NGƯỢC DÒNG

 

Truyện ngắn

Câu chuyện này được bắt đầu từ bối cảnh không lấy gì làm thú vị. Nghĩa là bắt đầu từ cơn say rượu của một người đàn ông.

Tối hôm đó người đàn ông chặn Hạnh ở giữa đường và bảo:

– Anh yêu em!

Lời tuyên bố thốt ra đột ngột, sỗ sàng khiến chị gai người vì giận dữ. Gió từ mặt sông thốc lên như vốc từng nắm bụi bẩn ném vào mặt vào ngực. Dưới mặt sông đèn soi cá lấp loá. Tiếng gõ mồi lễnh loãng. Đây đó những gốc phi lao cằn cỗi khẽ vặn mình.

– Anh yêu em mà. Em là ai?

Hạnh thấy hoảng sợ. Đứa con trong bụng chị sẽ cựa quậy. Người đàn ông bỗng đặt tay lên bụng chị.

– Em là ai?

Hạnh ném chiếc đèn bão xuống cát và vùng bỏ chạy. Người đàn ông gào lên đằng sau.

“Anh yêu em! Anh yêu em…!”

 Gã cúi xuống nhặt chiếc đèn bão treo lên cành cây phi lao, thì thầm trong gió lời của một bài hát:

“Khi em bỗng thấy buồn. Hãy tìm đến bên anh. Khi lệ sầu đỏ mắt…”

Chị xuống bến, chờ gã đàn ông đi khuất mới dám lên lấy cái đèn. Trong bóng tối, Hạnh đứng giơ cao ngọn đèn ở bờ sông, chờ xuồng đánh cá của chồng cập bến. Hai vợ chồng lúi húi đổ cá vào thúng khuân lên bờ.

– Hồi nãy tôi thấy cái đèn treo trên cây.

– Ờ, em mệt.

– Cô mệt thì nghỉ ở nhà, đi đón tôi làm gì? Con Hoa ngủ à?

– Nó ngủ.

 Chồng Hạnh vác lưới lên vai rồi khom người nhấc gánh cá.

– Để em!

– Cô cầm đèn đi.

Hai vợ chồng hối hả về nhà. Căn nhà lá của họ nằm ở rìa Cồn Mắm. Xung quanh là cả một vườn khế ngọt. Vào mùa xuân, hương hoa khế thơm dịu toả khắp bờ cồn. Lúc đó dường như nước sông cũng có mùi thơm. Cá đánh lên tươi rói, thường rất được giá. Thỉnh thoảng con Hoa lại vớ được một con sâu khế tròn trùng trục. Nó vừa thích lại vừa sợ, lấy cái que chọc chọc vào con sâu tới khi con sâu bị đứt làm đôi, rồi bị tan ra từng mảnh. Con Hoa hay hát “Có còn lại gì đâu của đêm xưa ấy. Chỉ còn lại ánh sao chẳng còn đâu tấm lưới…”. Giọng của nó còn hơi  ngọng nhưng ngọt lịm y như Hạnh ngày nào. Mỗi lần nghe con Hoa hát, chị lại chống tay lên cửa sổ nhìn bầu trời rộng lớn. Chị không còn nhớ rõ cái thời bằng tuổi con Hoa. Nhưng hôm nay cơn say rượu của người đàn ông đã thúc vào tim chị chút gì đó mà chị không thể nhận ra.

– Cô sao vậy?

Chồng Hạnh vừa xếp đá lạnh ướp cá vừa nhìn chị lo ngại.

– Cô mệt à?

– Nó đạp mạnh lắm. Em sợ…

– Nói nhảm! Sợ gì?

– Em sợ sẽ yêu nó hơn yêu con Hoa.

Anh thở phì một cái, lầu bầu:

– Cô sắp hai con rồi mà vẫn như trẻ con.

– Cả em cũng không thuộc về em nữa.

 Đêm đó con Hoa chồm dậy kêu đau bụng. Hạnh bắt gió cho con, miết tay vào những đường gân xanh mờ của nó, những đường gân cứ phập phồng theo hơi thở. Chồng chị bật dậy lấy lọ dầu tràm trên tủ, luống cuống thế nào mà anh lại làm đổ lọ dầu xức tóc của vợ. Mùi nước thơm sặc sụa khắp căn nhà lá. Không hiểu sao mùi thơm dầu xức tóc lúc này lại sỗ sàng y như cơn say rượu lúc ban tối của người đàn ông xa lạ. Con Hoa hết đau ngủ thiếp đi. Có lẽ nó ăn nhiều hoa khế quá. Cả anh cũng ngủ thiếp đi mệt mỏi. Hạnh quay mặt vào vách, nhìn sâu vào bóng tối.

*

Người đàn ông say rượu tối hôm trước đứng trước cổng nhà Hạnh nhìn con Hoa chơi đồ hàng ở trên thềm nhà. Lúc đó Hạnh đang vá lưới. Đứa con trong bụng cục cựa như muốn chìa tay ra ánh nắng của mặt trời rực rỡ. Những đám mây bồng bềnh xa vời đùn đẩy nhau. Chị ngửa mặt nhìn lên cao, hoa mắt vì ánh sáng của mặt trời phả xuống qua những chùm lá khế. Hạnh hít một hơi mạnh vào lồng ngực, thắt bụng vào như muốn trêu chọc đứa con. Mấy ngón tay lỗ rỗ kim châm luồn chỉ qua cái khoảng không gian bé tí của lỗ kim. Gió từ dưới sông hắt lên mùi nồng nồng tanh tanh của cá và rong rêu.

– Thế là tôi đã tìm được em.

Người đàn ông từ lúc nào đứng ngay trước mắt Hạnh. Cái tiếng “em” thốt lên không được mạnh bạo cho lắm.

-Tôi… muốn xin lỗi cô!

Hạnh ngỡ ngàng. Chị hầu như đã  không để tâm đến câu nói khi say rượu của người đàn ông tối hôm qua. Bây giờ anh đang đứng trước mặt chị, kiên trì với bộ dạng xanh xao, xộc xệch của mình.

– Tôi xin lỗi cô! Chỉ vì tôi đã uống quá…

Hạnh ngước nhìn người đàn ông. Chị bỗng dịu lòng vì sự cầu khẩn của anh.

– Tôi… sắp có cháu thứ hai. Không phải là thiếu nữ.

– Tôi biết! Nhưng tôi… không còn cơ hội nào nữa.

Ánh mắt ấm áp của anh nhìn chị khiến chị bối rối quá.

– Cô biết không ngày xưa tôi là một tay quậy kinh khủng. Tôi đã từng bơi từ đầu dòng sông này về đến thị xã.

 Chị bắt đầu bị cuốn hút vì những lời lẽ của anh. Có lẽ chị không nên như thế mới phải. Lẽ ra chị phải đứng lên vào nhà rót mời anh một cốc nước và rồi phải tiếp tục cúi xuống công việc của mình. Nhưng chị lại bị cuốn hút bởi một tiếng cười nhẹ của người đàn ông xa lạ; hoặc là do bầu trời rộng lớn quá mà chị chỉ như là một cái chấm cát trên bờ sông, dưới cái vườn khế đang vặn mình răng rắc vì gió.

– Lúc lên khỏi bờ, tôi bị ngã quị không thể đứng lên nổi. Lũ bạn phải giấu tôi vào nhà một đứa, nếu không ông cụ tôi sẽ cho tôi một trận nhừ tử.

Chị nhoẻn miệng cười:

– Chồng tôi ngày trước cũng nghịch lắm.

Anh nhìn bàn tay thoăn thoắt vá lưới của chị, nhăn mặt:

– Hình như lúc nào chị cũng bắt mình phải nghĩ đến chồng nếu không sẽ là tội lỗi.

Chị nhíu mày. Chị không muốn có ai đó soi vào cuộc sống riêng của mình. Đứa con lại đạp cho chị một cái tung cả vạt áo.

– Tôi chỉ muốn nói rằng, lúc bơi qua dọc sông này, tôi đã nhìn thấy một cô bé. Mái tóc cô ấy vàng hoe, bay bay như một bông hoa ngô.

– Anh nói thế nào ấy. Tóc thì chỉ giống râu ngô thôi.

– Nhưng tôi thích gọi cô bé ấy là bông hoa ngô.

– Bây giờ anh ở đâu?

– Tôi ở nhiều nơi lắm. Nhưng không quan trọng gì.

Im lặng lại bao trùm. Lúc Hạnh ngẩng lên, người đàn ông đã đi từ lúc nào. Chị ngồi ngây ra một lúc. Tiếng con Hoa cười khanh khách một mình trong sân nhà làm Hạnh giật mình. Vá xong tấm lưới, chị phơi dọc tấm lưới lên bở rào rồi vào nhà chuẩn bị bữa cơm trưa.

Trong bữa ăn chồng Hạnh hỏi:

– Có thằng nào lảng vảng ở đây thế?

– Em không quen anh ta.

Con Hoa líu lo:

– Chú ấy nói chú ấy yêu mẹ.

 Cả hai người đều làm như không nghe thấy đứa con gái nói gì. Hạnh lặng lẽ dọn dẹp, chuẩn bị những thứ cần thiết cho chồng xuống bến. Anh dặn:

– Tránh xa bệnh tật nhé!

Hạnh đứng dựa vào hàng cúc tần ven sông nhìn chồng thả lưới. Một đàn vịt nước lội lao nhao đặc một khúc sông. Chị không nhìn thấy người chăn vịt đâu cả. Những chiếc xuồng máy chạy xé nước khiến lũ vịt hoảng sợ kêu ầm ĩ và chạy tán loạn. Một thằng bé cởi truồng tồng ngồng đứng trên một chiếc thuyền chở cát vẫy rối rít đàn vịt. Rồi nó lấy những hòn sỏi ra chơi trò ném thia lia xuống mặt nước. Cánh tay đen trũi thích thú giáng xuống nước những cú đòn sỏi như một trận phong ba làm tan tác bầy vịt. Một vài con gục xuống, máu loang mặt sông. Cậu bé con vẫn thích thú với trò chơi độc ác của mình. Mãi tới lúc đó người chăn vịt mới tỉnh ngủ. Ông ta gào lên bắt con thuyền chở cát dừng lại, nhưng nó đã chạy khá xa. Hạnh tự nhận ra, vì sao không ai kể cả chị can thiệp vào chuyện này? Có  phải vì vẻ vô tư trẻ con của thằng bé? Hay chính là sự hờ hững của mọi người?

Vậy mà có người đàn ông vào cái thời buổi bận rộn này lại không quên một cô bé con từ đời nảo đời nào?

Hạnh đã từng là một cô giáo trường làng. Lúc lấy chồng chị nghe lời anh ở nhà giúp anh sấy cá và đem cá đi chợ bán. Thực ra cái lớp một mà chị dạy chưa bao giờ đủ hai mươi đứa, có lúc chỉ có ba đứa cắp sách đến học. Con cái những nhà chài trên Cồn Mắm này không thấy thích học bằng việc đi xúc cát, đãi cá, tết lưới cá và câu tôm đêm. Người lớn không biết nhắc chúng kiên nhẫn học và chờ đợi một tương lai khác hẳn với những công việc của một làng chài. Hạnh cũng không đủ kiên nhẫn thuyết phục lũ trẻ, thuyết phục chồng và chính mình. Chị trở thành một người đàn bà như bao người đàn bà khác ở bến sông này.

Bây giờ tự nhiên chị lại có một người đàn ông hét to cái câu chị chưa được nghe một lần trong đời. Cái câu chị chỉ được nghe trên phim ảnh, đọc trong những trang sách. Rồi anh ta lại đến lấy đi của chị cái câu nói ấy bằng một lời xin lỗi không đầu không cuối.

Dòng sông vẫn chảy lặng lẽ phía trước mặt. Phía trước mặt chị cũng không chỉ có dòng sông. Lần giữa những chiếc thuyền và những tấm lưới giăng, chị vẫn nhận ra chồng mình với cánh tay rắn chắc vồng lên đỏ au. Nước bạc lấp lánh và những giọt mồ hôi ròng ròng.

Đứa con lại đạp lục bục trong bụng. Hạnh rời cái hàng rào cúc tần, nặng nề đi về nhà, trở về cái bếp đang chất đầy cá chờ sấy.

Buổi tối chồng Hạnh hỏi:

– Thằng ấy có còn mò đến không?

Chị hờ hững trả lời, mắt nhìn ra bến sông tối mò:

– Say rượu nói lảm nhảm một lần, lại đến xin lỗi một lần nữa. Có gì đâu?

– Lần sau em nên cẩn thận, nhất là với những kẻ say. Hồi bọn tôi còn ở bộ đội, có thằng đi hủ hoá với vợ người ta rồi uống rượu kể lung tung. Kết quả là bị một nhát vào cái của quý.

Hạnh ngạc nhiên thấy chồng gằn lên rồi cười thích thú vì một câu chuyện vớ vẩn đối với chị. Chị bế con bé Hoa ngủ gật lên giường, căng màn cho con. Rồi chị cũng chui vào màn.

*

Đêm oi tới mức không thể chịu được. Hạnh vùng dậy mở cửa ra khỏi nhà. Chị muốn xuống sông hụp một cái cho mát. Chị cởi quần áo tuồn xuống nước như một con rái cá. Nước mát lạnh và êm ả như cái nệm bông gạo. Những giọt nước bắn lên lấp loá lân tinh. Cả cánh tay và cơ thể tròn trịa của chị cũng lấp loá sáng.

 Hạnh lang thang trên bờ sông đẫm sương đêm. Chị đi qua một cái lều trơ trọi, hình như là lều của người chăn vịt. Cỏ lạo xạo cứa vào chân chị, những giọt sương nhỏ xíu thấm vào bàn chân. Hạnh nghe thấy tiếng ai đó thở nặng nhọc, lắng nghe kỹ như tiếng rên.

Trong cái lều của người chăn vịt, người đàn ông hôm trước đang vật vã đau đớn. Bếp lửa cạnh đó sắp tàn, ấm nước bắc trên bếp chỏng chơ không có nắp. Hạnh quỳ thụp xuống lay người đàn ông:

– Anh gì ơi, anh sao vậy?

Người đàn ông mở mắt, nhìn thấy Hạnh vội nhỏm dậy. Nhưng anh lại gục xuống.

– Anh bị sao vậy? Để tôi đưa anh vào trạm xá nhé.

– Tôi thèm thuốc!

Thoạt đầu Hạnh không thể hiểu người đàn ông thèm thứ thuốc gì. Nhưng rồi chị chợt hiểu ra.

– Cô không phải lo cho tôi đâu. Cô về nhà đi, sương xuống nhiều lắm phải không?

Chị nhóm lại lửa, đun sôi ấm nước. Tìm thấy bên cạnh bếp có một hộp sữa, chị pha cho anh ta một cốc.

– Anh uống đi. Tôi không biết anh là ai. Nhưng anh thế này, tôi không về nổi.

Anh cố nhỏm dậy, mồ hôi túa ra ướt đẫm, run rẩy đỡ lấy cốc sữa. Anh uống từng ngụm một, ngoan ngoãn như một cậu bé.

Nhìn người đàn ông, Hạnh thấy se lòng.

– Nhà anh ở đâu?

– Thị xã! Nhưng chúng tôi còn có nhà ở khắp các thành phố lớn. Mỗi khi bố tôi đi công tác, họ đều lo nhà chu đáo.

– Sao anh không về nhà?

– Thì cô thấy đấy. Tôi đã tự huỷ hoại đời mình. Tôi theo chúng bạn vào một vũ trường, rồi hút thử cái thứ bột trắng chết người. Tôi đã cai, rồi lấy vợ, rồi lại hút lại. Bây giờ người ta nói rằng tôi đã nhiễm căn bệnh chết người. Tôi phải tự xa lánh mọi người thân trước.

Chị ngồi yên lặng nghe anh kể về chính mình mà như về một ai đó tận cuối hành tinh.

– Tôi về đây vì có một việc, cũng không có gì quan trọng cả.

Hạnh khẽ thở dài:

– Anh nên vào bệnh viện đi thôi.

– Tôi không cần cô thương hại đâu.

Anh bỗng quát lớn làm Hạnh giật mình. Vậy mà không hiểu điều gì đã níu chị lại. Người đàn ông dường như dịu đi vì sự vô lý của mình. Cơn đau đã dịu trong ruột. Cơn thèm muốn khủng khiếp cũng đã qua. Gương mặt anh xanh mét trong ánh lửa.

– Tôi đã tự đánh mất mình, mất tất cả.

Chị an ủi anh:

– Tôi cũng không biết là tôi có đánh mất mình không. Hồi trước tôi làm cô giáo lớp một. Lúc lấy chồng thì bỏ dạy. Bây giờ thì tôi cứ nhớ nhớ lũ trẻ.

Chị kể với anh những điều canh cánh trong lòng từ bấy lâu nay. Những điều chị luôn giấu kín, che chắn. Anh gật đầu, cười như là anh đã biết quá rõ về chị. Những ngôi sao nhấp nháy trên bầu trời, lơ lửng giữa không gian như những chùm khế đính lân tinh. Ánh sáng lọt qua cửa lều hoà chung câu chuyện của hai người hoàn toàn không quen biết nhau. Bây giờ anh không đau đớn, cũng không có rượu để trở nên thô lỗ như hôm nọ. Anh ngồi bên bếp lửa nhìn chị cận kề như trong một giấc mơ số mệnh.

– Anh phải đi viện thôi. Sống thế này chẳng phải cuộc sống.

– Chừng nào thì cô sinh?

Chị ngượng ngùng nhưng hớn hở:

– Chừng bốn tháng nữa.

– Tôi đoán là con  trai.

– Tôi cũng mong thế vì đã có con Hoa rồi.

– Tôi thì chưa có con. Khi nào cô sinh tôi sẽ đến tặng cháu một cái đèn lồng thật to thả xuống sông cầu may mắn. Tôi sẽ cầu cho cháu trở thành một chàng trai khoẻ mạnh, tránh xa mọi cám dỗ.

– Cám ơn anh. Thôi tôi chào anh nhé. Kẻo nhà tôi lại đi tìm. Tôi mong anh khỏi bệnh.

– Cô đi cẩn thận. Ngoài ấy tối lắm phải không?

Chị đạp phải một cái gai đau nhói. Giật bắn mình vì bóng người đứng lù lù ngay gần cổng nhà.

– Cô đi đâu vậy?

– Em thấy khó chịu trong người, ra ngoài một chút.

Chồng Hạnh không nói gì, bỏ vào nhà. Anh thắp hết cả ba cái đèn bão lên. Căn nhà sáng rực như có hội. Chị nheo mắt lại vì chói, rồi ngồi xuống bậc cửa. Chị cứ ngồi mãi ngồi mãi ngắm những ngôi sao trên trời. Lúc nãy chúng soi sáng ngoài cái lều cỏ, bây giờ chúng lại soi rõ căn nhà lá với cái giường nhỏ của vợ chồng chị. Hạnh khẽ ho khan. Chồng chị không chịu được nữa, nặng nề thốt lên:

– Cô không thiết ngủ nữa, phải không?

Chị bướng bỉnh nhấc cái bụng nặng nề đứng lên. Trên cái bậu cửa bằng gỗ, in lờ mờ một lớp mồ hôi chị vừa để lại. Hạnh chợt nghĩ lớp mồ hôi kia không còn thuộc riêng chị. Nó có hình bóng thai nhi, hình bóng đứa con nằm co trên giường và thuộc quyền người đàn ông trong căn nhà này. Nó phảng phất cuộc sống đơn sơ, mùi cá muối, mùi lân tinh, mùi gian dối của rượu, gió và sương lạnh; phảng phất mùi bóng tối phủ trên không gian bí ẩn, có thể là có cả vi trùng thương hàn, lao, bạch hầu… Hơn nữa nó lại sáng lên dưới ánh sáng của ba ngọn đèn bão, tố cáo nhan sắc phai mờ của chị. Vì vậy “Nó” đâu còn là của chị nữa.

Một con bọ cạp mò mẫm đến bên bục cửa và rồi quay đi, chẳng vì một lý do nào. Con bọ cạp bò qua mảnh sân con, qua hàng cúc tần rồi trở về với thế giới của nó. Trong thế giới loài người, loài bọ cạp là loài bỏ đi và nếu như suốt đời một con bọ cạp không cắn được người nào thì coi như nó không tồn tại.

Chị rón rén bò vào giường, nằm sát bên cạnh chồng, chỗ qui định của chị, mặc những ngọn đèn sáng thâu đêm. Trong thứ ánh sáng chập chờn đó. Hạnh chờ bàn tay của chồng dịu dàng mơn trớn trên người chị. Rồi chị thì thào:

– Hay là em đi dạy học lại?

Chồng Hạnh rụt phắt tay lại:

– Thằng nào xui cô phải không?

Hạnh ấm ức quay đi. Bỗng nhiên chị muốn nôn kinh khủng. Đứa con ngủ không được yên trong bụng cứ cục cựa. Anh không  nói gì nữa, lăn ra ngủ. Tiếng ngáy đều đều và nhẫn nại như những mẻ lưới được cất lên. Con Hoa tỉnh dậy thì thào:

– Mẹ ngủ đi, để con dỗ em bé ngủ nhé.

Nó vỗ vỗ bàn tay nhỏ xíu lên bụng chị nựng nịu. Hạnh ôm con vào lòng, lặng lẽ để rơi một giọt nước mắt xuống gối. Chị nghĩ đến người đàn ông trong chiếc lều cỏ. Nghĩ đến cơn nghiện và căn bệnh sắp cuốn phăng cuộc đời anh. Nghĩ đến đứa con chưa ra đời và những điều tốt đẹp đang chờ đón nó.

*

Sáng hôm sau, lúc Hạnh đang sấy cá thì có người chạy đến gọi:

– Chị ra ngay cái lều cỏ ngoài bờ sông, có người muốn gặp.

Hạnh bỏ cá chỏng chơ trên sân, chạy thật nhanh. Chị linh cảm có điều gì chẳng lành đang đến với người đàn ông ấy.

Anh nằm trên nền đất ẩm ướt, vật vã. Thấy Hạnh anh chỉ vào cái túi xách nhỏ bên cạnh:

– Cô… em… em mở ra đi.

 Chị mở ra và thấy ngay một cuốn sổ.

– Tôi tặng em cuốn sổ đó.

Chị chưa hiểu sự thể ra sao thì có hai người bác sĩ đến. Họ đến bằng chiếc xe ô tô sang trọng và có vẻ quan tâm đặc biệt đến anh.

Cho đến khi những người bác sĩ đã đưa anh đi, khi đó anh mỉm cười chào tạm biệt chị, và cho đến khi chiếc xe đã khuất sau bụi tre làng, Hạnh vẫn không hiểu gì cả. Cuốn sổ của người xa lạ đang trong tay chị. Thậm chí chị còn chưa biết tên anh. Vậy mà những bí mật của đời anh lại nằm trong những trang giấy đơn sơ này.

Chị ngồi bệt xuống bậu cửa, đọc lướt qua những dòng chữ. Trong một trang mới viết chị đọc thấy những dòng chữ dành cho mình:

“Cô ấy chính là cô bé đã đứng trên bờ sông nhìn mình bơi qua. Đúng là cô bé hoa ngô. Lúc đó mình đã thề một lời thề trẻ con là lớn lên sẽ đi tìm cô ấy. Lẽ ra mình đã quên nếu như không tình cờ gặp cô đứng trên bờ đá chờ chồng…”

Hạnh đặt cuốn sổ lên gờ bếp, sấy nốt mẻ cá dở dang. Lúc quay ra sân lấy cá, quay vào nhà thì thấy cuốn sổ đang nằm gọn trong bếp lò. Lửa đang bén rừng rực vào những trang giấy. Cạnh bếp con Hoa đang khoái chí ném từng tờ vào lò sấy. Hạnh hoảng hốt giằng lại. Nhưng trên tay chị chỉ còn nham nhở những dòng chữ. Trang cuối cùng nguyên vẹn nhất lại chỉ có độc mỗi câu: “Anh yêu em”. Hạnh hoa mắt vì ánh lửa nóng rực ngay sát cạnh. Chị nhìn chằm chằm vào ba chữ đó, thử nghĩ xem nếu chúng dành cho mình…

Lúc đó chồng chị bước vào, vô tình nhìn thấy ba chữ đáng sợ đó. Anh sững lại vài giây, nhìn thấy con gái và vợ đang trong những vẻ mặt kì quặc. Đôi mắt chị bối rối nhìn anh và rồi lại nhìn đi đâu xa lắm. Tim anh run lên. Đôi môi tái nhợt vì hơi nước và nắng gió run lên theo và rồi méo xệch thật đáng sợ.

Anh lao ra sông, nhảy ào xuống nước. Nước mát lịm vỗ về anh.

Hạnh chạy ra ngoài sông gọi chồng. Chị hốt hoảng thấy anh chìm trong nước. Hạnh gào to tên anh. Lúc đó anh chồi lên khỏi mặt nước rồi gọi lại:

– Về với con đi!

Chị ngồi chờ anh trên bờ. Yên lặng nhìn anh nhảy lên con thuyền, tháo dây neo. Nước chảy ròng ròng trên cơ thể mặn mòi đang quay lưng về chị. Rồi anh hét lên gọi tên chị:

– Hạnh ơi…! Tôi đi với đám bạn chài lên ngược.Về với con đi!

Cánh buồm căng lên, phập phồng một lúc rồi kéo con thuyền đi băng băng. Lúc sau nó khuất hẳn trong tầm nhìn của Hạnh.

Hạnh sinh con trai một thời gian sau mà vẫn không thấy chồng về. Ngày sinh con, chị sống trong tâm trạng xáo trộn. Thứ tình cảm mà khi oán trách một người nào đó, người ta không nhận ra hình ảnh người đó đã ngấm sâu trong lòng; khi yêu thương một người nào đó, người ta cũng không nhận ra hình ảnh người đó đã mòn mỏi trong lòng.

Cho tới một ngày có cơn gió thổi tới lật tung mái tóc chị, phơi ra mấy sợi tóc bạc…

Từ lúc đó hàng chiều Hạnh thường bỏ con lang thang trên bờ sông. Chị tự tưởng tượng ra cái đèn lồng, chờ bóng tối xuống cắm nến vào trong đèn, rồi thả trôi lập lờ trên nước. Ánh đèn hồng lung linh khi mờ khi tỏ, lúc gặp gió thì bừng sáng lên, trôi đi vùn vụt.

Đứa con gái thường ngồi trông em và chờ mẹ trên hè nhà. Nó lấy tay che ánh nắng hoàng hôn rọi vào mắt để nhìn ra sông. Nó đếm những con thuyền đi qua, chờ con thuyền quen thuộc trở về. Nhưng từ phía đó chỉ có tiếng vịt lao xao vọng lên như dư âm của loài chim cổ.

Hạnh bảo với con Hoa:

– Mẹ nghĩ ba mẹ con mình sẽ đi tìm bố về. Sau đó mẹ sẽ làm cô giáo.

Con Hoa cười:

– Con thích mẹ làm cô giáo.

Rồi nó bần thần:

– Sao bố đi lâu thế?

– Bố đi tìm một kho cá bạc.

– Có tìm được không hả mẹ?

Hạnh cũng bần thần nhìn ra bờ sông:

– Cũng có thể là chưa tìm được con ạ.

– Con biết rồi. Có phải là chú yêu mẹ bảo mẹ thế. Mẹ lại bảo cho bố. Đúng không?

Hạnh không trả lời con. Chị đang nhìn thấy chiếc đèn lồng cầu hạnh phúc và may mắn cho con trai cùng con gái của mình.

Một hôm người ở bến sông trên Cồn Mắm nhìn thấy Hạnh cõng đứa con trai trên lưng, cùng đứa con gái đẩy con thuyền nhỏ ngược dòng sông….