu ông dành cho mẹ vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí còn sâu nặng hơn. Vậy nên đó chỉ là giai đoạn chuyển giao. Ông không hề bỏ cuộc. Việc gì cũng có thời điểm của nó. Mọi sự đều nằm trong tay Chúa. Ông tận dụng kỳ nghỉ ở Luxembourg để quên đi những ưu phiền, đau khổ mình đã phải gánh chịu. Đây cũng là dịp để ông luôn luôn học cách lạc quan trong cuộc sống. Ông phải bình tâm lại trước khi trở về với gia đình ở Bờ Biển Ngà.

Khi xuống khỏi máy bay ở sân bay Abidjan, Jansen vẫn canh cánh trong lòng về những ngày lưu lại Hà Nội. Ông không thừa nhận mình đã thất bại trong cuộc chiến đấu tìm lại mẹ mình tại Việt Nam. Với ông, cuộc chiến mới chỉ bắt đầu. “Cho hai chúng ta, mẹ ơi” – ông không ngừng nhắc đi nhắc lại để củng cố tinh thần vượt qua mọi thử thách.

Cuộc chiến còn tiếp diễn, cho đến khi một ngày mới bắt đầu.

Phần IV

CUỘC GẶP SAU NHIỀU NĂM XA CÁCH

Cha Jansen Morati làm chứng

Thứ ba ngày 16 tháng 5 năm 2000.

Chuyến bay của hãng hàng không Ari France từ Paris đến Abidjan hạ cánh đúng giờ. Gần như đông đủ gia đình Jansen Morati ra sân bay đón ông. Họ mừng rỡ khi gặp lại, ôm hôn nhau thắm thiết.

Về đến nhà, cha của ông, Roger Morati đã từ Grabos đến Abidjan để đón mừng con trai trở về. Trong lúc bọn trẻ ngồi loay hoay hoan hỉ với đống quà và đồ chơi dành cho chúng, Jansen Morati cùng vợ và cha mình lui vào phòng khách.

– Con trai, cha rất hãnh diện về con. Những gì con làm đã vượt quá bổn phận của một người con trai đối với mẹ mình. Cha chúc mừng con.

– Điều làm con vui nhất bây giờ là cuối cùng đã được về nhà với gia đình. Cha ạ, cha chỉnh lại kính để nhìn cho rõ nhé. Cha có nhận ra người trong ảnh này không?

– Để cha xem nào. Vừa thoáng nhìn cha đã nhận ra ngay mẹ con rồi. Bà ấy quả là đã già đi nhiều. Nhưng đúng là bà ấy. Cha chắc chắn thế. Con tin cha đi. Nếu người phụ nữ này không phải là mẹ của con thì cha không cố tìm cách làm vui con đâu. Con sẽ chịu sức ép tâm lý khủng khiếp. Cha biết điều đó. Cha khẳng định chắc chắn rằng người đàn bà trong bức ảnh này đúng là người vợ tên Tâm của cha, người phụ nữ cha đã quen ở Việt Nam. Bà ấy là mẹ con. Dứt khoát cha không nhìn nhầm.

– Cảm ơn cha. Con tin cha. Từ ngày còn ở Việt Nam con đã có dự cảm bà ấy đúng là mẹ của con.

– Con trai, giờ con tính làm gì đây?

– Con sẽ không làm gì cả. Con chờ đợi. Tất cả chúng ta sẽ kiên trì đợi cho mẹ con nhận được huân chương kháng chiến. Bác Văn Kim sẽ xuống Tiền Giang tìm bà. Con chỉ quay lại Việt Nam chừng nào nhận được tin báo của bác ấy.

– Đúng là con đã được xác định tìm gặp lại mẹ con. Cha khuyến khích con làm điều đó. Nếu không quá già thì cha cũng tính đi cùng con sang Việt Nam. Lại một lần nữa đặt chân đến chiến trường năm xưa, hẳn cha sẽ rất vui và xúc động.

– Nếu ý Chúa muốn vậy thì một ngày kia cha sẽ thực hiện được chuyến đi này thôi.

– Con trai, nói cha nghe nào, theo lời vợ con kể về chuyến đi của con đến Việt Nam thì mẹ con đúng là tay trong của Việt Minh?

– Con đã được nghe kể chuyện này ở Hà Nội.

– Con muốn nói là cha đã cưới một nữ điệp viên của Việt Minh làm vợ mà không biết sao?

– Chính xác ạ.

– Con muốn nói là cha đã cùng chung sống vơi một nữ điệp viên của Việt Minh dưới một mái nhà sao?

– Đúng ạ.

– Ý con là bà ấy đã thu thập thông tin về hoạt động của quân đội Pháp tại Hà Nội?

– Đúng vậy.

– Thật không thể tin nổi. Nếu bà ấy bị sở mật thám Pháp phát hiện thì cha chắc chắn cũng bị coi là tòng phạm. Con hiểu chứ?

– May cho cha là mẹ đã hoạt động rất hiệu quả.

– Từ lúc vợ con giải thích cha hiểu bà ấy hoạt động cho Việt Minh, cha mới nhớ lại một số chuyện.

– Ví dụ như chuyện gì hả cha?

– Nhiều trung đội Pháp đã bị tàn sát trong bẫy phục kích của Việt Minh.

– Chuyện này thì có liên quan gì tới mẹ ạ?

– Hồi đó hầu như ngày nào nhà chúng ta cũng trở thành nơi lính gốc Phi tụ tập. Mẹ con rất thích nấu nướng cho bạn bè của cha đến chơi nhà. Chính bởi lần nào đến chơi cũng được đãi ăn uống nên họ càng đến chơi nhiều hơn, hôm nào cũng vui như mở hội. Chắc chắn là trong những dịp như thế, mẹ con nghe ngóng được nhiều tin tức, để sau đó cung cấp tin cho Việt Minh.

– Cha nói quá lên rồi.

– Cha nói nghiêm túc đấy. Con không tò mò khi trung đội của cha thường không gặp phục kích sao, rõ là bởi cha là lính trong đơn vị này.

– Có lẽ vậy.

– Trung đội của cha chỉ gặp phục kích đúng một lần.

– Nhưng cha thấy đó, không phải lúc nào mẹ cũng đứng đằng sau những cuộc phục kích ấy.

– Có thể nhưng ngày ấy cha vẫn chưa thôi biết ơn bà ấy.

– Tại sao thế thưa cha?

– Mẹ con đã muốn cha xin một giấy xác nhận miễn trừ công tác vì lý do sức khỏe. Bà ấy nài nỉ đến mức cha phải đồng ý. Cha đã đến gặp bác sĩ để xin một giấy miễn quân tác.

– Và cha vẫn còn nhớ chi tiết này sao?

– Nhớ rất rõ là đằng khác. Cha phải cảm ơn mẹ con. Hồi đó, cha đã nói với mẹ con là cha biết ơn bà ấy khi biết một số đồng đội của mình đã rơi vào ổ phục kích. Bà ấy đã cứu mạng cha vì bà ấy đã lường trước những điều sẽ xảy ra với đồng đội của cha. Vậy nên hôm nay, cha không ngạc nhiên lắm khi con thông báo với cha, mẹ con là một điệp viên nằm vùng của Việt Minh.

– Tất cả những chuyện đó đã qua rồi. Cha này, trong số bạn bè cha đang sống ở Bờ Biển Ngà, có ai hồi đó thường xuyên qua lại nhà cha mẹ ở Hà Nội không?

– Cha đoán được chủ ý của con rồi. Có một người, ông ấy tên là Octave Chapli, đang sống ở Bako. Mẹ con không thích những lần ông ấy ghé thăm bất chợt vì ông ấy có phần lạm dụng lòng tốt của bà ấy. Ta đoán con sẽ đưa ông ấy xem tấm ảnh này, phải vậy không?

– Cha không giận chứ?

– Không hề. Nhất định con sẽ yên tâm hơn. Nếu con muốn đưa cha về Grabos thì chúng ta sẽ cùng ghé qua Bako thăm nhà ông ấy.

– Con đồng ý.

– Con mời cha và anh ra dùng bữa – bà Morati lên tiếng. Con đã chuẩn bị một thực đơn toàn món đặc sản quê nhà.

Thứ bảy, ngày 20 tháng Năm năm 2000.

Jansen Morati đưa cha đến Bako, cách thủ đô Abidjan của Bờ Biển Ngà ba trăm năm mươi cây số về phía Bắc. Đến nơi, họ thẳng hướng nhà ông Octave Chapli, bạn chiến đấu cùng Roger Morati ở Việt Nam. Ông này rất bất ngờ khi thấy họ đến nhà.

– Ngọn gió lành nào đưa cả hai cha con đến nhà tôi thế này?

– Hai cha con tôi ghé qua chào ông thôi. Ông nhận ra Jansen chứ?

– Tất nhiên là nhận ra chứ! Nhân tiện đã ghé qua, cho tôi xin số điện thoại, địa chỉ liên lạc của nó. Ngày nào đó, thế nào tôi cũng cần gọi đến nó.

– Không vấn đề gì ạ. Chú cho cháu mượn cái bút bi được không ạ?

Ông Octave Chapli đưa cho Jansen Morati một mẩu giấy và một cây bút chì.

– Chú cầm giùm cháu tấm ảnh để cháu ghi lại số điện thoại.

Jansen Morati vẫn liếc nhìn về phía chú Octave Chapli trong khi tay đang viết mấy số điện thoại liên lạc của mình. Ông Chapli cũng ngó qua bức ảnh. Ông liền thốt lên kinh ngạc.

– Roger này, đây không phải là Tâm, vợ cậu sao?

– Con trai, con thấy rồi đấy. Cha không nhầm. Cả hai chúng ta đều nhận ra bà ấy ngay tức khắc.

– Làm sao hai cha con có được tấm ảnh này. Bà ấy già đi nhiều, nhưng đúng là Tâm. Tôi nhận ra bà ấy ngay, làm sao mà nhầm được.

Roger Morati giải thích cho bạn nghe hành trình gian nan của Jansen đến Việt Nam, về những ngày con trai ông lưu lại Hà Nội.

Ông Octave Chapli sững sờ kinh ngạc trước câu chuyện về chuyến đi mà ông không thể ngờ lại có thể thực hiện được. Ông nghe chuyện mà nước mắt rơm rớm. Ông đứng dậy ôm hôn Jansen thật lâu. Vẫn còn nghi hoặc, ông ngồi xuống và ngắm nhìn bức ảnh chụp Tâm mà ông vẫn thường thích ghé nhà quấy quả.

Hai cha con nhà Morati từ biệt ra về. Họ tiếp tục lên đường về Grabos, cách Bako hai nhăm cây số về phía Đông, nơi người cha sinh sống.

Roger cho gọi ba bà vợ lên để thuật lại chuyến đi của con trai đến Việt Nam, đem cả tấm ảnh của mẹ Jansen ra làm bằng. Mấy bà vợ đón nhận tin này không mấy hào hứng. Jansen Morati chỉ kịp ăn bữa trưa rồi xin phép quay về Abidjan.

Jansen về nhà mình ngay trước nửa đêm.

– Em hy vọng giờ anh đã yên tâm hơn – vợ ông hỏi.

– Cũng chưa hoàn toàn yên tâm.

– Sao anh yêu cầu cao vậy? Anh biết Quang – Tâm chính là mẹ anh rồi còn gì. Anh đừng lo lắng không đâu nữa, ông nội bọn trẻ và ông Octave Chapli đã làm chứng chuyện đó rồi.

– Anh đang có nhiều lý do để khẳng định bà ấy quả thật là mẹ mình. Nhưng anh vẫn cần nói chuyện với bà ấy để làm rõ một số chi tiết nữa.

– Chi tiết gì?

– Ngay lần liên lạc đầu tiên, mẹ sẽ phải hỏi anh một câu cốt yếu, câu hỏi duy nhất sẽ giải phóng hoàn toàn cho cả hai mẹ con. Vì đó cũng là mối quan tâm của mẹ.

– Là chuyện gì vậy?

– Anh có một người em gái ruột không may đã thiệt mạng ở ngoài khơi Colombo thuộc Sri Lanka, trên chuyến tàu chở ba cha con từ Sài Gòn về Abidjan. Suốt những ngày lưu lại Việt Nam, anh vẫn chưa nói tin này cho bất kì ai.

– Giờ thì em hiểu rồi.

– Không ai trong số những người anh quen ở Việt Nam biết bà Quang – Tâm đã có với cha anh hai người con, một trai một gái. Mẹ cậu Tiêu cũng ngờ ngợ chuyện này nhưng không dám chắc. Anh không đến để tranh cãi xem em gái anh đã từng được sinh ra hay không, bác Văn Kim sẽ báo lại anh biết nếu bà nhắc đến điểm này.

– Em biết anh muốn gì rồi.

– Nếu Quang – Tâm đúng là mẹ anh, tất nhiên bà sẽ hỏi thăm anh trước hết về em gái anh. Em thấy có đúng không?

– Em cũng nghĩ như anh.

– Đây chính là chi tiết nhỏ mà anh trông đợi ở mẹ khi bác Văn Kim báo hiệu cho anh sang Việt Nam gặp bà. Anh sẽ xin nói chuyện điện thoại với bà trước khi lên đường. Còn chuyện có đi hay không lại phụ thuộc vào câu hỏi liên quan đến em gái anh.

– Thế nếu mẹ không hỏi anh chuyện này thì sao?

– Nếu vậy thì anh sẽ biếu cho người tự xưng là mẹ anh một khoản tiền. Còn bản thân anh sẽ không thôi tìm kiếm. Anh có thể tìm kiếm ở Việt Nam theo những hướng khác.

– Nếu quá xúc động khi gặp anh, mẹ có thể quên hỏi anh câu mà anh mong muốn lắm chứ.

– Một người phụ nữ đã không được nhìn mặt các con mình từ bốn nhăm năm nay làm sao có thể phản ứng khác đi được nếu gặp lại chỉ một trong hai đứa? Anh không tin.

– Anh có lý. Em đồng ý với anh. Vậy làm thế nào để thuyết phục mẹ đến Bờ Biển Ngà ở chơi với con cháu vài tháng?

– Bác Văn Kim sẽ chịu trách nhiệm thuyết phục mẹ cũng như tất cả họ hàng bên ngoại anh.

– Bác ấy sẽ làm thế nào mà thuyết phục được họ nhỉ?

– Bác Văn Kim đã có khái niệm rõ ràng về hoàn cảnh sinh sống của gia đình ta ở bên này. Anh đã gián tiếp nói cho bác ấy hiểu. Anh nghĩ bây giờ bác Văn Kim đã hoàn toàn tin tưởng vào khả năng chăm lo cho mẹ chu đáo, hơn cả những gì bác ấy trông đợi.